gày xưa người chiến binh ngoài mặt trận muốn gởi thư về nhà cũng phải mất cả tháng trời ngựa chạy hay nửa tuần trăng chim nhạn bay. Nay, ngồi trước máy vi tính, chỉ cần nhắp chuột vài lần là đã có thể gởi một bức thư kèm hình ảnh của mình cho người thân đang ở bên Mỹ trong vòng không tới mười giây đồng hồ. Rõ ràng là lịch sử nhân loại có những bước tiến lớn. Nhưng có một thứ mà từ hàng ngàn năm nay chẳng những không tiến mà còn bước lùi, không phát triển mà còn thoái hóa. Đó là TÌNH YÊU. Ngày xưa khi yêu nhau người ta thề cùng sống chết, ví dụ như mối tình Trọng Thủy – Mỵ Châu. Khi Trọng Thủy chạy theo dấu lông ngỗng, thấy vợ mình nằm chết bên đường thì vô cùng đau xót, chàng an táng vợ rồi nhảy xuống cái giếng trong thành Cổ Loa mà tự tử. Bên Tây cũng có Roméo và Juliette yêu nhau mà không lấy được nhau, đành cùng chết trong chốn nhà mồ… Ngày nay, những chuyện tình đồng sanh đồng tử như thế đều bị xem là lẩm cẩm, lỗi thời. Không ít những cô gái ngày nay buổi sáng hẹn hò với anh chàng này, tối đến nhảy đầm với anh chàng nọ. Trong chuyến đi từ Moscow về Seoul tháng 11 năm ngoái tôi gặp một cô hướng dẫn viên du lịch người Hàn Quốc. Ban đầu nói về các trang web, sau đó chuyển qua đề tài điện thoại có hình ảnh. Cô gái kể rằng những người bạn của cô ở Seoul rất táo bạo. Họ làm quen với nhau trên mạng và sau đó nói chuyện với nhau bằng điện thoại có hình. Nhưng chỉ nhìn thấy mặt nhau, hai người chưa thỏa mãn tính tò mò, họ đồng ý cho nhau xem những bộ phận khác của cơ thể. Và thế là mặc dù chưa hề gặp gỡ nhau, nhờ chiếc điện thoại truyền hình, họ đã có thể biết tường tận về cơ thể của nhau rồi. Cho nên nam nữ ngày nay sẽ không còn tìm thấy sự hồi hộp khi chạm vào ngón tay của người tình, sự ngất ngây bởi một mùi hương tóc thoảng qua. Lớp trẻ bây giờ yêu nhau và bỏ nhau như thay áo. Buổi sáng bị bồ đá, buổi chiều đã có ngay bồ mới vì tên tuổi của hắn ta đã nằm sẵn trong bộ nhớ của chiếc hand-phone. Họ ăn món tình yêu một cách ngấu nghiến. Họ vồ lấy, bỏ vô miệng và nuốt, không cần nhai. Có lẽ vì món ăn bây giờ nhiều quá, không phải mất tiền mua. Họ ăn nhanh, họ hưởng thụ tối đa, không kịp nhận ra hương vị. Một cô gái trẻ đến nhà một chàng trai nhưng chàng ta đi vắng. Cô gái chui vào giường của chàng nọ, kéo mền, ngủ và chờ đợi. Tôi đã chứng kiến nhiều cô gái trẻ chờ đợi như thế trên cùng một chiếc giường. Một lá thư tình buộc dưới chân con chim nhạn hoàn toàn khác với một lá thư tình truyền qua mạng internet, vì thế bản chất của tình yêu cũng đã khác. Tình yêu ngày xưa là cái gì mong manh như mây khói, nên nó lãng đãng, nó nhiều truyền thuyết và đầy chất huyền thoại. Tình yêu bây giờ là tốc độ, hưởng thụ và thực dụng. Các nhà thơ trẻ bây giờ chê, không làm thơ tình nữa. Hỏi thế gian tình là vật gì? Mà khiến sinh tử tương hứa Trời Nam đất Bắc song phi nhạn Cổ thụ mấy mùa hàn sương Hoan lạc thú, biệt ly sầu Nỗi khổ chứa đầy tình tương tư. Những câu thơ ấy vang lên giữa núi rừng, sau một trận tử chiến. Người ngâm nga nó là một nữ sát thủ tên là Lý Mạc Sầu. Nhân vật này lòng đầy oán hận, giết người không gớm tay. Đó lại là một dạng khác của tình yêu: tình yêu biến thành tình thù. Nhưng bài thơ trên chắc chắn không dành cho ả. Đó là bài thơ mà nhà văn Kim Dung viết tặng cho mối tình của Dương Qua và Tiểu Long Nữ, và đã mượn cái miệng của Lý Mạc Sầu gởi thông điệp xót xa ấy cho thế gian. Hỏi thế gian tình là vật gì? Xưa nay người ta thường hỏi: tình là gì? Không ai hỏi tình là VẬT gì. Chữ VẬT khiến ta liên tưởng đến một món nợ phải trả, một thực thể hiện hữu trấn giữ ngạo mạn giữa tâm trí, một biểu tượng quyền lực chi phối, quyết định vận mạng đôi lứa và có lẽ còn là một linh vật kiểu như linga hay yoni trong văn hóa Chăm đầy ấn tượng. Vật cũng có thể là một cái gì mong manh như sương khói, thoắt ẩn thoắt hiện như chiếc lá khô, như áng mây hay như cái bóng. “Tình yêu là cái bóng của mình, khi ta đuổi theo thì nó chạy nhưng khi ta bỏ chạy thì nó đuổi theo… Tình yêu là con quái vật kỳ lạ: khi ta bỏ đói thì nó sống, khi cho nó ăn no thì nó chết.” Vì nó đầy nghịch lý như thế nên Lý Mạc Sầu vẫn cứ hỏi thế gian: Tình là vật gì, mà khiến sinh tử tương hứa? Không ai biết nó là vật gì nên nó là tất cả: là một cơn mưa, một vạt nắng chiều, một giọt sương trên lá hay một giai điệu: Những ngày không có anh, biển bạc đầu thương nhớ. Những ngày không có anh, lòng thuyền đau rạn vỡ. Tình yêu vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa khơi nguồn sức sống vừa gieo rắc cái chết, nó đem lại hạnh phúc nhưng cũng nhận chìm con người trong khổ đau. Tình yêu tạo ra văn học nghệ thuật nhưng cũng gieo rắc chiến tranh. Ngày xưa, Ngô Tam Quế chỉ vì người thiếp yêu của mình là Trần Viên Viên bị Lý Tự Thành chiếm đoạt mà đã đầu hàng nhà Thanh và dẫn quân Thanh về tiêu diệt nhà Minh. Họ Ngô đoạt lại người đẹp nhưng nhà Thanh thì đoạt được cả một đất nước Trung Hoa rộng lớn, lập nên một đế chế hùng mạnh tồn tại suốt mười ba triều. Cuộc tình giữa Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên đã gây nên một cuộc chiến tàn khốc làm cho hàng vạn người chết trong số đó có gia tộc của Ngô Tam Quế bị Lý Tự Thành tru di. Không có cái gì đa dạng bằng tình yêu. Tình yêu là một thế giới Nhị Nguyên, tương phản cùng cực nhưng cũng dung hợp cùng cực. Nó là Thái Cực Đồ: bao gồm hai yếu tố âm và dương, trong âm có dương và trong dương có âm, tương tác, vận động và chuyển hóa thành vạn vật. Tình yêu giống như cái ĐẠO của Lão Tử. Nó bao trùm vũ trụ. Cũng như nó đã bao trùm lên cuộc tình của hai nhân vật Tiểu Long Nữ – Dương Quá và liên tiếp đẩy họ vào những tình huống chết người để thử thách lời thề đồng sinh đồng tử. Mối tình ấy là lời nhắn gởi cho đời sau, cho những thời đại mà tình yêu đang bắt đầu tàn héo.