Màu xanh lá cây nhạt tươi mát của những chồi non đã làm rực hẳn hai hàng cây chạy dài theo hai bên đường quốc lộ. Hiểu ra cánh rừng cây tưởng như đã chết kia chứa âm ỉ một sức lực âm thầm và đang được hồi lại sự mới mẻ tinh khôi do những tia nắng ấm của mùa xuân, bà Kim Cúc suy nghĩ nhiều đến chữ hồi xuân mà bà Tảo và các cô thợ bàn tán trong tiệm hôm nào. Thì ra trong những thân cây trơ trụi lá mà bà tưởng chúng đã chết khô theo mùa đông vừa qua đang chứa trong ấy đầy nhựa sống. Ví mình như là thân cây với đầy sức sống bên trong mà ngỡ đã khô héo, bà tưởng tượng hàng loạt cảnh mà trong đó bà là kẻ chủ động lả lơi và cợt nhã với những người đàn ông và những chàng trai trẻ. Sau khi các hình ảnh tưởng tượng ấy mất đi, bà mỉm cười khinh mạn. Tự nghiệm chính bản thân, bà không thấy mình có thể phù hợp với bất cứ trường hợp nào. Kế thừa sự giáo dục của cha mẹ, bản chất trong sạch và sự giới hạn của sức dục, bà không hề và không thể nào có chút nào sự lẳng lơ của tuổi hồi xuân của các bà “sồn sồn” mà bà Tảo và các cô thợ trong tiệm biếm nhẽ khi đề cập. Sau khi lập gia đình, bà đã trao toàn bộ tư tưởng và tình cảm dành cho chồng cho con và đặt mục tiêu của đời mình là sự thành công của họ. Bởi vì dành hoàn toàn tâm trí cho những người thân trong gia đình chứ không vì cá nhân mình, bà giống như là một cây khô mất dần chất nhựa. Sống và làm việc như một cái máy mỗi ngày trên đất nước khan hiếm thời gian, bà đã quên những gì bà có và chẳng bao giờ đòi hỏi cái gì riêng rẻ cho bản thân mình. Và dù là thế, bà cũng không thể nào là một thân cây trơ lá chờ nắng mới của mùa xuân để sản sinh ra những chồi non. Tình thương của ông Hoàng, chồng bà, là những tia nắng ấm ươm cho bà đầy ắp sự vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống gia đình và vợ chồng. Tình cảm của một người khác phái nào đó, dù lớn hơn hay trẻ tuổi thua, có thể là một tia nắng lạ nhưng nó chỉ xôn xao một cách vô vọng chứ không thể đủ sức làm hồi tuổi xuân của bà như nhưng lời đàm tiếu và nhạo báng. Chắc chắn với ý nghĩ cương định của mình nhưng bà Kim Cúc vẫn cảm thấy sợ khi nhớ tới lời bóng gió của cô Thủy về chuyện tình yêu của những người thanh niên trẻ tuổi đối với những người đàn bà giàu có lắm tiền. Bà hiểu là mỗi khi cô Thủy nói ra điều gì thì chắc chắn điều ấy có căn cứ dù tính tình của cô khá bất thường. Là học sinh bỏ học lớp 12 từ năm mười bảy tuổi do mang thai trong một phút bồng bột và có con vô thừa nhận, cô đã tự kiếm sống bằng nghề làm móng tay để nuôi con. Ỷ vào sắc đẹp vượt bậc và tiếng Anh lưu loát của mình cô ngạo mạn hơn bất kỳ cô thợ nào trong tiệm. Cũng do tính ngạo mạn và lợi dụng chính sách ưu đãi dành cho trẻ em ở Mỹ cô đã không nghe theo lời cha mẹ của cô. Cô hành động tự do, tùy thích và bất kể những lời khuyên của cha mẹ mặc dù cha mẹ của cô là những người có trình độ rất cao và đến Mỹ theo diện H.O. Với bản tính ngông nghênh và ngang tàng của đứa con gái út được cưng chiều nhất nhà, cô thường làm theo ý thích mình hơn là nghĩ đến chuyện làm mích lòng và chạm tự ái người khác. Do bà Kim Cúc đề nghị đám thợ tự nhiên lấy dùng vật dụng trong hộc bàn của bà bất cứ lúc nào họ cần miễn là họ hoàn lại, cô thường lục hộc bàn của bà Kim Cúc một cách tùy thích. Mặc cho các cô thợ khác đã nhiều lần khuyên cô nên hỏi mượn khi có mặt của bà Kim Cúc vì phép lịch sự, cô vẫn ngang nhiên lục lọi các hộc bàn của bà một cách tự nhiên khi bà có hay vắng mặt. Nhớ lại câu nói bóng gió đầy ẩn ý của cô Thủy, bà Kim Cúc chắc chắn cô ta là thủ phạm lấy bì thiệp khi cô tìm cái gì đó trong hộc bàn của bà và chắc chắn cô đã nhận ra được nét chữ của anh Duy Anh với trí óc thông minh của cô ta. - Em nghĩ gì mà anh hỏi đến hai lần không nghe em trả lời? - Sao ạ? - Anh muốn ghi danh cho Lisa học lại lớp tiếng Việt để nó gặp lại bạn bè cũ và có điều kiện tham dự các sinh hoạt do cộng đồng người Việt ở Maryland tổ chức. - Ý của anh muốn em phải làm gì? - Anh muốn em nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật để ở nhà với con. - Em cũng muốn vậy vì tiệm đã có đầy đủ thợ hơn nữa Duy Anh đã có bằng. Tuy nhiên phần đông khách mến cách làm của em, họ thường đến vào ngày thứ bảy. Hơn nữa, em không biết ai sẽ thu tiền của tiệm cuối ngày thứ bảy để mình tổng kết tiền cho thợ vào ngày chủ nhật đúng như qui định. - Nếu vậy, cách hai tuần em ra tiệm một lần, cố gắng giới thiệu khách cho những đứa thợ có tay nghề khá để tụi nó gánh bớt khách đi. Còn việc thâu tiền thì đừng lo. Anh sẽ làm sau khi ghé hai tiệm ở Batimore như thời gian em nghỉ bệnh ở nhà. - Vậy thì em sẽ nói Vân tuần sau em không ra tiệm vào ngày thứ bảy và chủ nhật để cô ta nghỉ ở nhà trong hai ngày này. - Sau này nếu mình có nhiều thời giờ thì nên tổ chức ăn uống một lần vào chiều ngày chủ nhật để anh em có dịp họp mặt. Từ ngày bố mẹ về Việt Nam tới giờ mình chưa mời các anh em đến nhà lần nào. - Vâng, vài tuần nữa, khi trời thật sự ấm nóng em sẽ mời tất cả đến nhà. Lúc ấy, tha hồ ngồi ngoài deck nướng thịt. - Không chừng sau biết nơi mình ở, Duy Anh đem tiền đến nhà những lúc mình không thể đi thâu được. - Thu và chi là nhiệm vụ của mình, chúng ta không nên tin một người mới quen nhiều đến như vậy anh à! - Em có vẻ không thích Duy Anh nhưng nó là người tốt. Anh đã có tìm hiểu nó qua những chuyện khác nữa chứ không phải chỉ qua lời giới thiệu của anh Tảo đâu. Trong lúc cần người mình gặp được nó là may mắn lắm rồi! Quay sang nhìn chồng với ánh mắt ngạc nhiên, bà Kim Cúc không nói gì. Đúng như ý nghĩ ban đầu khi bà gặp anh Duy Anh, ngoại diện của chàng thanh niên đã chiếm hoàn toàn sự tin tưởng của ông Hoàng. Qua lời giới thiệu của ông Tảo và cách làm việc của anh ta sau một thời gian chắc chắn anh ta đã hoàn toàn nâng cao uy tín của mình đối với ông chủ có tài lãnh đạo và nhìn xa hiểu rộng như ông Hoàng. Trên phương diện kinh doanh, có một người quản lý thật thà và trung thực tạm coi là ổn nhưng đối với cái tiểu sử mơ hồ và hành động lạ lùng khó hiểu của anh ta khiến bà không khỏi có nhiều nghi vấn trong đầu. Từ khi trốn khỏi nước, bà Kim Cúc chưa một lần trở về Việt Nam nhưng hiện trạng các cô gái trẻ Việt tìm cách quen biết với những chàng trai ở nước ngoài để kiếm đường ra khỏi nước và những chàng trai trẻ Việt quan hệ bất chánh với những người đàn bà giàu có ở trong nước để được đáp ứng đời sống là những mẫu chuyện quen thuộc mà bà thường nghe các cô thợ xầm xì bàn tán. Bà không hiểu thanh niên Việt Nam hiện thời được giáo dục và ảnh hưởng những truyền thống và phong tục tập quán nào và anh Duy Anh kia là mẫu người nào trong các câu chuyện xầm xì kia, tuy nhiên, bà không bao giờ tin được tình cảm của thanh niên trẻ như anh ta là tình yêu chính chắn hay vĩnh viễn. Cũng vì hiểu rõ tình cảm bồng bột và bất nhất của giới trẻ, bà không muốn rao bán chuyện người đang thầm yêu trộm nhớ bà, cũng như không muốn ai chọc ghẹo nỗi niềm riêng nhất thời của anh ta. Bà cũng không thể đề nghị với ông Hoàng cho anh ta ngưng việc khi anh ta không làm một lỗi nhỏ nào trong công việc anh đương nhiệm. Nếu bà kể cho ông Hoàng nghe sự tình xảy ra giữa anh ta và bà, chắc chắn ông sẽ cười lớn vì không tin được chuyện tình cảm mơ hồ và khó tin kia xảy ra trên đời. - Hãy nhìn người cởi mở một tí, đừng nên “dị ứng” với những người trẻ tuổi khi họ có chức vị. Tại con mình không thích ngành mình đang làm chứ không anh cũng muốn chúng quản lý tiệm hơn là làm bồi bàn hay bán hàng vặt vãnh. Khóa xe và bước ra ngoài, ông Hoàng đến cửa hành khách mở cửa xe cho bà Kim Cúc. Nghiêng người bước ra ngoài, bà mỉm cười bảo ông: - Không phải là anh đã cương quyết nói là không bao giờ cho con đến tiệm vì sợ chúng nhìn cảnh làm cực khổ của tụi mình và không phải là anh luôn nói là muốn con mình làm khác nghề của chúng ta sao? - Đúng vậy, nhưng anh đưa điều này ra lúc này là muốn thuyết phục em xem Duy Anh như con cháu mình mà đừng thành kiến với nó. - Em không tệ đâu, nhưng xét người phải cần thời gian. - Trực giác cũng cho mình cảm nhận người tốt hay xấu, em đừng lo lắng quá! Dứt lời ông Hoàng mở cửa kính của tiệm Bàn Tay Đẹp và nhường lối cho bà Kim Cúc bước vào.