THIÊN ĐỊA HỘI
THIÊN ĐỊA HỘI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM VÀ NHỮNG BIẾN TƯỚNG PHỨC TẠP

Trong thời gian gia nhập Thiên Địa Hội với người Trung Hoa, người Việt học được kinh nghiệm về tổ chức và tác phong mới. Sự sụp đổ về chánh trị khiến cho anh hùng Thiên Địa Hội hoang mang. Trước kia là chí hướng cao cả (liên kết với giặc Cờ Đen), trong hiện tại chỉ còn là sanh kế và bầu máu nóng nhưng nếp sống cũ vẫn còn đó. Ta thử xem qua những lời thề:
“ Khi vô hội có hai tuần lạy, trước lạy bốn, sau lạy tám. Bốn lạy trước mang ý nghĩa:
- Lạy trời đất làm cha mẹ
- Lạy mặt nhựt mặt nguyệt làm chứng.
- Lạy Đào viên kết nghĩa làm anh em.
- Lạy để giáo kết: người nào bụng xấu thì trời đánh chết.
Tám lạy sau gợi ý:
- Lạy lòng trời làm chứng.
- Lạy thể giữa trời
- Lay noi theo ông Quan Công
- Lạy giao kết anh em chung, lấy chữ Hồng làm họ
- Lạy để hứa rủ anh hùng làm anh em.
- Lạy thề đồng lòng đánh vua nhà Thanh, giúp vua nhà Minh.
- Lạy xưng vương về nhà Minh.
Vể kỷ luật, người trong hội phải thông suốt các điều khoản:
- Coi việc trong làng cũng tỏ rõ như mặt kiếng.
- Việc trung ngãi rất công, không tư vị, cứ luận công lao mà thưởng.
- Không phân biệt bà con và người dưng, cứ lấy lẽ ngay mà xét đoán.
- Chớ tham của người mà làm lợi cho mình, cũng không lấy thế mạnh mà khinh rẻ người yếu.
- Như có sự bất bình thì đem tới hội, lấy lẽ ngay mà ph án đoán, người nào có công trận thì gia cao quyền tước, chẳng khá nói dối mà bỏ trốn công việc, muốn làm việc gì thì đồng bàn bạc với nhau.
Sau đây là lời thề:
- Khi rút cây gươm ra, thề với nhau rằng: cây gươm nó cũng bén như nước, như ta ngó thấy cây gươm này thì ta phải sợ, đừng dối trá mà bỏ cái niềm ngay lành. Ta theo Thiên Địa Hội, lấy họ Hồng để sau này ta giết vua nhà Thanh.
- Khi rút cây gươm đưa lên thì coi nó sáng cũng như mặt trời mặt trăng, như đưa cây gươm lên thì đưa cho ngang đầu, lấy lời thề làm trọng. Đã là anh em với nhau thì lấy sự ngay thẳng làm chắc, nếu ai không ăn ở ngay thẳng với anh em thì cây gươm này sẽ chém chết.
- Khi đốt hương thì khói lên thơm tho lắm, ta nguyện cùng năm ông tổ, quyết lòng giết vua nhà Thanh.
- Thuở trước có Đào viên kết nghĩa làm ba anh em là ông Lưu, Quan, Trương. Anh em ta có bùa, đem bùa ấy vô rừng thì cọp thấy cũng sợ.
- Làm người phải có trung nghĩa, người trong hội của chúng ta gặp nhau làm dấu hiệu là biết ngay. Ta là bọn trung nghĩa, không ai giết ta cho đặng.
- Anh em ta đầu đội trời chân đạp đất, anh phải có lòng ngay, em phải có sự can đảm.
- Tay ta cầm cây hương mà vái cho đặng tám lần, đi khắp ngũ hồ tứ hải thì xứ nào ta cũng là anh em.
- Nhân dịp cúng quảy (vào buổi kết nạp), uống rượu thì ta uống hai chén mà thôi. Ngày bữa nay ta gặp anh em, biết ngày mai ta còn gặp không?
- Cúng quảy rồi ăn uống xong, từ giã anh em mà ra đi, bây giờ còn thấy mặt anh em thì ta bịn rịn, hể khuất mặt anh em rồi thì ta cứ đi xa. Ta đi qua xứ khác rồi thì anh em phải nhớ với nhau. Bởi vậy, ta uống ba chén trước khi ra đi.
- Ta đút gươm trở lại trong vỏ thì xem cây gươm trong như nước, ta phải giữ chí cho bền mà đánh vua nhà thanh.
Ở Sài gòn, nhiều cuộc xáo trộn diễn ra với qui mô nhỏ, anh hùng của hội kín nhờ học được phương thức hoạt động bí mật, dùng ám hệiu nhứt là dám liều chết nên khuấy rối trong những xóm lao động, bày ra cướp bóc, thanh trừng giữa ban ngày tại Phú Nhuận, chợ Cầu Ông Lãnh trên sông Sài Gòn, ở Đất Hộ.. Thanh danh Thiên địa Hội bị sứt mẻ không ít; bọn làm bồi cho Tây, bọn cầm đầu nài ngựa thao túng ở Trường đua tha hồ khoát nạt. Lại còn những nhóm hội kín sống bằng nghề chứa bạc, gìn giữ sòng bạc cho chủ hoặc bảo vệ mấy ổ mại dâm. Người nào có tiền mà không biết điệu nghệ với anh em trong hội thì bị họ mượn tiền không bao giờ trả.
Vào năm 1888, hội Van Xe phát triển, lộng hành từ bình Đông, Phú Lâm, minh Phụng trở ra An Bình (Chợ lớn) khiến tám ông Hộ trưởng ở các vùng nói trên cầu cưú với nhà đương cuộc Chợ Lớn – Sài Gòn. Vạn tức là hình thức “nghiệp đoàn” theo kiểu vạn lưới vạn chài, vạn cấy. Vạn này thâu nạp những người đánh xe ngựa, loại xe thông dụng nhất ở Sài Gòn – Chợ lớn lúc bấy giờ. Người trong Vạn thề sống chết có nhau, một người bị hà hiếp là cả bọn kéo tới binh vực vô điều kiện, khi thấy lính cảnh sát, họ chạy trốn rất nhanh. Chủ xe phải dùng những người của Vạn đưa vào, không được dùng người ngoài. Ngoài những người sống bằng nghề đánh xe, vạn còn kết nạp bọn bồi bếp, người làm công ở hiệu buôn, cứ đóng tiền thì được che chở không ai hiếp đáp. Nơi nào có gánh hát hội trình diễn là họ kéo tới khuấy rối, nếu chủ gánh biết phải quấy đưa cho một chút tiền thì yên. Họ kiểm soát luôn những ổ mãi dâm và tống tiền những người ra vào. Ai nói xâu họ, họ đánh. Vì chiếm độc quyền phương tiện chuyên chở, họ tự ý đập đồ, dọc đường dừng lại để xin thêm tiền, không cho thì làm nhục, chửi mắng. Đặc biệt nhứt là người trong xóm lao động, bạn hàng chợ nếu gây gỗ nhau thì phải nhờ họ phân xử, đóng tiền cho họ. Ai đến nhờ cảnh sát hoặc cò bót phân xử, họ lại đánh đập bằng củ chì, bằng roi cá đuối hoặc họ giết. Trụ sở của Vạn gọi là Tân Hưng hội quán, đóng ở ngôi miếu vùng Tân Hưng. Khi cần ăn nhậu và kiếm thêm tiền xài, họ bày ra lệ cúng miễu để đi lạc quyên bừa bãi khắp đô thành, ai không cho là họ trả thù: họ gop tiền trong giới bạn hàng, giới chủ tiệm Sài Gòn (tức là khu chợ Cũ ngày nay), chợ Cầu Ông Lãnh, vùng Khánh Hội, những người sống trên ghe thuyền và đặc biệt là những chủ chứa gái điếm. Thực dân ra tay bắt cả bọn, được biết người cầm đầu là bếp Tốt, Sáu Còn. Hai tên này lợi dụng hình thức cúng tế ở miễu để hợp thức hoá những chức vụ: chủ hội, hương nhứt, hương nhị, hương ba, hương tư rồi bày thâm chánh hội, phó hội, tri khách, trị sự, hương hội và phó tổng lý biện...
Ngoài hội Vạn Xe khá tiêu biểu cho sanh hoạt của bọn anh hùng bị lưu manh hoá, còn nhiều nhóm du đảng tổ chức khéo léo với kỷ luật chặt chẽ (gọi là luật giang hồ, điệu nghệ). Họ tụ tập đông đảo, che mắt nhà cầm quyền bằng cách tổ chức đám giỗ, cúng miễu Ngũ hành hoặc giả vờ bày chuyện mời thầy pháp đến chữa bệnh. Tình hình ở các tỉnh ra sao? Chúng tôi không sưu tầm được tài liệu nào cụ thể trong khoảng thời gian sau năm 1882. Thực dân ra lệnh cho các tỉnh kê khai và theo dõi thật kỹ những hội cúng miễu, cúng đình. Từ lâu, những hội này mặc nhiên là hợp pháp vì mang tánh chất thuần tuý về tín ngưỡng, mỗi đình có hương chức đình với chức vụ chánh bái, bồi bái v.v... Chủ tỉnh Bến Tre là Sandret (người am hiểu khá rành rẽ tình hìnhdân chúng Mỹ Tho, qua cuộc khởi loạn của ông Năm Thiếp) đưa ý kiến: sự liên kết giữa người Việt và người Hoa Kiều nhất định là có hại cho nhà nước, chưa thành vấn đề lớn nhưng trong tương lai sự liên kết ấy sẽ thành tựu. Trong hiện tại, hoạ chăng là có sự thông đồng ngấm ngầm giữa người Hoa Kiều chủ chứa sòng bạc và công chức Việt Nam ăn hối lộ.
Viên chủ tỉnh nói trên lại ngạc nhiên và cương quyết áp dụng kỷ luật, thuyên chuyển một vài viên chức Việt và lính mã tà về tội chơi hụi với người Hoa Kiều, những uyển sổ của người chơi hụi lại bị tình nghi là hình thức góp tiền cho Thiên Địa Hội.
Về người Hoa Kiều ở tỉnh, chỉ riêng chợ Bạc Liêu là xảy ra náo loạn: người Hoa kiều ở tỉnh lỵ này đồng loạt bãi thị, đóng cửa tiệm để phản đối việc phạt vạ của chủ tỉnh, khi ra lệnh mỗi nhà phải giữ vệ sinh trước cửa, để phòng bệnh thời khí đang lan tràn.
Nhưng ở thôn quê và chợ nhỏ, Thiên Địa HỘi do người Việt cầm đầu lại phát triển ngấm ngầm theo mức nhà nước thực dân lâm vào trận hỏa mù, không phân biệt đâu là mục đích, đâu là phương tiện. Một số hương chức hội tề tham gia vào hội để được yên thân hoặc chính họ đóng vai quan trọng.
Hội viên gặp nhau nhanh chóng, dùng mật hiệu, khi tụ khi tán, hoặc ở ngoài ruộng, hoặc ở quán rượu rồi lại đi. Họ gần như không dùng giấy tờ, ngoại trừ một số sổ sách ghi tiền bạc thâu xuất, nhưng lại che giấu, giả như là đóng tiền hụi hoặc thâu xuất lúc mua bán. Thư từ qua lại nếu có thì vắn tắt và dùng lời lẽ bóng gió, con dấu của hội lại khắc những chữ khó hiểu hoặc là ám hiệu, thoạt xem qua tưởng là con dấu tiệm buôn.
Hội bị đặt ra ngoài vòng phát luật nhưng nhiều người dám theo và hương chức làng yểm trợ vì lý do: khi bị bắt trong lúc ấu đả, thanh toán bằng võ lực thì họ tự nhận là ra tay vì thù oán cá nhân, theo lối du đãng để rồi bị buộc tội nhỏ với lý do làm náo động làng xóm, đánh nhau vì nợ nần, cờ bạc.
Nhờ đó bộ tham mưu chánh trị cầm đầu bên trên ít khi bị bắt quả tang. Thực dân nhìn nhận có hội kín những chỉ trong phạm vị tương tế hoặc chỉ là nhóm du đãng hoành hành tạm thời tại địa phương. Hơn nữa, vào đầu thế kỷ thứ XX, từ Bắc chí Nam đang phát khởi một phong trào nhiều thực lực hơn Thiên Địa Hội, đó là phong trào Duy Tân đang lôi cuốn được nho sĩ và điền chủ, công chức, khiến thực dân bận tâm đối phó.
Không giấy tờ sổ sách hoặc biên bản thì khó mà tổng kết cụ thể. Hơn nữa, người torng hội nếu bị bắt, thật tình cung khai thì chỉ cung cấp được những chi tiết phiến diện cục bộ. Những tài liệu mà thực dân tịch thâu được từ các tỉnh, các làng ở mềin Tây hoặc ở Chợ Lớn đều giống nhau, không đem thêm gì mới mẻ, đại khái một cây gươm, một vài bộ truyện tàu, năm bảy cái bằng cấp in theo công thức giống nhau hoặc vài tờ giấy ghi chép lời thề, mật hiệu, ghi việc xuất tiền hoặc những con dấu giống như của hiệu buôn.
Thực dân tìm cách vu cáo rằng Thiên Địa Hội đáng giải tán, hội viên đáng ở tù nhiều năm chỉ vì thành phần của họ gồm đa số là du đãng, có tiền án về trộm cắp, xâm phạm tài sản của người khác. Chúng không dám phủ nhận rằng đầu não của Thiên Địa Hội lắm khi gồm những người yêu nước; người dân thích vô hội chỉ vì muốn sống trong bầu không khí riêng, với luật lệ riêng tách ra khỏi bộ máy chính quyền mà thực dân đã áp đặt.
Chúng tôi xin trích dẫn một số tài liệu mà Henri Dusson, tên chánh án nặng óc thực dân đã chịu khó tổng kết về tình hình trong tỉnh Long Xuyên năm 1909 để rồi báo nguy về Thiên Địa Hôi.
Theo ý kiến của hắn thì Thiên Địa Hội phát triển mạnh vì nhà nước thuộc địa đã kêu án quá nhẹ những người theo phong trào Minh Tân (Duy Tân) của Trần Chánh Chiếu vào tháng 4-1909 Trần Chánh Chiếu được miễn tố cùng với bao nhiêu bạn bè khác do bản án của tòa án Mỹ Tho. Dân chúng nô nức, được trớn, tin rằng vào hội kín để chống đối nhà nước thì không bao giờ bị ở tù nhiều năm, nếu hoạt động kín đáo. So với tội trạng của Trần Chánh Chiếu, họ chỉ là người hiền lành và ít nguy hại.
Về danh xưng, có hai nhóm quan trọng ỏơ Ong xuyên:
1. Nhóm Nghĩa Hưng thường dùng con dấu khắc bốn chữ Nghĩa Hưng công ty, người Việt gọi là Kèo Xanh. Kèo (theo nghĩa cột kèo) cà cái vành của mui ghe, làm sườn để lợp lá hoặc đóng ván phía trên. Người thuộc Nghĩa Hưng dùng màu xanh sơn vào cây kèo thức nhất của mui ghe.
Từ nhóm Nghĩa Hưng này tách ra một chi nhánh là Hoà Xuân gọi là Kèo Đỏ, kèo của mui ghe dùng để di chuyển hoặc mua bán luôn luôn sơn màu xanh ở vành thức nhứt (màu chánh của Nghĩa Hưng) nhưng lại có thêm cây kèo thứ nhì sơn màu đỏ. Nhóm Nghĩa Hưng gồm đa số người Hoa Kiều gốc Phước Kiến. Đôi khi họ có những chi nhánh gọi là Nhơn Hưng hoặc Đồng Hưng.
2. Nhóm Nghĩa Hòa, với cây kèo sơn màu vàng (Kèo Vàng) đa số là người Triều Châu.
Nhóm Nghĩa quân của người Hẹ (Akas) thực lực không không đáng kể.
Về chánh trị, hội kín ở Long Xuyên theo đường lối phò vua. Trong số tài liệu bắt được, có bài hịch kêu gọi các lớp sĩ nông đánh đổ thực dân Pháp “xứ Nam Kỳ giống như nước Trung Hoa đời Hán, đời Đường. Thực dân là bọn Hung Nô, bọn rợ Đột Quyết. Vua Tự đức là thông minh tuyệt vời, 13 tỉnh đã liên kết lại. Từ năm 1905, trong hội đã loan tin rằng người Nhật sẽ tràn qua Nam Kỳ; người Nhật theo Thiên Địa Hội,ai theo thì sau này được sống, được phong làm quan để rồi được Nhật trợ giúp đánh đuổi thực dân Pháp!
Về sự phát triển của hội, tài liệu trên cho biết: tỉnh Long Xuyên gồm tất cả 60 làng, chỉ 5 làng là có thể có hội kính, 42 làng kia chia làm hai loại, loại thứ nhất là 35 làng bị ảnh hưởng nặng, thứ nhì là 17 làng bị ảnh hưởng ở mức vừa phải.
Trong cấp lãnh đạo,người Hoa kiều hoặc Hoa Kiều lai là thiểu số, người Việt chiếm đa số, thường là hương chức hội tề đương nhiên hoặc hương chức cựu, Tại làng thời Thuận, (tổng định Mỹ) niều tín đồ Thiên chúa đã theo hội kín hoặc nhóm Nghĩa Hưng.
Trong làng, lúc đầu cần vài người hoạt động tích cực, sau đó cứ thuyết phục và hăm dọa để rồi những kẻ cầu an hoặc chống đối cũng lần lượt theo hội để khỏi bị hiếp đáp, vì thấy mình là thiểu số. Hương chức làng, người có uy tín, có đạo đức được chọn trước. Ai không theo thì bị phá rối liên miên: đốt nhà, đánh đập công khai hoặc lén lút, đốn cây ăn trái, phá đám mạ, đập lu hũ trong nhà...