gày 29 tháng 9 năm 1945, bảy người Đức, những chuyên viên tiền phong V2 đã được kế hoạch Overcast tuyển chọn, vừa đến Fort Strong ngoài khơi thành phố Boston. Đứng về phương diện chuyên môn mà nói thì những người này chưa được kể là đã vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Họ không có giấy chiếu khán, cũng không hề làm những thủ tục thông thường về cư trú: chỉ có quân đội bảo lãnh họ mà thôi.Đại tá Toftoy đã đề cử Thiếu tá Hamill phụ trách việc đón tiếp họ, vì ông cần phải ở lại Âu châu để xem xét công việc của ông và đối phó với những trường hợp khó khăn. Sáu người trong số các chuyên viên Đức này được đến trung tâm thí nghiệm Aberdeen thuộc tiểu bang Maryland để phiên dịch, liệt kê và phân tích mười bốn tấn tài liệu chở từ Dornten về. Còn người thứ bảy là Vernher Von Braun lại được dành cho một số phận khác.Những ngày đầu tiên của vị ‘‘ cựu giám đốc kỹ thuật chương trình hỏa tiễn’’ ở Mỹ quốc không được dễ chịu cho lắm. Cánh tay ông vẫn còn băng bột và vết thương thì lại đang nhức nhối vô cùng. Đã vậy, ông còn bị đau gan nên phải vào bệnh viện điều trị. Quần chúng không hề biết và các bạn đã tới nước Mỹ vì kế hoạch Overcast vẫn còn đang được giữ kín.Sau khi bình phục, ông cùng Thiếu tá Hamill đến Hoa Thịnh Đốn trước tiên để tiếp xúc với các vị sĩ quan Quân nhu đang biệt phái về Ngũ Giác Đài. Sau đó hai người đáp tàu hỏa đến căn cứ hỏa tiễn của Quân cụ ở Fort Bloss, gần EL Paso thuộc tiểu bang Texas. Von Braun thì nói tiếng Anh không rành, bù lại Hamill nói tiếng Đức rất thông thạo. Chuyến đi thật xa nên hai người có nhiều thì giờ để tìm hiểu nhau tường tận. Viên Thiếu tá nhớ lại lời người ta đã dặn ông : ‘‘Quân đội yêu cầu một điều : hai người phải có mặt bên nhau suốt 24 giờ trong một ngày’’.Đáng lẽ đến Saint Louis thì họ phải đổi sang tàu hỏa khác. Nhưng mà vào giờ chót to axe thượng hạng dành cho họ lại bị trưng dụng để chở những cựu chiến binh thuộc sư đoàn 82 và 101 nhảy dù đang bị thương. Không có xe lửa, Hamill mới quyết định đi xe đò. Đến Texarkana thì có một hành khách lân la bắt chuyện với Von Braun. Ông ta hỏi Von Braun từ đâu đến đây và hiện đang làm gì. Hamill thật là nhẹ nhõm khi nghe Braun đáp lại là ông từ Thụy Sĩ sang và là kỹ sư thép.Khi đến Fort Bliss thì người ta đón tiếp hai người không được nồng nhiệt cho lắm. Hamill ghi rằng. “VỊ tướng tư lệnh ở đây là một sĩ quan bộ binh. Ông đã tham dự hai trận đại chiến và đã từng bị thương nhiều lần. Hơn nữa, ông không hay tin chúng tôi đến. Ở đây chỉ được một điều thoải mái, là trong căn cứ quân sự này chúng tôi sắp xếp mỗi người được một phòng riêng rẽ. Tưởng được yên thân ngủ nghê, không ngờ vào nửa đêm tôi lại bị đánh thức dậy. Một sĩ quan trực và vị chỉ huy đội hiến binh bắt tôi đứng lên và tìm ngay ông bạn đồng hành... Một người nào đó đã có hảo ý muốn đãi chúng tôi một chầu Rhum de Juarez. Tay nâng ly, họ đón mừng người tù nhân hòa bình đầu tiên vừa đến Texas”.Năm mươi lăm kỹ sư Peenemunde khác cũng đến Fort Bliss ngày 2 tháng 12 năm 1945. Cho đến tháng hai, năm 1946 có tất cả một trăm mười một kiều dân Đức trực thuộc quyền chỉ huy của Thiếu tá Hamill.Nha Quân cụ đang đặt nền tảng cho một chương trình hỏa tiễn vô tuyến điều khiển, nhưng mà ngân sách dành cho họ thật là eo hẹp. Bây giờ bọn Quốc Xã Đức và bọn Nhật đều bại trận và người Mỹ tin rằng chỉ có họ mới có bom nguyên tử. Hơn nữa, nếu có một cuộc chiến xảy ra thì cuộc chiến ấy cũng hãy còn xa. Bởi vậy, ít có người chịu thuế nào bằng lòng chi tiêu một số ngân khoản khổng lồ để nghiên cứu hỏa tiễn vô tuyến điều khiển một cách vô bổ như thế.Ở Fort Bliss, không có bàn thử mới, không có máy thổi, không có phòng thí nghiệm và cũng không có dụng cụ cơ khí tối tân. Công cuộc phát triển hỏa tiễn quân sự này do Nha Quân cụ đài thọ, nhưng việc làm ở đây không thể sánh nổi với mức độ thực hiện ở Peenemunde. Nếu những chuyên viên Đức này đã từng ôm ấp hoài bão đem tài năng phụng sự Hoa Kỳ trên lãnh vực không trung thì họ thấy mình vỡ mộng một cách phũ phàng. Chương trình không gian của Mỹ vào năm 1946 được diễn tả gọn gàng trong câu nói của Von Braun: “Thật không có gì hết”.Để trả lời cho một xấp chỉ thị hành chính vụn vặt, Thiếu tá Hamill viết: “Bản văn này phải viết bằng tay vì ở cơ quan này chỉ có một người duy nhất biết đánh máy một cách vụng về, người đó là kẻ ký tên dưới đây... Tiền ở đâu để những người của tôi làm việc đây?”. Hamill và Toftoy phải tùy cơ ứng biến, họ tìm mọi cách để có nhà ở, có phòng thí nghiệm cho các chuyên viên hoạt động. Bệnh viện cũ ở Fort Bliss là bệnh viện William Beaumont được biến đổi thành phòng thí nghiệm. Các kỹ sư cũng cư ngụ gần đó, trong những căn nhà bằng gỗ hai tầng.Ngày 13 tháng ba 1946, người ta đổi mật danh Overcast lại là Paperclip. Sở dĩ người Mỹ phải thay đổi như vậy vì thân nhân của các chuyên viên thường dùng chữ “trại Overcast” để chỉ căn cứ Landshut ở Đức là nơi họ đang cư ngụ. Sự thật thì kế hoạch Paperclip cũng y như Overcast. Có khác chăng là trong những bản hợp đồng sau này thì thời gian hợp tác không còn giới hạn và gia đình các chuyên viên cũng được phép di cư sang Hoa Kỳ luôn. Những chuyên viên này vẫn chưa phải là công dân Mỹ nên họ chưa được phép tham gia trực tiếp vào chương trình hỏa tiễn vô tuyến điều khiển. Một người trong nhóm đã gọi kế hoạch Paperclip một cách mỉa mai là “Kế hoạch tủ lạnh”. Mà thật vậy người ta có thể nói rằng lúc ban đầu toán chuyên viên này bị đặt trong một cái tủ lạnh. Căn cứ theo những giới hạn gò bó của quan điểm thời bấy giờ, và theo ngân sách ít ỏi mà người ta dành cho họ, các chuyên viên Đức đã đóng góp một phần lớn lao trong công việc phát khởi chương trình hỏa tiễn điều khiển của người Mỹ. Sau này, Hamill ghi: “Trong lịch sử chúng tôi, có lẽ họ là toán người dân chính bị canh giữ gắt gao nhất, nhưng họ không hề tỏ ra oán giận chúng tôi. Mặc dù cũng có xảy ra vài vụ rắc rốinhỏ, vài cuộc xung đột cá nhân, nhưng họ chưa bao giờ gây phiền muộn trầm trọng cho tôi. Họ hoàn toàn chân thật và có thể nói từ xưa tới nay tôi chưa từng thấy ai làm việc tận tụy như họ ”.Họ có hai công tác chính. Nha Quân cụ cho phép các điều tra viên của Không quân, Hải quân, những nhà thầu dân chính và tất cả những cơ sở nào có liên hệ về hỏa tiễn đều được khai thác kiến thức chuyên môn của họ. Một mặt khác, họ còn phải tham dự vào việc khai hỏa các hỏa tiễn V2 chở từ Nordhausen về. Những cuộc phóng thử này làm cho người Mỹ trở thành quen thuộc với loại vũ khí mới này. Hơn nữa, các hỏa tiễn còn mang bên sườn nó những dụng cụ dùng để nghiên cứu các tầng khí quyển trên cao.Các cuộc thí nghiệm được thực hiện ở White Sands, cách El Paso 120 cây số. Đây là một sa mạc toàn bằng thạch cao, dài 190 cây số rộng 60 cây số, là giang san của loài rắn mối, của loại chuột bạch và nhất là của loại rắn mái gầm. Phía đông của nó có khối núi Organ nằm chắn ngang và cao sừng sững đến hơn 1.500 thước.Nhờ sự cố gắng không ngừng của Đại tá Toftoy và của vị giám đốc căn cứ là Đại tá Turner nên ở nơi hiu quạnh này mới bắt đầu mọc lên một vài cơ sở. Đó là những căn nhà bằng cây, một cái hố để khai hỏa sâu một thước hai mươi phân, một cái pháo đài bằng bê tông và một cái kho bằng thép dùng làm phòng ráp máy.Ngay mỗi một việc ráp hỏa tiễn lại cũng cần phải đòi hỏi nhiều nhân lực. Các bộ phận của chúng đều bị gỉ sét và hư hại nặng vì khi di chuyển phải ngụy trang đủ cách. Trong toán lái không có một tay thợ hay một kỹ thuật gia tầm thường nào. Dr. Porter nhớ lại: “Công ty General Electric của tôi phải cung cấp những họa công, một quản đốc và nhiều kỹ thuật gia cho nhóm Von Braun để giúp vượt qua khỏi những nỗi khó khăn ban đầu...Sau cùng, họ cũng thành công trong việc tái tạo lại những quả V2. Ngày 14 tháng 3 năm 1946, quả V2 đầu tiên được phóng lên. Rồi ngày 28 tháng 6 một quả V2 khác lại được phóng lên đến cao độ 107 cây số, vượt lên trên sa mạc cát trắng lóng lánh và những đỉnh núi răng cưa rời rạc. Chiếc hỏa tiễn này lại được trang bị để nhận những tin tức trên thượng tầng không khí. Họ thí nghiệm liên miên, phần lớn đều thành công và thu hoạch được nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng có một lần, việc phóng V2 suýt gây nên đại họa, liên lụy đến cả nước ngoài và có thể làm phát lộ những hoạt động của quân lực Mỹ ở White Sands.Lúc 19 giờ ngày 29 tháng 5 năm 1947, một quả V2 được phóng lên phía trên núi Organ. Đáng lẽ nó phải rơi xuống sa mạc, cách xa nơi có người ở. Không ngờ đạn đạo lại đi lệch về hướng Nam và lao về phía thành phố Juarez của Mễ Tây Cơ. Cũng may, thay vì rơi ngay vào đám đông, nó lại rơi vô một nghĩa địa. Không ai chết hay bị thương gì cả, nên chính quyền Mễ Tây Cơ cũng không làm ầm lên. Theo Hamill: “Có thể kết luận bằng lời nói của một sĩ quan trẻ đầy hào hứng, anh ta tuyên bố một cách kiêu hãnh: chúng ta là nhóm người Mỹ đầu tiên đã phóng hỏa tiễn ra nước ngoài. Sở dĩ chúng ta không bị khiển trách là nhơ tài ngoại giao của Đại tá Toftoy, ông đã hết lòng bênh vực cho chúng ta ở Hoa Thịnh Đốn. Và cũng nhờ tướng Homer, giám đốc ở Fort Bliss, đã nhân danh chính quyền Mỹ ngỏ lời tạ lỗi với chính quyền Mễ Tây Cơ”.Sau đó, nhiều biện pháp an ninh nghiêm nhặt đã được áp dụng. Ở White Sands, các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm vẫn được tiếp tục trong vòng bí mật. Dĩ nhiên là không có gì bí mật đối với một số ít người. Họ biết rất rõ về sự hiện diện của nhóm Von Braun ở Texas và về những gì mà nhóm chuyên viên hỏa tiễn giỏi nhất thế giới này có thể đem tới cho quê hương họ. Trước khi giải ngũ, Thiếu tá Staver đã đi một vòng thanh tra ở Fort Bliss. Trong bản báo cáo gởi về Ngũ Giác Đài, ông nhấn mạnh tới việc sử dụng năng lực của các chuyên viên ở Peenemunde. Theo ông, phải giao cho họ những công tác gì trọng đại hơn, tích cực hơn là việc “tham dự vào vài cuộc phóng V2 trong sa mạc ở Tân Mễ Tây Cơ”.Chính Von Braun sau này cũng có ghi: “Thành thật mà nói, những năm đầu ở đây chúng tôi cảm thấy nản chí hết sức. Khi còn ở Peenemunde, chúng tôi được chiều đãi vô cùng. Vậy mà ở đây, họ tính từng xu, từng cắc. Chính quyền đang xúc tiến việc giải ngũ và mọi người đều mong rằng ngân sách quốc phòng được giảm xuống...”Điều mà Von Braun luôn luôn canh cánh bên lòng là không biết số phận của đồng nghiệp cũ của ông ở Peenemunde ra sao khi họ không được đưa sang Mỹ quốc. Ông vui mừng vô cùng khi hay tin tướng Dornberger không bị kết án như là một tội phạm chiến tranh. Người ta đã xử chìm xuồng vụ này. Tại sao? Theo đương sự, người ta không thể buộc tội ông đã dùng V2 để giết hại thường dân sau khi Đồng Minh, họ đã dùng hai hai quả bom nguyên tử tàn sát dân chúng ở Hiroshima và Nagasaki. Tuy không bị đem ra xử ở tòa án Nuremberg, nhưng ông cũng không được trả tự do ngay. Mãi đến tháng bảy, năm 1947, ông mới được phóng thích. Ông rời Anh quốc để trở về Đức, sống dưới sự kiểm soát của người Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ không hề yêu cầu ông trở lại hoạt động cùng với nhóm chuyên viên Peenemunde đang ở Texas. Đó là một vấn đề khá tế nhị. Họ không thể yên lòng khi để một cựu tướng lãnh Đức cầm đầu một toán kỹ sư dân chính đồng hương. Không được hợp tác cùng các bạn cũ, nhưng Dornberger được không lực Mỹ thu dụng với chức vụ cố vấn kỹ thuật. Ở căn cứ Wright thuộc tiểu bang Ohio về ngành hỏa tiễn vô tuyến điều khiển.Còn hàng ngàn kỹ thuật gia khác ở lại nước Đức trong vùng chiếm đóng của Sô viết, không biết phần lớn số phận ra sao?Vào khoảng thời gian mùa hè năm 1946, Tình báo Mỹ đúc kết được một vài tin tức. Những chuyên viên ở lại Đông Đức cũng không bị bắt sang Nga. Họ cũng vẫn phục vụ trong ngành cũ của họ ở Nordhausen và Bleicherode. Mặc dù người Nga dùng đủ mọi cách để che giấu, nhưng ai ai cũng biết họ đang xúc tiến một chương trình hỏa tiễn quan trọng.Ngày 24 tháng 6 năm 1946, Ngũ Giác Đài yêu cầu Thiếu tá Hamill hỏi Von Braun một vài điều liên quan đến những người ở lại: Theo Von Braun, thì khả năng của các chuyên viên hỏa tiễn đang ở vùng Sô Viết ra sao? Trong bao lâu họ có thể thực biện được chương trình dài hạn về các hỏa tiễn liên lục địa A9, 10 và A11?Trong bản báo cáo dài mười một trang, Hamill đã gởi về Bộ Chiến tranh những câu trả lời về các vấn đề đã làm G-2 lo lắng nhất:Những người có khả năng nhất của toán Peenemunde hiện đều ở nước Mỹ. Điều đó không thể nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, cũng còn có một số chuyên viên tài ba hiện đang phục vụ cho người Nga. Theo giáo sư Von Braun, hai người giỏi nhất là kỹ sư Helmut Grottrup và kỹ sư Martin. Theo những nguồn tin đáng tin cậy thì Grottrup đang cầm đầu chương trình phát triển vũ khí mới, còn Martin thì điều khiển chương trình chế tạo A4 ở Nordhausen.Trong việc phát triển các hỏa tiễn A9, A10 và A11, Grottrup được coi là một vị chỉ huy có tài và rất thông thạo. Nếu so với hoàn cảnh làm việc của nhóm chuyên viên đang ở Mỹ, thì hoàn cảnh của Grottrup thuận lợi hơn nhiều. Ở đây có sẵn bàn thử còn nguyên vẹn, có sẵn nhà máy sản xuất có thể hoạt động điều hòa do người điều khiển nhiều kinh nghiệm... Nhiều chuyên viên ở đây rất quen thuộc với những phần đại cương của các hỏa tiễn mới A9, A10 và A11. Giáo sư Von Braun đã tuyên bố với tôi: “Tôi không muốn giấu giếm những người đang ở Fort Bliss đây, tôi tin rằng với những nhân viên cũ ở Peenemunde, Grottrup sẽ dần dần thành lập được một toán chuyên viên có khả năng. Họ sẽ tiến hành và thành công trong những công trình nghiên cứu hỏa tiễn cho người Nga”.Ý tưởng của Von Braun có giá trị như một lời cảnh cáo nghiêm trọng, nhưng chính quyền Mỹ lại không hành động thích hợp. Trước hết, họ không thể ngăn cản người Đức tiến hành việc nghiên cứu hỏa tiễn ở Đông Đức, mặc dù trong hiệp ước ký kết giữa bốn cường quốc đã cấm chỉ việc nghiên cứu cho những mục tiêu quân sự, nhất là trên lãnh thổ Đức. Hơn nữa, vào năm 1946, họ lại có khuynh hướng coi thường khả năng kỹ thuật của người Nga. Sau rốt, vì thấy người Nga không hề tìm cách đem chuyên viên Đức về nước họ, nên người Mỹ càng tin rằng những hoạt động của Nga ở Nordhausen và ở Bleicherode chỉ có tính cách ngắn hạn mà thôi.Cho đến tháng mười năm 1946, nhóm Von Braun không làm được việc gì khác hơn là thí nghiệm V2 ở White Sands. Trong khi đó, Helmut Grottrup và các cộng sự viên lại sinh hoạt trong một khung cảnh thật là quen thuộc. Người Nga không có kế hoạch Overcast. Đình chiến đã được mười sáu tháng rồi, không có một người nào, kể cả Grottrup và Tình báo Mỹ, có lý do để nghĩ rằng người Nga đang quyết định thực hiện kế hoạch Overcast của chính họ.