LÀNG AN ĐỊNH,
CĂN CỨ CỦA ĐẠO TỨ ÂN VÀ CỦA PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG TOÀN NAM KỲ

 Núi Tượng là ngọn đồi nhỏ thuộc hệ thống Thất Sơn giáp ranh tỉnh Hà Tiên, gần bờ kinh Vĩnh Tế, có thể liên lạc qua Cao Miên dễ dàng. Núi cao 145 mét, dài 600 mét, bề ngang phỏng chừng 400 mét, so với núi Cấm hoặc núi Dài thì nhỏ bé. Ở thung lũng núi Tượng và núi Dài, đất hẹp trồn tỉa được. Qua phía Hà Tiên là vùng đất mênh mông nhiều phèn và ngập lụt với rừng tràm từng lõm to và những khu vực đầy bàng.
Có thể nói trước khi ông Năm Thiếp đến thì núi Tượng còn hoang vu mặc dù dân Việt đã khẩn hoang, làm rẫy ở các đồi núi lân cận. Ngoài lý do khí hậu (bệnh rét rừng) còn rắn rít, vài con cọp, con beo. Nước uống là vấn đề gần như nan giải. Mùa nắng, trong vòng đôi ba tháng phải gánh nước từ xa đến. Sườn núi thì thâu được huê lợi, nhưng chỉ làm rẩy vào mùa mưa mà thôi, mùa nắng không có nước tưới.
Ông Năm Thiếp dò xét núi Tượng từ khi chưa có cuộc khởi nghĩa do ông chủ trương năm 1878 ở Mỹ Tho. Trước sự khủng bố mỗi lúc một gắt gao, nhiều tín đồ theo ông tới núi Tượng mà lập nghiệp, chờ cơ hội thuận lợi. đây là chiến lược cố thủ, che giấu và bổ sung lực lượng Bấy giờ thực dân chưa hoàn thành hệ thống đường sá quanh chân núi vùng Thất Sơn, chỉ có đường mòn dùng cho xe bò chuyển lúa gạo và hoai bắp mà thôi. Thực dân Pháp đã tạm nhẹ lo: nhóm Tứ Ân đang rút lui vào một địa phương nhỏ bé xa xôi, muốn kéo lên Sài Gòn hoặc đến các tỉnh lỵ miền Tiền Giang, quân khởi nghĩa gần như là không có phương tiện. Về phía ông Năm Thiếp thì vùng núi tượng khó sống, thiếu nước uống nhưng dễ bố trí phòng gian, giữ bí mật, lại dựa lưng vào biên giới với vùng đất bao là, núi non hiểm trở, thực dân chưa củng cố được bộ máy cai trị ở thôn ấp bên Miên. Và ngay ở vùng Thất Sơn, nơi người Miên tập trung thành sóc đông đảo gần như thuần nhứt, bọn Pháp ở Châu Đốc vẫn chưa kiểm soát được dân số và nhân tâm. Thôn xóm Miên gần như tự trị, mấy viên cai tổng Miên tha hồ tung hoành như thời trước với hủ tục phong kiến; ngoài chợ Châu Đốc, thực dân có mua chuộc được một người Miên biết chữ Quốc ngữ, ham tiền bạc, đó là viên huyện Cuey Kiên.
Vào tháng 12-1879, hơn một năm sau khi cuộc khởi nghĩa bất thành, tại chân núi Tượng đã thành hình một vùng “xinh đẹp” mà chủ tỉnh Châu Đốc thấy cần đặt vấn đề hợp thức hoá. Làng này thành lập không có xin phép trước, ruộng rẫy không trưng khẩn theo luật định. Dân chúng muốn xin ghi vô bộ điền, đóng thuế và lập làng gọi là An định. Viên giám đốc Nội vụ đưa ý kiến: nên cho người địa phương thỏa mãn nguyện vọng, nhưng đề phòng trường hợp họ lập một khu vực tự trị như tình trạng của những làng Cao Miên ở Thất sơn. Đến cuối tháng ấy, chủ tỉnh Châu Đốc được tin là ông Năm Thiếp có mặt tại núi Tượng với vài trăm đệ tử trung thành đang tuyên truyền sách động và bố trí canh phòng; việc nạp đơn xin hợp thức hóa chỉ là thủ đoạn để che giấu tung tích mà thôi. Chủ tỉnh đích thân đến thám sát vùng núi Tượng vào ban đêm, rình rập rồi đến gần với chiếc xuồng nhỏ. Khi mặt trời mọc, ông ta ngạc nhiên khi nhận ra làng tân lập này quá xinh đẹp, với khoảng 150 nóc gia vừa cất xong ở chân núi Tượng, chung quanh mỗi nhà là mấy đám rẫy ươi tốt, trồng khoai lang, thuốc hút. Theo sự nhận xét của chủtỉnh thì dân ở đây như bận rộn việc tu bổ nhà cửa, chí thú làm ăn. Ông ta đi chung quanh núi Tượng dò xét thật kỹ đểrồi kết luận: dân chúng không bộc lộ điều gì chứng tỏ họ đang ngấm ngầm vận động chống nhà nước và không có bằng cớ nào để hồ nghi rằng Năm Thiếp đang hiện diện tại núi Tượng. Bấy lâu “chỉ là sợ sệt và lo xa quá đáng mà thôi”. Nên cho phép dân lập làng ấy.
Tháng 11 năm sau, chủ tỉnh Châu Đốc báo cao: Nghe đồn có một người “An Nam” đang biểu diễn những phép lạ ở vùng thất Sơn, dân chúng thường tụ họp với ông này”
Vào khoảng tháng 8-1881, chủ tỉnh Châu Đố tìm 10 người dân đang cư ngụ tại núi Tượng theo lời yêu cầu của chủ tỉnh Tây An. Họ bị truy nã về tội khởi loạn hồi năm 1878, cuộc hành binh diễn ra, bắt được đủ 10 người theo danh sách nhưng tuyệt nhiên chẳng tìm được tung tích ông Năm Thiếp.
Tháng sau, họ lại mở ra cuộc hành binh tương tự để bắt thêm vài người, theo lời yêu cầu của chủ tỉnh Mỹ tho về tội cũ hồi năm 1878. Thừa dịp này, chủ tỉnh Châu Đốc đi sâu hơn để tìm hiểu những người dân “bất hảo” ở núi Tượng. Bọn do thám len lỏi vào làng An Định, báo cáo rằng ông Năm Thiếp biết thuật tàng hình, đang ở chỗ này nhưng lát sau lại thấy xuất hiện ở chỗ khác, xa hơn. Ai gặp thì ông vui vẻ đón tiếp và sẳn sàng cho biết nơi cư trú, một ngôi nhà tuyệt nhiên không có tàng trữ dáo mác hoặc bất cứ khí giới nào. Hỏi thì ông trả lời là không cần dáo mác nhưng trong một tương lai chưa biết chắc ngày nào, ông sẽ đánh đuổi thực dân Pháp khỏi Nam Kỳ với phép mầu nhiệm của ông.
Cũng theo báo cáo này, chủ tỉnh Châu Đốc đề nghị là nên để nguyên tình trạng: không nên quá sợ sệt những cũng không nên chế giễu, đánh giá quá thấp khả năng của ông Năm Thiếp. Nếu cứ lục soát hành quân bắt bớ thì nhân tâm xao xuyến, chẳng yên, làm như không biết, để rồi thình lình bắt sống nếu quả thật ông là người có thật bằng xương bằng thịt chớ không là một nhân vật siêu phàm mà tín đồ bịa đặt để lạc hướng nhà cầm quyền.
Viên giám đốc Nội vụ đã phê: đồng ý là không nên sợ hãi cũng như không nên chế giễu. Nhưng nếu để y nguyên tình trạng mà không hành động thì có hại. Tâm lý người “An Nam” là ưa tinh những chuyện vô lý và huyền bí. Muốn cho dân chúng thức tỉnh, tốt hơn hết là tìm cách bắt sống Năm Thiếp, để đánh tan những lời đồn đãi về ông ta.
Tháng sau, chủ tỉnh Châu Đốc vẫn lạc quan khi viếng làng An Định; dân chúng nơi đây làm lụng cần cù, tiếp tục khẩn đất hoang, đáng được khích lệ nên hợp thức hoá để họ trở thành sở hữu chủ. Đó là nhà nước xây dựng thêm về an ninh cho làng này theo nghĩa: có làm chủ sở đất thì họ thoả mãn, không nghĩ tới chuyện làm loạn nữa).
Nhưng đồng bào lúc bấy giờ như chờ đợi một biến cố lớn. Ở Bắc Kỳ, quân Pháp công hãm thành hà Nội lân thứ nhì, tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn. Việc chờ đợi quân sĩ triều đình vào Nam có thể là tuyệt vọng, tuy nhiên một số quân từ Trung Kỳ, trước kia là người Nam Kỳ tỵ nạn sẽ trở vào! Dân chúng thêm háo hức vì điềm trời như liên tiếp báo hiệu một sự thay đổi, phải chăng là ngày Hạ ngươn gần chấm dứt?
Thời đàng cựu, bịnh thời khí là tai hoạ thường xuyên, lại thêm bệnh trái giống. Mỗi năn, dân chết khá nhiều, nhưng với mức độ vừa phải. Năm 1882, cùng với việc thành Hà Nội mất, vài tháng sau là xảy ra dịch thổ tả. Mọi khi, bịnh dịch xảy ra khi nắng gắt sắp chấm dứt qua mùa mưa. Lần này torng hai tháng 8 và 9 năm 1882, giữa mùa mưa dầm dề, bịnh ngặt lại đột nhiên hoành hành. Riêng ở tỉnh cần Thơ trong hai tháng nói trên, tại tổng An Trường số người chết là 1.243, ở tổng Định Bảo, 721 và ở tổng Định Thời là 512. Ở tỉnh Châu Đốc tháng 1-1883 (nhằm tháng chạp ta), bịnh thổ tả làm 223 người chết. Tháng 11-1882, lúc bịnh đang hoành hành trong toàn cõi Nam Kỳ, sao chổi lại mọc. Chủ tỉnh cần Thơ nhận xét: năm 1877, cũng vì nạn thiên thời hoành hành mà ông Năm Thiếp phát bùa ngừa bệnh cho dân rồi khởi xướng cuộc dấy loạn ở Mỹ Tho. Nếu giờ đây chánh phủ phát thuốc cho dân ngừa bịnh thì sẽ có tác dụng về mặt chính trị. Bịnh không phát triển, dân không còn lý do để xúc động.
Cuộc khởi loạn bất thành của Lê Văn Viên, của ông đạo Tư Nguyễn Văn Vi khiến thực dân để phòng gắt gao. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở làng An Định chỉ biết hoạt động ngấm ngầm và chờ thời cơ.
Tạm yên được chừng một năm thì vào đầu 1885, đốc phủ Lộc lại báo cáo với chủ tỉnh Mỹ Tho là có thể xảy ra những cuộc rối loạn ở các tỉnh miền Tây, loạn quân phá chợ, ngăn chận các chuyến ghe buôn, người cầm đầu vẫn là ông Năm Thiếp hiện đang ở núi Tượng. Nguồn tin ấy tương đối xác thực.