hững chiếc lá đâm chồi không ai hay Già cỗi giữa thinh không Và chết trong những ngọn gió Tác phẩm của tôi như những chiếc lá rụng Rơi vào bụi hồng Những chiếc lá rụng không ai nhặt Tự gom lại giữa vòng xoáy Có người bật lên que diêm Nhóm thành ngọn lửa Ngọn lửa nhỏ không dùng để làm gì Vẫn có thể đốt lên điếu thuốc Giữa cuộc đời mênh mông Ngọn lửa nhỏ ấy đang cháy trong ngôi nhà xinh xắn yên tĩnh tại thành phố Lake Forest bang California Hoa Kỳ. Một vùng thiên nhiên trầm mặc. Sáng sớm thường se lạnh. Tôi đi bộ dọc theo bờ suối. Một bên là rừng, một bên là con đường nhỏ dành cho tôi và những con thỏ nhỏ xíu. Những con thỏ còn ngái ngủ, bước ra khỏi bụi gai. Đàn sáo đen đi tìm những bông cỏ dại. Một chai huýt-ki uống dang dở bỏ lại bên chiếc cầu gỗ. Các phương tiện truyền thông của Mỹ nói đây là mùa Hè mát nhất tại Mỹ trong vòng mười năm qua. Dường như thiên nhiên đang ủng hộ tôi, ban tặng tôi những buổi sáng tuyệt đẹp. Mới tuần trước, mưa tầm tã ở Wichita. Ngày 5 tháng 7 tôi đến phi trường Dallas mưa vẫn đuổi theo. Và sương mù dày đặc. Nhưng khi đến Cali thì gặp nắng. Mà trời vẫn lạnh. Buổi sáng xanh. Bình yên. Ngọn gió vẫn thanh thản. Và con thỏ rừng vẫn đứng lặng thinh bên những bụi gai. Có lẽ khi người Mỹ chưa đến vùng đất này thì loài thỏ rừng đã xây tổ ấm trong những bụi gai, và chúng vẫn ra đứng bên bờ suối mỗi buổi sáng. Chúng vẫn chậm chạp và lặng lẽ. Chúng làm cho buổi sáng ngưng đọng lại, cho ký ức tôi ngưng đọng lại. Hôm qua tôi đi San José tìm Phượng theo địa chỉ mà cô đã cho tôi cách đây mười năm. Nhưng đó chỉ là một trạm sửa chữa của hãng Hitachi. Phượng đã thất lạc. Phượng chỉ còn là hình bóng quá khứ. Một chiếc váy sặc sỡ hoa trên nền đỏ chói. Trong gió biển lồng lộng, chiếc váy tung lên như cánh diều. Phượng bước trong một vũ điệu man dại. Tóc bay như cánh chim. Môi đỏ chót. Chúng tôi ngồi trong một cái quán cua biển cạnh mé nước. Phượng gọi thật nhiều món ăn. -Hôm nay em đãi anh. -Vì sao? -Vì là sinh nhật của em. Tôi không biết điều đó. Bữa tiệc sinh nhật chỉ có hai người. Một cú điện thoại rủ đi Vũng Tàu. Một chuyến xe đò vội vàng. Đến khách sạn Phượng thay đồ. Và chọn cái váy sặc sỡ. -Em mỏng lét, nhưng người ta nói ngực em là ngực sừng trâu. Vì đầu vú nghểnh lên như sừng trâu. Tôi thấy đẹp. Phượng lộng lẫy. Và hoang dã như một cô gái người Hawaii. Buổi chiều đầu tuần êm ả trong quán cua vắng người. Ăn và mút ngón tay. -Sao em cười hoài vậy? -Em sắp xa anh rồi. -Đi đâu? -Đi vượt biên. Đó là một buổi chiều của năm 1978. Lúc ấy Phượng là phóng viên báo SGGP. Và chúng tôi mới quen nhau 3 tháng. Phượng ở khu tập thể Bạch Kim đường Chữ Thập Đỏ. Một sáng chủ nhật nào đó tôi đến chơi và Phượng cũng mặc cái váy sặc sỡ này. Cô ngồi trên chiếc ghế bành rộng và tôi ngồi bệt trên sàn gạch, ngay dưới chân cô. Phượng xoa đầu tôi như đứa trẻ. Tôi nhắm mắt và cắn cái gấu quần của cô như một con chó con. Rồi Phượng cúi xuống, ngực chạm trên tóc tôi. Phượng đã ôm tôi như một người mẹ. Và mọi thứ diễn ra tự nhiên, dịu dàng, nhẹ, chậm và âu yếm. Buổi chiều trong quán cua tôi mới biết Phượng đang ở với cha và một người mẹ kế. Phượng không thích cảnh ấy và ra đi. -Em bỏ anh sao? -Vì anh đã có gia đình rồi. Buổi tối chúng tôi ngồi trên kè đá. Chỉ có những vì sao. Ngoài ra là đen kịt. Biển cũng đen. Cả những ngọn sóng cũng chỉ ánh lên một chút lân tinh mờ ảo. Tôi nói: -Biển thật đáng sợ. -Nhưng em vẫn phải đi. Người ta thường chọn những đêm tối đen như vậy để ra đi. Tôi thương Phượng xót cả lòng. Nước mắt chảy trong bóng tối. Nhưng Phượng thì cười. Đàn ông gì mà yếu đuối vậy. -Thôi, mình về khách sạn. Nhưng chúng tôi không ngủ. Phượng bảo tôi đệm đàn cho cô hát. Trên đời này không có người nào hát hay như Phượng. Đó là chất giọng của Bạch Yến. Khi còn là sinh viên tôi đã suýt ngất xỉu khi lần đầu tiên nghe Bạch Yến hát bài Đêm Đông trên đài BBC. Tiếng hát ấy có năng lực đánh thức tất cả sao trên trời và làm bừng sáng địa ngục. Phượng đứng bên cửa sổ nhìn ra biển. Tiếng hát bất tận. Không cần MC. Nối tiếp nhau, thanh thoát, lạnh giá và lộng lẫy. Tiếng hát đã truyền cảm hứng cho cây đàn. Chúng tôi biểu diễn quên thời gian, quên cả chính mình. Cho đến khi nghe có nhiều tiếng lao xao bên ngoài. Tôi mở cửa phòng và nhìn thấy một đám đông. -Anh chị cứ tiếp tục đi. -Chúng tôi đang nghe. -Chúng tôi đã đứng đây cả tiếng đồng hồ. Phượng ra chào các fans hâm mộ và nói cám ơn. Sáng hôm sau tôi đòi ở lại tiễn Phượng lên tàu nhưng không được. Vì người ta muốn bảo mật tuyệt đối. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Phượng. Trong tác phẩm Người Tình Cũ (nxb Văn Nghệ ấn hành năm 1988) tôi có viết một chương về giọng hát của Phượng: TRÍCH MỘT ĐOẠN NGẮN: “Khách ngồi quanh các gốc cây, trên ghế đá, trên cỏ. Thức ăn nhẹ, Buche de Noel, rượu nho, cà phê, rượu mạnh. Tiếng dương cầm và vĩ cầm sánh đôi nhau đùa giỡn trong khu vườn đầy ánh sáng. Ca sĩ Thúy Vân hát liên tiếp ba bài Giáng Sinh. Những người kế tiếp đều là ca sĩ nhà nghề. Những bản tình ca xen kẽ với nhạc Giáng Sinh cứ nối nhau không dứt. Gần hai giờ sáng, những tách cà phê đã cạn và rượu chỉ còn sánh một chút dưới đáy ly, hai người nhạc sĩ không đàn nữa. Cây piano đã đóng nắp lại, cây violon cũng được cất trong hộp, bạn bè ngủ gà ngủ gật. Chủ nhà kêu lên: -Trời ơi sao lại ngủ, đêm nay phải thức! Phải hát! Hai chàng nhạc sĩ thu mình trong chiếc ghế mây. Họ uống cà phê đậm và lơ đãng nhìn ngắm bầu trời. Giờ này mọi người đều muốn quay về thế giới riêng của mình. Chính Phượng cũng muốn như thế. Chủ nhà khẩn khoản: -Nhưng Phượng phải hát một bài mới được. Phượng bỏ dép ra, hai bàn chân trần dẫm lên cỏ uớt. Tôi ngồi cạnh đôi dép da, vừa hút thuốc lá vừa quan sát nó. Bổng nhiên chung quanh im lặng lạ thường. Trong cái im lặng ấy Phượng hát. Giống như đóa hoa tình cờ nở giữa rong rêu, giống như con chim lạ ở đâu bay về đậu trên mái đình cổ kính và hót. Phượng hát bài “Ngậm ngùi”. Sao đêm giáng sinh mà em hát bài “Ngậm ngùi”? Tiếng hát lạnh chạy suốt qua những lồng ngực, qua những đôi mắt ngái ngủ. Hai chàng nhạc sĩ rụng rời khi tiếng hát lạnh buốt ấy dạt đến. Chúa đã sai người con gái này xuống để hát thánh ca, sao các người ngồi im đó? Hai nhạc sĩ mặc khải được giọng nói của thiên thần từ trên trời và hiểu rằng mình sẽ bị ném vào hỏa ngục nếu không chạy đến cây đàn của mình. Và họ chạy đến như kẻ tôi tớ của Chúa. Phượng hát trong nền nhạc lộng lẫy, và dân thành Bêlem bồng bế nhau tới trước hang đá. Tôi biến thành con lừa nhỏ nằm hiền lành bên đôi xăng-đan và gặm nó giữa hai hàm răng rất to của mình. Những cô ca sĩ chuyên nghiệp ngạc nhiên trước giọng hát của Phượng, sợ hãi đứng nép vào gốc cây, những cô gái xinh đẹp rực rỡ kia nhạt nhòa hết son phấn và biến thành cô thôn nữ hiền lành tay cầm lễ vật đi theo sau ngựa của ba vua, băng qua sa mạc mênh mông và đến đây. Nhưng Phượng thì vẫn giản dị, đứng hát như cô gái di-gan bên đống lửa. ° Nhưng Người Tình Cũ không chỉ là một chuyện tình. Đó là tác phẩm viết về phong trào sinh viên các đô thị miền Nam trước 1975. Năm 1988 sau khi cuốn sách ra mắt độc giả, Ban tuyên huấn thành ủy kết luận: Cuốn sách đã có một cái nhìn đen tối về cách mạng. Cơ quan này cũng kết luận về tác phẩm Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng của tôi bằng một câu gọn lỏn: một cuốn sách chống cộng. Năm 1990 nhà xuất bản Văn Học in cuốn Hoa Dại Lang Thang. Cuốn sách viết về sự cấu kết của những ông chủ doanh nghiệp giàu có và giới cầm quyền cộng sản để khuynh đảo thị trường và trục lợi. Trong bối cảnh đó nhân vật chính nổi lên. Đó là một thằng Hề. Hề vốn là một trí thức trẻ đi theo kháng chiến. Sau giải phóng hắn làm bí thư xã. Nhưng hắn chán ghét cái công việc đó và bỏ đi làm hề trong một gánh xiếc. Nhân vật thứ hai là Phượng, một cô gái trẻ, con nhà giàu. Phượng sống dữ dội, phóng túng. Tình yêu đã dẫn thằng Hề và Phượng lang bạt khắp nơi, chọc phá và chế giễu bọn quan lại mới. ° Về tác phẩm Vua Mèo (nxb Trẻ 1989) Giáo sư Hoàng Thiệu Khang lại nhìn ở một góc độ triết học và thẩm mỹ khác: “Cái bản nhiên tuyệt mỹ hiển nhiên chưa là hiện thực; nó chỉ mới là cái hướng,cái khát vọng, nên đó cũng sẽ là cái nửa thật, nửa hư. Ta hiểu vì sao Ðào Hiếu đã dựng lên một hiện thực trực tiếp của tác phẩm hư-hư-thực-thực. Lọ Lem sống hồn nhiên như cỏ cây, như mây, như gió, như sóng biển, muốn dữ dội thì dữ dội, muốn hiền hoà thì hiền hoà, khi vui thì cười, khi buồn thì khóc… Bằng cái thẩm mỹ tự nhiên ấy. Lọ Lem “sống” trong đời thật. Vua Mèo đi xa hơn, ông đã vượt qua những cản ngăn để về với cái chất bản nhiên người. Vua Mèo không biết đến lòng hận thù. Vậy là, với Vua Mèo, cô đơn là một phương thức để thấu thị cuộc đời, chứ không là bản chất của cái bản nhiên…Hai con người bản nhiên ấy chưa được cuộc đời hôm nay dung nạp hết, ta hiểu vì sao họ sẽ về với nhau nơi hòn đảo xa hơn…”