- 1 -
Bayle và anh Việt cộng chịu chơi

    
ăm 1965 tôi có hai người bạn thân. Người thứ nhất là Bayle, lính thủy đánh bộ Mỹ và người thứ hai là một Việt cộng.
Việt cộng này không đi dép râu, không đội nón tai bèo mà để tóc dài, hút Bastos xanh và uống whisky. Anh ta là Trần Quang Long, thi sĩ.
Còn gã lính thủy đánh bộ Mỹ là một thanh niên da trắng, tóc nâu, vừa tốt nghiệp đại học thì bị thảy qua chiến trường Việt Nam. Hắn cũng thích whisky và chơi ghi-ta cổ điển. Còn tôi, tuy chưa hề học ở một nhạc viện nào nhưng vì thích cây ghi-ta nên đã tự học và chơi nhạc cổ điển nghe cũng “mùi” lắm. Chúng tôi đã đến với nhau nhờ âm nhạc.
Bayle thường tới nhà tôi chơi. Ăn ngủ ở đó. Nhớ bồ, khóc lóc cũng ở đó.
Bayle còn có thể chơi một số tác phẩm flamenco của Sabicas rất bốc, nhưng hắn lại thích nghe tôi chơi những tác phẩm của Tarrega. Hắn nói mỗi lần nghe Tarrega tao buồn quá.
Ngày kia khi tôi vừa tiễn hắn ra đầu hẻm thì một viên cảnh sát áo trắng đến. Ông ta hỏi:
-Thằng Mỹ nào vậy?
-Bạn của tôi.
-Nó vô trong xóm lao động làm gì?
-Vô chơi.
Viên cảnh sát ghé tai tôi:
-Em dại lắm. Dẫn nó vô xóm lao động lỡ bị Việt cộng ám sát thì em sẽ tù rục xương.
Nhưng Bayle vẫn đến. Anh ta có thể ăn bất cứ món gì mà người Việt ăn được, nhất là những đặc sản Bình Định như chim mía, nem Chợ Huyện, mắm cua…
Trần Quang Long và Bayle không biết nhau, không thù nhau, không thân nhau. Còn tôi thì thân cả hai người.
Long dụ tôi theo Việt cộng. Rồi cùng Long tổ chức những cuộc biểu tình rộng lớn chưa từng có tại Qui Nhơn vào mùa Hè năm 1966.
Long là một anh chàng cộng sản rất quậy. Tôi cũng quậy. Chơi xả láng với cảnh sát, với dùi cui ma trắc, lựu đạn cay và nhà tù. Còn Bayle thì không biết gì cả nhưng anh ta đã chết ngay trên đường phố. Long bị đánh gãy chân còn tôi bị tống ra đảo Phước Lý cùng với một thằng bạn có tên là Dã Nhân.
Bayle chết không thù hận. Hồn nhiên như đứa trẻ. Tôi nhớ những ngón tay của anh ta thon dài tái nhợt trên nền xi măng lấm lem. Đó là những ngón tay tài hoa từng cùng tôi đánh thức dòng nhạc trữ tình của Tarrega mà anh ta rất thích. Lúc Bayle chết, tôi và Trần Quang Long đang nằm trong quân y viện Qui Nhơn, bệnh viện của những người lính Sài Gòn.
Bayle chết cùng ngày với một ông già Việt Nam.
Đó là cha của Dã Nhân.
°
Có người hỏi tôi làm thế nào mà Trần Quang Long, Dã Nhân và tôi có thể tổ chức một cuộc biểu tình mười ngàn người trong một thành phố nhỏ bé như Quy Nhơn? Tôi đã trả lời rằng phải dựa vào quần chúng, mà nòng cốt là đồng bào Phật tử.
Sai lầm lớn của Nguyễn Cao Kỳ lúc ấy là đã cho máy bay ném bom các chùa chiền ở Đà Nẵng. Chính ông ta đã thổi bùng ngọn lửa Phật giáo.
Thượng tọa Trí Quang ra lệnh đem bàn thờ Phật ra đường. Và dựng lên đài phát thanh “Cứu nguy Dân tộc”.
Sáng hôm đó Dã Nhân hớt hải đến báo với tôi:
-Ðêm qua mình nghe được tiếng nói của thầy Trí Quang.
-Nói ở đâu?
-Trên làn sóng điện ba mươi mốt thước. Trời ơi, mình chỉ vừa nghe mấy tiếng “Tôi, Trí Quang đây” đã rụng rời tay chân. Chưa bao giờ mình trải qua cơn xúc động lạ lùng như thế.
Trên đường phố, chỗ nào cũng có bàn thờ Phật. Ðàn bà con gái mặc áo dài thắp hương quỳ lạy, xe cộ không dám chạy ngang qua, cảnh sát dã chiến cầm dùi cui, khiên mây, đeo mặt nạ phòng hơi độc đứng thành một tốp ở xa xa quan sát động tĩnh. Dã Nhân đến lạy trước bàn thờ Phật. Tôi và Trần Quang Long cũng lạy theo anh.
Khi ngồi riêng với nhau, tôi hỏi Trần Quang Long:
-Tại sao chúng ta làm theo sự điều động của Thích Trí Quang?
Long nói:
-Chúng ta là người của Mặt Trận Giải Phóng nhưng chúng ta liên minh với Phật giáo.
-Tại sao phải liên minh với họ?
-Vì họ và chúng ta đều chống Thiệu.
-Nhưng ta chống Thiệu và chống Mỹ còn Trí Quang chống Thiệu nhưng không chống Mỹ.
-Ðúng như thế, Long nói. Chính Mỹ đã trang bị cho ông ta một cái đài phát thanh bí mật. Trí Quang muốn làm một Makarios của Việt Nam. Ông lãnh đạo quần chúng đấu tranh với Thiệu, Kỳ là để đòi hỏi những quyền lợi chính trị cho phe nhóm ông, để đưa các đệ tử của ông vào các ghế bộ trưởng, các ghế ở quốc hội và chính bản thân ông, hoàn toàn có thể làm một kiểu như Makarios của đảo Chypre.
Tôi hỏi:
-Vậy Mỹ đang ủng hộ Trí Quang trong mưu đồ ấy sao?
-Không bao giờ.
-Thế thì tại sao họ trang bị cho ông ta một đài phát thanh?
-Họ đang lừa Thích Trí Quang đấy. Họ làm nhiều cử chỉ để Trí Quang tin tưởng rằng họ ủng hộ ông ta, và Trí Quang sẽ thi thố hết các ngón nghề ra để chống Thiệu, Kỳ. Cuối cùng Mỹ sẽ “rút ván” thế là Trí Quang rớt xuống sông, uy tín của ông ta trước tín đồ phật giáo sẽ bị tổn thương và sau này người ta không dễ dàng gì nghe theo lời ông ta nữa.
Tôi nghĩ đến Dã Nhân, đến lòng kính phục vô bờ bến của anh trước nhà sư này, một người đã từ lâu trở thành huyền thoại. Có lần Dã Nhân cầm tờ báo Time có in hình thầy Trí Quang ở bìa và bảo:
-Xem họ viết đây này: Một nhà sư uyên bác, một người biết rất nhiều ngoại ngữ nhưng chỉ nói tiếng Việt, một người không bao giờ đi xe du lịch Hoa Kỳ.
Và Dã Nhân chỉ cho Tôi xem tấm hình trên báo Time chụp lúc Thích Trí Quang ngồi xe xích lô đạp.
Dã Nhân thần thành hóa Trí Quang cũng như rất nhiều tín đồ, nhiều tăng ni phật tử khác. Họ sẵn sàng “tự thiêu dưới chân thầy” vì họ đều nghĩ rằng thầy đang đấu tranh để bảo vệ đạo pháp và dân tộc.
Và họ đã cùng chúng tôi xuống đường, hình thành một cuộc mít-tinh chưa từng có trước Hội trường Qui Nhơn. Long đọc bài diễn văn dài một tiếng đồng hồ.
Ðám đông sôi nổi, cuồng nhiệt.
Đoàn người kéo qua thành phố và trở về cố thủ trong một trường tiểu học.
Khi đêm xuống, cảnh sát tấn công vào ngôi trường. Chúng bắn nát các bóng đèn. Bóng tối trùm xuống. Khói cay tràn ngập khắp nơi, chảy cuồn cuộn vào cổ họng như những con bọ nóng rát. Báng súng đánh phủ đầu giữa tiếng la hét của các nữ sinh.
Nhưng trận đòn thù ác liệt nhất vẫn chỉ tập trung vào một người.
Chúng vây đánh Trần Quang Long, dùng báng súng đánh vào mặt vào chân anh. Anh ngã chúi xuống trong đống bàn ghế ngổn ngang. Chúng lôi anh ra sân trường, đánh đấm túi bụi rồi vứt anh lên xe cây. Chiếc xe chạy giữa khuya thẳng tới ty cảnh sát.
Mặt đất đầy cát sạn, những viên sạn nhỏ, sắc cạnh như những cái gai của đất. Ðèn pha xoi mói từng mặt người. Mặt đất cũng sáng lên, mấp mô, lồi lõm bởi ổ gà, và vết xe đi. Những người bị bắt ngồi lố nhố như đàn chim cánh cụt bị lùa vào sa mạc nóng bỏng. Các em học sinh không còn đùa giỡn nữa, chúng ngồi ngủ gật hay nằm lăn lộn dưới đất vì bị khói cay làm cho ngộp thở, làm cho nước mắt chảy ràn rụa.
Khi tôi đỡ Long nằm xuống thì nghe một tiếng động nhỏ. Tôi xắn ống quần Long lên, thấy chỗ vết thương có một cái khớp. Đó là chỗ xương gãy. Máu ở đó trào ra, không mạnh nhưng cầm hoài không được. Tôi gọi y tá trong trại giam đến chích thuốc cầm máu. Chúng chích cho Long mấy mũi mà vẫn không cầm được máu. Sáng hôm sau chân Long sưng tấy lên và mặt anh tái mét. Chân sưng to làm ống quần Long căng cứng, Long day trở khó khăn nhưng anh không kêu. Long bảo tôi:
-Xé giúp mình cái ống quần.
Tôi xé theo đường chỉ may, xé toạc lên tới đùi. Vải quần đẫm máu đã khô cứng lại, dày cộm. So với chân bên kia, chân bị thương thật dễ sợ. Xé ống quần rồi, thấy nó như phồng thêm lên. Thế mà vết thương vẫn không ngừng rỉ máu.
Trời sáng dần. Bình minh đến phía sau những tán lá đen bên ngoài những bức tường nám khói và đầy kẽm gai. Bình minh xanh lơ không chút gợn mây. Mặt trăng như nét kẻ lông mày màu sáng bạc nằm lẻ loi trong bầu trời quá rộng. Thằng nhỏ bán thuốc lá lên tiếng chào mời. Mọi người tụ tập chỗ vòi nước. Bọn cảnh sát bắt đầu la hét. Thằng nhỏ vừa đi vừa đọc:
Nếu đời là một chuyến đi
Dừng chân giây lát có chi mà buồn.
Ðó là hai câu thơ Long đã nghĩ ra đêm qua và truyền miệng cho thằng nhỏ.
Buổi trưa chúng tiến hành hỏi cung. Trần Quang Long được đặt nằm trên một cái băng ca và khiêng thẳng vào phòng thẩm vấn. Sau đó đến lượt các thầy Lê Phước Cương, Nguyễn Trường Liêm… và các huynh trưởng Gia đình Phật tử ở chùa Long Khánh. Buổi chiều cô Cúc dạy triết đến gởi cho Long cuốn Histoire du Vietnam của Bernard Fall và gởi cho tôi gói quà. Cô nghiêm nghị và buồn. Cô chỉ hỏi tôi:
-Em cần gì nữa không?
Tôi thấy cô có vẻ gì hơi bực dọc nhưng tôi không buồn về điều ấy. Tôi hiểu rằng giữa tôi và cô có một khoảng cách lớn trong suy nghĩ, trong cách nhìn cuộc sống, nhưng sao tôi vẫn yêu mến cô, nhất là cái vẻ đăm chiêu, cái nhíu mày, cái thở dài kín đáo.
Buổi chiều đó rất buồn. Người ta đã đem Long đi đâu, chỉ còn lại tôi và Dã Nhân cùng mấy anh em trong gia đình Phật tử. Chúng tôi lần lượt bị hỏi cung, có người bị đánh bằng báng súng vô ngực, có người bị nện dùi cui vào đầu gối, vào ống quyển. Mọi người bước ra khỏi phòng thẩm vấn, nhăn nhó và khập khiễng.
Người bị hỏi cung cuối cùng là Dã Nhân. Cái dáng cao lêu khêu, hai tay dài quá gối, anh bước đi im lặng, anh ở trong phòng thẩm vấn gần một tiếng đồng hồ và bước ra cũng im lặng, cũng chậm chạp. Anh trở lại chỗ cũ, ngồi ôm gối hút thuốc lá, không nói một lời.
Hôm sau tôi bị tống ra đảo Phước Lý cùng với Dã Nhân.
Con tàu nhỏ tròng trành. Hai người nằm ngủ vùi trong khoang tàu bẩn thỉu cạnh những cuộn dây thừng to. Xế chiều tàu cập bến một hòn đảo nhỏ giữa biển. Vẻ đẹp của biển hoàng hôn làm tôi tỉnh táo trở lại. Tôi ngồi cạnh Dã Nhân, hút thuốc lá và nhìn ra biển. Dã Nhân hát. Biển im, tiếng hát nghe rất rõ trong cơn gió nhẹ, trong tiếng kêu rít rít của mấy con yến trắng.
Dã Nhân đã không ăn uống gì nhưng anh không làm ồn ào về chuyện đó. Anh nằm trên cát khi mọi người ăn chiều. Qua một đêm, sáng ra anh vẫn tỉnh táo đi theo toán quân. Buổi trưa đoàn người dừng lại nghỉ trong một vùng núi đá. Cây cối ở đây xơ xác, chỉ có dứa dại và những bụi sim rừng thấp lè tè, tuy vậy lại có nhiều hốc đá nên vẫn là một chỗ nghỉ chân rất tốt. Thấy Dã Nhân nằm trong hang, tôi cầm cà mèng của mình chui vào và ngồi cạnh anh.
-Sao vậy? Tôi hỏi.
-Mình không thấy đói,
-Nhưng cần gì anh phải làm như thế?
-Tôi không muốn ăn những gì của người Mỹ.
-Anh không thể tiếp tục nhịn ăn mãi được. Chúng ta không biết sẽ ở đây trong bao lâu.
-Đừng lo lắng cho mình về chuyện ấy nữa. Mình hiểu được việc mình làm chứ.
-Ðừng đùa. Anh tưởng là tụi lính sẽ nhượng bộ anh sao?
Ngoài cửa hang biển như sôi trào. Những đợt sóng trắng xóa cứ giăng hàng ngang mà đi vào bờ giống hệt như có đoàn người biểu tình cầm biểu ngữ trắng tiến sát vào vách núi dựng đứng.
Toán lính lại xuống thung lũng, đến một ngôi làng nhỏ. Đó là một ngôi làng đã chết. Cũng có thể nó đang hấp hối. Không một tiếng gà, không nghe chó sủa. Không cả tiếng chim. Chỉ có nắng và cát. Và những thân dừa cụt ngọn, cháy sém.
Rồi từ trong lùm cây xác xơ, vang lên tiếng kèn khò khè lạc điệu. Người đàn ông dẫn đầu, vấn chiếc khăn màu nâu già, hai má phồng lên, thổi cây kèn gỗ nhỏ xíu như món đồ chơi. Sau ông là hai người đàn ông khác vác hai xác chết gói trong manh chiếu. Mấy người đàn bà khẳng khiu đen nhẻm cùng vài đứa con nít đầy ghèn và ruồi nhặng câm lặng theo sau.
Một cái lệnh ngắn từ đâu truyền đến:
-Làng có dịch hạch. Không được uống nước giếng.
Toán lính Việt-Mỹ hỗn hợp đứng né qua bên. Đám tang đi ngang qua cơn nắng cháy, xiêu đổ trên cát nóng.
Toán lính chạy trốn khỏi ngôi làng nhỏ và tới điểm tập kết lúc trăng non đã lên.
Những người lính Sài Gòn đi đi lại lại trên cồn cát, mũi súng M16 đâm thẳng lên như những nét kiếm thẳng tắp. Họ cử động chậm chạp, câm lặng và uể oải. Một viên hạ sĩ đến và ra lệnh:
-Tắt thuốc lá đi nếu không muốn bị Việt cộng bắn trúng ngay mặt.
Dã Nhân búng tàn thuốc lên không và cho hai tay vào túi quần. Viên hạ sĩ quan ra hiệu cho chúng tôi đi theo anh ta đến cái lều vải nhỏ để lãnh mùng mền.
Cùng lúc ấy, Trần Quang Long bị gởi đi Tây Nguyên với vết thương còn rịn máu. Có lẽ anh cũng đang nằm nhìn mặt trăng vàng bệt này trong một khu rừng nào đấy và ở đó cũng có những người lính gác đi đi lại lại.
°
Tôi và Dã Nhân được đưa về đất liền trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ của dân chài. Chúng tôi được giải giao về ty cảnh sát và trả tự do một cách nhanh chóng, không bị hạch hỏi hay làm thủ tục giấy tờ gì rườm rà.
Về đến nhà tôi được biết hai cái tin quan trọng: Trần Quang Long cũng được đưa từ Tây Nguyên về nằm điều trị tại quân y viện Qui Nhơn và tôi đã có kết quả đậu tú tài 2.
Lúc ấy ngoài phố có nhiều tiếng huyên náo. Những người đi xe đạp và xe gắn máy đều bị chặn lại. Một đoàn xe Falcon đen bóng đang từ dưới đường Gia Long chạy lên, đậu ngay trước lầu Việt Cường. Trên xe bước xuống toàn sĩ quan tướng tá Mỹ. Bọn quân cảnh Mỹ bồng súng chào. Các sĩ quan Mỹ đi thẳng vô phòng khách của tòa cao ốc nơi được thuê làm đại bản doanh của quân đội Mỹ đóng ở Qui Nhơn. Trong bãi đậu xe có tới trên dưới ba mươi chiếc xe vừa falcon vừa jeep lùn.
Chúng tôi rẽ đám đông, trở về căn nhà của Dã Nhân trên bờ đầm Thị Nại. Ba Dã Nhân là một ông già thấp bé nhưng chắc chắn. Tôi ngồi coi ông vá lưới trong khi chờ Dã Nhân thay quần áo.
-Mày sửa soạn đi đâu đấy? Ông già hỏi.
-Con đi với bạn vô bệnh viện thăm thầy Long.
°
Long xanh xao hơn trước. Cái chân gãy đã được băng bột và trên lớp băng trắng cứng ngắc ấy, Long đã vẽ đầy hoa hippy.
-Đưa cho mình cái xe lăn.
Long khá to con nên phải cố gắng mới đỡ anh vào xe được. Ngồi vào xe, Long trông có vẻ phong độ hơn là nằm trên giường, giống hệt như anh đã leo lên được trên lưng ngựa. Anh đẩy mạnh hai bánh cho chiếc xe lăn đi một đoạn dài, rồi cười ha hả.
-Bây giờ mình giống hệt đứa con nít mới tập đi, Long nói. Cho mình một điếu thuốc.
Long đánh diêm, bàn tay khum khum che ngọn lửa nhỏ, đầu nghiêng qua một bên.
Có tiếng gõ cửa.
Khách là đồng bào Phật tử. Họ đến thăm người lãnh tụ phong trào đấu tranh chống Mỹ-Thiệu-Kỳ đàn áp Phật giáo. Từ hôm Long được chuyển về điều trị tại đây, đã có biết bao nhiêu lượt tín đồ Phật giáo đến thăm anh như thế. Trong suy nghĩ của họ thì Long là một Phật tử dũng cảm sẵn sàng xả thân vì đạo pháp, sẵn sàng “chết dưới chân thầy”.
Xế chiều, Dã Nhân về. Tôi đẩy xe lăn ra đứng nơi hành lang ngó ra biển. Biển cũng buồn và gió thì cứ lồng lộng. Tiếng sóng vỗ nghe ì ầm, dữ dội, nhưng vẫn cứ buồn, vẫn cứ thấy xa thẳm mơ hồ mặc dù những ngọn sóng kia chỉ cách chỗ hai người có một hàng dương. Long nói:
-Niên khóa tới chắc mình sẽ bị đổi đi nơi khác.
-Đi đâu?
-Chưa biết được, nhưng chắc là nó không để mình dạy ở đây nữa. Còn em, em sẽ vào đại học nào?
-Chắc là Sài Gòn.
-Sài Gòn là nơi phong trào sinh viên rất mạnh. Đời em sẽ trưởng thành ở môi trường đó. Mình vẫn hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau ở đó.
Có tiếng ai ca vọng cổ ở đầu hành lang. Phía ấy lô nhô mấy cái bóng trắng. Thấy Long và tôi đứng gần, họ gọi:
-Lại đây chơi, mấy anh!
Long bảo Tôi đẩy xe lại gần họ. Đó là những người lính còn rất trẻ và trông có vẻ quê mùa tội nghiệp. Hai người cụt tay, một người khác chân bị cưa lên tới quá đầu gối. Người thứ tư bị băng kín một con mắt. Họ xa nhà, nhớ người thân nên ngồi lại với nhau hát vọng cổ. Thấy Long băng bột, họ hỏi:
-Anh đụng trận nào vậy?
Long cười, nói:
-Tôi cũng giống như các anh. Mình là người Việt Nam, có muốn đánh nhau đâu nhưng vẫn cứ ăn đạn. Cũng may là không đến nỗi phải cưa. Anh em ở tỉnh nào?
-Dạ, tụi em ở Bến Tre. Có thằng ở Sa Đéc nhưng đều là lính của sư đoàn 22.
Long tiếp lấy mấy hạt đậu rang trên tay người lính trẻ. Rồi anh bảo tôi:
-Về mở tủ. Lấy nhiều nhé.
Tôi đem quà đến. Nhiều đến nỗi những người lính phải sửng sốt. Long nói:
-Mình có nguyên một tủ quà, không cách gì ăn cho hết. Xin các bạn hãy ăn giúp mình nhé. Và đem về chia cho những anh em khác, nhất là những người bị thương nặng.
Xử sự của Long làm họ đổi cách xưng hô, một người nói:
-Cám ơn đại úy. Đại úy cho tụi em nhiều quá.
Long cười khà khà. Tôi đẩy xe đưa Long về phòng. Và khi tôi vừa đỡ Long nằm xuống giường thì một tiếng nổ vang rền dữ dội, từ phía thành phố vọng lại.
Sau đó là một phút im lặng ghê gớm.
-Chuyện gì vậy?
Có tiếng hỏi nhau xì xào ngoài hành lang.
Tôi nhìn Long, sửng sốt. Long nghiêng người qua, nói nhỏ vô tai Tôi:
-Đặc công!
°
Bayle đã chết trong tiếng nổ long trời đó. Nhưng lúc ở trong bệnh viện tôi không hề biết. Tôi cũng không biết là ba của Dã Nhân cũng đã chết trong đêm kinh hoàng ấy.
Lúc bấy giờ đã khuya, trời tối đen. Sau tiếng nổ là một sự im lặng ghê gớm. Tiếng gió hú ngoài biển càng làm cho sự im lặng thêm man rợ. Nhưng chỉ một lát sau đã nghe tiếng máy bay trực thăng quần đảo trên đầm Thị Nại. Rồi từng loạt đạn đại liên M60 trút xuống đầu những ngọn sóng. Bầu trời bị chấn động, rạn vỡ, tan nát. Những cơn gió rách tả tơi. Những ngọn sóng tóe máu. Thuyền đánh cá vung vãi như giẻ rách. Người chết không một lời kêu cứu. Cuộc trả đũa tàn khốc và mù lòa. Tiếng động cơ máy bay và đạn pháo thì gầm thét nhưng cái chết thì câm lặng, tắt nghẹn, chìm khuất.
Sáng hôm sau tôi đến lầu Việt Cường, nơi đặt Tổng hành dinh của quân đội Mỹ. Tòa cao ốc này sụm xuống như một cái đèn xếp. Lộ ra một mảng trời đục.. Hôm qua, nơi đây cảnh sát đã dọn đường cho phái đoàn quân sự cao cấp Mỹ đến họp. Và sáng nay những người cảnh sát này lại đến, cùng với quân cảnh Mỹ, cô lập khu vực này lại cho công binh Mỹ dùng cần cẩu bốc những tảng bê tông lên và chui vào lấy xác.
Tôi len lỏi vào đám đông. Đột nhiên tôi nhìn thấy Bayle nằm lẩn trong đống xác lính Mỹ vừa được kéo ra xếp hàng trên nền đất.
Bayle nằm sấp, mặt nghiêng về một bên, mũi dập nát và đầy máu. Nhưng tôi nhận ra anh nhờ hai bàn tay. Cũng giống như hai bàn tay tôi – bàn tay của người chơi đàn ghita cổ điển – tay phải để móng dài, tay trái đầu ngón tay bè ra và chai cứng. Trong số những tác phẩm của Tarrega mà Bayle thường chơi có bài “Giọt nước mắt” (Lagrima). Bây giờ giọt nước mắt đang chảy trên má tôi.
Lúc ấy Dã Nhân xuất hiện và kéo tôi chạy ra đầm Thị Nại.
Một đám đông đang tụ lại bên hàng rào kẽm gai. Viên cảnh sát ra lệnh cho các tù nhân đem băng ca xuống bãi cát. Mấy cái xác nằm lẩn trong rác rưới và vỏ sò. Mấy chiếc máy bay phản lực còn bay vòng ngoài biển. Phía trên những ngọn núi còn phủ đầy khói.
Bãi cát ở thụt sâu dưới thấp. Mấy xác chết nằm im lìm như những vết đen trên một nền cát xám ngoét. Những người đến xem đứng dọc theo hai bên đường ray.
Khi xác chết được khiêng lên thì mọi người đều im lặng. Không một âm thanh nào ngoài tiếng động cơ của chiếc máy bay thám thính L19 đang trinh sát trên cao.
Nạn nhân là một người đàn bà và hai người đàn ông. Cái cổ người đàn bà nát bấy, sạch hết máu và thịt đã xơ xác ở miệng vết thương. Cánh tay người đàn ông thì gãy quặp ra đàng sau, co quắp. Chiếc xe chở xác trờ tới. Những người có thân nhân đánh cá ngoài biển đêm qua hấp tấp chạy lại chỗ xe đậu để xem mặt các nạn nhân. Một phụ nữ nhận ra xác chồng mình liền ngất đi, ngã xuống đường cái, đám đông bu lại lo cứu chữa. Mấy đứa trẻ con khóc nức nở lẫn trong tiếng chó sủa inh ỏi.
Dã Nhân cúi sát xuống xác chết của người đàn ông để nhìn cho rõ nhưng không phải cha mình, người này còn quá trẻ. Anh quay lại, nắm lấy tay tôi, mắt đỏ ngầu.
Chiếc xe chở xác bỏ đi, những người lính và những người đứng xem cũng về hết. Tôi và Dã Nhân trở về dọc theo đường sắt.
°
Hôm sau, gia đình Dã Nhân được chính quyền gọi đến nhận xác. Vì chờ lâu ngày nên xác cha anh được liệm sơ sài trong một chiếc quan tài gỗ.
Tôi chỉ còn nhớ vài hình ảnh rời rạc ở nghĩa địa. Cái huyệt đào trong vùng đất có nhiều sạn. Những cánh tay nổi gân sạm đen của những bác xích lô đang cố gắng hạ chiếc quan tài xuống huyệt. Mấy người thầy cúng tụng niệm lâm râm.
Ở nghĩa địa ra, Dã Nhân và tôi đi bên nhau im lặng. Buổi chiều tỏa sương trắng trên mặt biển.
Con đường nhựa loang lổ ánh sáng vàng đục.
Quán cóc bên đường.
Dã Nhân im lặng rất lâu trước ly rượu đế. Hơi men nồng làm da mặt anh căng ra. Anh rót thêm rượu vào ly, đốt một điếu thuốc rồi bảo tôi:
-Uống đi. Tao cần mày uống.
Nói xong anh lại uống nữa. Mắt mờ đục. Khuôn mặt trắng trẻo của cô gái thì bất động, mơ hồ, cái mỉm cười lướt qua trên môi.
Tiếng chuông đổ dài, ngân nga rồi dồn dập như một con nước chảy ập xuống dốc cao.
Hai người đi về phía biển. Dã Nhân đã say mèm. Tôi phải dìu bạn vào một căn nhà bỏ hoang ngoài xóm cá. Căn nhà xiêu đổ, mái tranh bị gió thốc tróc ra. Chiếc giường tre khá rộng không có chiếu. Dã Nhân nằm vật xuống, nôn mửa thốc tháo rồi ngủ thiếp đi.
Tôi thức dậy lúc nửa đêm. Dã Nhân khóc. Anh co quắp lại, úp mặt trong tay, thân thể rung chuyển mỗi lần anh nấc lên. Tôi đã tỉnh rượu, cảm thấy gió biển mát lạnh trên hai gò má. Tôi nằm im, vuốt ve mãi mu bàn tay khô khan của Dã Nhân, nghe tiếng sóng vỗ dạt dào bên ngoài, tiếng trở mình âm thầm của biển đêm.