Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
PHỤ LỤC
VÀI VẤN ĐỀ KẾ HOẠCH
OVERCAST – PAPERCLIP

     ế hoạch Overcast hay Paperclip là một kế hoạch bí mật do Bộ Chiến tranh thực hiện nhằm mục đích đem về Mỹ các nhà bác học, các kỹ sư Đức và Áo sau cuộc chiến.Dĩ nhiên đây không phải lần thứ nhất người Mỹ đã dùng các khoa học gia châu Âu. Thật vậy,họ đã bắt đầu du nhập các bộ óc phi thường ấy trước mùa hè 1945 khá lâu nhưng một cách không chính thức.
Trong vòng ba mươi năm đầu thế kỷ, cái vốn khoa học của người Đức có thể coi là vô địch trên thế giới. Nhưng từ năm 1933, từ lúc Hitler lên cầm quyền thì cái vốn ấy bị tiêu xài hoang phí, nên rốt cuộc mất hẳn địa vị ưu đẳng của nó. Người ta ước lượng trong khoảng thời gian 1933 đến 1939, nước Đức đã mất đi phân nửa các nhà vật lý học và hai phần ba các nhà hóa học, vì lý do chính trị và vì chủ nghĩa tôn – chủng của Đức quốc xã. Một số đông các nhà bác học Đức di cư sang Mỹ, cũng giống như trường hợp của vài đồng nghiệp khác của họ ở Âu châu. Chỉ cần nhớ lại sự đóng góp của một người Đức là Albert Einstein, người Ý là Enrico Fermi, hai người Hung gia lợi là Leo Szilard và Edouard Teller vào chương trình nguyên tử của người Mỹ, thì hiểu được tầm quan trọng của sự cộng tác vô tư của người Đức trong công cuộc nghiên cứu ở Mỹ.
Dầu vậy, Đức Quốc xã vẫn còn hưởng được một tiềm năng khoa học phi thường. Hitler và chính quyền Đức tuy coi thường khoa học thuần túy nhưng họ rất chú trọng đến việc áp dụng tức khắc của khoa học vào lãnh vực quân sự: Chẳng hạn như những phi cơ phản lực, những tân tiềm thủy đĩnh và những hỏa tiễn. Trên lãnh vực vũ khí cổ điển thì họ đã thua Đồng minh, nên muốn san bằng cách biệt đó họ đã chi tiêu một ngân khoảng khổng lồ vào việc phát triển các chiến cụ kể trên. Nhưng cho đến giờ mà sự bại vong đã hiển hiện trước mắt, cũng chưa có một vũ khí nào đạt tới giai đoạn tác dụng.
Cho đến ngày nay thì lý do của việc thất bại ấy sáng tỏ như ban ngày. Trong những năm đầu của cuộc chiến, dưới con mắt của quan sát viên ngoại quốc thì chế độ Quốc xã có vẻ độc khối và hữu hiệu. Nhưng trong thực tế, nó là một thứ tạp văn quái gở, một bộ máy bất lực vì sự cạnh tranh giữa các Bộ trưởng đối lập với nhau, với các nhân viên trung gian, và với các “triết gia” chính trị; vì sự chống đối giữa cơ quan quân sự và cơ quan mật vụ. Tất cả những hành động tranh giành trên chỉ càng làm trở ngại cho các nhà bác học Đức Quốc xã mà thôi. Hơn nữa, các nhà bác học này dường như cũng không phải là đảng viên cuồng tín của Hitler. Dr. Samuel Goudsmit là chỉ huy trưởng kế hoạch Alsos có nhiệm vụ xác định tầm mức tiến bộ của chương trình nguyên tử của người Đức, ông có ghi:”Chúng tôi có thể đi đến kết luận rằng: nói chung, thì các nhà bác học Đức không ủng hộ sự nỗ lực chiến tranh của quốc gia họ. Mục tiêu chính của họ là dùng kinh phí do chính phủ đài thọ để thực hiện công cuộc nghiên cứu riêng của họ, nhưng họ làm như họ có ý định nghiên cứu để hỗ trợ cho chiến tranh vậy”.
Dầu cho thái độ của phần đông các nhà bác học Đức đối với chủ nghĩa Quốc xã ra sao đi nữa chính quyền Anh và Mỹ cũng hiểu rằng họ phải làm một cái gì sau khi chiến thắng để tìm cho được các nhà bác học Đức để thẩm vấn, vì họ là cả một kho tàng tài liệu quý báu. Còn một điều quan trọng hơn nữa là các chính quyền này phải ngăn cản, không để cho họ trở thành mầm mống làm tái sanh bọn quân phiệt Đức một cách bất ngờ. Sự xuất hiện của phi cơ phản lực, của bom nguyên tử và của hỏa tiễn tầm xa vô tuyến điều khiển biểu thị một cách rõ ràng rằng: tính chất của cuộc chiến từ rày về sau sẽ thay đổi. Bây giờ không phải những vị tướng lãnh và những lực lượng hải-lục quân cổ điển quyết định kết cục các trận chiến trong tương lai nữa, mà là các nhà bác học.
Vào mùa thu năm 1944, khi sự sụp đổ của Đức Quốc Xã đã cận kề, thì chính quyền Anh và Mỹ cũng đã bắt đầu thành lập những kế hoạch để cai trị nước Đức sau cuộc chiến. Họ đã thảo luận và chấp thuận ban hành dự án Eclipse. Dự án này nối tiếp dự án Safehaven của Mỹ đã có từ trước, có nhiệm vụ đặc biệt kiểm soát những công dân Đức có khả năng đóng góp vào sự phục hồi chiến tranh bằng những hành động phá hoại ở nước ngoài, sau khi chiến tranh chấm dứt. Song song với việc nghiên cứu các hoạt động của người Đức trong địa hạt nguyên tử, kế hoạch Alsos còn phụ trách việc phân tích mối nguy cơ do sự hiện diện của một số các nhà bác học lỗi lạc Đức và những vấn đề liên quan đến việc giám sát họ, nhằm mục đích bảo vệ an ninh cho toàn thể thế giới.
Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 1945, khi lực lượng Đức Quốc Xã đã bắt đầu tan rã, thì mọi việc cũng chưa quyết định xong. Đầu tháng năm 1945, SHAEF (Supreme Headquarter Allied Expedition­ary Forces: bộ chỉ huy tối cao của lực lượng viễn chinh Đồng Minh) xin chỉ thị của Bộ Chiến tranh về thủ tục phải áp dụng để kiểm soát việc nghiên cứu khoa học của người Đức. điều tra viên của cả ba binh chủng đều bắt đầu hoạt động nhưng công tác của họ chỉ thực hiện tại chỗ. Lúc bấy giờ, nói chung họ không hề chủ trương đưa các nhà bác học Đức về Mỹ, họ chưa có “kế hoạch Paperclip”. Họ chỉ có những toán người đại diện các binh chủng đang cố gắng qui tụ và điều tra nhà bác học Đức. Những toán này lại thường xuyên cạnh tranh với nhau, mặc dù cùng một mục đích.
Sau cùng, có vài vị sĩ quan Mỹ cho rằng việc thẩm vấn rời rạc các người Đức không thể nào khai thác trọn vẹn được kiến thức của họ. Hình như người đầu tiên đã khuyến khích gởi về Mỹ một số các nhà bác học Đức đã chọn lọc kỹ càng là tướng Hugh Knerr. Ông là phó tổng tư lệnh các cơ sở hành chính và quản trị thuộc lực lượng chiến lược không lực Mỹ ở Âu châu. Ông đã trình bày vấn đề này với vị phụ tá bộ trưởng đặc trách ngành Không quân là Robert Lovett khi ông này thị sát mặt trận Âu châu vào đầu tháng tư năm 1945. Knerr tin rằng các chuyên viên Đức có thể đóng góp vào việc phát triển các động cơ phản lực đang được thực hiện ở căn cứ Wright.
Ngày 22 tháng 5, Ngũ Giác Đài nhận được một bức công điện (do Thiếu tá Staver thảo và Đại tá Holmes ký) đề nghị di tản về Mỹ khoảng một trăm chuyên viên hỏa tiễn của căn cứ Peenemunde. Vào thời gian đó, các ủy ban thuộc Bộ Chiến tranh và Bộ Nội vụ đã thiết lập xong nền tảng của một kế hoạch (chưa có tên) nhằm mục đích đưa các nhà bác học Đức về Mỹ. Trong thực tế thì đã có một nhóm nhỏ chuyên viên Đức đang ở Mỹ rồi. Tháng tư trước đó, phái bộ kỹ thuật của Hải quân Mỹ ở Âu châu đã có dịp điều tra giáo sư Herbert Wagner. Họ và phái bộ công xưởng Không quân Hensche đều cho rằng cuộc thí nghiệm về Hs2T3 một hỏa tiễn không-không vô tuyến điều khiển của họ, đã chưa được khai thác đầy đủ ở Mỹ. Nên ngày 04 tháng 5, giám đốc tình báo Hải quân đã đòi phải đưa giáo sư Herbert Wagner về Mỹ tức khắc, mặc dầu chưa của một qui chế chính thức nào được ấn định về việc đó. Rồi ngày 19 tháng 5, Wagner và bốn cộng sự viên của ông được đưa về Hoa Thịnh Đôn cùng với hành trang quý báu là “kiến thức, kinh nghiệm và tài năng vô dịch của họ”. Sau bốn tuần lễ điều tra. Họ được cử về phòng thí nghiệm ở Sands Point để thực hiệu một hỏa tiễn của Hải quân gọi là Projet 77. Họ là năm người tiền phong đã dẫn đầu phong trào du nhập rần rộ các nhà bác học Đức vào Hoa Kỳ.
Đến ngày 21 tháng 5 năm 1945 thì người Mỹ đã qui định xong những chi tiết sơ khởi về kế hoạch Overcast. Ngày ấy, Thiếu tá Cranford, phụ trách việc điều tra của tình báo Không quân, đã gởi cho các sở trực thuộc một điệp văn như sau:
ĐỀ TÀI: Những kỹ thuật gia dân chính Đức.
1. Tham mưu phó G.2, WDGS Military Intelli­gence War Departement General Staff: (Tình báo quân đội, Tham mưu Bộ Chiến tranh) đặc trách về “người và chiến lợi phẩm” của MIS (Military In­telligence Service - Cơ quan tình báo quân đội) lo tổ chức và thực những công tác sau đây: tập trung, di chuyển về khu vực Mỹ, tạm cư, cung cấp thực phẩm, tài trợ lương bổng, bảo vệ an ninh và tất cả những vấn đề liên lạc khác.
2.  Khi bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và những cơ quan liên hệ khác đã minh định xong các chi tiết, thì nhân viên nói trên phải bắt đầu hoạt động. Khi được yêu cầu vị Tham mưu phó này sẽ thiếp lập và điều khiển một trung tâm thẩm vấn và khai thác để cho lực lượng Hải Lục Không quân và các lực lượng khác sử dụng. Vị này có thể được mời đến những địa điểm khác trong khu vực Mỹ kiểm soát để tham dự việc thẩm vấn bổ túc.
3. Những người Đức được đề cập trên không thể bị đối xử như những tội phạm chiến tranh.

 

Mãi đến ngày 19 tháng 7 năm 1945, ở các Bộ Nội Vụ, Tư pháp, Thương mãi, Lao động, ở sở nghiên cứu và phát triển khoa học và ở vài cơ quan chính quyền khác, người ta vẫn còn làm cái công việc phê chuẩn kế hoạch được gọi bằng mật danh Overcast.
Overcast quả thật là một dự án ngắn hạn. Các cơ quan quân sự liên hệ đã gởi về tướng Clayton Bissell là Tham mưu phó cơ quan tình báo bên Bộ Chiến tranh “theo hệ thống quân giai, những danh sách chuyên viên hy vọng sẽ được khai thác ở Mỹ ”. Cơ quan G.2 sẽ phụ trách việc đưa họ đến và giao cho cơ quan nào yêu cầu. Lúc bấy giờ Bộ Chiến tranh và Bộ Hải quân đã ấn định một số lượng là 350 người. Hơn ba trăm chuyên viên Đức này sẽ được đề nghị ký một hợp đồng sáu tháng, thời hạn này có thể được tái tục. Sau một năm “khai thác” - đó là danh từ chính thức được dùng - G.2 có nhiệm vụ sẽ đưa họ trở về Đức. Lúc bây giờ người Mỹ chưa dự định đến việc đem gia đình chuyên viên Đức qua Mỹ.
Mục đích chính thức của kế hoạch Overcast là sử dụng kinh nghiệm của một số chuyên viên về vũ khí mới nhằm mục đích “thâu ngắn chiến tranh với người Nhật”. Vào tháng 7 năm 1945 rất ít người đang phụ trách việc chuẩn bị kế hoạch Overcast, được biết quốc gia họ đã có bom nguyên tử và sắp dùng nó để kết thúc nhanh chóng cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Nhật đầu hàng ngày 2 tháng 9 năm 1945. Lúc đó, người Mỹ đã chọn xong 350 “chuyên viên Overcast” và đang tìm biện pháp để đem họ về, mặc dầu cái lý do để đem họ về đã không còn nữa. Nhưng kế hoạch Overcast còn có hai mục tiêu khác nữa - những mục tiêu bán chính thức - mà người ta không bao giờ tuyên bố công khai ra. Dù không công bố, nhưng những người sáng tạo ra dự án ấy không thể không biết cặn kẽ: một phần, để tránh việc các nhà bác học Đức rơi vào tay người Nga; phần khác, để ngăn cản không cho họ trở thành then chốt của chế độ quân phiệt Đức tái sanh.
Là một kế hoạch ngắn hạn, nên Overcast chỉ là dự án tổng quát của Bộ Chiến tranh. Nó không phải chỉ có một mục tiêu duy nhất là tập trung các chuyên viên hỏa tiễn Đức tại Fort Bliss. Mặc dầu sau này nhóm Fort Bliss trở thành nhóm chuyên viên quan trọng nhất ở Mỹ.
KẾ HOẠCH PAPERCLIP LÀ KẾ HOẠCH GÌ?
Như chúng ta đều biết trong tất cả sách vở, tất cả nhật báo, tất cả tạp chí có đề cập đến việc săn đuổi các nhà bác học Đức vào mùa xuân năm 1945 và việc đưa họ về Mỹ quốc, người ta đều gọi công việc này là “kế hoạch Paperclip”. Dĩ nhiên, đó là một điều sai lầm, nhưng là điều sai lầm có thể hiểu được. Chúng ta đã thấy ở chương 16 có nói đến những kế hoạch Paperclip. Nó chỉ là một kế hoạch nối tiếp kế hoạch ban đầu: Overcast, Gia đình các chuyên viên Đức ở lại trại Landshut dưới sự bảo trợ của Quân lực Mỹ, sau khi chồng con họ đã sang Mỹ theo hợp đồng Overcast. Vì vấn đề an ninh nên Bộ Chiến tranh tự ý đổi tên Overcast lại là Paperclip. Ngày 13 tháng 5 năm 1946, văn phòng tham mưu liên quân cho phổ biến trong các cơ quan liên hệ một điện văn:
ĐỀ TÀI: Đổi mật danh.
1. Bắt đầu từ ngày hôm nay, mật danh PAPERCLIP sẽ thay thế cho mật danh OVERCAST vì danh từ này đã bị tiết lộ.
2: Ý nghĩa trước kia dùng cho OVERCAST, lúc chưa bị tiết lộ, từ nay sẽ được dời qua cho PAPERCLIP.
Sau một thời gian hoạt động, nhiều cơ quan đã nhận thức được giá trị của các chuyên viên Đức và không muốn gián đoạn công việc nghiên cứu sau hạn kỳ một năm. Họ khẩn khoản yêu cầu Bộ Chiến tranh sửa đổi lại chương trình khai thác ban đầu. Ngày 31 tháng 7 năm 1946 Bộ trưởng Chiến tranh bằng lòng tu chỉnh lại dự án, rồi đưa nó qua ủy ban phối hợp liên bộ. Ủy ban này lại thảo một hiến chương chính trị để Bộ Nội vụ trình lên tòa Bạch ốc. Ngày 3 tháng 9 năm 1946, tổng thống Truman phê chuẩn hiến chương chính trị đó. Thế là kế hoạch Paperclip tu chỉnh đã mở đầu cho một cuộc khai thác dài hạn và ban hành một qui chế di trú cho các chuyên viên Đức. Từ đây họ đã có quyền đem theo gia đình sang Mỹ, những thân nhân đầu tiên của họ đã đến Mỹ vào tháng 12 năm 1946. Hơn nữa, số lượng ba trăm năm mươi chuyên viên nay đã vượt quá một ngàn. Đến mùa xuân năm 1948, thì kế hoạch Paperclip đã phát triển nhiều. Tính tới ngày 18 tháng 5 năm 1948 thì đã có tất cả 1.136 kiều dân Đức và Áo ở Mỹ: 492 chuyên viên và 644 thân nhân của họ. Quân đội (Lục quân) sử dụng 177 người, Không quân: 205, Hải quân: 72 và Bộ Thương mãi: 38.
Nhóm Fort Bliss vào thời gian ấy gồm có 127 người, nên nếu so về số lượng thì nó không phải là nhóm quan trọng nhất (vì có đến 146 chuyên viên đang hoạt động ở căn cứ Không quân Wright). Nhưng mà nhóm này có một tính chất rất độc đáo: họ là một toán chuyên viên thuần nhất và hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều năm trường. Những nhà “bác học Paperclip” khác cũng là những khoa học gia lỗi lạc nhưng tài nghệ của họ không được tập trung lại cho cùng một mục tiêu duy nhất.
Việc tuyển mộ các nhà bác học Đức vẫn được tiếp tục mãi đến đầu năm 1950. Lúc bấy giờ chính quyền Bonn mới thành công trong việc thuyết phục chính quyền Mỹ dừng tay lại, đừng tướt đoạt một trong những tài nguyên thiên nhiên của Liên Bang Tây Đức nữa.

 

KẾ HOẠCH OVERCAST - PAPERCLIP CÓ GẶP NHIỀU SỰ CHỐNG ĐỐI KHÔNG?
Quần chúng Mỹ cũng như cơ quan lập pháp của họ không hề có dịp để chấp nhận hay phản đối kế hoạch OVERCAST lúc khởi đầu. Bộ Chiến tranh, với sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ, chỉ có việc đưa các nhà bác học Đức về Mỹ và đặt họ vào công việc nghiên cứu, chứ không cần loan báo chính thức kế hoạch Overcast. Họ chỉ nhìn nhận có kế hoạch Overcast với quần chúng sau ngày 3-12-1946 mà thôi. Tuy nhiên, một số đông các sĩ quan, các công chức và các nhà bác học Mỹ đã có thái độ không chấp thuận việc du nhập các khoa học gia Đức vào Mỹ, bất kể những người này có phải là đảng viên Quốc Xã hay không. Vì vậy, chúng ta phải tỏ lòng kính trọng trước sự sáng suốt của những người như Đại tá Trichel và Đại tá Toftoy. Họ đã biết được những điều lợi ích mà các chuyên viên hỏa tiễn Đức sẽ đem đến cho quốc gia họ, nên họ đã tranh đấu quyết liệt với các ủy ban khác nhau ở Ngũ Giác Đài để quan điểm của họ được chấp nhận.
Ngày 3 tháng 12 năm 1946, khi văn phòng báo chí Bộ Chiến tranh loan báo chính thức, bằng một thông cáo đầu tiên, về sự làm việc của các nhà bác học Đức và Áo ở Hoa Kỳ, thì người ta nổi lên phản đối rần rộ.
Ngày 30 tháng 12-1946, một nhóm các nhân vật tối quan trọng như Albert Einstein, Richard Neuberger, Philip Murray, Stephen Wise và Norman Vincent Peale đã gởi một điện văn sau đây cho tổng thống Truman:
“Đối với chúng tôi, những người, này là một mầm hiểm họa tiềm tàng, họ là những kẻ mang đầy hận thù chủng tộc và tôn giáo. Trước kia, họ có thể là thành phần hoặc là cảm tình viên của Quốc Xã. Điều này khiến chúng ta phải dè dặt khi đặt vấn đề khả dĩ chấp nhận họ trở thành công dân Mỹ và đảm nhận những địa vị then chốt trong các cơ sở kỹ nghệ khoa học và giáo dục. Nếu người ta tin rằng cần thiết phải sử dụng những người này cho quốc gia, thì chúng tôi khẩn khoản yêu cầu đừng ban hành cho họ qui chế cư trú vĩnh viễn, cũng như đừng cho phép họ nhập quốc tịch Mỹ. Nếu không, họ có thể gieo rắc những tư tưởng phản dân chủ nhằm mục đích phá hoại và tiêu hủy sự thông nhất của quê hương ta”.
Ngày 24 tháng 3 năm 1947, ông W.A. Higenbotham là thư ký Liên đoàn bác học Mỹ - một cơ quan có đến 3.000 đoàn viên - lại cũng gửi thư cho Tổng thống Truman, ông yêu cầu chỉ cho những nhà bác học Đức hoạt động trong khuôn khổ dự án quân sự, chứ không được làm việc trong xí nghiệp tư và trong những cơ sở giáo dục. “Tất cả những đặc quyền ban bố cho họ, dù cho vì lý do quân sự, cũng là một sự phỉ báng đối với các dân tộc vừa mới đây còn chung lưng đâu cật tranh đấu bên chúng ta. Là một sự lăng mạ đối với những người tị nạn vì bọn Quốc Xã hoành hành. Là một sự sỉ nhục đối với những đồng nghiệp đau khổ của chúng tôi trong những nước trước kia bị chiếm đóng, và đối với tất cả những ai đã từng rên xiết dưới gông cùm mà những người này đã góp phần rèn đúc nên”.
Nhưng những cuộc chống đối này giảm dần cường độ rồi tắt hẳn, khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ bắt đầu. Đến tháng 8, năm 1949 thì tình hình biến đổi khả quan đến nỗi Von Braun được phong làm đoàn viên danh dự của Société Interplanétaire Britannique (Hiệp hội liên hành tinh Anh quốc) để “ghi ơn công trình tiền phong vĩ đại của ông, trong lãnh vực hỏa tiễn”.

 

NGƯỜI MỸ GẶT HÁI ĐƯỢC NHỮNG LỢI GÌ Ở TRONG KẾ HOẠCH OVERCAST VÀ PAPERCLIP?
Người ta nhớ rằng các nhà khoa học Đức được đến Mỹ, trong khuôn khổ của kế hoạch Overcast và phục vụ cho quân lực Mỹ, chỉ nhận được một số lương kém cỏi của các công chức không dư dả trong bất cứ mọi trường hợp, là 10.000 Mỹ kim một năm. Hơn thế nữa, họ chỉ được cư trú ở các nơi dành cho những kẻ tầm thường; không một ai trong số đám người này gây rắc rối gì cho các cơ sở an ninh hay liên can gì đến các công tác phá hoại hoặc gián điệp. Sở dĩ Mỹ kết nạp họ là cốt để ngăn chặn không cho người Nga sử dụng họ, và những lợi ích thu được trong kế hoạch này cũng khá to tát.
Chúng ta chưa tìm thấy những lợi ích nào cụ thể, có thể rút tỉa được ở việc sử dụng một trong các kỹ thuật gia Paperclip, tại văn phòng khai mỏ Grand Forks và 2 người khác nữa ở viện nghiên cứu thực phẩm và điều hòa thực phẩm của quân đội ở Chicago. Nhưng trừ việc sung dụng họ vào các chương trình của Không và Hải quân, thì sự đóng góp của các chuyên viên Peenemunde không thể chối cãi được. Nhóm họ luôn công tác hòa hợp
với các đại diện kỹ nghệ, với chính phủ hay các đại học Mỹ. Họ đã tham dự trong một phạm vi rộng lớn, về việc hoàn thành một số phi đạn thuần túy quân sự cho ngành Quân cụ, như là:
a) Cuộc phóng ngày 19-2-1949 tại White Sands của chiếc hỏa tiễn 2 tầng, W.A.C Corporal, với một cao độ 415 cây số. Đây là cuộc bước vào không gian đầu tiên của Mỹ và kỷ lục này được giữ luôn suốt 8 năm.
b) Cuộc phóng đầu tiên được thành công vào tháng 5-1957 của một hỏa tiễn xạ thuật có tầm trung bình, là chiếc Jupiter, xa 2.400 cây số.
Khi toán Peenemunde được sung vào chương trình không gian, người ta nhận được các kết quả như sau:
a) Cuộc phóng chiếc vệ tinh địa cầu đầu tiên của Mỹ, chiếc Explorer 1, được chiếc hỏa tiễn Ju­piter C đưa vào quỹ đạo ngày 31 tháng 1 năm 1958.
b) Cuộc phóng chiếc vệ tinh mặt trời đầu tiên của Mỹ, chiếc “Pioneer IV” ngày 2 tháng 3 năm 1959.
c)  Cuộc phóng vào không gian 2 sinh vật đầu tiên của Mỹ là các con khỉ Abel và Baker, và đưa về thành công ngày 28 tháng 5 năm 1959.
d) Chuyến bay đầu tiên vượt quỹ đạo của phi hành gia Alan Shepard, nhờ chiếc hỏa tiễn Redstone phóng đi ngày 5 - 5 -1961. Thí nghiệm được tái tục với phi hành gia Virgil Grisson thực hiện ngày 21- 7 cùng trong năm.
John Glenn, người Mỹ đầu tiên được đưa vào quỹ đạo trái đất, đã hoàn thành 3 cải biến về phi thuyền Mercury được phóng vào ngày 20 -2 -1962; “Vectơ” là chiếc Atlas kiểu D. Chiếc hỏa tiễn này không do nhóm Von Braun thực hiện. Đấy là chiếc phi đạn liên lục địa biến cải của không lực Mỹ. Nếu chiếc Atlas thích hợp cho vai trò của Mercury thì chiếc này lại không đủ mạnh dể phóng chiếc phi thuyền nguyệt cầu (chương trình Apollo).
Được chuyển qua cơ sở dân chính N. A.S. A, vào ngày 1-7-1960, Von Braun và các cộng sự viên của ông lo thực hiện chiếc Saturne C - 1, khai triển được thêm một sức đẩy phụ trội tới 550 tấn. Saturne được thí nghiệm thành công vào ngày 27-10-1961. Từ đó, chiếc này còn chịu qua 7 cuộc thí nghiệm khác nữa tại mũi Kennedy. Người ta cho rằng đấy là một chiếc hỏa tiễn mạnh nhất hiện có trên hoàn cầu, kể cả Nga Sô. Các hỏa tiễn Saturne trong tương lai sẽ được trang bị máy móc có khả năng tạo ra một sức đẩy tới 3.750 tấn khi tách rời mặt đất, khoảng 20 lần hơn sức đẩy triển khai của chiếc Atlas. Các thiết trí cần thiết cho cuộc phóng phi thuyền nguyệt cầu - sẽ được thực hiện trên một đảo tại vùng Floride - phải có một diện tích chừng 320 cây số vuông, khoảng 6 lần lớn hơn diện tích đảo Manhattan. Chuyến bay: thí nghiệm đầu tiên được dự tính vào năm 1966.
CHIẾC PHI ĐẠN VÔ TUYẾN ĐIỀU KHIỂN CÓ TẦM HOẠT ĐỘNG XA, CÓ PHẢI ĐƯỢC PHÁT MINH Ở PEENEMUNDEKHÔNG?
Von Braun sẽ là người sau hết cho rằng chính nhóm ông đã phát minh ra chiếc hỏa tiễn vô tuyến điều khiển có tầm hoạt động xa hay là chính nhóm ông đã hoàn thành lý thuyết căn bản toán học của thôi lực hỏa tiễn - điều quan hệ của vấn đề tất nhiên là ý niệm có tính cách bao quát phát xuất từ những công trình đầu tiên do nhiều chuyên viên của mọi quốc gia trên thế giới - với thí dụ tiêu biểu là Robert Goddard từ năm 1914 đã đệ nạp, các bằng sáng chế của hỏa tiễn có nhiều tầng và của máy hỏa tiễn chạy bằng nhiên liệu lỏng. Đấy là nền tảng của cuộc thám hiểm không gian. Goddard đã phóng chiếc hỏa tiễn đầu tiên bằng nhiên liệu lỏng ngày 16 tháng 3 năm 1926 ở Au­burn tại tiểu bang Massachusetts; chiếc này lên cao khoảng 12 thước. Nếu Goddard, nhà khoa học đã mất hồi năm 1944 có được một ngân khoản cần thiết vào năm 1930 thì nước Mỹ có thể đã có chiếc hỏa tiễn vô tuyến điều khiển có tầm xa trước hơn các chiếc V2 của Đức. Thật ra, thì các hỏa tiễn của Goddard chưa bao giờ lên cao đến vài trăm thước. (Tiểu sử lý thú của Goddard rút trong quyển “This High Man ” của Milton Lehman, được xuất bản vào tháng 10-1963).
Cái gì đã xảy ra ở Peenemunde? Chuyện thật giản dị là Von Braun và các cộng sự viên của ông đã có dưới quyền sử dụng của họ, nào số người, đồ trang bị, nào quỹ cần thiết để rút từ các lý thuyết hiện có và các thí nghiệm thô sơ, các áp dụng thực tiễn nhờ sức tưởng tượng và sở trường nghề nghiệp của họ. Và kết quả là chiếc V2, chiếc vũ khí vô tuyến điều khiển có tầm hoạt động xa, mà các hỏa tiễn lo lớn hiện nay chỉ là các chiếc hỏa tiễn cải tiến mà thôi.
CÁC NHÂN VẬT LIÊN HỆ TRONG KẾ HOẠCH OVERCAST ĐÃ TRỞ NÊN THẾ NÀO?
Cũng như đã nêu ra ở chương 18, Von Braun Giám đốc trung tâm không gian George Marshall; đã giữ dưới quyền ông 89 cựu nhân viên Peenemunde để lập một toán công tác đồng nhất. Đấy là toán chuyên viên hỏa tiễn kỳ cựu nhất thế giới. Họ đã có 30 năm kinh nghiệm trong địa hạt này. Một số các nhân viên của thành phần đặc biệt ở Fort Bliss đã vào làm việc với các xí nghiệp tư sau khi được hưởng trước hết là quyền lưu trú thường trực, kế đó là vào quốc tịch Mỹ.
B. Tessmann, người đã giấu các tài liệu V2, trong khu hầm mỏ Dornten, luôn luôn làm việc với Von Braun tại trung tâm Marshall. Nhưng Dieter Huzel người cũng dự vào cuộc cất giấu tài liệu kia, được thu dụng vào tổ chức “Không gian hàng không Bắc Mỹ và phân bộ hệ thống tin tức” ở California. Tiến sĩ Martin Schilling làm phó chủ tịch công ty “Raytheon Company” phụ trách điều khiển công việc nghiên cứu; Magnus Von Braun em trai của Wernher, đứng đầu phân bộ “hỏa tiễn” của hãng “Chrysler”; Tiến sĩ Theodore Buchold làm cho công ty General Electric; Krafft Ehricke thì ở hãng Convair; nhà khoa học Ernst Steinhoff làm cho tổ hợp RAND, còn Walther Riedel thì có một chỗ làm trong xí nghiệp tư tại Liên Bang Tây Đức sau khi đã trở về quê hương v.v...Tuy nhiên toán Von Braun ở Huntsville vẫn còn các phần tử thiết yếu đã làm sườn cốt cho tổ chức Peenemunde:
Tướng Dornberger, như chúng ta đã biết, chỉ đến Mỹ vào tháng 7-1947. Nhưng ông không làm việc lại với các cộng sự viên của ông ở Fort Bliss. Ông được dùng như cố vấn về hỏa tiễn vô tuyến điều khiển của Không lực Mỹ. Tháng 5 năm 1950, ông được mời làm việc cho Công ty Hàng không “Bell Aircraft”. Tháng 6 năm 1964, ông làm Phó chủ tịch kiêm giám đốc các cơ sở nghiên cứu khoa học của Bell Aero-systems Company, một chi nhánh của nghiệp hội Bell Aerospace Corporation ở Buffalo. Mặc dù đã hơn 60 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh khỏe, tướng Dornberger đã góp phần vào việc thực hiện một số lớn các chương trình không gian trọng yếu như chế tạo chiếc X-l Bell, chiếc phi cơ phản lực đầu tiên của thế giới, và chiếc siêu thanh không động cơ Dyna-Soar, được phóng bằng một hỏa tiễn; ông còn là người binh vực nồng nhiệt cho “chiếc phi thuyền không gian có người ở, có thế điều hành trên ngoại tầng không khí và trở về đáp xuống tại một nơi định sẵn trước”.
Năm 1964, tất cả các người Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch Overcast vào năm 1945, đã phân tán đi tất cả. Robert Staver đã rời khỏi quân đội vào tháng 12 năm 1945 với cấp bậc Trung tá trừ bị, bây giờ thì ông ở Los Altos thuộc tiểu bang Caliornia, và các hoạt động nghề nghiệp của ông hoàn toàn không dính dáng gì đến hỏa tiễn. Tiến sĩ Richard Porter sinh sống ở Connecticut, ông luôn vẫn là người của hãng G.E. được bầu làm chủ tịch công ty “Amenica Rocket Society” vào năm 1955 ông còn là chủ tịch của ủy ban quốc tế Sưu tầm không gian COSPAR (Comté International de Recherches Spatialdes) Joel Holmes, xuất ngũ với cấp bậc Thiếu tướng, là giám đốc của một hãng thầu cơ giới và kiều lộ tại Lowa. Đại tá Trichel, đã hồi hưu từ năm 1947, làm tổng đại lý cho hãng Chrysler ở Detroit. James Hamill đã rời bỏ chức vụ ở trung tâm Huntsville vào năm 1961, để chuyển qua phụ trách về phòng thí nghiệm nghiên cứu xạ thuật của trung tâm Aberdeen.
Holger Toftoy có thể nói là người Mỹ hiểu Von Braun và nhóm Peenemunde hơn ai hết, từ tháng 8-1945, ngày ông đến Witzenhausen với quyền hạn lo tuyển chọn 100 chuyên viên hỏa tiễn Đức cho đến năm 1958, khi ông trở thành chỉ huy trưởng cơ xưởng Redstone, Toftoy không những là vị chỉ huy mà còn là tri kỷ, là bạn tâm tình của các kỹ thuật gia Đức, những người đã phải trải qua các thời gian buồn nản lúc mới đến Mỹ. Toftoy được người ta biết đến dưới cái tên đùa giễu là “ông hỏa tiễn” và sự tuyên dương kèm theo việc truy tặng huy chương công trạng đặc biệt sẽ giải thích tại sao: “chịu trách nhiệm về các quyết định quan trọng đầu tiên và thi hành các quyết định liên quan đến việc phát triển một số lớn các vũ khí sau thời chiến, như chiếc “Super bazooka” và chiếc hỏa tiễn to lớn “Honest John”. Các vũ khí điều khiển “Nike” và “Corpo¬ral” được phát triển là do sự cố gắng của ông. Sự sáng suốt và tư cách chỉ huy của ông đã góp phần to lớn vào việc phát triển các hỏa tiễn của quân đội như các chiếc “Nike Ajax”, “Nike Hercule” và “Hawk” mà ngày nay người ta đang trông cậy vào các vũ khí này để bảo đảm phần lớn hàng rào phòng thủ không phận của vùng Bắc Mỹ. Ông còn nhằm vào các mục tiêu kỹ thuật thích hợp và tìm các tài nguyên thiết yếu cho cuộc nghiên cứu đầu tiên của hỏa tiễn Redstone, đây là thuyết biến cải chiếc “Redstone” thành chiếc “Jupiter C”, được phóng thành công chiếc vệ tinh địa cầu đầu tiên của thế giới tự do, chiếc “Explorer...”
Các công dân của thành phố Huntsville đã dựng lên một ngôi đền cho Toftoy khi ông rời cơ xưởng Redstone năm 1958 để nhận chức điều khiển trung tâm Aberdeen. Có thể nói sự tôn kính của dân đối với con người này chưa bao giờ được xứng đáng hơn nữa. Toftoy một phần lớn, còn là người phát động cuộc nghiên cứu và tiến bộ của quân đội trong ngành hỏa tiễn; và chính ông đã đưa toán chuyên viên Đức ở Fort Bliss đến Huntsville. Vào thời kỳ đó Huntsville chỉ là một thành phố nhỏ buồn hiu với 16.009 dân, sống với ngành kỹ nghệ vải sợi. Phòng Thương mãi của thành phố này đã đặt tên cho nó là “thủ đô thế giới của cải cresson”. Đến năm 1964, Huntsville có được 90.000 người và dân số không ngừng phát triển. Thành phố này tự nó bây giờ có tên là “Rocket city, U.S.A”.
"THÀNH QUÀ NÀY CỦA AI?"
Mục đích của quyển sách này là kể lại các kế hoạch Crossbow, Overcast và Paperclip qua kinh nghiệm của một vài người đã tham dự vào việc thực hiện V2 và của những người Mỹ đã giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa những người nói trên về Mỹ. Cũng như dự án nguyệt cầu Apollo không phải là công trình của một người hay một toán nào, kế hoạch đại qui mô như kế hoạch Over-cast không phải là một thành quả cá nhân. Từ vị Bộ trưởng Ngoại giao là Cordel Hull đến những anh lính thiết giáp Sư đoàn III đã tiến chiếm Nordhausen, cả trăm người đã tham dự vào kế hoạch Overcast bằng cách này hay cách khác. Đối với những người ham chuộng hư vinh, luôn mong mỏi tên tuổi của mình, của chỉ riêng mình thôi, được gắn liền với những kế hoạch rộng lớn như kế hoạch Overcast, tác giả không có cách nào trả lời rõ hơn là đọc lại một đoạn thư ngắn của Gervais Trichel đã gởi cho tác giả hồi tháng 11 năm 1962:
“Riêng cá nhân tôi, tôi coi sự đóng góp của Wernher Von Braun và nhóm các nhà bác học Đức có một tầm quan trọng phi thường trong nỗ lực giúp người Mỹ phát triển hỏa tiễn tầm xa và các áp dụng vào khoa học không gian, Nhiều người đã tham dự vào dự án này, nhằm mục đích qui tụ và đưa họ về Mỹ. Đối với tôi, vấn đề “ai đã làm được việc gì?” có vẻ phù phiếm vô cùng. Điều đáng kể là những nhà bác học này đã về đến Mỹ và họ đã tạo được những thành quả lớn lao trong công việc của họ. Không phải chỉ có người Mỹ, mà toàn thể thế giới đều được hưởng những thành quả ấy.