35.Chiều thứ tư của ngôn ngữ

    
ới đây, trên các báo của thành phố HCM hay có các bài phỏng vấn các nhà văn. Một câu hỏi quen thuộc thường đặt ra: Anh trở thành nhà văn như thế nào? Ða số những người được hỏi thường thuật chuyện lại hồi nhỏ mê văn chương ra sao, vào nghề thế nào, và nhờ đâu mà trở thành một nhà văn chuyên nghiệp.
Thực ra nghề văn là một nghề mà biên giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư rất mong manh. Có người in chục cuốn tiểu thuyết mà vẫn chưa hiểu văn học là cái gì, ngược lại cũng có kẻ mới in một bài thơ đầu tay mà người đọc phải giựt mình. Thế thì ai là nghiệp dư, ai là chuyên nghiệp?
Gẫm lại nghề văn là một nghề phiêu lưu, nếu không nói là phiêu lưu nhất trong các nghề mạo hiểm.
Bởi nó khởi hành mà không biết dừng chân ở đâu, nó ra khơi mà không có ý niệm về bờ bến, nó tưởng mình thuận buồm xuôi gió mà lại gặp bão tố quay cuồng, nó cứ ngỡ cập bến vinh quang hóa ra chỉ là một xóm chài nghèo nàn heo hút.
Chọn nghề văn, phải là những kẻ liều mạng, những kẻ điếc không sợ súng. Gần như nhà văn nào cũng thế, nhưng không mấy ai hiểu điều đó. Hắn hình dung ra một câu chuyện và hắn kể lại có đầu có đuôi, thêm thắt vài đoạn tả cảnh, vài tình tiết gay cấn, vài đoạn triết lý cao xa… thế là thành một cuốn tiểu thuyết.
Thực tế không phải như vậy. Mà đó chỉ là một sự liều mạng.
Có một lúc nào đó hắn dừng lại, đọc lại mình, và thấy rõ rằng mình đã liều mạng. Nhưng cũng có kẻ ngây thơ tin rằng mình “khá “ quá và tiếp tục phiêu lưu.
Nhưng văn học vẫn ngự trị ở một không gian khác.
Nếu thế giới là một không gian ba chiều thì văn học là chiều thứ tư của ngôn ngữ.
Cái chiều thứ tư ấy ở đâu?
Nó đơn giản và có thật. Nhưng ai là người khám phá ra nó?
Kẻ nào khám phá ra nó, kẻ đó là nhà văn, ngược lại, hắn chỉ là một tay cạo giấy. Ngay cả một nhà văn thiên tài, chưa chắc lúc nào trong tác phẩm hắn cũng khám phá ra cái chiều thứ tư ấy. Ðoạn này hắn viết xuất thần nhưng đoạn khác hắn lại rơi vào cõi thô thiển của cái cấu trúc ba chiều tẻ nhạt quen thuộc của ngôn ngữ.
Chiều thứ tư là một cõi huyền ảo, chập chờn và đồng bóng. Không nhập được vào cái cõi quỷ quái ấy của ngôn ngữ, hắn chỉ có thể sản xuất những tác phẩm hạng nhì. Mà nói như Van Gogh: Nghệ thuật không hề có hạng nhì.
Văn học cũng giống như nghệ thuật, nó là một sản phẩm cực kỳ xa xỉ. Nếu Nguyễn Tuân (trong Vang Bóng Một Thời) có thể nhận ra “mùi“ của một hạt trấu trong ấm trà thì nhà văn và người sành điệu văn chương cũng phải có khả năng nhận ra một nốt nhạc lạc lõng trong giai điệu của bản sonate ngôn ngữ, huống chi sự sai lầm trong sáng tác văn học thường là một sự sai lầm toàn diện: hoặc anh đạt đến nghệ thuật, hoặc anh không có gì cả.
Nhà văn chỉ thực sự bước vào nghề khi hắn hiểu được mình đang “phiêu lưu”, đang “giỡn mặt tử thần”. Bởi vì cái đỉnh của nghệ thật mà hắn phải vươn tới, cứ chập chờn trong sương mù, trong băng tuyết, trong bão tố. Ðến được hay không đến được cái đỉnh ấy, ngoài tài năng còn phụ thuộc vào thời tiết, vào hố thẳm, chông gai và những bất ngờ trong cuộc hành trình.
Tác phẩm văn học, vì thế, thường là một quà tặng tình cờ của trí tuệ, thì thử hỏi cái danh hiệu NHÀ VĂN còn phù phiếm dường nào.