Một vụ kiện trời

Một bà lão bán bánh dạo, đội thúng bánh tráng đi dọc bờ sông. Trời bỗng dưng nổi gió, làm bay lả tả bánh tráng xuống sông. Bà dừng lại, sửa lại thúng bánh, thấy thúng bánh vơi đi hơn một nửa. Thế là mất toi cả vốn lẫn công. Bà giận trời, sao hôm nay nổi gió mà không báo hiệu trước như mọi hôm để bà đề phòng. Ngồi nghĩ ngợi một lúc, bà quyết chí đi kiện bắt trời bồi thường hơn nửa thúng bánh cho bà.
Bà lão đưa đơn tới quan, với niềm tin thắng kiện vì bà được nghe đồn về vị quan thông minh, nhân hậu mới nhậm chức ở địa hạt bà đang ở. Bà thưa:
- Bẩm quan lớn nhân từ! Trời hại con bị mất hơn nửa thúng bánh ở chỗ khúc sông sâu. Con không còn vốn liếng để sinh sống. Mong quan trên xem xét, bắt trời đền cho con đủ số bánh đã mất.
Vị quan rất ngạc nhiên hỏi bà lão:
- Trời có lỗi gì? Và làm sao mà quan có thể bắt trời đền bánh cho bà?
- Bẩm quan lớn! Con là kẻ nghèo hèn bán bánh dạo kiếm sống qua ngày. Thường ngày con vẫn đi về qua con đường này. Thỉnh thoảng, có gió nhẹ hoặc nếu có gió mạnh thì trời nổi giông, mây đen báo trước nên con đề phòng, chưa bị bay mất bánh bao giờ. Hôm nay, trời bỗng dưng nổi gió mạnh mà không có dấu hiệu báo trước nên con không đề phòng, gió hôm nay lại thổi ngược mọi hôm, làm cả thúng bánh của con bay xuống sông. Như vậy là trời có lỗi, xin quan lớn xử bắt trời đền bánh đa cho con. Trời không có ở đây thì đã có con trời làm đại diện. Lâu nay nhà vua vẫn thường tự xưng là thiên tử, thay trời cai trị muôn dân, con xin quan lớn xử bắt thiên tử thay trời đền bánh cho con.
Nghe bà cụ trình bày xong, quan đổi từ ngạc nhiên qua khâm phục. Nhìn khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt tinh anh của bà cụ, quan nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói:
- Bà hãy đưa ta đến chỗ khúc sông ấy để ta xem lại hiện trường.
Bà lão đưa quan đến chỗ có bánh tráng bị mất, có đám lính theo hầu. Đứng trên bờ nhìn xuống sông, quan thấy có một số thuyền buôn căng buồm chạy qua. Thuyền đi thuận gió nên các tay chèo ngồi nghỉ, cất giọng hát vu vơ. Quan bắt dừng thuyền lại, gọi các chủ thuyền lên hầu kiện để quan xử tiếp. Quan hỏi bọn thuyền buôn:
- Trước khi đi các ngươi có cúng bái gì không?
- Dạ có! Bẩm quan lớn, cúng bái là việc phải làm trước khỉ xuất hành. - bọn thuyền buôn đều đồng thanh đáp.
- Khi cúng, các ngươi vái, cầu khẩn những gì?
- Dạ bẩm quan lớn! Chúng con vái, cầu khẩn xin trời phù trợ đi về thuận buồm xuôi gió, mua mau, bán đắt.
- Thế hôm nay các ngươi đi có thuận gió không?
- Bẩm quan lớn! Hôm nay, trời thuận gió nên chúng con căng buồm rồi nghỉ tay chèo.
Khi cả bọn thuyền buôn còn ngơ ngác và trả lời thành thật các câu hỏi của quan như một cái máy thì quan phán:
- Các người là những người đi buôn. Trước khi đi các ngươi đều sắm lễ vật cúng bái, đút lót cho trời để được “thuận buồm xuôi gió”, đi đến nơi, về đến chốn. Trời vì ăn của đút lót của các ngươi mà nổi gió làm bay bánh tráng của bà lão xuống sông. Vậy ta xử các ngươi có trách nhiệm liên đới bồi thường bánh tráng cho bà lão.
Nghe quan trên lập luận sắc bén, cả bọn không bắt bẻ được chỗ nào đành chung tiền bồi thường thúng bánh đa cho bà lão.
Lời bàn:
Trời nổi gió thì thường có những dấu hiệu báo trước như sấm chớp, mây mù và phải nổi gió tùy mùa để dân biết trước mà đề phòng. Trời mà làm cái kiểu nổi hứng gió bất tử, chẳng nghĩ đến thần dân thì có ngày gặp người như bà lão nọ. Khen cho bà lão dám kiện trời. Lại khen cái lý lẽ của bà thật chặt chẽ, làm vị quan thông minh phải khâm phục. Quan thì không dám nói động đến vua, làm sao xét xử bắt vua đền nhưng vị quan cũng giỏi tìm ra cái lý để đền bánh đa cho bà lão. Xem thế đủ biết việc xét xử có thể biến hóa và linh hoạt biết dường nào.
Trời nổi gió không báo trước còn bị kiện. Thế mà người nắm chức quyền nay cho sửa cái này, mai ban hành đổi cái nọ, làm thiệt hại cho biết bao người dân nhưng chưa thấy ai dám kiện như bà lão nọ. Không biết, trong dân không có người thông minh như bà lão nọ hay trong quan hết người biết nghe và phân xử như vị quan nọ.
Tội nghiệp thay cho các anh thuyền buôn, vì mê tín, vô tình cúng bái mà chịu hậu quả. Trước miệng lưỡi nhà quan, cái không lý đã phải nghe, huống gì có lý, như vụ kiện này thì tránh sao được sự đền bồi. Xử được như vị quan trên thì nghĩ cũng nên nghe để mà học. Trời làm lỗi thì cuối cùng vẫn là dân chịu thiệt. Bà lão bán bánh đa không chịu thiệt thì các nhà buôn đền. Nếu không xử được cái nhà buôn thì tất phải tìm đâu đó cho ra người chịu chứ vô lẽ xử vua chịu.
Đây là vụ kiện và phân xử hoàn toàn dựa theo lý: Tìm ra lỗi, xác định người có lỗi, người kế thừa, người liên đới trách nhiệm, rồi từ đó bắt bồi thường. Sự suy luận như trên là hợp với nguyên tắc pháp luật hiện nay. Trời không có ở thế gian thì con trời phải kế thừa nghĩa vụ bồi thường cho bà lão. Trời và bọn thuyền buôn có lỗi gây thiệt hại cho bà lão thì phải bồi thường. Không có trời ở đây thì bọn thuyền buôn có trách nhiệm liên đới phải bồi thường.
Ngày nay, không thể suy luận như xưa để xử vụ án này vì hai lý do:
- Một là, không có thiên tử nên bà lão không thể kiện (không có vua).
- Hai là, không chấp nhận mối liên quan giữa cúng bái của bọn thuyền buôn và sự thuận gió của trời nên không thể bắt bọn buôn đền. Cúng bái như vậy là chuyện mê tín dị đoan.