THUẦN PHONG MỸ TỤC VIỆT NAM

Ngày nay ta gọi nếp sống văn hóa mới; thời xưa, gọi “thuần phong mỹ tục”, nôm na là ăn ở “lịch sự” Lịch sự là nhan sắc bề ngoài nhưng còn chỉ cách ứng xử với người trong gia đình, dòng họ, xã hội sao cho đúng phép tắc, lễ nghĩa. Ở Chợ Lớn, từ thời Tự Đức về trước, có làng Minh Hương, nhằm qui tụ người Hoa lai Việt. Hương chức làng được quyền thu thuế, nạp cho cấp trên đúng thời hạn, ngoài ra, phân xử những kiện cáo lớn hỏ, đặc biệt là các ông kỳ lão do dạy dỗ người trong làng về quan,hôn, tang tế. Bấy giờ có câu ca dao:
Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng,
Đố ai lịch sự bằng làng Minh Hương.
Trong những làng xã đã định hình, đạc biệt ở đồng bằng sông Hồng, thời trứơc có “Hương ước”, đại khái, một kiểu lệ làng qui định xử phạt những ai ăn ở ngỗ nghịch, không tuân lệnh cấp trên, ăn nói thô tục, không tương trợ người củng thôn xóm, ngạo mạn với thần thánh.
Lịch sự, thuần phong mỹ tục được cụ thể hóa với nghi thức tối thiểu. Ngày Tết, việc thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên vẫn cần nghi thức tối thiểu, thí dụ như mặc áo gài nút, mặt mày sạch sẽ, đành rằng cái “tạm” (tấm lòng) là nội dung quyết định, nhưng cái tâm phải được bộc lộ ở hình thức tối thiểu. Chẳng lẽ trong nhà gặp tang khó, người chịu tang khóc lóc, đau khổ nhưng lại mặc quần ngắn. Khi thăm viếng bạn bè ai lại để đầu bù tóc rối, quần áo xốc xếch. Ngày Quốc lễ, chẳng lẽ nhớ Tổ quốc nhưng nhà cửa không quét tước?
Tập biên khảo này soạn ra nhằm mục đích góp ý vào quan niệm “nếp sống mới”, không làm sao chép những nghi thức phức tạp trong sách vở thời xưa mà chưa ắt thời xưa có người thực hiện đúng, họa chăng là kẻ quyền quí tột bậc. Thật ra, phong tục, nghị lễ tự nó đã biến đổi chậm hay nhanh, trước sự biến đổi của kinh tế, nhất là khi tiếp xúc với Tây Phương, thời tư bản chủ nghĩa. Chẳng còn mấy người đàn ông mang cái búi tó! Trai gái gặp nhau, theo ca dao thì mời miếng trầu. Đó là dĩ vảng. Cô gái ra đường đội nón quai thao, mang yếm thắm, hoặc mang vòng vàng quá nhiều, mặc áo tứ thân chỉ còn thấy trong truyện dã xử, trong bức tranh sơn mài, hoặc hội diễn áo quần qua các thời đại, nhắc nhở nhớ nguồn. Đám tang ngày nay chẳng ai đủ thời giờ, khả năng, và phương tiện vật chất để làm đủ lễ như xưa. Thời “mở cửa”, của cải tạo xã hội, đổi mới, thiết tưởng ta nên hểiu nội dung của tục lệ xưa, rút ra vài nét cơ bản: không có không được”, rồi vận dụng linh hoạt tùy nơi thành thị, chốn thôn quê, ở gia đình giàu hay nghèo.
Nhiều sách khảo cứu đã xuất bản, nhưng nội dung là hoài cổ, nói những điều mà ngày nay chẳng ai thực hiện được, chẳng khác nào đề nghị cán bộ đi công tác nên nằm trên võng có người khiêng, hoặc người trong quân đội nên trang bị như “lính thú thời xưa”.
Nước ta chịu ảnh hưởng nghi lễ Trung Hoa trong thời gian khá dài, dựa vào sách Chu Lễ (nghi lễ đời nhà Châu) qui định đến “300 điều Lễ nghi” (lễ nghi tam bách) thêm 3.000 điều “Uy nghi”. Nhưng trong thực tế, nói để mà nói, chưa ắt người xưa bên Trung Quốc, thậm chí bậc vua chúa muốn thực hiện đủ huống gì khi đem vận dụng vào hoàn cảnh nước ta, với nguồn gốc dân tộc, phong thổ, điều kiện khí hậu riêng, từ thời đại đồ đá, đồ đồng, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi đã khẳng định (theo bản dịch Trần Trọng Kim)
“Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” (Bắc là nước Trung Hoa)
Theo cách nói thông thường, muốn giữ phong tục ta chú trọng bốn trường hợp cụ thể:
1/ Quan, theo nghĩa Gia quan (quan là cái khăn)
2/ Hôn (lễ cưới)
3/ Tang (việc ma chay, tống táng)
4/ Tế (việc tế tự ở đền miếu)
Nói cho rộng ra, nào phải riêng người Việt, người Trung Hoa mới chú trọng bốn vấn đề trên. Các dân tộc khác vẫn có “quan”, “hôn”, “tang, “tế” nhưng họ dùng danh từ khác, cốt lõi vẫn giống nhau. Không nên tự tôn hoặc tự ti về vấn đề này.
Chúng ta lần lượt trình bày từng vấn đề, thử đề nghị vài nguyên tắc “khả thi”, có thể ứng dụng được mà vẫn giữ nguyêntắc cơ bản “về nguồn”, không ghi lại rườm ra những chi tiết đâu đâu, nghe nói chớ chưa ai từng thấy. Đối tượng người đọc vẫn là đồng bào phần lớn ở Nam Bộ, ở Sài Gòn, với vùng nội thành chen chúc và vùng quê đã ít nhiều bị “đô thị hóa” trong kinh tế thị trường.
QUAN
Đúng ra, gọi lễ gia quan, “Gia” là thêm vào, không phải nhà cửa. “Quan”, viết chữ Hán, là cái khăn đội của đàn ông. Cái mào con gà gọi “kê quan”, mào gà được xem như cái mão, cái nón. Không phải “quan” là là làm quan. Nhiều người lầm lẫn, ngỡ rằng quan là “ông quan”, lể Gia quan là một kiểu “thăng quan tiến tước”, được lên chức vụ cao hơn thì làm lễ khảo htưởng!
Lễ Gia quan nay không còn, xưa khi chỉ dành cho nhà quyền quí, dòng họ tăm tiếng, nhiều điền sản. Nôm na, gọi là lễ cho đứa con trai lớn lên, được 20 tuổi (tuổi ta) đội cái khăn xếp, chứng tỏ nó đã trưởng thành, có thể cưới vợ, thay mặt cha mẹ quản lý gia tài, thừa hưởng đất vườn hương hỏa. Khi được đội khăn, đứa trẻ đương nhiên phải mặc cái áo dài đen (áo the) và đi đôi dép (kiều hàm ếch) cho đồng bộ.
Chọn ngày lành tháng tốt, nhờ người trưởng lão trong dòng họ hoặc trong thôn xóm đến làm chủ lễ. Nhang đèn, hoa quả trần thiết trên bàn thờ, bà con tề tựu đông đủ, thêm một số quan khách. Đứa thanh niên quì gối trước bàn thờ tổ tiên, người trưởng lão làm lễ “lên đèn” đốt hai ngọn nến lớn, chắp tay trước mặt rồi mỗi tay giang ra, đưa cho hai người “trợ lý” gắn vào hai chân đèn. Ông nói, đại khái:
- Con ơi, nay con lớn khôn,bắt đầu từ hôm nay, phải gánh trách nhiệm trong gia đình, xã hội. Phải biết tự trọng nuôi ý chí lập thân, học hành chăm chỉ. Người cha, hoặc ông kỳ lão thay mặt cho dòng họ tuyên bố đặt tên ‘tự” là tên chính thức của cậu trai. Như ta biết, hồi cách đây vài mươi năm, ở miền quê, khi đứa bé chào đời, cha mẹ chưa đặt tên chính thức; ăn đầy tháng, bèn đặt tạm một cái tên, thường là xấu, đềp hòng trường hợp ma quỷ rình bắt những đứa mang tên đẹp. Đến 20 tuổi, ở gia đình khá giả, dịp lễ gia quan, lại đặt tên chính thực, nào Khắc Cần, nào Trọng Phủ, nào Tế Xuyên.. Người Pháp đến, bắt buộc sau khi đứa bé chào đời, phải làm giấy khia sinh lập tức. Vì vậy nhiều đứa bé mang tên xấu ghi vào hộ tịch lúc còn nhỏ; lớn lên, muốn sửa đổi, thì ra tòa xin phép.
Có thể so sánh: Ngày xưa, lễ Gia quan tổ chức trong gia đình mang ý nghĩa như ngày nay cậu trai đựơc quyền Công dân, được cấp Chứng minh nhân dân, về mặt pháp lý. Sách Lễ Ký ghi, tạm dịch:
“Lễ Gia quan đứng đầu mọi lễ.. hoặc “Con trai đã lớn thì phải làm lễ đội mão và đặt tên, ấy là đạo nên người trưởng thành vậy” (Tất quan nhi tự chi, thành nhân chi đạo dã).
Lễ Gia quan không phổ biến trong xã hội ta, nhưng thói quen gọi “quan” “hôn” “tang” “tế” cho có vần điệu, nghe xuôi tai. Nhưng còn vấn đề nóng bỏng, trong thực tế xã hội ta ngày nay, ấy là cái “khăn đen, áo dài” nên để hay nên bỏ?
Đặt vấn đề quá cứng như thế, khó trảl ời. Ta thử đi sâu vào chi tiết, trong hoàn cảnh xã hội ta, từ Bắc chí Nam.
Trước tiên, nên khẳng định. Cái khăn đen (gọi là khăn đóng, khăn be hoặc khăn xếp, theo ngoài Bắc) là nét đặc thù của ta. Theo tôi hiểu,người Trung Hoa không xài kiểu khăn đen như ta nhưng họ đội cái mão tròn, áp vào tóc, trên chóp có cái đuôi ngắn, giống như trái bí cắt, chừa cuống.
Từ đồng bằng sông Hồng, khăn đen gọi là khăn xếp, may với loại vải the, rất mịn, gọi Gò, hoặc Bùng, có lẽ vì là đặc sản về ngành dệt làng Bùng, quê hương ông trạng Phùng Khắc Khoan, gọi là Trạng Bùng.
Đó là một giải khăn, hẹn về ngang, nhưng khá dài. Khi đội, làm nhiều động tác, đòi hỏi sự nghiêm túc, quấn vào đầu đếm đúng bảy vòng, chừa cái ngấn để phân biệt từng vòng. Trên đỉnh đầu, vì kỹ thuật búi tóc để lộ ra. Vấn khăn tốn thời giờ, nhằm nhắc nhở sự nghiêm túc, cẩn thận khi đi đường, ứng xử với mọi người, không hấp tấp. Ra đường, phải “khăn áo chỉnh tề” đi đứng khoan thai (không hấp tấp vừa đi vừa chạy); cũng như trong lời ăn tiếng nói, nên lựa lời, kính trên nhường dưới, Khăn đi đôi với áo, trên nguyêntắc, khi giao tế, không thể bổng nhiên vì nực mà tự tiện lột khăn ra. Hành động ấy quá vô phép, như trường hợp khi vào chầu vua, luôn luôn giữa mão cánh chuồn. Mặc dầu ở trong cung điện, vua cũng đội mão, khi ngồi trên ngai. Lột mão ra là chuyện chẳng ai dám nghĩ tới.
Thời pháp mới đến, đã xảy ra vài chuyện ngộ nhận. Tuy theo tân trào, đội nón nỉ (nón phớt) hoặc nón Tây,, khi gặp quan trên, người hương chức làm việc cho Pháp vẫn quen đội nón, tưởng rằng mình giữ đúng nghi lễ, cũng như khi vào nàh, vẫn đội nón. Theo Tây Phương, lột nón ra, để đầu trần là biểu hiện của lòng tôn kính.
Một chi tiết: Chỉnh tề lúc giao tế, trên nguyên tắc vẫn là hành động với hai tay: Học trò dùng hai tay để trao cái tập viết bài, quyển sáchcho thầy. Con dâu dâng trả cho chồng hoặc cha mẹ chồng thời xưa vẫn là dùng hai tay; lúc xả, khoany tay cũng hai tay. Buổi tiếp xúc với văn minh Tây Phương, người Việt vẫn giữ cái quán tính là bắt tay kiểu Tây Phương, với hai bàn tay! Theo tôi, chẳng có gì mặc cảm, quê mùa cho lắm. Ngày nay, trong giới trẻ vẫn giữ lệ ấy, dùng hai tay mà bắt tay một người lớn tuổi hoặc có chức vị cao. Trong cuộc đua xe đạp, khi được trao giải, ta thấy người thắng cuộc, rất trẻ, dùng hai tay mà bắt tay vị đại diện của chánh quyền, hồn nhiên.
Trở lại cái khăn đóng, khăn xếp. Như đã nói, thời xưa cái khăn này rất chắc, vì may nhiều lớn và khá dài. Đọc lịch sử nước nhà, thấy ghi việc ông Hoàng Diệu thắt cổ tự tử khi giữ không xong thành Hà Nội (chưa chi, kho thuốc nổ và cháy vì nội ứng). Phải chăng là ông thắt cổ với dụng cụ sẵn có là cái khăn xếp, đội trên đầu, tháo ra như sợi dây. Ở Nam Bộ, khăn xếp trở thành “khăn đóng”, nghĩa là xếp sẵn, may lại, giữ những lằm xếp, khi cần, cứ đặt lên đầu, không tốn thời giờ nắn nót từng lằn, thêm miếng vải phủ trên đầu, che toàn diện mớ tóc. Dường như có sự phân biệt nhỏ, của địa phương: Ở đồng bằng sông Hồng, nhìn từ trước, phía trán, lằn xếp nằm ngang như chữ “Nhất”, trong Nam, thay vì chữ “Nhất”, ta thấy hai lằn gãy, giải thích là chữ “Nhân”, con người đứng giữa trời và đất.
Nên dùng cái “khăn đen áo dài” làm quốc phục chăng? Câu hỏi nêu ra, rất cần thiết vì mỗi dân tộc đều dùng quốc phục riêng và tự hào với quốc phục của ông cha, cải tiến chút ít. Bốn ngàn năm văn hiến, chẳng lẽ văn hiến ấy không biểu hiện trong quốc phục thì biểu hiện ở đâu? Vài người bảo “khăn đen áo dài” do phong kiến bày ra, thậm chí còn bảo là “biểu tượng của Ngô Đình Diệm!” Thật ra cái khăn đen này có trước từ lâu. Trong thời đại công nghiệp, giao lưu nước ngoài, theo tôi, nên định rõ trường hợp;
“Giáo tế phục”, dùng trong lúc giao tế ở cơ quan, lúc lo việc hành chính, dĩ nhiên là kểiu Âu phục, thắt cà vạt khi cần, mang giày. Nhưng dịp lễ hội dân tộc thuộc về truyền thống, ta nên mặc “khăn đen áo dài” thoạt nhìn chưa quen mắt, luộm thuộm, nhưng lần hồi sẽ quen và thấy là đẹp, nhất là đối với người hơn 50 tuổi, dịp đám cưới, thăm người già, dịp Tết, dự đình đám hội hè. “Nếu ta xua đuổi cái tự nhiên, cái bình htường thì cái mà ta xua đuổi ấy sẽ trở lại với ta rất nhanh” Tôi tin chắc trong tình hình hiện nay, trong khi tìm một hình ảnh cụ thể để chứng minh bản sắc Việt Nam, thì khăn đen áo dài là hai món đầu tiên mà mọi người đều nghĩ đến. ó đã còn đó, từ lâu, nếu ta chú ý. Dầu là theo Tây học từ sợi tóc đến móng chân, ở Việt Nam, ta vẫn còn thấy cái áo tang, dịp cha mẹ, ông bà mất. Không thể nào may cái áo vét tông với vải tang, thêm cái cà vạt với vải tang. Cái áo tang vẫn là kiểu áo dài đen, gài nút một bên hông, vạt áo phủ đầu gối. và nếu giản lược, những người bà con xa gần cũng vẫn phải vấn cái khăn tang trên đầu, dầu là con trai, theo hình dáng cái khăn đen ngày xua.
Dịp ăn “lục tuần”, bát tuần” cho cha mẹ ông bà, nhiều người bày ra kiểu áo lễ cho trẻ con năm bảy tuổi: Áo dài, khăn đóng, xem đẹp mắt. Ta nên nhớ cái áo “vét” của Tây Phương ngày nay cũng là sự sáng tạo của thời phong kiến, cắt ngắn vạt, cải tạo chút ít. Quốc phục của nước nào cũng là di dản của thời phong kiến.