Một nẻo đường khá độc đáo để cho phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ Lục Tỉnh phát triển và tìm sinh lực là Thiên Địa Hội. Khởi đầu, Nam Kỳ là đất dung thân của người Trung Hoa bài Mãn phục Minh. Rồi lại là nơi đón nhận những người phục Minh. Sau đó, là nơi đón nhận những người Trung Hoa đến làm rẫy và nắm việc thương mãi khi người Pháp mới đến. Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương phát triển ở nông thôn, tuy là việc tu niệm được đơn giản hóa nhưng vẫn cần vài hình thức tối thiểu. Thiên địa Hội chỉ nặng về hình thức trong buổi lễ gia nhập đầu tiên, rồi thì người trong Hội cứ tha hồ làm ăn như bao nhiêu người khác. Về tổ chức, Hội kiểm soát kỹ từng người, lại còn kỷ luật nghiêm nhặt về bảo mật phòng gian. Mọi thủ đoạn đều tốt, miễn nhằm vào mục đích bảo vệ và phát triển hội! Hội phát triển từ thành thị đến thôn quê, mỗi nhóm nhỏ đều có người đặc trách về quân sự, dọ thám. Về nét chánh, nhiều tài liệu đã đề cập rồi, vẫn là chờ vị cứu thế, vua nhà Minh xuất hiện. Đại khái anh em kết nghĩa, thề hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, ai vi phạm nội quy là bị đánh đập hoặc xử tử; trong việc giao thiệp, chú trọng vào mật hiệu, ám hiệu; đã là người trogn Hội thì phải tin cậy nhau đến mức tối đa, mọi việc bất hòa không được nhờ tòa ản xet xử mà phải đưa giải quyết trong nội bộ. Người trong Hội giúp nhau về sanh kế, vốn liếng. Chúng tôi muốn nêu ra những tài lệiu cụ thể để tìm hiểu phần nào Thiên Địa HỘi ở Nam Kỳ, khi người Pháp mới đến. Mãi đến nay, trong dân gian nhiều người cho rằng cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa huân, của Nguyễn Trung Trực đều có sự hậu thuẫn của Thiên Địa Hội, đến những chùa miễu, những công ty thương mãi lớn, hoặc những tổ hợp nhỏ chơi hụi mượn tiền đều là Thiên Địa Hội! Chưa kể đến cuộc tranh chấp giữa Gia Long và Tây Sơn, với vài toán quân theo Thiên Địa Hội. Hoặc có người cho rằng trong đạo quân Nguyễn Huệ có bọn Thiên Địa Hội thừa dịp mà trả thù nhà Thanh qua trận Đống Đa! Về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Thiên Địa Hội đã tham gia. Trường hợp của Thủ Khoa Huân lại rõ rệt hơn, bấy giờ người Trung Hoa theo Thiên Địa Hội được giới bình dân Việt Nam gọi là Chệt trường phát. KHI THỰC DÂN CHÚ Ý VÀ PHÁT GIÁC Từ năm 1869, viên Giám đốc Nội vụ nhiều khả năng, am hiểu tình hình Nam kỳ nhất là Paulin Vial đã lưu ý các tham biện nên theo dõi một vài hội kín. Có lẽ đến năm 1875, thực dân ở Nam Kỳ mới đặt thành vấn để, sau khi bắt được vài vụ Thiên Địa Hội, trước tiên là vụ Trương Đế Điển, người Triều Châu ở Biên Hòa thuộc nhóm Nghĩa Hòa Công ty. Lại còn người Triều Châu tên là Hứa Thanh ở Chợ Lớn cũng sa lưới. Sau khi phối kiểm, thực dân thấy rằng ở Hà Tiên, bên kia biên giới Cao Miên cũng Thiên Địa Hội. Nếu chỉ là người Huê kiều thì không đáng ngại, nhưng hoạt động của Hội kín lại mang tính chất chánh trị. Từ mấy năm qua, một nhân vật tên là Kim, tục danh là Quản Kim hoặc Ngô Quan Kim hoạt động ráo riết chống Pháp, đang cư ngụ ở Măng Thít (Vĩnh Long) chứa chấp những phần tử đáng tình nghi. Quản Kim này từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, bị bắt ở đảo Phú Quốc, đày ra Công Đảo rồi trốn về. Quản Kim đã ra Bình Thuận từ trước, trong hàng ngũ nghĩa quân từng được phong chức Quản. Đa số người Triều Châu và Phước Kiến, sau khi nhập cảnh vào lãnh thổ Nam Kỳ dường như bị bắt buộc vào Hội. Vùng Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh và khu vực hai bờ sông Hậu đặt dưới quyền của một nhân vật quan trọng mang biệt danh là Hồng Bằng Phi, thương cư ngụ tại Sa Đéc. Các chủ tỉnh được lệnh theo dõi hội kín và dùng biện pháp cứng rắn để đối phó. Chủ tỉnh Chợ Lớn cho biết là có hai ông bang (thuộc bang Triều Châu) đã xin yết kiến để tố cáo một lãnh tụ Thiên Địa Hội tên Tsiao Sen (sau đổi là (Tsiao Hen) đang hoạt động tại Chợ Lớn, cưỡng bách giới Huê kiều ở địa phương phải gia nhập. Trong tình trạng dọ dẫm, thực dân cố gắng khai thác các nguồn tin. Theo ý kiến và tài liệu của Emile Puech, chủ tỉnh Hà Tiên (đã từng ở Long Xuyên dẹp cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa) thì Thiên Địa Hội đã có mặt trước khi người Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây. Các hội viên họp thành đảng cướp khá mạnh, hoành hàn hvùng biển vịnh Xiêm La, hệ thống bao gồm đường hàng hải từ Hương Cảng, cù lao Hải Nam, Tân Gia Ba, Xiêm, Cần Giọt (Kampot), Rạch Giá, Sài Gòn, Hà Tiên. Hàng năm họ tụ họp để cúng tổ vào ngày 25 tháng giêng âm lịch. Lễ cúng diễn ra vào lúc đầu canh ba. Theo lời bọn dọ thám kể lại thì người cầm quyền lớn nhứt là lão Kiếm, từng bị xữ chặt đứt tay trái về tội ăn cướp từ hồi 30 năm trước. Bọn tay em ướcl ượng chừng 25 người. Lão kiếm là chúa đảng danh dự; chúa đảng hoạt động thật sự là người Minh Hương tên là Tăng Bộ, còn mang tên Việt là Huỳnh Văn Bửu, cỡ 41 tuổi đã hoạt động trước khi người Pháp đến, từ Hà Tiên đến tận mũi Cà Mau. Chúa đảng lập sổ, xướng danh từng người khi chia số tiền cướp bóc được. Ai túng tiền để làm ăn thì dịp này có thể mượn trước của ngân quỹ chung, với tiền lời 3 phân mỗi tháng, năm sau, họ đem tới trả, kẻ vắng mặt luôn luôn có nhờ một người khác trả giùm. Sau đó là lễ cắt cổ gà, uống rượu pha máu gà và tro của lá bùa vừa đốt. Rồi vào khoảng 4 giờ sáng, chúa đảng lên đàn, cắt lá gan của con heo mà chia đồng phần cho anh em ăn, gan còn sống, tiêu biểu cho lá gan của kẻ thù. Chủ tỉnh Puech giải thích: kẻ thù của họ năm nay có thể là Thống đốc Nam Kỳ! Sau đó, cả bọn giải tán bằng tiệc rượu, uống say mèm hoặc tha hồ hút á phiện, nằm tại chỗ. Chủ tỉnh cho biết thêm ở cái Tàu Thượng và Cái Tàu Hạ (Sa Đéc) có hai ngôi chùa làm trụ sở họp mặt của bọn cướp theo Thiên Địa Hội, hằng năm họ tụ tập cúng tổ rồi chia tiền. Để kết thúc bản báo cáo trên, chủ tỉnh Hà Tiên hứa là sẽ rình bắt cuộc hội họp cửa bọn hải tặc vịnh Xiêm La trong vài ngày sắp tới. Nhưng hắn không làm được. Viên hội đồng quản hạt là Nguyễn Thành Trung giải thích với cấp trên về nguồn gốc Thiên Địa HỘi: Ngày xưa, đời Tam quốc xảy ra giặc Huỳnh Cân, ba người xưng là thiên công tướng quân, Địa công tướng quân và Nhân công tướng quân họp lại xưng là tụ Nghĩa Hội hoặc Huyết Bái HỘi. Bọn người theo hội kín ngày nay gọi là Chệt trường phát (để tóc dài), không cạo đầu thắt bím như người Mãn thanh. Bên Trung Hoa, vùng Tứ Xuyên, Hiệp Tây, Vân Nam, Qưới Châu đã từng bị hội kím làm loạn suốt hai năm, nhằm năm Nhâm Tý, Quí Sửu. Họ đưa ra câu sấm truyền: Nhứt sĩ anh hùng xuất Song thiên nhật nguyệt khai Và câu Thiên khia ư tý Địa tịch ư Sửu. Đến đời vua Hàm Phong, ở tỉnh Quảng Đông, dân Triều Châu rủ nhau lập hội kín, một số người phỏng theo tổ chức của hội mà lập đảng cướp biển, gọi là giặc Tàu Ô. Hai ưtớng cướp Tàu Ô nổi danh là Cao Bằng Phi và Huỳnh Quốc Lập kiểm soát con đường biển từ Huế vô tới Kampot (Cao Miên), về sau chúng bị giết nên tạm yên. Tài liệu do ông hội đồng quản hạt nói trên cung cấp trùng hợp với tài liệu của chủ tỉnh Puech về chi tiết cướp biển. Đến khi quyển sách khảo cứu của Schlegel phổ biến ở Nam Kỳ thì nhà cầm quyền địa phương mới hiểu rành hơn. Quyển sách này được Giám đốc Nội vụ yêu cầu Tham biện xuất công quỹ ra mua làm tài liệu. Sách biên soạn với những tài liệu do nhà cẩm quyền thực dân ở Hà Lan sưu tầm, sau khi phát giác những hoạt động của Thiên Địa Hội của Hoa kiều ở Nam Dương. Thiên Địa Hội khởi đầu từ cuộc hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm, đời vua Ung Chánh. Cách tổ chức của hội cùng nguyên tắc hoạt động khác nhau về chi tiết, tùy địa phương và trình độ của từng lãnh tụ, nhưng mục đích chánh vẫn là lập một chánh quyền, một tòa án riêng, không nhìn nhận chế độ, luật lệ đương thời.