Dịch giả: Anh Tô
Chương mười năm

     a chiếc xe đạp nhỏ màu hồng dựng thành hàng trước hiên nhà, tất cả đều được trang trí với giỏ xe màu trắng, dây nơ quấn quanh tay lái. Tôi nhìn trộm một giỏ và thấy một thỏi son bóng lớn và một điếu thuốc trong túi đựng sandwich.
Tôi đẩy cửa hông và bước lên nhà. Bọn con gái đang ở trong phòng Amma cười khá lớn, la hét đầy phấn khích. Tôi mở cửa mà không thèm gõ trước. Tôi biết thế là bất lịch sự, nhưng tôi không chịu nổi sự bí mật mập mờ, vội vã tỏ ra vô tội, ngây thơ trước mặt người lớn. Ba đứa tóc vàng đứng thành vòng tròn quanh Amma, mặc toàn quần sóc và váy ngắn khoe đôi chân được cạo lông nhẵn nhụi. Amma thì ngồi trên sàn nghịch cái nhà búp bê của nó, một týp keo siêu lớn bên cạnh nó, tóc cột trên đỉnh đầu, thắt nơ xanh. Chúng cười ré lên khi tôi chào, một tia chớp nữa lại thoáng qua, những nụ cười hớn hở, như những con chim bị giật mình.
“A, Mille”, Amma thốt lên, trán không còn băng nữa nhưng có vẻ vẫn hơi bầm và sốt. “Bọn em đang chơi búp bê. Em có cái nhà búp bê đẹp nhất phải không?” Giọng nó ngọt ngào, bắt chước y hệt mấy đứa trẻ trong những bộ phim gia đình thập niên 50. Khó mà đánh đồng nó với con bé Amma đưa thuốc phiện cho tôi hai hôm trước. Đứa lừa bạn mình cho đám con trai lớn hơn, chỉ để cười.
“Vâng, Camille, chị không thích nhà búp bê của Amma à?” Một đứa tóc màu vàng đồng nói đế theo, giọng khàn khàn. Jodes là đứa duy nhất không nhìn tôi. Thay vào đó, nó chỉ chăm chăm vào cái nhà búp bê như thể sẽ chui được vào đấy.
“Em khỏe hơn chưa Amma?”
“Ồ, chắc chắn rồi, chị yêu dấu”, nó cười hi hi. “Em mong là chị cũng khỏe”.
Bọn con gái cười rúc rích lần nữa như lên cơn co giật. Tôi đóng cửa lại, thấy khó chịu vì trò chơi mà mình không hiểu. “Có lẽ chị nên mang Jodes theo cùng”, một đứa trong nhóm nói với theo phía sau cánh cửa đóng. Jodes không thuộc về nơi này.
Tôi vẫn tắm nước ấm dù trời nóng - mặc dù sứ trắng trong bồn ửng hồng lên - ngồi vào trong bồn, trần truồng, tì cằm lên đầu gối để nước vỗ về quanh người. Phòng có mùi xà phòng bạc hà và vị ngọt, mùi... của tình dục, của đàn bà. Tôi vẫn còn non nớt và mặc dù đã làm tình và cảm thấy tốt lên. Tôi nhắm mắt lại, ngụp xuống nước và để nước tràn vào tai. Một mình. Tôi ước gì có thể khắc chữ này vào da mình, rồi tôi ngạc nhiên rằng từ này không tha thứ cho cơ thể tôi. Mảng da mà Adora đã cạo hết tóc khiến tôi sởn gai ốc, mặt tôi cũng lạnh rồi khi mở mắt ra và thấy bóng mẹ lờ mờ ngoài cửa kính phòng tắm, mái tóc vàng của bà rũ trên mặt.
Tôi lảo đảo đứng dậy, quấn ngực lại, làm bắn vài tia nước lên chiếc váy bông mùa hè màu hồng của bà.
“Cưng à, con đã đi đâu vậy? Mẹ lo quá. Mẹ muốn tự đi tìm con nhưng tối qua Amma bệnh nặng”.
“Amma bị làm sao?”
“Tối qua con đã ở đâu vậy?”
“Amma bị làm sao, mẹ?”
Bà chạm tay vào mặt tôi và tôi lùi lại. Bà cau mày và chạm vào tôi lần nữa, vỗ vào má tôi, vuốt mái tóc còn ướt. Khi bỏ tay ra, bà sững sờ nhìn sự ướt át đấy, cứ như thế nó làm hỏng da bà.
“Mẹ phải chăm sóc con”, bà chỉ nói thế. Tay tôi sởn gai ốc. “Con yêu, con lạnh à? Đầu ngực con săn lại kìa”.
Bà cầm một ly sữa, lẳng lặng đặt vào tay tôi. Hoặc là món này làm tôi muốn bệnh và tôi biết mình không bị điên, hoặc không phải thế và mình là một con người đầy thù hận. Tôi uống ly sữa khi mẹ đang ngâm nga gì đấy và liếm môi dưới của bà, một cử chỉ lộ liễu, gần như là khiêu khích.
“Lúc còn nhỏ, con chẳng ngoan tí nào”, bà nói. “Lúc nào cũng bướng bỉnh. Có lẽ tâm hồn con cũng tổn thương một chút. Theo khía cạnh tốt. Khía cạnh cần thiết”.
Bà rời đi và tôi ngồi đợi trong phòng tắm gần một giờ xem có chuyện gì xảy ra không. Dạ dày cuộn thắt, choáng váng hay sốt gì đấy. Tôi ngồi yên như khi trên máy bay, khi tôi lo lắng chỉ một chuyển động bất ngờ cũng khiến máy bay lộn nhào. Không có gì xảy ra. Amma đang ngồi trên giường lúc tôi mở cửa.
“Nhìn chị ghê quá”, nó nói, vòng tay hững hờ ôm lấy người. “Em không ngờ chị lại ngủ với thằng giết con nít đó. Chị dơ dáy hệt như bà ấy nói”.
“Đừng có nghe những gì mẹ nói, Amma. Mẹ không phải là người đáng tin cậy. Và đừng...” Gì nhỉ? Nhận lấy bất cứ thứ gì từ mẹ? Nói ra cái điều mà mi nghĩ đi, Camille. “Đừng chọc tức chị, Amma. Trong ngôi nhà này mọi người làm tổn thương nhau nhanh chóng quá”.
“Kể cho em về cái đó của nó đi Camille? Có tuyệt không?” Giọng con bé đầy vẻ bẽn lẽn, giống kiểu nó từng nói với tôi lúc trước, nhưng không vô tư: nó oằn người dưới chăn của tôi, mắt hơi dại đi, mặt ửng đỏ.
“Amma, chị không muốn nói những chuyện này với em”.
“Chị không tỏ vẻ kẻ cả với em như thế mấy đêm trước, chị à. Bọn mình không còn là bạn của nhau nữa à?”
“Amma, chị phải đi nằm đây”.
“Một đêm bạo liệt hả? Chà, chờ xem - mọi thứ sẽ còn tệ hơn đấy”. Nó hôn lên má tôi và trượt xuống giường, loẹt xoẹt đi xuống sảnh với đôi dép nhựa to tướng.
Hai mươi phút sau, cơn nôn mửa ập đến, bụng tôi quặn thắt lại, mồ hôi tuôn ra đến độ tôi hình dung dạ dày mình xoắn lại và bùng cháy như một cơn đau tim. Tôi ngồi xuống sàn cạnh toilet, tựa vào tường với chiếc cái áo thun rộng thùng thình. Tôi có thể nghe mấy con chim lách chách với nhau bên ngoài. Tiếng mẹ đang gọi Gayla trong nhà. Một tiếng trôi qua và tôi vẫn còn nôn, dòng dịch xanh trào ra từ miệng tôi như si rô, chậm rãi và đặc quánh.
Tôi choàng áo quần vào và rón rén đánh răng, cho bàn chải vào miệng quá nhiều làm tôi lại buồn nôn.
Alan ngồi ở hiên nhà đọc một quyển sách to bọc da, chỉ có tựa đề “Loài ngựa”. Một cái tô thủy tinh màu cam để trên tay ghế của ông, ở giữa là bánh pudding xanh. Ông ấy mặc bộ đồ vải sọc nhăn màu xanh, đội nón Panama. Ông im như thóc.
“Mẹ có biết con ra ngoài không?”
“Tôi sẽ về ngay”.
“Gần đây con cư xử tốt hơn với mẹ con đấy, Camille, vì thế ta cám ơn con. Bà ấy có vẻ khá hơn. Và ngay cả cách đối xử với... Amma cũng thoải mái hơn”. Dường như ông luôn ngừng lại trước tên con gái ông, như thể nó ngụ ý thứ gì đó bẩn thỉu.
“Tốt, Alan, tốt đấy”.
“Ta mong con cũng thấy tốt hơn về bản thân, Camille. Nó là điều quan trọng, yêu quý chính mình. Một thái độ xấu cũng dễ lây lan như thái độ tốt vậy”.
“Đọc sách vui nhé”.
“Lúc nào cũng vậy”.
Trên đường đến Woodberry, bị ngừng lại với hai cú ngoặt vào đường vì tôi nôn ra mật xanh mật vàng và một chút máu. Dừng lại ba lần, một lần tôi nôn ra bên hông xe, không kịp mở cửa. Tôi dùng ly cũ đựng nước dâu ấm và vodka để rửa sạch nó.
Bệnh viện St.Joseph ở Woodberry là một khối gạch màu vàng khổng lồ, được chia thành từng ô bằng những khung cửa sổ màu hổ phách. Marian từng gọi nó là bánh quế. Phần lớn khắp nơi đều yên ả: nếu sống hẳn về phía tây, người ta đến khám ở Popular Buff, nếu ở phía bắc thì đến Cape Girardeau. Người ta chỉ đến Woodberry khi bị mắc kẹt ở vùng tận cùng của Missouri.
Một phụ nữ to con, ngực tròn một cách buồn cười, đang ra dấu Đừng làm phiền ở bàn Hướng dẫn. Tôi đứng đó và chờ. Cô ta vờ như đang đọc gì đấy. Tôi đến gần hơn. Cô ta lần ngón tay theo từng dòng chữ trên quyển tạp chí và tiếp tục đọc.
“Xin lỗi?” Tôi nói, giọng vừa nóng nảy vừa kẻ cả, ngữ điệu mà ngay cả tôi cũng không ưa nổi.
Cô ta có ria mép và ngón tay vàng do hút thuốc lá, hợp với hàm răng xỉn màu lộ ra từ môi trên của cô ta. Khuôn mặt mà con trưng ra ngoài sẽ cho thế giới biết là họ nên cư xử thế nào với con, mẹ tôi thường nói vậy mỗi khi tôi từ chối để bà chải chuốt cho mình. Người phụ nữ này không được người ta đối xử tử tế.
“Tôi cần xem lại một vài hồ sơ y tế”.
“Yêu cầu bác sĩ của cô đi”.
“Đó là em gái tôi”.
“Vậy thì bảo em gái cô yêu cầu với bác sĩ của nó đi”. Cô ta lật sang trang mới trong cuốn tạp chí.
“Em gái tôi đã chết rồi”. Có cách nói khác nhẹ nhàng hơn nhưng tôi muốn cắt ngang sự dửng dưng của người phụ nữ này. Ngay cả khi bất động, sự chú ý của cô ta vẫn thiếu thiện chí.
“À, xin chia buồn với gia đình. Con bé chết ở đây à?” Tôi gật đầu.
“Chết lúc nhập viện. Nó trải qua nhiều đợt điều trị cấp cứu ở đây và bác sĩ của nó cũng làm ở đây”.
“Chết ngày nào?”
“Ngày 1 tháng Năm năm 1988”.
“Trời đất! Lâu quá rồi. Hy vọng cô kiên nhẫn”.
Bốn tiếng sau, sau hai tiếng thét hợp với cô y tá dửng dưng, một cô tán tỉnh trong tuyệt vọng với anh nhân viên hành chính có khuôn mặt nhợt nhạt, và ba lần chạy vào toilet để nôn, cuối cùng thì hồ sơ của Marian cũng đặt trên đùi tôi.
Hồ sơ theo từng năm, trong suốt cuộc đời nó, ngày càng dày hơn. Một nửa ghi chép của bác sĩ mà tôi không hiểu gì cả. Một số liên quan đến yêu cầu và hoàn tất nhiều cuộc xét nghiệm, nhưng chẳng ích gì. Kiểm tra não và tim. Một quá trình khác yêu cầu đưa camera xuống sâu cuống họng của Marian để kiểm tra dạ dày của em khi nó đầy chất phóng xạ. Máy hỗ trợ nhịp tim. Những bệnh nghi có thể mắc phải: tiểu đường, tim thổi, acid trào ngược, bệnh gan, tăng áp phổi, trầm cảm, chứng Crohn, lao da. Rồi, một tờ giấy nữ tính màu hồng kẹp giữa đống giấy tờ. Về báo cáo kiểm tra dạ dày của Marian. Nét chữ rõ ràng, hơi tròn nhưng đầy phẫn nộ - cây bút đè nét rất mạnh trên từng chữ.
Nó viết:
Tôi là y tá tham gia vào quá trình xét nghiệm của Marian Crellin trong tuần này, cũng như chăm sóc cho bệnh nhân trong quá trình điều trị nội trú. Tôi cật lực có ý kiến (gạch dưới từ cật lực) rằng đứa bé này không hề bệnh tật gì cả. Tôi tin rằng nếu không phải vì lỗi của bà mẹ, cô bé sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Đứa trẻ chỉ có biểu hiệu bị bệnh sau khi chỉ có hai mẹ con ở cạnh nhau một thời gian, thậm chí cả những ngày cô bé đã có vài tiến triển tốt, cho đến khi có những chuyến thăm nom. Người mẹ tỏ ra không quan tâm đến Marian khi cô bé khỏe mạnh, trên thực tế là có vẻ trừng phạt cô bé. Người mẹ chỉ ôm con bé khi nó khóc hoặc ốm. Tôi và một vài y tá, vì một số lý do hành chính không đồng ý ký tên ở đây, dưới tuyên bố của tôi, cho rằng đứa trẻ này, và cả chị gái của nó, cần được hoàn toàn cách ly khỏi gia đình để quan sát theo dõi tiếp.
Beverly Van Lumm
Sự phẫn nộ hoàn toàn chính đáng. Người ta có thể còn làm hơn thế. Tôi hình dung ra Beverly Van Lumm, ngực nở và tóc buộc chặt thành búi, nguệch ngoạc viết lá thư trong căn phòng ngay bên cạnh nơi mà buộc phải để Marian lại trong vòng tay mẹ tôi, chỉ là vấn đề thời gian, không bao lâu sau thì Adora bắt đầu la khóc gọi y tá đến xem.
Tôi đi theo y tá xuống khoa nhi, đó là một căn phòng lớn có bốn giường, chỉ hai cái là có người nằm. Một bé gái nhỏ đang yên lặng đọc sách, cậu bé kế bên thì đang nằm ngửa, say ngủ, cổ đeo một chiếc trụ kim loại có đế cố định xương.
Beverly van Lumm không giống tôi hình dung cho lắm. Có lẽ bà hơn năm mươi tuổi, gầy gò, mái tóc bạc cắt sát đầu. Bà mặc quần y tá và áo khoác ngoài màu xanh sáng, một cây bút giắt sau tai. Khi tôi tự giới thiệu, bà nhận ra ngay, không chút ngạc nhiên là cuối cùng tôi cũng tìm đến bà.
“Thật tốt là được gặp lại cháu sau ngần ấy năm, dù tôi ghét tình cảnh như thế này”, bà nói với giọng trầm ấm. “Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ là chính Marian sẽ đến đây, con bé trưởng thành, đến cùng với một hay hai đứa con gì đấy. Mộng tưởng cũng thật nguy hiểm”.
“Cháu đến vì đã đọc những ghi chú của bà”.
Bà khịt mũi, đóng nắp bút.
“Hăm dọa có tác dụng thật. Nếu hồi đấy tôi không còn quá trẻ và không bị lo lắng, kinh hãi bởi mấy vị bác sĩ khả kính quanh đây thì có lẽ tôi đã làm nhiều hơn là chỉ viết một ghi chú. Bởi vì cái thời đó, tố cáo người mẹ là điều chưa từng xảy ra. Tôi suýt bị sa thải. Cháu sẽ chẳng tin nổi những chuyện như vậy đâu. Cứ như truyện cổ Grimm vậy, MBP”.
“MBP?”
Munchausen by Proxy - hội chứng gây tổn thương cho người khác để thu hút sự quan tâm. Người chăm sóc, phần lớn là người mẹ, làm cho con mình bị bệnh để người ta chú ý đến bà ấy hơn. Với chứng Munchausen, người ta tự làm mình bệnh để người khác phải đế ý đến mình. Còn với MBP, người ta làm cho con cái mình bệnh để ra vẻ mình là người mẹ đáng thương, yêu con biết bao nhiêu. Nghe có vẻ như truyện cổ Grimm, cháu hiểu ý tôi không? Như mấy bà tiên ác hay làm ấy. Tôi ngạc nhiên là cháu chưa bao giờ nghe đến nó”.
“Nghe quen quen”, tôi nói.
“Giờ thì nó đã trở thành căn bệnh nổi tiếng. Phổ biến. Mọi người thích cái gì mới mẻ và ghê rợn. Tôi nhớ chứng biếng ăn đã trở thành giai thoại vào những năm 80 như thế nào. Càng nhiều phim trên tivi chiếu về nó, càng nhiều cô gái tuyệt thực. Dù sao đi nữa, cháu có vẻ ổn. Tôi mừng vì điều đó”.
“Cháu cũng tạm. Cháu còn một đứa em gái nữa, sau Marian, giờ thì cháu đang lo cho nó”.
“Cháu nên như thế. Có một người mẹ bị chứng MBP không phải là chuyện tốt. Cháu rất may là mẹ không quan tâm đến cháu nhiều”.
Một người đàn ông áo xanh ngồi xe lăn từ từ đi xuống sảnh, hai người đàn ông to béo khác ăn mặc giống nhau đi phía sau cười nói.
“Sinh viên y khoa”. Beverly đảo mắt và nói.
“Không có bác sĩ nào theo dõi sau báo cáo của bác à?”
“Tôi gọi nó là báo cáo nhưng họ lại coi đó là hành động của một y tá nhỏ nhen, trẻ con, đầy tính ganh ghét. Như tôi đã nói, thời đại khác. Giờ thì y tá nhận được một chút tôn trọng. Chỉ một chút xíu thôi. Và thành thực mà nói, Camille, tôi cũng không nỗ lực quá với nó. Lúc đó tôi vừa mới ly hôn, tôi cần việc làm, và tận đáy lòng mình tôi cứ mong có ai đó bảo rằng tôi sai rồi. Người ta cần tin rằng người ta sai lầm. Khi Marian qua đời, tôi uống say hết ba ngày. Con bé đã được chôn cất trước khi tôi đào lại vụ này lần nữa, hỏi bác sĩ trưởng khoa nhi xem liệu ông ấy có thấy báo cáo của tôi không. Tôi được yêu cầu nghỉ một tuần. Người ta nói tôi là một trong những phụ nữ dễ bị hoảng loạn”.
Mắt tôi bỗng cay và ướt, và bà ấy cầm lấy tay tôi.
“Tôi xin lỗi, Camille”.
“Trời ơi”, tôi giận điên lên. Nước mắt rơi lã chã trên má và tôi quệt bằng mu bàn tay cho đến khi Beverly đưa tôi khăn giấy. “Sự việc xảy ra như vậy. Thế mà cháu mất quá lâu mới phát hiện ra”.
“Chà, cưng ơi, bà ấy là mẹ cháu. Tôi không thể hình dung ra được điều gì đã xảy ra với cháu để cháu phải bám lấy việc này như vậy. Ít ra có vẻ công lý đã được thực thi rồi. Thế phía điều tra theo vụ này bao lâu rồi?”
“Điều tra?”
“Willis, phải không? Một anh chàng trẻ, ưa nhìn, sắc bén. Anh ta chụp lại từng trang trong hồ sơ của Marian, tra vấn tôi cho đến khi tôi chịu không nổi. Không phải cháu bảo còn một bé gái nữa dính đến vụ này sao? Cậu kia bảo tôi là cháu ổn mà. Tôi nghĩ là cậu ấy phải lòng cháu, cậu ấy luống cuống và bẽn lẽn khi nhắc đến cháu”.
Tôi nín khóc, vần vò khăn giấy, và ném nó vào thùng rác cạnh chỗ cô bé đang đọc sách. Con bé nhìn vào thùng rác tò mò, cứ như thư mới được đưa đến từ đó. Tôi nói lời cám ơn Beverly và rời đi, lòng hỗn loạn và chỉ mong được nhìn thấy trời xanh.
Beverly bắt kịp tôi ở thang máy và nắm cả hai tay tôi. “Đưa em gái cháu ra khỏi căn nhà đó đi Camille. Con bé không được an toàn đâu”.
Giữa Woodberry và Wind Gap là một quán bar cho dân lái xe ở Đường số 5, một nơi không đòi xem thẻ căn cước của người mua. Tôi từng nhiều lần tới đó lúc còn đi học. Gần chỗ phóng phi tiêu là điện thoại công cộng. Tôi bỏ tiền cho mười lăm phút rồi gọi Curry. Eileen bắt máy như mọi khi, giọng nhẹ nhàng và bình tĩnh như những ngọn đồi. Tôi bắt đầu sụt sùi trước khi nghe phía kia gọi tên mình.
“Camille, cưng ơi, sao thế? Cô ổn không? Chắc chắn là không ổn rồi. Ôi, tôi xin lỗi. Tôi đã bảo Frank đưa cô đi khỏi nơi đó ngay sau lần cuối cùng cô gọi. Chuyện gì vậy cưng?”
Tôi vẫn sụt sịt, thậm chí không nghĩ ra gì để nói. Một cái phi tiêu phóng trúng bảng với một tiếng thịch.
“Cô không... tự làm đau mình nữa đấy chứ? Camille? Bé ơi, cô làm tôi sợ đấy”.
“Mẹ tôi...” Tôi nói trước khi òa ra nữa. Tôi nức nở nhiều hơn, nước mắt trào ra.
“Mẹ cô làm sao?”
“Khôngggg”. Tôi rên rỉ dai dẳng như trẻ con. Tay bịt ống điện thoại và nghe tiếng Eileen gấp gáp gọi tên Frank, mấy từ như có chuyện gì đó xảy ra... kinh khủng, một khoảng lặng chừng một hai giây và rồi tiếng kính vỡ. Curry lao đến cái bàn quá nhanh và cốc whiskey rơi xuống sàn. Tôi đoán vậy.
“Camille, nói cho tôi biết, có chuyện gì vậy?” Giọng Curry nóng vội và khẩn trương như thể ông đang đặt tay lên vai tôi và lắc.
“Tôi biết ai làm những chuyện đó”, tôi xì mũi. “Tôi biết rồi”.
“Chà, thế thì có lý do gì để khóc, Cục Bông. Cảnh sát đã tiến hành bắt giữ chưa?”
“Chưa. Tôi biết hung thủ là ai”. Thịch, một tiếng nữa trên bảng phi tiêu
“Ai? Camille, nói cho tôi biết”.
Tôi kề ống nghe sát vào miệng và thì thầm. “Mẹ tôi”.
“Ai? Camille, cô nói to lên. Cô đang ở quán bar à?”
“Là mẹ tôi”. Tôi nói the thé vào điện thoại, những từ vang ra lắp bắp.
Im lặng một lúc. “Camille, cô chịu nhiều căng thẳng quá và tôi thật sai lầm khi đưa cô đến đấy, vì vậy nên cô quay về đây... ngay nhé... Giờ tôi muốn cô đi ngay ra sân bay gần nhất và bay về đây. Không cần lấy quần áo đâu, chỉ cần bỏ xe lại đó và bay về đây. Chúng ta sẽ cùng giải quyết vụ này sau. Mua vé đi, tôi sẽ hoàn lại tiền sau khi cô về đến nhà. Nhưng cô phải về nhà ngay”.
Nhà nhà nhà, nghe như ông ấy đang cố thôi miên tôi.
“Tôi sẽ không bao giờ có nhà nữa”, tôi thút thít, sắp òa ra khóc nữa. “Tôi phải lo cho xong vụ này Curry”. Tôi gác máy dù ông ấy bảo tôi đừng làm vậy.
Tôi tìm thấy Richard đang ăn bữa khuya ở Gritty. Anh đang đọc những mẩu báo tin tức của Philadelphia vụ Natalie tấn công bằng kéo. Anh gật đầu bực dọc khi tôi ngồi đối diện anh, nhìn xuống đĩa bột yến mạch đầy phô mai của anh rồi lại ngước nhìn khuôn mặt sưng mọng của tôi.
“Em ổn không?”
“Em nghĩ mẹ em giết Marian và em nghĩ bà ấy giết Natalie và Ann. Và em biết là anh cũng có suy nghĩ như vậy. Em vừa từ Woodberry về, đồ khốn”. Nỗi buồn nằm chơ vơ ở đâu đó giữa lối đi số 5 và số 2. “Em không thể tin được là khi anh làm tất cả những thứ đó với em là chỉ để cố moi thông tin về mẹ em. Anh bị bệnh gì vậy hả?” Giọng tôi run run, từng từ lắp bắp rơi ra khỏi miệng tôi.
Richard rút tờ mười đô la khỏi túi, đặt dưới đĩa rồi đi về phía chỗ tôi ngồi, nhấc cánh tay tôi: “Đi với anh ra ngoài, Camille. Chỗ này không thể nói chuyện được”. Anh đi cùng tôi qua cửa, đến ghế phụ, tay vẫn nắm cánh tay tôi, rồi anh đẩy tôi vào trong.
Anh lái xe trong yên lặng. Anh đi lên con dốc, tay ra dấu mỗi khi tôi định mở miệng nói gì đó. Rốt cuộc tôi cũng ngoảnh mặt với anh, tựa vào cửa sổ, nhìn cánh rừng trôi qua thành những vệt xanh.
Chúng tôi dừng ở chỗ từng nhìn xuống dòng sông vào những tuần trước. Dòng sông đục ngầu bên dưới, chìm trong bóng tối, giờ thì đang phản chiếu ánh trăng tan thành từng mảnh. Giống như nhìn một con bọ hối hả bò qua đám lá vàng.
“Giờ đến lượt anh nói về âm mưu”, Richard nói. “Đúng, lúc đầu anh chú ý đến em là vì anh để ý mẹ em. Nhưng anh thật sự xiêu lòng với em. Càng gần nhau thì càng dễ xiêu lòng, lửa gần rơm mà. Dĩ nhiên anh biết tại sao. Đầu tiên anh nghĩ mình chỉ điều tra em nhưng anh không biết là em và Adora gần gũi thế nào, anh không muốn em đánh động bà ta. Và anh cũng không chắc suy đoán của mình là đúng, Camille. Anh muốn có thời gian để nghiên cứu bà ta. Tất cả hoàn toàn mới chỉ là linh cảm. Tin đồn lan khắp nơi về em, Amma, Marian và mẹ em. Nhưng đúng thật là phụ nữ không phải là nghi can trong vụ như thế này. Không phải giết trẻ con hàng loạt. Thế rồi anh bắt đầu nhìn nhận vụ việc theo hướng khác”.
“Như thế nào?” Giọng tôi đục như vụn kim loại.
“Là một đứa trẻ, James Capisi. Anh nghĩ lại về nó, câu chuyện cổ tích về sự gian ác của một người đàn bà”. Vọng lại trong tôi là lời của Beverly, truyện cổ Grimm. “Anh không nghĩ nó thật sự nhìn thấy mẹ em, nhưng anh nghĩ nó nhớ được cái gì đó, một cảm giác hoặc nỗi sợ tiềm thức thấm sâu vào người. Anh bắt đầu nghĩ, loại phụ nữ nào mà lại giết những bé gái và lấy hết răng của chúng? Một phụ nữ muốn quyền lực tuyệt đối. Loại phụ nữ mà bản năng chăm sóc đã trở nên méo mó. Cả Ann và Natalie đều có vẻ được... chăm sóc trước khi bị giết. Cả hai cặp cha mẹ nạn nhân đều chú ý đến những chi tiết không điển hình. Móng tay của Natalie được sơn màu hồng. Chân của Ann thì được cạo lông sạch sẽ. Cả hai đứa đều được tô son ở vài nơi”.
“Thế còn răng thì sao?”
“Không phải nụ cười là vũ khí tốt nhất của con gái à?” anh nói, rốt cuộc cũng xoay về phía tôi. “Trong trường hợp hai đứa nhỏ, nó đúng thật là vũ khí. Câu chuyện của em về trò cắn xé làm anh chú ý đến một số điểm. Hung thủ là một phụ nữ muốn tống khứ sức mạnh của chúng, một kẻ cho rằng nó thật tầm thường. Kẻ đó cố gắng chăm sóc mấy đứa nhỏ, cai quản chúng, cho chúng quanh quẩn trong tầm kiểm soát của mình. Khi bọn nhỏ chống lại, tên sát nhân cảm thấy bị xúc phạm. Thế là mấy bé gái phải chết. Xiết cổ cũng là biểu hiện minh chứng cho việc khống chế. Giết một cách từ từ. Một ngày anh nhắm mắt trong văn phòng sau khi viết xong bản báo cáo và anh nhìn thấy gương mặt của mẹ em. Hành động bạo lực bất thường, sự gần gũi của bà ta với các nạn nhân ‒ bà ta cũng không có bằng chứng ngoại phạm vào cả hai tối đó. Tố cáo của Beverly Van Lumm bổ sung thêm chứng cứ. Dù gì chúng ta cũng phải khai quật thi thể Marian để kiểm tra xem có thu thập thêm được chứng cứ xác đáng không. Dấu vết đầu độc hay đại loại vậy”.
“Hãy để con bé yên!”
“Anh không thể, Camille. Em biết đây là việc phải làm mà. Bọn anh sẽ rất tôn trọng con bé”. Anh đặt tay lên đùi tôi, không phải trên tay hay vai, mà là trên đùi tôi.
“Vậy John có phải là nghi can không?” Tay anh rời đi.
“Thằng nhóc đó cứ được cân nhắc hoài. Vickery chú ý đến nó. Việc Natalie có hành động bạo lực thì có thể John cũng thế. Thêm vào đó, nó là người mới đến thị trấn, em biết là người ngoài thì thường khả nghi mà”.
“Anh có bất kỳ bằng chứng nào không Richard, về mẹ em? Hay tất cả mới chỉ là nghi ngờ?”
“Ngày mai bọn anh sẽ có lệnh khám nhà. Bà ta chắc phải giấu chỗ răng đó. Anh nói cho em biết hoàn toàn từ khía cạnh ưu ái cho em. Bởi vì anh tôn trọng và tin em”.
“Vâng”. Tôi nói. Tay anh đặt trên đầu gối trái của tôi. Từ rơi xuống phát sáng. “Em cần đưa Amma ra khỏi nơi đó”.
“Tối nay thì không làm gì hết. Em cần phải đi về nhà và tỏ ra bình thường. Bình thường hết mức có thể. Anh có thể lấy lời khai của em vào ngày mai, nó sẽ hữu ích cho vụ án này”.
“Bà ấy đã làm tổn thương em và Amma. Chuốc nghiện bọn em, đầu độc bọn em, đại loại vậy”. Tôi lại cảm thấy buồn nôn.
Richard đặt tay lên phần đùi non của tôi.
“Camille, sao em không nói những chuyện này sớm hơn? Chúng ta có thể làm xét nghiệm cho em. Đó sẽ là bằng chứng tuyệt vời cho vụ án. Trời ơi!”
“Cảm ơn anh đã quan tâm nhé, Richard”.
“Có ai nói là em quá nhạy cảm chưa Camille?”
“Không chỉ một lần đâu”.
Gayla đứng ở cửa, thận trọng nhìn xuống đồi. Cô ta cầm đèn đi vào, và khi tôi lên đến hiên nhà thì ánh đèn trong phòng ăn đã sáng.
Thịt nguội. Tôi ngửi thấy mùi này trước khi dợm bước đến cửa. Có thêm cải xoăn, bắp. Tất cả mọi người ngồi bất động như diễn viên trước màn sân khấu. Bối cảnh: giờ ăn tối. Mẹ tôi ngồi thẳng tắp ở đầu bàn. Amma và Alan mỗi người một bên, một chỗ còn lại chừa cho tôi, phía đối diện. Gayla kéo ghế, lẩm bẩm khi quay lại bếp trong bộ đồ y tá. Tôi phát bệnh vì cứ phải thấy các y tá. Cạnh đó, cái máy giặt vẫn gầm rung như mọi khi.
“Chào cưng, hôm nay vui chứ hả con?” Mẹ tôi nói khá to. “Ngồi xuống nào, cả nhà làm bữa tối vì con đấy. Mẹ nghĩ là phải ăn một bữa cơm gia đình với nhau chứ, vì con sắp đi rồi”.
“Con sắp đi?”
“Họ chuẩn bị bắt giữ cậu bạn nhỏ của con, cưng ạ. Đừng có cãi mẹ, mẹ thạo tin còn hơn cả phóng viên đấy”. Bà quay lại với Alan và Amma rồi mỉm cười như một nữ chủ nhân dễ tính với các món khai vị. Bà rung cái chuông nhỏ, Gayla bưng món thịt nguội lên, lớp gelatin rung rinh trên chiếc khay bạc. Một quả dứa thái mỏng được đính lên đó.
“Em cắt đi, Adora”. Alan nói với mẹ tôi, người đang nhướn mày.
Mớ tóc vàng đung đưa khi bà cắt từng miếng thịt dày cỡ ngón tay, gạt sang đĩa của chúng tôi. Tôi lắc đầu với Amma khi nó định chuyển thịt vào đĩa của tôi, rồi dồn sang đĩa của Alan.
“Không ăn thịt”, mẹ tôi làu bàu. “Vẫn chưa vượt khỏi giai đoạn này à, Camille”.
“Giai đoạn không thích ăn thịt ấy à? Không, con đâu có”.
“Chị có nghĩ John sẽ bị hành quyết không?” Amma hỏi tôi. “John của chị đang trên đường bị xử tử?” Mẹ tôi mặc váy mùa hè màu trắng với nơ hồng, tóc bện chặt hai bên. Cơn giận dữ đến với bà như một mùi xú uế.
“Missouri có luật tử hình và chắc chắn loại giết người kiểu này sẽ bị tử hình thôi, nếu đáng tội”. Tôi nói
“Chúng ta có còn ghế điện không?” Amma hỏi.
“Không”. Alan nói, “Ăn thịt trong đĩa của con đi”.
“Tiêm thuốc”, mẹ tôi lầm bầm, “giống như xua một con mèo đi ngủ”.
Tôi hình dung ra mẹ nằm trên băng ca, nói lời trăng trối cuối cùng trước khi bác sĩ đâm kim vào. Rất thích hợp, chết vì tiêm thuốc độc.
“Camille, nếu chị là một nhân vật trong truyện cổ tích thì chị chọn làm nhân vật nào?” Amma hỏi.
“Công chúa ngủ trong rừng”, dành cả đời trong những giấc mơ, nghe dễ thương quá.
“Em thích làm Persephone”.
“Chị không biết đấy là ai”, tôi nói. Gayla gắp vào đĩa tôi ít cải xoăn và bắp tươi. Tôi ép mình ăn, từng hạt một, mỗi miếng nhai lại thấy lạo xạo.
“Nàng ấy là Nữ hoàng của cái Chết”. Amma cười rạng rỡ. “Nàng đẹp lắm, Hades bắt cóc nàng và mang nàng xuống âm phủ làm vợ. Nhưng mẹ nàng hung dữ vô cùng, bà buộc Hades phải trả Persephone về dương gian. Nhưng chỉ sáu tháng mỗi năm thôi. Thế là nửa năm nàng dành nửa cuộc đời cho cái chết và một nửa cho sự sống”.
“Amma, sao cái loại nhân vật như vậy lại hấp dẫn con chứ?” Alan hỏi. “Nghe rùng rợn quá”.
“Con thấy thương Persephone vì ngay cả khi quay về trần thế thì người ta vẫn sợ nàng, bởi nàng đến từ cõi chết”. Amma nói, “Và ngay khi ở cạnh mẹ, nàng cũng không hạnh phúc bởi nàng biết mình sẽ phải quay về âm phủ”. Nó nhe răng cười với Adora, và xiên một miếng thịt cho vào miệng cắn, rồi nói liến thoắng.
“Gayla, cháu cần đường!” Amma nói với ra cửa.
“Dùng chuông, Amma”, mẹ tôi nói. Bà cũng không ăn nữa.
Gaylay quay lại với một tô đường, rắc một thìa to lên thịt của Amma và cà chua xắt lát.
“Để cháu”. Amma rên lên.
“Để Gayla làm”, mẹ tôi nói. “Con hay cho nhiều đường quá”.
“Khi John chết, liệu chị có buồn không, Camille?” Amma hỏi, mút một lát thịt. “Chị buồn hơn khi John chết hay em chết?”
“Chị không muốn ai chết cả”, tôi bảo. “Chị nghĩ Wind Gap đã có quá nhiều cái chết rồi”.
“Này, này”, Alan nói. Một buổi trình diễn thật kỳ quặc.
“Chắc chắn có những người đáng chết. John đáng chết”, Amma tiếp tục. “Ngay cả khi không phải là hung thủ thì nó cũng nên chết đi. Giờ thì nó đã bị hủy hoại sau cái chết của em gái nó rồi”.
“Theo cùng thứ logic như vậy, chị cũng nên chết đi vì em gái của chị đã mất và chị đã bị hủy hoại”, tôi trả lời. Nhai một miếng cải xoăn nữa. Amma nhìn tôi thăm dò.
“Có thể. Nhưng em quý chị nên em không mong như vậy. Mẹ nghĩ sao?” Nó quay sang Adora. Tôi chú ý rằng con bé không bao giờ gọi Mẹ một cách trực tiếp, hay thậm chí là Adora. Cứ như thể Amma không biết mẹ tên gì và vờ cố gắng để thiếu sót đó không lộ liễu.
“Marian đã mất quá lâu và mẹ nghĩ chúng ta có thể chấm dứt mọi vấn đề với con bé rồi”. Bà nói một cách mệt mỏi. Rồi bất ngờ bà rạng rỡ lại: “Nhưng chúng ta đã không làm vậy và chúng ta đã tiếp tục sống tiếp phải không?” Bà rung chuông, dọn đĩa, Gayla đi vòng quanh bàn như một con sói già yếu.
Tô kem màu đỏ - cam cho tráng miệng. Mẹ tôi biến vào kho đồ ăn và xuất hiện với hai chai thủy tinh, mắt bà đỏ hoe. Dạ dày tôi cuộn lên.
“Camille, uống cái này trong phòng mẹ nhé”, bà nói với những người khác, chỉnh sửa tóc ở tấm gương bên bàn. Bà ăn vận cho dịp này, tôi nhận ra cái váy ngủ đó. Như cái hồi tôi còn bé khi tôi được mang đến cho bà, tôi lần theo bà lên cầu thang.
Và rồi thế là tôi ở trong phòng bà, nơi tôi luôn muốn vào. Cái giường rộng mênh mông, gối xếp lớp như những con hàu. Gương đính sát trên tường. Và cái sàn màu ngà trứ danh làm cho mọi thứ lung linh như thể người ta đang ở trên mặt đất phủ đầy tuyết và ánh trăng. Bà ném gối xuống sàn, kéo lại khăn trải giường và ra hiệu cho tôi ngồi lên giường, sau đó ngồi cạnh tôi. Trong suốt mấy tháng sau khi Marian qua đời, bà nhốt mình trong phòng và bỏ rơi tôi, tôi không dám hình dung mình cuộn tròn trên giường bà. Thế rồi giờ tôi ở đây, sau hơn mười lăm năm muộn màng.
Bà vuốt tóc tôi và đưa cho tôi món đồ uống. Tôi ngửi: mùi như táo nâu. Tôi chật vật cầm lấy nó nhưng không uống.
“Khi còn bé, bà ngoại đưa mẹ đến North Woods và bỏ mặc mẹ ở đó”, Adora kể. “Bà ấy không tỏ ra buồn hay giận dữ gì cả. Bà không giải thích tại sao mà chỉ tỏ ra lạnh nhạt, giống như chỉ vì bà buồn chán vậy. Bà không hề hé môi một lời với mẹ, thật đấy. Chỉ bảo mẹ vào xe. Lúc đó mẹ đang đi chân đất. Khi đến nơi, bà lôi mẹ ra và cương quyết kéo mẹ vào con đường mòn, đi hết con đường thì buông tay ra và bảo mẹ không được đi theo bà nữa. Mẹ mới tám tuổi, còn bé như vậy. Chân mẹ túa máu khi lần về được đến nhà và bà chỉ nhìn mẹ qua tờ báo buổi chiều, rồi đi vào phòng. Căn phòng này”.
“Mẹ kể con nghe chuyện này làm gì?”
“Khi một đứa bé còn nhỏ biết được mẹ mình không đoái hoài đến mình thì chuyện chẳng lành sẽ đến”.
“Tin con đi, con biết cảm giác đó mà”, tôi đáp trả. Tay bà vẫn vuốt tóc tôi, một ngón tay đùa nghịch với lọn tóc.
“Mẹ đã muốn yêu quý con, Camille. Nhưng con cứng đầu quá. Marian, con bé nhẹ nhàng hơn nhiều”.
“Đủ rồi!” Tôi nói.
“Không. Chưa đủ. Để mẹ chăm sóc con, Camille. Chỉ một lần thôi, hãy cần mẹ”.
Chấm dứt đi, chấm dứt tất cả đi.
“Vậy thì mẹ làm đi”, tôi nói. Tôi nuốt hết chỗ thức uống, nhấc tay bà ra khỏi đầu tôi và cố nói bằng giọng trấn tĩnh.
“Con luôn cần mẹ. Theo ý nghĩa chân thực nhất. Không phải theo nhu cầu mà mẹ tạo ra để rồi mẹ có thể tùy ý bắt đầu hay chấm dứt. Và con không thể tha thứ những chuyện mẹ đã làm với Marian. Nó chỉ là một đứa bé”.
“Nó luôn là con của mẹ”, mẹ tôi trả lời.