ão già áo gấm đã vào đến giữa quán, còn bà già thì đứng ngay cửa… khá nhiều thực khách muốn bỏ đi nhưng không thể đi được. Không gian trở nên im ắng, mọi người sợ hãi đến mức tay chân đổ mồ hôi ướt đẫm, thậm chí có kẻ còn đái cả ra quần. Thường Như ngồi bất động… Lão già chỉ một hán tử gày gò mặc quần vải gai, áo da báo, gằn giọng: nãy giờ ngươi có nhìn thấy gì không? Hán tử lắp bắp: nãy giờ tôi không nhìn thấy gì cả. Lão già nói tiếp: vậy có nghe thấy gì không? - tôi cũng không nghe thấy gì hết… lão gục gặc cái đầu: vậy ngươi có nói gì? - tôi hoàn toàn không nói gì… Lão già: vậy ngươi đã “đắc tam không”, có thể đi được rồi. Hán tử nghe nói thế thì vội vàng nép mình len qua cửa vọt đi ngay. “Đắc tam không” nghĩa là không nghe, không thấy, không nói gì hết, đó là nguyên tắc sinh tồn ở nơi được ví là tận cùng cuộc sống. Đám người bên trong lật đật đứng dậy, cùng nói: bọn chúng tôi cũng không nghe, không thấy, không nói gì hết… Lão già khoát tay: vậy các ngươi cũng có thể đi được. Trong chốc lát cái quán nhỏ trở nên vắng lặng, kể cả tay chủ quán cũng biến mất tiêu, xem ra lão đã “bỏ của chạy lấy người”. Thường Như vẫn ngồi bất động, gương mặt nàng lạnh như băng giá. Giây lâu sau lão già mới lên tiếng: chỗ của ngươi là ở phía bên kia núi… ngươi không nên trở về đây làm gì. Thường Như lạnh lùng nói: ta yêu biển, cuộc đời ta tung hoành trên biển cả, ta đâu muốn về đây để làm gì? Bà già lúc này mới lên tiếng: vậy sao ngươi lại ở đây? Con cú trắng của bà ta dang đôi cánh rộng như để thị uy, nó lại kêu to: cú.. cú… Thường Như trở nên trầm ngâm, nàng không thể nói rằng nàng trở về đây là vì nhung nhớ một người… Cuối cùng nàng cũng hỏi: người ta có khỏe không? lâu lắm rồi… Nàng muốn nói rằng lâu lắm rồi ta không gặp, nhưng không hiểu vì sao tự nhiên ngưng lại. Phía bên ngoài gió bỗng thổi trên cánh đồng lồng lộng, những ngọn cỏ như cùng vang tiếng hát: Đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây. Là nơi bầy thú hoang đang vui đùa trong nắng say. Đây những bờ suối vắng im phơi mình bên lùm cây. Đây những dòng nước mát khẽ vươn tay về thung lũng, Và những đôi nhân tình đang thả hồn dưới mây trời. Hồi lâu sau lão già mới nói: người ta vẫn khỏe, vẫn vui vẻ… mới chỉ có mấy năm thôi mà.. có gì là lâu lắm đâu? Thường Như muốn quát vào mặt lão: lão có biết là đối với những người yêu nhau thì mỗi giây xa cách dài hơn thế kỷ. Nhưng nàng lại làm thinh. Nàng nghĩ rằng có nói ra thì hai kẻ này cũng không thể hiểu được. Lão già gằn giọng: nếu ngươi muốn gặp lại người ấy thì chỉ có một cách, đó là bước qua xác của hai chúng ta. Lão không tự tin là có thể thắng được Thường Như, nhưng Nhất Cú Nhị Quạ mà liên công thì cũng khó có đối thủ. Thường Như đã ra đến bên ngoài, nàng muốn chiến đấu trên cánh đồng xanh bát ngát này. Nàng nói: sống trong tự do thì chết cũng phải trong tự do. Nhất Cú sử một thanh đao nhuôm nhuôm gọi là Hổ Phách Đao nặng hai mươi bảy cân, còn Nhị Quạ lại dùng một thanh đao trắng toát cán dài gọi là Miêu Đao nặng tới bốn mươi hai cân… Bọn họ đều đã trên bảy mươi, kinh nghiệm chiến trường dày đặc. Còn Thường Như mới chỉ hai mươi bốn, nàng còn quá trẻ, quá đẹp để chết… nàng biết rằng khó mà thoát khỏi cái chết trong hôm nay, nhưng thà vậy còn hơn là phải sống trong đau khổ, sống trong nhung nhớ của một tình yêu tuyệt vọng…