gày 22 tháng 10 năm 1946, Helmut Grottrup và những phụ tá của ông đã trải qua một ngày thật vất vả. Họ phải họp suốt ngày với tướng Gaidoukov, vị Tổng kiểm soát viện Institut Rabe và các trung tâm Zentralwerke. Họ bàn luận và nghiên cứu thâm sâu những dự án trong tương lai về lãnh vực hỏa tiễn của Sô Viết. Trên lãnh vực này, Grottrup và các cộng sự viên của ông giữ vai trò chính yếu. Mãi đến chiều buổi họp mới chấm dứt. Họ đã mệt mỏi hết sức rồi, mà tướng Gaidoukov lại còn mời họ ở lại dự tiệc. Ai cũng muốn về nhà nghỉ ngơi, nhưng lại không dám từ chối. Toàn là cao lương, hảo tửu nên buổi tiệc kéo dài đến quá nửa đêm.
Chờ đợi mỏi mòn không thấy chồng về, nên bà Grottrup đi ngủ trước. Khoảng ba giờ khuya bỗng chuông điện thoại reo vang làm bà giật mình tỉnh dậy.
Không phải chồng bà gọi về mà tiếng của một người đàn bà đang hoảng hốt:
- Họ có đưa bà qua Nga không, chính bà cũng bị đi nữa hả?
- Đồ điên! Một hai giờ khuya mà đùa cợt gì kỳ vậy!
Rồi bà bực tức cúp dây ngay. Nhưng điện thoại cứ tiếp tục reo vang: “Người ta đưa bà qua Nga! Lính sắp đến kìa!”. Bà Grottrup bắt đầu tin rằng đây không phải là trò đùa và cái giọng nói sợ hãi kia có một ý nghĩa thật sự.
Thình lình, bà Grottrup nghe tiếng xe đỗ trước cửa. Bà vội chạy lại cửa sổ và thấy nhiều xe cam nhông có hình sao đỏ nổi bật, đang vây quanh nhà bà. Những người lính có mang khí giới liền nhảy xuống đất. Họ vừa đấm cửa vừa nhấn chuông inh ỏi. Bà Grottrup vừa mở cửa ra thì họ ùa vào ngay. Dẫn đầu là một viên sĩ quan có vẻ mặt tươi tỉnh, anh nói với bà bằng một giọng giản dị nhưng đầy lễ độ: Bà phải đi Nga tức khắc với gia đình.
Bà Irmgard Grottrup rủa thầm sao giờ phút này chồng bà lại vắng mặt. Bà liền xin phép đưực gọi ông đang ở lại dinh tướng Gaidoukov. Dĩ nhiên buổi tiệc chỉ là cái cớ để tập trung chuyên viên Đức lại một chỗ và để ngăn cản không cho họ biết những gì đang xảy ra tại nhà họ. Đến khi họ hay được thì mọi sự đã rồi. Tướng Gaidoukov thông báo với các thực khách của ông ta là “toàn thể ê kíp ở Nordhausen phải đi Nga”, sau khi các vợ con chuyên viên đã nằm trong tay của Nga rồi.
Vừa biết được ý định của Nga, thì Grottrup lại nghe vợ kêu điện thoại. Lúc đó đã bốn giờ sáng, ông trả lời: “Tôi không thể làm gì được đâu! Em đừng hỏi gì, đừng phản kháng gì nữa, vô ích! Tôi hoàn toàn bất lực. Chiều nay tôi có thể trở về, nhưng tôi chỉ có thể gặp lại em tại nhà ga mà thôi. Bây giờ, điều duy nhất em nên làm là cố giữ im lặng”.
Khi vào nhà Grottrup, những lính Nga đều mang theo những cái bao to và những cái thùng cây. Trong một giờ, họ dọn sạch cả nhà Grottrup. Chỉ chừa lại những mảnh sành, mảnh ly vỡ dưới đất mà thôi. Bà Grottrup bị đưa ra ga với hai đứa con nhỏ cùng chị vú của chúng. Trời rét buốt và nỗi sợ hãi của bà như chết điếng đi. Mãi đến khi nhìn thấy những bộ mặt lo âu dán sát sau khung kiếng của những toa xe lửa, bà mới hiểu ra.
Sau rốt, người Nga cũng tung kế hoạch Overcast của họ ra, nhưng kế hoạch của họ không có những điều khoản vụn vặt. Họ không chẻ sợi tóc làm tư, họ không đặt vấn đề về gia đình, về sở nguyện của chuyên viên coi họ có bằng lòng đi Liên Sô hay không. Họ cũng không cần kiểm chứng những quá trình chính trị của người Đức. Gần một năm nay, mật vụ của tướng I Von Serov đã âm thầm thiết lập danh sách những người Đức ở khu vực chiếm đóng của họ. Những người này sẽ có thể giúp họ bắt kịp trình độ khoa học của người Tây phương. Trong thời hạn là một đêm ngắn ngủi, họ chuyển tất cả gần năm ngàn chuyên viên Đức đang ở rải rác khắp miền Đông Đức lại một chỗ. Cộng thêm gia đình họ nữa là hai mươi ngàn người được dồn vào những toa xe lửa dài. Kế hoạch Overcast của Nga chỉ giản dị như thế thôi!
Không kể Helmut Grottrup và hai trăm cộng sự viên của ông, đã rơi vào rọ của tướng Serov. Còn hàng ngàn chuyên viên hỏa tiễn khác ở trung tâm thí nghiệm Lehesten, ở các công xưởng Siemens, Telefunken, Lorenz và ở các cơ sở Walter de Prague đều cùng chung số phận. Nhưng mà cảnh sát Nga đã không chịu ngừng ở giới hạn đó. Họ còn ra tay ở các kỹ nghệ hàng không đã được tập trung hết tám mươi phần trăm về miền Silésie (để tránh các cuộc oanh tạc của không lực Anh-Mỹ trước kia). Đây cũng là một chiến lợi phẩm quý báu của họ. Hai ngàn chuyên viên về “thôi chuyển phản lực” ở các xưởng Junkers, Heinkel và Focke-Wulf cũng bị bắt nốt. Những chuyên viên về tiềm thủy đĩnh và những kỹ thuật gia đang làm việc trong các xưởng kiếng Zeiss và Iéna cũng không thoát khỏi kế hoạch Overcast của Nga. Tóm lại, tất cả người Đức có khả năng củng cố tiềm lực quân sự và kỹ nghệ cho Nga, đều bị bắt đưa ra nhà ga.
Đoàn tàu của Grottrup chuyển bánh, hướng về phía Francfort-sur-Oder. Khoảng ba giờ chiều, nó vượt qua biên giới ở Brest-Litovs. Gia đình Helmut Grottrup được dành cho ba phòng. Trong một căn dùng làm văn phòng, Grottrup đang thảo một bức thư cực lực phản đối việc này. Về sau, Bộ trưởng Quân nhu trả lời ông một cách vắn tắt: Hòa ước Postdam đã cho phép Liên Sô phát vãng năm ngàn người Đức để tái thiết lại những gì mà quân đội Quô"c Xã đã tàn phá ở Nga. Nếu Grottrup và các đồng nghiệp không muốn tham dự vào việc nghiên cứu hỏa tiễn hay các hoạt động về khoa học, họ có quyền xin phục vụ với Bộ trưởng Hầm mỏ, họ sẽ được đưa tới các mỏ ở núi Oural để làm việc ngay.
Ngày 27 tháng 10, hai mươi bốn chuyến xe lửa tới Mạc Tư Khoa, dưới bầu trời đầy tuyết. Sau nhiều ngày tá túc trong mấy nhà kho xe lửa, phần đông bị đưa đi đến những vùng xa xôi khắp Liên Bang Sô Viết. Một nhóm chuyên viên hỏa tiễn bị chuyển đến Gorodomilia là một cù lao lớn nằm giữa một cái hồ cách Mạc Tư Khoa ba trăm cây số về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, Grottrup và các cộng sự viên chính thì lại được ở ngay thủ đô. Họ ở gần Datschen, là nơi cư trú của những tài tử màn bạc và nghệ sĩ sân khâu của Nga, kể cả người nữ vũ công danh tiếng Oulanova.
Gia đình Grottrup được ở một ngôi nhà sáu phòng và có nhiều tôi tớ người Nga phục dịch. Những người giúp việc cho Grottrup lấy làm khoái chí khi thấy cái tủ lạnh và cái máy hút bụi của chủ họ.
Một cơ xưởng, trước kia có lần đã phải di tản khi quân Đức tiến gần Mạc Tư Khoa, được sửa chữa lại để biến thành trung tâm nghiên cứu. Grottrup và các bạn nhận thấy người Nga làm việc một cách tắc trách vô cùng. Hơn nữa, họ còn hay tỏ ra tham lam, nên Grottrup không khỏi cảm thấy một chút khinh khi. Các bộ trưởng thì tranh chấp nhau nên luôn luôn làm việc một cách mâu thuẫn, cứ trống đánh xuôi thì kèn thổi ngược. Đốì với những dụng cụ chở từ Đức về thì họ sử dụng phí phạm hết sức. Bà Irmgard Grottrup đã ghi trong nhật ký: “Bởi vậy tôi không ngạc nhiên khi thấy Helmut buồn rầu nên uống rượu hoài”.
Grottrup tranh đấu để nhân viên của ông có được một cái gì tương tự như bản họp đồng. Ông liền phản kháng với Bộ trưởng Kỹ nghệ là tướng Oustinov, ông nói:
- Chúng tôi làm thế nào làm việc được khi chúng tôi không có trong tay một cái gì cả. Chúng tôi không có dụng cụ, không có vật liệu - không có cả bàn thử... Nhiều bàn thử và trang cụ chở từ Đức sang, đang gỉ sét và mục nát dưới tuyết cách đây vài cây số, không bao lâu nữa chúng sẽ trở thành sắt vụn.
- Người ta không đem ông tới đây để nghe ông phàn nàn về những điều mà ông cho là thiếu tổ chức, ông Grottrup ạ.
- Vậy tôi đến đây để làm gì? Tôi muốn biết lý do.
- Ông chịu trách nhiệm về một toán chuyên viên hỏa tiễn và công việc của ông là chế tạo lại A4. Chương trình sẽ tiến hành như đã định.
- Chừng nào chúng tôi có thể trở về Đức?
Oustinov phá lên cười:
- Khi nào ông có thể đặt hỏa tiễn lên quỹ đạo trái đất!
Oustinov thì muốn như vậy, nhưng lại không chịu cải thiện những điều kiện làm việc cho nhóm người Đức. Tuy nhiên Grottrup và các đồng nghiệp của ông luôn luôn nghĩ đến việc tiến bộ của kỹ thuật hỏa tiễn chứ không nghĩ rằng mình phục vụ người Nga, nên lúc nào họ cũng tận tụy làm việc. Cũng như phần đông những người không có chính kiến, họ chỉ có một đam mê duy nhất là: hỏa tiễn.
Trong ý hướng đó, họ miệt mài trong việc kiến tạo và hoàn thiện V2. Chỉ có vợ các ông là thiệt thòi, các bà không ngớt than phiền cho số phận đắng cay của mình và trách các ông chồng chỉ biết có một vấn đề hỏa tiễn mà thôi. Bà Grottrup có viết: “Tôi thông cảm nỗi giận hờn và ghen ghét của các bà. Cho đến bây giờ, không mấy bà vượt qua được cuộc thử thách cam go trong đời sống bên cạnh ông chồng say mê công việc. Các ông này coi việc giải được một phương trình còn quan trọng hơn chiếc giường êm ái. Họ không cần biết có gì trong chiếc đĩa ăn của họ. Cũng như Von Braun, ông thích ăn cả vỏ khoai còn hơn là mất thì giờ để gọt vỏ.
Các bà chỉ có thể trở thành mẹ hiền, vợ ngoan trong gia đình khi nào các bà hiểu được một người say mê, cuồng nhiệt như thế...”
Ngày 26 tháng 8, năm 1947, bà Irmgard Grottrup phải đối diện với một vấn đề đáng ngại hơn những “câu chuyện ngồi lê đôi mách và ghen tuông bóng gió” mà các bà vợ chuyên viên thường to nhỏ với nhau trong hội quán của trung tâm. Một nhân viên Nga báo tin với bà là chồng bà đã đi khỏi Mạc Tư Khoa. Ông ta cũng không biết Grottrup đi đâu và chừng nào trở về.
Bà Grottrup kiên nhẫn chờ đợi trong nửa tháng liền. Bà vẫn không nhận được tin chồng suốt thời gian ấy, nên bà đến gặp ngay viên giám đốc trung tâm. Đó là một người đàn ông vạm vỡ, tóc vàng hoe. Bà liền hỏi thẳng vấn đề bặt tin của chồng bà. Hắn ta đáp:
- Có lẽ chồng bà không thích viết thư, chỉ có thế thôi! Có việc gì xảy ra không? Thực phẩm xấu chăng? Hay bà thiếu tiền tiêu?
- Tôi chỉ đòi chồng tôi!
- Ở nước Nga này thiếu gì đàn ông! Bà muốn đi nghỉ mát vài ngày không?
- Tôi chỉ muốn một điều: chồng tôi trở về. Chừng nào ông ấy về?
- Khi nào xong việc.
Rồi ông ta đứng dậy để tỏ cho bà Grottrup biết buổi tiếp chuyện đã chấm dứt. Trong hai tháng liền, bà Grottrup không ngớt làm phiền chính quyền. Sau rốt, họ cho phép bà đến gặp Helmut. Một chiếc phi cơ chở bà đến Kazakhstan. Grottrup ở một nơi xa thành phố Stalingrad hai trăm cây số về phía Đông. Đây là một thành phố tạm thời, tạo bằng những chiếc lều và xe cam nhông, nằm giữa miền tuyết giá Tây Bá Lợi Á. Chỉ có Irmgard là người đàn bà độc nhất hiện diện chốn này. Xa hơn vài cây số là một đài phóng: chồng bà phải rời Mạc Tư Khoa để đến đây phóng hỏa tiễn. Cuộc thí nghiệm sắp diễn ra. Một toán thợ hàn ở Stalingrad đã ráp lại một bàn thử mang từ Đức về.
Họ đã định sáng ngày 30 tháng 10 năm 1947 sẽ thực hiện công việc trọng đại ấy. Tối hôm trước, tất cả người Nga cũng như người Đức đều thao thức không ngủ được. Các sĩ quan cao cấp Nga và các nhà bác học lỗi lạc Đức đều có mặt ở pháo đài để quan sát. Phải mất hết hai giờ mới đổ xong nhiên liệu, Tất cả các đài định-chuẩn-điểm đều bật đèn xanh. Những bộ phận đều ăn khớp với nhau và tiếng đếm ngược bắt đầu. Bà Grottrup ghi: “Thần kinh
căng thẳng đến độ tôi muốn thét lên một tiếng”. Nhưng, năm phút trước giờ H, cái đà ngang chông đỡ hỏa tiễn lại lún xuống.
Giọng đếm đứt quãng thình lình. Một cây trụ lại gãy sau khi một cây đinh tán sút ra. Người ta cấp tốc thay ngay những vật dụng đã hỏng. Người ta đặt cây đà lại chỗ cũ, và đặt hỏa tiễn lại đúng vị trí và tiếng đếm ngược lại bắt đầu.
Cách giờ H một giây. Helmut Grottrup ra lệnh “Start Freie!” giống như công việc ngày xưa ở Peenemunde, tướng Dornberger đã lừng làm. Chiếc hỏa tiễn tầm xa đầu tiên của Liên Sô đã xuất hiện. Đó là chiếc hỏa tiễn cũ ở Nordhausen đã được chở về miền băng giá Kazakhstan này. Nó từ từ bay lên sau khi phun lại một đám bụi mịt mù. Rồi nó gia tăng tốc độ, bay vút lên và biến dạng trong khoảng trời xanh. Một chiếc phi cơ thám thính cũng cất cánh bay theo. Một giờ sau, nó báo tin về là V2 đã đạt được mục tiêu xa hơn 300 cây số. Vị giám đốc căn cứ chạy lại ôm chặt Grottrup trong đôi tay ông ta, trong khi các kỹ thuật gia và những người thợ Nga hò reo vui mừng. Những người Đức cũng mãn nguyện vì thành quả đó nhưng không tỏ ra hào hứng cuồng nhiệt như người Nga. Dường như đối với họ sự thành công này không có gì lạ cả.
Vài người tự hỏi: có phải chăng nhiệm vụ của họ ở Sô Viết đã chấm dứt và từ bây giờ họ có thể trở về quê hương.
Nhưng việc phóng được V2 không hề có nghĩa là nhóm chuyên viên Đức sắp được hồi hương. Trong khi cực kỳ hoan hỉ, người Nga lại tuvên bố với Grottrup: họ mong rằng V2 sẽ được cải tiến, tầm tác xạ của nó sẽ tăng thêm. Vậy cần phải thực hiện những cuộc thí nghiệm khác và những cuộc nghiên cứu mới nữa.
Ba năm sau ngày những lính Nga đến nhà Grottrup, thì họ vẫn còn ở lại Liên Sô. Trong nhật ký đề ngày 22 tháng 10 năm 1949, bà Irmgard Grottrup ghi: “Mặc dù tướng Oustinov đã đích thân tới tận nhà chúng tôi để thăm viếng tỏ tình thân mật, nhưng cái vinh dự ấy không trấn áp được nỗi lo sợ mỗi khi họ gọi Helmut. Anh đã hỏi vị bộ trưởng này: “Chúng tôi còn phải ở lại Nga trong bao lâu nữa?”. Ông ta đáp: “Cho đến khi các ông có thể trở về Bá Linh bằng hỏa tiễn”. Tôi thật muốn lịm người đi khi nghe câu đáp khôi hài đó. Tôi còn biết làm sao hơn chấp nhận nghiêm chỉnh cái ngôn ngữ đầy bí hiểm đó”.
Cho mãi đến năm 1950, gia đình Grottrup mới được rời khỏi Liên Sô. Từ năm 1947, cơ quan C.I.A.
đã biết hai trăm chuyên viên về hỏa tiễn và hàng ngàn chuyên viên các ngành khác có mặt tại Nga. về phần người Nga cũng vậy, Tình báo họ không phải không biết rằng Wemher Von Braun và những “đại chuyên viên” của Peenemunde đang ở Texas để thực hiện chương trình hỏa tiễn vô tuyến điều khiển. Có lẽ họ đã đọc ngày 3 tháng 2 năm 1946 bản thông cáo khẩn cấp của Bộ Chiến tranh về việc các nhà bác học Đức và Áo đang phục vụ tại Hoa Kỳ.
Nhưng vào năm 1950 thì quần chúng Mỹ chẳng chú trọng đến các nhà bác học Đức, dẫu cho họ ở Mỹ hay Nga gì cũng vậy. Theo họ, kế hoạch Overcast và sự liên can với Nga chỉ là một màn cuối của trận thế chiến thứ hai. Vậy mà, bảy năm sau, trong cái “màn cuối” ấy lại có một trái bom nổ chậm nổ tung lên, âm thanh của nó vang dội khắp cả năm châu.
Wemher Von Braun (mặc đồ lớn màu sậm) với một nhóm sĩ quan cao cấp ở Peenemunde. Đứng bên cạnh Von Braun là tướng Schneider, trưởng phòng thử nghiệm của quân đội.