TẬP III - Phần Thứ Sáu - Thái Bình Kiểu Mỹ - 1963
TẬP III - Phần VI - 1 -

Trong lúc Hội nghị Genève bàn về Đông Dương, Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định Ngô Đình Diệm, khi ấy đang ở Mỹ, làm thủ tướng với lời yêu cầu Diệm - trước cây thánh giá và sự chứng kiến của ông, tại Cannes một thành phố nghỉ mát ở vùng đông nam nước Pháp - "hãy thề là sẽ bảo vệ đất nước chống lại bọn Cộng Sản vô thần và nếu cần chống luôn cả người Pháp". Mang theo sự chuẩn y của Paris, Diệm về Sài Gòn và lập xong nội các ngày 7.7.1954. Đêm 20.7.1954 Pháp với Việt Minh ký Hiệp định Genève chấm dứt cuộc Chiến tranh Đông Dương Thứ Nhất bằng việc chia đôi Việt Nam ngang vĩ tuyến 17; lập khu phi quân sự tính từ lằn ranh năm cây số để làm trái độn; và cho phép lực lượng Liên Hiệp Pháp kéo vào tập trung ở phía nam trong khi lực lượng Cộng Sản tập kết ra phía bắc. Các đại biểu còn đồng ý rằng việc phân chia đó chỉ tạm thời, trong vòng hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Hậu quả chiến tranh Triều Tiên khiến Mỹ nhất quyết không nhượng thêm đất cho Cộng Sản nên không ký văn bản Hiệp định và còn khuyến khích chính quyền Diệm không ký, tuy vẫn tôn trọng nó. Liên Sô không phản đối mạnh mẽ và Trung Quốc áp lực Hồ Chí Minh phải chấp nhận, vì lúc ấy, ý đồ của LS là muốn hòa hoản với phương tây và TQ, nước hưởng lợi nhất qua Hội nghị Genève, tạm thời bằng lòng với cơ hội xuất hiện lần đầu tiên trên diễn đàn quốc tế như một thế lực tay ba của thế giới.
Sau khi Hội nghị Genève kết thúc và trong lúc HCM từ vùng đồi núi Bắc Việt về tiếp thu Hà Nội, gần một triệu người miền bắc, gồm gia đình quân công cán chính, trí thức, cựu kháng chiến và dân chúng, trong đó có hơn một nửa là tín đồ Công Giáo, di cư vào nam; ngược lại, khoảng 90.000 người miền nam tập kết ra bắc - để Lê Duẫn trốn lại làm Xứ ủy Nam bộ và 10.000 người. Hiện tượng ấy góp phần chia VN thành hai phía đối nghịch: Cộng Sản và Quốc Gia. Ở miền bắc, HCM tạm bằng lòng với việc củng cố chế độ độ toàn trị bằng cách rập khuôn diễn tiến và phương pháp được Mao Trạch Đông áp dụng tại Trung Hoa: - đấu tố cải cách ruộng đất (giết khoảng 100.000 người) để tạm chia cho nông dân rồi thu tóm vào tay nhà nước dưới hình thức tập thể hóa nông nghiệp; - khống chế văn hóa văn nghệ; - độc quyền mậu dịch; - thiết lập chế độ quản lý hộ khẩu; - triệt để phân biệt lý lịch; - phân phối lương thực theo khẩu phần; v.v
Tại miền nam, tình hình phức tạp hơn rất nhiều. Ngô Đình Diệm là người Công Giáo, sinh tại Huế trong một gia đình thượng quan. Ông độc thân, cương trực, sống đời khổ hạnh, và lòng yêu nước, bảo vệ quốc thể của ông thì thậm chí các địch thủ của ông cũng phải nể trọng. Ông tranh thủ được sự giúp đỡ của phương tây, đặc biệt của Hoa Kỳ tuy ban đầu Nhà Trắng không có ý định ủng hộ ông. Thực hiện khẩu hiệu "bài phong (kiến), đả thực (dân), diệt cộng (sản)", trong mấy năm ổn định và hòa bình ngắn ngủi, Diệm đạt nhiều thành quả quan trọng như: - vãn hồi trật tự tại Nam VN bằng cách đập tan những lực lượng võ trang của các giáo phái và đảng phái muốn cát cứ; - tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955, truất phế Bảo Đại; ba ngày sau ông tuyên bố thành lập chế độ Cộng Hoà do ông làm Tổng Thống; - quân Pháp hoàn toàn rút khỏi miền nam ngày 28.4.1956; - bầu cử Quốc Hội và ban hành Hiến Pháp; - xây dựng các hạ tầng cơ sở kinh tế, kỹ nghệ và giáo dục; - đào tạo các viên chức hành chánh và sĩ quan để thay thế dần những công chức tướng lãnh thời thuộc địa; - tiến hành cải cách điền địa ôn hòa và bồi hoàn cho địa chủ; - lành mạnh hóa xã hội; - đặc biệt, thực hiện quốc sách Ấp chiến lược để cô lập cán bộ Cộng Sản, v.v.
Trước đó, tháng 8.1955, Ngô Đình Diệm bác bỏ việc hiệp thương nam bắc nhằm tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Genève qui định, vì theo ông: "Miền Bắc vẫn không cho phép người dân hưởng những quyền tự do dân chủ...khi nào Miền Bắc chấm dứt khủng bố và thực thi dân chủ, mới có thể tổ chức tổng tuyển cử được". Hậu quả, lằn ranh tạm thời về quân sự tại vĩ tuyến 17 trở thành một loại biên giới quốc gia. Về phần mình, phản đối lời Khrushchev đề nghị Liên Hiệp Quốc thâu nhận hai miền nam bắc VN làm hội viên, Hồ Chí Minh chuẩn bị phát động cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai. Mục đích của ông là thống nhất nam bắc; xóa hình ảnh ông đã nhượng bộ Nga Hoa và thỏa thuận với thực dân để chia đôi đất nước; và kích động tinh thần dân tộc của nhân dân miền bắc nhằm giải phóng một miền nam bị Hà Nội mô tả là đang sống trong cảnh tù đày, bị giết chóc vì máy chém kéo lê đi khắp nơi, dân chúng bị cướp bóc, hãm hiếp và sống đói rách cực độ dưới ba tầng áp bức của tư bản bóc lột, chế độ Diệm đàn áp và thực dân mới Hoa kỳ.
Năm 1957, Hà Nội hạ lệnh cho cơ sở Cộng Sản còn nằm lại ở miền nam thành lập 37 đại đội vũ trang tại vùng rừng sâu và sình lầy ở đồng bằng sông Cửu Long, dùng các vũ khí đã chôn giấu vào năm 1954. Ngày 13.1.1959 Trung Ương Đảng Lao Động ra nghị quyết 15 nhằm "đánh đổ chế độ đế quốc và tay sai, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước". Hà Nội bắt đầu đưa những người trước đây tập kết ra bắc, theo đường mòn Trường Sơn xâm nhập trở lại quê nhà miền nam (Đoàn 759), và mở đường biển bí mật chở vũ khí vào nam (Đoàn 959). Được che giấu nhờ tình cảm ruột thịt của thân nhân, họ vừa tuyên truyền dẫn dụ dân chúng vừa tiến hành khủng bố đẫm máu: ám sát viên chức để làm tê liệt hệ thống chính quyền xã ấp, pháo kích thành phố, đặt chất nổ những nơi thị tứ, các tuyến đường bộ và xe lửa, cầu cống, phá hoại quốc sách Ấp chiến lược, chính sách cải cách điền địa của chính phủ,v.v trên khắp miền nam. Phản ứng lại, ngày 6.5.1959, Diệm ban hành Luật 10/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật.
- Trình đại úy, ông nhìn đây, bên quân báo có lý. Bọn chúng nó có ở đây!
Staudt trả lời châm biếm:
- Có ai bảo là bọn chúngï không vừa ở đây đâu. Cậu tịch thu được một lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam đấy. Nhưng đây không phải là loại chiến tranh mà nhờ vào công trạng đó cậu được thưởng Chiến thương Bội tinh. Cái thật sự đáng kể là chúng ta phải tìm cho ra xác chết của một hai gã du kích vừa mới cầm súng bắn ì đùng ì xèo dưới lá cờ đó.
Viên trung úy phản đối:
- Nhưng ở nơi nhà tranh tôi tìm thấy cái này có cả một trạm tuyên truyền của Việt Cộng đặt tại đó. Trong hầu hết các nhà tranh này đều có chôn những cái lu đất thật lớn mà họ thường dùng để cho người ta chui vô đó trốn máy bay đổ bộ.
Gary ngừng nói, háo hức hoa tay về phía người lính Việt Nam đối tác của mình, một trung úy trẻ của QĐVNCH, đang bắt đầu thẩm vấn ba người đàn bà cứ nhất định không chịu mở miệng:
- Trung úy Nguyễn Hanh Cát kể với tôi anh ta nghĩ rằng một người lính của anh ta đã tìm ra cửa hầm dưới một cái bếp - có vẻ lần này chắc chắn chúng ta đụng phải một ấp cố thủ của Việt Cộng.
Quệt ống tay áo ngang lông mày, Staudt chầm chậm nhìn quanh. Dù chỉ mới chín giờ rưỡi, trời buổi sáng đã nóng. Nắng lung linh trên các mái tranh và bầu không khí ngột ngạt nặng nề. Anh nói ởm ờ:
- Lạ thật, lạ thật! Trong tổng số năm ngàn ấp ở khắp đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta biết có cả ngàn cái được gọi là ấp cố thủ của Việt Cộng, không kiểu này thì kiểu nọ. Nếu thay vì vào hết thảy các ấp đó, chúng ta chỉ việc thỉnh thoảng nhảy trực thăng xuống một ấp rồi thấy nó chẳng có gì cả, thì tôi có thể đoan chắc rằng chúng thắng cuộc chiến tranh khốn kiếp này từ lâu rồi.
Bối rối đỏ bừng má, Gary quay mặt qua chỗ khác để người nữ phóng viên Anh không nhìn thấy. Staudt nói tiếp:
- Gary ạ, tôi chỉ vui thật sự khi chúng ta tìm ra loại kết quả vẻ vang ấy vào lúc tôi kết thúc một năm phục vụ tại Việt Nam. Đó cũng là lúc bắt đầu một năm của cậu đấy.
Nói tới đây, miệng nở một nụ cười vờ vỉnh, Staudt quay sang bắt chuyện người nữ phóng viên truyền hình:
- Cô biết không, trung úy Sherman mới tới đây có hai tuần lễ. Chỉ mười ngày nữa thôi tôi chấm dứt nhiệm kỳ mười hai tháng và hai mươi năm phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ, bắt đầu từ bãi biển Normandy. Theo tôi, việc bắt được một ấp Việt Cộng trống rỗng, một lá cờ dính đầy bùn và một trạm tuyên truyền cùng với những người lính Á Đông không bị tí thương tích nào như thế này là đủ lắm rồi, chẳng thể nào tốt hơn được nữa, đúng không cô?
Người nữ phóng viên Anh lạnh lùng hỏi lại:
- Thưa đại úy, như vậy có nghĩa ông đang dự tính chấm dứt nửa chừng cuộc hành quân này, phải không ạ?
Staudt lúc lắc đầu, cố ý nói với giọng thật chậm:
- Không, thưa côø, hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng những "chiến hữu quí báu" của chúng tôi chẳng muốn gì hơn là gọi máy bay trực thăng quay lại đây ngay và bốc lập tức cái mông đít nhỏ nhít của họ ra khỏi chỗ này. Họ cũng rất thích sử dụng tin tình báo chính xác về việc chuyển quân của Cộng Sản để bảo đảm rằng họ đổ bộ quá trễ. Và đó là cách họ giữ cho thương vong ở mức thấp! Nhưng hôm nay, tôi sẽ dạy cho họ một bài học! Họ phải cất chân đi lùng sục hết thảy sáu cái xóm khốn nạn này và ít ra cũng phải làm việc toát mồ hôi trước khi quay về căn cứ - bằng không, tên tôi không còn là Lionel Staudt nữa!
Cáu kỉnh, viên đại úy Mỹ trở gót, bước tới chỗ viên trung úy Cộng Hoà đang cật vấn người đàn bà thứ ba. Gary Sherman cùng toán truyền hình đi theo. Staudt hỏi cộc lốc:
- Trung úy Cát, mấy con mụ này nói ra sao về Việt Cộng?
Trên khuôn mặt đeo kính trắng và trắng trẻo như sinh viên của viên trung úy QĐVNCH, người vừa được thuyên chuyển tới đơn vị hôm qua, lập tức ánh lên vẻ thương tổn vì giọng điệu của Staudt. Dù hiểu rất rõ câu hỏi, anh vẫn cố ý chờ viên trung sĩ thông dịch viên đứng bên cạnh dịch hết câu đó ra tiếng Việt. Nghe xong câu dịch, Nguyễn Hanh Cát trả lời bằng tiếng Việt để Staudt phải đợi viên trung sĩ thông ngôn lại:
- Các phụ nữ này nói dối như thường lệ. Họ chỉ nói những lời người ta bảo họ phải nói - rằng hôm qua có mấy trăm quân du kích Việt Cộng đi qua làng; chúng làm cho đàn ông con trai trong ấp sợ quá, chạy vô núp trong rừng hết rồi...
Nghe chưa xong lời giải thích, viên đại úy Mỹ đã nhăn mặt, nổi nóng nói như quát:
- Trung úy Cát, không thể nào, không thể nào khốn nạn như vậy được! Đúng là anh chưa làm hết sức mình. Anh làm chưa đúng mức. Mạng sống của hết thảy chúng ta đây đều tuỳ thuộc việc anh thẩm vấn mấy con mụ dạ xoa khốn kiếp này, nhớ chưa?
Hai con mắt của viên trung úy Cộng Hoà tốt nghiệp Trường Võ bị Đà Lạt bỗng long lên sòng sọc. Lần này anh ta trả lời thẳng bằng tiếng Anh:
- Xin lỗi đại úy, bộ chỉ có người Mỹ mới biết làm hết sức và biết quí mạng sống sao? Nghe giọng ông tôi biết ông chỉ mới ghét Cộng Sản theo lối nhà binh thôi. Tôi nói cho ông biết. Nếu ông có thù chúng nó cũng chưa bằng một góc của tôi đâu. Ông nghe đây này. Cách đây đúng mười năm ở ngoài bắc, bà nội tôi là người đầu tiên bị đảng Cộng Sản đem làm lễ tế cờ cải cách ruộng đất do cố vấn Trung Cộng phát động. Bà ấy từng che giấu nuôi dưỡng trong đồn điền của mình, từ trước những năm bốn mươi, những thằng hiện nay ở trong bộ chính trị Hà Nội. Từ năm 1945 bà đem vô số vàng bạc của cải ủng hộ kháng chiến. Bà được phong Chủ tịch toàn quốc Phong trào Phụ nữ Yêu nước và được đích thân Hồ Chí Minh tăng danh hiệu Mẹ Chiến Sĩ. Bác tôi là Chính ủy trung đoàn và chú tôi là Đại đội phó truyền tin của Việt Minh. Khi bị qui kết địa chủ, bà đích thân viết thư cho Hồ Chủ Tịch, xin nói một tiếng. Lão già khốn nạn nín thinh. Cả bọn bộ chính trị khốn nạn nín thinh. Để mặc cho tòa án nhân dân mang bà nội tôi ra đấu tố rồi dí súng bắn chết tại chỗ. Chú bác tôi bị lột sạch công trạng, sống đau sống nhục. Có người còn bị hành tới xương vì dám khóc mẹ mình chết. Mẹ tôi phải trốn chui trốn nhủi rồi dắt tôi di cư vô nam. Vậy đó, nếu đại úy nghĩ rằng ông có lý do để vừa khinh vừa thù bọn Cộng Sản hơn tôi thì thưa đại úy, xin ông cứ việc tự nhiên với ảo tưởng của ông!
Trong một lúc, viên sĩ quan Mỹ nhìn sửng rồi một nụ cười chầm chậm tỏa khắp bộ mặt dày dạn phong trần:
- Trung úy Nguyễn Hanh Cát ạ, chuyện ghê tởm và khốn nạn không ai tưởng tượng nổi! Anh có lý do chính đáng để căm thù lũ Cộng Sản đểu cáng và lão già mặt cáo đó hơn tôi. Tôi thành thật xin lỗi. Vậy chúng ta hợp tác với nhau một trăm phần trăm, được chưa? Chiều nay về Mỹ Tho tôi mời anh và Gary một chai Remy Martin.