Chương XIII
Cuộc hội ở Hoàng Trì

-Vương vãng đồ... kiết.
- Tam tam... Lý hổ vĩ, bất diệt nhân... hưởng.
Bói quẻ mu rùa và quẻ cỏ thị đều ra điềm lành. “Vương vãng đồ, kiết” tức đã chỉ rõ ràng chuyến đi của nhà vua đại kiết. Riêng quẻ cỏ thị thì tuy có nguy hiểm lúc đầu song rốt cuộc cũng lành. Từ hai loại quẻ, thần minh đã chỉ rõ việc người cầu hỏi gặp hung sẽ hóa kiết, gặp nạn sẽ thành bình yên.
Trên đây là kết quả bói toán do Tây Thi mời thầy ở Cú Khúc đến Ngô cung xủ quẻ. Với Tây Thi, bói ra đại, kiết là điều đáng mừng nhất. Chứ từ Cô Tô đến Cú Khúc, nàng cứ hồi hộp mãi. Tây Thi muốn hỏi việc nơi quỷ thần song Ngô vương phản đối, có muốn không đi cũng không được, cần gì phải bói toán nữa?
Tây Thi có cách nghĩ khác. Nàng cho rằng cần biết vận mạng để dầu hung dầu kiết, bản thân mình có sự chuẩn bị vẫn hơn. Nhưng rồi nàng không muốn tỏ ra nghịch ý quân vương nên phải đợi lúc Phù Sai kéo đại quân qua sông, nàng mới rước thầy đến bói.
Kéo quân lên mặt Bắc kỳ này không phải do Ngô vương chủ động và hài lòng. Mà chỉ là một chuyện bất đắc dĩ. Để duy trì địa vị một minh chủ, để xác nhận trách nhiệm của một minh chủ, Ngô vương chỉ còn có cách phải phát binh - kéo một cánh quân đông đô chưa từng có - vượt qua Trường Giang, thị uy với chư hầu Trung Nguyên trong cuộc hội minh giải quyết chiến tranh giữa các nước.
Địa điểm cuộc hội là Hoàng Trì (thuộc huyện phụ cận tỉnh Hà Nam bây giờ). Địa điểm thật phức tạp, nằm trên đất Trịnh song biên giới thì giáp với Tề, Tấn, cả Lỗ và một phần bắc Tống.
Hoàng Trì, có thể nói là trái tim của Trung Nguyên nằm ở giữa mấy quốc gia quan trọng, lại rất gần với Đồng Bưu, Hổ Lao của Châu Vương. Chọn địa điểm này để cử hành lễ kết minh tự nhiên là có dụng ý: Nước nào làm chủ cuộc uống máu ăn thề sẽ là minh chủ, sẽ trở thành lãnh tụ các nước chư hầu Trung Nguyên. Châu Vương cũng dự định cử Đơn Bình Công thuộc hàng tông thất đại thần đến giám sát cuộc hội. Phần nghi thức long trọng thì do nhị bá Tề Hằng và Tấn Văn phụ trách. Ngô vương Phù Sai vì được mời mà đến. Tề, Lỗ, Trịnh đều xem Phù Sai như minh chủ, tha thiết mong người đảm nhận trọng trách sắp đặt và giải nạn cho Trung Nguyên.
Nguyên nhân có cuộc họp này là vì có sự lục đục giữa năm nước Tề, Vệ, Trịnh, Tấn, Tống. Bởi sau cuộc chiến thua Ngô, tạm thời Tề thần phục Ngô. Điều ấy làm cho nước bạn Tấn không vui, dồn quân ở biên giới chuẩn bị xâm phạm Tề. Về một phương diện khác, Vệ, Trịnh lại xảy ra xung đột. Vệ được Tấn khuyến khích, xâm phạm biên giới Trịnh. Nói về thực lực thì Trịnh đủ sức tiêu diệt Vệ, nhưng sau có Tấn nên Trịnh không dám vọng động. Vì vậy, Trịnh phải liên hiệp với Tề để đối phó với Vệ.
Tình hình bên phía Nam hết sức khẩn trương. Gián điệp Tấn du thuyết cho Tống xuất binh đánh Lỗ do Ngô bảo vệ. Tề liền giữ thái độ sẽ theo nước nào mạnh. Riêng Sở, từ suy nhược đang dần dần quật cường trở lại. Nhận được tin tình báo từ Việt nói Ngô không đáng sợ, một mặt, Sở lén giúp Tống, mặt khác lại xúi giục Trần phản Ngô. Hãy còn nước Tào xua quân khuấy rối lân bang thuộc Ngô nữa.
Xem thế đủ biết cuộc diện Trung Nguyên như đống lửa, lúc nào cũng có thể bùng cháy; muốn dập tắt mầm mống này thì chỉ có Tấn và Ngô liên hiệp lại, đề ra việc cam kết giữa các nước với nhau. Bằng không, không có cách nào tránh khỏi can qua rối nùi.
Từ Cô Tô của Ngô đến Hoàng Trì, đường xa diệu vợi. Nhưng từ thủ phủ của Tấn đến Hoàng Trì rất gần. Lẽ đương nhiên, Ngô vương biết rõ, mang đại quân vào can thiệp chuyện quan qua giữa các chư hầu Trung Nguyên là một việc đòi hỏi nhiều cố gắng. Nhưng Ngô vương cũng biết không thể đặt mình ra ngoài. Vạn nhất Trung Nguyên xảy ra chiến tranh, nước Ngô không tham gia không được, thà rằng bây giờ dùng cuộc hội minh để giải quyết tranh chấp, tranh ngôi bá chủ luôn.
Phù Sai rất thận trọng. Trên đường diệu vợi, nhà vua bố trí đội ngũ và hệ thống tiếp ứng của mình làm ba trạm. Trạm đầu ở Cú Khúc, trạm thứ nhì ở Hàn Giang, thuộc vùng giáp giới Ngô - Lỗ. Trạm thứ ba đặt ở phía Tây Ngải Lâm thuộc địa khu biên giới nước Trịnh.
Cuộc hội ở Hoàng Trì trù liệu vào đầu xuân. Nhưng Cô Tô, Ngô vương đã xuất phát vào đầu hạ năm trước bởi vì nhà vua có nhiều việc phải sắp đặt. Tại quốc nội, cần phải giữ một cánh quân phòng ngừa Việt. ở hai bên bờ Trường Giang cũng phải có quân phòng thủ. Bởi nếu xảy ra chiến tranh thì Sở có thể dốc hết toàn lực cắt đứt tuyến liên lạc của binh Ngô. Quan trọng hơn hết là cuộc họp ở Hoàng Trì không phải cuộc họp của áo mão, cân đai. Mà là cuộc họp binh, chỉ một lời nói không thuận sẽ có đánh nhau. Vì vậy, Ngô vương phải tuyển bảy trăm chiến xa tiến lên mặt Bắc cộng thêm với số quân do Vương Tôn Lạc thống lĩnh ở phía Bắc Trường Giang gồm ba trăm chiến xa, một ngàn kỵ binh, bốn trăm bộ binh.
Con số cả ngàn chiến xa làm kinh hãi mọi người. Năm xưa, các đại quan Tấn, Tề, Tần, Sở đưa ra năm trăm chiến xa đã kể là ghê gớm lắm rồi. Năm xưa, lúc Tấn Văn Công xưng bá Trung Nguyên đã dùng một ngàn binh xa làm hậu thuẫn đủ khiến chư hầu bở vía. Nhưng với lực lượng to lớn như vậy, Ngô vương vẫn không lạc quan. Từ xuân đến hạ, Tây Thi luôn thấy nhà vua u uất. Nàng không hiểu vì sao, chỉ thấy là cờ xí quân Ngô mới mẻ, rợp trời. Nhưng rồi, niềm u uất của Ngô vương cảm nhiễm sang nàng. Cho nên, sau khi nhà vua cất quân qua sông thì nàng đi bói.
Tại Cú Khúc, quẻ đại kiết được loan đi nhanh chóng. Vì thế, quân phòng thủ rất phấn khởi kháo nhau:
- Đại vương chúng ta sẽ thành bá vương Trung Nguyên!
- Người phương Nam sẽ khống chế người phương Bắc!
Lời đồn dội lại Ngô cung, lọt vào tai Di Quang khiến nàng thấy lòng tan nát.
Triền Ba cũng có thứ cảm giác ấy. Uy danh Ngô quốc ngày một lên cao thì hy vọng phục thù của Tổ quốc họ ngày một xuống thấp, nhạt nhòa.
Lúc quân Ngô ca vang ở Cú Khúc thì Triền Ba trong Ngô cung không tiếc lời nguyền rủa. Di Quang cũng hậm hực nói:
- Chớp mắt đã hai mươi năm rồi, Đại vương chúng ta vẫn còn ở Hội Kê. Chúa tôi nước Việt đã quên rồi cái nhục Hội Kê!
- Nào chỉ có họ! (Triền Ba cười nhạt). Tây Thi của chúng ta cũng quên rồi mối nhục Hội Kê! Chị xem Tây Thi đã lo lắng cho Phù Sai biết bao nhiêu!
- Bây giờ tôi không trách Tây Thi, một người con gái được một người trai chí thành yêu thuơng... Thời gian dằng dặc, trước sau gì Phù Sai cũng đối với Tây Thi y như một thì làm sao Tây Thi nhẫn tâm cho được? Đổi là Triền Ba hay tôi rồi cũng thế thôi!
Triền Ba lên giọng:
- Nhưng chúng ta đều vì quốc gia!
- Tây Thi cũng không quên quốc gia! (Di Quang hạ giọng tiếp). Phùng Đồng đã nói một câu rất đúng: Nếu Tây Thi thật sự quên Tổ quốc thì đã tố cáo âm mưu gián điệp. Nhưng Tây Thi không tiết lộ một điểm nào, chứng tỏ chị ấy đã trung thành với quốc gia, mặc dầu chị ấy không có lý tưởng hành động như chúng ta.
Triền Ba vẫn cười nhạt. Vì thù hận quốc gia kéo dài quá lâu và cuộc sống độc thân thui thủi đã khiến Triền Ba trở thành khô khan hết sức.
Ngoài ra, còn bốn cô gái Việt khác theo đến Ngô cung cũng sống trong chuỗi ngày buồn thảm. Mỗi ngày Tây Thi đều nhìn thấy gương mặt đưa ma của họ. Nàng biết họ ngầm bất mãn nàng nhưng nàng không có cách nào giải thích được. Nàng chỉ cố tránh nói chuyện với họ mà thôi.
Ngày hè oi bức, Tây Thi đàn, xem sách giết ngày giờ.
Cứ cách một ngày, Ngô vương viết một phong thư gửi lại Ngô cung, tối đa phần đều do Tích Lặc, vị đại phu có nhiệm vụ bảo vệ Cú Khúc đích thân chuyển cho Tây Thi.
Tích Lặc giữ chức cao nhất trong đội Hiền Lương, thời trẻ đã từng dùng tay không giết hổ, báo. Tích Lặc được phụ thân Phù Sai thâu dụng, cho chỉ huy một tiểu đội dũng sĩ. Năm Ngũ Tử Tư chết, Tích Lặc mới được lên chức đại phu. Trong đội Hiền Lương chỉ có một vị đại phu là nhân vật quan trọng, song Ngô vương lưu Tích Lặc lại ở Cú Khúc, vừa để bảo vệ hậu phương, vừa để bảo vệ Tây Thi.
Hôm nay, lúc Tây Thi nhận được tin Ngô vương từ Hàn Giang đưa về xong thì cũng nhận được liền một tin quan trọng của thái tử Hữu và Bá Hi từ Cô Tô chuyển đến.
Việt và Sở chạm binh rồi.
Tin ấy làm cho Tây Thi ngạc nhiên. Nàng biết, phía Tây nước Việt giáp ranh với Sở nhưng từ phía Tây ấy đến Hội Kê xa lắm. Hơn nữa, vùng ấy hoang lưng, người Sở không thể có hứng thú gì. Nói cách khác, phía Nam nước Sở cũng là khu sình lầy, lạnh lẽo, hoang vu, người Việt cũng không thể nào ham chiếm lấy. ấy thế mà có chuyện động binh khiến Tây Thi không dám tin là thật.
Các tin từ Cô Tô đến đều do Tích Lặc lần lượt chuyển đến cho Ngô vương. Nhưng trên đường vào Trung Nguyên, Ngô vương đã nhận được tin ấy. Trong thư gửi cho Tây Thi, Ngô vương có nhắc đến chuyện ấy, cho đó là một tin đáng mừng. Đồng thời Ngô vương cũng cho biết ngài nhận được tin đó theo báo cáo của Tào, Tề.
Thế thì Tây Thi không thể không tin được, nhưng nàng vẫn không ngừng tự hỏi: “Tại sao?”.
Năm ngày sau lại có tin báo của Bá Hi, nêu đích danh Phạm Lãi thống lĩnh binh Việt kéo xuống phía Tây chận đánh quân Sở.
Ngày xưa, cứ nghe tin về Phạm Lãi là Tây Thi chấn động, không như bây giờ, nàng rất thản nhiên. Lúc Di Quang hỏi lại, Tây Thi đáp cách lạnh nhạt.
- Có thể Phạm đại phu sẽ làm như Ngũ Tử Tư, đánh đến kinh đô nước Sở.
Di Quang đau khổ hỏi:
- Tại sao Phạm đại phu không đánh Cô Tô chứ? Lẽ thì người phi nhân cơ hội này mà đánh Cô Tô?
Tây Thi nhếch cười, không đáp.
Chúa hùng ở Giang Nam, tân bá ở Trung Nguyên, Ngô vương Phù Sai đã đến Hoàng Trì.
Tại Hoàng Trì, trước khi Ngô vương đã đến có mặt chín vì vua của chín nước Tấn, Trịnh, Vệ, Tề, Lỗ, Tống, Trần, Tào và Trâu. Trong khu vực Hoàng Trì; lều căng san sát đầy dẫy các khu, đài hội minh đã hoàn thành từ lâu. Đơn Bình Công do Châu Vương phái đến giám sát cuộc hội minh đã xây nhà ở giữa Minh đàn.
Chín vì vua đều nhẫn nại chờ Ngô vương từ xa tới. Đồng thời, tin tức về Ngô không ngừng đưa lại. Vua Tống nói với Tấn vương:
- Dẫn binh phó hội, lúc đi ngang biên giới nước Tống, Ngô vương đã đoạt mất của Tống một số lớn bò, dê và trên mười xe lương thực.
Vua nước Tào cũng cho biết: Lúc đi ngang biên giới, Ngô vương đã hủy diệt của Tào năm mươi chiến xa và thiêu rụi một dãy thành trại. Riêng vua nước Lỗ, một mặt theo hùa với Tấn, mặt khác lại âm thầm thông báo tin tức cho Ngô vương ở biên giới Lỗ.
Ngoài ra dũng sĩ của Trịnh và Vệ đã chong nhau một trận tại Hoàng Trì, đôi bên đều bị chết trên mười người, may có binh xa của Tề xông đến dàn giải. Phần vua nước Tấn lại làm áp lực với Tề, muốn Tề theo Tấn.
Trên đây là tình hình Hoàng Trì trước khi Ngô vương đến.
Ngô vương sắp đến thì Vương Tôn Lạc đã mang một trăm binh xa và một ngàn kỵ binh chọn chỗ lập xong dinh trại. Chẳng bao lâu, Ngô vương hướng dẫn ba trăm binh xa dẫn đến Hoàng Trì.
Ngày thứ nhất, tông thất của Châu vương là Đơn Bình công thết tiệc khảon đãi mười nhà vua. Về mặt danh nghĩa thì đây là tiệc đãi của Ngô vương. Nhưng trong thực tế thì chính Đơn Bình công yêu cầu Tấn, Ngô cho vương triều một chút thể diện. Sang ngày thứ hai và ba thì mười vua luân phiên thết tiệc xã giao với nhau. Sau ngày thứ tư, đại phu các nước trao đổi ý kiến. Cứ thế, cuộc hội binh kéo dài mười ngày.
Sở vương có phái một vị đại phu đến xin lỗi mười nước về việc Sở có chuyện giao tranh với Việt nên Sở vương không thể tham gia cuộc hội. Đồng thời, đại phu của Sở còn xin được Tấn vương viện trợ.
Đêm ấy, sau khi viết thư cho Tây Thi xong, Ngô vương cùng Vương Tôn Lạc nghiên cứu các vấn đề của cuộc hội minh, Vương Tôn Lạc nói:
- Đại vương! Xem xét kỹ bất cứ góc cạnh nào cũng thấy Tấn hầu muốn đoạt trước ngôi vị Minh chủ. (Vương Tôn Lạc hậm hực). Tấn Hầu mang đến năm trăm xe...
- Trẫm biết. (Ngô vương cười nhạt). Trẫm còn được tin Tấn hầu dành sẵn ba trăm xe ở biên giới để chuẩn bị. Ngoài ra hãy còn năm ngàn bộ binh đóng ở Xuân Lăng thuộc hướng Tây Bắc cách Hoàng Trì sáu mưi dặm.
- Đại vương, chúng ta mang theo có bốn trăm xe, hình như quá ít. Mấy hôm nay, một số nước nhỏ cứ theo nịnh Tấn, đến cả Lỗ vương cũng sợ...
- Trẫm biết.
Ngô vương nghiến răng gằn giọng:
- Trẫm đã nói trước đây là cuộc hội của binh xa, ai có lực lượng mạnh, người ấy sẽ là thủ lĩnh!
- Đại vương! Binh xa chúng ta không cần lưu lại dọc đường.
- Bây giờ thì có thể, chứ lúc trước ta lưu quân là có ý nghĩa khác. Lúc trước, trẫm sợ Sở và Việt đánh chận đường hậu của ta. Giờ họ đánh nhau thì ta khỏi lo.
- Thế thì chúng ta nên điều động đội ngũ đóng ở Hàn Giang đến đây.
Ngô vương lấy một miếng trúc ra xem rồi nói:
- Có thể. Ngày mai, số quân ở phía Tây Ngải Lâm có thể đến kịp Hoàng Trì. Đội đó có một trăm năm chục xe. Trẫm cũng nghĩ, điều động binh Hàn Giang không bằng điều động đội Hiền Lương ở Cú Khúc để cùng Tấn so sánh thực lực một phen.
- Đại vương! Chuyện Sở - Việt giao binh thật ngoài ý liệu. Trong thư của anh hạ thần đưa lại nói là hoàn toàn không có lý do.
- Không có lý do thật, nhưng chiến tranh không nhất thiết phải có lý do đâu! (Ngô vương lại cười nhạt). Trẫm nghĩ là Việt vương muốn thử dò binh lực của mình, nhưng không dám chạm đến chúng ta mới xoay sang Sở.
Vương Tôn Lạc có vẻ khó xử nói:
- Mong được như thế.
- Có phải ngày mai thảo luận trình tự vấn đề của cuộc hội minh không?
- Thưa, tạm thời đã gác nghị trình rồi. Ngày mai thảo luận trước hết là chuyện rắc rối giữa Trịnh - Vệ, kế tiếp là vấn đề của Tống...
Vương Tôn Lạc lắc đầu:
- Theo thần thấy, cuộc họp sẽ kéo dài ngày giờ.
- Có thể là do quỷ kế của Tấn hầu. (Ngô vương dang tay vưn vai). Họ cho rằng chúng ta từ xa đến, tất nhiên không thể ở lâu. Ha ha... Nhưng Tấn hầu lầm rồi, trẫm sẽ làm cho hắn biết!
Đối với cuộc họp ở Hoàng Trì, thoạt đầu Ngô vương không lạc quan. Nhưng sau khi được tin Sở - Việt chống nhau, Phạm Lãi đích thân phát binh từ Hội Kê thì hùng tâm của Ngô vương bấy lâu trầm lắng bây giờ lại bộc khởi. Nhà vua phái người đi luôn ngày đêm về điều động gấp đội ngũ ở Hàn Giang và Cú Khúc mau đến Hoàng Trì. Cánh quân của Tích Lặc cũng bị điều động, nhường chỗ trống ấy cho binh của thái tử Hữu từ Cô Tô đến điền khuyết.
Trong âm thầm, Ngô vương đã tập trung một ngàn hai trăm chiến xa quanh khu vực Hoàng Trì.
Tại Hội Kê, từ sáng sớm, binh sĩ trang bị đầy đủ lương thực kéo đi hướng Tây. Nhưng chiều đến thì họ đổi hướng, một số lên thuyền đi sông Tiền Đường đi ngược về Đông, số khác vượt sông Tiền Đường sẽ lén đi sang hướng Nam.
Biên giới nước Sở rất yên lành. Tin Sở - Việt giao tranh chỉ là tin do hai nước cùng lượt tung ra nhằm gạt Ngô vương trên đường đi sâu vào Trung Nguyên.
Đại tướng quân Gia Kê Dĩnh của nước Việt thống lĩnh binh sĩ kéo đến Dư Hàng trước nhất. Liền đó, Đại phu Tiết Dung cũng đưa một cánh quân qua sông Tiền Đường, hợp với thủy quân, đi theo một con đường mới âm thầm tiến lần về hướng Đông-Bắc.
Hai ngày sau hai cuộc phát binh ấy, Câu Tiễn chuyển giao nội chính nước Việt cho thái tử. Văn Chủng trao quyền trông coi tài chính và kho lương cho Duy Giáp.
Sang ngày thứ ba, Câu Tiễn cùng một số đại phu cùng đến ven sông Tiền Đường, được nhóm Văn Chủng và Phạm Lãi chờ đón.
Câu Tiễn rất bình tĩnh, thư thả nhảy từ chiến xa xuống, đứng bên thành xe chờ vợ xuống xe. Nhưng Việt quân phu nhân không được như chồng. Từ trên xe xuống, mặt bà đỏ như gấc.
Câu Tiễn đón vợ, bảo nhỏ:
- Phu nhân, chúng ta lại đến Cô Tô.
Giọng Quân phu nhân run run:
- Vâng. Quân vương, còn Thiếu Bá đâu?
Phạm Lãi bước ra thi lễ:
- Thưa, thần ở đây.
- Kìa, Thiếu Bá! Khanh nhớ rõ chuyện năm xưa chứ? Ba ta cùng đến Cô Tô giữ ngựa cho Phù Sai, vào ngày tuyết lớn, ngón tay chúng ta rét cóng...
- Thưa, thần nhớ, quân phu nhân!
Câu Tiễn trầm giọng nói:
- Giờ khắc bồi thường cho chúng ta đã đến rồi. Suốt hai mươi năm, trẫm không có một ngày quên... Tử Hội! Thiếu Bá! Giờ phục hận đã điểm. Lấy được nước Ngô, chúng ta sẽ chia ba, hai khanh mỗi người một phần, trẫm cũng một phần. Ôi, nếu không có hai khanh trẫm không có được ngày này.
Câu Tiễn nhìn về Hội Kê sơn, buông tiếng thở dài.
Văn Chủng và Phạm Lãi đứng nghiêm, mỗi người đều lấy vẻ khiêm tốn hồi đáp.
Câu Tiễn ngửa mặt nói tiếp:
- Tổ tiên, hồn thiêng sông núi của nước Việt... Xin hãy giúp cho Câu Tiễn này trong ngày báo hận rửa thù.
Câu Tiễn vừa nói vừa lột mão, sụp quỳ xuống.
Phạm Lãi cũng lột mão. Hai mươi năm gian khổ đã làm cho tóc người điểm bạc hoa râm.
Vị quan lo về tế tự dâng rượu đến. Câu Tiễn rưới rượu ra đất, đoạn rút đỏan kiếm bên mình ra, lẩm bẩm:
- Câu Tiễn xin thề trừ diệt nước Ngô, báo thù rửa hận!
Còi hiệu nổi lên, hai trăm võ sĩ trùm đầu bằng da thú, tay cầm trường mâu lần lượt đi qua trước mặt Việt vương. Họ là vệ đội của Việt vương Câu Tiễn.
Trên sông Tiền Đường có bè cây để nằm dọc dài năm mươi trượng. Trên bè đã sắp đầy chiến xa... Đây là một cuộc qua sông qui mô và lớn nhất trong lịch sử nước Việt. Nhưng việc dùng bè chở chiến xa là kế hoạch của Phạm Lãi.
Chiếc bè thứ nhất lướt đi rồi, kế tiếp là chiếc thứ hai. Vợ chồng Câu Tiễn, Phạm Lãi và Văn Chủng xuống bè thứ ba vượt sông Tiền Đường.
Bè đến giữa dòng, Việt vương vẫn hướng về Hội Kê sơn mập mờ, khấn vái:
- Lạy trời hộ độ chúng con!
Ba chiếc bè cây chở gần ba trăm chiến xa. Nhưng ở bờ sông bên kia đã có sẵn tám mươi xe nữa.
Phạm Lãi lên bờ, lập tức đốc thúc chiến xa đi trước. Thế là, đại quân của nước Việt đã chia làm năm đội xuất phát.
Xe Phạm Lãi đi hơn một giờ thì bắt gặp nhóm thủy quân đi trước. Chàng truyền cho họ chờ ở Ô Thọ trấn đi lệnh. Đợi đội thuyền lục tục kéo đến, Phạm Lãi mới lên một chiếc thuyền nhỏ có phần hơi lạ.
Trưởng tử của Phạm Lãi mình mặc áo giáp, đứng ở đầu thuyền kêu lên:
- Đại nhân!
Phạm Lãi nghiêm mặt hỏi:
- Có đem theo đủ các vật không?
- Thưa, con đã làm đúng lời thân phụ dặn dò.
Phạm Lãi gật đầu, bước vào khoang thuyền, xem lại từng gói một. Tất cả đựng đầy hạt giống lúa mạch và rau cải. ở về một góc thuyền còn chất mấy mươi bao bông vải.
Phạm Lãi bước ra sau thuyền, nơi chất đầy nông cụ bằng cây có, bằng sắt có. Phạm Lãi kiểm điểm một lượt, tỏ ra rất hài lòng. Đoạn từ phía sau ấy bước lên tầng nhì. Thì ra thuyền này có hai tầng, được đóng khéo che giấu để chia làm hai phần. Phần trên trần thiết đầy đủ cho một gia đình ở. Phạm Lãi xem xét tỉ mỉ rồi từ lầu ấy đi ra phía sau.
Con thứ của Phạm Lãi đang giữ tay lái, gọi chào:
- Đại nhân!
- Giỏi! (Phạm Lãi mỉm cười hài lòng). Lúc đến Ô Thọ trấn, con phải đậu thuyền này sau hàng thứ ba.
- Dạ vâng, Đại nhân!... (Thanh niên tên Phạm An đảo mắt nghi ngờ hỏi). Bây giờ, con có thể hỏi không?
- Không cần... (Phạm Lãi nghiêm trang tiếp). Cũng không nên hỏi: Chỉ biết là chúng ta dốc lực báo thù, nếu không thành công thì vĩnh viễn sẽ không có ngày trở lại.
Phạm An ngập ngừng, dường như có biết bao điều muốn hỏi phụ thân. Nhưng khi tiếp mắt với cha thì Phạm An lại không dám hỏi gì cả.
- Kể từ bây giờ, các con không được phép rời thuyền.
Dặn dò lần sau cùng, Phạm Lãi rời thuyền nhỏ lại dùng thuyền khác lên bờ. Đoạn lên chiến xa giục tới.
Sau ngày thứ tư, hai cánh quân của Gia Kê Dĩnh và Tiết Dung đã chuyển đội hình sang thế công, bao vây đội thủ quân có nhiệm vụ gìn giữ biên giới nước Ngô. Tất cả bị bắt trọn gói. Liền đó, Phạm Lãi hướng dẫn bốn ngàn bộ binh tiến nhanh về trước.
Hai ngày sau, đại quân Việt từ Dư Hàng xuất phát vào Tú Thủy, đánh tan rã quân Ngô trấn giữ Tú Thủy.
Mãi đến bấy giờ, thái tử nước Ngô mới được tin, vội vã đến Bình Vọng dàn trận. Đồng thời phái một cánh quân chận đánh quân Việt xâm nhập, thái tử Hữu cũng cho người cấp báo đến Hoàng Trì.
Đại quân do chính Câu Tiễn thống lĩnh đã đến rồi.
Quân của Tiết Dung xông trận trước, đôi bên không phân biệt hơn thua. Sau đó, Phạm Lãi chỉ huy một cuộc đánh đêm, làm cho đội tiền phương của thái tử Hữu bị đánh gục. Câu Tiễn dẫn đại quân đến thẳng Bình Vọng.
Tại Hoàng Trì, sự nghiệp của Ngô vương đã đến hồi cao tuyệt, đồng thời cũng gặp phải một khiêu chiến nghiêm trọng.
Hội nghị thảo binh thâu đoạt kết quả, vấn đề của các nước lần lượt được giải quyết. Sau cùng chỉ còn vấn đề nghi thức... Việc hòa máu thề nguyền cũng đã được trù liệu xong. Đa số các quốc gia dự hội đồng ý nhường Ngô vương tháp huyết trước, cũng có nghĩa công nhận Ngô vương là Minh chủ. Kế đó là Tề Hằng công và Tấn Văn công.
Nhưng vào giờ chót, vua Tống lại nói với Tấn quân: Theo ý của Đơn Bình công, quan sát viên do Châu Vương phái đến bảo là không thể để cho người phương Nam làm chủ cuộc tháp huyết(1) Trung Nguyên là trung tâm văn hóa, có lịch sử huy hoàng, Tấn quân lại là hậu duệ của Bá vương, Tấn lại là quốc gia mạnh nhất Trung Nguyên, phải giữ thể diện cho Trung Nguyên. Vì thế, Tấn quân yêu cầu thẳng với Đơn Bình công để cho mình cắt máu trước.
Đơn Bình công ngạc nhiên nói thẳng:
- Tôi nào có ý đó. Ngô vương từ ngàn dặm kéo binh xa đến đây, e rằng chỉ vì giành làm chủ cuộc tháp thuyết. Tấn quân muốn làm minh chủ, e rằng Ngô vương không thuận!
- Đơn Bình công! Họ là hạng người man di, chúng ta có thể để họ làm lãnh tụ được sao. Không! Tôi hoàn toàn không đồng ý! Hơn nữa, tin rằng các nước
Tề, Tống cũng không thật sự muốn cho Phù Sai làm minh chủ.
Đơn Bình công sậm mặt:
- Thế này thì phiền lắm! Phù Sai có thể nhân đây phát động chiến tranh.
- Có chiến tranh chúng ta cũng không sợ. Phù Sai từ xa đến, tôi đã sớm bày binh chờ hắn. Nếu hắn muốn động võ, tôi cũng không ngại chống nhau.
Tấn quân vốn sợ Ngô nhưng vì vấn đề thể diện mà bỗng nhiên nói cứng. Đơn Bình công lắc đầu:
- Thế này là làm mất hết ý nghĩa hội minh.
- Chư hầu Trung Nguyên có phải rưới máu ngàn dặm cũng không thể để cho Ngô vương lãnh đạo. Thoạt đầu, tôi vì muốn yên đâu đó nên đã nhượng bộ bao phen. Nhưng giờ thì không. Xin Đơn Bình công đi nói cho Phù Sai biết, Tấn quốc có truyền thống minh chủ nhất định không để cho ai tháp huyết trước.
Đơn Bình công không làm sao hơn được là nhận nhiệm vụ này đi hỏi lại Ngô vương.
Gần như lúc ấy, Vương Tôn Lạc nhận được thư cấp báo, đi thẳng vào doanh phòng của nhà vua. Tin báo Việt đã nhập Ngô khiến Ngô vương nghiến răng:
- Câu Tiễn không phải là người nên mới nhân lúc vắng mặt ta mà giở trò.
- Đại vương! Theo thần thấy, tình hình bây giờ khá nghiêm trọng.
- Ơ... Nhưng trẫm không thể về liền. Vương Tôn Lạc, sáng sớm mai, khanh ra lệnh cho Tích Lặc dẫn quân về Cô Tô trước. (Nhìn bản tin cấp báo, Ngô vương trầm ngâm một thoáng, nói tiếp). Chúng ta không có cách nào kết thúc cuộc hội trong vòng ba ngày.
Bấy giờ, có tin báo Đơn Bình Công đến. Vị đại diện nhà Châu uyển chuyển trình bày ý kiến của vua Tấn, mong được Ngô vương thông cảm, tôn trọng truyền thống của Trung Nguyên.
Ngô vương cười nhạt:
- Làm minh chủ cũng có truyền thống nữa sao? Nếu nói đến truyền thống thì ngôi minh chủ sẽ xoay sang Tề.
- Quân vương! Mấy năm gần đây, hội minh chư hầu đều do Tấn vương làm chủ...
Ngô vương lại cười nhạt, không trả lời liền nên Đơn Bình Công nói tiếp:
- Thật ra minh chủ là một hư danh, quan trọng là xử sự hòa bình với các nước.
Ngô vương nói giọng uy hiếp:
- Tấn hầu giữ ngôi minh chủ, e sẽ khó làm cho các nước hòa bình.
- Quân vương! Mong ngài thử nghĩ xem. Bây giờ cũng không nên xem đây là quyết định tối hậu. Trông chừng Tống, Tề cũng có xu hướng...
Đơn Bình Công bỏ lửng song Ngô vương cũng hiểu ra dụng ý. Nhà vua phừng giận, muốn đập ngay một quyền cho gục vị đại diện nhà Châu. Nhưng chợt nghĩ đến quân Việt xâm lăng, Ngô vương nén giận, hừ giọng khinh miệt.
Vương Tôn Lạc nhìn thấy tình thế như cung giưng kiếm tuốt liền chen nói:
- Đại vương! Việc ấy để thủng thẳng bàn lại.
- Cũng được.
Ngô vương bảo Vương Tôn Lạc thay mình tiễn khách. Ra khỏi doanh phòng, Vương Tôn Lạc mới thư thả nói:
- Công gia! Do mối quan hệ giữa nước tôi và Trung Nguyên, có lẽ Đại vương chúng tôi không làm trái ý chư hầu Trung Nguyên lắm đâu!
Đơn Bình Công vòng tay cám ơn trước, chào về. Lúc trở lại doanh phòng, Vương Tôn Lạc nghe Ngô vương thét:
- Có lý nào như vậy? Bọn họ những ngờ ta chịu bỏ ngôi minh chủ à? Trong chư hầu Trung Nguyên có ai bằng được ta không? Có lý nào như vậy?
- Đại vương!... Chuyện này đến thật đột ngột vừa khi chúng ta nhận tin cấp báo của Cô Tô...
- Trẫm thấy, không nên tiết lộ tin tức quốc nội, Bọn họ không thể vì chuyện Câu Tiễn xuất binh mà thừa gió bẻ măng. Hơn nữa, trẫm không tin Tề dám phản đối trẫm, giành làm minh chủ. Tống thì có thể nhưng Tống thì có lực lượng gì?
- Đại vương! Còn về việc hồi sư của Tích Lặc về gấp Cô Tô.
Trời vào hoàng hôn lại có tin cấp báo. Bản tin nói rõ có Phạm Lãi trong quân, có thể có cả Việt vương Câu Tiễn. Đồng thời bản tin cũng báo quân phòng vệ của Ngô ở Tú Thủy đã gặp điều bất hạnh.
Ngô vương phiền não vô cùng, đi đi lại lại. Ngài biết một khi có Phạm Lãi xuất hiện thì tình hình nghiêm trọng lắm rồi. Nếu có cả Việt vương thì đây là trận chiến một sống một chết.
Hùng tâm của Ngô vương lại một phen xuống thấp. Ngài hối hận về việc đã đến Hoàng Trì. Việc của các quốc gia Trung Nguyên có cần ngài sốt sắng thế này đâu! Minh chủ, đúng như Đơn Bình Công đã nói, chỉ là một hư vinh!
Vì vậy, Ngô vương lại cho đòi Vương Tôn Lạc đến nói:
- Trẫm thấy, trẫm phải đi đêm về Cô Tô, không màng đến cuộc hội ở Hoàng Trì nữa!
- Đại vương! (Tôn Lạc kinh hãi kêu lên). Không được đâu, Đại vương làm thế, nhất định các chư hầu sẽ biết rõ nội tình của chúng ta. Tấn có thể thừa cơ đuổi theo đánh chúng ta thì tình hình sẽ tệ hại đến mức không tưởng tượng được.
Ngô vương trầm ngâm, biết rõ thế cỡi cọp của mình ở Hoàng Trì. Ngài sốt ruột bảo:
- Vương Tôn Lạc, chúng ta dần dà ở đây không được!
- Muôn tâu, chúng ta nên cho quân rút từ từ. Trước hết, nên nghĩ cách cho quân trấn ở Hàn Giang về Cô Tô trước, rồi đưa quân ở Ngải Lâm về trấn ở Hàn Giang...
Bấy giờ lại có tin báo làm cho Ngô vương xanh mặt. Thư này đứng tên Tây Thi từ Ngô cung ở Cú Khúc gởi đến. Nàng chuyển đạt báo cáo của Thái tử Hữu về việc quân Việt xâm phạm bờ cõi chứ tự nàng không có ý kiến.
Thư như thế tuy không có nội dung gì mới mẻ song đã làm cho Ngô vương thêm thuơng tâm, u uất. Ngài lẩm bẩm:
- Ta lại để cho nàng lo lắng nữa!
Vương Tôn Lạc bỗng chen nói:
- Đại vương! Chúng ta có cách buộc Tấn!
- Sao?
- Ngày mai, ngày mai chúng ta dàn quân ở Hoàng Trì với tư thế tác chiến thử xem người Tấn làm sao? Họ không phục, chúng ta sẽ tấn công liền.
- Không được đâu, Vương Tôn Lạc! Làm sao ta có thể chống với các chư hầu Trung Nguyên được? Lưỡng đầu thọ địch, chúng ta sẽ bị thua!
Vương Tôn Lạc khẳng định:
- Chúng ta bày một ngàn xe, người Tấn dám đánh sao? Nếu Tấn dám đánh thì lúc ta chinh Tề, Tấn đã chong với ta rồi.
Ngô vương trầm ngâm. Ngài nhận thấy cách ấy thật nguy hiểm song ngoài cách ấy thật không có con đường nào khác.
Ngài cắn răng đáp:
- Được, khanh phát lệnh trong đêm nay, tập trung binh xa.
Sáng ngày hôm sau chẳng bao lâu, trên bình nguyên Hoàng Trì đầy dẫy binh xa Ngô với mâu với kiếm, ngập tràn không khí chết chóc. Nhưng vua Ngô thì cáo bệnh, không xuất hiện.
Tráng sĩ của đội Hiền Lương cỡi chiến xa, giục ngựa, đột nhiên xuất hiện phía sau doanh trại Tấn rồi vượt qua Tấn bày khai trận địa, hoàn toàn không xem người Tấn vào đâu. Làm thế là một cách khiêu chiến nghiêm trọng!
Quân Tấn được lệnh không đối phó. Thực tế thì họ sợ lắm. Từ chỗ cao nhìn xuống thì trên bình nguyên Hoàng Trì, quân Ngô quá đông! Hơn nữa, ở về phía Đông-Nam, bụi lốc mịt mù đủ biết quân Ngô từ phía sau kéo đến Hoàng Trì, không nghi ngờ gì nữa. Vì vậy, các chư hầu trong cuộc hội minh đều thất sắc.
Trước lúc hoàng hôn, Đơn Bình Công đến trại Ngô xin yết kiến. Nhưng Ngô vương từ chối, không tiếp. Đêm ấy, quân Ngô không ngừng điều động... Vương Tôn Lạc áp dụng kế nghi binh của Ngũ Tử Tư, dùng một trăm chiến xa không ngừng di chuyển. ở mặt sau, Vương Tôn Lạc lại dùng ba mươi ngựa quét cho cát bụi lốc mịt mù bằng cành cây buộc ở đuôi ngựa. Hơn nữa, Lạc còn cho binh sĩ ở phía sau hướng Đông-Nam đốt lửa sáng trời. Làm như thế thì từ Minh đàn Hoàng Trì nhìn thấy hậu phương Ngô trùng trùng lớp lớp...
Đêm ấy, các vua Tấn, Tống, Vệ họp bàn cách đối phó. Vua Tống sợ nhất, thoạt đầu muốn đẩy cho Tấn đối phó với Ngô song bây giờ không dám mở miệng.
Vệ vương nói:
- Binh xa của Ngô nhiều quá, đi gì mà đi không ngớt. Họ đi như nước, không ngừng thao thao tràn ngập Hoàng Trì!
Tấn quân lạnh lòng, nhìn lửa sáng lòa ở chốn mù khi, bảo nhỏ:
- ở phía sau, quân Ngô e có đến một hai vạn...
Vệ vương cau mày:
- Có thể Phù Sai đã đưa đến Hoàng Trì hai ngàn binh xa.
Tấn quân phát run, vừa lúc đó có khanh sĩ (một chức vụ tương đương với Đại phu) là Triệu Thị hối hả đến báo:
- Người ở bên Tân tùng Bách đến báo cáo, có một cánh quân Ngô không rõ quân số từ Ngải Lâm kéo lên mặt Bắc, dường như muốn đi Thiết ấp.
- Thiết ấp? Thiết ấp là hậu phương của chúng ta!
Tấn quân thảng thốt kêu lên. Tấn muốn làm lãnh tụ Trung Nguyên song dưới sự uy hiếp của quân Ngô, Tấn co rút rồi. Sáng sớm ngày thứ sáu, Tấn, Tống đều tự động ngỏ ý mời Ngô vương làm chủ cuộc tháp huyết, tức là làm Minh chủ chư hầu Trung Nguyên.
Nhưng sáng hôm ấy, lại có tin báo của Cô Tô: Rằng quân Việt đã kéo thẳng đến tấn công Bình Vọng.
- Chúng ta có thể kịp thời lui về! (Ngô vương sậm mặt nói với Vương Tôn Lạc) Mong cho Thái tử có thể giữ được Bình Vọng một thời gian.
Đoạt ngôi Minh chủ rồi song Ngô vương không lạc quan chút nào. Vào trưa, Ngài cho đội Hiền Lương bo vệ Minh đàn nhưng riêng Ngài thì rút trong quân, không ngừng dùng dao bén khắc chữ lên phiến trúc.
Ngài khắc thư cho Thái tử, cũng khắc thư cho Bá Hi và Vương Tôn Hùng. Sau rốt, Ngài khắc thư cho Tây Thi ở Ngô cung, bảo với nàng rằng: Chư hầu Trung Nguyên đã khiếp phục rồi, Ngài đã trở thành Minh chủ! Ngài còn khắc, quân Ngô sẽ lục tục kéo về, tin chắc sẽ kịp nghênh chiến với Câu Tiễn.
Chẳng bao lâu, Tích Lặc bước vào bẩm báo: Quân hậu bị đóng ở Ngi Lâm đã triệt thoái. Bây giờ có ba trăm xe đang tức tốc về nước.
Ngô vương vỗ vai Tích Lặc:
- ở đây không có thay đổi gì đâu, khanh mau về đi! Phải cẩn thận lúc đi đường, nhất là lúc đi ngang biên giới Sở.
Chư hầu Trung Nguyên run sợ hoàn thành thủ tục sau cùng của cuộc hội minh trong lúc quân Ngô không ngừng rút lui. Qua hai hôm khẩn trương, cuộc hội ngộ ở Hoàng Trì được tuyên bố kết thúc thành công.
Ngô vương mặc đồ rỡ ràng bước lên Minh đàn, chích lấy máu trước tiên, trở thành Minh chủ các chư hầu Trung Nguyên. Kế đến là các vua Tấn, Tề, Lỗ, Trịnh, Vệ, Tống...
Sau cùng, Đơn Bình Công thay mặt cho Châu vương có lời hiếu dụ. Đoạn dùng thịt cúng tế ban cho Ngô vương...
Quân Ngô ở bốn bên Minh đàn dậy tiếng hoan hô. Cung hạ vị anh hùng của họ, họ rập tâu:
- Ngô vương vô địch! Ngô vương muôn năm!
Vua các nước đều ngại ngùng, thầm nghĩ: Làm một vị Minh chủ không nên thiếu lễ độ như vậy!
Sau khi hoàn thành thủ tục, Ngô vương vòng tay chào cám ơn mọi người, đoạn bước xuống Minh đàn. Vương Tôn Lạc thay mặt nhà vua tuyên bố:
- Kính mời tất cả dự yến.
Ngay khi tiệc tùng, một số lớn quân Ngô đã rút lui.
Tuy nhìn thấy quân Ngô không ngừng điều động song các chư hầu không dám suy đoán. Bởi vì, trong năm hôm, quân Ngô đã hành động một cách xuất quỷ nhập thần khiến họ hong quá, mất hết thông minh cần có.
Kết thúc cuộc hội minh, vào nửa đêm, Ngô vương sẽ lén cho chiến xa rời khỏi Hoàng Trì.
Đại quân rút lui, không sao tránh khỏi hỗn độn. Huống chi, Ngô vương hạ lệnh cho toàn quân đi ngày đi đêm khiến binh sĩ bắt đầu hồ nghi. Họ thắc mắc: Đại vương đã làm Minh chủ chư hầu, tại sao lại vội vã rút lui?
Đồng thời, các chư hầu Trung Nguyên cũng hoài nghi tự hỏi: Tại sao?
Lúc đại quân về tới Ngải Lâm, Ngô vương nhận được tin báo tương đối gây yên tâm: Quân Việt tấn công Bình Vọng đã bị đẩy lui. Hiện giờ, quân hai bên đang chạm mặt nhau ở Huề Lý.
Ngô vương thở phào:
- Chúng ta có thể về kịp để bo vệ Cô Tô!
Bấy giờ là mùa thu. Lúc đại quân Ngô đi qua biên giới Lỗ thì gặp mưa thu.
Nước mưa làm chậm bước quân đi, hơn nữa, còn khiến cho đại quân lâm cảnh khó khăn hết sức. Đường đất sình lầy làm cho người ngã, xe lật.
Lúc đi ngang Tống, Ngô vương muốn trừng phạt Tống không thần phục. Hơn nữa, để đề cao sĩ khí, Ngô vương hạ lệnh tấn công, đốt cháy một dãy nhà Tống.
Đại quân về đến Hàn Giang có Tích Lặc đã chuẩn bị sẵn đội thuyền chờ Ngô vương. Nhưng đoàn quân của vị Minh chủ Trung Nguyên đã bị mưa thu làm cho rét mướt không sao chịu nổi. Họ kéo lê chân sình đất lên thuyền, mệt nằm phờ phạc như người chết.
Hơn nữa, còn có sự không may ở phía sau. Lúc Ngô vương lên thuyền độ quân qua sông thì Sở phát binh đánh lén hậu đội. Tướng quân Ngô là Tư Đường bị trúng tên chết. Tư Đường chỉ huy một trăm xe và một ngàn năm trăm bộ binh đã bị chết mất quá nửa.
Đối với toàn quân, sự thiệt thòi ấy không đáng kể. Nhưng theo báo cáo của các bại binh thì toàn quân rung động.
Ngô vương giận lắm, muốn kéo rốc đại quân đánh Sở. Song đó chỉ là ý niệm chứ thực tế nhà vua không làm được. Bởi vì Ngô quốc đang lâm nguy và binh Ngô đã bị mưa thu đánh bại.
Mưa cứ liên miên không dứt. Nước sông dâng cao, đẩy thuyền đi rất nhanh.
Những lời đồn bây giờ mỗi lúc một nhiều. Đồn rằng, quân Việt đã tấn công vào Ngô quốc... Đồn rằng Sở vương đích thân thống lãnh binh mã báo thù. Cả hai vị vua ấy đều có thâm thù với Ngô.
Ngô vương phẫn nộ thét:
- Ta sẽ nghiền nát họ! Ta có thể nghiền nát họ... Nhưng mong trời đừng mưa!
Dường như Trời cũng chiều người, mưa tạnh rồi. Đã nhìn thấy bên kia bờ Trường Giang và lại có tin: Quân Ngô-Việt vẫn còn dàn nhau ở Huề Lý.
Câu Tiễn cũng có mặt trong quân ấy, Văn Chủng cũng có mặt.
Cuộc diện chưa ngặt nghèo nhưng Ngô vương rất lấy làm lo. Bởi quân Việt mang trọn ý khuynh quốc mà tới thì đây là trận quyết chiến một sống một chết. Tuy no giận, Ngô vương vẫn thấy lo sợ... Và đây là lần thứ nhất nhà vua cảm thấy lo sợ trước khi giáp trận.
Đại quân Ngô đã qua Trường Giang, đại quân đã từng uy hiếp chư hầu Trung Nguyên nhưng sau khi vượt được Trường Giang thì lại tỏ ra vô cùng chán nản. Đến cả Ngô vương cũng sợ khi nhìn họ. Để chỉnh đốn lại trước khi tác chiến, đại quân đến phía Nam Trường Giang thì Ngô vương truyền lệnh cho nghỉ ngơi ba ngày ở Cú Khúc.
Cảnh vật Cú Khúc vẫn như xưa. Tây Thi hướng dẫn quần nữ Ngô cung đến đầu biên giới đón rước Ngô vương.
Kể từ quân Việt mở cuộc xâm lăng, Tây Thi chìm trong bấn loạn. Nàng sợ thay đổi. Bất cứ hình thức hay kết quả thay đổi nào cũng đều bất lợi không sao tưởng tượng được. Nàng còn được tin đặc biệt. Câu Tiễn xua quân đi lần này là quyết rửa sạch mối huyết hải thâm thù hai mươi năm. Trong những ngày học tập ở quê nhà, Tây Thi từng nghe Câu Tiễn thề rằng: “Đến ngày xá tang thì ta với ngươi cùng chết!”. Tây Thi tưởng tượng, lần này là một cuộc chiến tranh diệt tuyệt.
Tây Thi là người đã bị đặt nằm giữa cuộc thảm khốc đó. Nàng sợ sự tiêu diệt, bởi vì bất cứ bên nào gục xuống cũng làm cho nàng đau khổ. Một bên là Tổ quốc, một bên là chồng, nàng không có cách nào phân biệt được nặng nhẹ giữa đôi bên.
Lúc được tin Ngô vương làm Minh chủ Trung Nguyên, Tây Thi phấn khởi. Nàng thầm nghĩ: Kết quả này sẽ làm cho Việt vương ngán sợ mà lui binh. Chỉ cần Câu Tiễn lui binh, nàng tự tin mình sẽ đủ sức ngăn Ngô vương cất binh đánh Việt.
Nhưng tin tức từ tiền phương gửi về cho biết, dường như Việt vương không xem sự thành công vĩ đại của Ngô vương vào đâu. Điều ấy khiến Tây Thi bàng hoàng đâm lo và bấn loạn.
Tin Ngô vương gấp rút trở về làm cho Tây Thi yên tâm phần nào. Nhưng khi nàng đến biên giới đón tiếp vị bá chủ Trung Nguyên thì từ trong thâm tâm nàng đã có sự run sợ: Ngô vương tiều tụy quá rồi! Sạm nét phong trần, trông mặt nhà vua khô khốc, không có chút phấn khởi nào, cũng không có nét anh hào nào. Thần sắc của nhà vua mà như thần sắc của một tên quân từ đội ngũ trở về, lại là thứ đội ngũ bại trận, tả tơi, lam lũ...
Lúc nhìn thấy Tây Thi, Ngô vương mỉm cười, ào lại ôm chầm nàng. Sau đó Ngài hỏi bằng giọng nặng nề:
- Tây Thi! Nàng biết việc ở Hoàng Trì...
- Tâu biết. (Nàng cố gắng tỏ ra chính mình thật sung sướng) Đại vương, chư hầu Trung Nguyên đều quy thuận với Đại vương!
- Ơ, chuyến này trẫm thành Minh chủ Trung Nguyên!
Nhà vua cố tỏ vẻ vui mừng, nhưng từ đôi mắt lờ đờ mệt mỏi, Tây Thi không nhận ra một chút hào khí nào. Nàng muốn khích lệ nhà vua song khi nghĩ đến quân Việt, bản thân nàng cũng mất tinh thần nốt!
Dường như hiểu điều Tây Thi muốn nói, Ngô vương nắm nhẹ tay nàng bảo nhỏ:
- Chúng ta về Ngô cung hẵng nói. Bây giờ trẫm còn mấy việc cần làm.
Vừa nói, Ngô vương vừa kéo Tây Thi lên gò nổi, tuyên bố cho toàn quân được nghỉ ba ngày. Binh sĩ đang mệt mỏi rập tiếng hoan hô, gọi to “Đại vương!” Nhà vua cười khổ nói với Tây Thi:
- Ba quân mệt mỏi quá, trẫm muốn cho họ nghỉ xả hơi.
- Tại Hoàng Trì, không có tác chiến chứ?
- Không. Nhưng trên đường về, chúng ta bị mưa thu đánh bại. Thật là bất hạnh, suốt đường mưa...
- ở đây không mưa... Chỉ có hôm trước, có mưa một lần...
Tây Thi ngẩng nhìn trời, bắt gặp vòm trời xuống thấp. Phương Bắc đã mưa, ở đây hôm trước có mưa, thế là mùa mưa đã bắt đầu. Nghĩ ra thế, nàng ảo não.
Về đến Ngô cung, Tây Thi ra lệnh ca hát ăn mừng thắng lợi Hoàng Trì. Tuy là một “hư vinh thắng lợi”, nhưng về hình thức, không thể không tổ chức ăn mừng để quân dân Ngô biết sự thành công vĩ đại của nhà vua họ.
Được nghỉ ngơi, binh sĩ cũng ăn mừng thắng lợi.
Nhưng tin tức từ cuộc giao tranh Ngô Việt cứ loan truyền "trong những ngày thắng lợi” ấy. Cú Khúc nhận được nhiều tin tức, chẳng bao lâu, quân sĩ đều hiểu rõ tình hình Việt tấn công Ngô. Họ biết thêm địa danh Huề Lý, có nghĩa quân Việt đã xâm nhập Ngô rồi và chiếm cứ một vùng khá rộng lớn.
Mọi người đang ca vang, ăn uống, nhưng cũng đang nơm nớp âu lo... Sau ba ngày nghỉ ngơi sẽ là một trường quyết chiến.
Trong quân, nhiều người lần lần nhắc lại di ngôn của Ngũ Tử Tư. Theo dự đoán của vị lão thần nhà Ngô thì quân Việt sẽ tấn công Cô Tô... san bằng Cô Tô thành bình địa.
Rồi người ta tự hỏi:
- Bây giờ đã đến lúc chưa?
Tại Ngô cung, Ngô vương tiếp kiến vài vị tướng quân đoạn tắm rửa, thay đồ ngủ rộng và mềm rồi kéo Tây Thi đến Sùng đài. Gọi Sùng đài vì đài rất cao, hình thức kiến trúc có phần giống Cô Tô đài. Nhưng vì diện tích Ngô cung nhỏ nên Sùng đài cũng nhỏ theo cho cân đối.
Sùng đài được kiến tạo bằng nhóm thợ Lỗ đã kiến tạo Quán Oa cung tuy không vĩ đại nhưng rất tinh xảo. Sùng đài có hai tầng. Bốn bên tầng đều có cửa sổ, từ cửa phía Nam nhìn xuống có thể thấy toàn khu chợ Cú Khúc. Nhìn từ cửa phía Bắc và Tây thì thấy một dãy ngô đồng. ở mặt Đông có rừng trúc và hồ, nhìn xa hơn nữa có thể nhìn thấy chợ búa. Đến Ngô cung, thời gian Tây Thi và Ngô vương ở Sùng đài nhiều nhất.
Bấy giờ, Tây Thi đặt Ngô vương nằm xuống rồi ngồi kề bên xoa bóp cho nhà vua. Ngô vương lim dim mắt nói:
- Cho trẫm một ly!
Nốc cạn ly rượu từ tay Tây Thi, Ngô vương nắm luôn tay nàng hỏi:
- Khanh mệt?
Sự dịu dàng của nhà vua làm cho Tây Thi cúi gầm, úp mặt trên vai ngài.
- Tây Thi! Thật không ngờ...
Tuy Ngô vương không nói hết câu nhưng việc không ngờ đây tự nhiên là việc không ngờ quân Việt xâm nhập. Bởi từ gặp mặt, cả hai chưa nói đến chuyện giao tranh giữa Ngô Việt. Thế nên, bây giờ Tây Thi nói:
- Quân vương, Câu Tiễn đã hướng dẫn khá đông binh...
- Phải. Trai tráng toàn nước Việt đều xung vào quân đội. (Ngô vương thở dài thườn thượt) Câu Tiễn muốn đấu cùng trẫm một trận sống chết.
- Quân vương! (Tây Thi lo ra mặt) Thái tử ở Bình Vọng có thể ngăn được đám binh của Câu Tiễn không?
Tây Thi hỏi thật nhỏ, vừa hỏi vừa lựa lời. Nàng không dùng hai tiếng “đánh bại”, bởi với thân phận của nàng, hai tiếng ấy đáng thẹn khi dùng. Hơn nữa, theo nàng thấy, Thái tử Hữu mà đánh bại quân Việt là một hy vọng quá xa vời.
Ngô vương còn thiếu tin tưởng hn nàng:
- Ngăn được... có thể ngăn được vài ngày... Duy có một việc trẫm sai lầm là tân quân Bình Vọng...
- Quân vương không lầm đâu!
Tây Thi chận lời nhà vua, không muốn để nhắc đến vấn đề đau khổ “Tân quân Bình Vọng”. Vì số quân này, Ngô vương đã giết Ngũ Tử Tư. Rồi cũng vì Ngô vương đích thân điều động số quân này, đến Hoàng Trì mà mặt trận Bình Vọng ngày nay suy yếu. Để tránh tất cả, Tây Thi nói:
- Cuộc họp mặt ở Hoàng Trì quan trọng hơn tất cả!
- Trẫm cũng nghĩ vậy. (Ngô vương nghiến răng) Hận là hận Câu Tiễn không có lương tâm! Ôi, cho thêm trẫm một ly...
Ngô vương lại nốc cạn ly thứ hai, Tây Thi tiếp tục xoa bóp cho nhà vua, khá lâu sau mới hỏi:
- Quân vương, thiếp có thể hỏi được không?
Nàng nhìn rót vào Ngô vương, chập sau hỏi:
- Bình Vọng khẩn trương, tại sao Quân vương lại cho quân nghỉ ở đây?
- Cánh quân này không nghỉ thì cũng không thể tác chiến. Ngô vương uống ly thứ ba. Vào lúc huy hoàng nhất lại là lúc Ngô vương gặp cảnh gian nan nguy hiểm nhất, không ai có thể tưởng tượng được. Ngô vương đoạt ngôi Minh chủ chư hầu Trung Nguyên để bị quân Việt chiếm mất một phần lãnh thổ.
Nhưng lúc Ngô vương o não thế này lại là lúc Tây Thi nhận thấy nàng đã yêu sâu xa nhà vua. Tình yêu có lúc là sự an ủi, vỗ về, có lúc là của kẻ mạnh dành cho người yếu, có lúc như mẹ đối với con...
Tây Thi như thế đó, với sự xúc động không sao giải thích, nàng gục xuống ôm chân nhà vua. Ngô vương hiểu được, nhắm mắt nghĩ thầm: Cứ được gần nàng thì trong bất cứ gian khổ nào cũng có được hạnh phúc...
Ngô vương ngủ trong vòng tay người đẹp. Tây Thi nghe tiếng ngáy của nhà vua, không muốn làm kinh động ngài nên cắn răng chịu mỏi tay, chịu tê chân giữ tròn tư thế.
Lâu lắm, lâu lắm mới có tiếng Ngô vương lẩm bẩm:
- Tây Thi! Chỉ cần chúng ta ở bên nhau...
Ngô vương vẫn nhắm mắt, vẫn ngủ say và lời nói kia là lời trong mộng, gây xúc động mãnh liệt hơn cả lúc nhà vua thề nguyền gắn bó khi tỉnh. Tây Thi vì lời trong mộng mà ứa nước mắt.
Ngô vương trở mình, thoát khỏi vòng tay của nàng.
Tây Thi vẫn ngồi trơ đó, trầm tư.
Đêm trầm trầm, tiếng người bên ngoài im bặt.
Gió thu lay nhẹ cành trúc xào xạc ngô đồng, tiếng cành lá lắt lay, tiếng lá rơi, tiếng lá rơi song nghe chừng trĩu nặng.
Gió thu cũng không ngừng ngắt tỉa lá ngô đồng gây nên thanh âm xào xạc làm cho Tây Thi cảm thấy xốn xang, bấn loạn. Nàng đứng lên bước ra ngoài, nơi Di Quang và bốn thị nữ nghiêm trang đứng chờ.
Nàng nói:
- Không có chuyện gì. (Tây Thi chỉ tay) Vào thu gọn đồ đạc bên trong đem ra.
Bảo xong, Tây Thi bước đến bên cửa sổ. Chợt có tiếng động nhỏ phía sau cây ngô đồng dường như tiếng sáo, cũng dường như tiếng gió lùa cành trúc khiến Tây Thi rùng mình.
Tây Thi lắng nghe rõ hơn, thì ra là tiếng người:
- Đoạn trúc, tục trúc, phi thổ, trục nhục...
Đó là bài ca bắn tên của nước Việt, nay lời ca lại vang lên tại Ngô cung, tại Cú Khúc. Nghe đi nghe lại hai lần, Tây Thi mới nghe rõ. Nàng biến sắc, đưa mắt nhìn chầm chập vào các thị nữ, hỏi giọng run run:
- Ai?
Trên Sùng đài vắng ngắt như tờ. Không có tiếng người hồi đáp vì các thị nữ bấy giờ cũng bị lời ca Việt thu hút.
-...Đoạn trúc, tục trúc, phi thổ, trục nhục...
(Chặt trúc, nối trúc, liệng đất, đuổi thịt).
Lời ca chưa dứt, Tây Thi càng sậm mặt hỏi lại:
- Ai?
Di Quang cũng có phần bối rối hồi đáp:
- Không hiểu là ai.
- Di Quang... tìm Bốc thần đến đây!
Tây Thi ưỡn thẳng người, nhưng cùng lúc ấy nàng nhớ đến Ngô vương bên phòng trống nên vội chạy vào. Ngô vương ngủ vùi.
Trên mặt nhà vua đầy những đường nhăn năm tháng. Tây Thi chợt nhớ đến tình cảnh lúc nàng mới đến cung Ngô. Bấy giờ, Ngô vương là một thanh niên cường tráng... Con người miệt mài bao tháng năm, con người ấy già rồi.
Di Quang đến gần màn gọi nhỏ:
- Tây Thi!
Ngỡ kẻ bề tôi đã tới, Tây Thi lại bước ra. Không ngờ bắt gặp Triền Ba mặc áo choàng đi mưa đứng ở đầu bên trái. Tây Thi bất mãn hỏi:
- Không đi gọi người à?
- Không, Triền Ba có việc muốn nói...
Di Quang đáp nhỏ. Tây Thi đi sang bên trái, nhìn chầm chập vào Triền Ba. Triền Ba nói liền:
- Tây Thi, Đại phu Phùng Đồng đã đến.
Tây Thi phát giận:
- Phùng Đồng đứng ca bên dưới à?
- Không phải Người đâu! Phùng đại phu đã đến từ khuya đêm qua, gặp phiả hôm nay đại vương về nên mãi đến chiều nay mới liên lạc với tôi được.
Tây Thi cắn răng, không muốn nghe nói về Phùng Đồng. Nhưng nàng không dám không nghe.
Triền Ba nhếch cười, hạ giọng tiếp:
- Tây Thi! Phùng đại phu sợ Phù Sai về kịp Cô Tô. Người bảo với tôi, quân binh chúng ta có thể đánh phá Cô Tô thành trước khi Phù Sai về đến. Không ngờ Phù Sai về nhanh quá.
- Có phải Phùng Đồng muốn tôi ngăn Phù Sai trở về?
- Không, Người chẳng nói gì đến điểm ấy, tự nhiên Người biết không ai có thể ngăn được Phù Sai (Triền Ba lại nhếch cười) Nhưng Phùng đại phu lại mong chúng ta dốc toàn lực trong cố gắng sau cùng.
Tây Thi xanh mặt. Nàng không muốn hỏi thêm, bởi nàng tự biết nàng không thể làm gì hơn.
- Tây Thi! Ngày mai Phùng đại phu sẽ yết kiến đại vương người phụng mạng Bá Hi đến Cú Khúc đón tiếp đại vương đó.
Tây Thi cúi gầm, trầm ngâm lúc lâu mới hỏi:
- Phùng đại phu có nói gì về quân sự không?
- Không. Đại phu cũng chẳng nói gì đến chuyện đánh chác.
Tây Thi lách mình, giấu vẻ buồn phiền. Triền Ba nói luôn:
- Tây Thi, tinh thần đại vương dường như kém lắm. Nhìn thấy quân binh vừa về, đại phu nhận xét họ không thể giao đấu.
Câu nói ấy như mũi tên cắm phập vào tim Tây Thi. Nàng nhận thấy tim nàng nhói đau và theo thói quen, nàng ôm ngực, đi vào trong.
Bên ngoài đã dứt tiếng ca. Tây Thi không lên cơn đau tim nữa nhưng nàng không có cách nào trở lại bình tĩnh. Ngày mai, ôi ngày mai đáng buồn làm cho nàng day dứt mãi không thôi.
Tiếng trống canh trong quân nổi lên lần thứ nhất.
Từ cây ngô đồng bỗng có tiếng lắc rắc. Tây Thi lại bước đến bên cửa sổ nhìn ra, giọt mưa lạnh phả vào mặt nàng.
Mưa len lén bủa xuống Giang Nam rồi! Mưa thu, thứ mưa đáng nguyền rủa đã đánh ngã quân Ngô ở Giang Bắc, giờ lại đuổi theo quân ấy xuống Giang Nam!
Sáng sớm ngày sau, Cú Khúc chìm trong gió thảm mưa sầu. Trời xuống rất thấp, tinh thần Ngô vương càng xuống thấp... Đúng lúc ấy bỗng có tin cấp báo từ Cô Tô đài đưa đến. Người đưa tin ướt đẫm mưa thu, không có áo choàng, không giữ lễ tôn kính nhà vua, mà cầm miếng bài đồng đi thẳng vào cung, Ngô vương nhận được tin báo liền ra lệnh cho sứ giả bước lên Sùng đài.
Sứ giả ấy do Vương Tôn Hùng phái đến để báo một tin vô cùng ác liệt: Thái tử Hữu bại trận ở Huề Lý, tình trạng sống chết không rõ.
Ngô vương sửng sốt, nhìn sững Vương Tôn Lạc đứng kề bên, không nói được lời nào.
Vương Tôn Lạc cố tình giữ bình tĩnh hỏi sứ giả:
- Tình hình chiến trận như thế nào, ngươi có biết không?
- Thái tử đã giao tranh với quân Việt ba lần ở Huề Lý, đều không bị bại. Về sau Phạm Lãi mang đến một cánh quân và thay quyền chỉ huy của Gia Kê Dĩnh thì... (Báo sứ thở dài) Đầu tiên, Phạm Lãi cho lùa một số tù nhân ra mặt trận bày thành hàng chữ nhất. Liền đó số tù nhân ấy tự sát hết. Quân ta thấy thế không hiểu vì sao, lại cho rằng Việt vương biết tội nên muốn nhân đây cầu hòa. Không ngờ Phạm Lãi bày mưu ở mặt chính để cho hai cánh quân hai bên dùng xe xung phong bao vây thái tử.
Ngô vương tròn xoe mắt:
- A!... Về sau thế nào?
- Sau đó, chúng ta mới biết cánh quân của Gia Kê Dĩnh chuyển sang tấn công Bình Vọng. Lại thêm có quân Cố Lăng của Việt vương dùng đường thủy vượt qua Huề Lý, quân của thái tử bị đánh tách ra làm nhiều nhóm và bị bao vây. Theo người trốn thoát được về nói thì...
Ngô vương lại kêu lên tiếng “A!” lần thứ hai. Theo tin báo ấy thì thái tử dữ nhiều lành ít.
Vương Tôn Lạc trịnh trọng đề nghị:
- Đại vương! Chúng ta nên gấp rút phát binh đi cứu.
Ngô vương nín lặng lúc lâu rồi truyền lệnh cho báo sứ nghỉ ở phòng bên phải. Ngài nhìn đăm đăm vào chỗ báo sứ đã đứng, ở đó nước đọng vũng! Mưa thu liên miên, nước ướt thế này là một sự thật nói rằng không thể hỏa tốc phát binh đi cứu được.
- Đại vương! Sau trận Huề Lý là tới Cô Tô thành đó!
- Vương Tôn Lạc! (Hai tay Ngô vương vịn chặt ghế nhỏ) Trước hết phải truyền toàn quân tinh nhuệ phái đi một cánh chứ xe không đi được. Không có xe thì cho binh sĩ cỡi ngựa! Phải nhớ, liệu thấy tình hình không ổn thì muôn vạn lần cố tránh giao tranh. Cứ lui về phòng thủ Cô Tô cũng không có gì trở ngại. Quân Việt từ xa đến, lợi ở thế tốc chiến. Chúng ta có thành để thủ thì phi cố thủ, đợi họ mệt mỏi, hết lương, chúng ta sẽ tấn công. Vương Tôn Lạc, khanh mang báo sứ đi theo luôn.
Dường như sấm gầm, sét chớp thoáng chốc qua đi, Ngô cung trở lại vẻ lặng lờ. Ngô vương đứng lặng phòng ngoài, Tây Thi đứng lặng ở phòng trong.
Mưa thu sụt sùi nhỏ giọt trên mái hiên chy xuống, chảy mãi.
Còi hiệu vang vang, trống giục ầm ầm, binh xa điều động.
Lúc đồ ăn trưa đưa đến Sùng đài, Tây Thi từ trong bước ra.
- Tây Thi!
Tiếng gọi của nhà vua đang đứng lặng làm cho Tây Thi giật mình. Nhà vua cúi gầm nói tiếp:
- Tây Thi! Trẫm muốn đi xem...
- Ăn xong rồi hẵng đi có được không?
Ngô vương giở nắp thố, tùy tiện gắp đại một đũa thịt cho vào miệng, uống thêm một ly rượu. Rượu thịt hình như giúp cho nhà vua dần bình tĩnh. Ngập ngừng một thoáng, Ngô vương đặt hai tay lên vai Tây Thi:
- Tây Thi! Trẫm có thể đủ sức đối phó với các khó khăn.
- Đại vương! Tại sao Vương Tôn Lạc không xuất binh đi cứu?
- Báo cáo không rõ lắm. (Ngô vương dường chẳng mấy quan tâm) Trẫm tin là Vương Tôn Hùng không thể ngồi nhìn! (Ngô vương bỗng vung tay) Hận là Bá Hi sáng nay còn cho gia thần đến gặp trẫm bảo là cuộc diện hòa hoãn!
Sau bữa ăn, Ngô vương mang giáp rời Ngô cung đi xem đội ngũ do Vương Tôn Lạc tập trung. Vương Tôn Lạc tuyển ngay trong đội quân mình hai trăm chiến xa, năm trăm kỵ binh và hai ngàn năm trăm bộ binh, chia làm ba cánh xuất phát. Kỵ binh đi trước, binh xa ở giữa và bộ binh đoạn hậu.
Vương Tôn Lạc trịnh trọng nói:
- Thần hy vọng trong vòng ba hôm có thể đến Cô Tô.
Bấy giờ, có tướng quân Tích Lặc tới, Vương Tôn Lạc liền chuyển giao binh vụ ở Cú Khúc cho Tích Lặc. Tích Lặc cũng báo cho Ngô vương biết đám quân đi trước đã vượt qua Vô Tích, có lẽ giờ này đã đến Cô Tô. (Cánh quân này đã được Ngô vương cho về lúc Ngài còn ở Hoàng Trì).
Ngô vương yên tâm phần nào, ra lệnh cho Tích Lặc điều chỉnh lại quân Cú Khúc, để người già cả, yếu đuối ở lại, số tinh tráng thì phi sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng có thể xuất phát.
Mưa rất lớn, đoàn quân của Vương Tôn Lạc lên đường giữa cơn mưa lũ.
Quá trưa chẳng bao lâu, lại có tin từ Giang Bắc gởi về: Binh Sở đã phát động rồi.
Tình thế hết sức rõ ràng: Sở và Việt liên kết thành kẻ hô người ứng! Nhưng Ngô vương không xem binh Sở là trọng. Ngài biết quân Sở không có sức qua sông tấn công. Chỉ cần Ngài đối phó được với quân Việt thì lực lượng dư ra cũng đủ đối phó với binh Sở. Hơn nữa, chiếu theo ý kiến của người đưa tin báo cáo, Ngô vương hạ lệnh cho quân đội ở bờ Giang Bắc cố tránh giao tranh với Sở. Đồng thời Ngài ra lệnh cho đội ngũ ở Hàn Giang lui dần về Giang Nam, tập trung tại Cú Khúc chờ lệnh.
Ngô vương lại đi khắp nơi xem xét. Quân sĩ tập trung ở Cú Khúc quá nhiều, ướt loi ngoi trong mưa. Đa số mệt mỏi không chịu được. ở về ngoại ô phía Bắc lại có hn trăm xe hư hỏng chất đống ngùn ngụt.
Thăm qua từng trại binh, thăm hỏi từng đơn vị, Ngô vương trở lại Ngô cung thì trời sắp hoàng hôn.
Lại có báo sứ đến nữa, mang theo tin báo tồi tệ: Thái tử Hữu hạ lạc về đâu không rõ. Quân Việt từ Huề Lý kéo đến công hãm Bình Vọng, Vương Tôn Hùng xuất binh đến giữ Ngô Giang.
Ngô vương bứt tóc:
- Thái tử chết rồi!
Nhà vua ảo não ngồi xuống, chẳng bao lâu lại truyền đòi Tích Lặc vào nhận lệnh: Sáng sớm mai hồi sư. Ngô vương không sao giữ được hạn phép cho quân nghỉ ba ngày.
Đợi nhà vua lấy lại bình tĩnh một chút, Tây Thi mới xuất hiện cởi áo đi mưa cho nhà vua. Nhưng ngoài hai tiếng gọi: “Đại vương!”, nàng không nói thêm gì cả.
Ngô vương lại nói:
- Tây Thi! Không việc gì phải lo!
Bữa ăn đêm thật buồn. Cả hai ngồi đối diện nhau, Ngô vương không ngừng uống rượu. Tây Thi cũng uống. Tâm tình cả hai như giọt mưa thu giữa trời không ngừng rơi xuống, xuống thấp mãi.
Còi hiệu vang lên trong mưa rồi chìm vào tịch mịch. Sau đó, trong tiếng mưa rơi chợt có tiếng ca run run như tiếng Tây Thi đã nghe được đêm qua. Duy có nội dung lời ca thì khác.
Trong tiếng mưa ri có tiếng ca rằng:
- Ngô Cung thu, Ngô vương sầu!... Ngô Cung thu, Ngô vương sầu, Ngô vương sầu... Ngô vương sầu...
Ngô vương lắng nghe, lắng nghe... chợt đẩy ly ra giận thét:
- Bắt lấy nó! Ai...? Hãy bắt lấy nó! Giết!
- Phù Sai! - Tây Thi ôm chầm nhà vua.
Tiểu thần phụng vương mạng, vội vã xuống lầu. Thị vệ Ngô cung cũng được huy động tìm bắt người ca.
Ngô vương thét rống:
- Bắt lấy nó! Giết!
- Phù Sai, đừng màng đến chuyện ấy. Nghe tiếng hát thì hình như là tiếng con nít ca tầm ruồng!
Ngô vương ngồi xuống, giận nốc nguyên ly rượu.
Chẳng bao lâu, Tiểu thần vào báo cáo đã bắt được bốn đứa con nít ca hát. Ngô vương nghiến răng hạ lệnh:
- Giết hết!
- Quân vương, xin tha cho chúng! (Không đợi nhà vua đồng ý, Tây Thi quay bảo Tiểu thần) Đem chúng đi đi cho thật xa!
Nói xong, Tây Thi nâng ly kề môi Ngô vương:
- Quân vương! Chúng ta không nên để bị ảnh hưởng của người khác. Thiếp kính quân vương một ly, chúc ngài sẽ đuổi quân Việt ra khỏi bờ cõi.
Ngô vương lặng thinh, sau đó nhận uống một ly rượu đắng. Trong đời Ngô vương, đây là ly rượu đắng đầu tiên.
(1) Cũng có cách đọc trại là “sáp huyết”, nghĩa là cắt máu hòa nhau.