Những nền móng của kỷ nguyên thực dân — mà trong suốt thời gian đó các nước da trắng châu Âu thống trị những vùng đất bao la ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh — lần đầu tiên bị xói mòn chí tử trong một thập niên đầy náo động của thế kỷ hai mươi. Những cuộc cách mạng, ban đầu của Trung Hoa Quốc Dân Đảng lật đổ chế độ quân chủ Mãn Thanh năm 1911 để thiết lập nền cộng hòa dân quốc, rồi sau đó, của Đảng Cộng Sản Nga lật đổ Sa Hoàng năm 1917 mở đầu chế độ Cộng Sản toàn trị tại Liên bang Sô Viết; cuộc Thế giới Đại chiến 1914-1918 vừa làm các chính quyền ở châu Âu bị suy yếu trầm trọng vừa khiến dân chúng vùng thuộc địa nhận ra rằng các chủ nhân ông da trắng có vẻ bất khả chiến bại ấy cũng có thể tự hủy hoại tột độ một cách điên rồ.Tình trạng bị xói mòn của hệ thống thực dân lại tăng nhanh hơn nữa do sự thành lập Cộng Sản Quốc Tế vào năm 1919. Tổ chức này được sử dụng cách riêng cho việc đánh bại chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Vào cuối thập niên 1920, các phái viên của Cộng Sản Quốc Tế Đệ Tam bắt đầu công tác bí mật tại những lãnh thổ thuộc địa của các nước tư bản đang dàn trải bao la và mong manh, để khai thác những bất mãn của nhân dân bản xứ. Trên khắp lãnh thổ An Nam, bất mãn chính trị càng sâu sắc thêm sau ngày Hoàng đế Khải Định băng hà quá sớm vào tháng 11.1925. Ông từ trần lúc chỉ mới 43 tuổi; người Pháp nắm lấy cơ hội đó để gia tăng tột độ ảnh hưởng của họ. Người Pháp nhất quyết đòi buộc ngôi vua phải dành cho con trai của ông là Bảo Đại, lúc đó mới 12 tuổi, đang theo học ở Paris. Họ đưa tự quân thiếu niên ấy về nước để tiếp nhận ngôi vua, sau đó, lại sang Pháp tiếp tục sống ở Paris, để được dạy bảo thêm bảy năm nữa. Trong thời gian đó, tuy triều đình có quan Phụ chính nhưng Khâm sứ Pháp tại Huế đích thân tiếm đoạt những gì còn sót của vương quyền. Khi còn sống, Khải Định không để lại được gì đáng kể cho quốc dân và hậu thế ngoài việc xây một lăng tẩm đồ sộ theo kiểu pha tạp Á-Âu. Ông chỉ là một quốc chủ bù nhìn và sang triều Bảo Đại cũng chẳng khác chút nào; hai vị vua ấy chỉ là công chức ăn lương của Pháp. Thực tế, kể từ ngày Paul Bert giữ chức Toàn quyền Đông Dương, nhà vua chỉ còn là người ký sắc dụ cho người Pháp thực hiện mọi ý muốn của họ. Trong khi đó, theo những điều khoản của hòa ước Patenôtre 1884 giữa Pháp và nhà Nguyễn, chỉ có Nam kỳ nằm dưới quyền thống trị trực tiếp của Pháp, còn Bắc kỳ và Trung kỳ theo chế độ Pháp bảo hộ, thuộc quyền của nam triều.Tại Nam kỳ, việc cai trị làng xã do Hội đồng hương chính. Các thôn xã họp thành tổng; nhiều tổng họp thành tỉnh, do người Pháp làm tỉnh trưởng. Tuy thế, một số tổng quan trọng họp thành huyện với huyện quan là người Pháp, hoặc đôi khi người Việt. Tại Trung kỳ và Nam kỳ, tuy vẫn giữ hệ thống cũ với các quan tri huyện tri phủ và quan đầu tỉnh là tuần phủ hay tổng đốc người Việt nhưng mỗi tỉnh có một viên công sứ Pháp, là người hầu như nắm toàn quyền quyết định, kể cả binh quyền.Người Pháp đặt ra các thứ thuế đinh (đánh trên mỗi đàn ông), điền, thổ trạch, muối, thuốc phiện, xuất nhập cảng, v.v. Họ trực tiêáp khai thác hệ thống ngân hàng, các công ti rượu, thuốc phiện, xi-măng, gỗ, đồn điền cao su, v.v. Năm 1890, tổng số diện tích đất Pháp khai thác trên toàn cõi Đông Dương là 11.390 mẫu tây, sang tới năm 1939, con số này lên tới một triệu mẫu, riêng ở Nam kỳ là 610.000 mẫu. Người dân quê An Nam hiền lành và cần cù không chịu đựng nổi cuộc sống cơ cực tại nông thôn, một cổ hai tròng Pháp và quan lại nam triều cùng cường hào ác bá thôn xã. Họ lâm vào hoàn cảnh dễ bị dụ dỗ hoặc cưỡng bách đi làm phu-phen hay cu-li ở các đồn điền; thường có ngày đi chẳng có ngày về, nhất là những người làm cu-li cho các đồn điền cao su đất đỏ vùng đông nam bộ, mỏ than Hòn-gay, thường bị hành hạ, đánh đập hoặc chịu ma thiêng nước độc, chết vô số. Ngược lại, so sánh với các vùng đất thuộc địa khác của Pháp trên thế giới, Đông Dương là chốn béo bở nhất, được Pháp khai thác triệt để và thu lợi ngon lành nhất.Thảm trạng đó khích động tình cảm chống Pháp, đồng thời được cổ vũ bởi những thành công của Tôn Dật Tiên và Mao Trạch Đông bên nước Trung Hoa láng giềng, những người An Nam theo chủ nghĩa dân tộc và những người An Nam theo chủ nghĩa cộng sản bắt đầu tổ chức hàng ngũ mình chặt chẽ hơn. Cuộc Đại Khủng hoảng Kinh tế năm 1929 với việc lúa gạo bị sụt giá thê thảm làm cuộc sống gian khổ thêm, thậm chí nạn đói lan tràn tại nhiều vùng đất thuộc lãnh thổ Đông Dương, khiến tâm trạng nổi loạn ngày càng bén nhạy và sôi động hơn. Hậu quả của những tác động mạnh mẽ và hỗ tương đó là các phong trào chống Pháp —trước đây vốn là phạm vi dành riêng cho giới sĩ phu An Nam thừa quyết tâm nhưng thiếu tổ chức chặt chẽ, được đánh dấu chấm dứt vào thời điểm 1926 với phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu, và sự từ trần của Phan Châu Trinh tại Sài Gòn — nay vào lúc kết thúc thập niên 1920 này, bắt đầu khuấy động các tầng lớp trí thức trung lưu trong công sở, trường học và các tập thể quần chúng đang lao động cực nhọc trên ruộng lúa, trong hầm mỏ và đồn điền cao su. Ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc từ tay giới nho sĩ cựu học trong các phong trào Cần vương, Văn thân, Duy tân, Đông du, Đông kinh nghĩa thục, Quang Phục, v.v. khép lại với sự kiện Phạm Hồng Thái của Tâm Tâm Xã ám sát hụt Toàn quyền Merlin tại Quảng Châu năm 1924, từ đó mở ra một giai đoạn mới. Ở Paris có Đảng Việt Nam Độc Lập do Nguyễn Thế Truyền, Phan văn Trường tổ chức trong giới sinh viên và anh em làm tàu biển. Hà Nội và Huế có Đảng Phục Việt, tiền thân của Tân Việt Cách Mạng Đảng với Lê Huân, Nguyễn Xuân Chữ, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh... Bắc kỳ có Nam Đồng Thư Xã với Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, hạt nhân trổ ra VN Quốc Dân Đảng, như một hành động cuối cùng chống Pháp bằng bạo động. Nam kỳ có Hội Kín Nguyễn An Ninh. Rồi ba chi phái cộng sản Quốc Tế Đệ Tam: tháng 6.1929, Đông Dương Cộng Sản Đảng; tháng 10, VN Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội biến thành An Nam Cộng Sản Đảng; và qua tháng 1.1930, một số đảng viên Tân Việt tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn.- 1 -Như mọi năm, đêm nào gió mùa bắc nam điên cuồng cũng tạt mưa như trút nước xuống những hàng cây cao su san sát nhau, mọc lên từ đất rừng nâu đỏ ở đồn điền Vị An, cách Sài Gòn một trăm cây số về hướng bắc. Trong bóng tối nửa khuya mịt mùng, những hàng cây rậm lá ấy đứng thẳng, im lìm và ướt sủng dưới trời mưa xối xả. Trên mỗi thân cây cao su, cách mặt đất chưa tới một thước, có móc một chiếc chén thiếc, cỡ khất thực, dùng để hứng thứ mủ trắng như sữa chầm chậm ứa ra, chảy xuống theo đường lằn chéo rạch sẵn. Trên nền đất trong các gian lều vách bằng cót mỏng, mái dột nát, lợp lá cọ, cất thành từng dãy nhà lán dài song song nhau và nằm khuất trong đồn điền cao su Vị An rộng mênh mông, năm trăm cu-li An Nam — mà công việc chính và bất tận của họ là rạch rãnh trên thân cây cao su, cào rãnh và vét sạch mủ trong những chén thiếc nhỏ nhoi ấy, dưới ánh sáng xam xám từ lúc trời chưa rạng sáng — đang nằm co quắp hoặc ngồi co ro, cố nhắm mắt ngủ chập chờn giữa tiếng mưa sầm sập. Đối với trí óc mụ mẫm vì lao khổ và nhiều mê tín của phu cạo mủ, chính những hàng cây cao su có vẻ xa lạ, dài dằng dặc, đứng tiếp liền nhau theo một khoảng cách đều đặn như các đoàn quân ma di hành qua khu rừng quí giá và hoang sơ của tổ tiên, đã kích động cho cơn bão hằng đêm ập tới, để đẩy những gian nan nghiệt ngã trong cuộc đời vùi dập của họ lên tới tột điểm khổ nạn.Tại Làng Số Ba, khu vực qui định nơi ở của năm trăm cu-li, họ bị dồn chật ních trong từng nhà lán tới độ trong bọn họ có nhiều người phải ngồi ngủ gà ngủ gật. Ngô văn Đồng và Học, em trai cậu, nằm rúc người vào nhau trong bóng tối của nhà lán. Nước mưa dột thành dòng qua mái lá lợp không đủ độ dày, làm ướt sủng bộ quần áo sờn rách trên mình hai anh em. Gần bên chúng, một cu-li lớn tuổi nằm trên nền đất, chân co sát bụng, hai tay ôm chặt ngực, đang chịu cơn sốt rét, người run lẩy bẩy và miệng rên từng chặp theo tiếng răng đánh lập cập.Dù chưa quá tuổi thiếu niên, vẻ ngoài của hai cậu bé An Nam đã trải qua những đổi thay khốc liệt trong bốn năm vừa qua, kể từ buổi chiều Joseph Sherman và Paul Devraux công kênh hai anh em chạy vào lều bạt nhà bếp của Ngô văn Lộc, cha của chúng và là người “bồi” trại săn của Jacques Devraux. Cơ thể của chúng cực kỳ thiếu dinh dưỡng, xương thịt còi cọc, da lốm đốm ghẻ lở. Mười tám tháng làm việc không ngừng giữa những lối đi đầy bóng lá âm u và bềnh bồng mầm sốt rét trong đồn điền cao su làm khuôn mặt hai anh em choắt lại, phờ phạc. Ban ngày, hai con mắt lõm và lờ đờ của chúng phản ánh sự khốn khổ bên trong con người, ngoài sức tưởng tượng so với hai cậu bé hồn nhiên cười nắc nẻ hồi năm 1925 trước đây.Nhân lúc gió mưa tạm ngừng cơn gào thét, nhà lán tương đối im ắng, Học níu lấy Đồng, kề miệng sát bên tai anh, nói thật nhỏ, giọng thì thầm sợ hãi:- Hình như anh ấy không còn rên. Anh có nghĩ là chết rồi không?Trong bóng tối gần như đen đặc Đồng không thể nhìn rõ cử động nào của người phu cạo mủ ấy. Suốt mấy tiếng đồng hồ vừa qua, anh ta run rùng rùng, vừa rên vừa than thở, nhưng lúc này từ chỗ anh ta nằm không phát ra âm thanh nào. Nhận thấy mình mẩy Học đang bắt đầu co giật, Đồng ép sát thân thể trơ xương và cao hơn người An Nam bình thường của mình vô thật sát bụng em rồi vòng hai tay quàng chặt lưng em: - Đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Chắc anh ấy ngủ say. Anh em mình cũng rán ngủ đôi chút!Học cố nhắm mắt nhưng dạ dày lép kẹp và cồn cào của cậu lại nổi cơn sôi ruột quen thuộc khiến cậu không thể nào làm theo lời anh. Đã sáu giờ kể từ lúc hai anh em chia nhau suất cơm còm cỏi được nấu bằng gạo hẩm trong chiếc ca sắt móp méo đặt trên bếp lửa bên ngoài nhà lán như thường lệ. Giếng quá sâu, khó đào vì nhiều đá ngầm, nước rỉ không ngang mặt gàu lại đỏ ngầu. Hết thảy phu cao su đều dùng nước múc từ những con suối mằn mặn, đầy muỗi sốt rét, chảy lờ đờ qua đồn điền, để nấu ăn hoặc đun thật sôi mà uống. Hễ lần nào thấy mình hâm hấp nóng, Học tự hỏi phải chăng mình bắt đầu nhiễm sốt rét ác tính.Không muốn Học sợ quá mất ngủ, từ đằng sau em, Đồng thầm lặng trườn mình trong bóng tối, đưa tay huơ, cho tới khi bàn tay quờ quạng của cậu chạm trúng mặt người bệnh. Da thịt ẩm ướt ấy lạnh ngắt tự bao giờ, nhờn nhợt nước mưa trộn với mồ hôi của cơn sốt cực điểm và chí tử. Bàn tay đang rờ rẩm của Đồng bỗng tự động rụt về, như có ý báo cho cậu biết rằng lần này hai anh em không thể tránh khỏi công việc đáng sợ là phải chôn cất xác chết. Trong thời gian cả hai ở đồn điền Vị An, tại Làng Số Ba này đã có tới hơn một trăm cu-li qua đời vì sốt rét, đói hoặc tự tử — nhưng chưa có người nào chết trong khi nằm ngủ kế bên chúng.Đột nhiên Đồng tự hỏi biết đâu sáng sớm ngày mai, chuyến đi vào rừng ngắn ngủi với thây ma này lại cho hai anh em thêm một cơ hội bỏ trốn. Nhưng lập tức cậu gạt hẳn ý nghĩ đó. Trước đây, Đồng và Học đã cố trốn hai lần và lần nào cũng bị đám người Mọi chất phác và quen thuộc địa hình, săn đuổi tới cùng. Túm được hai anh em, họ lột hết quần áo, trói quặt hai tay ra sau, tròng vào cổ mỗi đứa một sợi thừng bện thật chắc bằng dây rừng, rồi điệu về đồn điền. Mỗi lần bắt lại được một cu-li bỏ trốn, mấy người Mọi có tròng mắt trợn ngược và ưa la hét đó được gã Pháp quản đốc đồn điền thưởng công năm đồng bạc trắng. Chiều đến, trước sự chứng kiến của toàn thể cu-li trong đồn điền, Đồng và Học bị một tốp “c!!!8679_18.htm!!!
Đã xem 875305 lần.
http://eTruyen.com