Vào khoảng giữa thế kỷ trước, một ông chánh án tòa án Paris có một người nhân tình nhưng lại muốn giấu thiên hạ - bấy giờ chỉ các nhà đại quí tộc mới khoe nhân tình của mình, còn các anh tư sản thì lại giấu đi – nên cho xây một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Xanh Giécmanh, trong một phố vắng vẻ là phố Bơlômê ngày nay gọi là phố Pơluymê, gần nơi gọi là Quần Thú. Ngôi nhà ấy có gác, dưới nhà có hai phòng, một cái bếp, trên gác có hai buồng, một phòng khác nhỏ, sát mái là một gác xép. Trước nhà, một khoảng vườn độ một sào có cánh cổng lớn song sắt trông ra đường phố. Người đi qua ngoài phố trông thấy chỉ có bấy nhiêu. Nhưng phía sau ngôi nhà chính, có một mảnh sân hẹp và cuối sân có một cái nhà xép hai gian, lúc cần có thể để một đứa bé con và một bà vú ở đấy. Chiếc nhà này, phía sau, có một cái cửa che kín, mở đóng rất bí mật, ăn thông với một hành lang hệp, trên để lộ thiên, dưới lát đá, chạy quanh co giữa hai bức tường cao. Cái hành lang ấy cứ men theo sát dãy hàng rào, hàng giậu từ vườn này sang vườn khác, từ đám đất này sang đám đất khác, có lúc đi vòng quanh, có lúc gấp thành góc theo hình cái thửa vườn và các đám đất và cuối cùng dẫn đến một cái cửa bí mật, cách đấy độ một phần tám dặm, gần một khu phố khác, ở tận đầu mút của cái phố Babilôn hiu quạnh. Ông chánh án đến ở đấy. Ngôi nhà bố trí khéo đến nỗi, người nào có chú ý theo dõi và nhận thấy ông ta ngày nào cũng đi đâu bí mật, cũng không ngờ rằng hễ đi ra phố Babilôn tức là đi ra phố Bơlômê. Nhờ khéo xếp đặt mua được đất nên ông có thể thuê người làm con đường bí mật ấy ở trên đất mình không ai kiểm soát được. Về sau ông đem bán lại chỗ đất dọc hành lang ấy từng miếng một để người ta làm vườn và trồng trọt. Các người chủ mới ở hai bên hành lang, cũng tưởng trước mắt mình là một bức tường ngăn, chứ không ngờ có con đường lát đá dài như dải khăn quanh co giữa hia bức tường, đi dọc theo hết luống rau này đến vườn cây khác của họ. Chỉ có chim chóc là nhìn thấy cái vật là lạ ấy. Và các lũ sáo ngà, sáo sậu của thế kỷ trước chắc là đã bàn tán với nhau nhiều về cái ông chánh án ấy. Ngôi nhà xây bằng đá theo kiểu Măngxa, bọc tường và trang trí bàn ghế theo kiểu Váttô, bên trong dạng động phủ, bê ngoài dáng mềm mại, khuất sau ba lớp rào hoa. Nó có một cái vẻ gì vừa kín đáo, vừa đỏm dáng, vừa long trọng, đúng sở thích của một quan tòa si ái. Cái nhà ấy và hành lang ấy ngày nay đã mất, nhưng trước đây mười lăm năm vẫn hãy còn. Năm 93, một người chuyên đúc nồi đã mua ngôi nhà để hủy phá, nhưng không thanh toán được cho nên bị xử vỡ nợ. Hóa ra ngôi nhà đã phá hủy ông chủ. Từ đấy, ngôi nhà bị bỏ hoang và dần dần đổ nát như tất cả những nhà cửa không người ở đó, do đó không được truyền sức sống cho. Bàn ghế ngày xưa vẫn nằm nguyên trong đó. Một tấm bảng vàng, chữ hết đọc được, treo ở rào sắt từ năm 1810 khiến cho con số mười, mười hai người mỗi khi đi qua phố Pơluymê biết rằng ngôi nhà sẵn sàng để bán hoặc cho thuê. Vào cuối thời Quân chủ phục hưng, những khách qua đường đó nhận thấy tấm bảng đã biến mất, hơn thế nữa, những cửa sổ ở tầng một đã mở. Thật vậy, ngôi nhà đã có người ở. Các cửa sổ có những “màn che nhỏ”, đó là dấu hiệu tỏng nhà có phụ nữ. Tháng 10 năm 1829, một người đàn ông đứng tuổi đến thuê ngôi nhà ấy, cố nhiên là gồm cả gian nhà xép phía sau và cái hành lang ăn thông đến phố Babilôn. Ông cho đặt lại hai cái cửa bí mật ở đầu hành lang. Trong nhà hãy còn gần nguyên các thứ bàn ghế cũ thời ông chánh án ở, người chủ mới chỉ cho sửa sang lại một ít, chỗ nào thiếu cái gì thì thêm vào cho đủ, lát cái sân đá, cái nền gạch đã loang lổ, chữa lại cái cầu thang, sàn gỗ, thêm kính vào các ô cửa sổ. Xong đâu đấy ông mới cùng một thiếu nữ và một u già dọn đến, lặng lẽ như một người lạ lẻn vào nhà, chứ không phải như người ta vào ngôi nhà của mình. Láng giềng cũng chẳng bàn tán gì bởi cái lẽ không có ai là láng giềng cả. Người đến thuê nhà âm thầm, ít gây chú ý ấy là Giăng VanGiăng, thiếu nữ là Côdét. U già là một người đàn bà tên là Tútxanh, vừa già, vừa quê, vừa ngọng. Giăng VanGiăng đã cứu bà ta ra khỏi bệnh viện làm phúc và khỏi cảnh khốn cùng, rồi quyết định đem bà ta về ở với mình vì bà có ba đặc điểm trên kia. Ông đã lấy tên là ông Phôsơlơvăng, nhà thực lợi (người sống về lọi tức), để thuê nhà. Qua những điều nói trên, chắc bạn đọc đã nhanh chóng nhận ra Giăng VanGiăng còn nhanh hơn lão Tênacđiê nữa. Tại sao Giăng VanGiăng đã rời bỏ nhà tu Pơti Píchpuyt? Chuyện gì đã xảy ra? Không có chuyện gì lạ cả. Bạn đọc còn nhớ, ở nhà tu, Giăng VanGiăng rất sung sướng, sung sướng đến nỗi có lúc lương tâm phải lo ngại. Ngày nào ông cũng được gặp Côdét; mối tình phụ tử hiện ra và mỗi nảy nở. Ông thương yêu ấp ủ con bé trong tâm hồn. Ông tự bảo: nó là của ông, không có gì có thể cướp đi được; tình trạng này sẽ cứ mãi mãi như thế; chắc chắn nó sẽ làm bà xơ đúng theo con đường hàng ngày người ta muốn mở ra cho nó và như thế, nhà tu sẽ là vũ trụ của nó và của ông; ông sẽ già ở đây, nó sẽ lớn lên ở đây, rồi nó sẽ già ở đây và ông sẽ chết ở đây, thật là thỏa ước mơ, không còn nói cha con chia lìa, chia rẽ gì được nữa. Nghĩ đến đấy, bỗng dưng ông sinh lo âu. Ông tự chất vấn. Ông tự hỏi có phải thật tất cả hạnh phúc của người khác, của con bé kia? Ông già mà tước đoạt hạnh phúc của nó giấu làm của riêng cho mình sao? Như thế có phải là trộm cắp không? Ông tự nhủ con bé có quyền được biết cuộc sống trước khi bỏ đời đi tu. Ngay từ bây giờ mà gần như không hỏi ý kiến nó, lấy cớ để tránh cho nó mọi thứ đau khổ, lợi dụng nó khờ dại, cô đơn mà ép nó phải đi tu, thì có khác gì làm hư hỏng bản chất tự nhiên của một con người và dối trá với Chúa? Lại biết đâu, một ngày kia, Côdét mà biết rõ đầu đuôi, biết nó phải làm bà xơ một cách miễn cưỡng, nó sẽ không sinh thù hằn cả việc này? Ý nghĩ cuối cùng này, hơi ích kỷ và ít dũng khí hơn những ý nghĩ khác, nhưng nghĩ như thế ông không sao chịu được. Ông quyết định rời bỏ nhà tu. Ông quyết định như thế. Ông buồn rầu mà nhận ra rằng việc phải như thế. Còn về những trở ngại thì chẳng có gì. Năm năm sống biệt tăm biệt tích trong bốn bức tường này, đến bây giờ ra ngoài thì còn sợ gì nữa. Ông có thể yên tâm trở lại sống giữa mọi người. Ông đã già đi và cái gì cũng đã thay đổi. Ai còn nhìn ra được ông bây giờ. Với lại cứ cho là chẳng may đi nữa, thì có gì nguy hiểm thì là nguy hiểm cho bản thân ông chứ có quyền gì mà bắt buộc Côdét vào nhà tu kín, bởi lẽ xưa kia ông bị vào nhà tù khổ sai? Vả lại, trước nhiệm vụ thì nguy hiểm có đáng gì? Mà, có ai cấm ông cứ thận trọng và tìm mọi cách đề phòng? Còn việc giáo dục của Côdét thì đã gần xong và trọn vẹn rồi. Quyết định xong, ông chờ cơ hội. Cơ hội không bao lâu đến: ông già Phôsơlơvăng từ trần. Giăng VanGiăng xin gặp bà xơ bề trên, trình bày với bà rằng anh ông chết đi để lại cho ông một cái gia tài nho nhỏ đủ sống khỏi phải làm lụng gì, nên ông xin thôi việc ở nhà tu và xin dắt con gái đi. Ông cũng trình bày luôn rằng Côdét chưa làm lễ thụ phép làm người tu hành thì không lẽ gì tu viện lại nuôi không nó những năm năm như thế, nên ông khẩn khoản xin thế nào bà bề trên cũng vui lòng để ông cúng cho quỹ nhà tu một món tiền là năm nghĩn phơrăng, xem như là đền bù vào khoản Côdét ăn ở lâu nay. Thế là Giăng VanGiăng ra khỏi nhà tu. Ở nhà tu ra đi, ông cắp lấy chiếc va li nhỏ chứ không nhờ ai vác hộ, chìa khóa thì ông giữ trong mình. Chiếc va li bay một mùi thơm ngát làm cho Côdét phải chú ý. Nói ngay rằng từ đó chiếc va li ấy không bao giờ rời ông ra nữa. Luôn luôn ông để nó trong phòng ông. Nó là vật đầu tiên có khi là vật duy nhất ông mang đi trong những lúc dọn nhà. Thấy thế Côdét phải bật cười và gọi chiếc va li là “người bạn không rời nhau” của ông rồi nói: con phát ghen với nó. Tuy vậy, việc trở lại với không khí tự do ngoài đời không khỏi làm cho Giăng VanGiăng lo lắng khá nhiều. Ông tìm ra được ngôi nhà phố Pơluymê và chui vào đó. Từ đấy ông vẫn giữ tên là Uyntim Phôsơlơvăng. Đồng thời ông thuê luôn hai căn phòng khác ở Paris. Chủ tâm là để thay đổi, khỏi ở luôn một khu phố, cho người ta bớt để ý và khi trong lòng thấy có gì đáng lo ngại thì có thể vắng mặt một thời gian, cũng như là để có đường xoay sở chứ không bị bất chợt vô kế khả thi như cái đêm ông thoát khỏi tay Giave một cách quá ư may amwsn trước đây. Hai căn phòng ấy là hai gian nhà bé nhỏ nghèo nàn ở hai khu phố cách nhau rất xa, một ở phố Uét, một ở phố Lom-acmê. Thỉnh thoảng ông đến nơi này hoặc nơi kia ở một tháng hay năm sáu tuần có Côdét đi theo, còn bà Tútxanh thì để ở nhà. Cơm nước hay sai bảo thì đã có mấy người gác cổng, mà ông bảo cho biết ông là một nhà thực lợi ở ngoại ô lấy nơi ấy là chỗ tạm trú mỗi khi vào thành. Con người đạo đức cao siêu ấy thế mà phải có đến ba chỗ ở giữa Paris để tránh lưới cảnh sát.