PHẦN I
P 1 - 4
PHONG TRÀO ĐÔNG TÂY

Nhưng thời gian đem tiến bộ đến cho người ta sức mấy mà chờ đợi những người ngồi bình luận suông. Ông phản đối ư? Thì xin mời ông hành động. Chỉ “tri” mà không “hành” như Vương Dương Minh đã nói, thì... tiêu! Làn sóng Hoàng Tích Chu và tập đoàn đánh ào các bố già đi, không có gì lạ hết. Và người ta sẽ không lạ là một khi cao trào đã phát khởi rồi thì chỉ có tiến mà không có lùi, chỉ có lên mà không có xuống.
Tôi không thể tả được sự khâm phục của tôi lúc thấy ở các bức tường đầu Hàng Trống, Hàng Bông dán những bức quảng cáo to bằng cái chiếu vẽ một ông quỳ xuống đội quả địa cầu ở trên vai. Mới quá, cao cấp quá! Báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu ra đời, sau khi ly khai với cụ Bùi Xuân Thành, thân phụ ông Bùi Xuân Học. Phải nói rằng bốn mươi năm đã trôi qua, tôi chưa thấy có một quảng cáo nào làm cho tôi say mê như thế, hấp dẫn như thế, kể cả những tờ báo bây giờ có nhiều phương tiện mà cũng có nhiều tiền hơn tờ Đông Tây!
Tôi còn nhớ có chiều đi học về, đỗ xe đạp lại, tôi đứng xem từng nét vẽ cái ông Atlas ôm quả địa cầu và quả thực tôi đã đợi từng ngày để mua Đông Tây số 1. Phải nói thực: đẹp thì tờ báo có đẹp thực, nhưng bài ít quá, và không có gì xuất sắc, trừ vài câu thơ in ở những chỗ thiếu bài như: “trên chiếc ô tô con chó ngồi - dưới cái xe bò thằng người lôi”... Chính lúc này, bọn người “nghịch” với Hoàng Tích Chu mới đưa ra luận điệu tấn công: “Chu học dở chết đi, rỗng như đít bụt” hay “Chu thì chữ nho một vốc, chữ Tây ba xí ba tú chớ có xôm gì!”.
Muốn nói gì, mặc; người ta vẫn theo đọc Đông Tây và đến lúc ra hàng tuần (khổ báo 60x80), rồi từ hàng tuần ra hàng ngày (khổ báo như tờ Monde bây giờ) hầu hết đều nhận thấy Đông Tây là tờ báo số dách ở Hà thành. Ngoài mục “Chuyện đâu” của Văn Tôi mà lúc đó tôi coi là “siêu văn nghệ”, tôi còn nhớ mãi mấy cái truyện ngắn mà tôi lấy làm kiểu mẫu viết văn, như “Gò Cô Mít” của Hoàng Ngọc Phách (ký tên là Hoàng Tung) truyện
“Trương Chi” của Phùng Tất Đắc, kể lại câu chuyện cũ anh lái đò mê con quan thừa tướng, lúc chết, nhập hồn vào một cây bạch đàn, và truyện “Bích Mã Lương” (cũng của Phùng Tất Đắc) nhắc lại chuyện nhà nghệ sĩ mê chính bức tượng mà mình đã tạo ra...
Đọc những truyện đó, tôi thán phục các tác giả, rồi từ đó, tôi coi tất cả những người nào đã cộng tác, đã giao du với Hoàng Tích Chu đều là những bậc tài ba lỗi lạc, và có nhiều lúc tôi mơ ước nếu được “biết” các vị này, có một bài đăng lên báo cùng với họ thì “bô” hết sức. Thèm quá đâm ra liều. Một ngày mùa thu của một năm mà bây giờ tôi cũng không còn nhớ nữa, người học trò dốt toán nhứt Lýt Sê là tôi đã đánh liều gửi ba truyện ngắn đến cho báo Đông Tây, yêu cầu “phủ chính” và “nếu có thể được thì đăng tải”.
Đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng tôi đã may hết sức, là vì bài của tôi gửi đến nhà báo lại được nhà báo vui lòng giở ra để đọc. Tôi nói “may” là vì sau này vào hẳn nghề rồi, làm chủ bút, thư ký tòa soạn cho nhiều tuần báo và nhựt báo, tôi biết có nhiều bài vở, truyện tích rất hay của bạn đọc gửi tới mà không được chủ nhiệm, chủ bút mó tới hay mở ra coi, hoặc coi sơ sơ rồi bỏ, làm cho phí mất bao nhiêu mầm non, có nhiều hy vọng nẩy nở sau này. Tôi may là vì ba truyện của tôi gửi lại, được ông chủ bút báo Đông Tây lúc đó là Phùng Tất Đắc lưu ý sửa chữa và cho đăng tải (vào đúng chỗ đã đăng truyện
“Gò Cô Mít” của Hoàng Tùng). Truyện thứ nhất của tôi đăng Đông Tây là truyện “Con Ngựa Già” mà ông Phùng Tất Đắc cho đặt dưới một tít-ruy-bờ-rích là “Bút Mới”. Được sự khuyến khích vô giá đó, tôi biếng học; hết ngày ấy sang ngày khác, chỉ lo viết “Bút Mới”. Rồi, để mở rộng phạm vi, tôi lại đề nghị mở thêm một mục mới ở trang nhất: mục “Cuốn film” vẽ lại những nhân vật thời đại như “ông Phòng Phành”, “ông Tò Toe”.
Khỏi phải nói, được đứng tên bên cạnh các bậc đàn anh, tôi “vây” hết chỗ nói, nhưng hãnh diện nhất cho tôi, ấy là ngày tôi nhận được một cái thiếp của Hoàng Tích Chu mời tôi đến tòa báo ở phố Nhà Thờ nói chuyện.