Dịch giả: Ngọc Thứ Lang
Chương 11

Như một tướng soái lâm nguy, Lucia Santa ngoài việc phải nghiền ngẫm cảnh ngộ gia đình, công việc làm ăn của con cái, xét lại số lợi tức phải lo sắp đặt chiến thuật, chiến lược cũng như dò xét lòng dạ của bà con, bạn bè ai thân, ai thù. Giờ đây bệnh của Octavia ít nhất phải nằm nhà thương sáu tháng và nghỉ làm một năm chắc. Mất toi một năm lương.
Thằng Lorenzo thìmột tuần lễ đưa về $5 đều đều, đôi khi còn cho thêm vài đôla. Thằng Vincenzo sẽ phải sang lò bánh làm, một tuần thêm $5 nữa, dĩ nhiên tiền bánh mì khỏi mất. Thằng Gino thì vô dụng, Sal và Aileen còn quá nhỏ.
Nhưng vợ thằng Lorenzo vừa có bầu. Lại sắp thâm thủng ngân sách chắc! Cứ kể là nó không đem về đồng nào đi là vừa.
Mà thôi, nghĩ cách khác đi. Ba năm nữa Vincenzo mới xong trung học phổ thông. Nó có cần phải thi lấy bằng không nhỉ? À, thằng Gino cứng đầu quá, phải cho nó vào khuôn khổ, nó cũng phải làm một cái gì chứ? Lâu nay thả lỏng nó tệ quá đi!
Lúc bấy giờ Lucia Santa mới thấy nhà này thiếu Octavia là nguy quá. Đâu phải nó chỉ đi làm đưa tiền về nhà mà thôi? Đôn đốc buộc mấy đứa nhỏ phải học hành chăm chỉ là nó. Đưa em đi chữa răng, nhổ răng khỏi mất tiền cũng nó. Chính Octavia đã tính toán để dành tiền cách nào, có dư là tự tay đi gửi ngay vào trương mục tiết kiệm... có cần mua đồ ăn, may mặc cũng khỏi. Có nó là mụ có điểm tựa, có người nương tựa, có người đứng bên giúp đỡ những lúc xuống tinh thần... Thiếu nó là cái gì mụ cũng phải lo giải quyết một mình hết. Hệt như ngày bố nó vừa qua đời! Có điều bây giờ không đến nỗi chán chường thất vọng, lo bấn người như hồi đó, ít ra bây giờ mụ cũng đã già dặn, đầy kinh nghiệm khôn ngoan và chai lì hơn nhiều. Khỏi nông nổi điên rồ sinh thối chí hoảng, chịu nhiều đắng cay của cuộc đời quá rồi! Vấn đề bây giờ là phải tranh sống, làm sao cho sống được cái đã.
Đó là lý do Lucia Santa đành phải xin cứu trợ, đành phải ngửa tay nhờ tiền xã hội trợ cấp vậy. Xét ra chẳng còn cách nào khác, vậy mà mụ phải đắn đo suy tính lợi hại nữa. Nhiều vấn đề lắm.
Vấn đề lương tâm khỏi phải đặt ra. Cũng chẳng phải Lucia Santa không tin ở lòng tốt của nhà nước, dù mụ thấm nhuần nếp sống quê hương Ý Đại Lợi, có bao giờ dân và nhà nước tử tế được với nhau! Vấn đề xem vậy khó hơn nhiều.
Vì nếu lòng từ thiện là muối thì thằng nhà nghèo là vết thương. Xát muối vào xót xa lắm. Nhà nước có cứu trợ thằng nghèo thì đại khái cũng như ông nhà giàu nhả tiền ra cho quân bắt cóc vậy. Ngửa tay nhận đồng tiền cứu tế xã hội là nhục nhằn, là phải chịu đựng lời nặng tiếng nhẹ đủ thứ.
Ngay mấy nhà báo cũng được kết nạp để đánh những thằng nghèo mà lì lợm nhất định đòi cứu trợ... thay vì chịu đói, bỏ đói con cái! Làm như đi ăn xin nhà nước, sống đồng tiền xã hội bố thí sung sướng lắm vậy. Sự thật cũng có những thằng bám víu xã hội thật. Thiếu gì thằng chọc kim nhọn vào thịt, nhai miếng chai bể mà hả hê? Đó là một "gu" đặc biệt. Tuy nhiên nói chung thì đại đa số đã phải sống nhờ tiền cứu trợ hay bố thí là nhục nhã, là mất tư cách thảm hại lắm rồi.
Chính thằng Larry đứng ra thu xếp, mời ông điều tra viên tới nhà nó "điều tra gia cảnh" chứ ai? Nhưng lúc người nhà nước tới là nó cố tình lánh mặt... để tránh thương tổn tự ái nam nhi! Nó tự tách rời, nó muốn xác nhận là không liên hệ gì với cái gia đình đi xin tiền cứu tế này. Trong khi đó Lucia Santa lật đật chạy đi giấu biến mấy thùng dầu ô-liu thứ chiến, thứ nhập cảng từ Ý qua. Xin tiền cứu trợ nhà nước cử người tới điều tra gia cảnh xem có nghèo mạt thực không mà để hở mấy thứ nhà giàu này ra thì hư hết còn gì.

*

Mãi xế chiều ông điều tra viên mới tới. Ông ta xem trang trọng, cặp mắt đen tròn xoe đến tức cười. Hàng lông mày rộng đã vòng cung mà phía dưới quầng mắt lại thâm xì trông không khác mắt cú. Xem vậy mà ông ta rất lịch sự, gõ cửa cũng gõ đàng hoàng mà nhiệm vụ đó bắt buộc phải điều tra xông xáo cũng xin lỗi chủ nhân trước đã. Rồi mới đi vạch vòi từng khe hở, thấy cửa là mở banh ra nhìn... cứ như người đi mướn nhà sợ hố chứ chẳng phải người nhà nước đi điều tra gia cảnh!
Nói với bà chủ nhà, ông ta "dạ", "thưa" đàng hoàng. Ngay cái tên La Fortezza cũng có chút hơi hướng quý phái! Nghe Lucia Santa kể lể gia cảnh ông điều tra viên gật gù chăm chú lắm. Chỗ nào thấy cần là ghi ngay vào sổ tay và tới khúc nào xem bộ thương tâm là thế nào cũng thở dài tội nghiệp. Ông ta nói tiếng Ý, dĩ nhiên thứ tiếng của người học cao song cũng hiểu chứ?
Bao nhiêu giấy tờ thủ tục được bày ra, bao nhiêu câu cật vấn. Lucia Santa một mực lắc đầu. Cái gì cũng không. Tiền gửi băng không, con gái không tiền, không sở hữu chủ một cái gì... nói chi tiền đóng bảo kê? Nữ trang vàng vòng lấy đâu ra? Cả nhà chỉ có độc một chiếc nhẫn cưới. Ông điều tra viên bảo cái đó không kể.
Cuộc điều tra tiến hành xuôi rót. Chừng kết thúc La Fortezza ngồi lặng một lúc rồi ngả người phía trước, hai bàn tay níu chặt cạnh bàn... Cặp mắt tròn xoe rõ ràng bất mãn. Và sau đó nói lời nào xem ra cũng nhẹ nhàng như búa bổ!
- Xin bà Corbo nghe tôi nói... Thực ra tôi lấy làm đau khổ hết sức nhưng vẫn có bổn phận nói để bà hay trước là hồ sơ của bà khó lòng được chấp thuận. Chẳng hạn như bà nói không tiền nhưng giấy tờ còn đó, ông nhà tử nạn thì ba đứa nhỏ hiển nhiên phải có một số tiền tử tuất khá khá. Chúng chưa đến tuổi thành niên thì tiền phải nằm trong trương mục mỗi năm mỗi sinh lời chứ ai rút ra được mà mất? Như vậy là còn tiền nói hết đâu được? Xét về nguyên tắc thì chỉ những gia đình nào không một xu dính túi mới được hưởng tiền cứu tế xã hội. Luật pháp là vậy rõ ràng quá! Nếu tôi mà cố tình lờ số tiền đó giùm bà để bà lãnh tiền cứu trợ thì chính tôi dám kẹt, thấy không?
Lucia nghe giọng nói thằng điều tra viên dễ ghét quá! Mắt nó nhìn trừng trừng. Vậy là bị nó qua mặt rồi. Xem mặt mũi nó sáng láng, ăn nói chững chạc và mới tí tuổi đầu... ai dè trước khi vào nhà này điều tra nó đã đi hỏi dò lối xóm chán chê. Nó biết hết còn làm bộ ngây thơ không biết gì để cho "bà chủ" sập bẫy!
Nội cái vụ đó Lucia Santa đã tức. Nó còn bảo không một xu dính túi mới được... nên mụ cay cú vặn ngược lại:
- Vậy hả? Nói vậy để tui liệng mớ tiền của tụi nhỏ đi nghe?
Ông điều tra viên cười ngất. Chỉ cười mà không có ý kiến gì nên Lucia Santa biết hắn muốn gì. Điệu này hồ sơ chưa chắc đã bị bác bỏ. Mụ bèn nhóng hỏi:
- Ông điều tra viên liệu có thể giúp đỡ mẹ con tôi phần nào chăng?
La Fortezza xem bộ lúng túng. Lúng túng như một con cú mắc nghẹn nuốt chưa trôi con chuột quá lớn vậy! Sau đó "sự giúp đỡ" được hắn chấp nhận bằng một màn ấp úng, quanh co khởi đầu bằng một triết lý vô cùng thiết thực "có bàn tay dơ nào mà tự rửa lấy được đâu".
Đúng! Lucia Santa còn lạ gì ông điều tra viên quá trẻ, quá mới mặt có ló mòi tham những cũng vụng về, lúng túng? Hắn ta nhấn mạnh là cái vụ này kẹt quá, dính vô là mất việc như chơi. Vậy kẻ có của người có công. Cứ nửa tháng hắn sẽ mang tới tận nhà tấm séc $16 tiền cứu trợ... và bà chủ phải nhớ đền ơn $3 tiền mặt. Phải hiểu là đúng ra không thể nào được hưởng một xu của nhà nước vậy có ăn thì mỗi người một tí, ai cũng có phần có phải hơn không?
Cái đó khỏi hỏi, Lucia Santa gật đầu đồng ý và chấp nhận điều kiện cái rụp. Mụ còn tha thiết cảm ơn, không phải bằng lời nói suông mà cụ thể bằng đĩa bánh ngọt để mời ông điều tra viên dùng tạm dù ai chẳng biết mời một tách cà phê cũng đã là hiếu khách chán.
Chủ và khách có dịp tìm hiểu thông cảm qua tách cà phê. Ông điều tra viên thở than nhà cũng nghèo không khác nhà này, cha mẹ bóp bụng cho học luật nhưng tốt nghiệp ra đâu có việc làm. Đành phải nhận đỡ chân "điều tra viên cứu tế xã hội", ăn lương chết đói của thị xã vậy! Lương ít thì lấy đâu ra tiền "đền ơn sinh thành"? Lắm lúc cũng cảm thấy đau khổ phải dính vào những vụ như thế này. nhưng chẳng biết làm sao hơn?
Những khó khăn đó Lucia Santa hiểu hết, ăn thua gì, mỗi người giúp nhau một chút. Không được quyền hưởng trợ cấp mà được thì phải biết điều, biết ơn chứ? Thế là sau một chầu tâm sự chủ khách thông cảm nhau quá xá.
Kể từ bữa đó cứ hai tuần một lần Fortezza lại mang một tấm séc "cứu trợ xã hội" đến. Dĩ nhiên mỗi lần đều phải có một chầu đãi đằng nồng hậu, dù đã thân tình như người nhà, xưng hô bác cháu.
Thấy mặt anh Fortezza là Gino lãnh ngay công tác xách tấm séc xuống tiệm đổi thanh toán sổ sách mua dăm bông. Bao giờ nó cũng xách về một gói cỡ trên 100g dăm bông thứ chiến nhất, thịt nạc đỏ hồng viền lớp mỡ trắng tươi, một ổ xăng uých mềm mại và một miếng pho mát vàng tươi. Anh Fortezza yếu bao tử đâu có ăn được mấy thứ thịt nguội Ý kể cả dăm bông ướp tiêu sọ cay xè và bánh mì Ý ròn và cứng nhai muốn gãy răng.
Những lần thù tiếp anh Fortezza là Gino phải đứng giương mắt nhìn. Một đĩa bầu dục sang trọng sắp lẫn lộn dăm bông và pho mát, cả một bình cà phê lớn. Hắn mang đủ thứ chuyện kinh nghiệm bản thân ra kể lể mà mẹ nó không hiểu sao khoái nghe thế. Sao hắn ngồi ăn lại ghếch chân lên ghế bên kia vậy kìa?
Thì ra chỉ ngày ngày leo thang gác đi công tác mà chân Fortezza mỏi nhừ sưng lên! Còn phải cãi nhau phát mệt với mấy ông bà người cùng xứ sở nhưng quá hạ cấp ưa chơi cái lối giấu biệt vụ con cái có việc làm để xin trợ cấp thất nghiệp. Không chịu đề nghị thuận cho họ là bị chửi lên đầu và còn bị liệt vào hạng Do Thái vì họ quan niệm giản dị rằng đã gọi là người Ý, cùng quê hương xứ sở có lẽ nào "bênh" nhà nước và "hại" bạn đồng hương!
Fortezza ưa than làm công tác điều tra viên này quả có uổng công cha mẹ nhịn đói nhịn khát nuôi cho ăn học, để dành từng xu kham khổ. Làm chỉ vừa đủ nuôi thân mà mệt nhọc đến gần tổn thọ được. Mụ Lucia Santa nghe nói cũng động lòng thương...
Cặp mắt tròn xoe của Fortezza buồn lạ. Nắng mưa, nóng lạnh phải đi làm đều... toàn chạy ngoài không! Khỏe mạnh thế nào được? Huống hồ 4 năm đại học đã ráng quá mức rồi. Hắn thú nhận rằng: "Bác biết không... cháu học hành có thông minh gì đâu? Ông bà, cha mẹ cho chí tổ tiên cháu gốc nông dân mù chữ cả ngàn năm có... Nay đến đời cháu không đến nỗi tay làm hàm nhai đã mãn nguyện quá rồi!".
Bao giờ cũng vậy, thanh toán xong đĩa dăm bông pho mát là Fortezza đứng dậy sửa soạn ra về. Số ba đôla chia chác sẽ được Lucia Santa khôn khéo nhét tận tay, thật kín đáo và ép uổng làm như chỉ sợ ông điều tra viên từ chối. Fortezza sẽ ngần ngừ nửa nhận nửa không, rồi khẽ lắc đầu nhướng mắt than: "Ồ..." một tiếng trước khi cầm tiền, rõ ràng là đời sống khó khăn quá, tiền đến tay không lẽ liệng đi sao?
Fortezza và Lucia Santa hợp nhau lắm. Ông điều tra viên trẻ chịu bác Lucia Santa ở chỗ tiếp đãi nồng hậu, ăn uống thịnh soạn và chuyện trò thật là thân tình. Trái lại mụ Lucia Santa có ý thương cậu Fortezza tối ngày mặt mũi rầu rầu cũng may trẻ nhà này không đứa nào âu sầu buồn bã như vậy. Dù có phải chia chác mất chút ít tiền cũng nỡ lòng nào tiếc rẻ?
Ít tuần sau chính Fortezza xoay sở được cho nhà này thêm mỗi tháng $15 về tiền trợ cấp nhà cửa. Chẳng cần phải đợi hỏi bà chủ nhà cũng tự động nhét vào tận tay ân nhân $5 thay vì $3 như cũ. Xưa nay ân nghĩa là phải phân minh, chẳng ai chối cãi được!
Chính vì chỗ "ân nghĩa phân minh" đó mà ít lâu sau gia đình Lucia Santa lại có thêm $4 một tuần tiền trợ cấp. Cậu Fortezza dĩ nhiên cũng phải có thêm nhưng lần này không phải tiền mặt. Lập tức mụ Lucia sai con đi mua một gói đồ để hắn xách về nhà, trong đó thế nào cũng có nửa kí lô dăm bông hạng nhất và nguyên chai rượu hồi thứ đặc biệt nhà làm uống mau tiêu cơm nhất hạng. Ngoài ra cậu Fortezza còn được em Lorenzo đánh xe đưa về tận nhà ở đại lộ Arthur bên khu Broux. Gọi xe nhà cho hách chứ xe hơi của Larry chỉ là thứ cũ mèm gần phế thải, chỉ tốn công hì hục sửa máy tối ngày nếu không mắc đi làm!
Mỗi lần Larry lái xe cà tàng đưa Fortezza về là phải có thằng Gino đi theo. Xe nhảy tưng tưng, lách qua lách lại giữa cả rừng xe cộ. Xe ngựa, xe hàng, xe điện, xe hơi đủ thứ...
Ngồi băng sau nghe người lớn trò chuyện, Gino để ý thấy anh Larry luôn luôn lịch sự lễ phép... lâu lâu mới khều nhẹ ông luật sư điều tra viên một phát. Fortezza làm như không để ý đến những câu móc lò mà chỉ luôn miệng tả oán. Nào mấy người lãnh tiền xã hội chi quá ít... nào căn nhà đang ở tháng tháng phải trả góp chịu không nổi... nào cha mẹ già hết lộc nếu không gồng mình trả nợ góp thì chừng nào mới thanh toán cho xong món tiền cầm nhà?
Fortezza tả oán kỹ quá khiến Gino đâm thắc mắc. Chẳng hiểu sao cứ nhắc đến tiền, đến sự thiếu hụt tiền là y như rằng anh chàng điều tra viên xem bộ sợ sệt, hốt hoảng. Nó không hiểu tại sao giàu có như vậy mà Fortezza luôn miệng than khổ vì tiền? Không tiền mà học lên tới đại học? Không tiền mà tậu nhà lớn, hai gia đình ở cũng vừa? Không tiền mà cả nhà dám đi nghỉ mát đều đều?
Theo Gino thì hãy cứ được khổ vì tiền như vậy!
Dân xóm đại lộ 10 hùng hục làm việc cỡ bốn mươi năm nữa đã chắc được khổ như vậy chưa? Họ chỉ mong sao leo được tới địa vị của Fortezza... Vậy mà anh chàng này cứ rên rỉ đau khổ vì đồng tiền hơn cả mấy ông hàng xóm bần nông của nó!
Lúc tới nhà Fortezza hắn mở cửa xe bước xuống và cắp chặt gói đồ biếu dưới nách là anh Larry châm điếu thuốc nhìn Gino nháy mắt một cái. Dĩ nhiên nó cũng biết điệu nhắm mắt nháy lại một phát. Trên đường về cả hai anh em cùng hể hả. Ra điều đời này là vậy, đã biết rồi thì có gì đâu mà ngán? Phải thành công chứ?
Phải hì hục leo bốn cầu thang lên nhà mụ Lucia Santa, bác sĩ Barbato bực bội không để đâu cho hết. Đã thấy tụi nó nghèo, tha không nỡ đập nặng mà trời đất ơi... tụi nó lại để cho thằng khác ăn thì chịu sao nổi? Tại sao lại phải bày đặt đưa đi nhà thương tư, cho đi nằm bệnh viện Pháp kìa? Bộ dư tiền quá hả?
Bộ mấy đứa nghèo mạt rệp ngu ngốc này dám chê nhà thương nhà nước Bellevue? Phải nằm nhà thương tư, mất tiền để được săn sóc đàng hoàng, thuốc men tử tế? Đúng là bọn một xu không dính túi mà còn học đòi làm sang! Quân ăn mày không có nổi túp lều chui ra rúc vào, sống bám vào tiền cứu tế xã hội, có đứa con gái thì lao phổi còn nằm viện bài lao Raybrook... mà dám chơi sang lắm vậy đó?
Ông bác sĩ vừa ló ở đầu cầu thang là cánh cửa mở bật. Nãy giờ thằng Sal có nhiệm vụ canh cửa, nó thấy rồi mà? Bàn nhà bếp còn bày la liệt những đĩa thức ăn vừa ăn xong, tấm khăn bàn màu vàng còn dính đầy mảnh bánh vụn và trứng chiên. Hai thằng nhãi Gino và Vincenzo lo ngồi chồm chỗm đánh bài, đúng là quân đầu trộm đuôi cướp!
Có điều vừa thấy bóng ông bác sĩ là thằng lớn đứng bật dậy, mau mắn đưa ông bác sĩ vào nhà trong ngoan ngoãn nói "Thưa bác sĩ mẹ cháu đau".
Trong căn phòng nhỏ tối mò bưng bít, bác sĩ Barbato thấy mụ Lucia Santa nằm sù sụ trên giường. Đầu giường có con bé Lena đứng để mẹ lấy khăn nhúng nước ở cái chậu kế bên chùi tay chùi mặt. Đột nhiên Barbato nhớ lại những tấm tranh tôn giáo cổ Ý Đại Lợi mà hắn có dịp chiêm ngưỡng. Cảnh trí hệt như thế này, cũng bà mẹ đau ốm săn sóc con thơ, cũng ánh sáng mờ nhạt... có điều nơi đây ánh sáng hắt ra từ bóng đèn điện vàng vọt, rọi những bóng lung linh trên vách tường màu sậm.
Cảnh trí đượm màu sắc tôn giáo, dù đầu óc Barbato không vướng vất chút tình cảm nào. Hắn muốn phân tích sự trùng hợp kỳ lạ đó và chợt nhớ ra đã từng đọc ở đâu là các bậc danh họa ngày xưa cũng từng nhờ những người quê mùa như thế này làm người mẫu để diễn tả tình mẫu tử, cho thấy đứa con trọn lòng tin mẹ như thế nào.
Bác sĩ Barbato nhích người đến chân giường, cất tiếng buồn bã: "Bà Corbo... mấy tháng rồi bà xui xẻo quá". Có thể hiểu là một lời an ủi mà cũng có thể là một sự trách móc về vụ cho Octavia đi nằm nhà thương tư.
Điều đó làm gì Lucia không hiểu? Dù đang nằm bệnh mụ cũng giận run người, cặp mắt đã muốn quắc lên. Nhưng biết thân phận nghèo hèn và người ta bề nào cũng đường đường một ông bác sĩ nên mụ phải cố nhịn.
- À, ông bác sĩ! Tôi đau quá... nhức lưng nhức chân đi hết nổi. Không làm ăn gì được...
Bác sĩ Barbato "vậy hả"... rồi truyền lệnh:
- Để tôi xem cho... nhưng bảo con nhỏ đi ra ngoài chơi đi.
Con Lena xích lại gần mẹ, bàn tay nhỏ bé đưa lên sờ trán mẹ. Lucia Santa phải dỗ:
- Con à... đi xuống bếp xem? Có bát đĩa nào chưa rửa lo phụ giùm các anh đi con.
Barbato mỉm cười. Thấy nụ cười của ông bác sĩ, Lucia Santa lớn tiếng gọi vọng ra bằng tiếng mẹ đẻ:
- Gino, Vincenzo... hai thằng mất dạy đâu rồi? Bát đĩa rửa chưa hay chúng mày tính bày bừa ra đấy để khoe ông bác sĩ đấy? Không làm liền tao bẻ què giò cả hai đứa! Lena con ra xem chừng... Tụi nó làm biếng vô mách mẹ.
Được mẹ trao công tác giám thị, bé Lena chạy vụt đi liền. Ông bác sĩ bèn đi một vòng và ngồi xuống mép giường thong thả kéo tấm mền xuống để đặt ống nghe trên ngực, ngay chỗ cổ áo. Đúng lúc sắp sửa bảo mụ kéo áo xuống thì con nhỏ chạy vào giương mắt nhìn và mách mẹ:
- Hai anh Vincenzo, Gino rửa chén. Anh Sal đang lau bàn.
Thấy mặt ông bác sĩ cau có, mụ phải đuổi nó:
- Tốt lắm... Nhưng mẹ bảo con đi ra ngoài xem chừng tụi nó kia mà? Con ở ngoài đó và nói đừng đứa nào chạy vào... nếu mẹ không kêu nghe?
Lúc Lucia Santa đưa tay vuốt ve xoa đầu con nhỏ, nựng cho nó đi ra ngoài chơi thì bác sĩ Barbato đã để ý thấy chỗ cổ tay mụ sưng sưng. Vậy là biết chính bệnh gì rồi? Cho chắc ăn, mụ Lucia còn bị ông bác sĩ bắt nằm sấp kéo cao váy lên để quan sát kỹ khúc cuối xương sống. Quả nhiên mấy đốt xương cùn sưng hết. Có gì đâu mà lo, bác sĩ Barbato cười khà:
- Tưởng gì... bà bị chứng sưng khớp xương! Chỉ chữa cỡ một tháng là phải hết. Đúng hơn chỉ cần nghỉ ngơi phơi nắng, sưởi ấm. Xuống bãi biển Florida nghỉ cỡ một tháng là đủ dứt rồi.
Sau đó, Barbato lấy tay thử nắm bóp mạnh trên khắp người Lucia Santa xem những chỗ nào đau.
Lucia Santa quay người lại... để thấy ông bác sĩ nhìn chăm chú và nói nhấn từng câu:
- Bà nói đau nhức không đi được, không làm gì nổi... ngay trong nhà? Làm gì dữ vậy? Chứng sưng khớp xương này cần nghỉ ngơi thật nhưng đi lại phải đi được chứ? Tôi có thấy mấy chỗ sưng ở cổ chân, cổ tay, sống lưng và ở ống chân... nhưng không đến nỗi nằm liệt đâu!
Sau khi nhìn ông bác sĩ một lát, mụ Lucia nói: "Bác sĩ làm ơn đỡ tôi dậy chút". Mụ nhanh nhảu vắt chân xuống thành giường nhờ Barbato đỡ một bên để cố gắng đứng dậy. Chừng vừa ngồi thẳng lưng lên thì mụ la "ối" và buông người để ông bác sĩ phải vội vàng chịu cả sức nặng rồi thong thả đặt cho nằm trở lại trên giường. Xem bộ mụ đau chối xương sống thật chứ chẳng phải vờ.
Barbato bèn kết luận:
- Vậy là bà bắt buộc phải nghỉ ngơi nằm một chỗ thật. Cũng chóng thôi, vì xem vậy chứ cứ ấm áp là hết đau liền. Rồi lại ra lò sưởi ngồi mấy hồi?
Thấy ông bác sĩ có ý an ủi, Lucia Santa chỉ cười mỉm cảm ơn.

*

Ở nhà bệnh nhân Lucia Santa ra, bác sĩ Barbato đi bách bộ trên đại lộ 10 một quãng để hứng gió và suy ngẫm về cuộc đời, về thân phận con người. Xem cuộc sống mà như gia đình này thì dễ sợ quá, khổ quá? Sống mà làm gì?
Có ông chồng khù khờ thì nằm nhà thương điên, đứa con gái xem ngực nở nang đồ sộ vậy mà lại lao nặng... ấy là chưa kể ông chồng trước đang làm thì bất đắc kỳ tử. Thằng con trai lớn đi mèo chó chán thì vớ phải con vợ còn con nít nghèo mạt rệp. Một mình mụ đàn bà nhà quê phải lo gánh vác một đàn con nhỏ thì khi không nhức xương nằm liệt!
Bác sĩ Barbato vừa đi vừa ngắm những dãy nhà ổ chuột. Khổ thật, nhà cửa ở chui rúc như thế kia thì sống làm quái gì không biết? Ngọn gió lạnh căm căm từ sông Hudson thổi tạt qua khu nhà ga xe lửa hất vào mặt càng làm ông bác sĩ khó chịu. Thấy tình cảnh cay đắng như thế đó... thân danh bác sĩ mà không thể làm gì giúp họ sao? Nó phơi bày ra trước mặt, làm như thách thức vậy. Khổ sở vậy là quá rồi. Phải làm một cái gì phải giúp đỡ họ phen này chứ?
Ý nghĩ hăng say đó làm Barbato nóng mặt. Rồi cả người cũng nóng ra vì máu chạy rần rật. Trời lạnh, gió rét là vậy mà hắn phải mở cổ áo, cởi bớt chiếc khăn len quấn cổ mà chính bà mẹ đã đan cho.
Chỉ vì muốn làm một cái gì cho họ đỡ khổ... mà suốt hai tháng trời, bác sĩ Barbato đã làm đúng thiên chức cứu nhân độ thế. Cứ hai ngày một lần hắn đến nhà Lucia Santa nghe bệnh, chích thuốc, lại chịu khó thoa nắn những chỗ sưng đau nhức đến hai mươi phút, vừa làm vừa gợi lại những kỷ niệm ngày xưa. Bệnh mụ xem bộ đỡ dần nhưng ngồi dậy vẫn chưa nổi.
Muốn mụ cố cho mau khỏi, Barbato phải nhắc tới Octavia, bảo nàng sắp ở viện bài lao về đến nơi mà về nhà thấy mụ đau liệt giường thì buồn quá. Sắp đến ngày đó hắn chích liên tiếp cho Lucia Santa mấy mũi vitamin và thuốc khỏe. Quả nhiên đêm trước bữa Octavia xuất viện, hắn thình lình bước vào nhà đã thấy mụ đang ngồi ủi một đống đồ ở dưới bàn nhà bếp. Mấy đứa con nít hớn hở ngồi vây quanh mẹ, đứa lăng xăng chờ mẹ sai chạy đi lấy nước, đứa gấp đồ phụ. Barbato hân hoan hỏi:
- Thế nào... ủi đồ được là chắc hết bệnh rồi, phải không nào? Tốt lắm...
Lucia Santa mỉm cười đáp lễ. Một nụ cười ẩn ý biết ơn... nhưng cùng lúc đó cũng muốn cãi lại rằng: "Cứ ủi đồ. Có bất cứ một việc gì phải làm... thì ốm gần chết cũng phải ngồi dậy như thường".
Điều đó hẳn bác sĩ Barbato chẳng lạ. Lúc sửa soạn chích thêm một mũi thuốc nữa, Lucia Santa khẽ hỏi bằng tiếng mẹ đẻ:
- Bác sĩ... xin cho biết tôi thiếu bác sĩ bao nhiêu cả thảy?
Gặp lúc trước thế nào ông bác sĩ cũng nổi giận... nhưng bữa nay Barbato chỉ mỉm cười mà rằng:
- Tiền công ư? Bữa nào Octavia về nhà chồng bà nhớ cho tôi uống rượu là xong!
Câu trả lời của bác sĩ Barbato hàm ý mừng cho gia đình này "sau cơn mưa trời lại sáng", cuộc đời còn đáng sống và chịu đựng đau khổ chán chê rồi cũng phải có ngày hạnh phúc. Nghĩa là rồi đây dòng đời sẽ trôi êm ả, chuyện gì rồi cũng phải xong. Octavia sẽ lành mạnh và đám con nít sẽ khôn lớn dần.