Trong bài viết mở đầu, CE số 92, người viết có đưa ra một "nhận xét": Cái độc không thể thiếu vắng ở trong văn chương. Cái độc, cái ác là "thức ăn" của thiên tài. Không độc không trượng phu!Nhưng độc, ở đâu ra?Cái độc cái ác trong văn chương, là từ... "chi tiết" mà người viết đem từ đời sống vô. Hoặc lấy ra từ... dưng không (... dưng không trồi lên sự thực, Thanh Tâm Tuyền, 'Cát Lầy'). Từ tưởng tượng, hoặc hư tưởng - hư tưởng theo nghĩa của thi sĩ người Pháp, St.-John Perse, Nobel văn chương 1960: nhà văn là hư tưởng, mauvaise conscience, của thời đại.Nói theo sinh học, chi tiết (detail) là ADN của văn chương. Kundera đọc Kafka và nhặt ra những chi tiết cực kỳ thơ trong một thế giới cực kỳ không thơ: thế giới mê cung trong Tòa Lâu Đài. Theo chân ông, người viết đã lần tìm những chi tiết độc, đẹp trong truyện ngắn của Lê Minh Hà. Một cô gái đưa tiễn người bạn trai vào Nam chiến đấu, tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội; và cô chỉ ngửi thấy chỗ nào cũng sặc mùi nước đái. Bởi vì chỉ có nó (mùi nước đái) mới tương xứng với nỗi đau, nỗi hận của cô, về cái chết của một cô bạn (bị lưỡi bom B.52 liếm!) Từ những chi tiết độc và đẹp đó, chúng ta hiểu một điều: Nếu không phải Thượng Đế, thì chính là quỉ, nằm ở trong "chi tiết" (G. Steiner trích dẫn Bearsley, trong Errata:... if not God, the devil lies in the detail)."Đứng trước một đứa trẻ chết đói, cuốn 'Buồn Nôn', La Nausée, chẳng có ký lô nào", Sartre đã từng tuyên bố. Người ta cũng đã từng nói tới những chi tiết tàn nhẫn, cái ác trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. "Người Nghệ Sĩ Đói" được giới phê bình đánh giá là "truyện ngắn độc ác nhất" của Kafka. Công chúng phải trả tiền để vào xem người nghệ sĩ đói, để mân mê thân hình trơ xương của anh. Có người tự hỏi, tại sao? Tại sao lại có những chi tiết tàn nhẫn như thế ở trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp? Bởi vì trong "thực tế" (đẻ ra tác phẩm của ông), ông đã "thực tế" cái điều: Đứng trước một đứa trẻ chết đói... Cảnh tượng người nghệ sĩ đói khỏa thân ở trong chuồng mà Kafka "tưởng tượng" ra, đã "thực sự xẩy ra". Bạn không tin? Hãy đọc bài viết về trường hợp Ngụy Kinh Sinh trên tờ The New Yorker, mà người viết chuyển ngữ kèm theo sau đây.°)Câu nói của Sartre được đưa ra "mổ xẻ", như chúng ta đang "mổ xẻ" (cuốn Chân Dung và Đối thoại), trong một cuộc hội thảo mang tựa đề "Văn chương có thể (làm) được gì?"; và một nhà văn khác - hình như Yves Berger (?) - đã "bực mình" trả lời, đại khái: 'Đứa trẻ chết đói đó ở đâu, Ngài Sartre có cần tôi tiếp tay, cứ ới một tiếng; nhưng sau đó, Ngài Sartre cho tôi tiếp tục viết (văn)!'Câu trả lời cho thấy một điều, chuyện viết văn và chuyện cuộc đời có cái gì đó "không liên can" gì tới nhau. Rằng, chúng ta vẫn phải chiến đấu với cái ác, ở trong cuộc đời, và chúng ta vẫn tiếp tục viết - nghĩa là chống lại cái ác, (hoặc bênh vực nó?) - ở trong văn chương. Cũng theo ý nghĩa đó, khi Miss Thackeray ngồi đọc tiểu thuyết vào những buổi sáng chúa nhật, là "bởi vì tôi - Anne Thackeray Rithchie, trưởng nữ của Thackeray - không nghĩ việc này sai trái". (Virginia Woolf, The Enchanted Organ, trong Collected Essays. Volume VI).Tại sao lại "mặc cảm" như thế? Là bởi vì, trong lúc bà đọc tiểu thuyết, người ta "phải đi" nhà thờ! Là bởi vì "mọi người đều đúng và không ai biết gì hết". (That everybody is right and nobody knows anything).Để trả lời những "vấn nạn" nêu trên: Tại sao cả nước xúm nhau vào đọc một cuốn sách, tại sao nó được bán kèm với những vật dụng chẳng ăn nhậu gì tới văn chương như tờ 'An Ninh Thế Giới'? Có lẽ đành phải trở về với câu nói của nhà thơ nữ người Nga Akhmatova: Chỉ người nào sống ở... mới hiểu được chủ nghĩa Cộng sản là gì.Nguyễn Quốc Trụ