Giáp có một thửa ruộng lớn sát với thửa ruộng của Ất. Giữa hai thửa ruộng có một cái bờ rộng làm lối đi lại, vận chuyển lúa mỗi khi thu hoạch vụ mùa. Từ trước đến nay hai người vẫn hòa thuận, dùng bờ ruộng làm lối đi chung. Nhưng kể từ khi hai người có mối bất hòa thì quyết không dùng chung lối đi nữa. Ất xem lại giấy tờ và đo đạc lại ruộng thì thấy ràng Ất có hai phần bờ ruộng, còn Giáp chỉ có một phần. Giáp cũng xem lại giấy tờ và đo đạc lại ruộng thì cũng thấy mình có hai phần, Ất chỉ có một phần. Việc xảy ra tranh chấp, cả hai đưa đơn lên quan huyện. Ất muốn được kiện nên đem 5 quan đút lót cho quan huyện. Nhận tiền, quan hứa thế nào cũng xử cho Ất được kiện. Giáp cũng sợ thua kiện, đem 10 quan đến hối lộ quan. Quan huyện cũng nhận.Hôm xử, quan cho Giáp được. Ất trợn mắt, giơ năm ngón tay ra ý nhắc mình đã tặng 5 quan. Điềm nhiên, quan giơ mười ngón tay và bảo:- Tao cũng biết mày phải nhưng nó còn phải bằng hai mày! Biết mình vì lo lót ít hơn Giáp mà bị thua kiện nên Ất kiện lên quan phủ. Để nắm chắc phần thắng, Ất chờ cho Giáp chạy lo lót trước. Quả nhiên, vì sợ thua kiện ở phủ nên Giáp đem 10 quan tiền lo lót cho quan phủ. Quan phủ hứa sẽ xử y án như quan huyện đã xử cho Giáp thắng kiện. Sau khi biết được Giáp đã lo lót cho quan phủ 10 quan tiền, Ất bèn đem 20 quan đến lo lót quan phủ.Hôm xử, quan phủ cho Ất được. Giáp lại trợn mắt giơ 10 ngón tay ra ý nhắc nhở là mình có tặng 10 quan. Thản nhiên quan phủ bảo:- Tao cũng biết mày phải nhưng nó còn phải bằng hai mày! Giáp biết mình lo lót ít hơn Ất nên thua kiện. Cảm thấy bị nhục nên Giáp quyết kiện lên nhà vua. Ất thấy Giáp còn kiện mình bèn khăn gói lên đường ra kinh đô cùng với Giáp để dễ bề chạy chọt kịp thời. Sợ chồng bị thua kiện, nên hai bà vợ lo toan cho chồng đủ tiền lên đường.Lúc chờ đợi nhà vua xét xử, cả hai đều tìm đến quan cận thần và hoàng thân quốc thích để nhờ giúp đỡ. Họ đều tốn khá nhiều tiền.Hôm xử, vua phán: - Bờ ruộng hai ngươi phải giữ như cũ làm lối đi chung, không ai được tự tiện ngăn chia.Ất, Giáp về lại quê nhà thì được biết cả hai bà vợ của họ đã bán hai đám ruộng ấy để trả nợ nần vì chi phí cho hai ông chồng đi thưa kiện.Lời bàn:Ruộng đất của mỗi người đều có giấy ghi rõ diện tích nhưng khổ nỗi nhiều lúc giấy tờ lại có sự khác biệt với thực tế. Chính đó là một trong những lý do gây ra tranh chấp. Nhưng lâu nay tại sao họ lại không tranh chấp? Đó là vì lâu nay họ đoàn hết, hòa thuận, nhường nhịn nhau. Giả sử, lúc đang hòa thuận, nếu phát hiện giấy tờ ghi sai họ sẽ tự thương lượng điều chỉnh, nhưng lúc đã bất hòa thì chuyển thành vụ kiện.Đây là bài học cho tất cả mọi người từ xưa đến nay. Ông bà ta có câu: “Vô phúc đáo tụng đình, hoặc “Được kiện mất chín, thua kiện mất mười”, thật quả không sai. Ất và Giáp vì tranh chấp một bờ ruộng mà kiện nhau. Được bờ ruộng đâu không thấy, chỉ thấy tốn công hại của đến nỗi phải bán ruộng. Điều trớ trêu là kết quả cuối cùng sau ba lần xét xử là phải giữ nguyên trạng như ban đầu.