PHẦN I
P 1 - 7
SANG NHẬT TÂN

Thế là tôi thành nhà báo chánh thức bà lang trọc, nghĩa là làm báo có tiền. Trên một căn gác ở phố Hàng Đàn, tất cả tòa soạn chỉ có một người thường trực là tôi. Các bài của A Nam, Dương Mầu Ngọc (tức Ngọc Thỏ), Trúc Đỳnh, Trần Tán Cửu (sau này làm Phong Hóa lấy biệt hiệu là Trọng Lang) gửi đến, Nghiêm Xuân Huyến vứt cho tôi, rồi cứ như thế mà chuyển cho nhà in, nguyên văn đăng báo. Cả một tháng, tôi không thấy chủ bút đến một lần. Các bỉnh bút khác thì dăm thì mười họa tạt đến “đả cẩu” (nghĩa là đánh chó đá vãi cứt, nói lịch sự là lấy tiền) rồi rông đi như gió. Tất cả chúng tôi lúc ấy đều quan niệm một cách dễ dàng: làm báo là trò chơi, ai muốn viết gì thì viết, quăng bài vào tòa soạn rồi in ra, thế là xong. Chúng tôi không cần phải có đường lối chánh trị, không cần phải có quan điểm, lập trường, lôi thôi lắm. Vả lại sống vào thời đó, Tây lo cho hết cả rồi, thì quan điểm, lập trường làm gì vô ích? Vì thế bài xã thuyết thì viết về vấn đề xã hội, mùa xuân thì viết xã thuyết về xuân, mùa hạ thì viết xã thuyết về hạ, thỉnh thoảng đổi giọng lại viết xã thuyết về vấn đề quốc tế cho oai, ra cái giọng ta đây thông kim quán cổ, biết hết cả chuyện năm châu bốn biển, mà trước sau vẫn không quên vấn đề chuồng tiêu công cộng ở chợ Đồng Xuân hôi quá, hay đống rác ở Ô Đồng Lầm ruồi nhặng vo ve suốt ngày, rất hại cho vệ sinh chung.
Ngoài bài xã thuyết thì là truyện, thơ, phóng sự, muốn đăng cái gì cũng được, nhưng thế nào cũng phải để dành một chỗ kha khá cho mục “Nói hay Đừng”. Chửi loạn xà ngầu (miễn là đừng chửi Tây) chửi chết thôi, mà nếu chửi tục, chửi dơ dáy, thỉnh thoảng xen vài câu dâm dục thì lại càng được hoan nghênh tệ.
Vốn trẻ người non dạ mà lại hỗn, tôi nhận ngay làm công việc đó, bất cứ cái gì cũng chửi vung xích chó. Nhưng chửi mãi thì chửi cái gì? Chửi vấn đề xã hội thì Tây phụ trách, chửi người mà không biết lựa thì nó lên méc Tây, Tây cho vào xà lim ép rệp bỏ cha; chửi về chánh trị thì mình không biết oong đơ gì hết, mà chửi về kinh tế thì quả là mình đui quá. Rút lại tên thư ký tòa soạn tờ Rạng Đông, cũng như hầu hết các ký giả trẻ khác hồi đó, chỉ còn biết quay ra chửi bậy, chửi cá nhân, chửi đời tư của những người mà mình ghét, và nhất là chửi đồng nghiệp, vì “nghe đâu báo của nó chạy hơn của mình”. Mà nó không có tài, chẳng hiểu làm sao báo lại chạy? Mình thế này mà chịu thua nó hay sao? Tức thì lại càng chửi khỏe.
Bây giờ ngồi nghĩ lại “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, tôi cảm thấy nhục nhã, ê chề vô cùng, nhưng biết làm sao được? “Đợt sóng mới” mà! Bao giờ sống trong “đợt sóng mới”, lại không có những con dê cỏn buồn sừng, những con ngựa mới được ra quần trên cỏ, tưởng đâu trên thì trời, dưới thì đất, mà giữa chỉ có một mình mình “thiên hạ độc tôn”. Chẳng biết rồi những cây bút “của hôm nay” chửi tía lia, chửi loạn xạ bây giờ, đến một ngày nào đó, hồi tưởng lại những chuyện đã qua thì có hối hận như tôi lúc này không, chứ quả thật tôi thấy cái tác phong làm báo của tôi hồi ấy quả là... ê trệ. Ê trệ hơn một lần nữa là đã chửi láo chửi lếu, chửi ông chửi cha người ta lên, mà lại còn cho là chưa đủ, còn tìm cách viết những câu thực tục tĩu, thực dơ bẩn nhớp nhúa và cho như thế mới... mặn mà! Tuy vậy, đấy mới chỉ là bề ngoài. Tội lỗi nhất là cái mưu lược của tôi ở bên trong, khi viết chửi người ta như tát nước: Phàm những bài chửi quan trọng đều nuôi ác ý, mưu làm cho người bị chửi mất công việc làm ăn, sinh sống, bị bắt, bị tù, hay ít nữa thì vợ cũng bỏ chồng, cha bỏ con, đầy tớ bỏ chủ, cho người bị chửi không cất đầu lên được.
Tôi còn nhớ lúc ấy có vụ Salengro. Các bạn đọc chắc còn nhớ Salengro là bộ trưởng, thứ trưởng nội vụ gì đó trong nội các Pháp do Blum làm thủ tướng. Báo “Gringoire”, cực hữu, mỗi khi viết một bài xã thuyết để lên đầu trang nhứt thì chửi cả lò nhà Blum. Blum là tay lì, chửi mãi cũng thế thôi; nhưng Salengro thì không hiểu vì yếu linh hồn hay bị chửi đúng tẩy thực, đã tự tử sau loạt bài thóa mạ bẩn thỉu của Henri Béraud. Chửi chết được người: lúc đó tôi phục Béraud sát đất (sau này, sau thế chiến thứ nhì, đọc một cuốn nói về kháng chiến, tôi mới biết ông là một tên mọi bút, bất cần gì hết, mà càng cho nhiều tiền thì chửi càng hăng).
Nhưng lúc đó, tôi phục Béraud sát đất. Nuôi tham vọng thành một Béraud “lô can”, tôi chửi rất tục tĩu, đểu giả đến nỗi có anh ngán phải viết thư đến nhà báo Rạng Đông điều đình ngưng pháo kích. Có anh khác không chịu nổi phải bắn tiếng đến cho tôi là trước sau gì cũng phải “uýnh” cho tôi một trận, “chớ cái quân này nói chuyện văn chương không được”. Nhưng may làm sao, họ chưa kịp uýnh tôi thì báo đã chết, tính ra vỏn vẹn trước sau ra được 42 số. Tất cả không để lại một âm ba gì, trừ một bài “Tráng sĩ hành” của Trần Tuấn Khải tả lúc Kinh Kha đi hành thích vua Tần bắt đầu bằng hai câu:
Gió đìu hiu, sông Dịch lạnh lùng ghê
Tráng sĩ một đi không bao giờ về...
“Rạng Đông” chết, tôi sang làm “Bắc Kỳ Thể Thao” nói chuyện đá banh đánh vợt, đánh khúc côn cầu một dạo, nhưng rồi “Bắc Kỳ Thể Thao” cũng chết luôn. Tôi bắt đầu biết thất nghiệp là gì. Thất nghiệp nghĩa là đỡ nói phét và đỡ tưởng mình là quan trọng.
Nhưng bù lại, tôi hút hăng hơn và bắt đầu ghiền thực thụ, vì có lúc tôi nghĩ một cách lầm lạc, điên rồ là tôi làm báo chưa thành công, là vì tôi... chưa ghiền nặng. Đấy, xem như Cuồng Sỹ Tạ Mạnh Khải, Ngọc Thỏ Dương Mầu Ngọc... đấy, họ hút rất nặng, có phải là nổi tiếng cả không?
Cuồng Sỹ là một nhà văn hoạt kê, làm thơ vui nhanh như cắt, viết sách cho nhà Tân Dân và nhà Nam Ký nhiều hơn là viết báo, nên tôi chỉ quen biết, giao du mà không cùng hợp tác bao giờ. Nhưng Dương Mầu Ngọc, tức Ngọc Thỏ, là cả một cái “nợ” của tôi. Từ lúc tôi bắt đầu làm báo cho đến khi anh chết, tôi làm báo nào cũng có anh và lúc nào anh ta cũng lì lợm, ngang bướng và lên mặt không chịu nổi. Anh em cho anh là đồng bóng, cũng không sai. Nguyên là một giáo học ở Hải Dương, anh xin thôi về làm báo, nên đến lúc tôi vào nghề thì anh đã là một người thông thạo về đủ các môn: dịch Aríp một cây, làm phóng sự tòa án, thi xe đạp, đá banh, viết điều tra, truyện ngắn theo kiểu Guy de Maupassant, được độc giả yêu mến vì loạt truyện ngắn mà sau này ông Vũ Đình Long sưu tập để in thành sách dưới tên “Mặt trái đời” và một thiên ký sự điều tra viết về một anh ăn cắp nổi tiếng ở Hà Nội tên là Hoành, sước hiệu là Quấn Cò (tức Có Quần).
Trong tất cả các anh em viết báo thời ấy, Ngọc Thỏ là một ký giả nghiền hút vào bực “lâm ly quy phượng” nhất, gầy lõ cả điến bộ ra, nhưng ra ngoài thì sửa soạn không chê được: chải đầu bi dăng tin, mặc ba đờ suy đờ vin, đi ghệt, cầm ba toong gỗ ép mua ở nhà Chabot, đánh phấn một tí, bôi môi một tí để lấy le. Vì Dương Mầu Ngọc sống độc thân, lúc nào anh cũng dọa người ta là sắp lấy vợ. Nhưng trong khi chờ một giai nhân vừa ý, hãy hút thuốc phiện đã: hút thâu đêm suốt sáng ở nhà Francois hay nhà Triệu, gắt cứ như mắm tôm, mà người như cái tăm, bất cứ gặp ai trái ý cũng dọa đánh “chết thôi”, nhưng chính anh thì lại sợ chết hơn ai hết.
Những bạn hữu bây giờ còn lại không thể nào quên một loại “sợ” cố hữu của anh: đi bộ không nổi, lúc nào anh cũng phải đi xe tay, mà đi xe tay thì bất cứ thấy cái ô tô nào ở phía trước tiến đến anh cũng cho là sắp cán anh, la hét ầm ỹ cả lên, chửi rủa người phu xe không tiếc lời vì anh tưởng chừng như là ai cũng nuôi ác ý giết anh, đẩy anh vào chỗ chết.
Biết là mình còn sống, anh hát ầm ĩ cả lên, vào tiệm mặc cái quần đùi, phô hai cái chân ống sậy ra, đi một bài quyền rồi hát tuồng và kết luận bằng một khẩu hiệu nhạo cụ Nguyễn Văn Luận: “Lỗ Túc, Lỗ Tích” vì bút hiệu của cụ Luận là Lỗ Thư.
Làm việc chung với Dương Mầu Ngọc ở nhiều tờ báo, tôi học được nhiều nhất về các danh từ dịch Arip (cũng như AFP, UPI, AP, Reuter bây giờ) lúc bấy giờ, nhưng đồng thời tôi cũng bị Ngọc truyền lại cho hai đức tính mà sau này cố gắng lắm tôi mới từ bỏ được: hút quên chết, và viết bài bằng viết chì, đã khó đọc mà chữ lại nhỏ li ti như con kiến, viết toàn theo lối tắt, rồi ngoạch xuống một cái dài, ai đọc lần đầu tiên cũng muốn đui hai con mắt; nhưng tài một cái là các anh em xếp chữ hồi đó đều thuộc mặt chữ anh, xếp như chơi, có anh lại còn cho là chữ Ngọc Thỏ và chữ tôi đọc dễ hơn là chữ của các cụ Hoàng Tăng Bí, Doãn Kế Thiện, Dương Phượng Dực...
Trở lại lúc làm báo “Rạng Đông”. Báo không chạy một phần lớn cũng là tại vì anh em tòa soạn đều ghiền hút cả, ai cũng viết bậy bạ cho có đủ bài thì thôi, mà Nghiêm Xuân Huyến lúc bấy giờ thì lo tiệm ảnh (vì ra tiền) hơn là lo cho tờ báo (vì làm báo chỉ là để lấy le thôi). Đó là nhận xét của tôi về sau này, chớ ngay lúc đó, tôi nào có biết thế đâu, cứ cho là độc giả không biết gì nên tờ báo bị chìm đi và mai một.
Hồi ấy, tôi viết một phóng sự dài đầu tay, lấy đề
“Một đêm trăng với năm bông hoa tàn”, tả cái cảnh cô đầu cô đít ở Khâm Thiên, Vạn Thái. Viết phóng sự mà thỉnh thoảng lại xen vào những đoạn triết lý cám hấp kiểu “Miếng da lừa” của Honoré de Balzac, cố nhiên là không ai chịu nổi - mà cũng không phải là phóng sự nữa - nhưng tôi tức tối là tại sao tôi viết hay như thế mà không thấy ai buồn để ý. Tôi nhất định là tại tôi chưa ghiền nặng cho nên văn chưa luyện. Tìm ra chân lý đó rồi, tôi bắt chước Ngọc Thỏ hút á phiện tối ngày, thở khói như cái ống khói tầu Bạch Thái Bưởi, rồi khi say thì nhắm mắt lại lơ mơ suy nghĩ tìm một cách nào đó để chóng nổi tiếng trong nghề báo.
Thì chính giữa lúc đó, một sự tình cờ đưa tôi gặp Đỗ Văn, Tạ Đình Bính: cả hai anh mời tôi về viết “Nhựt
Tân”, một tờ tuần báo tự phụ in đẹp nhất lúc bấy giờ. Tôi nhấn mạnh chữ “mời” vì lúc đó tôi quan niệm có người bảo mình viết báo là một cái gì trang nghiêm lắm, “mời”, chứ không phải là “rủ viết báo”, “bảo viết
báo”. Vậy là Đỗ Văn và Tạ Đình Bính mời tôi viết báo Nhựt Tân, và đáng ghi nhất là, để đánh dấu cuộc hợp tác này, Tạ Đình Bính mời tôi đi ăn một bữa thịt dê ở một tiệm Hàng Buồm, (lúc đó hình như do Ngô Khởi đứng ra làm chủ quán, mà tài chánh do ông Trần Nguyên Anh đài thọ). Ăn xong bữa thịt dê đó với dăm bảy ly rượu tiết dê rồi, Tạ Đình Bính nói gì tôi cũng ô kê, mặc dầu trước đó, tôi đã nghe phong phanh rằng báo này ra đời là do tiền của Đỗ Hùng lúc đó làm việc với Tây. Tôi tự an ủi: mình cộng tác với một tờ báo của Tây, nhưng mình không viết bài nịnh Tây, thì có tội gì! Với ngụy biện đó, tôi cho là hữu lý lắm và không xấu hổ tí nào; trái lại, tôi còn lấy làm tự phụ được nằm trong một tòa soạn, có những tay viết báo cửa cha như Tạ Đình Bính, Phùng Bảo Thạch, Đỗ Văn, Nguyễn Công Hoan... Một tòa soạn gồm toàn những người nếu không “tơ rua đờ Phờ Răng xơ” thì ít nhất cũng ghiền lõ đít! Thực là một tòa soạn lý tưởng - đối với tôi - và tôi cực kỳ tự phụ vì may làm sao, tôi cũng ghiền, cũng hút “com mơ
ki” (như ai). Nếu không thế thì nhục biết bao nhiêu, vì đã có tiếng là tay viết báo nhà nghề mà không biết hút thuốc phiện thì yếu không để đâu cho hết!
Thời kỳ làm báo “Nhựt Tân” không khác thời kỳ làm báo “Rạng Đông” mấy chút. Có khác một điều là tôi không làm thư ký tòa soạn, cho nên bài vở của tòa soạn, của độc giả gửi đến hay “của những nơi bí mật nào gửi đến bảo đăng”, tôi đều không rõ. Mỗi tuần lễ, tôi phụ trách viết hai bài: một bài dài nơi trang 2, hoặc là phỏng vấn điều tra, hay phóng sự, và một bài ngắn đánh đập bậy bạ, chửi bới lung tung, kiểu “cuốn phim”, nhưng mang một tít “ruy bờ rích” mới: “Nam Hải Rị
Nhân”, nhạo cái tít Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính viết về những nhân vật kỳ lạ trong Việt sử.
Trong “Cuốn Film” ở báo “Đông Tây”, tôi viết về các mẫu người một cách tổng quát theo kiểu La Bruyère, mỗi một mẫu người điển hình cho một tính tình (phần nhiều là những tính xấu). Trong mục “Nam Hải Rị Nhân” tôi đã đi quá trớn hơn thế: tôi chửi cá nhân các nhân vật trong nước lúc bấy giờ, nhưng sợ họ kiện nên đổi chệch đi một tí, đại khái Phạm Văn Độ thì kêu Phạm Vũ Đức, Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng (anh vợ Nguyễn Khắc Hiếu) thì tôi đổi ra Sờ Bò! Đổi như thế, tôi cho là khôn lắm và yên trí một cách vụng dại rằng các người bị chửi không có cách gì để đưa mình ra tòa án. Tôi dốt, nhưng tòa soạn, nhất là Tạ Đình Bính không phản đối mà lại còn khuyến khích tôi. Thành ra được thể, tôi chửi “tuốt mo”, chửi văng mạng, chửi đời tư của người ta một cách bỉ ổi... đến nỗi ai cũng phát ghét, và Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng tức quá cũng đe thuê du đãng đánh cho tôi... bỏ mẹ! Nhưng vốn là ngựa non háu đá, lại thêm cái đức tính điếc không sợ súng, tôi lại lấy thế làm hãnh diện, vì... viết mà làm cho người ta uất ức phải lăng mạ và hăm đánh mình, có phải là chuyện thường đâu! Chính vào thời kỳ này, tôi hăm hở viết một cách hăng say kỳ lạ. Sau này nghĩ lại, tôi ngờ rằng viết văn làm báo cũng như làm công việc sinh lý: trai gái mèo nhau có kỳ; gặp kỳ, yêu nhau chết thì thôi, nhưng cũng có kỳ tự nhiên chán nản, những nghĩ đến mà phát ngấy.
Vậy ở vào thời kỳ “Nhựt Tân”, tôi viết văn, viết báo hăng say nhất. Có khi trong giấc ngủ, nằm mơ cũng thấy bàng bạc cái không khí mà mình đương viết trong bài. Thí dụ làm cho tôi nhớ lâu nhất là bài “Một tổ mèo” phóng sự về những con mèo hoang ở trong nhà thương Phủ Doãn (Hà Nội).
Bây giờ tôi còn nhớ đại khái cứ thứ ba mỗi tuần thì phải đưa một hay hai bài. Hình như chủ nhật hay là thứ hai tôi viết bài, nhưng viết bài “Một tổ mèo” đến chừng mười một, mười hai giờ đêm gì đó thì bí quá không biết tìm cách gì kết thúc. Tức mình, tôi bỏ đại, rồi đi ngủ. Ngủ li bì đến gần sáng thì thấy có một người đến nói chuyện về loài mèo với tôi và bảo rằng: “Anh không biết à? ƠŒ nhiều nơi tại miền thượng du, người ta ăn thịt mèo. Thịt mèo tốt lắm, không phải vì ngon, nhưng nó có một đặc tính là chữa bịnh sốt rét ngã nước rất hay”. Sáng dậy, tôi lấy sự việc đó làm ngay đoạn kết, đưa cho nhà báo, thế rồi cũng quên đi. Tình cờ ít lâu sau có người đọc bài “Một tổ mèo” lại viết thư về cho biết những tình tiết trong bài “Một tổ mèo” rất đúng và khen rằng quả thực ở miền thượng du Bắc Việt, người ta ăn thịt mèo để trừ bịnh sốt rét ngã nước và chính ông ta đã làm như thế và thấy công hiệu thực.
Tôi muốn khắc tên ông bạn đọc vào một tấm lắc đồng để kỷ công ông, vì từ thuở cầm bút viết báo đến nay, lần này là lần đầu tiên tôi nhận được một bức thư gửi chính cho tên tôi và khen tôi hết lời. May là hồi nhỏ tôi hấp thụ văn hóa Pháp, không phong kiến mấy theo kiểu Tàu cổ, nên không làm một cái khung để lồng vào kiếng treo ở trên bàn viết! Tôi chỉ giữ bức thư đó như một vật gia bảo và nhũn nhặn đưa cho các bè bạn coi. Chính vì bài đó, tôi được dịp làm quen với Tẩy Xìa. Cho mãi đến lúc tờ “Đông Tây” đóng cửa, tôi vẫn chưa được biết Tẩy Xìa Đái Đức Tuấn, mà thực tình cũng không đậm đà tìm biết làm gì. Nói trộm vong hồn anh, qua những bức tranh nhái truyện Kiều in trên báo “Đông
Tây” và mấy bài thơ, tôi rất lấy làm “bực” Tuấn. Vẽ cái gì mà nguệch ngoạc, nét chẳng ra nét, lời chẳng ra lời. Đến cái tên ký thì lại càng chướng quá: Tê-chi-a là cái mốc gì? Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu, có lúc tán ra là “Tôi chẳng yêu ai”, có lúc lại bảo “Tôi chỉ yêu Angèle”, lố không thể nào chịu được. Đã cái anh Trần Quang Trân ký Ngym - Người Yêu Mợ hay Người Yêu Mình gì đó - lại đến cái tên Tê Xia này, nghe đến cứ tức như thể là bò đá!
Vì thế, tôi cứ nói thực: chưa gặp Tê Xia, tôi cảm thấy không thể chịu nổi anh. Nhưng ít lâu sau thì sự thực đã cho tôi thấy tôi lầm khốn nạn.
Đái Đức Tuấn, ngay từ buổi đầu gặp gỡ, đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của tôi. Là một tham tá trẻ măng làm việc ở sở Học Chánh, Tuấn là một nghệ sĩ tuyệt vời, tài hoa đến chân lông kẽ tóc, tài hoa một cái tài hoa thiên nhiên chớ không nhân tạo một ly nào.
Ngay từ lúc đó, Tuấn đã mê thơ Lý Bạch, nhứt là hai bài “Hoàng hạc lâu” và “Tương tiến tửu”. Và dường như thấm nhuần tính tình phóng túng trong thơ ca họ Lý, Tuấn cũng có cái quá độ làm cho nhiều người tức bực. Tôi nhận là anh “hách” lắm, nhưng có một điều là anh chỉ “hách” với những người đáng hách và cần hách; riêng đối với anh em thân tình, trái lại, anh lại khiêm nhường, có khi đến yếu mềm, và sẵn sàng nhường nhịn về mọi phương diện, dù là có thiệt đến bản thân. Là vì trong suốt một đời Đái Đức Tuấn, theo tôi biết, anh chỉ sống với bạn, vì bạn, cho bạn. Bạn, đối với anh, đứng trên hết ở trên đời, có khi còn trọng hơn cả tình gia tộc và cũng vì thế anh sống theo những nguyên tắc bất di bất dịch đối với bố mẹ bạn và vợ con của bạn.
Tôi biết Đái Đức Tuấn từ khi làm báo “Nhựt Tân” của Đỗ Văn. Mặc dầu không hợp tác với “Nhựt Tân”, Tuấn vẫn thường đi lại chơi bời với tòa soạn. Tối tối, anh em thường họp mặt đông đủ ở tầng hầm của tòa báo để tán láo chung quanh một cái bàn đèn của Tạ Đình Bính (vì Bính cùng ở với gia đình ở tầng hầm của tòa báo ba tầng).
Hồi ấy trời rét như cắt ruột, tối nào cũng mưa phùn rả rích. Đường “Hàng Da thầy bói” độ từ bảy giờ trở đi vắng tanh vắng ngắt. Lặn lội trời mưa đến đó, khẽ đẩy cái cửa sắt lách vào trong cái phòng ẩm thấp, mình cảm thấy như sống một truyện Liêu Trai, nhưng chỉ một lát sau nằm chung quanh cái bàn đèn tán đủ chuyện trên trời dưới bể, người trong cuộc thấy ấm cúng lạ kỳ.
Giường bên kia, nữ ký giả Mỹ Chân - bấy giờ là vợ anh Tạ Đình Bính - nằm trên cái võng ru con. ƠŒ chân giường, đốt một hỏa lò than, có những bông hoa lửa thỉnh thoảng lại bắn lên như pháo hoa cà hoa cải nhỏ. Thỉnh thoảng đứa bé khóc, Mỹ Chân đưa võng ru con bằng mấy vần thơ của TchyA (sau này gom lại đăng trong tập “Đầy Vơi”):
Có khóc, khóc anh khi chửa chết,
Anh còn vui vẻ với tân nhân.
Rồi đây anh chết thời em khóc,
Không biết dòng Tương chảy mấy lần.
Mỹ Chân có giọng ngâm thơ hay mà buồn. Đêm mùa đông, tứ bề êm ả mà nghe thoáng giọng ngâm thơ ấy, ai cũng buồn muốn khóc. Nhưng riêng tôi có một điều thắc mắc là hình như bốn câu thơ không đúng nguyên văn như thế. Phải chăng bao nhiêu chữ “anh” trong bốn câu trên là bấy nhiêu chữ “em”, mà chữ “em” thì lại là “anh”? Có phải Mỹ Chân tự ý đổi đi? Hay là Đái Đức Tuấn đã sửa lại lúc nào mà tôi không được biết?
Tôi hỏi nhỏ Tuấn. Anh bấm vào tay tôi một cái, ngồi dậy, sửa lại áo quần, bảo tôi đứng dậy cùng đi. Đi đâu? Tôi cũng chẳng biết nữa nhưng vì là đàn em ít tuổi hơn Tuấn, tôi chỉ biết nghe theo mà không dám hỏi.
Đêm ấy là đêm đầu tiên, Tuấn và tôi nằm tâm sự với nhau. Trên một cái gác xép nhỏ bằng cái khăn tay ở tiệm chú Cắm đường Gia Ngư, chúng tôi nằm hút với nhau và trò chuyện thì thầm như thể hai con ma trên núi Đại, trong tập “Truyền kỳ mạn lục”, Tuấn bảo tôi:
- Chắc anh không hiểu tại sao tôi không trả lời anh về câu hỏi liên quan đến bốn câu thơ “Cái lò sưởi” của tôi và hẳn anh cũng không hiểu luôn tại sao tôi lại không muốn ở Hàng Da nữa mà rủ anh đến đây nằm... Anh yên tâm, thế nào tôi cũng nói... nhưng bây giờ chưa tiện... Sau này, có dịp, tôi sẽ cho anh rõ...
Cho đến lúc chết, Tẩy Xìa - bởi vì từ hôm đó tôi không kêu tên anh là Tuấn hay Tê Xia nữa - cũng quên mất không nói cho tôi rõ lý do câu chuyện, nhưng đại khái tôi cũng hiểu lờ mờ tại sao rồi. Là bạn của Xìa ba, bốn chục năm trời, tôi mến anh vì văn chương một phần nhỏ, nhưng cảm vì quan niệm sống của anh một phần lớn. Anh là một thứ Sartre đi trước Sartre, nhưng lúc nào cũng tự khép mình vào trong khuôn khổ đạo lý Đông phương.
Ngoài vấn đề đó ra, phải sống cho triệt để, không tiếc đến hình hài: “Anh chẳng thấy nước sông Hoàng Hà ở trên trời chảy xuống không bao giờ trở lại? Và lên trên lầu, nhìn vào gương anh có thấy tóc buổi sáng còn như sợi tơ xanh mà đến chiều đã bạc như sợi cước?
“Vì vậy khi người ta đắc ý cứ nên đánh chén cho đẫy, những đêm sáng trăng đừng để cái chén bỏ không. Trời đã sinh cho mình cái tài tất nhiên là có chỗ dùng. Nghìn vàng tiêu hết lại có. Hãy cứ hầm dê, giết trâu làm đồ uống rượu. Và uống mỗi lần phải đủ ba trăm chén”.
Đêm ấy, chúng tôi hút đến mờ mờ sáng. Hai đứa chúng tôi mới ghiền được vài năm, lúc đó, hút độ ba ngao là vừa. Tôi tính mẩm trong bụng có hút cho nhiều lắm thì cả hai cũng chỉ đến mười ngao là cùng.
Không ai có thể tả được nỗi băn khoăn trong bụng tôi khi đó: đến hai giờ hút còn vui, đến ba giờ thì bắt lo, và đến chừng bốn giờ thì phát sợ.
Là vì tôi lẩm nhẩm tiền ở trong túi, chỉ đủ trả đến mười ngao, mà Tẩy Xìa thì cứ gọi hết ngao này đến ngao khác, mười hai, mười lăm ngao, kết cục đến mười bảy ngao hai đứa. Năm giờ sáng, tôi yên trí phải vờ có việc gì khẩn cấp để đi đập tiền đâu về trả cho chủ tiệm, thì Tẩy Xìa lại giáng cho tôi một vố mạnh vào đầu: anh kêu bồi tiêm đi mua bất cứ bằng cách gì một hộp “Three casles magnum” giá đắt như vàng, một đồng rưỡi hay một đồng rưỡi năm xu gì đó.
Thôi, đến thế này thì có tài thánh cũng không xoay nổi để trả tiền thuốc phiện, nhất là vào lúc này, tối không còn tối nữa, mà sáng chưa sáng hẳn, nhà nào cũng còn đóng cửa im ‘m ngủ kỹ trong chăn.
Vụt một cái, tôi thấy lòng nở hoa. Nhã đâu mà nhã lạ: Tẩy Xìa vừa bảo tên bồi píp đi mua thuốc, vừa quay vào bóng tối tháo chiếc nhẫn ma dê bự giúi vào tay nó. Ngay lúc đó, tôi không kịp nghĩ chuyện cao xa gì cả, chỉ cảm thấy lòng mình nhẹ thênh thênh vì giải quyết cảnh ngộ như Tẩy Xìa, tôi chưa gặp người nào lanh thế. Sau này, nghĩ lại, tôi cứ nhớ mãi cái điệu bộ của Tẩy Xìa lúc bấy giờ: đương nằm hút, vùng ngồi dậy, rút cái nhẫn ở ngón tay thật lẹ rồi đưa rất kín cho tên bồi, vừa đưa vừa nói một giọng rất hách “Đi kiếm cho kỳ được một hộp, nghe; về nhanh, ta có thưởng”.
Quả như thơ Lý Bạch, nước sông Hoàng Hà ở trên trời chảy xuống không bao giờ trở lại, và lên trên lầu cao nhìn vào gương, tóc buổi sáng còn như sợi tơ xanh, mà đến chiều đã bạc. Tẩy Xìa và tôi vẫn theo đuổi cái mạt nghệ là nghề báo, nhưng anh em ít khi cộng sự với nhau chung một tờ cho nên cũng ít khi gặp gỡ. Nhưng bất cứ trong cuộc trò chuyện nào với các văn hữu, nhắc đến các bạn như Tẩy Xìa, Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương... tôi lại nhớ ngay đến cái đêm hút sáng đêm ở nhà chú Cắm, Tẩy Xìa rút cái nhẫn cưới ở tay ra trả tiền thuốc phiện.
Những lúc ấy, tôi không nhớ tới những chuyện như
“Thần Hổ”, “Tiếng ai khóc trong rừng khuya”, tôi không nhớ tới bao nhiêu truyện ngắn của Tẩy Xìa viết cho các báo mà chỉ nhớ đến hai bài thơ dịch, một bài là “Hoàng Hạc Lâu”, và một bài là “Tương Tiến Tửu”.
“Sầm phu tử và Đan Khâu Sinh! Rượu đã kèo, các anh chớ ngừng tay nâng chén. Tôi vì các anh mà hát một khúc, các anh vì tôi nghiêng tai nghe.
“Hát rằng: chuông, trống, tiệc, ngọc chẳng quý gì. Chúng ta chỉ muốn cứ say mãi. ƠŒ đời, nổi tiếng nhất là Trần Vương Tào Thực. Thực có thết tiệc ở quán Bình Lạc, khách khứa uống hết mười ngàn đấu rượu, tha hồ vui đùa. ƠŒ đời, như thế mới đáng.
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,
“Kính tu cô thủ đối quân chước!
“Ngũ hoa mã, thiên kim cừu
“Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu
“Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu”
Tẩy Xìa có tài đọc nhái thơ người cũ.
Từ “Đông Tây”, “Nhựt Tân”, anh đã có những bài thơ nhái thơ Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Trãi.
Vào đây, dưới thời Ngô Gia có một bài phú truyền tụng nhái bài hịch Tướng Sĩ “Mở nhân nổi nghĩa” in thạch bản, phổ cập bí mật trong dân chúng cũng là do anh làm.
Mãi mãi tôi cũng không quên được những cuộc nói chuyện về chánh trị. Văn và Bính nằm hút, chửi Pháp không tiếc lời, nhưng đến lúc viết bài thì khen Pháp giỏi và hơi một câu gì đụng đến Pháp cũng phải hội nhau lại để bàn luận xem nên giữ hay nên bỏ.
Tạ Đình Bính là một cự phách trong những cuộc bàn luận đó. Điển hình là câu chuyện sau đây: Bính có cái tính kỳ lạ là thấy ai có cái gì, dù xấu dù tốt, cũng nhận luôn là mình cũng có thứ ấy như ai. Một hôm, TchyA nói chuyện về cái tật cận thị của ông Phạm Quỳnh, Bính đang hút, bỏ luôn dọc tẩu, ngồi phắt dậy và chỉ vào mắt mình, nhận anh cũng cận thị. Một vài tháng trôi qua. Cũng nằm ở bàn đèn, một bữa khác có người nói rằng cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc viễn thị, tìm mua mãi một cái kính vừa mắt mà không sao mua được. Đang đeo kính, Bính bỏ ra đặt xuống bàn mà nói:
- Bỏ cha chưa, các người thông thái có nhiều điểm giống nhau kỳ lạ: tớ cũng viễn thị!
Bất ngờ trong buổi họp mặt lần này lại có TchyA. Anh này, không gượng nhẹ gì hết, lật tẩy luôn Tạ Đình Bính:
- Tao chịu mày quá. Ba sạo đến như mày thật là vô địch. Tao còn nhớ cách đây không lâu, mày bảo mày cận thị như Phạm Quỳnh; hôm nay mày thấy Nguyễn Văn Ngọc viễn thị, mày lại khoe mày viễn thị. Thế thì mắt mày là cái thứ mắt gì?
Giả thử ở vào trường hợp một người khác bị bắt quả tang nói láo như thế, ít nhất cũng cuống lên, ấp a ấp úng một lúc rồi muốn trả lời ra sao mới trả lời được. Đối với Tạ Đình Bính thì không, tuyệt đối không. TchyA chưa chửi hết câu thì anh đã đáp liền, không cần nghĩ ngợi, tuồng như cái tật nói phét, nói dóc, ngụy biện lúc nào cũng nằm sẵn ở trong máu anh rồi:
- Ồ, thế thì mày không biết tao rồi. Mắt mày tao cận thị này, còn mắt bên này thì viễn thị. Tao nói dóc thì tao không trông thấy mày.
Rồi sợ anh em chưa đủ tin, anh bình luận tiếp với một sự vững tin ghê gớm: Thực quả, tao chưa thấy mấy trường hợp một mắt viễn thị, một mắt cận thị như thế bao giờ. Chính tao cũng lạ cho tao, nhưng sau tao nghĩ có lẽ đấy là một dị tướng, chớ không phải là chuyện đùa.
Ai dám đùa với Tạ Đình Bính? Mới gặp anh, ai cũng phải nghĩ rằng anh không những là một nhà báo đàn anh mà lại còn là một học giả uyên bác nữa. Chung quanh chỗ anh nằm, có hàng núi sách, nhưng bất cứ ai nói có cuốn sách gì hay anh cũng hỏi mượn cho kỳ được, và sách càng dày, càng lớn bao nhiêu thì lại càng tốt bấy nhiêu. Lúc mới biết Bính, tôi cũng tởn vì thấy anh yêu sách, đọc sách nhiều, nhưng sau thấy rằng cả ngày Bính chỉ nói huyên thuyên hết chuyện này sang chuyện khác, rồi tối đến hút tới hai ba giờ sáng mới ngủ thì còn thời giờ đâu mà đọc sách, tôi bèn hỏi Phùng Bảo Thạch. Thì Thạch cười ngất, bảo:
- Trời ơi, anh mà tin Bính thì đổ thóc giống ra mà ăn. Cứ để ý mà coi: nó thấy ai có sách cũng mượn, nhưng có phải là để đọc đâu. Anh lại để ý thêm một chút nữa sẽ thấy nó chỉ ưa mượn những sách thực dầy, thực lớn: nó lấy sách để gối đầu nằm hút đấy!
Đỗ Văn, trái lại, trầm tĩnh hơn. Lúc đầu, làm tờ “Nhựt Tân”, ông viết tiếng Việt khó khăn và không am hiểu nghề báo mấy, nhưng về sau này, tiếp xúc hàng ngày với anh em ký giả, ông cũng viết được đôi ba bài, nhưng, về phương diện ấn loát, có thể nói ông là người thứ nhất ở Pháp về cải tiến ngành ấn loát ở đây - mà nhà in Trung Bắc là nơi để cho ông thí nghiệm. ƠŒ bên cạnh ông, có hai anh Nguyễn Doãn Vượng và Nguyễn Phổ. Phổ là con trai ông Nguyễn Văn Vĩnh. Thực tế hơn ai hết, ông Vĩnh thấy ngành in có tương lai, quyết định cho Phổ học nghề in và ảnh kẽm. Còn Nguyễn Doãn Vượng, cháu cụ Luận thì lúc đó giúp cho Đỗ Văn một tay đắc lực là do một nguyên nhân khác.
Nguyên lúc đó Vượng ở vào một tình trạng có thể coi như là không xứng ý: một mặt vì gia đình thiếu thốn tình thương yêu, và mặt khác vì xã hội, tràn đầy cảnh bất công bóc lột tạo ra vì chế độ thực dân tàn ác. Đa số thanh niên hồi ấy, cũng như tôi, không biết dùng tiềm lực làm gì, buông theo một cuộc đời trác táng trong rượu chè, đĩ bợm. Vượng đã tránh được sự sa đọa ấy, sống một mình, nung nấu một mình ý chí muốn làm một cái gì khác lạ “dù có chết cũng cam tâm”: anh ngỏ ý với tôi muốn tìm cách trốn đi Tàu hay đi Tây để lìa bỏ tù ngục gia đình, nhân đó để nhìn thêm, biết rộng, chớ cứ buộc chân mãi ở đất này, bất quá cũng chỉ ngày hai bữa rồi già đi, rồi chết.
Cụ Nguyễn Văn Luận, không hiểu vì đâu, biết được ý định của Vượng bỏ nhà đi, bèn khuyên Vượng nên nấn ná ở lại. Vừa khi ấy, cụ Vĩnh giao nhà in Trung Bắc cho cụ Luận. Cụ bèn ủy nhiệm Vượng trông coi và nhân tiện học hỏi thêm, đãn hậu có đi ra ngoài thì cũng có một nghề trong tay, không lo ngại. Vì thế Vượng ở lại, vì Vượng biết rằng đến 1931 thì cụ Vĩnh đi dự một cuộc đấu xảo thuộc địa ở Marseille mà cụ Vĩnh đã hứa với cụ Luận sẽ vận động cho Vượng đi theo làm thư ký, cũng như trước đó cụ Vĩnh đã đưa cụ Trần Trọng Kim đi Pháp vào khoảng 1905. Cả hai cụ Vĩnh và Luận thỏa thuận với nhau sẽ đài thọ mỗi người một nửa số tiền ăn học của Vượng ở Pháp, với điều kiện là sau này, học thành tài rồi, Vượng sẽ phải làm việc cho nhà in Trung Bắc, bởi vì cụ Vĩnh lúc nào cũng tin rằng mình sẽ có rất nhiều tiền, và sẽ mở mang cơ sở rất lớn, ra báo từng “giây”, in toàn bằng máy tối tân như các nước tân tiến lúc bấy giờ, và có những hệ thống vô tuyến riêng để thâu thập các tin tức trong thế giới.
Vì thế Vượng ở lại làm tại nhà in Trung Bắc. Nói
“làm” không đúng; anh ở lại để học, vì hai cụ Vĩnh và Luận thỏa thuận rằng trước khi đi Pháp, Vượng phải biết nhà in, ảnh kẽm, máy móc, mà muốn thế ít ra phải học mỗi một ngành sáu tháng... Nhưng không may cho Vượng là chừng nửa năm sau đó, cụ Vĩnh lại không đi dự cuộc triển lãm Marseille được. Vượng ở lại, chuyên về ngành ảnh kẽm với Phổ, và cả hai anh đều thừa dịp này để học hỏi thêm. Chiều chiều, tôi vẫn đến chuyện trò láo lếu với Phổ và Vượng. ƠŒ vào một gia đình như cụ Vĩnh, sách vở rất nhiều, Phổ bất cứ gặp sách gì cũng đọc, cho nên sau này, về bất cứ vấn đề gì anh cũng nói đâu ra đấy về đại cương. Tôi học được của Phổ khá nhiều, còn về phần Vượng thì có sách gì hay, mới, anh đọc xong thường thuật lại cho tôi nghe và dí vào tay “bắt” đọc, “nếu không thì uổng quá”.
Đến bây giờ, tôi vẫn nhận rằng viết tờ “Nhựt Tân” và các báo sau này, tôi đã nhờ Phổ và Vượng rất nhiều.