Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
PHẦN I - KẾ HOẠCH “CROSSBOW”
Chương 1
SỨ MẠNG CỦA DUCAN - SMITH

     êm xuống. Bóng tối và sự yên lặng bao trùm làng Dornten nhỏ bé không mấy ai biết đến. Đó là một làng của bọn phu hầm mỏ, nằm trên triền đồi phía bắc của quần sơn Harz, đang vươn mình sừng sững giữa cánh đồng miền Trung nước Đức.
Vào ngày 4 tháng 4 năm 1945 thì các toán quân Mỹ ở cách đó 45 cây số. Họ đang tiếp tục tiến quân một cách vô cùng vất vả. Tuy nhiên Dornten vẫn nằm trong tay người Đức và mỗi khi có báo động tất cả đèn đóm đều phải tắt. Tình trạng giới nghiêm ở đây thật khắt khe: không được thắp đèn, không được mở cửa sổ, không được ra đường.
Trời vừa sụp tối thì một chiếc xe vận tải, nặng nề tiến vào làng này, tiếng bánh xe gập ghềnh dằn lền sụp xuống trên mặt đường lồi lõm phá tan sự yên lặng của đêm trường. Tắt đèn hiệu, xe từ từ lăn bánh về khu hầm mỏ hoang vu nằm tiếp giáp chân đồi.
Nếu có ai trông thấy cảnh ấy, họ không khỏi ngạc nhiên tự hỏi: tại sao lại có một chiếc xe chạy đến đây? Cái mỏ này không biểu hiện được một lợi ích chiến lược nào cả. Thật vậy, khu mỏ này đã bị bỏ hoang từ 5 năm trước đây với lý do phẩm chất của mỏ rất kém.  Ngoài đôi vợ chồng già người gac dan, không còn ai sống ở vùng này nữa. Tuy nhiên, bây giờ những người trên xe đang hoạt động một cách vội vã. Hình như họ có một công tác khẩn cấp phải hoàn thành, một công tác không thể nào chậm chễ được.
Người lái xe thắng lại trước một con đường hầm, trước miệng hầm có đặt một đường ray sắt đưa sâu vào sườn đồi. Bảy người lính Đức và hai kỹ sư dân sự tên là Bernhard Tessmann và Dieter Huzel vội vàng nhảy xuống đất. Họ bắt tay vào việc liền: họ đang cố gắng cất giấu những tài liệu quý báu nhất của Đức Quốc Xã đang lâm vào cảnh đường cùng mạt vận.
Họ tải xuống xe những thùng cây có đánh số cẩn thận, bên trong chữa toàn những tài liệu( sẽ có hai chiếc xe khác, cũng chở những thùng cây như vậy, đến nữa vào lúc giữa khuya). Tất cả là 14 tấn tài liệu. Họ chất các thung ấy lên những toa xe nhỏ và một đầu máy sẽ kéo đến một đường hầm nhánh khác. Rồi tại đó chín người lại hung hục vận chuyển chúng đến một kho tồn trữ chất nổ cũ kỹ. Kho này là một căn phòng nhỏ nhưng thật khô ráo được đặt ở cuối hầm.
Hôm sau, vào 11h sáng, lúc mà các oanh tạc cơ của Mỹ đang gầm gừ trên không phận làng Dornten thì những thùng tài liệu cuối cùng cũng được cất giấu xong. Bây giờ họ đóng cánh cửa bọc sắt của gian phòng lại. Rồi họ chôn những cốt mìn được ngụy trang dưới đống gạch vụn, chặn đường từ hành lang dẫn tới gian phòng.
Tessmann, Huzel và 7 người lính tùy tùng ra về. Họ có vẻ tự mãn lắm vì cho rằng không đời nào địch quân tìm ra được chỗ này. Tuy nhiên trong 9 người, chỉ có 2 viên kỹ sư biết đích xác chỗ cất và tính chất của tài liệu thuộc loại gì. Tối hôm trước khi gần đến làng Dornten thì chính hai người kỹ sư này đã thay phiên nhau tự lái lấy xe, sau khi đã giữ 7 tên lính trong thùng xe bịt bùng phía sau. Họ cũng làm như vậy trong bận về, để không cho những người lính biết chỗ. Bởi vậy 7 người lính này dẫu có muốn biết cũng không tài nào phát giác tọa độ của khu hầm mỏ. Phần người gác cửa, tuy chính ông ta đã cung cấp nón và đèn của thợ mỏ cho nhóm người này và cũng dẫn đường cho họ, nhưng họ cũng chỉ nói với ông ta vỏn vẹn mấy tiếng: “ đây là tài liệu mật quân sự”.
Thật vậy, những “ tài liệu mật quân sự” kia là cả một kho tàng khoa học vô tiền khoáng hậu mà phe Đồng Minh đang nỗ lực truy tìm. Những tài liệu trong thùng cây chính là những chương trình và những kỹ thuật chế tạo đặc biệt về “ khí giới bí mật của Hitler”. Đó là những hỏa tiễn đầu tiên có tầm sát hại rộng lớn hiện có trên thế giới: hỏa tiễn V2. Nếu trước kia vị Quốc trưởng nước Đức đã tin tưởng nơi sự phát triển của khí giới này, thì có lẽ kết quả cuộc chiến đã đổi khác. Sau này, hơn 1000 quả V2 đã được phóng qua Anh Quốc nhưng cũng không cứu được nước Đức đã đứng trên bờ thảm bại. Tuy nhiên, đối với một toán kỹ thuật gia người Đức thì hỏa tiễn V2 không hẳn là một sự thất bại hoàn toàn. Nó đã thay đổi cả chiến lược cổ truyền và gợi ra một hình ảnh kinh hoàng của cuộc chiến sắp tới.
Chỉ trong một tháng nữa thì Đức Quốc Xã sẽ hết tồn tại. Nhưng bây giờ các cơ quan tình báo của Nga, Mỹ, Anh đều bắt đầu hoạt động ráo riết. Ai cũng muốn chiếm được về quốc gia mình những tài liệu về hỏa tiễn V2 và bắt cho được những chuyên viên Đức, cha đẻ của thứ khí giới khủng khiếp đó. Kết quả còn nằm trong vòng bí mật. Ai chiếm đoạt được sẽ mang về cho quốc gia mình hai sự tiến bộ hiển nhiên. Đó là sự tiến bộ về khí giới xạ thuật liên lục địa và những hỏa tiễn vĩ đại có thể đưa con người vào quỹ đạo vòng quanh trái đất. Sau đó hỏa tiễn này có thể đưa con người lên đến cung trăng, rồi đến cả những hành tinh xa xôi hơn nữa.
Cuộc tranh giành âm thầm đó đã mở ra ba trận tuyến mà kết quả tự nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến số phận của thế hệ mai sau. Vào tháng 5 năm 1954, người Anh đã đạt được thắng lợi rõ ràng đối với các Đồng minh của họ. Mặc dù lúc ấy lực lượng của Mỹ đã tiến đến núi Harz, nơi cất giấu tài liệu về V2 và cũng là nơi tập trung phần đông các chuyên viên về hỏa tiễn của Đức. Sở tình báo Anh đã biết từ lâu Nga và Mỹ đang cạnh tranh để tìm tài liệu về vũ khí V2 và tìm những người đã thực hiện hỏa tiễn duy nhất có tầm hoạt động xa, hiện đang có trên thế giới.
Huzel, Tessmann và 7 người lính đã giúp họ đang rời làng Dornten. Họ đang vượt qua một nước Đức hỗn độn và nguy khốn như đang ở trên bờ vực thẳm. Tuy nhiên 2 năm trước đây tình thế hoàn toàn khác hẳn. Trong lúc chính phủ Anh tin chắc chắn thắng lợi đã nằm trong tay mình thì đùng một cái quân Đồng Minh thất trận một cách đau thương. Tất nhiên chính phủ Anh phải lập tức điều tra cho ra lý do cuộc thất bại này. Vì quyền lợi của nước Anh, nói riêng và quỳnh lợi của phe Đồng Minh nói chung, chính phủ Anh nỗ lực tìm cho được những tin tức liên quan đến những việc bắt giữ những chuyên viên V2 và việc khám phá nơi chôn giấu tài liệu ở Dornten. Chính Ducan Sandys được ủy thác nhiệm vụ này

 

Đó là một người cao lớn, nở nang, tóc nâu dợn song. Vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười đầy thiện cảm. Tuy nhiên chân lại đi cà thọt một cách rõ ràng. Anh ta là một người trẻ tuổi thuộc nhóm bảo thủ mà tương lai đang lên như diều gặp gió. Anh ta là chồng của Diana, ái nữ của Tổng thống Winston Churchill.
Đó là vào khoảng tháng 4 năm 1943, mới 34 tuổi Sandys đã được đề cử một loạt công tác đòi hỏi nhiều tế nhị. Chính những công tác này, về sau đã đưa Sandys giữ những chức vụ cao cấp trong chính quyền ( Sandys lần lượt giữ chức Bộ trưởng Không quân, Bộ trưởng Quốc phòng, tháng 6 năm 1964, Bộ trưởng Bộ thuộc địa và Liên hiệp Anh).
Các vị chỉ huy tham mưu Anh quốc điên đầu về những báo cáo tới tấp nói về những thí nghiệm về vũ khí bí mật của người Đức. Họ yêu cầu thủ tướng Churchill giao cho Sandys cứu xét vấn đề này. Sau một tháng vùi đầu trong việc nghiên cứu, Sandys đang sửa soạn đệ trình bản báo cáo đầu tiên lên văn phòng Bộ Chiến tranh.
Cuộc nghiên cứu này không mấy gì hào hứng. Tuy nhiên anh ta hy vọng rằng văn phòng Bộ sẽ chia sẻ với anh ta những điều cấp báo để cho hành động có hiệu quả. Các vị chỉ huy phe Đồng Minh không phải là những người chỉ biết lạc quan, nhưng họ tin chắc rằng chiến thắng sắp về tay họ. Quân Đức đã mất Bắc phi, thua trận Stalingrad, không kiểm soát được không phận. Tiếp đó phe Đồng Minh lại đổ bộ lên đảo Cicile ( thuộc Ý). Sau cuộc điều tra vất vả này, Sandys đã đi đến những kết luận lạ kỳ, khó tin. Những kết luận này ly kỳ đến nỗi chúng có thể làm đề tài cho tiểu thuyết trinh thám. Cuộc điều tra đã xác minh được rằng ở nước Đức đã thực hiện được những vũ khí có khả năng đảo ngược tình thế và nghiêng thắng lợi hiển nhiên về phía địch.
Khi bắt tay vào việc điều tra, trước tiên Sandys chú ý đến các “bức thư từ Oslo” do Sở tình báo nhận được từ tháng 11 năm 1939. Những bức thư nặc danh này chắc chắn do một nhân vật cao cấp người Đức thuộc nhóm chống lại bọn Quốc Xã. Chúng cho biết từng chi tiết rõ ràng về từng giai đoạn của loại khí giới mới đang nghiên cứu tại Đức. Trong đó có cả việc thử hỏa tiễn có tầm hoạt động xa đang thực hiện tại một hoang đảo trên biển Baltique.  Các “bức thư từ Oslo” có sắc thái mơ màng như văn của Jules Verne, nên người ta xếp chúng lại và không để ý đến nữa.
Tiếp đến, Sandys quan sát những bức hình do D. W. Stevenson chụp ngày 15 tháng 5 năm 1942. Vị Trung úy này có nhiệm vụ chụp hình những chiếc khu trục hạm Đức đang nằm trên vịnh Swinemunde từ trên cao độ, từ chiếc phóng pháo cơ của ông ta. Sau khi hoàn tất công việc, ông ta lại bay quần trên một làng nhỏ cạnh Peenemunde, nằm trên phía Bắc đảo Usedom. Ở đó, tình cờ ông ta khám phá ra một phi trường mới của người Đức. Vì trong máy ông ta còn vài phim ảnh nên ông ta bấm nốt cho xong. Không ngờ khi quan sát những bức hình đó, người ta lại phát giác ra một vùng đất được bao bọc bởi những cái băng nhỏ hình tròn và những dãy nhà kiến trúc kì lạ. Tuy nhiên, sau rốt thì những bức ảnh cũng không hơn số phận của “ bức thư từ Oslo”. Họ cũng dẹp chúng qua một bên và không thèm nhớ đến nữa. Nhưng Sandys lại muốn có những bức hình chi tiết về đảo Usedom.
Rồi Sandys lại nghiên cứu đến những báo cáo từ Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy và Ba Lan gửi sang trong sáu tháng qua, kèm theo nỗi lo sợ thường xuyên. Những phúc trình này thường mơ hồ, phần nhiều chỉ nói đến những lời đồn đãi của dân chúng, rồi chúng lại thình lình đứt quãng nên rất khó hiểu. Thí dụ như những tin tức do cơ quan tình báo Đan Mạch gửi sang. Họ cho biết những ngư phủ đã trông thấy ngoài khơi đảo Bornholm những vật lạ xẹt lên trời với một vệt lửa sáng. Những vật này dường như xuất phát từ Peenemunde, một địa phương thuộc một hòn đảo gần bên đảo Usedom. Cụ thể hơn hết là các bằng cớ do cơ quan đặc biệt của lực lượng bí mật Ba Lan gửi đến. Họ quả quyết rằng người Đức đã thiết lập một cơ sở nghiên cứu ở Peenemunde. Những người tù Ba Lan đã bị đày ra đây. Người ta giam họ ở Trassenheide, đây là trại tập trung tất cả những người lao động ngoại quốc ở Usedom. Trời đã xui khiến nên hai tội đồ Ba Lan vốn là quân kháng chiến có kiến thức kỹ thuật đã tìm ra được nơi bí mật của người Đức. Một hôm, nhân khi làm công tác tạp dịch nhà vệ sinh, họ đã len lỏi vào được một nơi có thể gọi là vùng cấm địa: Xưởng chế tạo bí mật của người Đức. Khi đi ngang qua một nhà kho, thấy cửa kho hé mở, một trong hai người đã nhìn vào trong. Y phát giác được trong kho có một loại vũ khí hình dáng giống như một chiếc thủy lôi không có cánh. Nó tương tự như một chiếc máy bay thu nhỏ lại, nhưng máy bay này lại không có chỗ ngồi cho phi công, cũng không có cả buồng lái. Người Ba Lan này thông báo từng chi tiết tỉ mỉ về Luân Đôn. Y lại gửi kèm theo cả một bản đồ nguệch ngoạc về căn cứ ở Peenemunde.
Sandys nghĩ rằng: tất cả tin tức nhận được đều quy về một điểm: Peenemunde có liên quan đặc biệt đến loại vũ khí mới bí mật của người Đức. Đây là một thị trấn nhỏ, hẻo lánh, hay đúng hơn là một làng chài lưới tầm thường, ít thông thương với những bãi tắm thanh lịch của miền duyên hải Baltique. Muốn tìm hiểu được điều bí mật ở đây thì phải làm sao tìm cách cho một vài nhân viên am tường khoa học len lỏi đến tận nơi được. Vấn đề này thật khó mà thực hiện nổi, mặc dù cơ quan tình báo đã sử dụng cả một hệ thống gián điệp bủa giăng khắp Âu châu.Khi cuộc chiến có vẻ bất lực cho Đức, thì cơ quan cảnh sát của họ đã lo tăng cường  biện pháp phòng thủ an ninh và thiết lập một vành đai bất khả xâm nhập xung quanh Peenemunde. Sự phòng thủ nghiêm ngặt này chính nó lại là sự tố cáo. Thật không có gì vô lý cho bằng người Đức nỗ lực canh phòng một cơ sở nghiên cứu tầm thường như bao nhiêu cơ sở nghiên cứu khác.
Sandys tin chắc rằng Peenemunde phải là nơi hoạt động đặc biệt lắm. Nhưng hoạt động thuộc loại gì thì không thể biết chính xác được. Bây giờ ông ta lại áp dụng biện pháp nghe ngóng qua đài phát thanh Đức. Đài này càng ngày càng nói nhiều về một loại vũ khí mới, một “ khí giới thần diệu” sẽ đem về chiến thắng cho “ Đế quốc Đức”. Nhưng người ta không đưa ra một bằng cớ đích xác nào về “khí giới thần diệu” này. Có lẽ đây chỉ là một sự tuyên truyền bịa đặt thông thường nhằm mục đích phấn khởi tinh thần dân chúng Đức, sau trận thảm bại ở Starlingrad, sau những cuộc oanh tạc rùng rợn của không lực Đồng Minh. Nhưng đối với Sandys, điều này cũng đúng một phần nào nhưng không phải là tất cả những điều mà ông ta muốn biết.
Giả sử như thứ vũ khí mới này có thật thì nó ra thế nào? Đó là những khẩu đại bác có tầm xa? Nếu vậy, có phải chăng đây là thành quả mà lý thuyết gia Grosse Bertha đã đưa ra trong cuộc chiến năm 1914. Hay đó là những phi cơ không người lái? Người Mỹ đã thí nghiệm và thành công về loại này trong trận chiến tranh trước.
Hoặc những hỏa tiễn có tầm sát hại lớn? giả thuyết sau cùng này có vẻ kì dị, nhưng với Sandys thì hữu lý hơn cả.
Thật là không dễ dàng mà đánh lửa Sandys! Ông ta đúng là người thích hợp với loại công tác này. Ông nhạc của ông ta, Thủ tướng Churchill cũng hài lòng khi thấy ông ta được đề nghị sứ mạng ấy. Hơn nữa rể của ông cũng không phải dốt về loại hỏa tiễn. Tháng 11 năm 1940, là sĩ quan pháo binh, Sandys được chỉ định chỉ huy pháo đội Z, đơn vị về hỏa tiễn đầu tiên của quân lực Anh. Mặc dù do đơn vị này chỉ sử dụng những súng cao xạ phòng không, nhưng Sandys cũng rất thích và để ý đến khả năng có thể đạt đến những vũ khí to lớn hơn nữa.Tất cả những gì liên quan tới vũ khí này đều được Sandys tìm hiểu một cách thấu đáo. Nhưng sự nghiệp binh bị của ông ta thình lình bị gãy đổ một cách phũ phàng. Một đêm nọ trên chuyến xe mở hết tốc lực hướng về Cardiff, tên tài xế của ông ta đã ngủ gục và lao đầu vào một bức tường nhẹp nạt. Ông ta bị thương ở hai chân và phải chịu tàn tật. Và giờ đây, với chức vụ Thứ trưởng Bộ Tiếp vận, ông ta lại nghiên cứu đến vấn đề hỏa tiễn. Nhưng lần này, không phải với tấm lòng thích thú nữa.
Theo hiểu biết của ông ta, hỏa tiễn thật ra không phải là loại vũ khí mới mẻ gì. Vào năm 1323, người Trung Hoa đã đã dùng những “ phi hỏa tiễn” tức là những mũi tên lửa để đánh đuổi giặc Mông Cổ. Năm 1807, William Congreve đã san bằng một phần lớn thủ đô Copenhague của Đan Mạch với những hỏa tiễn dùng nguyên liệu đặc. Người ta còn tìm thấy trong bài quốc ca của Mỹ những lời bóng bẩy nói về “ ánh hồng của hỏa tiễn”. Một giáo viên người Nga tên Tsiolkopsky đã xuất bản năm 1903 một quyển sách nhắc người ta nhớ đến việc có thể nhờ “ hỏa tiễn” đưa người ta đi du lịch trong không gian. Năm 1926, lần đầu tiên trong lịch sử một người Mỹ tên Robert Goddard đã phóng hỏa tiễn bằng nhiên liệu lỏng và đã thành công.
Còn người Đức, có thật họ đã thành công, họ đã vượt qua những bước đầu chập chững rồi chăng?Họ đã tiến tới một giai đoạn đủ để đe dọa người khác rồi chăng? Năm 1923, có một giáo sư tên là Hermann Oberth đã xuất bản một cuốn sách nhan đề “ Hỏa tiễn liên hành tinh trong không gian”. Tuy chỉ là quyển sách nhỏ nhưng rất đáng chú ý. Trong sách đó tác giả đưa ra những căn bản kỹ thuật rất quan hệ cho những cuộc nghiên cứu sau này. Những điều nghi ngờ của Sandys khiến cho ông ta thêm cương quyết hơn nữa. Ông ta nhờ Cơ quan tình báo điều tra những nhà bác học Đức và nghiên cứu tỉ mỉ những tác phẩm quân sự xưa cũng như về thương mãi của người Đức. Công tác này đã đem về cho ông ta một vài tin tức nhưng không có điều gì thật sự khác thường cả. khoảng 30 năm trước đây, có một toán người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết đã thành lập một hội “ du lịch không gian”. Họ đã phóng những hỏa tiễn còn thô lậu ở Raketenfluplatz, một bãi đất trống ở Bá Linh. Danh tính của những người này cũng không giúp được gì cho các cố vấn khoa học của Sandys. Những chuyên viên này đã am tường từng chi tiết lý lịch của tất cả các nhà khoa học Đức có khả năng đẩy mạnh cuộc nghiên cứu vũ khí mới. Nhưng không có người nào có vẻ chú trọng đặc biệt về hỏa tiễn.
Tuy nhiên trong lúc ấy có một vị tướng người Đức bị bắt và khi bị điều tra, như trăm ngàn tù binh khác đã thừa nhận có trông thấy những hỏa tiễn thật to lớn. Lúc ấy, ông ta không để ý gì đến chúng cả, nhưng có nghe nói là chung dùng để đem chiến thắng về cho nước Đức. Một vị tướng khác, cũng là tù binh xác nhận điều trên rất đúng. Cả 2 người đều không cho biết những chi tiết cần thiết, nên Sandys lại cầu cứu đến cả Sở tình báo. Sở này trả lời một cách vô hy vọng: không thể nào cho người đột nhập vào Peenemunde được, dù là hoạt động gì đi nữa vẫn hoàn toàn nằm trong vòng bí mật. Chỉ có những người đang hoạt động tại đó và vài người có chức tước thuộc cơ quan đầu não của Đức Quốc xã mới biết.
Sandys lại quay về hỏi ý kiến những cố vấn khoa học của ông. Họ xác nhận với ông rằng nay cả người Mỹ và người Nga cũng chỉ chế tạo được những hỏa tiễn có tầm tác xạ ngắn mà thôi. Rồi dường như sợ rằng mình đã đánh giá quá thấp khả năng kỹ thuật của người Đức, những chuyên viên Anh lại nói rằng: người Đức có cố gắng hết sức để thực hiện một hỏa tiễn có tầm sát hại rộng lớn đi nữa thì họ cũng không thể nào sản xuất hàng loạt đủ sức để đe dọa chúng ta trong một thời gian ngắn gần đây. Nhưng đối với Sandys, ngay cả việc người Đức sắp sửa hoàn tất được một loại vũ khí mới cũng là một điều nguy hiểm không nên khing thường.
Còn nếu vũ khí bí mật này lại chính là những hỏa tiễn khổng lồ thì tình thế thật là trầm trọng. Nhưng đối phó với vấn đề này không phải là sứ mạng mà người ta đã ủy thác cho ông. Ông còn một vấn đề nữa, vấn đề này đã làm các vị chỉ huy Đồng Minh phải lo lắng vô cùng nhưng dân chúng thì hoàn toàn không hay biết gì cả. Từ mùa hè năm 1942, tại Hoa Kỳ người ta nỗ lực nghiên cứu một dự án về bom nguyên tử. Nhưng từ tháng chạp năm 1938, 2 người Đức là Otto Hahn và Fritz Strassmann đã tìm ra nguyên lý phân thể của chất Uranium, chất căn bản để chế tạo vũ khí hạch tâm. Không biết người Đức đã dùng nguyên lý này để thực hiện những gì? Điều này không ai biết, nhưng có điều chắc chắn: họ đã nghiên cứu về nguyên tử năng. Nghĩ đến việc Hitler có thể sử dụng một hỏa tiễn tầm xa hay một phi cơ không người lái, người ta thấy lạnh cả xương sống. Đối với Sandys thật không có gì rùng rợn hơn nếu những vũ khí này được trang bị thêm bằng một lực lượng nguyên tử.
Sau khi xem xét lại những tài liệu li ti, rời rạc, hỗn độn có khi khủng khiếp nữa mà ông ta đã thu thập được, Sandys bắt đầu thảo phúc trình. Các nhân viên của văn phòng Bộ Chiến tranh đã trích ra một đoạn khá quan trọng:
“ Dường như từ lâu rồi, người Đức đã tìm cách thực hiện một hỏa tiễn khổng lồ có khả năng phóng tới một vị trí thật xa. Công việc này được thực hiện song song với việc phát triển phản lực cơ và hỏa tiễn phi lôi. Hiện chúng ta có rất ít tài liệu để biết thực trạng những cuộc nghiên cứu này. Tuy nhiên, một vài sự kiện hiếm hoi đang có, khiến chúng ta có thể nghĩ rằng, các cuộc nghiên cứu trên rất tiến bộ. Vì nằm trong tầm tác xạ, nên Luân Đôn có thể là mục tiêu được nhắm đến”.
Đúng vậy, theo các điều xác nhận trên thì các hỏa tiễn và phi lôi tiễn đầu tiên sẽ không có hiệu lực gì đối với những mục tiêu quân sự đặc biệt. Họ chỉ phóng liều chúng xuống những thành phố đông dân mà thôi. Văn phòng Bộ Chiến tranh đồng ý với Sandys là Luân Đôn đang bị đe dọa nặng nề, nhưng biện pháp phòng thủ thì chưa ai đồng ý với ai cả. Vào tháng 2 năm 1943, nhóm đặc công đã làm nổ tung một cơ xưởng ở Nauy sau khi phát giác ra việc nó cung cấp nhiên liệu cho người Đức. Nhưng người Anh không thể áp dụng biện pháp này ở Peenemunde, vị trí này được canh phòng cẩn mật và lại nằm trong lãnh thổ nước Đức.
Người ta lại thảo luận về đề nghị của Sandys: oanh tạch Peenemunde. Các phi công không đồng ý biện pháp này, họ cho rằng Peenemunde ở quá xa phạm vi oanh kích thường xuyên của phóng pháo cơ. Hơn nữa những cuộc tấn công như thế này rất nguy hiểm và quân Đồng Minh phải trả bằng một giá rất đắt. Vả lại chưa có bằng cớ rõ ràng xác định rằng người Đức đang thực hiện chế tạo hỏa tiễn hay vũ khí bí mật nào đó ở Peenemunde.
Sau rốt, Sandys nhận được chỉ thị phải gia tăng việc tìm kiếm những tài liệu cụ thể và áp dụng phương tiện gián điệp một cách tối đa. Hình như chỉ có phương tiện này là biện pháp duy nhất có thể vén được bức màn bí mật đang bao trùm đảo Usedom.
Gián điệp ở dưới đất thì không dùng được rồi, bây giờ chỉ do thám bằng đường hàng không. Những chiếc spilfire và Mosquitoes vần vũ trên không phận biển Baltique, từ trên cao độ, họ chụp không biết bao nhiêu là hình, mong tìm cho được một dấu hiệu, để xác định nghi ngờ của Sandys là đúng.
Không bao lâu người ta tìm được ngay những bằng cớ xác đáng. Ngày 22 tháng 6 năm 1943, một trung sĩ hoa tiêu tên Peek đã rửa được những tấm ảnh thực rõ. Y chuyển chúng đến viên sĩ quan nữ trợ tá Không quân Constance Babington Smith. Trước đây cô Constance cũng hay tò mò quan sát kỹ lưỡng từng tấm hình. Công việc của cô là tìm kiếm “ một cái gì bất thường”. Mặc dầu không biết cái bất thường đó là cái gì. Cái bất thường mà cô ấy tìm được là: bốn chiếc phi cơ nhỏ không giống bất kì chiếc phi cơ nào mà cô đã từng thấy. Chúng không có đuôi và để lại đằng sau chúng một làn khói lạ đen đen.
Các vị đại úy Andre Kenny và Trung tá Hugh Hamshaw Thomas cũng đã tìm thấy những chi tiết khác lạ trong cùng bức hình ấy. Ống kính của họ cũng đồng thời cũng thâu nhận được hai vật lạ giống như chiếc thủy lôi, dài độ 12 thước, đặt lên một loại xe “rờ  mọt” đang chiếu lấp lánh dưới ánh mặt trời. Người Anh chứng nhận chúng đích thực là loại hỏa tiễn mà tầm hoạt động có thể xa đến 200km. Về phần các máy bay cụt đuôi mà Constance Babington Smith đã nhận thấy thì những nhà nghiên cứu cho rằng đó là các bộ máy phản lực. Về sau cô Constance lại phát hiện ra các “ phi lôi tiễn” trong các bức hình khác.
Người ta càng gia tăng thêm công việc quan sát và nhờ đó mới khám phá ra các căn cứ đang được thiết lập trên toàn thể phía Bắc nước Pháp. Đây thật là một tin động trời!Người ta tự hỏi tất cả các kiến trúc kỳ lạ đang chĩa thẳng vào thành phố Luân Đôn có phải chăng là những căn cứ để phóng loại vũ khí bí mật. Những vũ khí bí mật này thật chất là vũ khí gì? Vẫn chưa có câu trả lời nào thỏa đáng. Các tấm ảnh xác nhận một cách khá chắc chắn rằng ba loại vũ khí tối tân khác nhau. Tuy nhiên không thể biết được bằng cách nào, bao giờ và theo lệnh nào chúng sẽ được sử dụng.
Các điểm nghi vấn này đã gây ra không biết bao nhiêu cuộc tranh luận sôi nổi giữa các cố vấn khoa học của thủ tướng Churchill. Một nhóm thì ủng hộ lập trường của Sandys. Nhóm này nghĩ rằng mối nguy cơ trầm trọng nhất là mối nguy cơ của một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn có tầm xa. Nhóm thứ 2, cũng là nhóm rất có thế lực, lại tin rằng loại hỏa tiễn tác động còn lâu mới hoạt động được. Cái họa trước mắt là loại phi cơ không người lái. Nhóm sau hết thì lại cho rằng tất cả chỉ là một sự quấy phá nhằm mục đích chi phối lực lượng Đồng Minh hầu làm suy giảm hiệu năng chiến đấu của họ. Theo nhóm họ, tất cả những bức không ảnh chụp được không phát giác được điều gì cả. Đó chẳng qua là những bức họa tuyệt xảo mà thôi. Constance đã mô tả giai đoạn đầy lo âu và rối trí này như “ một thời gian hỗn độn vô vọng” lúc đó người ta mò mẫm trong đêm tối để xây những nền móng trên một bãi sình.
Sau rốt, đa số các cố vấn khoa học đã đứng về phía lập trường của Sandys, người luôn luôn nỗ lực để làm sáng tỏ quan điểm của mình: đó là Luân Đôn đã được chọn làm mục tiêu cho một cuộc không kích mới lạ xưa nay chưa từng có. Tổng trưởng Bộ An ninh lãnh thổ, ông Herbert Morrison đã bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh một cuộc tản cư toàn thể dân chúng thủ đô. Bây giờ chính quyền phải làm gấp một cái gì mới được.
Ngày 29 tháng 6 năm 1943, theo lời khuyến cáo của Ủy ban quốc phòng, thủ tướng Winston Churchill quyết định: Oanh tạc Peenemunde ngay cơ hội thuận tiện đầu tiên. Cuộc tấn công này sẽ là một công tác hoàn toàn của người Anh. Người Mỹ sẽ được thông báo cho biết về những kết luận của bản phúc trình do Sandys đúc kết, khi nào có lệnh mời.
Những phi công chuẩn bị kế hoạch rất tỉ mỉ, nhưng lòng họ thì không hăng hái chút nào vì họ biết rằng công tác này có vẻ mơ hồ lắm. Họ đã bác bỏ đề nghị ban đầu đưa ra. Đó là tấn công ba đợt bằng phóng pháo cơ xuống mục tiêu, họ viện lý do: bất ngờ là yếu tố then chốt của cuộc không kích này.