Thầy trò Tam Tạng lặn lội đến Tây Trúc thỉnh kinh. Qua mười vạn tám nghìn dặm với biết bao tai ương, chướng khí, cuối cùng đến dược đất Phật, gặp Phật tổ Như Lai. Như Lai tiếp đãi thầy trò Đường Tăng rồi gọi A Nan, Ca Diếp lại dặn: - Các ngươi hãy dẫn bốn người đến dưới lầu báu, trước hãy đãi cơm chay, xong mở Bảo Các ra, đem pho kinh Tam Tạng của ta, trong ba mươi lăm bộ, chọn lấy mấy quyển giao cho họ truyền sang Đông Thổ, ghi mãi ơn sâu.Sau khi tiếp cơm xong, A Nan, Ca Diếp dẫn thầy trò Đường Tăng xem khắp tên các bộ kinh rồi nói với Đường Tăng:- Thánh Tăng từ Đông Thổ đến đây, phải có ít nhiều lễ vật cho chúng tôi chứ! Xin đưa ngay ra đây mới giao kinh cho.Tam Tạng nghe, đoạn nói:- Đệ tử Huyền Trang, đường trường xa cách, chưa hề sắm được.A Nan, Ca Diếp cười nói:- Tốt! Tốt! Tốt! Thế giao kinh không công thế này, người sau đến chết đói mất! Hành Giả thấy bọn họ giở giọng xoay tiền, không chịu giao kinh, tức không nhịn được, kêu lên:- Sư phụ ạ, chúng mình đi bạch Như Lai, bắt họ phải tự mang kinh đến cho lão Tôn! A Nan nói: - Đừng có kêu, ở đây là nơi nào mà nhà ngươi còn bướng bỉnh điêu toa! Lại đây mà nhận lấy kinh.Bát Giới, Sa Tăng đã quen nén tính nóng nảy, khuyên can Hành Giả, rồi cùng quay đi nhận kinh, từng quyển, từng quyển xếp vào trong khăn gói, chất lên mình ngựa, lại chia làm hai gánh, cho Bát Giới và Sa Tăng gánh đi, rồi đều đến trước bảo tọa cúi đầu tạ ơn Đức Như Lai, đoạn đi thẳng ra cửa, gặp một vị Phật tổ, lạy hai lạy, gặp một pho bồ tát, lạy hai lạy. Ra tới cửa lại làm lễ chào tỳ kheo, tăng, ni, ưu bà di, tắc, rồi xuống núi trở về.Lại nói, trên Bảo Các có vị Nhiên Đăng Cổ Phật, ngồi ở trên gác, mỏng tai nghe thấy công việc truyền kinh, đã biết rõ ràng bọn A Nan, Ca Diếp đem những kinh không có chữ giao cho thầy trò Đường Tăng, liền cười một mình nói rằng:- Bọn nhà sư bên Đông Thổ ngu mê, không biết là kinh không có chữ, Thánh Tăng lặn lội lần này, lại chẳng toi công ư? Liền hỏi:- Bên tòa có ai ở đấy không? Đã thấy Bạch Hùng Tôn Giả đứng ra. Cổ Phật dặn dò bảo:- Ngươi hãy giở hết thần oai, đuổi theo cho kịp thầy trò Đường Tăng, bao nhiêu những quyển kinh không có chữ cướp lại hết, bảo chúng hãy trở lại cầu lấy chân kinh có chữ. Bạch Hùng Tôn Giả cưỡi trận gió lốc, đi ra khỏi cửa chùa Lôi Âm, giở hết thần oai, đuổi theo bọn Tam Tạng. Đường Tăng đang đi đường, bỗng nghe thấy gió thơm cuồn cuộn, cứ bảo là điềm lành của Phật Tổ, chưa kịp đề phòng, lại nghe thấy có tiếng vang, một bàn tay ở trên không thò xuống, bao nhiêu kinh chất trên mình ngựa nhẹ nhàng nhấc đi hết. Tam Tạng hoảng sợ thót bụng lại kêu ca, Bát Giới cắm cổ đuổi theo, Sa Tăng đứng giữ mấy gánh kinh, Tôn Hành Giả cũng chạy đuổi như bay.Vị Bạch Hùng Tôn Giả thấy Hành Giả đuổi gần đến nơi, sợ cây gậy của y không biết nể, nhỡ một khi bất chấp trái phải, choảng cho mình một gậy thì sao, liền đem cả gói kinh xé toang ra, vứt tung xuống đất. Hành Giả thấy kinh rơi xuống, lại bị gió thơm thổi bay lung tung, tức thì dừng mây bước xuống giữ lấy kinh, không chạy đuổi theo nữa. Vị Bạch Hùng Tôn Giả theo gió cuốn mây về báo với Đức Cổ Phật.Bát Giới chạy đuổi theo, thấy các bổn kinh rơi xuống, bèn cùng Hành Giả thu lại đèo lên lưng, đến nơi Đường Tăng. Đường Tăng ứa hai hàng nước mắt:- Đồ đệ ạ! Ở nơi cực lạc thế giới này, cũng vẫn còn ma dữ làm hại thế.Sa Tăng đỡ lấy những quyển kinh vừa mang lại, mở ra coi, thấy trắng phau như tuyết, chẳng có một chữ nào hết, hoảng sợ nói với Tam Tạng:- Sư phụ ạ! Quyển này không có chữ.Hành Giả cũng mở một quyển ra xem thì cũng không có chữ. Bát Giới mở một quyển ra xem thì cũng không có chữ.Tam Tạng bảo:- Mở hết cả ra xem nào? Mọi người cùng mở thì ra quyển nào cũng chỉ có giấy trắng.Đường Tăng thở ngắn than dài nói:- Người Đông Thổ nhà mình quả là vô phúc, những bản kinh không có chữ thế này, lấy để làm gì? Về gặp vua Đường thì làm thế nào! Cái tội dối vua thật dáng chết! Hành Giả thấy vậy đoán biết rõ chuyện, nói với Đường Tăng:- Sư phụ bất tất nói nhiều! Việc này là vì A Nan, Ca Diếp bắt ta phải có lễ, ta không có, cho nên mới đem bản kinh giấy trắng giao cho mình mang di. Ta nên trở lại ngay, bạch rõ trước mặt Như Lai, hỏi bọn y cái tội hạch tiền làm bậy.Bát Giới nói:- Phải đấy, phải đấy! Đi kiện họ đi! Bốn người vội vàng trở về núi, hấp tấp trèo lên chùa Lôi Âm.Một lát sau, đã đến bên ngoài cửa chùa, thấy mọi người đều chắp tay đón tiếp, cười nói:- Thánh Tăng trở lại đổi kinh phải không? Tam Tạng gật đầu tạ, các vị Kim Cương cũng không ngăn cản, để cho đi vào. Đường Tăng thẳng bước tới Điện Đại Hùng.Hành Giả kêu:- Bạch Như Lai, thầy trò chúng tôi chịu đựng trăm ma nghìn quái, từ bên Đông Thổ đến được chốn này, ơn Như Lai truyền trao kinh cho, bị A Nan, Ca Diếp hạch tiền không được, thông đồng làm bậy, cố ý đưa những bản kinh giấy trắng không có chữ cho chúng tôi mang về. Chúng tôi đưa của nợ ấy về làm gì? Mong Như Lai xét cho.Phật Tổ cười nói: - Nhà ngươi chớ làm ồn lên! Chuyện hai ngươi đó đòi lễ bọn ngươi, ta đã biết rồi. Có điều là kinh không phải ai cũng cho, mà cũng không thể lấy không dược. Trước đây, các tì kheo thánh tăng xuống núi, cũng đem bộ kinh này đọc hết một lượt cho nhà trưởng giả họ Triệu ở nước Xá Vệ, giữ cho nhà ấy được sống an toàn, người chết siêu thoát, chỉ lấy của nhà ấy ba đấu ba thăng vàng cốm đem về. Ta vẫn bảo bọn họ bán quá rẻ, con cháu đời sau lấy tiền đâu mà dùng. Các ngươi ngày nay tay không đến cầu, cho nên họ mới đưa quyển trắng. Những bản giấy trắng đó, là chân kinh không có chữ, cũng là một thứ tốt. Vì chúng sinh bên Đông Thổ nhà ngươi ngu mê không tỉnh, chỉ nên truyền cho như thế thôi.Rồi liền gọi:- A Nan, Ca Diếp, mau đem những bộ chân kinh có chữ ra đây, trong mỗi bộ chọn lấy mấy quyển cho thầy trò Đường Tăng, rồi trở về đây báo lại ngay.A Nan, Ca Diếp lại dẫn bốn người đến trước lầu ngọc, gác báu, nhưng vẫn đòi Đường Tăng phải đưa tiền lễ. Tam Tạng không có gì dâng kinh, đành phải bảo Sa Tăng lấy bát tộ bằng vàng tía, hai tay dâng lên nói:- Đệ tử quả là đường xa nghèo túng, không hề sắm được lễ vật. Bát tộ này chính tay vua Đường tặng cho, bảo đệ tử giữ lấy để xin ăn dọc đường, nay xin đem dâng tỏ chút lòng thành, cúi mong tôn giả thu lấy, đợi về triều tâu lên vua Đường xin sẽ hậu tạ. Chỉ cầu ngài lấy chân kinh ban cho, để khỏi phụ ý khâm sai và công phu đường xa lặn lội.Vị A Nan đỡ lấy, chỉ chúm chím cười nụ. Mấy người lực sĩ coi lầu ngọc, mấy người đầu bếp ở Hương Tích, thấy A Nan như vậy, người vuốt mặt, kẻ dập lưng, nào xói tay, nào bĩu mồm cười rộ nói:- Rõ bêu! Rõ bêu! Lại đi hạch lạc, đòi ăn lễ cả người lấy kinh.A Nan hổ thẹn, mặt mũi dăn dúm, nhưng tay vẫn giữ chặt lấy cái bát tộ.Ca Diếp mời thầy trò Tam Tạng vào trong gác kiểm kinh, lấy các thứ soạn ra đưa cho Tam Tạng.Tam Tạng liền gọi:- Đồ đệ đâu, chúng con xem lại cho cẩn thận, đừng để như lần trước.Ba người đỡ lấy từng quyển, xem lại từng quyển, quyển nào cũng đều có chữ.Lời bàn: Cõi Phật là nơi mơ ước muôn đời của chúng sinh mà có cái cảnh đòi hối lộ thì thật là không còn chỗ cho chúng sinh mơ ước.Cõi Phật mà còn có A Nan, Ca Diếp là vì cõi Phật còn có Thích Ca dung túng cho bọn họ. Chứ nếu không dung túng sao lại biết mà vẫn cười nói như không, lại còn khuyên thầy trò Đường Tăng đừng có làm ồn. Tuy vậy, ăn hối lộ mà còn có người cười chê, kẻ ăn hối lộ còn biết xấu hổ như A Nan, Ca Diếp thì cõi Phật hơn xa ta nhiều lắm. Chỉ sợ nhất là cái cảnh: Kẻ ăn hối lộ được hoan hô, người ăn hối lộ không biết xấu hổ thì cõi ấy thật vô phương cứu chữa.Không biết Phật Thích Ca có để A Nan đói quá hay không mà “A Nan hổ thẹn, mặt mũi dăn dúm, nhưng tay vẫn giữ chặt lấy cái bát tộ”. Xin bái Ngô Thừa Ân ba lạy! Cõi tôi đang sống không có cái cảnh quá lắm đó! Nhưng cũng xin hỏi tiên sinh: Còn chỗ nào không có cảnh đòi hối lộ không?Đường Tăng là người mẫu mực và kiên định vào hạng bậc nhất chúng sinh mà còn phải nghiêng mình đưa cái bát tộ để lấy chân kinh thì không biết hạng chúng sinh thường tình phải xử trí thế nào khi gặp cảnh ngộ đó?Mong rằng, không vì quang cảnh đòi hối lộ nơi cõi Phật mà bọn sâu dân, mọt nước ngày nay lấy đó để tự biện hộ cho tệ nhũng nhiễu, đòi hối lộ của mình. Bởi câu chuyện trên đây, chắc không nhằm chế giễu cõi Phật mà chủ yếu nhằm cảnh tỉnh thế gian.