Một cánh thư đã bay đến ngôi nhà nhỏ ở cái làng heo hút bên dòng sông. Kỳ cùng kia, khuấy lên cái không khí yên ắng của mọi người trong gia đình. Họ ríu rít đến hồn nhiên. Họ reo vui như những đứa trẻ con được quà. Gương mặt người nào cũng anh ánh sắc hồng. Gần một năm rồi họ không nhận được tin tức gì của Linh. Ai cũng lo sợ một tai họa nào đấy đã đổ sụp xuống số phận người con trai mà họ yêu quí. Bức thư được chuyển từ người này sang người khác. Lúc đầu nó rơi vào Phượng – cô em út. Phượng đang loay hoay đánh vần thì thằng Qui đã giật mất. Bà mẹ không vui trước cử chỉ hơi sỗ sàng ấy. -Qui, đưa cho chi. Thằng bé bị hẫng, nhưng cuối cùng vẫn ngoan ngoãn làm theo lời mẹ. Ly cầm lá thư, mặc dù đã cố giữ bình tĩnh, nhưng sao dường như tay cô vẫn run. Chưa bao giờ cô gặp tâm trạng mình như lúc này, một niềm vui chen lẫn sự xúc động. “Thế là anh ấy còn sống, còn nhớ đến Ly…” Hơn một năm nay, có đêm nào cô ngủ yên giấc. Đêm nào cô cũng trăn trở trách anh. Cô nghi ngờ lòng chung thủy của anh. “Anh về lại làm gì đây nữa cái xom nghèo heo hút tận cùng của đất nước này… Anh tốt quá. Và những con người tốt như thế sẽ có biết bao người con gái yêu thương anh. Ta chẳng là gì trong cuộc đời của anh. Đúng ra, ta chỉ là một cô gái gặp nạn và anh đã hào hiệp cứu ta. Ta không có quyền ghen anh. Ta phải mang ơn anh suốt đời…”. Và bây giờ cô tự sỉ vả mình… -Bóc thư ra và đọc đi, xem anh ấy nói gì. Bà mẹ thúc giục con gái. Ly như bước ra khỏi một cơn mơ mà nỗi bồi hồi xúc động vẫn còn vương lại trong cô những dư vị ngọt ngào. Cô cầm lá thư giơ ra phía trước. Đôi mắt cô bắt gặp những nét chữ là lạ, không cứng cáp mà mảnh mai, không tròn trĩnh mà gãy góc… Cô bàng hoàng, không đứng nổi. Đôi chân nhũn lại và cô quị xuống. Lá thư rời khỏi tay cô… -Cái gì thế này? Bà mẹ hốt hoảng kêu lên. -Không phải thư của anh ấy! Anh ấy chắc là… Ly đã không dám nói hết câu. -Tôi không hiểu gì cả… Mày xem thư ai thế? Thằng Qyi hồi hộp bước lại nhặt lá thư lên… -Thư không để tên người gởi. Nhưng nét chữ đúng là không phải của anh Linh, mẹ à. -Thế mày không dám bóc ra xem à, mày mù chữ sao? Sao mày đứng trơ ông thổ địa ra thế. -Nhưng mà thư của chi Ly… -Thư chị Ly mày không đọc được à. Thằng bé lặng lẽ bóc thư ra, nhưng nó không đọc. Nó bước lại dúy là thư vào tay chị nó đang ngồi bệt dưới đất. -Đấy, chị đọc đi. Ly miễn cưỡng cầm lại lá thư như đón nhận một tin đau đớn nhất trong cuộc đời. Người yêu cô sẽ vĩnh viễn không bao giờ về với cô nữa. Chỉ nghĩ đến thế nước mắt cô đã chảy ròng ròng. -Tôi không hiểu gì cả. Sao chị lại khóc như mưa như gió thế này. Chị làm như anh ấy chết rồi vậy là làm sao… -Thì gì nữa mà không chết. Không chết thì anh ấy đã gửi thư về… -Thì chị cứ đọc đi đã… Chưa gì đã làm ầm lên như nhà có tang. Lần đầu tiên thằng Qui mắng chị. Ly lau nước mắt, cố trấn tĩnh, cầm lá thư lên. Những dòng chữ nhòe nhòa nghiêng ngửa. “Chị Ly quí mến. Thật khó mở đầu cho một bức thư mà cả hai… người gởi và người nhận đều chưa một lần quên, chưa một lần gặp mặt. Nhưng dù sao em cũng phải viết. Đấy là trách nhiệm là bổn phận của em. -Nếu em không viết, em sẽ có tội đối với chị và trước tiên là đối với anh Linh, một người anh mà em rất kính trọng và yêu quí…” Ly đặt tay lên ngực. Con tim cô dường như vỡ tung. Mãi một lúc sau, cô mới gắng gượng trong nỗi phập phồng như đang đọc bản án tử hình cho người yêu cô. Em may mắn hơn chị là được sống gần anh ấy, săn sóc và giúp đỡ anh ấy trong những ngày anh bị thương. Vết thương anh ấy khá nặng. Anh sốt miên man. Bảy ngày đêm liền đôi mắt anh không hé mở. Những ngày ấy em khóc rất nhiều, lo anh không qua khỏi. Nhưng rồi, may mắn, anh đã vượt qua được cái chết.” Ly lau nước mắt, hai má cô ưng ửng trở lại cái màu hồng. “Anh tỉnh lại dần và nhận ra em, người con gái anh đã một lần được anh cứu thoát khỏi tử thần. Chuyện dài và trong một bức thư không thể nào em viết cho chị rõ hết mọi sự. Hồi ấy anh đã sống trong tình yêu thương của bố mẹ em, của các em em và của cả em nữa. Cả nhà ai cũng muốn anh ở lại. Nhưng anh đã từ chối cái sự êm ả của gia đình em và ra đi. Anh ấy khước từ mọi sự đền ơn đáp nghĩa. Em đã yêu anh ấy, một tình yêu mang cả sự kính trọng và biết ơn. Nhưng anh đã từ chối mối tình ấy, chị ạ. Chị hạnh phúc hơn em nhiều. Em biết như thế, vì qua tâm sự, anh đã thổ lộ cho em tình cảm của hai người. Nếu nói em không ghen với chị là không đúng. Nhưng qua đi cái cơn ghen vô lý ấy, em cảm thấy mình tội lỗi. Em không có quyền ghen với chị. Chị xứng đáng được hưởng trọn vẹn tình yêu của anh ấy. Em thực sự mừng cho chị… … Anh sống ở đơn vị Công binh của em được nửa tháng, thì đơn vị anh đưa anh ra tuyến trước. Em cũng linh cảm rằng nếu vết thương trầm trọng và buộc lòng những nhà chuyên môn phải xử lý một cách tàn nhẫn để cứu cái sự sống của anh ấy, trong trường hợp như thế, chắc chắn anh sẽ chối từ cả tình yêu của… chị. Em hiểu rằng anh ấy sẽ đau đớn vô cùng, không phải trước một vết thương của cơ thể mà trước một mối tình tan vỡ. Bản chất anh ấy là thế, không muốn bất kỳ ai vì anh ấy mà chịu chung số phận hẩm hiu với anh ấy. Một bản chất cao thượng mà em ít gặp chị ạ. Em biết chị yêu anh ấy sâu nặng. Tuy chưa gặp chị, nhưng với một người mà anh ấy đã yêu tha thiết như chị, em tin chị hơn cả chính mình. Chắc chắn rằng, dù trong hoàn cảnh nào, chị cũng không nên bỏ anh ấy. Ngược lại, anh ấy càng đau khổ bao nhiêu về thể xác thì em chắc, tình yêu của chị càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Chỉ có tình yêu của chị mới cứu được anh ấy… Sự thật, em rất lo, trong một phút dao động nào đấy anh không giữ được… anh sẽ ra đi vĩnh viễn. Điều này không phải là giả thiết. Một lần anh ấy đã tâm sự với em về quan niệm sống của mình. Đối với anh ấy, đã là con người có nhân cách thì phải biết cuộc sống không mục đích, không ý nghĩa sẽ nhục nhã như thế nào… Anh ấy không bao giờ chịu sống nhục nhã, chị ạ. Vì anh ấy, hãy cứu lấy anh ấy, chị ạ. Em tha thiết mong chị, nếu cần hy sinh, chị cũng đừng e ngại, đắn đo. Bởi vì như em đã nói, ngoài chị ra, không ai có thể thuyết phục được anh ấy cả. Em sẽ ghi cho chị địa chỉ, chị cố thu xếp đi ngay. Chị hãy đến với anh ấy bằng tình yêu chân thành của chị, và thuyết phục đưa anh ấy về. Em tin chắc anh không còn lành lặn đâu. Nhưng em nghĩ rằng dù anh ấy có thế nào đi chăng nữa, thì tình yêu của chị đối với anh ấy vẫn không thay đổi. Tình yêu chân chính bao giờ cũng vượt qua mọi thử thách, nó có sức mạnh ghê gớm, sức mạnh không ai ngờ được chị ạ. Nó biến khó khăn thành thuận lợi, nó biến nỗi đau khổ thành hạnh phúc, nó thách thức mọi trở lực, quyền hành, nó tuyên chiến với mọi gian nguy. Nó không phải là súng gươm, nhưng nó mạnh hơn tất cả những thứ vũ khí ấy cộng lại. Và vì vậy, nó là bất diệt. Em cầu chúc cho tình yêu của anh chị như thế. Đấy không phải là những lời lẽ khoa trương đâu chị ạ. Nó là cảm xúc rất thật của em đấy. Chị đừng nói với anh ấy là em viết thư cho chị. Anh đã dặn em không được cho chị biết gì về anh ấy. Em cầu mong sớm nhận được thư của chị. Và em hy vọng những gì em cầu mong sẽ được toại nguyện. Bức thư đầu tiên là bức thư kết bạn, bức thư kết nghĩa. Em mong chị đừng từ chối. Em cầu mong chị hạnh phúc, cài mà mọi người đang thiếu. Cỏng Puôn Thình ngày Em Nguyễn Thị Nữa. Dòng thư cuối cùng đã qua, nhưng Ly vẫn ngồi như một pho tượng. Dường như cô vẫn chưa tin những gì mình cảm nhận được. Cô sợ cảm giác đánh lừa cô. Và cô sợ chính người con gái đã từng yêu anh ấy đánh lừa cô. Nhưng rồi, dần dần, những dòng nước mắt khô đi, gương mặt cô anh ánh nụ cười – nụ cười méo mó, ngượng ngùng đầu tiên sau hơn một năm chờ đợi, âu lo… -Con đi đây mẹ! Cô đứng dậy và nói như một quyết định đã chuẩn bị từ trước. -Chị đi đâu bây giờ? Bà mẹ hỏi thành thật, như chưa hiểu con gái mình đang định làm gì. -Con đi tìm anh ấy. -Anh ấy ở đâu mà tìm? -Có địa chỉ rồi! Cô địa chỉ rồi! Anh ấy còn sống mẹ à… -Xa hay gần? -Xa… ở trại điều dưỡng của tỉnh… -Hay là mai… trưa rồi… Đi không kịp đâu con ạ. Mai chuẩn bị cái gì… Chẳng nhẽ đi thăm người ốm lại đi không à? -Con sẽ xin đưa anh ấy về. Con không chờ được ngày mai mẹ ạ. Con đi xe đạp. Đấy là một buổi trưa mùa đông năm 1973. Trời rét căm căm, Ly xách xe đạp và ra đi, không ai can ngăn được. Con đường miền núi đầy những dốc và đèo, ngoằn ngoèo lượn theo những sườn núi đá chênh vênh. Nhiều đoạn xấu đến mức đá trồi lên nằm lăn lóc không sao bánh xe tránh được… Nhưng Ly vẫn đi. Cô đạp băng băng. Cô vượt qua những con dốc mà xe ô tô phải cài số một. Cô đổ xuống những con dốc mà thanh niên cũng phải xuống dắt bộ. Lúc đầu cô cởi chiếc áo bông giắt ghi-đông xe. Sau cô cởi luôn cà chiếc áo len. Mồ hôi vẫn đẫm lưng áo. Cô vẫn đạp, gió lùa qua hai hốc mắt, hốc mũi và hai tai ù ù. Gió mùa đông bắc buốt đến tê dại, nhưng cô lại thấy mát và cảm giác dễ chịu như đón nhận những cơn gió phóng khoáng mùa hè. Đêm mùa đông miền núi ập xuống nhanh như một lằn chớp. Gió kéo qua các ngọn cây, gieo cái buốt tê tái xuống mọi sinh ật. Chiếc xe đạp vẫn bon bon hướng về phía trước. Có lúc cong đường nhòe trong sương lạnh, chập chờn trong cái màn nhung thẳm sâu, huyền ảo. Cô vẫn đi, theo một định hướng của riêng cô. Cô đi, không biết đói, không biết mệt, không biết rét. Bây giò mồ hôi đã đẫm cả lần áo trong. Cô vẫn đi. Đôi chân cô như không hề biết mỏi, vẫn quay trong cái vòng quay cố định của nó. Trong đầu cô chỉ mỗi hình ảnh anh, người mà cô yêu. Trong bộ quân phục mới anh đang đứng chờ cô ở cổng. Gương mặt anh gầy và xanh. Nhưng đôi mắt anh thì vẫn thế, ăm ắp tình yêu – một tình yêu thật thà và nồng nàn như có lửa. Lần sau cùng cô gặp đôi mắt ấy ở ke ga Lạng Sơn. Anh đứng đấy trên bậc lên xuống của toa tàu quân sự. Anh nhìn cô, không nói. Nhưng cô hiểu, những gì anh muốn gởi lại cho cô, trọn vẹn, bền vững… Cô gật gật đầu, mái tóc lòa xòa rung rung trước vầng trán thanh cao của cô, như muốn nói: em đã cảm nhận được tất cả những gì anh dặn dò. Và con tàu kéo còi, tiếng còi tàu tàn bạo sắp rứt anh ra khỏi cô. Lần đầu tiên cô bắt gặp cái ánh buồn trong đôi mắt bịn rịn của anh. Cô hiểu bằng linh cảm của người con gái đang yêu, bắt đầu từ đây, cuộc đời cô sẽ lật sang một trang khác, không sao giữ được sự nguyên vẹn của hôm nay. Cô đặt tay lên ngực, để giữ con tim bớt hồi hộp và tiếng khóc khỏi bật ra, bất ngờ và chua chát. Dường như, cũng bằng linh tính, anh hiểu những gì cô đang nghĩ. Anh nói: -Anh sẽ trở về… Đấy là bốn tiếng kêu cuối cùng trong đêm mà cô nhận ra trong âm vang sôi sục của đoàn tàu đang chuyển động. Cô coi đấy là lời hứa của chính người yêu. Cô giữ chặt nó trong lòng như một báu vật cụ thể. Nó chỉ trở về với cô trong đêm, khi mọi người đã ngủ say và dòng hồi ức cuồn cuộn trở về… Cùng với tiếng con tàu gõ nhịp trên đường ray, tiếng bao nhiêu người thân tạm biệt, tiếng anh vẫn không lẫn vào đâu được, rõ ràng như một lời thề: Anh sẽ trở về! Vậy mà anh đã lừa dối cô. Hồi ấy hai người đã hứa với nhau ở dòng suối Tiên, trước khuôn ngực nữ thần tình yêu ăm ắp những dòng sữa trinh nguyên rằng dù có thế nào, hai người vẫn mãi mãi là của nhau, trọn vẹn. Cả hai quì xuống trước nữ thần thiêng liêng và nhờ Người chứng kiến lời thề sắt son ấy. Có nhẽ nào anh lại chóng quên. Cô tin anh như tin chính mình. Chắc anh bị thương nặng lắm. Và anh, cố trốn cô đấy thôi. Anh mặc cảm về sự tàn phế của đời mình. Anh không muốn anh mãi mãi là một nỗi buồn cho cô. Anh là thế đấy. Anh giơ tay ra đón những ai hoạn nạn, nâng đỡ họ dậy trong tình cảm chân tình của anh như Chúa nâng đỡ tội lỗi của bao con chiên lầm lạc. Nhưng khi anh gặp sự “trừng phạt”, như Chúa bị đóng đinh trên cây thánh giám cũng như Chúa, anh im lặng và chịu đựng… Những dòng suy nghĩ: khi thuận khi nghịch, có lúc cô không kịp “bắt” nó nữa. Chiếc xe vẫn lăn bánh, vẫn lao về phía trước. Đêm vẫn im lìm. Chỉ có gió buốt là người bạn chạy ngược chiều với vô. Thỉnh thoảng có tiếng gà o e gọi sáng nơi xóm vắng nào đấy. Cô cảm thấy sự sống vẫn còn quanh cô, nó an ủi cô, tiếp nối cô tăng thêm sức lực. Cô đi không thấy khát, không thấy đói cho đến khi hừng đông lên. Mặt trời mở ra một vùng sáng nhờ nhờ. Dần dần, con đường hiện ra trước mắt cô màu nâu sẫm đầy những ổ gà. Trại điều dưỡng nằm ờ sau rặng núi đá sát vùng biên giới. Ngọn núi sừng sững như một thách thức của năm tháng… Có phải đây là con đường mà Nguyễn Trãi gạt lệ tiễn cha rồi quay về nuôi chí phục thù. Chiếc xe đạp đã dừng lại trước cây tre sơn màu đỏ chắn ngang. Cô rẽ vào ngôi nhà thường trực, không một cảm giác ngượng ngùng và bối rối. Dựng chiếc xe sát thềm, cô còn đủ bình tĩnh lấy khăn ra lau qua gương mặt đầy bụi đất đỏ của mình. Thường trực cũng là một thương binh, cụt một tay. Anh vui vẻ đưa ghế mời cô ngồi và vội vàng chạy đi tìm Linh. -Anh cho em đi theo với. -Không được. Nguyên tắc mà… Cô thông cảm, cứ ngồi đây một tí là tôi dẫn anh ấy ra ngay thôi. Nhưng người thường trực vừa đi một đoạn, cô đã bỏ cả xe đạp và túi du lịch chạy theo. Cô đi dọc theo cái dãy nhà ngang, nền thấp và ẩm ướt, rẽ trái qua “khu vực sản xuất”. Vừa thoáng nhận ra người yêu, cô gái đã như một cơn gió ào tới, thét lên: -Anh Linh! Tiếng gọi tha thiết khiến mọi người cảm động. Mọi đôi mắt dồn về phía cô gái trong nét mừng rỡ và tủi thân. Và rồi họ hiểu tình yêu bị ức chế. Linh đang chẻ tăm, chưa kịp đứng dậy, cô gái đã ngồi sụp xuống nắm tay anh, đỡ đứng dậy. -Vịn vào vai em đây này… không cần nạng nữa – Anh… anh thế này đây à… Mà có sao… Vâng… Sao lại giấu em. Anh không nghĩ em mong anh thế nào à. Tệ thế cơ anh! Anh quên cả lời hứa đối với em rồi… Anh nghĩ em là người như thế nào? Chẳng nhẽ em không xứng đáng với những gì anh đang dành cho em sao… Cô gái nói, dường như chỉ có hai người, giọng đứt quãng, ấm ức, vừa giận vừa thương. Linh đứng im bên người yêu. Từ trong sâu thẳm của con tim tưởng đã đóng băng, ngọn lửa của tình yêu lại bồi hồi trở lại, cháy dần lên. Mãi một lúc sau, anh mới nắm tay cô gái và nói, giọng vẫn còn bối rối. -Em thấy đấy, anh đâu còn lành lặn như xưa. -Thì đã sao! Một mình anh bị thương à… -Mỗi người một hoàn cảnh sống, một quan niệm ứng xử với đời… Lúc nào anh sẽ nói cho em rõ hơn. -Mẹ nói em đưa anh về. -Thôi em ạ. Đừng để mẹ lo về anh. -Anh cứ tưởng như thế mẹ vui lắm à. Anh mà không về, em ở lại đây với anh. Tùy anh chọn. Còn em, dứt khoát không bao giờ chịu xa anh nữa. Một phụ nữ mang quân hàm chuẩn úy quân y bước lại chỗ hai người, Linh lúng túng. Chị nhìn hai người một lúc rồi hỏi Ly: -Em đi từ bao giờ mà đến đây sớm thế? -Dạ,,, em đi từ chiều qua… Quá trưa một chút. Nhà em xa lắm… Tận thượng nguồn con sông Kỳ Cùng cơ ạ. -Anh giới thiệu với em đây là chị Loan, y tá đơn vị anh. Chị ấy trực tiếp đưa anh ra đây… Còn đây là Ly, chị Loan ạ. -Chị biết rồi. Ngày mai chị vào. Em có nhắn gửi gì không? -Chị cho em thăm và cảm ơn bác sĩ Tâm. Anh ấy tốt quá. Giá em được gần anh ấy, em sẽ học hỏi được nhiều. Cuộc đời anh ấy rồi còn khổ với chính trị viên Dậu. Anh Dậu chằng làm gì được anh ấy đâu… Chị khuyên em nên nghe Ly. Mot tình yêu thật sự đấy, em đừng phụ. Thôi chị tạm biệt hai em. Có dịp trở ra chị lại tìm hai em. -Chị nhớ nhé. Chị đừng quên chúng em nhé. Ly thấy lòng mình rung động ngay với người phụ nữ mới gặp này. Con người chân thật chẳng câu nệ, chẳng màu mè… Loan đi rồi, hai người còn đứng lặng một lúc lâu. Họ đang nghĩ về người ra đi. Họ đang nghĩ về chính họ. -Khó nghĩ quá, em ạ… Linh nói. -Anh cứ tự mình làm khổ mình, anh quên mất như thế là anh đã làm khổ mẹ và em nữa. -Anh có làm gì để mẹ và em khổ. -Anh tưởng sự chờ đợi đến cồn cào, đến khắc khoải là sướng lắm sao. Thôi, bây giờ chuẩn bị đi về với em… Còn nghị ngợi, còn phân vân gì nữa. Hay anh còn luyến tiếc ai? -Còn phải xin phép, còn phải thủ tục giấy tờ, làm sao về ngay được. -Đừng chống chế, đừng từ chối khéo… Em sẽ lo cho anh đầy đủ. Giấy tờ gì em cũng chạy được. Cần đi đến đâu để xin phép em cũng đi. Linh hoàn toàn không ngờ một cô gái trong trắng thơ ngây như một con mèo ướt ở ga Hàng Cỏ năm nào, nay bỗng trở nên một cô gái hoàn toàn khác, mạnh dạn, từng trải. Anh không hiểu đấy là do tình yêu anh đã nâng cô lên, truyền cho cô một ngọn lửa hay là một phép thần nào đấy đã… Cô gái đã làm đúng những gì cô nghĩ và cô nói. Cô ở lại với anh ba ngày ba đêm, gõ vào tất cả các cữa, tìm gặp tất cả những người có thẩm quyền, xin chữ ký và con dấu. Cô táo bạo đến mức, bảo lãnh nuôi nấng, chăm sóc anh không một đòi hỏi gì ở Ban giám đốc trại. Và buổi sáng ra về hôm ấy, đối với cô là một buổi sáng hạnh phúc nhất trong đời. Từ đây, anh thuộc về cô vĩnh viễn. Cô sẽ làm tất cả những gì để anh vui. -Vết thương anh vẫn chưa được ổn định. Anh nói khi hai người dắt xe ra cổng. Chờ cho thật ổn định thì biết bao giờ? Có người năm năm, bảy năm vẫn chưa ổn đĩịn… Có gì em sẽ đưa anh đến bệnh viện tỉnh… Bây giờ thì anh ngồi lên đây, cầm đôi nạng này. Thế thôi… Ba lô cột quanh boóc ba ga. Túi du lịch treo ghi đông. Gia tài hai đứa mình chỉ có thế. Đơn giản quá mà. Bây giờ thì em có thể lai anh đi đến cùng trời cuối đất. -Có mấy cái đeo khá dài, lại cao nữa. -Chẳng ăn nhầm gì với em. Lúc xuống dốc anh đừng có run nhé. Phanh tốt lắm, anh yên tâm… -Em làm sao biết được anh ở đây? -Sao anh cứ thắc mắc mỗi câu hỏi ấy là sao? -Anh muốn biết. -Anh cứ tưởng giấu được em à! Anh cứ tưởng trốn được em à! Chẳng có gì giấu em được cả. Chẳng làm sao trốn được em đâu… -Em đi suốt đêm hôm ấy ư? -Anh vẫn không tin ư? -Em không sợ à? -Sợ gì? -Đường này nhiều thú dữ lắm. -Em không nghĩ đến chúng. Em chỉ nghĩ đến anh thôi. Trước em lúc nào cũng là hình ảnh anh. Khi thì anh đi bên em lên suối Tiên, suối Mơ, lúc anh cùng em bơi qua sông… Và sau cùng bao giờ cũng là hình ảnh anh đứng trên bậc toa tàu quân sự chào tạm biệt em. Lọc qua âm thanh ầm ĩ của con tàu đang khởi động, em nghe rõ tiếng anh: “Chờ anh, anh sẽ về!” Có phải thế không anh? Linh ngượng ngùng. -Đúng… Anh cứ tưởng ồn ào quá… sợ em không nghe. -Không có tiếng gì của anh mà em không nghe được. Em nghe cả tiếng con tim anh đang đập vì một điều gì nữa cơ. Anh có tin không? -Không. -Em nói anh nghe nhé… Cho đến bây giờ, em hiểu anh vẫn còn yêu em. Đúng không nào? -Đúng. -Nhưng cũng cho đến bây giờ anh vẫn còn phân vân lo em phải gánh nặng.. Có đúng thế không nào? -Đúng… -Còn điều này nữa: Anh còn suy tư một điều gì đấy. Dường như có một món nợ với ai mà anh chưa trả xong. Có phải thế không anh? Đôi mày anh con trai nhíu lại. Im lặng. -Anh đang nghĩ gì đấy? Sao anh không trả lời em? Đừng giấu em anh nhé. -Sao em biết. -Giời sinh ra em là để đọc tất cả những gì anh nghĩ. Từ nay về sau đừng giấu em bất kỳ chuyện gì anh nhé. Anh nói, anh nợ ai những gì? -Anh có nợ một người bạn gái…chuyện bắt đầu thế này. Cô ấy đang sống trong một gia đình êm ấm… Và máy bay Mỹ đã đến. Cả gia đình còn lại hai chị em… Cô ấy đã đi vào Trường Sơn và gởi em cho một bà dì tham lam. Sinh hoạt phí có hạn và cô ấy đã nhín nhịn đến trở thành khốn khổ, nhưng vẫn không chu cấp… Anh đã chia xẻ với cô ấy. Em hiểu ý anh chưa? -Anh là thế. Em hiểu… -Và vì vậy anh phải làm thêm ở bộ phận sản xuất tăm. Mỗi tháng chịu khó cũng kiếm thêm được mười đồng. -Anh sợ về với em anh không trả được món nợ mà anh đã hứa với cô bạn gái anh chứ gì. Nói đi. Có phải thế không? -Nhưng đấy không phải là lý do chính để anh muốn lẩn trốn em. Sự thật thì… -Thì sao… Anh mặc cảm chứ gì? Anh sợ em khổ chứ gì? Anh sợ bạn bè em chê cười em là đi lấy một anh thương binh chứ gì? Có đúng thế không nào? -Sao em cứ tra khảo, chất vấn anh như một vị quan tòa thế? -Có đúng không, anh cứ nói đi đã. -Đúng… -Em chẳng sợ ai cười cả, em cũng chẳng sợ ai chê cả. Em yêu ai, người ấy cụt một chân em cũng lấy, cụt hai chân em cũng lấy. Già hơn em 20 tuổi, 30 tuổi em cũng lấy. Xấu xí, đui què mẻ sứt gì em cũng lấy. Khi em đã yêu ai, em bất chấp tất cả. Em không nghĩ nhiều về hình thức. Em cho điều mà người con gái chú trọng ở người con trai chính là cái đẹp tiềm ẩn bên trong ít ai thấy được. Cái bên ngoài không giữ được qua thời gian. Chỉ có cái bên trong là bền vững. Có phải thế không anh? -Cũng tùy hoàn cảnh nữa. -Em không nghĩ như anh. Con người sinh ra như thế nào, sẽ giữ bản chất như thế cho đến lúc chết. Hoàn cảnh chỉ là chất xúc tác để con người ấy bộc lộ hết bản chất của mình ra thôi. -Anh không nghĩ như thế. -Hồi còn học lớp mười, em đã tranh luận với thầy em về chuyện này. Ông cũng có những suy nghĩ như anh… Em có thể dẫn chứng cho anh nhiều trường hợp… Nhưng thôi. -Ta nói chuyện khác đi em. -Anh muốn nói chuyện gì? -Sao em không vào đại học? -Em thi vào tổng hợp văn mà rớt đấy chứ! Họ chuyển em qua sư phạm, em trốn luôn. -Đề thi khó lắm không em? -Chẳng có gì khó. Chỉ có điều em làm theo ý em, không theo ý nhà trường. Thế thôi. -Em còn nhớ đề? -Có gì mà không nhớ. Đại khái thế này: “Suy nghĩ của em về cỗ vũ, tuyên truyền, thiếu sự hấp dẫn so với nền văn học trước Cách mạng. Nói chung các nhà văn của ta bây giờ nặng nề về tường thuật, ghi chép, kể lể. Văn học vì thế có phần đơn điệu, thiếu cái hàm xúc. Sự gia công nghệ thuật ít được chú trọng. Đọc văn của ta bây giờ để chuồi đi, cái đọng lại không nhiều… -Hay dở hãy bàn sau, nhưng nếu anh là nhà văn anh cũng sẽ làm như họ… Em rớt là phải. -Ơ hay. Bảo em viết suy nghĩ của em, nghĩ thế nào em viết thế ấy chứ. Em không thích nói theo, không chấp nhận dối trá. -Em thông minh, nhưng không thức thời. -Thì cứ cho là như thế, đã sao? Không làm trí thức được, em làm dân cày. Càng hay, cái “mốt” bây giờ là thành phần cơ bản… thì được ưu tiên. Phải thế không anh… -Đúng… Những câu chuyện không đâu như thế đã đưa hai người vượt qua một chặng đường dài trên trăm cây số. Họ về đến nhà lúc mười giờ đêm. Bà mẹ vẫn còn ngồi bên đống lửa, đôi mắt dõi ra ngoài khung cửa khép hờ. Ba đêm nay bà đã ngồi như thế chờ con gái và chờ Linh.