Cuộc đời tươi đẹp như thế này, được chính xứ sở này hậu đãi đến thế, được hưởng thụ quá mức dự tưởng thì còn than thở kêu ca nỗi gì? Bên Âu châu có giặc, nào Anh - Pháp - Đức đua nhau nướng quân như điên... ngay ông Mussolini còn dám xài sang biết bao nhiêu xương máu con em thì đám dân Ý sống lây lất chen chúc trọn khu Tây Nữu Ước có kẻ nào không ăn nên làm ra đến no bóc ké? Thời buổi kinh tế khủng hoảng đã qua rồi, có gia đình nào kiếm không đủ ăn? Tất cả đều thừa thãi đến độ khỏi phải ăn bám xã hội, thấy mặt mấy đấng điều tra viên Sở Cứu tế có quyền đuổi đi gấp. Có gia đình nào không chuẩn bị rời bỏ khu ổ chuột này, tậu nhà bên Long Island ở cho sung sướng? Có thể nói họ làm giàu nhờ giúp phương tiện cho những người khác. Bên Âu châu còn chiến tranh là nơi đây hãng xưởng nào cũng cần người làm, cần quá nhiều người nên công việc ê hề cho cả đám tay mơ và những thằng quen làm biếng, gây chuyện lộn xộn nhất. Xưa nay chỉ có mỗi dịp này là đám dân cùng đinh ở bên đây đỡ khổ, nhiều thằng còn làm giàu nhờ chiến tranh. Đám dân Ý ở đại lộ số 10 Nữu Ước đa số gốc gác từ mấy tỉnh miền Nam, không Sicily thì Naples nên đối với họ dù Mussolini có thắng hay bại cũng chẳng ăn nhằm gì! Đất mẹ quả xa xôi quá, đâu có nghĩa gì với họ vì họ có yêu nước bao giờ? Mà yêu đất mẹ làm sao nổi? Bao nhiêu thế kỷ liền, nhà cầm quyền nào cũng tự đặt làm đối thủ, hành hạ ông cha họ đến đau khổ cất đầu không lên. Nghèo hèn mà bị đám nhà giàu bắt nạt, phỉ nhổ... còn bị mấy ông lớn La Mã rút rỉa đến tận xương. Sang được đến đất Mỹ là yên trí có hy vọng làm giàu! Vậy mà có một người vẫn chưa được hài lòng. Đó là Teresina Coccalitti. Thời buổi cần người làm như vùng này đâu thể tiếp tục khai mấy đứa con thất nghiệp hết... mà làm sao lãnh mãi tiền cứu tế xã hội? Mụ phải hối hả chạy hàng xách, buôn bán chợ đen: đường từng bao bự, dầu mỡ thì cả thùng và quần áo thì hết bành này tới kiện khác. Hồi này mụ Teresina hay ưa rỉ tai bồ Lucia Santa: "Cho bồ hay... rồi đây thế nào cũng có một ngày..." Nhưng một ngày làm sao, bao giờ tới thì mụ bí mật đưa tay lên miệng "suỵt... suỵt ". Mụ chỉ tiết lộ có thế. Mụ định nói gì mà úp mở? Động viên đi lính chắc? Cũng chả sao. Bao nhiêu gia đình ở đại lộ số 10 này mới có một nhà có con đi lính. Có gì đâu mà lo? Sự thật thì Lucia Santa thời giờ đâu mà hỏi. Mụ còn mắc kiếm tiền, mắc hốt bạc. Có bao giờ kiếm tiền như hồi này? Trẻ con nhà mụ đi học về là đứa nào cũng lo kiếm tiền thêm hết. Ngay hai đứa nhỏ nhất là thằng Sal và bé Lena còn "bắt" được việc làm ngày một buổi ở hãng thuốc tây mới mở bên đại lộ số 9, còn Vincenzo dĩ nhiên tuần lễ làm đủ bảy ngày, khỏi cần nghỉ. Nếu mấy thằng bên Âu châu khoái chiến tranh, đánh giết nhau thì cứ tha hồ đánh giết nữa đi. Có đánh đến tan nát Lucia Santa cũng khỏi cần. Mụ chỉ còn kẹt mấy người bà con thân thuộc bên Ý... nhưng cái làng nhãi nhép, vô giá trị đó thì ai thèm đụng tới mà lo? Mụ chỉ còn mối bận tâm duy nhất là thằng con khó dạy Gino vẫn ở không ăn chơi. Cho nó chơi hết năm học này nữa đi. Tháng giêng tới học hết lớp trung học là bắt buộc phải tốt nghiệp, để xem nó còn nói mắc học hành nữa hết? Gửi gấm nó đi làm đâu cũng uổng công, uổng lời vì chỉ mấy ngày sau là đã bị đuổi cổ rồi. Không lẽ nó không giúp được việc gì? Chẳng hạn như thằng Vincenzo để quên gói thức ăn trưa mà không nhờ được nó đưa tới sở Hỏa xa cho thằng anh được sao? Thấy nó đã đeo găng tay, cầm cây gậy tính đi đánh bóng, Lucia Santa phải giang tay chặn thằng Gino lại bảo "Mày mang ngay tới sở cho anh mày đi". Gói đồ ăn giấy nâu xem nó dơ dáy thật, nhưng mụ vẫn ép nó phải cầm lấy, phải làm. Bộ nó là ông vua con sao mà ở không ăn chơi, mẹ nhờ có chút chuyện dám chê dơ dáy? Gino viện cớ: - Sợ trễ quá má? - Trễ cái gì? Mày có làm gì đâu mà sợ trễ? Mày sợ trễ giờ đi hỏi vợ hay... hết giờ mang tiền gửi băng? Hay mày có hẹn với ông chủ nào để đi làm? - Kìa, việc gì mẹ phải nói như vậy? Ở sở cũng bán đồ ăn nữa mà? Thằng Gino thế này thì mất dạy quá. Mụ nói thật chua chát: - Mày là thằng không có đầu óc. Thằng Vincenzo lo làm ăn tối ngày giúp đỡ tao nuôi các em, trong đó có mày. Nó đâu dám chơi bời lêu lổng như mày? Vậy mà có bao giờ tao thấy mày rủ thằng anh cô độc đi chơi cho nó đỡ buồn? Bây giờ nhờ mày mang tới cho nó gói đồ ăn mà mày cũng từ chối thì mày bất nhân quá! Thôi mày muốn đánh bóng thì đi mà đánh với mấy thằng mất dạy cho sướng. Để tao mang tới cho nó cũng được. Bị mẹ nói móc quá ngay giữa đường, Gino đành phải cầm lấy gói đồ ăn. Mặt mẹ nó xem hả hê quá càng làm Gino tức thêm. Nhưng bề nào cũng còn thằng Vincenzo. Nó phải mang đi cho thằng anh đang đói chứ? Nhanh như cắt, nó chạy vùn vụt, chạy trên đại lộ số 10 cho tới đường 37 mới rẽ sang đại lộ số 9. Giữa trưa nắng phải chạy nhanh như bay thế này mới khoái! Hồi còn nhỏ nó chẳng từng cố hết sức "bay" khỏi mặt đất và cho là có thể dư sức bay thật tình sao? Bây giờ thì lớn đầu quá rồi! Vậy mà tới gần sở thằng anh, nó cố tung bổng gói đồ ăn lên trên không rồi bay tới chụp dính. Gino bước vào thang máy. Công sở gì đâu mà toàn ngửi mùi ổ chuột! Gã gác thang máy mặc đồng phục xem dơ dáy quá, chỗ tay áo còn bày đặt mấy vạch vàng ngòng ngoèo như con giun. Gã chậm chạp mở cửa thang máy cho Gino nhảy vọt ra, chạy tuốt đến một văn phòng ở đầu hành lang đằng kia. Đứng ở ngoài nhìn vào văn phòng, Gino chợt có cảm giác lành lạnh. Đời nó rồi cũng đến chôn chặt nơi đây sao? Biết bao nhiêu bàn buyarô sắp ngay hàng thẳng lối, bên trên là cả dãy máy tính, máy chữ đang cho ra ào ào những dọc số dài. Sử dụng máy là những viên chức, ông nào cũng mặc đồ lớn chững chạc, ca vát nới lỏng ra cho dễ chịu. Giữa tiếng máy chạy rào rào, ông nào cũng chăm chú làm, tất cả đều nhiều tuổi hơn Vincenzo nhiều. Cả gian phòng rộng lớn chỉ có ánh đèn mờ mờ, trừ chỗ quầy chất đầy những tấm vé. Bàn buyarô nào cũng phải có ngọn đèn chụp nho nhỏ. Ánh sáng bên ngoài không lọt vào nổi văn phòng nên Gino có cảm tưởng những người làm việc ở đây như chui trong một nấm mộ khổng lồ mà phía dưới ầm ầm tiếng xe lửa đổi toa, dồn toa. Vì chưa vào đây bao giờ nên Gino nhìn dáo dác một lúc mới kiếm ra chỗ Vincenzo ngồi. Trong tất cả những người làm văn phòng chỉ một mình Vincenzo không mặc đồ vét. Nó mặc sơ mi trần lại chọn màu sẫm để hai, ba ngày mới phải thay một lần. Mớ tóc quăn đen sẫm của nó trông như ươn ướt nước. Nhìn thằng anh, Gino thấy rõ công việc nó làm chậm chạp, khó khăn hơn những người khác mặc dù Vincenzo rất chăm chú trong khi các bạn đồng nghiệp chỉ ơ hờ như người máy cũng xong việc. Đúng lúc ấy, Vincenzo ngước lên nhìn về phía Gino nhưng mắt nó vẫn ngơ ngác như không thấy. Nó đốt điếu thuốc hút. In hình những người đang ngồi bên trong cũng không ai nhìn thấy nó luôn. Chừng nhìn lại mới hay nó đứng trong vùng bóng tối của hành lang. Gino xăng xái bước vào, đi ngang dãy bàn buyarô ngoài cùng, lọt vào vùng sáng đai vàng vọt. Như đang có ánh sáng bị chắn bóng, bao nhiêu cái đầu ngẩng lên. Vincenzo cũng ngẩng lên. Vừa thấy Gino, rõ ràng khuôn mặt Vincenzo sáng rõ. Nó nhe răng cười thật tươi như hồi nào hai đứa còn bé. Gino cười tung gói đồ ăn cho Vincenzo chụp lấy điệu nghệ như chụp bóng rồi hớn hở bước tới cạnh buyarô anh. - Cám ơn nghe nhỏ! Mấy người đang ngồi đánh máy bên cạnh ngước lên, Vincenzo giới thiệu khơi khơi: - Thằng em ruột tôi đây nè, mấy bồ... Thấy giọng thằng anh hân hoan và hai người lên tiếng chào "chú nhỏ", Gino tự nhiên thấy lúng túng. Nó nhìn xuống chiếc quần cao bồi xanh của mình và chiếc áo thun trắng cộc tay và chính nó cũng thấy lạc lõng, lấc cấc thế nào ấy. Sếp chủ sự mặt xám cất tiếng oang oang: "Hóa đơn hàng hóa đâu? Lẹ lên chứ? Trễ rồi nghe các cha ". Sếp bước tới bàn Vincenzo thảy ra một mớ giấy tờ, rõ ra người nhà nước mẫn cán và cằn nhằn: "Xem, chú mày làm chậm quá đó nghe ". Sếp nói là quay lưng đi, nhưng Vincenzo vẫn nói với theo: - Lát nữa mấy người nghỉ ăn trưa, tôi làm ráng chút là rồi chứ gì? Gino lật đật quay ra. Vincenzo đứng dậy đưa em ra khỏi văn phòng, đưa tới chỗ thang máy. Trong khi chờ đợi chiếc thang máy cũ kỹ như lồng sắt được kéo lên ken két, Vincenzo thân mật vỗ vai Gino: - Mày đi băng ngang khu nhà ga về cho gần... miễn đừng xớn xác để đầu máy ủi bể đít. Cảm ơn chú mày mang đồ nghe. Bữa nay thứ bảy mày đã đi đánh bóng chưa? Hai anh em đứng đợi thang máy khá lâu. Gino muốn đi phắt cho rồi vì nãy giờ Vincenzo cứ nôn nóng, ngó chừng trở lại văn phòng xem ông chủ sự có việc gì cần tò mò ra ngay chỗ Gino đứng lúc nãy nhìn theo. Cửa thang máy mở ra là nó nhào vào sau khi từ biệt thằng anh. "Lát nữa nếu ngủ dậy kịp thì thế nào cũng chơi chứ?" Thang máy gì đâu xuống chậm quá. Chậm rề rề mà còn nồng nặc mùi mốc meo, ổ chuột hôi hám làm Gino phát ớn! Vừa tới đất là nó hối hả chạy ra ngoài trời trưa nắng, nắng tháng chín tươi màu và ấm áp biết mấy. Đây là không gian thoải mái của nó. Dù có băng ngang khu nhà ga về cho gần đúng như Vincenzo căn dặn, Gino cũng không nhớ tới thằng anh nữa. Bất cần cẩn thận, nó vừa chạy vừa nhảy, lo tránh từng đường ray ngang dọc như ổ nhện. Chân nó bước thoăn thoắt như máy trên những cây "tà vẹt", tay phải còn điệu bộ thu thu vào ngực như cầu thủ túc cầu ôm bóng chạy tới gôn vậy. Đụng một đường ray là có chầu té bể mặt mà Gino "bay" càng ngày càng nhanh. Có chiếc đầu máy xe lửa nào đằng xa chạy tới đụng đầu mà nó còn cố tình đợi phút chót, lù lù trước mặt mới khẽ nhảy tạt sang một bên, không bên phải thì bên trái. Việc gì mà phải sợ hãi, lúng túng nào? Gino còn có ý muốn chạy đua với đầu máy xe lửa là khác. Vừa vặn có chiếc đầu máy chạy húc đằng sau đít. Nó hăm hở mở tốc lực, hay chân bay như máy trên các "tà vẹt". Cúi cổ khom người để chạy cho nhanh... Đâu được? Gã tài xế nhè cho đầu máy chạy nhanh thêm, thúc còi rối rít đằng sau đít. Gino đành phải nhảy tạt qua một bên, "cho phép" nó chạy trước vậy. Gã tài xế cho đầu máy lướt đi, chạy ngang Gino còn nhìn nó một phát xem thú vị lắm. Nó vượt qua thì Gino bám đằng sau, có gì lạ? Nó cắm cổ rượt miết theo đầu máy. Cho đến lúc gã tài xế cho chạy tuốt vào khúc rẽ, chắc để kéo những toa xe hàng màu nâu màu vàng đang chờ đằng sân ga hàng hóa... nghĩa là trước mắt nó lại trống trơn thì Gino mới chịu ngừng chân chạy. Ôi cha là nó thở! Mệt muốn đứt hơi luôn, mệt chịu hết nổi. Mồ hôi tuôn ra như tắm, thân ướt đẫm chiếc áo thun len trắng. Đã mệt lại đói bụng, lại khát nước quá mất... Nhưng về gần đến nhà rồi! Gino thấy khỏe, hào hứng hẳn. Nó vùn vụt bỏ đường ray chạy cắt ngang, chạy theo con đường mòn từ trông sân ga ra ngoài đại lộ số 10. Tới khúc này băng ra là đụng công viên Chelsea chứ gì? Đúng vậy. Quen quá rồi mà? Vừa lọt vòng thành nhà ga mặt Gino đã sáng lên khi thấy đám bồ bịch đang vác gậy quật bóng huỳnh huỵch. Dĩ nhiên chúng phải đợi nó rồi!