Bấy giờ là gần giờ Ngọ, tướng quân Tiết Dung kéo rốc xe về, báo cáo đã dẹp xong các ổ kháng cự mặt đông thành. Nhạc lại trỗi lên hòa theo các lời ca chúc tụng để Câu Tiễn cùng Tiết Dung đối ẩm. Phùng Đồng lại tới, sau khi hành lễ với nhà vua liền hướng dẫn Thái tể Bá Hi của nước Ngô vào yết kiến. Câu Tiễn bỏ mặc cho Bá Hi quỳ đó, sau khi nâng ly đối ẩm với Phùng Đồng mới quay sang Văn Chủng nói cách lạnh nhạt: - Văn đại phu, Thái tể của nhà Ngô thì phải đi yết kiến Ngô vương mới đúng. Khanh truyền lệnh cho đem Thái tể đến gặp Ngô vương! Bá Hi ngạc nhiên ấp úng: - Đại vương! Thần đã quy thuận trước rồi. Thần mong Đại vương... Không đợi nghe nói hết, Câu Tiễn vẫy tay cho võ sĩ lôi Bá Hi ra xử tử. Đoạn nói: - Một người không trung thành với quân vương thì không thể cho sống được. Cùng lúc ấy, đại tướng Gia Kê Dĩnh bước vào, không uống rượu mừng liền mà đi thẳng đến bên Việt vương tâu: - Đại vương! Đại phu nước Ngô là vương tử Cô Tào chỉ huy quân đồn trú từ Tích Sơn kéo đến. Người có ba trăm chiến xa, hiện đang tấn công Tề nữ môn. Việt vương ờ một tiếng, chưa kịp nói gì thêm, Phạm Lãi đã đứng lên với thần sắc trịnh trọng thưa: - Tâu đại vương, quân của vương tử Cô Tào là quân tinh nhuệ của nước Ngô. Xin cho thần cùng tướng quân Gia Kê Dĩnh cùng đi thanh toán. Việt vương tỏ vẻ khinh thường: - Vua của họ chết rồi, ba trăm xe làm được chuyện gì? Họ có thể phản công lấy lại Cô Tô sao? - Đại vương! ở Cô Tô, chúng ta chưa đứng vững đâu! Hơn nữa, thần mong sẽ giải quyết xong cánh quân ấy trước khi trời sáng. Mong lúc giờ lành đến, toàn diện cuộc chiến tranh này phải kết thúc. Phạm Lãi nói rất lọt tai, Việt vương mỉm cười, gật đầu và căn dặn Phạm Lãi, khi xong việc phải lập tức trở về. Phạm Lãi đội mũ trận, cùng Gia Kê Dĩnh song song bước ra khỏi đại điện, Gia Kê Dĩnh cảm thấy lạ về hành động của Phạm Lãi nên vừa ra đến bên ngoài thì hỏi ngay: - Phạm đại phu, tôi chưa báo cáo hết với đại vương. - Tôi biết Cô Tào không đánh chác gì được đâu. Nhưng tôi khuyếch đại chuyện để cho tướng công lập thêm một công nữa đó! (Phạm Lãi vỗ vai Gia Kê Dĩnh) Tướng quân đi trước, tôi sẽ theo sau. Tướng quân gắng đánh đuổi Cô Tào cho thật nhanh. - Tôi muốn hỏi ý đại phu cách làm cho Cô Tào đầu hàng. - Không cần cứ tiêu diệt bọn họ. Chỉ cần tướng quân đứng trên xe nói lớn tin Ngô vương đã chết, bọn họ khỏi đánh cũng loạn. Thôi tướng quân đi đi! Gia Kê Dĩnh đi rồi, Phạm Lãi mới thở phào nhẹ nhõm. Gia thần Tử Thường đã đứng chờ sẵn bên cạnh. Phạm Lãi nói: - Cơ hồ ta không thể thoát thân được. Mà này, Tử Thường, tình hình ra sao? - Bẩm tất cả đều đúng như lời đại nhân dặn dò, gia thần đã đem tin Ngô vưng chết nói cho đại cô biết. - Được rồi... Người mau chuẩn bị một xe và thông tri cho đng thuyền biết, sẵn sàng chờ ta sử dụng. Dặn xong, Phạm Lãi hối hả chạy lên Cô Tô đài. Trên thềm đá Cô Tô, vẫn do cánh quân trực thuộc của Phạm Lãi canh giữ. Thủ hạ nhìn thấy chủ tướng liền nâng mâu chào. Phạm Lãi vẫy tay chào lại: - Các anh em chúng ta thành công rồi! Chúng ta mười năm tan hợp, mười năm dạy dỗ lẫn nhau, đã rửa xong thù! Hai võ sĩ đứng ở bình đài cũng khom mình chào chủ tướng, bẩm: - Các cô gái Việt đều an toàn chờ đại phu đến. - ờ... (Ngừng lại một lúc, Phạm Lãi rút ở lưng ra một thẻ bài bằng đồng vuông vức trao cho võ sĩ đứng bên trái, dặn) Ngươi thay ta truyền lệnh cấm tất cả binh sĩ dâm ngược với dân chúng nước Ngô. Phạm Lãi tiếp tục đi tới, đến tầng chót của Cô Tô đài. Lại có một võ sĩ trưởng bước ra nghênh đón, báo cáo: - Tây Thi bình an! - Tây Thi! - Phạm Lãi cất tiếng gọi to, tiếng gọi oang oang lớn nhất sau mười bảy năm xa cách. - Tây Thi! - Phạm Lãi lại gọi. Mười bảy năm xa cách để chớp mắt đây sẽ gặp lại làm cho Phạm Lãi mừng quá, nôn nóng quá, cảm khái khôn cùng. Phạm Lãi cứ vừa chạy vừa gọi: “Tây Thi! Tây Thi!”. Tây Thi nằm nghiêng trên giường, ôm chặt Thuộc Lâu bửu kiếm. Sau khi được tin Ngô vương chết, nàng cứ nằm như thế, hai tay ôm kiếm, mặt úp vào mền, không kêu gào, cũng không khóc. Cái chết của Ngô vương làm cho thần trí nàng phiêu diêu, cơ hồ nàng thoát khỏi thế gian này. Gần như mọi việc ở thế gian này không còn liên quan tới nàng nữa. Tiếng gọi thứ nhất của Phạm Lãi làm cho toàn thể các cô gái Việt trong phòng kinh động. Tiếng gọi thứ hai của Phạm Lãi làm cho các cô nàng reo mừng: - Phạm đại phu! Phạm đại phu! Riêng Tây Thi thì toàn thân run lên đáng sợ. Nàng cố dùng hết ý chí để tự trấn tĩnh, ngón tay bấu chặt thân kiếm, dường như sức mạnh toàn thân tập trung ra đầu ngón tay. - Tây Thi! Có tiếng một nam nhân phấn khởi gọi tên nàng, tiếng bước chân đến gần, tiếng hia da rồi có tiếng vén màn. - Tây Thi (Di Quang lắc lắc bạn, nói thêm) Phạm đại phu đến kìa! Di Quang dùng sức trở nghiêng mình Tây Thi cho xây mặt ra ngoài. Đúng lúc ấy Phạm Lãi bước vào phòng. Đôi mắt của đôi tình nhân mười bảy năm ly biệt giờ nhìn nhau trân trối. Một cảm giác chạy luồn nhanh như điện, Phạm Lãi giang tay, bước tới vừa lúc ở Tây Thi cũng có thứ cảm giác đó làm cho nàng ngất đi. - Tây Thi! Tây Thi!... - Phạm Lãi xốc tới, ôm chầm nàng, lay nàng, gọi ầm lên bảo đem nước đem rượu. Cơn xúc động mạnh bất ngờ làm cho Tây Thi ngất xỉu song chẳng bao lâu sau thì nàng mở mắt. Như ảo như mộng, như thật như giả, Tây Thi có cảm giác như nàng từ cõi chết trở về. Nàng đưa mắt lướt qua một số vật trước mắt, lướt qua gưng mặt người tình xưa... Rồi tránh đi... Nàng chợt thấy thẹn, xong rồi xoay mắt lại... nhìn dán vào Phạm Lãi. Cuộc hội ngộ sau mười bảy năm là đây! Bao nhiêu chuyện ngày xưa đã chôn vùi, ký ức cũng nhạt nhòa, giờ trỗi dậy. Đắm chìm vào đâu đâu, Tây Thi lại nhắm mắt. Mắt nàng nhắm nhưng nước mắt chua cay cứ từng giọt từng giọt chảy trào ra khóe mắt. - Tây Thi!... Gần như không nghe được tiếng gọi, Tây Thi đắm chìm trong dòng tư lương của nàng. Nàng đã nhìn thấy Phạm Lãi rồi, biết Ngô vương bại trận chết rồi, biết nước Việt đã phục hưng và Việt vương sẽ thống trị nước Ngô. Người Việt đã trả xong mối hờn bị bắt làm nô lệ. Người Việt đã rửa xong mối đại sỉ đại nhục là một sự nghiệp vĩ đại chấn động cổ kim. Nàng, người nhận lãnh trách nhiệm lớn lao và gian khổ vô tiền khoáng hậu đứng về phương diện lý luận lẽ phải dính dáng thật nhiều với thắng lợi của quốc gia. Nhưng tự đáy lòng nàng, nàng không thấy được chia xẻ quang vinh mà chỉ thấy riêng mang tủi nhục. Nước Việt phục hưng, có khía cạnh lỗi lạc đặc biệt, nhưng điều ấy không một chút liên hệ với nàng. Vinh quang ấy không thuộc về nàng trong khi nước Ngô bị diệt thì tội tình nàng quá lớn! Tây Thi tự hỏi: Ta chỉ là người có tội không chăng? Phạm Lãi rót nước đem lại, trầm ấm nói: - Tây Thi! Nàng không nên xúc động nhiều. Hạn kỳ chờ gặp bao năm của chúng ta đã đến rồi. Tây Thi không nói gì. Cổ nàng nghẹn cứng, chỉ phát được một tiếng thở dài não nuột, song cách phản ứng đó cũng khiến cho Phạm Lãi cảm thấy được an ủi nhiều lắm. Chàng lột mũ trận, kéo mí màn lau khô mồ hôi trán, đoạn vỗ nhẹ vai Tây Thi: - Tây Thi, trận chiến không làm nàng sợ chứ? Di Quang đưa ra dấu, ý bảo đừng nói đến chiến trận nhưng Phạm Lãi không thấy. Riêng Tây Thi vẫn nhắm mắt. - Tây Thi! Nàng nhìn ta đi, mười bảy năm rồi chúng ta chưa gặp. Vừa nói, Phạm Lãi vừa kéo tay người yêu, hôn ở mu bàn tay. Tây Thi nhận thấy, cái hôn ấy hoàn toàn khác hẳn bao nhiêu nụ hôn của Ngô vương suốt mười bảy năm. Nụ hôn này đã làm rung động tận đáy lòng nàng, bắt nàng mở mắt nhìn đăm đăm người yêu năm cũ. Nhưng rồi, nàng lách mắt tránh, nhận thấy nàng nhìn Phạm Lãi bao nhiêu là bất trung bấy nhiêu đối với cái chết của Ngô vương. Nàng thở dài: - Thiếu Bá! Bằng vào cơ sở tình cảm cũ, thiếp yêu cầu chàng... để cho thiếp chết! - Kìa (Phạm Lãi giật nẩy, choàng cả hai tay ôm bả vai nàng) Tây Thi! Mười bảy năm rồi chúng mình mới gặp lại, sao nàng nói thế? Tây Thi nhắm mắt, không nhìn, cũng không trả lời. Phạm Lãi kéo lật thân nàng lại nhìn thẳng vào mặt nàng. Mười bảy năm xa cách, Tây Thi đã mất đi sự thơ ngây tươi mát của thời thiếu nữ lúc ở Hội Kê. Mười bảy năm trước nàng như một đóa hoa mới nở, ngậm sương sớm long lanh. Không như bây giờ, nàng như người ở giữa năm, mất rồi mùa xuân. Tuy nàng vẫn đẹp đó, song là nét đẹp trưởng thành, chín mùi, đang lúc nàng nức nở, đang lúc nàng cảm thấy thất bại và có tội, nàng vẫn biểu lộ nét đẹp chín chắn. Gương mặt Tây Thi vẫn không có gì thay đổi so với trước, đường nét rực rỡ. Da mặt nàng được giữ gìn hết sức cẩn thận, vẫn mơn mởn, mịn màng. Nhìn nàng bây giờ, Phạm Lãi nhớ lại Tây Thi ngày xưa: Tây Thi với đôi mắt long lanh, sáng rực, trong suốt... Chàng lại yêu cầu nàng mở mắt, lần này rồi lần khác. Tây Thi vẫn nhắm mắt, ứa nước mắt. Điều đó làm cho Phạm Lãi khổ sở quá, thuơng cảm quá! - Tây Thi! Mười bảy năm rồi không gặp, giờ gặp lại đây mà một ánh mắt nàng cũng không muốn nhìn ta sao? Lẽ tự nhiên Tây Thi thấy nàng không nên làm thế. Mười bảy năm trước, cả hai là đôi nhân tình chí thành chí ái. Trải bao biến thiên, bằng vào tình cảm cũ mà mãi đến giờ nàng vẫn chí thành nên Tây Thi mở mắt, vì ngày xưa ấy mà mở mắt. Nàng nhìn thấy rõ chàng rồi: Tóc người năm cũ bây giờ đã bạc hoa râm. Trên trán chàng, trên má chàng đâu đâu cũng có in vết hằn bụi bám nắng chang. Điều đó chứng tỏ chàng đã miệt mài lao khổ suốt mười bảy năm. Tây Thi u buồn gọi nhỏ: - Thiếu Bá! - Tây Thi! Phạm Lãi sung sướng kêu lên, có thể vì cuộc trùng phùng, cũng có thể vì chàng đã nhìn rõ mắt nàng rồi. Trong giây phút ấy, lòng như tấu nhạc tưng bừng, Phạm Lãi nói như reo: - Tây Thi! Ta không đến nỗi uổng công, rốt cuộc rồi chúng ta vẫn trùng phùng... Bé con của ta..., mà không, ngày xưa nàng cũng không đồng ý cho ta gọi bé con... Phạm Lãi bỏ lửng, ôm chầm người yêu cũ. Về phần Tây Thi, nàng không nhận thấy có cảm giác gì đặc biệt nên tự cho rằng tình yêu của nàng đã chết theo Ngô vương. Phạm Lãi vẫn phát ngôn với tư cách người yêu: - Tây Thi! Nàng không nói gì với ta sao? - Thiếu Bá! (Nàng nhìn mái tóc hoa râm của người yêu cũ) Thiếp muốn được chết. - Kìa, đừng nói đến tiếng ấy. Một cô gái Việt lại muốn tuẫn tiết theo Ngô vương là một chuyện không thông đâu! - Sống và chết không cần có lý do giải thích thông hay chẳng thông. Thiếu Bá! Thiếp từng trải quá nhiều, thiếp... già rồi, nên muốn chết! Dưới mắt Phạm Lãi. Tây Thi vẫn rực rỡ, vẫn mỹ lệ nên tiếng “già rồi” của nàng khiến chàng bắt buồn cười, cười thành tiếng. Ngược lại, Tây Thi thấy giờ phút này nghiêm trọng mà Phạm Lãi cười được tức là xem thường nàng. Nàng bất mãn, liếc xéo. Dưới mắt Phạm Lãi, cách liếc xéo kia đầy dẫy những phong tình ngày xưa. Từ đó, chàng nhận thấy quá khứ hãy còn, quá khứ bất biến... Trong quá khứ, c hai đã thề non hẹn biển và cuộc hẹn thề tự nhiên cũng bất biến. Thế nên, Phạm Lãi rùn vai. Và nhân lúc chuyển mình, chàng nhận ra giáp đeo ngực có phần gây khó chịu nên đặt Tây Thi xuống, cởi áo giáp ngực, chân và bả vai, cởi luôn cả chiến bào. Nhận thấy chiến bào có dính máu dơ, Phạm Lãi nhìn sững lại mình, nói với nhóm Di Quang: - Ta muốn thay đồ, ở đây có không? áo của Ngô vương... Tây Thi phản ứng liền: - Hôm nay, Thiếu Bá là người chiến thắng, còn những gì của Phù Sai có đều... - Tây Thi! Nàng làm sao thế? - Thiếp không làm sao cả, sinh mạng của thiếp đã cùng rồi. Thiếp đã sống trên Cô Tô đài mười bảy năm, giờ muốn được chết trên Cô Tô đài. Bấy giờ Di Quang đem đến bộ trường bào bằng tơ bông. Nhìn thần sắc Tây Thi hết sức nghiêm trọng, Phạm Lãi khoát tay từ chối, đoạn nắm chặt tay Tây Thi, kể lể: - Tây Thi, mười bảy năm rồi, ta luôn tưởng nhớ nàng. Ngày đêm làm việc, lúc mệt mỏi không chịu được, cứ nghĩ đến nàng thì ta lại phấn chấn tinh thần. Ta nhớ lời hẹn thề trước lúc phân ly, nhớ lắm từng lời từng chữ lúc ở Hội Kê, lúc ven sông Tiền Đường... Tây Thi rùng mình nhớ lại. - Tây Thi! Tất cả những hình ảnh đó ghi khắc trong đầu óc ta, trong trái tim ta như chỉ là chuyện hôm qua. Nàng còn nhớ không, lúc trong phòng làm việc của quân phu nhân, nàng có hỏi: “Đại ca! Từ rày về sau, chúng ta có còn gặp lại nhau không?”. Ta trả lời: “Lúc nước Ngô bị tiêu diệt, chúng ta sẽ gặp lại. Bấy giờ, chúng ta sẽ chung đôi!” Ta còn nhấn mạnh: “Nước Ngô sẽ có ngày bị diệt, bị diệt trong tay chúng ta!” Tây Thi, ngày đó là của chúng ta, ngày đó là đây. Phạm Lãi nói miên man: - Tây Thi, lúc đưa nàng lên thuyền, ta có bảo: “Lúc thành Cô Tô bị phá là lúc chúng ta gặp lại!”. Nàng còn nhớ không, lúc ấy, ta gọi nàng liên tiếp bằng mấy tiếng “bé con”. Nhưng nàng không đồng ý bị xem là bé bỏng. Tây Thi, việc ngày hôm nay đã được chúng ta dự đoán vào mười bảy năm trước. Và nàng đã trả lời khẳng định: “Thiếu Bá, thiếp chờ chàng!”. Tây Thi, nàng còn nhớ không?... Nàng còn nhớ không? Sự thật là thế, Tây Thi có nhớ. Và khi mới đến cung Ngô, Tây Thi quả có lòng chờ đợi Phạm Lãi. Nhưng bây giờ là mười bảy năm sau với biết bao cuộc biến thiên. Hơn nữa, Phạm Lãi càng nhắc chuyện ngày xưa càng làm cho Tây Thi thuơng cảm. Ôi, thời gian đã làm thay đổi con người, sự đời, cả tình yêu. Đáng sợ quá thời gian! Thời gian đẩy trôi tất cả, đẩy đi quyến luyến năm nào. Tây Thi thở dài: - Thiếu Bá, đừng nhắc chuyện ngày xưa. Đối với thiếp, nó không có ý nghĩa gì. Một người có tương lai mới có quá khứ, chứ với thiếp thì không còn có tương lai. - Tây Thi! Tương lai là chúng ta chung sống bên nhau, ta đã vì nàng an bài xong tất cả. (Phạm Lãi rất mực chí thành) Mười bảy năm rồi, ta vừa làm việc vừa lo sắp đặt. Tây Thi, tương lai của chúng ta sẽ hết sức bình yên, tuyệt đối không có sóng gió ba đào. Tây Thi nhìn người yêu cũ đăm đăm, không có cách nào hiểu được niềm tin của chàng. An bài cho tương lai của hai người không biết sẽ đi về đâu trong suốt mười bảy năm thì quả là chuyện lạ lùng đến hoang đường! - Tây Thi, hãy nhận lời ta, cười với ta! Đừng vì kết cuộc bi thảm của nước Ngô mà sầu khổ. Mọi chuyện xảy ra đều được chúng ta dự liệu, mười bảy năm trước chúng ta đã đoán biết ngày này. (Phạm Lãi ôm choàng nàng) Tây Thi, chúng ta đã hẹn nhau ngày này. Tây Thi không cự tuyệt, song cũng không phản ứng. Nàng nhận ra nỗi đau khổ vì yêu của Phạm Lãi đã để lộ trong vòng tay ôm siết run run. Tình cũ, chuyện xưa tuy đã phôi phai song có bôi xóa được hết đâu! Tây Thi gượng ngồi dậy: - Thiếu Bá! Người ta đối với thiếp quá tốt, quá tốt đối với một nữ gián điệp... Ôi, Thiếu Bá, trong mấy năm đầu, thiếp ngày ngày chờ đợi đoàn quân Việt tới. Chờ đến mỏi mòn theo hi vọng mỏi mòn... Thiếu Bá, ngay lúc ấy thiếp muốn chết quá! Nghĩ đến việc không thể chung sống với chàng, thiếp không chịu nổi, nên phó mặc, buông lung đối với Phù Sai. Thiếp cho rằng không có người thứ hai nào có thể chịu đựng nổi sự thay đổi tính tình kỳ quặc của thiếp. Nhưng rồi, sự chịu đựng của nhà vua lần hồi làm cho thiếp thấy mình mang tội nghiệt. Thiếp ăn năn... Thiếu Bá, người ta tốt với thiếp! Tây Thi ứa nước mắt, dùng hai tiếng “người ta” để tránh nói đến hai tiếng “Ngô vương”. Nhận ly rượu Phạm Lãi đưa cho, Tây Thi nốc cạn, đoạn tiếp: - Rồi sau đó, thiếp yêu người ta với mâu thuẫn nặng nề. Trách nhiệm đối với quốc gia và tình cảm của một con người xung đột nhau trong thiếp. Thiếu Bá, thiếp thấy ái ngại về nhiệm vụ mình mang chẳng vinh quang. - Chỉ cần có lợi cho quốc gia thì hành động nào cũng vinh quang cả. - Không, đó là lý... (Tây Thi ngừng lại một thoáng mới trầm giọng nói) Thiếu Bá! Thiếp cám ơn chàng, nhưng mọi việc giữa chúng ta đã qua rồi. Thiếp nghĩ rằng chàng không nên moi tìm dĩ vãng. - Qua rồi à? Không đâu, cuộc sống của chúng ta chưa bắt đầu đó! Tây Thi, ta muốn cùng nàng sống chung trong cuộc sống mới. - Chàng đừng nghĩ thế, thiếp sẽ làm tổn hại chàng. Thiếp không còn là Tây Thi của ngày xưa... Thiếp đã là một người đàn bà dày dạn... Phạm Lãi cả quyết: - Bất luận thế nào, kể từ bây giờ chúng ta cũng sẽ chung sống. Tây Thi, ta đã an bài tất cả rồi. Tây Thi lắc đầu. Nàng chấp nhận kể lể nỗi niềm với người yêu cũ song không muốn kéo lại tình xưa. Thế nên nàng nghiêm trang nói: - Thiếu Bá! Về mặt tình cảm, thiếp đã dày dạn quá mà về mặt thực tế thì thiếp có thể làm thiệt hại cho chàng. Thiếu Bá, chàng đã làm cho Việt diệt Ngô, lập được kỳ công. Nếu thiếp sống chung với chàng, đối với chàng là một bất lợi. Bất lợi? (Phạm Lãi bỗng cười) Nàng cho rằng ta còn có thể bị bất lợi sao? Không đâu, vĩnh viễn không đâu. Một ngày trước đây, ta vì nước Việt nhưng kể từ giờ này, ta vứt tất cả. Tây Thi! Việt vương muốn giao nước Ngô cho ta trị vì, song ta từ chối. Ta không màng gì cả ngoài việc sắp đặt cho ta và nàng một con đường... Chúng ta sẽ rời xa mọi người, đến một nơi không ai biết để sống bình yên trong những ngày còn lại. Tây Thi gần như không tin là thật. Phạm Lãi dám vứt đi tất cả để cùng nàng đi ẩn cư sao? Nàng ngạc nhiên, há hốc. - Tây Thi! Chúng ta đến một nơi xa sống đến bạc đầu. Tây Thi, ta đã sắp đặt sẵn sàng, chỉ cần rời khỏi Cô Tô đài thì chúng ta như cá trong nước, như chim trên trời, tự do vẫy vùng không một ai làm phiền chúng ta được. Chúng ta cũng không có trách nhiệm gì đối với ai cả. - Thiếu Bá!... Đúng lúc ấy Tử Thường đứng ngoài màn bẩm vọng vào: - Bẩm đại phu, tất cả đã chuẩn bị xong... Quân vương và quân phu nhân đã đến đại điện. Cuộc chiến ngoài Tề nữ môn chúng ta đã chiếm thượng phong, quân của vương tử Cô Tào bị phá vỡ, thoái lui rồi. Phạm Lãi bình tĩnh cho Tử Thường bước vào ra mắt Tây Thi, đoạn nói: - Ngươi trở lại đại điện dò la tin tức. Ơ, mà thôi, không cần nhà ngươi phải đi, ngươi phái vài tên tin cậy cũng được. Riêng ngưi ở lại đây chờ lệnh. Tử Thường khom mình chào, lui ra. Tây Thi hoang mang nhìn người yêu cũ. Hiện cảnh bắt nàng đâm nghi ngờ. Phạm Lãi êm nắm tay nàng: - Tây Thi, nên nghe theo sự áp đặt của ta. Thời gian của chúng mình không nhiều đâu! Tây Thi toan mở miệng nhưng Phạm Lãi khoát tay ngăn lại. Phạm Lãi vẫy tay gọi mấy cô gái Việt, nghiêm trang nói với họ: - Hôm nay, quốc gia chúng ta đã tẩy xong thù rửa xong hận, đó là công lao của mọi người mà đóng góp của các nàng lại lớn hơn tất. Quân vương lúc nào cũng nhớ đến các nàng. Sau này trở lại Hội Kê, các nàng sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Bây giờ ta muốn nhờ các nàng vì ta và Tây Thi mà làm một việc, có được chăng? Di Quang thay mặt các chị em rước đáp: - Đại phu cứ dạy, lẽ tự nhiên chị em tôi tình nguyện. - Nhờ các nàng dọn hết đồ đạc của Tây Thi cho vào bao lớn, rương lớn, càng nhanh càng tốt... Ta muốn cùng Tây Thi đi trước. Sau đó, các nàng cùng gom góp đồ đạc của mình, Tử Thường sẽ đến đưa các nàng rời khỏi Cô Tô đài. - Thiếu Bá! (Tây Thi sốt ruột nói) Đừng kể có thiếp, thiếp không thể rời Cô Tô đài. - Bé con, ta với nàng sẽ đi chung rời Cô Tô đài, rời nước Ngô, rời nước Việt, đến một nơi hoàn toàn xa lạ để xây dựng một đời mới. Chúng ta sẽ không bị một quấy nhiễu nào, chúng ta sẽ bình yên vui sống bù lại những ngày đã mất... Ta đã nói rồi! Tây Thi cắn môi, nghe toàn thân rợn lạnh. Tình xưa nghĩa cũ đồng thời tràn ngập tâm linh nàng, xung đột mãnh liệt. Một mặt, nàng nhớ đến Ngô vương đã xử đẹp với nàng mười bảy năm. Mặt khác nàng nhớ rõ mồn một tình cảnh lúc ở Hội Kê hẹn biển thề non cùng Phạm Lãi. Nàng nghĩ: - Ta phải làm sao đây? Theo Ngô vương xuống suối vàng hay cùng Phạm Lãi bỏ đi xa? Nếu chết, ta trả được ơn mưa móc của Ngô vương thì lại trở thành người phụ rẫy tình yêu cũ. Bằng theo Phạm Thiếu Bá thì kể như vĩnh viễn mang tội nghiệt đối với Ngô ân sủng. Tây Thi nghĩ ngợi, hỏi thầm, sau cùng nhìn rót vào Thuộc Lâu bửu kiếm bên gối. Không biết đã bao lần nàng định dùng bửu kiếm giải quyết đời nàng nhưng nàng chưa thực hiện được. Bây giờ, nàng lại nghĩ... Rồi với thái độ thản nhiên như không việc gì xảy ra, nàng nhích mình về phía bửu kiếm hy vọng Phạm Lãi không chú ý đến nàng. Không ngờ lúc tay nàng vừa chạm vào thân kiếm thì Phạm Lãi đưa tay đỡ kiếm trước, đồng thời nhanh nhẹn rút kiếm ra. Kiếm quang loang loáng, Phạm Lãi thản nhiên nói luôn: - Thuộc Lâu là danh kiếm trong thiên hạ, nên để lại cho Câu Tiễn về sau ắt có chỗ dùng. Thêm một lần thất bại, Tây Thi ảo não vô cùng. Bấy giờ, Di Quang cùng bốn cô gái Việt khiêng ra hai rương lớn. Bọn Triền Ba cũng vác để bên ngoài phòng mấy bao to, Phạm Lãi nghiêm giọng nói luôn: - Chỉ lấy đồ riêng của Tây Thi, chứ đừng động đến đồ đạc của Ngô vương. Tây Thi chấn động, bật khóc. Phạm Lãi hoang mang kêu lên: - Tây Thi, nàng thật yêu người sao? - Phải. (Tây Thi nói qua tiếng nấc). Thiếp yêu người ta, nhất là bây giờ người ta chết rồi. Người ta đối với thiếp quá tốt, nhưng thiếp lại làm cho người ta chết! - Tây Thi! Nếu Ngô vương còn sống, ta chẳng cưỡng ép nàng. Nhưng nay người đã chết rồi... Có tiếng chuông từ đại điện nhà Ngô vang lên. Kế thấy gia thần Tử Thường hối h bước vào nói: - Bẩm chủ nhân, đến giờ rồi! - Ta biết. Ngươi cho người dọn các đồ này đi trước, ta sẽ theo sau. Về tương lai của ngươi thì ta sẽ gửi gấm cho Văn đại phu. Các cô gái này cũng do ngươi đưa đến gặp Văn đại phu. Phạm Lãi vừa nói vừa khắc chữ trên thanh trúc: - Ngô vương nói: “Cắn chết thỏ, chó bị làm thịt, phá xong nước địch thì mưu thần chết...”. Con người Việt vương cổ dài như chim, chịu nhục, ganh công, có thể chung chia hoạn nạn nhưng không thể cộng hưởng giàu sang. Ngày nay Tử Hội không đi, ngày sau ắt khó tránh họa. Nhờ Tây Thi phụ đề thanh trúc cho mình khắc xong, Phạm Lãi dùng luôn khăn xanh của nàng bao thanh trúc lại trao cho Tử Thường nói: - Đợi khi ta rời khỏi Cô Tô đài khoảng nửa giờ, ngươi đem vật này trao cho Văn đại phu. (Phạm Lãi quay sang Tây Thi nói luôn). Chúng ta đi! - Thiếp không hiểu... Tây Thi chỉ tay vào thanh trúc, cau mày hỏi thêm: - Thiếu Bá cùng Văn đại phu đã dốc toàn lực làm khuynh đảo nước Ngô, giờ lập được đại công sao lại bỏ đi? - Nàng nhớ chuyện Ngũ Tử Tư không? Việc xong là phi đi, không đi thì sẽ như Ngũ Tử Tư vậy. Chúng ta phải hiểu rõ lẽ bảo mạng này: công thành thân thối. - Thế còn Văn đại phu? - Tây Thi, chúng ta không màng đến chuyện người khác. Bây giờ chúng ta lo chuyện của chúng ta, chúng ta đi! Không đợi Tây Thi hồi đáp, Phạm Lãi vụt bồng xốc nàng khiến nàng kêu lên: - Thiếu Bá, thiếp còn có điều muốn nói. - Không có ngày giờ đâu! Rời Cô Tô đài rồi hẵng hay. Bồng Tây Thi bước ra, Phạm Lãi còn quay nói với nhóm Di Quang lời từ giã. Di Quang bước theo gọi: - Tây Thi!... - Tây Thi!... - Triền Ba cũng bước theo gọi. Tây Thi vùng vẫy trong tay Phạm Lãi, nhưng chàng là một dũng sĩ, lẽ tự nhiên Tây Thi không vùng thoát được. Hơn nữa, đang lúc hoang mang tột độ, nàng không còn chút sức lực nào. Phạm Lãi nói lớn với các cô gái Việt: - Chúc các nàng may mắn! Tây Thi trách: - Thiếu Bá! Theo lẽ chàng không nên làm như vậy! - Ta chỉ làm một lần. Phạm Lãi bước vội xuống thềm đá Cô Tô đài. Bọn thị vệ đứng thành hai hàng dài rạp mình chào Phạm đại phu. Họ lạ sao Phạm đại phu của họ lại ôm trong tay một người con gái. Tiếng chuông từ đại điện nhà Ngô lại vang lên lần nữa. Dưới Cô Tô đài có mười mấy xe nằm giăng giăng. Phạm Lãi bước lên một chiến xa, đặt Tây Thi nằm xuống song vẫn để một tay giữ kềm nàng, tay phải giật giây cưng ngựa, tự mình đánh xe lướt tới. Tây Thi bối rối quá, không ngừng kêu thét: - Thiếu Bá! Thiếu Bá!... Nhưng Phạm Lãi liên tiếp phát tiếng hú dài, ngăn chận tiếng kêu của nàng vẳng ra. Chiến xa vùn vụt lao tới. Sương sớm trắng xóa dần dần bị bứt phá rời khỏi Cô Tô thành. Từ phương Đông, mặt trời ban sáng dần dần nhô lên thay chỗ sương sớm. Buổi sáng mùa xuân đã đến rồi, buổi sáng với ngàn vạn tia sáng túa ra, buổi sáng vĩ đại và âm thầm trùm phủ nhân gian. Một chiếc thuyền lớn ba buồm từ từ căng lên trong sưng sớm. Nước sông cuồn cuộn, gió bọc buồm no, thuyền lướt về phương Bắc. Phạm Lãi và Tây Thi đứng ở tầng nhì đại thuyền. Bây giờ, Tây Thi đã bình tĩnh lại, đứng tựa vào người yêu đã mười bảy năm xa cách biền biệt, hồi nhớ chuyện cũ, bắt mộng ngày xưa. Thành quách Cô Tô dần hiện rõ trong sưng sớm. Phạm Lãi chỉ tay vào khu trung tâm thành, nói: - Tây Thi! Nàng trông, cao chọc trời mây chỉ có Cô Tô đài. Tây Thi cảm thấy lạnh, nhảy mũi, tựa vào người yêu cũ sát hơn. Nàng nhớ lại lời nàng từng nói: “Cô Tô đài như Ngô vương...”. Thế mà nay vật đổi, người chết... Nàng lại thở dài. - Bé con! Từ sông nhìn lên, Cô Tô thành cũng đẹp đấy. Tây Thi không trả lời, thả dòng suy tư theo thành quách Cô Tô. Nàng đã ở trong thành này những mười bảy năm, nghĩa là đã tiêu pha trọn tuổi thanh xuân của nàng. Trong thành này, nàng đã nhìn thấy một sự nghiệp lẫy lừng, nhìn thấy vị chủ thành vang danh thiên hạ và cũng nhìn thấy vị chủ thành bị tiêu diệt. Quan trọng hơn cả là trong thành này nàng hưởng được tình yêu sâu xa, chân thành và trong trắng. Bây giờ mất hết, thành quách xa mờ... - Bé con, có lẽ giờ này Câu Tiễn đã biết chúng ta đi rồi. Tây Thi liếc nhìn Phạm Lãi, vẫn không trả lời. - Bé con, Câu Tiễn chắc thỏa mãn lắm... Duy có một điều không vui là ta mang nàng đi không lời từ biệt. (Phạm Lãi thúc thúc Tây Thi). Bé con, đáng tiếc là ta không kịp đưa nàng đến gặp Văn Chủng. Tây Thi như bừng tỉnh, chớp chớp mắt. - Chắc nàng không ngờ ta dụng cách này để bắt cóc nàng đi! - Bé con hoài! (Tây Thi trề môi bất mãn). Chàng gọi bé con bao nhiêu lần rồi? Bộ không biết là thiếp không thích nghe gọi thế sao? - Vậy chứ nàng cũng không biết ta không thích nàng ở bên ta mà đi nghĩ đến người khác sao? Tây Thi mỉm cười, nụ cười đầu tiên dành cho người yêu cũ. - Một người không thể ngăn một người đừng nghĩ tới một người. (Tây Thi thở dài). ở bên chàng, thiếp có thể không nghĩ đến “người ta” bao lâu nữa? Lúc không còn nhìn thấy thành quách Cô Tô, thiếp sẽ chôn vùi suy tư chăng? - Nói thế nghĩa là chẳng bao lâu nàng sẽ quên? - Không, thiếp không thể quên... (Giọng Tây Thi đang rất nặng nề bỗng trở nhẹ). Nhưng còn chàng, chàng mưu trí khôn lường, có thể làm cho thiếp thôi nhớ... Phạm Lãi cả cười, lắc mạnh người yêu vừa cởi mở: - Trên thế gian này chỉ có mình nàng hiểu được ta. Bé con... - Nữa! - Từ rày về sau, ta sẽ nhớ. Tây Thi, nửa giờ nữa, chúng ta sẽ đến cửa vào Thái Hồ. Tây Thi nhìn khắp mặt sông: - Văn đại phu không phái người đuổi theo sao? - Tin rằng không. Gió sông thổi mạnh, thuyền lướt đi nhanh hơn. Thái Hồ mênh mông đã nhìn thấy trước mặt. - Bấy giờ, mặt trời đỏ rực phưng Đông. Bấy giờ, từ thành Cô Tô có một làn khói đen ngùn ngụt bốc lên, Tây Thi nhìn thấy trước, chỉ cho Phạm Lãi. Chàng quan sát một lúc rồi nói: - Có thể là Cô Tô đài. Câu Tiễn rất hận Cô Tô đài nên phóng hỏa. - Cần gì phải thế? Từ bao giờ, Cô Tô đài có làm hại Việt đâu! (Tây Thi thở dài, nói thêm). Tại sao lại phải nhỏ mọn như vậy? - Lòng người rất khó giải thích, huống chi mầm cừu hận đã bám rễ sinh sôi. Im lặng một lúc, Phạm Lãi cũng thở dài: - Tất cả đã kết thúc rồi. Hận cũ tiêu tan thì thù mới sẽ lần lượt tới... Việt vương ngày nay rồi sẽ đi theo vết xe của Ngô vương. Văn Chủng hôm nay không bỏ đi rồi sẽ như Ngũ Tử Tư vậy. Tây Thi lạnh mình, không tin lịch sử là sự tuần hoàn miên viễn. Nàng đưa mắt nhìn khói bốc lên từ Cô Tô đài và lấm lét nhìn mặt người tình. Mặt trời dần lên cao, khói đen trùm phủ thủ đô nước Ngô, kết thúc lịch sử nước Ngô. Kể từ nay, một trang lịch sử lật qua để cho Câu Tiễn viết tiếp. Thuyền đến cửa Thái Hồ, khói sóng chờn vờn. Mặt trời chiếu trên Thái Hồ dát vàng lấp loáng. Thái Hồ hào hùng lắm, vĩ đại lắm, luôn luôn chuyển động không ngừng. Phạm Lãi bỗng bật cười: - Ân cừu, Ngô quốc, Việt quốc, Sở quốc, với ta có liên quan gì chứ? Tây Thi, từ rày về sau chúng ta không màng gì đến các chuyện ấy. Sóng nước Thái Hồ rửa sạch ân cừu, rửa sạch tất cả để cho kể từ bây giờ chúng ta không dính dấp gì với nhân gian. Tây Thi, để ta giới thiệu cho người nhà ta ra mắt nàng. Phạm Lãi kéo Tây Thi vào khoang thuyền, giới thiệu hai con. Con lớn Phạm Lãi tên Bình, mười lăm tuổi, con thứ tên An, mười một tuổi. Cả hai lớn lên trong gian khổ, người hơi gầy song chắc nịch. Tây Thi nhìn Phạm Bình mười lăm tuổi đăm đăm rồi quay sang Phạm Lãi nói nhỏ: - Có phần giống chàng năm lên mười bảy. - Mười bảy năm trước, ta... (Phạm Lãi bỗng cảm thán). Mười bảy năm qua, ta già mau quá! - Già? Thiếp không nhận thấy chàng già. - Hôm nay ta phản lão hoàn đồng! Phạm Lãi lại đưa Tây Thi đi xem các nơi trong thuyền. Thuyền do cháu của Tử Thường là A Mang cường tráng cai quản. Trên thuyền có chín trai, mười gái, cộng thêm A Mang là hai chục người. Tất cả đều còn trẻ, Phạm Lãi dự định cho họ kết làm vợ chồng với nhau. Chàng nói: - Chúng ta đến một nơi không có khói lửa nhân gian, mười cặp vợ chồng này vẫn có thể sinh con đẻ cháu không ngừng. Phạm Lãi cũng đưa Tây Thi đi xem các đồ vật trên thuyền: hạt giống, nông cụ, thổ mộc, công cụ, lưng thực, muối ăn, có cả một đống rương tráp. Tây Thi rất đỗi ngạc nhiên hỏi: - Chàng đã chuẩn bị từ trước? - Phải, lúc rời Hội Kê thì ta chuẩn bị đâu vào đó. - Nghĩa là chàng chắc chắn chiến thắng? Tây Thi không có cách nào hiểu được niềm tin của Phạm Lãi. Chàng giải thích: - Ngô quốc có phần mạnh hơn chúng ta, song lúc phát binh ta đã quyết thắng. Không thắng thì thà chết trong thành Cô Tô. Để có ngày nay, ta đã chuẩn bị bao năm... Mười bảy năm rồi, vì muốn được nàng nên ta phải cố gắng. - Thiếp đáng thế à? Tây Thi nhoẻn cười, nụ cười yêu kiều như mười bảy năm trước. Rời bỏ tất cả, Phạm Lãi và Tây Thi cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài. Trên mặt Thái Hồ bát ngát, thuyền họ nay chỗ này mai chỗ kia, bao nhiêu ân cừu trong lòng họ như được sương khói và bóng nước Thái Hồ rửa sạch. Họ vô tư vô lự ca hát trên thuyền, câu cá bên mạn thuyền, phó mặc thời gian trôi theo sóng nước. Có một hôm, thuyền họ dừng lại ở bến Vô Tích, đem cá đổi muối và thức ăn. Đó là việc của bốn tháng sau khi Cô Tô thành thất thủ. A Mang lên bờ rồi trở xuống báo cáo với chủ nhân: - Việt vương treo giải thưởng nhiều vàng cho ai tìm được Phạm đại phu... Việc thứ hai là Việt vương cùng nhóm Văn đại phu hướng dẫn tám trăm xe kéo lên mặt Bắc Trung Nguyên, hội minh với Tề, Lỗ. - Còn gì nữa không? - Bẩm còn, Việt vương chia nước Ngô thành quận, huyện, cắt một phần đất cho Sở. Tây Thi chen nói: - Thiếu Bá! Chàng hỏi nhiều như thế để làm gì? Các việc ấy không liên quan gì đến chúng ta. Chúng ta rày đây mai đó, không nhà không cửa thì mọi việc trên đất liền chúng ta không nên biết tới. - Nhưng Thái Hồ quá nhỏ, cũng quá gần, e có một hôm, chúng ta phải dời đi... Lúc Việt vương từ Trung Nguyên về, chúng ta sẽ không dễ dàng an cư ở Thái Hồ. - Không ai biết trước được ngày mai, chuyện của ngày mai hãy để ngày mai nói!