Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG XIII
NHỮNG QUAN HỆ VỚI THƯỢNG ĐẾ

1. KHÔI PHỤC TÔN GIÁO
 
Biết bao kẻ cho rằng biết Thượng Đế, được Thượng Đế yêu hay ghét, thành thử bàn đến vấn đề khôi phục tôn giáo thì thế nào tôi cũng bị nhiều người rầy là phạm tội bất kính hoặc chê là muốn đóng vai tiên tri. Những sinh vật là chúng ta này, nhỏ không bằng một phần tỉ của vỏ trái đất mà chính vỏ trái đất cũng không bằng một phần tỉ của vũ trụ, mà lại dám tự nhận rằng biết Thượng Đế!
 
Tuy nhiên, không một triết lí nào được đầy đủ, không một quan niệm nào về đời sống tinh thần được đứng đắn nếu không tìm ra được những quan hệ thỏa mãn và hòa hợp với đời sống của vũ trụ ở chung quanh ta. Nhân loại tự nó cũng đã quan trọng rồi và nó là đầu đề chính để ta nghiên cứu: đó là yếu tố của chủ nghĩa nhân bản. Nhưng con người trong một vũ trụ cũng vĩ đại, kì diệu không kém; cho nên người nào không biết vũ trụ, không tìm hiểu vũ trụ khởi nguyên từ đâu, kết cục ra sao thì không thể nói là có một đời sống thỏa mãn được.
 
Khuyết điểm của phái chính thống trong Ki Tô giáo[1] là trong lịch trình tiến triển, nó thường xen lẫn vào những hoạt động hoàn toàn ở ngoài phạm vi tôn giáo, chẳng hạn xen vào môn vật lí học, địa chất học, thiên văn học, phạm tội học, xen vào vấn đề tính dục, và quan niệm về phụ nữ. Nếu nó tự hạn trong phạm vi của nó thì công việc định hướng lại cho nó không đến nỗi quá khó khăn như ngày nay.
 
Mặt khác, khoa học ngày nay đã đem lại cho người theo đạo Ki Tô một ý thức mới mẻ và sâu sắc hơn về cái thần bí của vũ trụ và một quan niệm mới về vật chất – quan niệm cho rằng vật chất có thể biến thành năng lực; sau cùng về bản thân của Thượng Đế thì theo lời của James Jeans: “Vũ trụ cơ hồ như gần giống với một tư tưởng vĩ đại hơn là với một bộ máy vĩ đại”. Chính các nhà toán học cũng đã chứng thực được rằng có một cái gì không thể tính bằng toán học được. Vậy tôn giáo cứ nên đứng trong phạm vi của nó, đừng can thiệp quá nhiều như vậy vào các phạm vi các khoa học tự nhiên, mà nên thừa nhận rằng những khoa học đó không thuộc về tôn giáo. Nó nên tự hạn và chắc chắn nó sẽ tự hạn trong phạm vi lương tâm; mà lương tâm cũng tôn nghiêm ngang hoa cỏ, cá chim, tinh tú, chứ đâu có kém. Thánh Paul đã làm công việc mổ xẻ đầu tiên, cắt môn nấu bếp ra khỏi tôn giáo, mà làm lợi cho tôn giáo vô chừng. Vậy tôn giáo cũng nên tách ra khỏi môn địa chất học, môn tỉ giảo giải phẩu học (Anatomie compareé). Khi các giáo sư sinh lí học lên tiếng thì tôn giáo nên làm thinh, như vậy đỡ lố bịch biết bao mà lại được nhân loại kính mộ hơn biết bao.
Luôn luôn ta có thể tuân phục Thượng Đế trong một không khí lễ nghi và kính ngưỡng. Như vậy sự sùng bái thành một kinh nghiệm mĩ thuật chân chính, tựa như khi ta ngắm vừng Thái dương lặn sau một hàng cây trên núi. Và như vậy, tôn giáo là một sự kiện thuộc về lương tâm, có tính cách giống với thi ca.
Còn giáo hội mà như ngày nay thì người nào thật sùng bái Thượng Đế sẽ coi thường nó, vì Thượng Đế của người đó không phải là một đấng có thể mua chuộc được bằng những món nhỏ cúng dâng hàng ngày. Khi người đó muốn tiến về phương Bắc, thì không xin Thượng Đế cho gió thổi về hướng Bắc, muốn tiến về phương Nam thì không xin Thượng Đế cho gió thổi về hướng Nam. Cảm tạ Thượng Đế vì gió thuận là một hành động vô lễ; vì như vậy tức là cho rằng Thượng Đế ghét bỏ những kẻ tiến về phương Nam, chỉ phù hộ cho một mình ta vì ta tiến về phương Bắc, như vậy là tự cho rằng chỉ có mình mới là quan trọng. Phải có một sự cảm thông giữa người và Thượng Đế, chứ người không xin Thượng Đế một ân huệ nào cả. Tôn giáo đã biến chuyển một cách kì dị. Làm sao còn có thể hiểu ý nghĩa của nó nữa? Phải chăng nó dùng một thứ cảm xúc thần bí để tán tụng hiện trạng của xã hội? Hay là nó dùng một mớ chân lí đã thần bí hóa, đã được che đậy để cho bọn giáo sĩ có thể sống được? Nó là một phương tiện để giữ cho huyết thống của người da trắng châu Âu khỏi bị pha lộn chăng? Hay chỉ là một bức tường ngăn cấm sự li dị và sự hạn chế sinh dục? Hay chỉ là một cách để mạt sát tất cả những người có tinh thần cải cách xã hội?
 
Vậy con người ngày nay không được an lòng – riêng tôi, trái lại, thì rất thỏa mãn – khi thấy rằng tôn giáo chỉ còn là sự tôn sùng cái đẹp, cái vĩ đại và cái thần bí của đời sống với những trách nhiệm của nó; còn bao nhiêu chuẩn xác cổ lỗ mà thần học đã tích lũy trên bề mặt của tôn giáo thì đã cởi bỏ được hết rồi. Theo tôi, dưới hình thức đó, tôn giáo sẽ rất giản dị mà cũng đủ thỏa mãn được nhiều người trong thời đại này rồi.
 
Ta lo lắng về sự trường sinh, và nỗi lo đó có các tính cách bệnh hoạn. Loài người muốn được bất tử, là điều dễ hiểu nhưng nếu không có đạo Ki Tô thì chúng ta không quá chú ý tới vấn đề đó như vậy đâu. Đáng lí nó chỉ nên là một tư tưởng đẹp, một ước vọng ngông cuồng cao nhã ở giữa cảnh hư và thực, thì nó lại thành một vấn đề nghiêm trọng quá đỗi, và các nhà tu hành suốt đời thắc mắc hoài về cái chết, tự hỏi hoài rằng chết rồi sẽ ra sao. Sự thực thì ngoài năm chục tuổi, ít người sợ chết mà cũng ít người nghĩ tới Thiên đường hay Địa ngục. Có người còn đem vấn đề đó ra bỡn cợt trên bài minh[2] viết sẵn để chết rồi sẽ khắc lên mộ bia. Nhiều bậc tài đức nhất ở thời chúng ta, chẳng hạn H.G. Wells, A. Einstein, Arthur Keith, tỏ ý không tin rằng con người trường sinh, hoặc chẳng hề quan tâm tới vấn đề đó. Họ đem một quan niệm vĩnh sinh khác đáng tin hơn nhiều thay vào quan niệm vĩnh sinh đó: tức quan niệm chủng tộc vĩnh sinh, quan niệm sự nghiệp và ảnh hưởng vĩnh tồn. Miễn là chết rồi, sự nghiệp của mình vẫn còn tồn tại, và còn ảnh hưởng – dù là rất ít – tới đời sống xã hội, như vậy là đủ rồi. Chúng ta hái một bông hoa, ngắt cánh hoa liệng xuống đất, nhưng hương của nó còn hoài trong không khí. Thuyết vĩnh tồn đó hợp lí hơn, không có ý nghĩa tự tư, tư lợi, cho nên cao đẹp hơn. Hiểu như vậy thì ta có thể nói rằng Louis Pasteur, Luther Bubank và Thomas Edison vẫn còn sống với chúng ta. Thể xác họ đã nát rồi, nhưng cái đó có đáng kể chi vì “thể xác” chỉ là những phân tử hóa học hợp lại mà thành, rồi lại biến đổi hoài hoài để tạo nên những trạng thái khác. Loài người bắt đầu nhận thức rằng đời mình chỉ là một giọt nước trong một dòng sông lớn chảy hoài, bất diệt, và tự lấy làm sung sướng được cống hiến một phần nào vào cái dòng sinh hoạt lớn đó. Nếu bớt tự tư đi một chút thôi, thì chúng ta sẽ cho như vậy là mãn nguyện lắm rồi chứ.
 
2. TẠI SAO TÔI LÀ MỘT DỊ GIÁO ĐỒ[3]
 
Tôn giáo luôn luôn là một việc cá nhân. Mỗi người đều có thể có ý kiến riêng của mình về tôn giáo, và muốn nghĩ sao thì nghĩ, Thượng Đế không khi nào trách ai cả. Kinh nghiệm về tôn giáo của người nào thì chỉ giá trị đối với người đó, vì tôn giáo không phải là một vấn đề có thể chứng minh được. Nhưng kinh nghiệm của một tâm hồn thành thực đã có lần thắc mắc, chiến đấu về vấn đề tôn giáo, tất có thể hữu ích cho một số người khác; cho nên tôi trình bày dưới đây trường hợp của tôi.
 
Tôi là một dị giáo đồ. Tất có người sẽ cho rằng như vậy là tôi phản nghịch[4] Ki Tô giáo; nhưng tiếng phản nghịch có nghĩa nặng quá vì tôi xa đạo Ki Tô lần lần, do một sự chuyển biến tâm lí rất chậm, và trong khi có sự chuyển biến đó, tôi cố níu lấy tín ngưỡng cũ của tôi một cách thất vọng với tất cả tấm lòng nhiệt thành tôn sùng, nhưng tín ngưỡng cũ cứ lần lần bỏ xa tôi ra. Như vậy, đã không có oán hận thì làm gì có phản nghịch?
 
Tôi sinh ra trong một gia đình mục sư, trong một thời gian tôi đã dự bị theo nghề truyền đạo; và trong cuộc chiến đấu cảm xúc tự nhiên của tôi vẫn hướng về tôn giáo chứ không chống lại nó. Rồi lần lần tôi có thái độ hiện nay; phủ nhận thuyết chuộc tội, thái độ mà theo một quan niệm giản dị, người ta có thể coi là thái độ của một dị giáo đồ. Sự diễn biến đó rất tự nhiên như đứa trẻ thôi bú hoặc như một trái táo chín rụng trên đất; tới lúc trái táo đó phải rụng thì tôi để cho nó rụng, không ngăn cản nó. Dùng ngôn ngữ của Đạo gia thì như vậy là sống theo Đạo (theo Tự Nhiên); mà dùng ngôn ngữ phương Tây thì như vậy là thành thực với bản thân và với vũ trụ, sống theo kiến giải của mình. Tôi cho rằng người ta không thể tự nhiên và sung sướng được nếu không thành thực với chính mình về phương diện tinh thần. Đối với tôi, làm một dị giáo đồ, chỉ là cầu được tự nhiên, tự tại thôi.
 
Là một dị giáo đồ” từ ngữ đó cũng chỉ như từ ngữ “là một Ki Tô giáo đồ”, về phương diện ý nghĩa không có gì hơn kém; từ ngữ đó chỉ là một lời phủ nhận, vì đối với độc giả trung bình thì dị giáo đồ là một người không theo Ki Tô giáo, mà từ ngữ là “là Ki Tô giáo đồ” đã có một nghĩa rất rộng, rất mơ hồ, thì từ ngữ trái ngược lại “dị giáo đồ” cũng có nghĩa rất rộng, rất mơ hồ. Tệ hơn, có người cho rằng dị giáo đồ là một kẻ không tin tôn giáo, không tin Thượng Đế; nhưng thế nào là có một “thái độ tôn giáo”? Và hiểu Thượng Đế ra sao? Cần phải trả lời hai câu đó đã rồi hãy phán đoán. Những dị giáo đồ vào hàng danh nhân luôn luôn có một thái độ rất thành kính đối với thiên nhiên. Vậy thì tại sao lại dùng tiếng “dị giáo đồ”, theo một ý nghĩa ước định, hẹp hòi để trỏ một người không bước chân vào giáo đường, không thuộc vào cái nhóm người Ki Tô giáo, không thừa nhận những giáo nghĩa chính thống của Ki Tô giáo?
 
Xét về phương diện thực tế, thì một dị giáo đồ Trung Hoa là một người nghĩ rằng chỉ có thể lo về kiếp trần được thôi, còn những kiếp khác thì xa vời quá; người đó muốn sống đầy đủ và vui vẻ trong khi còn ở trên cõi trần, đôi khi cũng có một nỗi buồn thấm thía nhưng rán vui vẻ chịu đựng; người đó có một ý thức mạnh mẽ về cái đẹp và điều thiện, nghĩ rằng làm được một điều thiện là đủ vui rồi, bất tất phải đòi một phần thưởng nào khác. Người đó có lẽ còn thương hại hay hơi khinh bỉ những giáo đồ làm điều thiện để mong được lên Thiên Đường, và nếu không có hi vọng được lên Thiên Đường hoặc nếu không sợ bị đày xuống Địa Ngục thì không có ý làm điều thiện nữa. Nếu quan niệm về dị giáo đồ đó mà đúng thì tôi cho rằng ở xứ này có nhiều người là dị giáo đồ mà không tự biết đấy. Những Ki Tô giáo đồ có tư tưởng rộng rãi hiện nay rất gần những dị giáo đồ, họ chỉ không đồng ý kiến với nhau khi bàn về Thượng Đế thôi[5].
 
Tôi ngạc nhiên thấy loài người bạo gan và ngạo nghễ khoa trương làm sao! Dám khoe là nhận thức rõ ràng được một đấng “siêu việt”, dám cho đấng đó có tính cách này tính cách nọ, khi mà sự nghiệp sáng tạo của đấng đó mênh mông, ta chỉ mới biết được một phần cực nhỏ.
 
Một giáo nghĩa căn bản của đạo Ki Tô là rất coi trọng cá nhân. Trong đời sống hàng ngày của giáo đồ, giáo nghĩa đó đưa tới một thái độ khoa trương lố bịch làm sao!
 
Bốn ngày trước khi cử hành đám tang má tôi, mưa bỗng trút xuống như thác. Ở Chương Châu mưa thường kéo dài mà nếu lần này mưa không sớm dứt thì cả châu thành sẽ ngập, không thể nào làm đám tang được. Nhiều người từ Thượng Hải lại để đưa đám, nếu phải hoãn lại ngày chôn cất thì bất tiện cho họ. Một bà trong họ tôi bảo rằng bà tin ở Thượng Đế, Thượng Đế sẽ làm vừa lòng các con của Ngài (ở Trung Hoa không thiếu gì hạng Ki Tô giáo tin như vậy). Bà cầu nguyện và mưa tạnh. Thế là cơ hồ như mưa tạnh để cho một gia đình theo đạo Ki Tô có thể cử hành một đám tang cho kịp ngày. Cơ hồ như nếu không có gia đình chúng tôi thì có lẽ Thượng Đế đã bắt cả mấy chục ngàn dân Chương Châu bị nạn lụt rồi. Ý đó làm cho tôi bất bình: thực là ích kỉ một cách không tưởng tượng được. Thượng Đế mà lại phù hộ cho những đứa con ích kỉ như vậy ư?
 
Một mục sư Ki Tô giáo viết sách kể đời mình để tán dương Thượng Đế, vì Thượng Đế đã nhiều lần chiếu cố đến ông ta. Một lần ông ta gom góp được sáu trăm đồng bạc để mua vé tàu qua Mĩ; ngày mua vé, Thượng Đế thương ông ta, làm cho hối suất hạ xuống. Có sáu trăm đồng thì hối suất hạ xuống nhiều lắm, ông ta cũng chỉ được lợi vài chục đồng; vậy mà Thượng Đế đã làm náo động cả thị trường chứng khoán ở Luân Đôn, Nữu Ước, Ba Lê để làm vui lòn con người lố bịch đó! Lối tán thưởng Thượng Đế đó không phải là hiếm thấy trong số giáo đồ Ki Tô đâu. Như vậy có phải là bất kính với Thượng Đế và hợm hĩnh không?
 
Xét toàn thể thì nhân loại có thể có chút ý nghĩa về lịch sử nhưng xét từng cá nhân thì như Tô Đông Pha đã nói, chúng ta so với vũ trụ chỉ là một hạt kê trong một đại dương, hoặc một con phù du, sớm sinh tối chết, vì cuộc đời thọ lắm là sáu bảy chục năm có nghĩa lí gì đối với không gian vô cùng. Ki Tô giáo đồ có vẻ như không khiêm tốn, không thỏa mãn vì sự trường tồn của dòng sinh hoạt tập thể, trong đó có họ; họ còn muốn chính họ cũng được trường sinh nữa. Như vậy có khác gì cái bình đất sét hỏi người thợ nặn: “Tại sao ông lại nặn tôi thành hình này và tại sao tôi lại dễ vỡ?”. Cái bình đó[6] khi vỡ còn để lại được vài cái bình con, vậy mà vẫn chưa thỏa mãn. Con người không thỏa mãn rằng đã nhận được của Thượng Đế cái thân thể kì diệu, gần như thần thánh đó. Con người muốn sống hoài kia, không để cho Thượng Đế được yên ổn, ngày nào cũng tụng niệm cầu xin Thượng Đế ban cho cái này cái khác, cả những cái lặt vặt. Tại sao họ cứ quấy rầy Thượng Đế hoài vậy nhỉ?
 
Hồi xưa, một học giả Trung Hoa không tin đạo Phật mà bà mẹ thì rất tin. Bà muốn tích công đức, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” cả ngàn lần một ngày. Mỗi lần bà ta niệm tới tên Phật thì người con lại gọi “Mẹ”. Bà ta bực mình, gắt lên. Người con đáp: “Mẹ nghĩ coi, nếu đức Phật nghe được mẹ gọi tên Ngài hoài như vậy, Ngài không bực mình sao?”.
 
Song thân tôi đều là những tín đồ rất thành kính của Ki Tô giáo. Cứ nghe ba tôi cầu kinh mỗi buổi tối thì biết lòng mộ đạo của người ra sao. Tôi là con một vị mục sư, đã được hưởng những tiện lợi của giáo mục trong giáo hội, hấp thụ được những sở trường của nó mà cũng đã đau khổ về những sở đoản của nó. Tôi đã luôn luôn mang ơn về những sở trường, còn sở đoản thì tôi đã chuyển ra thành sức mạnh cho tôi. Vì theo triết học Trung Hoa, trong đời không có gì là họa, là phúc cả; họa là phúc mà phúc cũng là họa. Hồi nhỏ người ta cấm tôi vô hí viện Trung Hoa, cấm tôi nghe hát Trung Hoa và tôi không được biết chút gì về thần thoại cùng cố sự Trung Hoa. Sau khi vô trường Nhà Dòng, thì tôi quên hết ít đoạn trong Tứ Thư mà ba tôi đã dạy tôi. Như vậy có lẽ mà lại hay vì sau này khi đã hấp thụ một nền giáo dục hoàn toàn Âu Tây, tôi nghiên cứu lại cựu học với một tinh thần mới mẻ và với những hứng thú của một thanh niên phương Tây khám phá được những cái kì diệu của phương Đông.
 
Tới thời thiếu niên – tuổi đó thường là mộ đạo nhất – bỗng phát ra một sự xung đột giữa lòng tôi và óc tôi: lòng tôi thì cảm thấy những cái đẹp của Ki Tô và óc tôi thì muốn lí luận về mọi sự. Cũng lạ là tôi không bao giờ bị giày vò, thất vọng như Tolstoi mà đến nỗi xuýt muốn tự tử. Trái lại, trong một giai đoạn, tôi thấy mình là tín đồ của một đạo Ki Tô giáo thống nhất, sống hòa hợp với tín ngưỡng, chỉ hơi khoáng đạt, tự do hơn các tín đồ khác, chấp nhận ít giáo điều hơn họ. Vả chăng lúc nào tôi cũng có thể suy nghĩ lại về bài thuyết giáo trên núi. Những câu như: “Các con hãy coi những bông huệ trong ruộng”, ý tưởng đẹp quá, nên thơ quá, tất phải là đúng. Do đó mà tôi ý thức được một đời sống Ki Tô giáo trong nội tâm, nó làm tăng nguồn sinh lực của tôi lên.
 
Còn những giáo nghĩa thì nó trốn đi đâu mất một cách đáng kính, và nhiều cái thiển cận làm cho tôi phát chán. Tín điều “nhục thể phục hoạt” trong giáo nghĩa đã bị bác bỏ từ lâu, vì ở thế kỉ thứ nhất, người ta không thấy Chúa giáng lâm lần nữa, mà xác của các thánh đồ nằm yên trong mộ chứ không sống lại; vậy mà điều đó vẫn y nguyên còn nằm trong bộ “Tín điều của Thánh đồ” (Symbole des Apôtres). Đó là một trong những cái thiển cận tôi kể làm thí dụ.
 
Rồi sau tôi vô ban Thần học; đây mới là chốn linh thiêng nhất. Tôi được biết thêm rằng tín điều “Xử nữ sanh con” là một vấn đề mà các vị Khoa Trưởng các Viện thần học ở Mĩ còn chưa tin, còn đương bàn cãi, mỗi nhà đưa ra một kiến giải. Thế mà các tín đồ Trung Hoa nhất định phải chấp nhận tín điều đó rồi mới được phép làm lễ rửa tội. Tôi bực mình về điểm đó lắm. Có vẻ như người ta thiếu thành thực, dù sao thì cũng là thiếu công bằng.
 
Tôi tìm đọc thêm những sách cao hơn, đọc những bài bình luận thông thái về những vấn đề vụn vặt, và tôi thấy rằng một quan niệm như trên về thần học chẳng có giá trị gì cả. Kết quả là tới kì thi, tôi bị loại. Các giáo sư bảo tính tình tôi không hợp với nghề mục sư, và viên Chủ giáo khuyên tôi đừng tiếp tục nữa. Phí công cho các vị đó. Như vậy, tuy rủi mà hóa may cho tôi. Nếu lúc đó tôi cứ tiếp tục rồi sau này khoác áo mục sư thì không biết làm sao tôi có thể thành thực với tôi được. Nếu người ta cho tôi là đã phản nghịch thì chỉ có mỗi lần đó, lần tôi bất bình rằng sao các nhà thần học có quyền nghi ngờ một tín điều mà các tín đồ lại bắt buộc phải tin, là trong lòng tôi có một tình cảm gì gần giống với sự phản nghịch.
 
Thời đó, tôi đã tới giai đoạn coi các nhà thần học là kẻ thù lớn nhất của Ki Tô giáo. Tôi không sao hiểu được hai mâu thuẫn lớn lao này.
 
Mâu thuẫn thứ nhất: các nhà thần học xây dựng tất cả tín ngưỡng về đạo trên một quả táo. Nếu ông Adam không ăn một quả táo cấm trên vườn Thượng Đế thì không có tội ác nguyên thủy, mà không có tội ác nguyên thủy thì không cần phải chuộc tội. Dù trái táo đó có tượng trưng cho cái gì đi nữa thì tôi vẫn cho lẽ đó là hiển nhiên. Mà tín điều đó, theo tôi, trái hẳn với giáo huấn của đấng Ki Tô, Ngài không hề nói tới tội ác nguyên thủy và sự chuộc tội, tuyệt nhiên không. Với lại, cũng như nhiều người khác ở thời đại này, tôi không nhận thấy mình có tội ác nguyên thủy, tôi không tin điều đó. Tôi chỉ biết rằng nếu Thượng Đế chỉ yêu tôi bằng nửa má tôi yêu tôi thì không khi nào Ngài đày tôi xuống địa ngục cả. Đó, trong thâm tâm tôi nghĩ như vậy, cho như vậy là đúng rồi, khỏi bàn gì nữa, và tôi không vì bất kì một tôn giáo nào phủ nhận sự thực đó.
 
Mâu thuẫn thứ nhì, tôi thôi, còn vô lí hơn: Khi ông Adam và bà Eve, trong tuần trăng mật, lỡ ăn một trái táo thì Thượng Đế nổi giận tới nỗi bắt con cháu hai ông bà đời đời kiếp kiếp phải chịu tội chỉ vì một lỗi nhỏ của tổ tiên; nhưng tới khi cũng những đứa con cháu đó của hai ông bà giết người con độc nhất của cũng vị Thượng Đế đó thì Ngài lại vui vẻ đến nỗi tha tội cho hết. Ai muốn giảng gì thì giảng, đưa những luận cứ gì thì đưa, tôi không thể nào chấp nhận sự vô lí đó được. Đó là sự kiện cuối cùng làm tôi thắc mắc.
 
Tuy vậy, sau kì thi, tôi vẫn còn là một tín đồ nhiệt tâm, và tôi tự nguyện dạy Thánh kinh mỗi ngày chủ nhật ở Thanh Hoa học hiệu, một trường không phải là của giáo hội, làm cho nhiều giáo viên đồng sự ngạc nhiên. Buổi học Thánh Hoa nghe về đau khổ, vì buổi đó tôi phải kể cho trẻ em Trung Hoa nghe về đời sống của Thiên thần ca hát dưới ánh trăng trên Thiên Đường, điều mà tôi không tin một mảy may. Mọi sự đã quyết định từ trước rồi; tôi bỏ hết các tín điều mâu thuẫn, mà chỉ giữ lại một lòng yêu và một nỗi sợ: tôi yêu Thượng Đế vô cùng sáng suốt, Ngài đã cho tôi được vui vẻ và bình tĩnh, và tôi ngờ rằng thiếu lòng yêu đó thì tôi khó mà vui vẻ, bình tĩnh được như vậy; và tôi sợ sẽ bị sa đọa vào một thế giới mồ côi.
 
Sau cùng tôi được cứu thoát. Tôi biện luận với một bạn đồng sự. Tôi bảo: “Nhưng nếu không có Thượng Đế thì còn ai làm điều thiện nữa và thế giới sẽ điên đảo mất”.
 
Ông bạn theo Khổng giáo của tôi đáp: “Tại sao lại như vậy? Chúng tôi phải sống một đời sống hợp với đạo chỉ vì chúng ta là những con người hiểu đạo, thế thôi”.
 
Nghe lời giảng đó về sự tôn nghiêm của đời sống con người, tôi cắt hết những liên lạc với đạo Ki Tô và tôi thành một dị giáo đồ từ hồi đó.
 
Bây giờ thì đối với tôi, mọi sự minh bạch lắm. Thế giới của dị giáo đồ là thế giới giản dị. Dị giáo đồ không giả định một điều gì cả, không bắt buộc phải giả định một điều gì cả. Người đó chuyên lập luận trên sự thực của đời sống và nhờ vậy làm cho đời sống hấp dẫn hơn. Người đó không cần phải làm điều thiện để tự biện hộ cho mình (nghĩa là thấy điều thiện là đáng làm thì làm, không cần vì một lẽ gì khác), như vậy là biện hộ cho điều thiện còn hơn các tôn giáo. Nếu người ta nhận rằng nên làm điều thiện chỉ vì nó là điều thiện thì người ta không thể không coi những lời mà khoa thần học dẫn dụ tín đồ làm điều thiện chẳng những là thừa mà còn làm che lấp mất cái rực rỡ của đạo đức nữa.
 
Lòng yêu nhân loại phải là một sự thực chung kết và tuyệt đối. Chúng ta phải có thể yêu nhau được mà không cần có một vị nào ở trên Trời bắt buộc ta cả. Theo tôi, đạo Ki Tô làm cho đạo đức hóa ra khó khăn, rắc rối một cách vô ích, mà làm cho tội lỗi hóa ra tự nhiên, thích thú. Theo tôi, chỉ có dị giáo chủ nghĩa là có thể cứu tôn giáo ra khỏi thần học, khôi phục được tính cách giản dị và đẹp đẽ của tín ngưỡng, khôi phục được sự tôn nghiêm của tình cảm trong tôn giáo.
 
Vì đâu mà những thuyết lầm lẫn rắc rối về thần học đã phát hiện trong mấy thế kỉ đầu kỉ nguyên và biến đổi những chân lí giản dị trong bài “Thuyết giáo trên núi” thành một cơ cấu cứng ngắc, kì dị, để cho giai cấp tế sư lợi dụng? Theo tôi, nguyên do chỉ ở trong hai chữ “Thiên khải”. Sự tin tưởng rằng có một bí mật hoặc một ý chí của Thượng Đế được Thượng Đế khải thị cho một vị tiên tri, rồi vị tiên tri truyền thụ lại cho sư sinh, là một sự tin tưởng chung cho tất cả các tôn giáo: Ki Tô giáo, Hồi giáo, Móc Môn giáo, (Mormonisme)[7], Hoạt Phật giáo (Lamaisme), Ki Tô giáo khoa học (Christian Science)[8] để cho mỗi tôn giáo có thể giữ độc quyền cứu rỗi tín đồ, một thứ độc quyền có chấp chiếu chứng thư. Những chân lí giản dị mà Đức Ki Tô dạy ta ở trên Núi, phải được tô điểm thêm, những bông huệ mà Ngài khen là đẹp phải được sơn son thếp vàng cho đẹp thêm. Do đó mà có ông “Adam thứ nhất”, ông “Adam thứ nhì” vân vân…
Những lí luận của thánh Paul, ở buổi đầu kỉ nguyên Ki Tô, có vẻ chắc chắn, đáng tin, không thể bác được đó, ngày nay người ta cho là không vững, vì óc phán đoán nào cũng bấp bênh lắm. Chỉ có cách trở về chủ trương dị giáo, bỏ hẳn tín điều “khải thị” đó thì con người ngày nay mới tìm lại được đạo Ki Tô nguyên thủy mà tôi cho là thỏa mãn hơn.
 
Vậy bảo dị giáo đồ là một người không tin tôn giáo là lầm: người đó chỉ không tin sự “khải thị” thôi. Một dị giáo đồ luôn luôn tin ở Thượng Đế nhưng không muốn nói ra, sợ bị hiểu lầm. Tất cả các dị giáo đồ Trung Hoa tin ở Thượng Đế, mà trong văn học họ thường gọi là Tạo vật hoặc Hóa Công. Chỉ khác mỗi điều này là người Trung Hoa thành thực, để đấng Tạo Vật ẩn sau một vừng hào quang bí mật, như vậy họ càng kính sợ Tạo Vật hơn.
 
Họ thường lãnh hội được cái đẹp của vũ trụ, sự an bài thông minh trong vũ trụ, sự kì diệu của vạn vật, cái bí mật của tinh tú, sự mênh mông bao la của Trời Đất và cái tôn nghiêm của linh hồn; và bấy nhiêu cũng đủ rồi. Họ nhận sự chết cũng như nhận sự đau khổ, rồi họ đặt lên bàn cân, một bên là sự chết, một bên là sự sống; một bên là đau khổ, một bên là thanh phong, minh nguyệt. Thấy hai bên cũng ngang nhau và họ không phàn nàn gì cả. Họ cho rằng thuận mạng trời mới chính là thái độ tín ngưỡng, và thái độ đó, họ gọi là “Sống trong Đạo” (Sinh ư Đạo). Nếu tạo vật muốn cho họ chết hồi bảy chục tuổi thì đến bảy chục tuổi họ vui vẻ chết. Họ cũng tin rằng “thiên lí tuần hoàn”, cho nên trên thế giới không có sự bất công vĩnh viễn. Bấy nhiêu đủ rồi, họ không cần gì hơn nữa.
 

°

° °

CHƯƠNG XIV

 

NGHỆ THUẬT TƯ TƯỞNG

 
1. CẦN CÓ NHỮNG TƯ TƯỞNG CẬN NHÂN TÌNH
 
Tư tưởng là một nghệ thuật chứ không phải là một khoa học. Xét về học vấn thì một trong những tương phản quan trọng nhất giữa phương Đông và phương Tây ở điểm này: phương Tây có nhiều tri thức chuyên môn mà ít tri thức cận nhân tình, còn Trung Hoa không có tri thức chuyên môn mà rất chú ý tới vấn đề nhân sinh. Chúng ta nhận thấy rằng ngay khu vực tri thức cận nhân tình của phương Tây cũng bị tư tưởng khoa học xâm chiếm, cho nên cũng có tính cách chuyên môn, cũng dùng quá nhiều thuật ngữ khoa học hoặc bán khoa học. Tôi dùng những “tư tưởng khoa học” đó là theo nghĩa ngày nay chứ theo nghĩa chân chính thì “tư tưởng khoa học” không thể tách khỏi lương tri và tưởng tượng được. Theo nghĩa ngày nay thì “tư tưởng khoa học” của phương Tây tách xa lương tri mà chỉ có tính cách lí luận khách quan, rất chuyên môn và “nguyên tử” từ phương pháp tới quan niệm. Tóm lại, sự tương phản giữa hai nền học vấn Đông và Tây là một bên trọng lương tri, một bên trọng luận lí. Luận lí mà thiếu lương tri thì hóa ra bất cận nhân tình, lương tri mà thiếu luận lí thì không thể thấu triệt được những bí mật của hóa công.
 
Dạo trong vườn văn học và triết học Trung Hoa ta thấy gì? Thấy không có khoa học, không có tín điều, không có những lí luận cực đoan và thực ra cũng không có cả những triết học tính chất khác hẳn nhau. Lương tri và tinh thần không cực đoan đã đè bẹp tất cả các lí thuyết, các tín điều. Cũng như thi hào Bạch Cư Dị đời Đường, học giả Trung Hoa mượn đạo Nho để điều chỉnh hành vi, mượn đạo Phật để luyện tâm cho thanh tĩnh, mượn sử kí, hội họa, núi sông, thi tửu, ca nhạc để an ủi tinh thần[9]. Họ xử thế mà như xuất thế.
 
Vậy, cơ hồ như Trung Hoa là một dân tộc không chịu gắng sức vào sự suy tư, mà chỉ rán tìm một lối sống. Triết học đối với họ chỉ là một vấn đề lương tri, viết thành một bộ sách dày cũng được mà tóm tắt vào hai câu thơ cũng đủ. Xét chung, họ không có một hệ thống triết học, không có môn luận lí, môn siêu hình, không có những từ ngữ khó hiểu như trong các học viện phương Tây; họ có rất ít tinh thần độc đoán; rất ít tinh thần cuồng tín, rất ít từ ngữ trừu tượng và lôi thôi dài dòng. Không có một chủ nghĩa duy lí máy móc nào mà có thể phát triển ở Trung Hoa[10] được mà người ta thâm oán cái quan niệm “tất cả luận lí”[11]. Xứ đó không cần luật sư trong công việc làm ăn, mà cũng không cần luận lí gia trong triết học. Chỉ có một cảm giác thâm thiết về sinh hoạt mà không có những hệ thống triết học tinh vi; không có những triết gia như Kant, Hegel mà chỉ có những nhà viết những thiên tùy bút, tiểu luận, những câu cảnh ngữ[12], thiền ngữ và những ngụ ngôn như trong phái Đạo gia.
 
Xét toàn diện thì văn học Trung Hoa chỉ có những đoản thi, đoản văn, kẻ nào không ưa thì thấy rất chán, cho rằng bài nào như bài nấy; nhưng người nào đã ưa thì thấy có nhiều vẻ thay đổi và đẹp đẽ lạ lùng như một cảnh thiên nhiên. Văn nhân Trung Hoa chỉ viết những bài đoản văn dài vài ba trăm hoặc năm sáu trăm chữ để diễn cái cảm giác về sinh hoạt. Trong những bài ngẫu hứng, trong những đoạn nhật kí, bút kí, trong những bức thư và tiểu luận của họ, chúng ta thấy tác giả khi thì bình luận về những cảnh chìm nổi trong đời, khi thì kể lại chuyện một thiếu nữ tự tử; hoặc mô tả một buổi du xuân, một bữa tiệc trên tuyết, hoặc chép một cuộc chơi thuyền dưới trăng, một buổi tối nằm trong chùa nghe mưa. Chúng ta thấy rất nhiều văn gia đồng thời là thi gia, và nhiều thi gia đồng thời là văn gia, viết không bao giờ quá năm bảy trăm chữ, nhưng thường khi chỉ một hàng cũng chứa được cả một triết lí về nhân sinh. Chúng ta gặp nhiều ngụ ngôn, cảnh ngữ, nhiều bức thư phóng bút, không sắp đặt tư tưởng cho chặt chẽ. Do đó mà các môn phái, các hệ thống khó phát sinh đươc. Trí tuệ thường bị tinh thần cận tình hợp lí, nhất là bị cảm xúc nghệ thuật áp đảo, hạn chế, không cho nảy nở. Quả thực là người Trung Hoa không tín nhiệm tri thức, trí tuệ.
 
Chẳng cần phải chứng minh rằng luận lí là một lợi khí của trí óc, nhờ đó mà khoa học mới tiến. Tôi sở dĩ vạch những nhược điểm của tư tưởng luận lí là chỉ để độc giả thấy một sở đoản đặc biệt của tư tưởng phương Tây, chẳng hạn chính sách cơ giới trong chính trị của người Đức mà người Nhật bắt chước. Luận lí cũng có vẻ quyến rũ của nó, và tôi coi loại tiểu thuyết trinh thám là một sản phẩm thú vị của tinh thần luận lí, trong đó Trung Hoa tuyệt nhiên không có. Nhưng luận lí cũng có mặt trái của nó[13].
 
Đặc tính hiển hiện nhất của học vấn phương Tây là nó quá chuyên môn, phân biệt tri thức thành nhiều môn quá. Sự chuyên môn hóa với những danh từ kĩ thuật đã tạo ra hiện trạng kì dị này của văn minh phương Tây: triết học bị kéo lùi về phía sau, đứng sau chính trị và kinh tế một khoảng rất xa, thành thử phần đông chúng ta không quan tâm tới triết học mà chẳng hề thấy chút ân hận nào trong lòng. Hạng trung nhân và cả hạng tri thức cũng cho triết học là một môn chẳng cần phải biết. Đó là một hiện tượng kì dị của văn hóa hiện đại, vì triết học đáng lẽ phải hợp nhân tâm nhân sự thì lại cách biệt hẳn với đời sống. Hồi xưa, nền văn minh cổ điển Hi Lạp, La Mã đâu có như vậy; ở Trung Hoa cũng không vậy: người ta có văn hóa phải quan tâm trước hết tới sinh hoạt. Con người ngày nay trái lại chẳng chú ý gì tới vấn đề nhân sinh cả; hay là tại chúng ta đã tiến bộ quá rồi chăng? Phạm vi tri thức của ta đã mở rộng ra quá, chúng ta đã có nhiều “môn” quá, đến nỗi triết học đáng lẽ phải là môn quan trọng nhất cần học hơn cả thì lại là môn mà chẳng ai thèm học. Thành thử môn triết học cũng y như các thiên tử nhà Chu thời Chiến Quốc, đáng lẽ được các vua chư hầu cống lễ, thì lại mất dần quyền lực và quốc thể, chỉ còn một số ít dân trung tín nhưng nghèo đói.
 
Vì chúng ta đã tới một giai đoạn văn hóa, trong đó con người chỉ có môn loại tri thức, chứ không có tri thức; chỉ có sự chuyên môn chứ không có sự tổng hợp; chỉ có nhà chuyên môn chứ không có triết gia về tri thức của nhân loại. Sự chuyên môn quá đỗi trong khoa học cũng không khác gì sự chuyên môn quá đỗi về thuật nấu bếp trong hoàng cung Trung Hoa. Người ta kể chuyện khi một triều đại nào đó bị lật đổ, một vị đại thần mướn được một người bếp trước làm cung nữ. Hãnh diện lắm, ông ta mời bạn bè lại dự tiệc do một tay bếp giỏi trong hoàng cung đích thân nấu nướng, sắp đặt. Gần tới ngày, ông bảo người cung nữ sửa soạn một bữa thịnh yến. Người cung nữ đáp là không biết nấu. Chủ nhân hỏi:
 
- Thế hồi trước ở trong cung làm gì?
 
Cung nữ đáp:
 
- Tôi chuyên giúp việc làm bánh.
 
- Thế thì làm mấy món bánh để đãi khách.
 
- Tôi không làm bánh được, chỉ chuyên cắt hành để làm nhân bánh.
 
Vị đại thần bật ngửa ra.
 
Khu vực tri thức của nhân loại ngày nay cũng có tình trạng như vậy. Chúng ta có một nhà sinh-vật-học chuyên nghiên cứu một phần về sinh mạng và bản chất con người; một nhà tinh-thần-bệnh-học chuyên nghiên cứu về một phần khác về sinh mạng; một nhà địa-chất-học chuyên nghiên cứu lịch sử nhân loại trước thời hồng hoang; một nhà nhân-chủng-học chuyên nghiên cứu tâm tính các dân tộc dã man; một nhà sử học, nếu thực có tài, có thể giảng cho ta về những bài học khôn, dại của thời trước; một nhà tâm-lí-học đôi khi có thể giúp chúng ta hiểu tâm trạng, thái độ của chúng ta nhưng cũng có lúc chỉ nói bậy nói bạ. Vài nhà tâm lí kiêm mô phạm làm cho tôi kinh ngạc. Người ta chỉ lo chuyên môn hóa mà không nghĩ tới tổng hợp các tri thức để đạt mục đích tối cao này là giúp cho tri thức về nhân sinh được tăng tiến. Các nhà bác học phương Tây mà không hoạt động một cách giản dị hơn và bớt luận lí đi thì không thể thực hiện sự tổng hợp đó được. Chỉ việc gom góp những tri thức chuyên môn thì không thể làm cho sự minh triết của con người tăng lên được; mà công việc nghiên cứu các bảng thống kê cũng chẳng bố ích gì về phương diện đó cả; phải có óc minh trí, phải có nhiều lương tri hơn, phải có óc trực giác sáng suốt hơn, tế nhị hơn thì mới thành công được.
 
Một tư tưởng hợp môn luận lí khác xa một tư tưởng hợp lý, cũng như một tư tưởng có tính cách học viện khác xa một tư tưởng có tính cách thi vị. Trong thế giới hiện đại, có nhiều tư tưởng học viện mà ít tư tưởng thi vị. Aristole và Platon là những triết gia “hiện đại”, không phải vì người Hi Lạp giống người thời nay mà vì hai nhà đó là thủy tổ của tư tưởng hiện đại. Mặc dầu Aristole có nhiều kiến giải hợp với chủ nghĩa nhân tính và thuyết Trung dung, ông chính là ông tổ các tác giả sách khoa học ngày nay vì ông là người đầu tiên tạo ra thứ ngôn ngữ trong học viện mà phần đông không ai hiểu nổi, thứ ngôn ngữ mà các nhà khoa học và tâm lí học sở trường vào bậc nhất, không nhà nào chịu thua nhà nào. Mặc dầu Platon hiểu thấu bản chất con người, ông cũng chịu trách nhiệm về phong trào tôn sùng khái niệm và trừu tượng của phái Tân-Platon; truyền thống đó đáng lẽ nên điều hòa bớt đi thì ngày nay được phổ biến trong giới văn nhân: nhà nào cũng bàn về khái niệm và ý thức hệ, cơ hồ như những cái đó có một tính tồn tại độc lập. Gần đây, các nhà tâm lí học đã cướp của chúng ta những bộ môn “lí trí”, “ý chí”, “tình cảm”; như vậy là đã tiếp tay vào việc sát hại “tâm hồn”, sát hại cái mà các nhà thần học thời trung cổ coi là một thực thể. Chúng ta đã giết mất “linh hồn” nhưng chúng ta đã tạo ra cả ngàn khẩu hiệu xã hội, chính trị (như cách mạng, phản cách mạng, tiểu tư sản, tư sản, đế quốc) để thống trị tư tưởng của chúng ta, tạo ra những thực thể như “giai cấp”, “vận mạng”, “quốc gia” rồi chúng ta biến đổi quốc gia thành một quái vật nuốt sống cá nhân.
 
Tôi cho rằng cần phải cải tạo tư tưởng cho nó thêm sinh lực, thêm thi vị, phải nhận xét sinh mạng một cách nghiêm trang, coi nó là một toàn thể. James Harvey Robinson đã cảnh báo chúng ta: “Vài quan sát gia minh trí thành thực tin rằng nếu chúng ta không nâng trình độ tư tưởng lên thật cao, thì văn minh thế nào cũng thoái hóa mất”. Giáo sư Robinson cũng nhận một cách sáng suốt rằng: “Lương tâm và sự minh trí đáng lẽ phải hòa hợp với nhau thì lại chống đối nhau”. Các nhà kinh tế học và tâm lí học ngày nay, theo tôi thấy, có nhiều lương tâm mà thiếu minh trí. Có một điểm mà chúng ta phải nhấn mạnh hoài là nên coi chừng, đừng áp dụng môn luận lí vào thế sự. Nhưng sức mạnh và uy quyền của tư tưởng khoa học đã quá lớn đến nỗi mặc dầu nhiều người đã cảnh cáo, nó vẫn lấn hoài khu vực triết học: người ta tin rằng tâm linh con người có thể nghiên cứu như một hệ thống ống cống trong châu thành, mà những làn sóng tư tưởng có thể nghiên cứu như những điện ba của máy phát thanh. Hậu quả không tai hại gì lắm trong những tính toán, suy tư hằng ngày của chúng ta, nhưng rất tai hại trong môn chính trị thực hành.
 
2. TRỞ VỀ LƯƠNG TRI

 

Người Trung Hoa ghét từ ngữ: “tất yếu luận lí”, vì không có gì là tất yếu luận lí trong thế sự cả. Họ nghi ngờ môn luận lý; mới đầu là họ khinh các danh từ, rồi kinh sợ các định nghĩa, cuối cùng là họ thâm oán các hệ thống, các lí thuyết. Khi người ta chú ý tới danh từ là triết học bắt đầu suy. Một học giả Trung Hoa Cung Định Am bảo: “Thánh nhân thì không nói, người có tài thì nói còn kẻ ngu thì biện luận”, mặc dầu chính ông ta lại ham biện luận.
 
Lịch sử triết học thực là một lịch sử bi thảm: các triết gia đều thuộc vào hạng hay nói chứ không phải hạng làm thinh. Hết thảy đều muốn nghe tiếng nói của chính mình. Ngay như Lão Tử là người đầu tiên bảo ta rằng: “Đại khối vô ngôn” (vũ trụ không nói gì cả)[14] vậy mà trước khi vô ẩn ở U cốc quan, hưởng lạc dư niên cũng quyết tâm lưu lại bộ Đạo Đức Kinh gồm năm ngàn chữ. Đáng đại biểu nhất cho hạng triết gia thiên tài ham ăn nói là Khổng Tử. Ông chu du “bảy mươi hai nước” để rán thuyết phục các vua chúa; Socrate còn hơn nữa, suốt ngày dạo phố ở thành Athènes, gặp người qua đường nào cũng vẫy người ta lại, đặt hết câu hỏi này đến câu hỏi khác để được nghe mình dạy khôn cho người ta. Vậy câu “thánh nhân không nói” chỉ đúng một cách tương đối.
 
Tuy nhiên, có một sự cách biệt giữa bực thánh và hạng có tài vì bực thánh bàn về sinh hoạt là do những lịch duyệt của bản thân còn hạng có tài thì bàn về những lời nói của thánh nhân, mà kẻ ngu thì lại tranh biện về những lời nói của hạng có tài. Phái Ngụy biện Hi Lạp, đại biểu cho hạng hay nói, chỉ dùng cái thuật “nhai văn nhá chữ”. Triết học vốn là môn trọng sự minh triết đã biến thành một môn trọng danh từ, và số nhà ngụy biện càng tăng thì triết học càng li khai với sinh hoạt. Các triết gia dùng càng ngày càng nhiều danh từ, dùng những câu càng ngày càng dài; rồi những cảnh ngôn ngăn ngắn biến thành những câu dài; những câu dài biến thành những thiên biện luận; những thiên biện luận biến thành những chuyên thư; những chuyên thư biến thành những bộ đại luận; những bộ đại luận biến thành những bộ nghiên cứu về ngôn ngữ học; luôn luôn phải dùng thật nhiều danh từ, mỗi ngày một nhiều, để định nghĩa, phân loại các từ ngữ mà người ta dùng, phải thành lập nhiều học phái để cho khác nhau và để kế tiếp những học phái trước; cứ như thế cho đến khi người ta quên hẳn cái cảm giác trực tiếp và thâm thiết về sinh hoạt đi, mà hạng phàm nhân chúng ta có quyền hỏi họ: “Ông nói cái gì thế?”. Thỉnh thoảng cũng có vài nhà tư tưởng đọc lập được đời sống trực tiếp kích thích – chẳng hạn Goethe, Samuel Johnson, Emerson, William James – họ không chịu dùng thứ ngôn ngữ khó hiểu của bọn ham nói và luôn luôn chống lại tinh thần phân loại. Họ là những nhà minh triết, giữ cho ta được ý nghĩa chân chính của triết học. Nhiều khi họ không dùng luận cứ, chỉ dùng ít cảnh ngữ.
 
Khi người ta thích dùng danh từ là người ta bắt đầu tiến tới sự ngu muội, khi người ta thích định nghĩa là đã tiến thêm một bước nữa tới gần sự ngu muội. Càng phân thích thì người ta cần phải định nghĩa, càng định nghĩa thì lại càng muốn cho được hoàn toàn hợp luận lí, nhưng không thể nào đạt được sự hoàn toàn hợp luận lí, mà muốn như vậy là ngu muội. Vì từ ngữ cần thiết cho sự phô diễn tư tưởng cho nên định nghĩa là việc hoàn toàn đáng khen. Cái nguy hiểm là sau khi ý thức được những từ ngữ ta định nghĩa rồi, ta bắt buộc lại phải định nghĩa những tiếng dùng để định nghĩa, rút cục là bên cạnh những tiếng phô diễn sinh hoạt, chúng ta có thêm một loạt tiếng để định nghĩa những tiếng trên và các triết gia chỉ chú trọng tới loại tiếng đó. Tất nhiên có một sự khác nhau xa giữa những tiếng hữu ích và những tiếng vô ích, những tiếng thường dùng trong đời sống hàng ngày và những tiếng chỉ dùng trong nhóm triết gia; lại có một sự khác nhau xa giữa những định nghĩa của Socrate, của Francis Bacon và những định nghĩa của các giáo sư ngày nay. Shakespeare có cảm giác thâm thiết về đời sống chắc chắn là không thèm định nghĩa một cái gì cả; nói cho đúng hơn, vì ông không thèm định nghĩa cho nên những tiếng ông dùng mới có một “thực thể” mà ta không thấy trong dụng ngữ của các tác giả khác; do đó ngôn ngữ của ông mới thấm nhuần được cái ý nghĩa về nhân sinh bi kịch, mới có cái ý vị trang nghiêm, hùng tráng mà ít ai kiếm được.
 
Từ ngữ chia cắt tư tưởng của ta trong trình tự phô diễn, mà lòng ưa sắp đặt thành hệ thống còn tai hại hơn nữa, vì nó làm cho ta không nhận thức được đời sống tinh nhuệ. Một hệ thống chỉ là một lối nhìn nghiêng chân lý. Hệ thống mà xây dựng càng hợp với luận lí thì sự nhìn nghiêng đó càng đáng sợ. Các ý muốn nhìn chân lí một cách phiến diện rồi phát triển nó ra, xây dựng thành một hệ thống hoàn toàn, hợp luận lí, là một nguyên nhân làm cho triết học của chúng ta cách biệt với đời sống. Nội một việc bàn đến chân lí là đã làm tổn hại chân lí rồi; nếu còn rán chứng minh nó thì là làm cho nó thương tàn, biến tướng đi; nếu lại dán cho nó một nhãn hiệu, một phái danh thì là giết nó; mà kẻ nào tín ngưỡng nó là chôn chặt nó. Cho nên chân lí nào dựng thành hệ thống là chân lí ấy chết, bị chôn chặt rồi. Và trong khi làm đám tang chân lí thì ai nấy đều tấu lên khúc vãn ca này: “Tôi hoàn toàn có lí, còn các anh hoàn toàn lầm lẫn”. Người ta không quan tâm tới chân lí nữa, chỉ chú trọng tới đám táng. Vì tất cả các đảng phái triết học cổ cũng như kim chỉ lo việc chứng minh có mỗi một điều: “Tôi hoàn toàn có lí, còn các anh hoàn toàn lầm lẫn”.
 
Kết quả của thứ luận lí bất cận nhân tình đó là tạo thành một thứ chân lí bất cận nhân tình. Ngày nay chúng ta có một triết học cách biệt hẳn với đời sống, một triết học đã bỏ cái mục đích dạy con người về ý nghĩa của nhân sinh và về thái độ minh triết, một triết học không còn cái thâm thiết, cái ý thức về đời sống nữa. William James[15] gọi cái cảm giác thâm thiết đó là “yếu tố của kinh nghiệm”. Trước khi làm cho triết học phương Tây hóa ra cận nhân tình, phải làm cho môn luận lí của họ cận nhân tình đã. Phải trở về một lối suy tư thiết thực, đừng cách biệt sự thực, nhất là đừng cách biệt bản chất con người. Câu bất hủ của Descartes: “Tôi suy tư, vậy tôi tồn tại” phải bỏ đi mà thay vào câu này của Walt Whitman: “Địa vị hiện tại của tôi như vầy là đủ cho tôi rồi”. Đời sống không cần quì gối cầu khẩn môn luận lí chứng thực rằng nó là một sự vật có thực.
 
Tôi càng ngày càng nhận thấy rằng triết học và phép luận lí của William James có hại cho tư tưởng hiện đại của phương Tây. Mặc dầu không biết lối tư tưởng của người Trung Hoa, ông khổ trí rán chứng thực và bênh vực nó. Chỉ khác có mỗi một điều là nếu ông sinh ở Trung Hoa thì ông đã không viết nhiều như vậy, chỉ chép trong một bài tiểu luận dài từ ba tới năm trăm chữ, hoặc trong một trang nhật kí rằng mình nghĩ như vậy đó; và ông đã đề phòng từ ngữ vì biết rằng càng dùng nhiều từ ngữ thì người ta lại càng không hiểu mình. Nhưng ông quả là có tinh thần Trung Hoa vì nhận thức đời sống một cách sâu sắc, thấu triệt được những lịch duyệt của con người, phản đối chủ nghĩa duy lí máy móc, lo lắng giữ sao cho tư tưởng được linh động; ông bực mình vì có những kẻ tự cho là đã phát minh được một chân lí tuyệt đối, bao hàm được tất cả các chân lí khác, rồi giam hãm chân lí tuyệt đối đó vào một hệ thống cứng ngắc. Ông lại có tinh thần Trung Hoa vì ông nhất định cho rằng về phương diện ý thức nghệ thuật thì sự thực do tri giác quan trọng hơn sự thực do quan niệm. Triết gia là người cảm tính cực cao, quan sát kĩ lưỡng những biến động của sinh hoạt, luôn luôn kinh thán về những mâu thuẫn của sinh hoạt, luôn luôn kinh thán về những mâu thuẫn tân kì nhất, về những bất thường, về những lệ ngoại không sao giảng được. Triết gia không chấp nhận một hệ thống, không phải vì nó sai mà vì nó là một hệ thống.
 
Khổng Tử nói: “Đạo không xa người; cái gì người ta coi là đạo mà lại xa người[16] thì không phải là đạo” (đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo). Ông còn nói một câu rất sáng suốt, giống khẩu khí của James: “Người ta có thể làm cho đạo rộng lớn ra chứ đạo không làm cho người vĩ đại lên (nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân). Không, thế giới không phải là một phép tam đoạn luận (syllogisme) hoặc một luận cứ, nó là một sinh vật; vũ trụ không nói, chỉ sinh hoạt thôi; nó không biện luận, nó tồn tại, thế thôi.
 
3. CẬN NHÂN TÌNH

 

Trái với óc luận lí, có cái lương tri, hay đúng hơn có cái tinh thần cận nhân tình. Tôi cho tinh thần cận nhân tình là lí tưởng cao cả, lành mạnh nhất về phương diện tu dưỡng, và con người cận nhân tình là mẫu người có giáo dục, kiến thức nhất. Không ai có thể hoàn toàn được, chỉ có thể trở thành một người dễ thương và cận nhân tình thôi. Tôi mong mỏi được thấy một thời mà mọi dân tộc trên thế giới có tinh thần đó trong việc nhà cũng như trong việc nước. Các quốc gia hợp nhân tình sống yên ổn với nhau; vợ chồng hợp nhân tình vui vẻ với nhau. Lựa rể, tôi chỉ cần có mỗi một tiêu chuẩn này: phải là một người cận nhân tình. Không một cặp vợ chồng hoàn toàn nào không cãi nhau bao giờ, mà chỉ có những cặp vợ chồng cận nhân tình, cãi nhau một cách hợp tình hợp lí rồi làm lành với nhau một cách hợp tình hợp lí. Chỉ trong một thế giới mà mọi người đều cận nhân tình thì mới có thể có thái bình và hạnh phúc được.
 
Tinh thần cận nhân tình là vật quí nhất mà Trung Hoa có thể cống hiến cho phương Tây. Tôi không bảo bọn quân phiệt[17] bắt dân chúng đóng trước năm chục năm thuế là cận nhân tình đâu; tôi chỉ muốn nói rằng tinh thần cận nhân tình là phần tinh túy của văn minh Trung Hoa. Hai người Mĩ đã ở Trung Hoa lâu năm ngẫu nhiên chứng thực phát minh đó của tôi. Một vị bảo rằng tất cả đời sống xã hội Trung Hoa đặt cơ sở trên từ ngữ “giảng lí” (nói sao cho hợp tình hợp lí). Trong một cuộc tranh luận Trung Hoa, luận cứ cuối cùng là: “Cái đó có hợp tình lí không?”. Lời trách cứ nặng nhất mà cũng thường dùng nhất là lời này: “Người đó không giảng lí”, nghĩa là ăn nói không hợp tình hợp lí. Người nào chịu nhận rằng mình không hợp tình hợp lí là chịu thua trong cuộc tranh luận rồi.
 
Trong cuốn “My country and my people (Nước tôi và dân tộc tôi), tôi viết “Đối với một người phương Tây, một luận thuyết chỉ cần hợp phép luận lí. Đối với một người Trung Hoa thì còn phải hợp nhân tình. Hợp nhân tình, tức “cận tình”, thực ra còn quan trọng hơn là hợp luận lí. Tiếng reasonableness (hợp lí) của Anh dịch ra tiếng Trung Hoa là “tình lí”; tính lí gồm hai nguyên tố “nhân tình” và “thiên lí”. Tình là thuộc về lòng người, lí là định luật của vũ trụ. Người có giáo dục, kiến thức là người hiểu nhân tình và thiên lí. Nho gia sống hòa hợp với lòng người và thiên nhiên để mong thành một thánh nhân. Thánh nhân, theo quan niệm của họ, chỉ là một người cạn nhân tình, như Khổng Tử mà ai cũng ngưỡng mộ là có lương tri sáng suốt, có nhân tính tự nhiên.
 
Một tư tưởng nhân-tính-hóa chỉ là một tư tưởng cận nhân tình. Người chuyên giảng luận lí luôn luôn là một kẻ ngụy thiện (giả đạo đức), vậy là không hợp nhân tình, là lầm lẫn; còn người cận nhân tình thì luôn luôn ngờ mình lầm, vì vậy mà luôn luôn có lí. Người hợp luận lí và người cận nhân tình khác nhau ở đoạn tái bút trong bức thư. Tôi vẫn thích đoạn tái bút trong thư từ của các bạn tôi, đặc biệt là những đoạn nói ngược lại hẳn lời lẽ trong thư. Những đoạn đó luôn luôn chứa những tư tưởng cận nhân tình, những do dự cùng những ý tưởng thông minh, có lương tri. Những tư-tưởng-gia đại tài là một người sau khi đã cặm cụi tìm những luận-cứ dài dòng để chứng minh một luận thuyết, bỗng do trực giác, do lương tri, thấy rằng mình lầm lẫn và chịu rằng mình lầm, hủy bỏ tất cả các luận-cứ đó. Như vậy là có một tư tưởng nhân-tính-hóa.
 
Có tinh thần cận nhân tình thì không quyết tin rằng mình phải mà người trái, tư tưởng và hành vi của ta nhờ vậy mà bớt cạnh góc đi. Tinh thần trái ngược lại là tinh thần nhiệt cuồng và vũ đoán. Tôi cho rằng ở Trung Hoa ít có sự nhiệt cuồng và vũ đoán. Quần chúng Trung Hoa có khi cũng dễ bạo động, nhưng tinh thần cận nhân tình của họ đã nhân-tính-hóa chính thể chuyên chế, tôn giáo và tục mà người ta gọi là tục “khinh thị đàn áp phụ nữ”. Tất nhiên cũng có lệ ngoại nhưng xét đại thể thì điều đó đúng, và tinh thần cận nhân tình làm cho dân chúng coi các Hoàng Đế, thần thánh và các ông chồng Trung Hoa chỉ như những người thường. Hoàng Đế Trung Hoa không phải là một đấng bán thần như Hoàng Đế Nhật Bản; và tuy các sử gia Trung Hoa dựng lên cái thuyết rằng Hoàng Đế thay trời trị dân, nhưng nếu họ thất đức không biết trị dân thì sẽ mất sự ủy nhiệm của Trời, dân chúng sẽ chặt đầu họ; và sự thực dân Trung Hoa đã chặt đầu nhiều vị vua chúa quá nên không tin rằng họ là thần thánh hoặc bán thần thánh nữa. Các hiền triết Trung Hoa không bị phong thần mà chỉ được coi là những bậc thầy sáng suốt, mà thần thánh Trung Hoa cũng không phải là những kiểu mẫu hoàn thiện, trái lại cũng hủ bại, ăn hối lộ như bọn quan liêu. Cái gì mà ra ngoài tình lí thì bị coi là “bất cận nhân tình”, và một người thần thánh hóa, hoàn toàn quá thì có thể là một tên đại gian, vì về tâm lí, người đó có cái gì bất thường.
 
Về chính trị, tại nhiều xứ châu Âu, có cái gì bất cận nhân tình một cách dị thường trong luận lý và hành sự. Tôi không ngại lí thuyết phát xít và chuyên chế bằng sợ tinh thần cuồng nhiệt trong những thuyết đó, và sợ cái phương pháp mà người ta dùng để đưa lí thuyết đến chỗ phi lí. Kết quả là các giá trị điên đảo hết, môn chính trị học, môn nhân loại học, nghệ thuật, tuyên truyền, ái quốc, khoa học, chính phủ, tôn giáo lẫn lộn với nhau một cách đáng lo; tai hại nhất là có sự đảo lộn các tương quan về quyền lợi của quốc gia và cá nhân. Chỉ một tinh thần bệnh hoạn mới có thể biến quốc gia thành một vị thần, một ngẫu tượng nuốt sống các quyền lợi cá nhân.
 
Albert Pauphilet đã nói: “Không có gì giống nhau bằng tinh thần cực hữu và tinh thần cực tả”. Đặc tính của hai chế độ và hai ý thức hệ đó là trước hết tin vào sực mạnh, vào quyền lực – tin tưởng này quả là tin tưởng nông nổi, ngu muội nhất của tinh thần phương Tây – rồi sau nữa là tin ở tất yếu luận lí. Tôi mong rằng sẽ có người nhận thấy nỗi đau khổ của nhân loại do tinh thần luận lí gây nên.
 
Ta còn có thể nói rằng châu Âu ngày nay không do tinh thần cận nhân tình, cũng không do tinh thần hợp lí, mà do tinh thần cuồng nhiệt thống trị. Nhìn hiện trạng châu Âu, chúng ta có cảm giác không yên ổn, không phải chỉ do những xung đột về quốc gia, về biên giới, về vấn đề thực dân – mà do tinh thần của các nhà lãnh đạo.
 
Cảm giác không yên ổn đó y như cảm giác của một người ngồi trong một chiếc tắc-xi chạy trong một châu thành ngoại quốc, rồi bỗng nhiên hoảng hốt vì không tin cậy người lái xe. Hắn chẳng những không biết đường đi mà lại còn nói lảm nhảm, không ra đầu đuôi gì cả làm cho ta ngờ rằng hắn say rượu. Nguy hơn nữa là hắn lại có súng mà mình không có cách nào phóng ra khỏi chiếc xe được. Bảo cái tinh thần đó không phải chính là tinh thần của nhân loại, mà chỉ là một trạng thái thác loạn, một thứ bệnh nhất thời, rồi đây nó sẽ qua đi như một luồng dịch khí; bảy như vậy thì cũng có lí. Chúng ta nên tin ở khả năng của tâm linh con người, tin rằng tâm linh của mỗi người dù hạn chế cũng vô cùng cao cả, sáng suốt hơn trí tuệ của các nhà lãnh đạo khinh suất ở châu Âu, mà sau này chúng ta sẽ có thể sống yên ổn được vì loài người sẽ có những tư tưởng hợp nhân tình.
 
Chú thích:
[1] Tác giả nói về Ki Tô giáo vì tác giả viết cho người Âu Mĩ đọc mà cũng vì tác giả sanh trong một gia đình Ki Tô giáo.
[2] Một thể văn ngắn để ghi một việc, một điều gì.
[3] Tiếng Pháp là Paien, mới đầu trò những dân tộc thời cổ theo đa thần giáo, không thờ một vị thần duy nhất, tức Thượng Đế. Rồi sau đó, người Ki Tô giáo gọi tất cả những người ngoại đạo là Paien. Người Trung Hoa dịch Paien là dị giáo đồ; Đào Duy Anh dịch là người tà giáo, người vô tín ngưỡng. Dịch là dị giáo đồ có phần hơn cả, nhưng ta nên nhớ chữ “dị” đó là đối với Ki Tô giáo mà nói.
[4] Phản ngịch vì trước tác giả theo Ki Tô giáo rồi sau bỏ.
[5] Chúng tôi lược bỏ hai trang vì không có lợi mấy đối với phần đông độc giả ở nước ta.
[6] Tác giả muốn nói về con người.
[7] Một tôn giáo mới thành lập ở Mĩ vào khoảng 1830.
[8] Một tôn giáo mới thành lập năm 1879 ở Mĩ,  lấy Thánh Kinh làm căn bản.
[9] Bạch Cư Dị viết câu đó để khắc trên mộ bi của ông. Tiếc rằng trong bản tiếng Hán không chép nguyên văn, chỉ dịch ý theo bản tiếng Anh thôi.
[10] Thời xưa, tất nhiên.
[11] Nghĩa là: cứ theo phép luận lí thì nhất định phải như thế này, thế nọ; và hễ cái gì hợp với khoa luận lí thì nhất định là đúng.
[12] Cảnh ngữ: Bản chữ Hán ghi là 警語. Theo Thiều Chửu thì chữ cảnh 警 có nghĩa là: Răn bảo, lấy lời nói ghê gớm khiến cho người phải chú ý nghe gọi là “cảnh”.
[13] Triết gia Bergson cũng bảo: “Không có một cái tội nào, một hành vi ghê tởm nào mà môn luận lí không biện hộ cho được”.
[14] Các học giả ngày nay cho rằng Lão Tử sinh sau Khổng Tử. Nếu thuyết đó đúng thì Khổng Tử mới là người đầu tiên bảo rằng Trời không nói gì cả (Thiên hà ngôn tai?)
[15] Triết gia Mỹ (1842 -1910), nổi tiếng về tâm lý học, trọng chủ nghĩa thực dụng.
[16] Theo Lâm. Có người hiểu là: kẻ muốn làm theo Đạo mà lại xa cách với người...
[17] Trung Hoa trước thế chiến vừa rồi.