PHẦN V
Phần 5
BÁO LÀ GÌ?

QUYỀN THỨ TƯ: QUYỀN RƠM VẠ ĐÁ
Báo thường chạy trong khi nước có biến cố, nhưng chính vào những lúc có nhiều biến cố thì báo lại rụng xuống như sung. Hôm nay, hai tờ bị đóng cửa vì “tiết lộ những tin tức lợi cho địch”, mai lại ba tờ khác bị đóng cửa “cho đến khi có lệnh mới” vì đã “đăng tải những tin tức lợi cho đối phương”, có những lúc người làm báo ở đây cảm thấy mình cưỡi lên lưng cọp: cứ ngồi lì thì không biết rồi cọp tha mình đến đâu, mà nhảy xuống thì bị cọp ăn tươi nuốt sống. Thậm chí có khi đăng một thông tư chính thức mà cũng bị đóng cửa như thường - mà bị đóng cửa không biết kêu vào đâu, không biết than thở, oán trách.
Tôi nhớ vào những ngày tàn của Ngô Đình Diệm, làm “Việt Nam Pờ-Rét”, có một buổi sáng tôi giật mình tưởng ngủ mê khi được đọc một thông tư của Phủ Tổng Thống gửi sang. Thông tư kinh khủng một cách lạ vì trong đó viết rõ rằng: “Bà Nhu cãi nhau với Ngô Tổng Thống, và Ngô Tổng Thống tức giận đã cầm một bình mực ném vào
mặt bà Nhu”. Tôi tưởng có anh nào chơi lỡm, đưa cái thông tư trên để sỏ tờ báo của nhà nước, nhưng xem con dấu đóng thì rõ ràng của Phủ Tổng Thống không sai. Tuy nhiên, vẫn không tin những dòng chữ vừa đọc, Tổng thư ký tòa soạn “Việt Nam Pờ Rét” phôn sang hỏi văn phòng cho kỹ lưỡng và yêu cầu cho biết có nên đăng tải thông tư ấy không. Một lát sau, chuông điện kêu ran: văn phòng xin chỉ thị chót của ông cố vấn rồi. Lúc ấy, ở ngoài phố người ta đồn rằng ông cố vấn mất trí, chích á phiện trắng nhiều như điên, có khi nói trước quên sau, ngây ngây dại dại, như thể có sương mù trong óc và che lấp mắt. Nhưng lần này, không thể bảo ông lẫn được: văn phòng đã xin chỉ thị lúc ông rất tỉnh; ông cười và bảo cứ đăng. Và “Việt Nam Pờ Rét” đăng y nguyên văn như thế. Dù sao, có những báo tối ư cẩn thận thấy vậy mà không dám cắt ra để đưa cho nhà xếp chữ lên mặt báo; trái lại, cũng có tờ cho là thú vị đăng tải nguyên văn. Kết cục, có bốn tờ đăng tin ấy thì hai tờ bị đóng cửa, hai tờ không - mà không hiểu tại sao lại có sự kiện lạ lùng như thế - còn “Việt Nam Pờ Rét” thì không làm sao hết. Chẳng hiểu cơ quan này, sau đó, có bị khiển trách hay không; chỉ biết rằng mấy ngày sau thì Diệm Nhu bị giết, sinh viên biểu tình đốt trụ sở cơ quan này ở đường Hồng Thập Tự, thành thử việc đó cũng chìm vào trong quên lãng.
Nghe thuật lại chuyện này, chắc có nhiều bạn cho là kỳ cục; nhưng ở trong nghề thì cũng chẳng lạ gì vì, ở dưới thời nào cũng vậy, đều có sự kỳ cục như vậy. Nằm trong chế độ kiểm duyệt, thiếu gì những tờ báo cùng đăng tải một tin gần giống nhau hay giống hệt nhau, mà đến buổi chiều, ngồi đấu các báo xuất bản ngày hôm đó với nhau, người làm báo thấy tin ấy ở báo này bị bỏ mà báo kia lại được ra; tờ báo này bị xén hai ba dòng, nhưng báo kia thì bị đục trọn vẹn, trắng phau như “pạch pản”. Phản đối, vô ích. Và cũng vô ích nữa, nếu một buổi sáng đẹp trời kia, vào cái lúc bất ngờ nhất, ông nhận được một cái giấy chiếu điều này, sắc lịnh kia, cho biết báo ông bị đóng cửa vô hạn định, vì lý do này hay lý do khác, hoặc có khi chẳng vì lý do gì hết, như dưới thời các ông Phan Huy Quát, Nguyễn Văn Lộc, phần nhiều báo bị đóng cửa mà không hề được biết đã mắc tội phạm thượng, khi quân gì.
Những người làm báo đã “chai” rồi, thấy những cái giấy đó, coi là thường và cười như những nhà triết học; nhưng cũng có những ký giả và chủ báo “choáng” người, chửi thề như con nhòng và đưa ra những luận cứ cũ mèm nghe mà điếc con ráy: nào là “không có tự do ngôn luận; không có tự do báo chí, cách mạng con vồ, dân chủ ngụy tạo... cứ cái đà này thì đến Tết Công Gô mới mong mở mày mở mặt...”
Kỳ lạ một điều là báo bị bịt miệng như thế mà hết lớp này xin ra báo lại đến lớp kia xin ra báo; biết là nói chệch đường rầy thì bị đóng cửa mà cứ có hoài những tờ báo đi chệch đường rầy. Có người bảo tôi rằng đó là tại vì những người xin ra báo ấy nhắm hai điểm danh và lợi.
 Nhớ lại lúc còn chân trong chân ngoài ở làng báo, tôi cũng đã có lúc nghĩ như thế; tôi cho rằng báo là một bộ môn tếu của văn hóa, mà người làm báo hành nghề là vì muốn lấy le và kiếm ít tiền lẻ, vì ngoài nghề báo không còn biết cách nào khác để kiếm ra tiền. Sau này, tôi nhớ có ba lần tôi lờ mờ thấy phát hiện trong óc một cái gì khác thế về quan niệm đối với báo chí và người làm báo. Đã đành là nghề nào cũng có kẻ hay người dở, người dở làm mang tiếng cho nghề là sự dĩ nhiên; nhưng người làm báo chân chính, hành nghề vì một cái gì cao cả hơn, làm cho người ta hy vọng và đặt nhiều tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, chớ không phải chỉ vì danh và lợi. Danh? Thử hỏi có gì? Một ông chủ báo ở một nước ngụy dân chủ có hơn gì một ông hàng xén? Mà quyền thứ tư của báo chí, thử hỏi là cái thá gì, hay chỉ là cái quyền hờ được xum xoe cạnh ngoại kiều cao cấp hay các ông bự trong chánh quyền - một thứ quyền rơm, mà cái vạ nhiều khi không thể lường được vì không những thiệt thòi đến tiền nong, di hại đến gia đình mà còn di hại cả đến hình hài nữa. Mà lợi thì lợi gì? ƠŒ đời, nhất là trong lúc lăng nhăng như lúc này có nhiều nghề khác kiếm lợi bằng trăm làm báo: một người thợ, một xa phu, một chủ quán rán bí tết khoai bán cho Phi, một bà nuôi con gái lớn lên gả cho Mỹ hay một gác dan coi “ên tờ răng” và “ếch xít” cho một nhà tắm hơi còn kiếm ăn được hơn cả một ký giả lành nghề. Vậy thì người ta cứ viết báo làm gì? Cứ lăn lộn trong nghề báo làm gì?
Lắm lúc ngồi suy nghĩ, tôi ghê sợ những ông chưa từng biết báo chí là gì mà sang Liên Hiệp Quốc dám nói bậy nói bạ về báo chí; tôi ghê sợ những ông không hề biết về đời sống của ký giả mà dám bảo rằng ký giả chỉ uống rượu uýt ky, hút á phiện, ăn sung mặc sướng và tôi ghê sợ luôn cả những ông bộ, ông thứ bị chỉ trích, đi kiện nhà báo và chửi đổng những người làm báo là bọn nói láo ăn tiền, không có ích gì cho xã hội.
Không. Tôi thú thật đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nổi tâm lý của người viết báo, nhưng có một điều chắc chắn là đa số những người viết báo, trước đây và hiện nay, không phải là thứ người như tôi lúc mới bước vào nghề, quan niệm báo chí là một thú chơi vô hại, một trò giải trí rẻ tiền; nhưng họ biết chắc báo chí là một cái gì cao cả hơn thế, có một ích lợi bao quát hơn hết cả mà lại có tính cách đấu tranh đại qui mô tuyệt vời.
Người làm báo không vì danh vì lợi, thế thì vì gì mà cứ lăn lộn, lên xuống, thất điên bát đảo mãi vì nghề báo? Có lẽ họ tự đày ải thân họ như thế chỉ vì họ là những người tự trọng, những người có học; họ thiết tha với nghề văn nghề báo, bởi vì họ nhận thức nghề làm báo, viết văn là đệ tứ quyền thực, mà cách mạng tư sản, mở đầu là cách mạng tư sản Pháp, truyền bá đi.
Thực sự báo chí là gì? Báo chí không phải là một trò giải trí, nhưng là một bộ môn văn hóa phản ảnh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội, cho một chế độ xã hội; không những nói lên phẩm chất hoặc văn minh siêu việt hoặc thoái hóa, đồi trụy của chế độ ấy mà còn đi sâu vào từng tình tiết, tâm tư của con người, từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc, giả tạo của xã hội.
Trung thành với lý tưởng chống áp bức, chuộng tiến bộ mà tinh thần của con người đã ủy thác cho nó, báo chí luôn luôn có tính năng đấu tranh và xây dựng: khuyến khích điều tốt là xây dựng, kêu gọi dân chúng đoàn kết nhất trí để chống xâm lăng là xây dựng, cổ xúy đạo đức cách mạng là xây dựng; ngược lại, hoặc công khai hoặc dùng mánh lới để phanh phui cái xấu, nói rõ sự thật phũ phàng, cũng vẫn là xây dựng, xây dựng cho sự vươn lên của xã hội, sự tồn vong của giống nòi.
Như trên kia đã nói, vì quyền lợi dân tộc một mặt, vì quyền lợi của một chế độ hay của một chính phủ mặt khác, hai quyền lợi ấy có mâu thuẫn và thường khi trái nghịch nhau, nên báo chí phải kinh qua những nghịch cảnh, những thăng trầm, những thiệt thòi, mà người làm báo - cũng như làm chính trị - bị vu cáo, tù tội, đói rách, đàn áp, chụp nón lên đầu, có khi bị chết oan ức mà không ai biết tới. Nhưng tất cả những thử thách, những oan trái, những khủng bố, không những không làm nản chí tiến lên của người làm báo chân chính mà lại còn gọt giũa cho tâm hồn họ mỗi ngày mỗi sắc nhọn hơn, tâm trí họ trung kiên hơn và phương châm tranh đấu rõ rệt hơn. Do đó, người làm báo chân chính không sợ uy vũ, không bị mê hoặc vì lợi danh, không chịu để cho ngòi bút mình tủi hổ, cho nên cũng vì thế nhà báo vẫn là trong số những người đáng kính nể nhất. Hàng ngày, có biết bao nhiêu người ngoài mặt thì chửi càn, nói láo mà nhiều khi tự thâm tâm họ cũng thấy nể vì, kính sợ nhà báo bởi vì nhà báo là điển hình của chính nghĩa mà lũ cầy cáo chỉ là tượng trưng của tà đạo: cách gì tà đạo cũng phải lu mờ trước chính nghĩa ngàn năm bất diệt!
“Bốn mươi năm náo láo” thực ra không phải đến đây là hết, mà chỉ là một sự tạm ngưng để cho tác giả nhìn thêm nữa, học thêm nữa, và suy nghĩ thêm nữa.
Báo chí là cơ quan bảo vệ, phổ cập chân lý: người viết báo không phải làm một nghề như bán bít tết khoai cho Mỹ, để vét tiền, nhưng là những chiến sĩ trong một cuộc trường chinh, tranh đấu từng đợt cho tự do dân chủ, cho quyền lợi của giống nòi, cho sự vươn lên của dân tộc. ƠŒ một nước tiên tiến, sự tranh đấu của báo chí tương đối nhẹ nhàng hơn. ƠŒ nước ta, thiên la địa võng nhiều, tất nhiên cuộc tranh đấu cam go, đau khổ; vì thế báo chí tranh đấu cũng có phần khó khăn hơn, mà các báo cũng không thể nhất loạt sạch sẽ, bổ ích và cương cường ngay được; trái lại có khi phải mềm dẻo, một mặt lo sự sống còn của báo; một mặt lo cho báo có phương tiện để tồn tại, vì nếu báo không tồn tại được thì lấy gì mà tranh đấu - mà tranh đấu làm sao để tránh né được các đàn áp, khủng bố và vu cáo?
Mạt sát báo chí một cách vô trách nhiệm chỉ tỏ ra mình thiển cận. Có những bực làm cha mẹ muốn cho con sung sướng, nhưng nghèo không thể có ngay một lúc đủ tiền để mua máy thu băng, máy lạnh, máy ti vi cho con sung sướng bằng người; những bực cha mẹ ấy phải nhịn miệng để dành tiền lo cho con một đời sống tương đối đầy đủ, không quản thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương. Những đứa trẻ có học, có hiếu, thấy thế và biết như thế, thương xót cha mẹ hơn lên chớ không bao giờ chê cha mẹ khó, cũng như chó có nghĩa không bao giờ chê chủ nhà nghèo.
Người làm báo chân chính tranh đấu không cần ai khen, không sợ ai chửi hết. Người làm báo chân chính chiến đấu cho dân tộc, cho tương lai, có lúc nào rảnh rang chỉ ngồi nhìn lại quá khứ và tự hỏi lòng mình có xứng đáng làm chiến sĩ không, và chiến sĩ ở mức độ nào mà thôi.
Sau khi tờ “Công Chúng” đóng cửa, tôi có thời giờ rỗi rãi cũng thường nghiêm khắc duyệt lại đời làm báo của mình. Bao nhiêu những bóng hình cũ đôi khi lại hiện ra trước mắt. Có đêm, tôi mơ thấy những người bạn còn ở bên kia chiến tuyến; có đêm, nghe thấy trong tiếng gió vi vu hình như có tiếng cười của một Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, một Phùng Bảo Thạch, Tô Hoài, Nam Cao; nhưng cũng có lúc xen vào tiếng mưa rơi, tôi tưởng như trông thấy những người bạn suốt đời viết báo, suốt đời khổ sở như Tản Đà, Văn Sen, Lan Khai, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Đinh Hùng, nay đã chết rồi mà vẫn còn cứ ôm ngòi bút viết bài nơi âm phủ.
Hỡi tất cả các anh em đã chết hay còn sống! Các anh có biết rằng ngồi kiểm điểm lại bốn chục năm làm báo, người bạn của các anh, hôm hay, ở đây đã chán chường đến thế nào không? Có những lúc tự nhiên trong óc người ta có một cái gì lóe sáng lên trong phút giây kỳ lạ lắm. Ngồi kiểm điểm lại đời làm báo của mình, có một lúc tôi cũng đã được thấy tia sáng huyền diệu ấy lóe lên và chính lúc ấy, tôi thấy rõ hơn cả bao giờ hết tôi không phải là một chiến sĩ với định nghĩa trọn vẹn của nó - nói một cách khác, tôi chưa phải là một chiến sĩ anh dũng trên mặt trận văn hóa, mặc dầu đã phó thác cả đời mình cho sự nghiệp.
MỘT VẠN RƯỞI NGÀY ĐÀNG,
KHÔNG ĐƯỢC MỘT SÀNG KHÔN NÀO HẾT
Phải rồi, trên mặt trận văn hóa, biết bao nhiêu người đã hy sinh, cũng như các chiến sĩ vô danh đã hy sinh xương máu cho đất nước mà không ai biết. Có cần gì phải đóng một miếng cây ghi tên người đó lên trên phần mộ? Có cần gì phải lập đài kỷ niệm như những chiến sĩ vô danh chết ở sa trường? Có cần gì phải đọc điếu văn và kết thúc bằng một câu: “Xin cầu cho đất nhẹ nhàng và tổ quốc ghi ơn đời đời”? Sáo lắm! Nghe không muốn vô! Điếc con ráy lắm!.
Tôi không phải là một chiến sĩ, tôi chưa phải là một chiến sĩ anh dũng trên mặt trận văn hóa, không phải là không có lý do. Lý do tối thượng là lý do khách quan của một nước còn bán khai, chưa hoàn toàn độc lập từ khi tôi bước chân vào nghề báo cho đến bây giờ; mà chủ quan tôi thì lại chưa tách ra được khỏi sự chi phối của hoàn cảnh và xã hội: từ thời Pháp đô hộ đến Tàu trắng sang tiếp thu quân đội Nhật, rồi đến Mỹ đem quân tham chiến ở Việt Nam, không lúc nào tôi định cho mình được một phương châm tranh đấu hữu hiệu và cụ thể.
Ngồi nhẩm lại bốn mươi năm vác bút đi hết tờ nhật báo này đến nhật báo khác, hết tuần báo, nguyệt báo nọ, đến tuần báo, nguyệt báo kia, thực tình tôi cảm thấy sỉ nhục phải lấy hình hài để trả nợ áo cơm, nhục vì đã tự biến mình thành một cái chong chóng; nhưng, trên hết cả, tôi cảm thấy sỉ nhục vì quốc gia bị hết quân này, nước kia đến xâm chiếm, lại thêm một bọn người đắc thế vì được ngoại quốc tin dùng cưỡi lên đầu lên cổ mà khống chế. Tuy nhiên, người viết báo không chỉ hoàn toàn thấy sỉ nhục mà thôi: trong cái nhục ấy, thường thì y cũng thấy sáng lên một thứ hào quang chói lọi, vì trong cái sỉ nhục mất nước vẫn toát lên được một khí thế tự hào.
Tuy nhiên, đó chỉ là một khí thế tự hào yếu đuối, bởi vì người viết báo thực tế hơn ai hết, không bao giờ dám chủ quan quá mức. Cũng như lúc viết tin, viết bài, thỉnh thoảng lại ngừng bút lại tự hỏi: “Viết thế này có hớ không?”, “Chính quyền nó có chơi mình không?”, “Thông tin có đóng cửa báo không?”, người viết báo, vào lúc mưa chiều gió sớm, ngồi gục xuống lòng mà nghe con tim nói chuyện, cũng tự hỏi: “Văn chương của ta có phải là của ta hay chưa?”, “Báo chí ta làm đã nói lên được gì khát vọng của ta chưa?”, “Ta đã đóng góp được gì cho lịch sử văn hóa dân tộc chưa?”.
Đến lúc này, tôi mới thấy rõ “cái gì” manh nha phát hiện trong đầu óc tôi đã ba lần trong khoảng đời làm báo. “Cái gì” đó hiện ra bằng nét lửa; “cái gì” đó nói lên rằng khi một dân tộc còn bị trị hoặc thực thụ, hoặc trá hình, khi một chính thể còn độc tài, độc đoán, dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ ngụy tạo thì nghề làm văn làm báo - tự xoay mình trong quĩ đạo của chế độ - không thể có tự do. Ngay cả những thời kỳ kêu là “bãi bỏ chế độ kiểm duyệt”, báo chí thực ra chỉ có giá trị của những lá cải vì đã bị mua chuộc, khủng bố và lợi dụng, tuy rằng người làm báo lúc nào cũng tiềm tàng trong đầu óc những hoài bão cao siêu, tốt đẹp.
Vào những lúc như thế, tôi thường đem cân nhắc, đo lường xem người làm báo, ở vào vị trí đó, phải cương hay nhu, phải chiến đấu thế nào, phải mềm dẻo hay cương quyết như Antigone, trong huyền thoại Hy Lạp - Antigone, loài hoa tim rướm máu mà T.T.K.H trong báo “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” đã viết thành thơ bất hủ “Hai sắc hoa ti gôn”.
Cánh hoa tim rướm máu ấy nguyên là con gái của Oedipe và Jocaste và là em gái của Eteocle và Polynice. Đẹp hơn cả Héra, nàng lại hiếu thảo lạ lùng, nên không lúc nào rời người cha mù lòa một bước, luôn luôn dẫn dắt cha già, mỗi khi ông muốn đi đó đi đây.
Anh của Antigone là Polynice, bất mãn với chế độ độc tài của vua Créon, nổi lên chống bạo chúa, nhưng cuộc đảo chánh không thành, bị bắt và đưa ra pháp trường xử tử. Nhưng làm vậy, tên bạo chúa vẫn chưa hài lòng; y lại ra lịnh không cho họ hàng thân thuộc của Polynice chôn cất anh, để phơi xác anh ở ngoài đồng cỏ cho diều tha quạ mổ. Ai cũng sợ chết khiếp, duy có nàng con gái tên là Antigone, bất chấp sắc lịnh của nhà vua, mà cũng không để tai nghe những lời can gián của em gái là Ismène khuyên nên thận trọng, đừng có hấp tấp mà hại đến thân. Antigone nói: “Ta sinh ra là để yêu thương, chớ không phải để căm hờn” rồi, chỉ biết tiếng gọi duy nhất của đấng Thiêng Liêng, của bổn phận con người, nàng cứ đem xác anh về để ma chay chôn cất.
Créon truyền bắt giam nàng. Trước mặt tên bạo chúa, nàng hiên ngang nhìn y không chút e dè, sợ sệt; hơn thế, lại lấy làm hãnh diện về cử chỉ của mình vì đã dám “đưa những định luật không-thành-văn, những định luật bất khả lay chuyển của lương tâm ra chống lại định luật chính trị và phép nước”. Créon đã dựa vào cái phép nước và cái định luật chính trị đó để kết Antigone vào tử tội, không đếm xỉa đến những lời can gián của con trai y là Hémon - trớ trêu thay lại là người tình của Antigone - và cũng chẳng quan tâm đến những lời khuyến cáo của bốc-sư Tirésias tiên đoán sẽ có chuyện không hay, nếu Créon cứ giết Antigone.
Đến lúc Créon nghĩ lại thì đã muộn: Antigone chết đi rồi thì Hémon con trai của Créon cũng tự tử, một phần vì thất vọng một người cha độc ác vì địa vị mà không ngại giết hết những người chống đối, và một phần cũng vì thương cảm người yêu sắc nước hương trời, quyết tâm từ khước một đời sống làm cho sự trong trắng tâm hồn bị hoen ố, mà chỉ biết theo “lương tâm đạo lý” phản ảnh linh động và sáng suốt của bất cứ định luật nào trên thế gian.
Lúc làm “Tiểu Thuyết Thứ Bảy”, tôi ưa đọc một truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Tiến Lãng nhan đề là “Eurydice”. Đến lúc xế chiều, khi nào không có báo làm, tôi ưa nhớ lại câu chuyện thần thoại “Antigone”, rồi do đó, nhớ lại “Hai sắc hoa ti-gôn”, lan man nghĩ tới bao nhiêu bạn cũ chết rồi hay chưa chết, và không lúc nào nhớ lại như thế, tôi lại không bùi ngùi và cảm thấy
mình là người sống mà chính là một con ma đi trơ trọi trong làng báo, còn những người chết thì mới là những
người sống thực, vẫn tranh đấu và tranh đấu mãi.
Chao ôi, có phải người ta vẫn bảo rằng “Đi một ngày
đàng học một sàng khôn” không? Có bao nhiêu bạn hữu của
tôi đã đi chưa được bao ngày đàng mà đã bỏ cuộc không đi nữa? Có bao nhiêu người đi cả một cuộc đời mà chẳng hiểu thâu thái được gì chưa? Riêng tôi, ngồi đếm ngón
tay thì tôi giật mình khi thấy là mình đã đi trên một vạn rưởi ngày đàng mà, tội nghiệp, chưa thấy được một sàng khôn nào hết, dù rất nhỏ, ngoại trừ một dúm kinh
nghiệm xót xa và kiến thức thông thường. Lúc ít tuổi, coi cái gì cũng là thường cả, không quan trọng, sự sống chỉ là một cái trò chơi, làm báo chỉ là giải trí; đến
khi lớn tuổi, thâu được một ít kinh nghiệm xót xa và kiến thức thông thường, manh nha nhận thức được sự quan trọng của cái sống, của bổn phận, của nhiệm vụ,
nhận thức được cái tầm lớn rộng và tất cả sự nghiêm trọng của nghề mình thì:
Tứ thập niên hồi thủ độc sầu dư,
Thế sự nhân tình đại bất như.
Mà sở dĩ như thế, chính là tự mình đã già rồi! Nhưng tội nghiệp là chính mình nhiều khi lại không biết mình già - y như tâm trạng anh phường chèo trong thơ “Ưu phụ từ” của nhà thơ Yên Đổ:
Ưu phụ đại nộ mạ kỳ phu:
Nhĩ niên ký lão hà đại ngu?
Người phường chèo bị vợ mắng không biết có tỉnh ngộ ra không; riêng tôi, dù có cảm thấy mình già đi nữa, tôi vẫn cứ tin chắc một điều là, với sức sống mãnh liệt của dân tộc ta, với sự tranh đấu của anh em ký giả hết lớp này đến lớp kia, với tiến bộ không ngừng của lịch sử loài người, đất nước ta thế nào cũng tranh thủ được tự do dân chủ, mà báo chí thế nào cũng được tự do xuất bản, tự do ngôn luận thực sự, để xứng đáng với ba chữ “Đệ tứ quyền” mà bao nhiêu lớp người làm báo hơn một trăm năm nay không ngại đem xương máu ra hy sinh tranh đấu.
NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG BÁO CHÍ NGÀY MAI
Riêng về những thanh niên làm việc cho ngành báo chí hiện nay, tôi nói không úp mở: tôi tin họ sẽ thúc đẩy báo chí tiến bộ rất nhiều, họ sẽ thắng mọi thử thách và họ sẽ làm cho báo chí xứng đáng là quyền thứ tư. Về vấn đề này, dư luận thường khi vẫn thường chia ra làm hai phe: một, tán thành ý kiến trên đây và một, phản đối.
Lấy làm mốc cho các luận cứ mà họ nêu ra, phe tán thành, bắt chước mấy ông cao cấp mới lớn, cho rằng cái bọn người trên ba mươi lăm tuổi không làm được trò trống gì cả, chỉ đáng cho vào bảo tàng viện để cho người ta đến coi chơi. Hiện tại và tương lai phải do bọn trẻ xây dựng: nước còn hay mất, Việt Nam có địa vị gì trên bản đồ thế giới, dân tộc sướng hay khổ là ở trong tay bọn thanh niên.
Thực ra, người ta không phải đợi đến lúc mấy ông nào đó tuyên bố rùm beng như thế mới thấy bọn trẻ tuổi tưởng đó là sự thật, múa may ăn nói ba hoa, tưởng đâu là họ biết dăm ba tiếng Mỹ, chơi với một ít ngoại kiều và được hứa giúp đỡ mọi phương tiện là khiêng được quả địa cầu lên vai mà làm phép biến đất nước đau khổ này, một sớm một chiều thành một quốc gia văn minh tiến bộ và dân chủ! Thực ra, đối với cái đợt sóng mới đáng yêu đó, tôi không hề có cảm xúc gì mà tôi cũng không hề có một ý kiến gì kỳ thị, nhưng đa số bọn người đã trưởng thành đều nhìn họ bằng con mắt khác thường và cho họ là một loại người đặc biệt, không có cá tính Việt Nam, không yêu đồng bào Việt Nam, do đó họ “kính nhi viễn chi” và không muốn cùng hợp tác. Có ai lắng nghe trong ồn ào bất tuyệt của Sài Gòn tấp nập, có tiếng cười xen tiếng khóc, có áo dài đùa bên cạnh những bàn chân bàn tay cùn cụt, đầy máu mủ của những người cùi, có những tiếng Mỹ nói vi va vi vút giữa tiếng la hét của những người uống rượu say rồi vừa múa tay múa chân vừa chửi rủa không chừa một ai, hẳn đã thấy dư luận của nhân dân chán ngán bọn thanh niên Mỹ hóa này đến bực nào: họ nhất quyết là tương lai đất nước này không thể do bọn này xây dựng được mà chúng chỉ là những cái bọt nước nổi lên trong ao tù vào những ngày trời nắng, gặp mưa sẽ tan ra và chỉ còn để lại những cái váng bẩn thỉ u, vàng khè trên mặt nước. Bao giờ lại không thế: trong những thời kỳ quá độ, lúc nào mà lại chẳng có những người như thế, cũng như trong mỗi cuộc tranh chấp, bao giờ ở mỗi phe lại chẳng có những gian manh, nếu không thế thì các cuộc tranh chấp đã giải quyết dễ dàng, mau chóng mà dân chúng đâu lại có đau khổ trường kỳ trên dưới nửa thế kỷ như dân tộc ta trong giai đoạn lịch sử này? Vì thế, nhiều người không trách họ, nhưng chỉ coi là những “phẩm vật kỳ lạ” của thời đại, để coi và không thể không ngạc nhiên sao lại có những người trẻ tuổi sống động và tin yêu đời một cách lạ lùng đến thế: hỉ mũi chưa sạch đã để râu, ngậm bíp, ngồi quán rượu; thiếu nữ còn bím tóc đã ra vẻ thạo đời hơn bà mẫu, hút thuốc phiện như cái bễ; đàn bà bán bar hay lấy Mỹ có tiền ăn nói thông thạo như mẹ ranh; đàn ông hôm qua còn là bồi, hôm nay không biết lấy tiền ở đâu, tiêu mỗi tối từ mười bảy đến hai mươi vạn để làm áp phe với Mỹ... Riêng cái bọn người làm báo thì có một ngôn ngữ, một tác phong, một bộ điệu không chê được: đầu cắt tém, mặc quần áo bơ phờ, mặt mũi xanh lét, khi ngậm bíp, khi hút Salem, ra cái vẻ chán chường, hễ mở miệng là ô-kê, bai-bai, ngồi ở đâu thì ghé nửa đít lên bàn, nửa đít ra ngoài, khoa chân múa tay khinh thiên hạ như rác, thỉnh thoảng lại sờ vào túi quần ở mông xem cái bao thơ để lòi ra ngoài một nửa có còn hay không. Cố nhiên cái hạng người như thế chửi rủa cha anh của họ còn là khá, chớ thực ra thì họ không từ chửi rủa chính ông cha, bố mẹ họ và họ sợ gì mà không dám đưa cả nước và các bậc tiền bối ra mà chửi.
Lẽ tất nhiên phe phản đối không thể nào chấp nhận được những con người như thế, nhất là những con người như thế lại không cầu tiến, lúc nào cũng tự túc tự mãn, cho rằng mình đã đọc xong mấy cuốn “Săn tin”, “Kỹ thuật
làm báo”, “Phục vụ báo chí” thì tự nhiên đã hóa ra những nhà báo lão thành, và có quyền khinh miệt những người đi bước trước. Những thành phần ưu tú của đợt sóng mới đó, khi viết bài thì dùng giọng văn khinh bạc, không coi độc giả ra gì; bàn về chính trị trong nước thì không biết ai vào ai, chủ trương của chính khách này ra sao, mặt trận hay khối kia thế nào, ai thân Mỹ, ai thân Pháp, ai thân Nga, nhất nhất không cần biết tới. Còn về phương diện lấy tin thì cái hay không bắt chước bắt chước ngay cái dở: thay vì đi dự các phiên họp để làm những bài tường thuật đầy đủ và chính xác thì lại ngồi uống coca cola ở “Givral” hay “Tự Do” rồi chờ có đồng nghiệp nào về thì hỏi mấy câu rồi viết lại, có khi lười quá đến nỗi không buồn viết nữa, mướn một hai bạn đồng nghiệp nào đó đi dự các phiên họp, các cuộc nói chuyện, các cuộc họp báo, đánh máy thêm cho một bản để rồi về làm cái tít và sửa đổi giọng văn đi một chút rồi đăng lên báo. Thời buổi này cần phải lẹ! Già mà chậm chạp thì đi đoong... nhất là phải làm tiền cho thực nhiều. Để thì giờ học hỏi, trau luyện nghề nghiệp, mà đi làm áp phe nghe nó sướng hơn. Mà đã làm áp phe thì phương tiện nào cũng được hết, vì vậy người ta đã từng thấy có những chánh khách giật nẩy mình khi thấy bài phỏng vấn của mình đăng trên báo nọ báo kia, mà trong khi phỏng vấn thì các chính khách ấy chú ý tuyên bố những lời không nhằm cho mấy báo của tư nhân mà chính là nhằm cho báo của nhà nước! Mà lúc phóng viên đến phỏng vấn thì lại lấy danh nghĩa là nhân viên báo nhà nước, vì họ là nhân viên báo nhà nước thực. Hơn thế, lại có những ông ký giả trẻ tuổi ra ngoài thì “lấy le vàng trời” mà đến công việc thì lại nhát như thỏ đế: mỗi khi gặp mấy ông cao cấp, quốc ngoại cũng như quốc nội, họ co vòi lại, không dám đưa ra một câu hỏi, cứ đứng chờ cho các ký giả ngoại quốc hay ký giả Việt Nam khác chất vấn hay đưa vấn đề ra hỏi thì đứng nghe lỏm và ghi lại để về nhà viết!
Đó là mấy luận cứ của phe phản đối và tán thành. Sự thực, phe phản đối nhìn các thanh niên xây dựng báo chí của ngày mai như thế tức là chỉ nhìn thấy một vài khía cạnh của họ mà thôi, cũng như là đi đến kinh đô ánh sáng, người du khách chỉ nhìn thấy các vũ trường, các cách thức ăn chơi đàng điếm, hưởng lạc, các tồi bại xấu xa của Balê. Tôi nhớ lúc thôi nhà trường, tự học ở Quốc Gia Thư Viện, một hôm Nguyễn Doãn Vượng có đưa cho tôi coi một cuốn nhan đề là “Paris, sous l'oeil des métèques” của Jean José Frappa. Kinh đô ánh sáng đâu có phải chỉ là những xóm ăn chơi, đớp hít. Balê còn là những xóm đại học, những học viện, những cơ quan nghiên cứu, những xóm latinh quằn quại", những thanh, thiếu niên cầu học, cầu tiến, ăn một mẩu bánh mì, uống nước lạnh để tiến lên, vượt lên, với hy vọng cố gắng hơn nữa, hơn nhiều nữa, để tái thiết đất nước sau thế chiến.
Nhìn các ký giả, nhà văn trong đợt sóng mới với con mắt của những người đứng ở phe phản đối, e có khi lầm. Qua nhiều cuộc đổi thay, trải nhiều đợt báo và hợp tác với nhiều anh em, tôi đã từng làm việc với người cha, rồi sau lại hợp tác với con, cùng làm báo với chú rồi sau lại góp sức với cháu, anh anh em em thân mật với người hai mươi tuổi cũng như với những người sáu, bảy mươi, nên có dịp biết ít nhiều cả về hai lớp mới, cũ, trẻ, già. Trong nhiều buổi chuyện trò bên ly rượu, một số anh em ký giả “lớp trước” phàn nàn rằng bọn “ký giả mới lớn
lên” thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm mà lại tự túc, tự mãn, coi những người đi trước không ra gì, nên không có cách gì cùng họ cùng nắm tay đi trên con đường xây dựng quốc gia.
- Này, tôi hỏi con ông cụ một điều, cứ can đảm mà nói, đừng sợ ai bắt nhốt: đã đi, đã đọc và đã sống, con ông
cụ đã bao giờ thấy những người ba mươi, ba mươi lăm tuổi làm nên công chuyện được người đời lưu ý? Riêng tôi thấy rằng những danh nhân mà ai nấy cùng biết tiếng như Kant, Marx, Freud, những nhà khoa học vĩ đại như Pasteur, Einstein, những văn gia thi sĩ như Nguyễn Du, Lý Bạch, Montesquieu, Shakespeare, những nhà kinh tế có hạng như Samuelson, Ludwig Erhard, hay những chiến thuật gia như Nã Phá Luân, Tôn Tử, Quang Trung, lúc làm nên công chuyện, không phải dưới ba mươi lăm tuổi. Nói gần đây, những lãnh tụ Phát xít cũng như các nhà lãnh đạo đồng minh từng thắng trận trong thế chiến thứ nhì, hòa hội Yalta, thử kiểm điểm lại phải chăng là họ trên dưới sáu mươi? Mà ngay như những người cầm đầu các nước đàn anh trong thế giới hiện nay, tôi hỏi con ông cụ có phải họ đều là những người lớn tuổi?
Để cho luận cứ của họ đưa ra được nặng đồng cân, các người thuộc phe phản đối thanh niên ưa kể lại câu chuyện của Churchill lúc thế chiến thứ nhì kết thúc. Thứ dân nghị viện Anh muốn đánh đổ Churchill, hùa nhau lại đòi ông phải từ chức thủ tướng, viện cớ ông đã già ên về nhà nghỉ thì hơn. Thản nhiên, Churchill nhìn các ông nghị sĩ tự nhận là trẻ, giơ ngón tay, chỉ vào họ mà nói:
- Tôi cũng muốn từ chức lắm, nhưng bởi vì thấy các ông đây không có người nào bằng tôi nên tôi cứ phải làm thủ tướng!
Đó là mấy lý lẽ của bọn “đàn anh” mạt sát bọn ký giả “đương lên”. Sự thực, mạt sát như thế, có điều hơi quá. Những người khó tính, trước khi hạ những câu kết luận đó, quên mất một điều là các văn gia ký giả “đương lên” không phải chỉ thâu hẹp trong phạm vi một búng các ông bé con nói tiếng Mỹ vi va vi vút, cất tiếng nói là chửi thề, văng tục, bạ ngồi đâu thì cũng ghé cái đít lên bàn hay gác giày lên ghế của người khác đang ngồi, nhai kẹo cao su tối ngày, và bất cứ lúc nào cũng nhét một vài cái bao thơ vào túi quần, nơi điến bộ, để lòi một ít ra ngoài. Bên lề những ông Mỹ lô can, sơn son thếp vàng, có ai biết rằng tại các thư viện, các đại học, các xóm nghèo, các báo quán không giàu, các nhà xuất bản, ấn quán tối tăm, lúc nào cũng có những thanh niên nam nữ mệt nhọc, làm việc như sốt rét và tập viết đủ các loại văn cho các báo để thực hành những kiến thức về báo chí mà họ đã học được qua những sách vở và những kinh nghiệm của các bậc đàn anh trong nước và ngoại quốc?
Hai năm 1967-1968, nhân dịp lên Đà Lạt nói chuyện ở trường Đại học về môn báo chí, theo nhã ý của giáo sư Anh ngữ Nguyễn Ngọc Linh - người đầu tiên có sáng kiến mở trường dạy về môn báo chí ở đây - tôi đã có cái may mắn được tiếp xúc với nhiều thanh niên nam nữ, do đó tôi đã hiểu biết phần nào tâm hồn của họ, hoài bão của họ cũng như các băn khoăn của họ. Một đêm trăng lạnh, ngồi dưới rặng phi lao ở cổng trường nói chuyện, một anh bạn trẻ đã tâm sự với tôi:
- Chúng tôi, bọn người mới lớn lên, không mong gì hơn là được học hỏi thêm, thêm nhiều nữa các bậc đàn anh. Đất nước ta trải nửa thế kỷ can qua, dân tình đau khổ, đến khi chiến tranh kết thúc phải lo cách nào tái thiết thật nhanh, cho nên chúng tôi chỉ sợ không có thời giờ để học hỏi cho kịp thời sử dụng cái học của mình. Vì thế chúng tôi cắn răng lại không nói, chỉ học thôi, chỉ hành thôi; nhưng, như vậy không có nghĩa là chúng tôi không tri ân những người đi bước trước đã đem máu xương ra chiến đấu, rút kinh nghiệm, hầu đem lại cho báo chí cái địa vị hiện nay. Bởi vì chúng tôi là con nhà gia giáo, có đôi ba chữ thánh hiền trong bụng, chúng tôi tri ân những người đi bước trước là vì chúng tôi biết rằng sống là kinh nghiệm, hơn một ngày hay một chước, ược hưởng những kinh nghiệm tức là lãi đấy; chúng tôi biết rằng già không phải là vô dụng, nhưng già là cái mốc để chúng tôi theo, già không phải là thất thế; chúng tôi biết rằng ở đời bất cứ cái gì cũng có thể giúp ích cho ta, kể cả những người thất bại, những người đã chết. Người ta học cả những cái thất bại ở đời thì chỉ có lợi mà thôi. Rừng có không biết bao nhiêu cây cối: cây này chết đi, cây kia lại mọc lên, nhưng các cây chết đi và những lá vàng kế tiếp rụng xuống hết mùa này qua mùa khác không phải là làm việc vô ích, mà chính là để hòa vào với đất rồi ải đi, mủn đi, để làm mầu cho đất, nuôi những cây mới đâm chồi nẩy lộc. Chúng tôi tri ân, nhưng để bụng, không kêu vang ở trên các mái nhà, vì chúng tôi nghĩ rằng tiếp tục công việc của các bậc đàn anh để lại, thúc đẩy mạnh hơn nữa - nếu có thể được - để cho báo chí đi tới một địa vị cao cả hơn, tốt đẹp hơn - tốt đẹp như ở các nước tiên tiến hiện giờ hay hơn thế thì có lẽ còn có ích hơn là chỉ nói oang oang lên mà không có hành gì hết.
Rất nhiều sinh viên nam nữ quả thực đã nghĩ như thế thật và làm như thế thật; họ học hỏi, họ thực hành, và luôn luôn cầu tiến, không có một lúc nào tỏ ra bạc bẽo với những bậc đàn anh. Đứng trước các thanh niên hương mến đó, thực tình tôi đã nghĩ chính họ mới là chất “kem” của ngành báo chí ngày mai và tôi càng thấy thương yêu, mến phục họ hơn nữa mỗi khi thấy có anh em chị em, từng nghe tôi nói chuyện về báo chí ở Đà Lạt, về đây vẫn tìm đến tôi, để hỏi thêm về điều này, điều nọ liên quan đến báo chí, tin tức thời sự hay bàn về một vài vấn đề quốc nội cũng như quốc ngoại.
Tôi tin rằng những người này mới chính là những người giúp tay đắc lực cho công cuộc xây dựng báo chí ngày mai. Bên cạnh những người này, tôi không quên được một số anh em ký giả trẻ tuổi, hiện đang hành nghề ở các nhà báo Việt, Anh, Pháp, các thông tấn xã hay các hệ thống truyền thanh, truyền hình của các nước ngoài. Khác hẳn những ông ký giả Mỹ hóa, chuyên viên nhai kẹo cao su, và ngồi thèo đảnh lên mép bàn nói chuyện, các ký giả trẻ tuổi nầy, không nói “eo eo”, “pheo
pheo” nhưng làm việc; không khinh miệt ai cả, nhưng khiêm nhường từ tốn; không nói phét nói lác nhưng dành thì giờ để học hỏi thêm cho rộng đường kiến thức vì họ biết rằng không có nghề gì đòi hỏi luôn luôn kiến thức mới như nghề báo. Điển hình cho lớp ký giả này, anh Phạm Trần, Phạm Văn Đại, làm việc cho một báo Anh ngữ, một báo Việt ngữ và một nhật báo lớn vào àng thứ nhì của Nhật ở đây, là một kiểu mẫu ký giả trẻ tuổi tận tâm với nghề nghiệp, không ngại vất vả hiểm nghèo để lấy tin riêng. Có nhiều khi giữa trưa, tôi đã thấy anh phóng xe máy dầu đi chờ một nhân vật sắp ra đi để hỏi một vài câu, có khi anh một mình một xe đi Tây Ninh giữa lúc chiến sự ở đây đang quyết liệt và tôi cũng đã thấy cứ cách một hai ngày anh lại đi Biên Hòa - Long Khánh để tìm hiểu một cách chân xác dân tình ở đây sau những vụ pháo kích và tấn công. Đầu năm 1968, anh đã từng cùng với một ký giả Nhật vào một vùng xôi đậu để xem xét cuộc bầu cử các Ủy Ban Hành Chánh Xã Ấp của Mặt trận Giải phóng miền Nam tại Cần Thơ. Bài ký sự này vừa đăng lên báo được một ngày thì phụ tá chính trị của Đại sứ Mỹ ở đây mời anh lên “tìm hiểu”, đồng thời các cơ quan hữu trách của chính quyền cũng tìm cách gặp anh nhiều lần “nói chuyện”.
Đơn cử sự việc này ra, tôi muốn chứng tỏ rằng chỉ có những ký giả trẻ, yêu nghề một cách thiết tha mới xông pha, sục sạo như thế để săn một cái tin có thể làm cho độc giả chú ý và hiểu biết thêm về thời cuộc; chớ nếu trông vào các ký giả lớn tuổi - xin lỗi - làm công việc ấy thì e có sự ngại ngùng, tính toán hay từ khước.
Có dịp chuyện trò với Phạm Trần, tôi thấy anh là một người từ tốn. Ước vọng của anh là làm việc không ngừng cho báo chí, nhưng theo anh, muốn làm nên việc thì chỉ riêng lớp ký giả trẻ, không thể đủ; trẻ và già phải hợp tác chặt chẽ với nhau; trẻ không được miệt thị già, già cũng chẳng nên coi trẻ là những kỳ quan, đứng né ra hẳn phía ngoài. Hoạt động và sự hăng say của lớp trẻ cộng thêm với học hỏi và kinh nghiệm của lớp già không những đã nói lên được sự đoàn kết, mà chắc chắn chỉ đem lại thêm cái hay, cái đẹp cho ngành báo và tăng cường nỗ lực tranh đấu của những người làm việc cho ngành báo chí ngày mai.
Chính cũng vì tinh thần đó, anh hằng mơ ước một điều: nước ta sẽ có một trường tu nghiệp báo chí để cho các ký giả hiện đang hành nghề tự động đến đó học hỏi thêm, rút kinh nghiệm thêm, cầu tiến thêm và đó cũng là một dịp để cho trẻ và già tiếp xúc với nhau hầu đánh tan mọi hiểu lầm để đi đến chỗ hiểu biết và thương mến nhau hơn.
Điển hình thứ hai, thuộc về lề lối làm báo của lớp người đương lên là anh Phạm Thu Trước. Tôi quen biết Trước từ lúc làm báo “Đồng Nai” dưới thời Ngô Đình Diệm. Lúc ấy, ngoài việc phụ trách phần kịch trường, nh đảm nhận công việc săn tin cho báo, dưới bút hiệu
Việt Định Phương, về đủ mọi mặt kinh tế, xã hội, chính trị, nhưng thật tình tôi không thấy anh bật lên về phương diện gì. Duy tôi có nhận thấy anh là một trong số ký giả hiếm hoi làm báo mà lại biết tính giấy báo, biết nghề in, biết co chữ, biết luật lệ ấn loát là mấy điều rất cần thiết cho người làm báo nhà nghề, mà chính một số lớn ký giả bây giờ không lưu ý. Rồi thì mỗi người một ngả, tôi thấy anh làm nhiều báo khác nữa, nhưng phải đợi đến tờ “Tia Sáng” và tờ “Trắng Đen” do Phương Hữu, Đinh Nguyên Hồng làm tổng thư ký tòa soạn, người ta mới thật thấy cái khả năng của Việt Định Phương trong lề lối làm báo ra thế nào. Có lẽ anh là một trong một số ít chủ báo (vì hiện nay anh là chủ báo) dám thực hiện cái ý định luôn luôn cung cấp tin lạ cho độc giả, rất nhiều tin mà những tin khác loại nhau, mỗi ngày mỗi thay đổi, cho nên lúc báo từ bốn ra tám trang, anh đã dám mượn tới mười hai phóng viên giúp việc. Có điều đáng lưu ý, là phóng viên, cũng như các bỉnh bút của báo “Trắng Đen”, không phải là những người nổi bật, nhưng tằng tằng như nhau. Việt Định Phương có lẽ nghĩ rằng muốn làm cho một tờ báo chạy, không cần phải có nhiều danh bút, nhưng cần phải có hững anh em chăm chỉ, tận tâm với nghề, và cùng nuôi một tinh thần đồng đội, thương mến nhau, nâng đỡ nhau, không kéo nhau đi làm tiền vặt, chỉ biết phục vụ độc giả dưới sự lãnh đạo của một người có thiện chí, hiểu nghề và dám đánh mau, đánh mạnh, khi có cơ hội tốt. Thí dụ như vào Tết Mậu Thân mới đây, các báo không xuất bản được mấy ngày đầu năm vì biến cố, ngoại trừ báo “Tiền Tuyến” như đã nói trên kia. Ngay lúc ấy, thực tình tôi đã chịu Việt Định Phương là lì lợm
vì “Tiền Tuyến” ra hôm trước, hôm sau, báo “Trắng Đen” của anh cũng ra luôn và tôi càng chịu hơn nữa khi qua tòa báo, tôi thấy anh ngồi trơ trọi một mình làm việc với hai anh xếp chữ, trong khi súng nổ ầm ì mà phải xoay tiền, chạy đi mua giấy “600 đồng một ram” và lấy tin tức sốt dẻo cho tờ báo.
Không, muốn nói cách nào đi nữa ta cũng cứ phải nhận rằng báo là địa hạt của bọn người trẻ tuổi hăng say và hoạt động, nhưng muốn cho công việc thật tốt đẹp thì bọn mới không nên quên bọn cũ; hơn thế, cần phải có bọn cũ cố vấn và giúp sức vì họ kinh nghiệm nhiều hơn, thận trọng hơn mà có lẽ cũng nhiều sáng kiến hơn.
“Muốn làm một đứa con, cần phải có hai người”, điều đó ai cũng biết, huống chi là làm báo! Làm báo mà áp dụng phương pháp đó, có lẽ chỉ có lợi hơn là có hại.
TRƯỚC KHI NGỪNG BÚT
Báo là gì? Qua trên ba trăm trang sách trên đây, tôi mong rằng các bạn đọc đến đoạn này đã thấy báo là gì và người viết báo là loại người gì.
Báo là một bộ môn văn hóa phản ảnh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội, cho một chế độ xã hội; báo là một phương tiện nói lên phẩm chất hoặc văn minh ưu việt hoặc thái hóa, đồi trụy của chế độ ấy; báo chụp lại một cách chân thành tình tiết tâm tư của con người, từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc, giả tạo của chế độ; báo luôn luôn có tính năng xây dựng; báo là cơ quan bảo vệ và phổ cập chân lý; mà báo cũng còn là một kỹ nghệ để cho nước này ganh đua với nước kia, để tranh đấu cho sự thật để góp phần tích cực vào sự đóng góp của một nước trên mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... và với cộng đồng thế giới. Sứ mệnh thì lớn mà người làm báo thường thường lại gian nguy, hiếu thốn, nhưng họ cứ làm báo, cứ sy sưa, cứ vượt hiểm nghèo, cứ nghe chửi rủa, cứ cắn răng lại mà chịu đựng, miễn là đạt được lý tưởng của mình: phải chăng đó là tất cả cái vô lý nhưng cũng là tất cả cái cao thượng vượt bực của nghề “nói láo ăn tiền?”.

*

Có lần, lật một tờ báo Pháp xem những truyện tâm tình, tôi được đọc một bài ký sự nói về ông bà Churchill. Nữ phóng viên của báo trên hỏi cựu Thủ tướng Anh:
- Thưa ngài, thường thường những người đàn ông sống chung với vợ đến lúc xế chiều tỏ ra chán nản và, tuy không nói ra, nhưng trong bụng thì có ý muốn làm lại cuộc đời với một người đàn bà khác. Phần ngài có thể cho tôi biết ý kiến ra sao?
Ông già Churchill móm mém cười xòa rồi tự nhiên nghiêm hẳn nét mặt lại, trả lời:
- Phần tôi, không cần suy nghĩ gì hết. Tôi có thể trả lời thẳng với cô là nếu tôi phải làm lại cuộc đời, và lấy vợ thì tôi lại lấy lại vợ tôi!
Gửi cả một cuộc đời cho nghề báo, rút nhiều kinh nghiệm đau thương hơn là xứng ý, tôi cũng có lúc tự mình lại phỏng vấn mình đã đóng góp gì cho lịch sử ăn hóa dân tộc, đã làm được việc gì cho báo chí, và hiện còn băn khoăn, hoài vọng những gì về nghề nghiệp.
Không. Tôi không bao giờ đáp lại những câu hỏi phiền phức đó. Nhưng tôi biết rằng nếu một ngày kia, Trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng sẽ không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu.

*

Người mẹ nào sanh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!

Bắt đầu viết tháng Giêng năm 1967.

Sửa lại, viết thêm năm 1968-1969  và xong ngày Phật Đản 2513  tức 30 tháng 5 dương lịch 1969.
VŨ BẰNG

Xem Tiếp: ----