Dịch giả: Ngọc Thứ Lang
Chương 9

Thời tiết tháng tám sương giăng mù mịt có nhìn rõ gì đâu? Cây cầu sắt băng ngang đại lộ số 10 cũng chỉ thấy mờ mờ và phía dưới thì đen ngòm tưởng như vực thẳm chứ không phải dưới nó cỡ hai tầng gác là con đường lát đá xanh vừa đường ray xe lửa hai vạch sắt chạy song song.
Có chiếc xe ngựa ì ạch từ đường 28 tới chui dưới dạ cầu. Con ngựa màu nâu đồ sộ kéo chiếc xe chở hàng bên trên chất đầy những thùng ván đựng đầy nho.
Khoảng giữa hai đường 30 và 31, xe ngựa ngừng lại. Gã đánh xe và chú em hì hục khiêng cỡ hai chục thùng nho đặt trước cửa một chung cư. Gã ngửa mặt nhìn lên, tay bắc loa la lớn: "Caterina nho chở tới rồi. Xuống lấy nho".
Một cánh cửa sổ tầng tư mở bật. Mấy cái đầu con nít thò ra rồi đàn ông, đàn bà... Lẹ quá, có mấy giây đồng hồ sau đã thấy họ bay ra khỏi cửa. Gã đàn ông đi một vòng quan sát đống thùng nho, dừng lại hí mũi vào cạnh thùng hít hà đánh hơi.
Hắn lên tiếng hỏi: "Nho mùa này tốt không cha?". Gã đánh xe không buồn trả lời mà thong thả chìa tay ra hỏi tiền. Dĩ nhiên phải có ngay.
Mụ vợ hối hả cắt hai đứa con canh chừng hai đầu và cùng với mấy đứa khác hì hục khuân từng thùng vào chất trong nhà hầm. Ông chồng lấy tay nậy một miếng ván cạnh thùng móc ra một chùm nho tím sẫm nếm thử. Vợ con mỗi người được phát một chùm nhỏ.
Chung cư nào chẳng có một người năm nào cũng mua bao nho làm lấy rượu chát? Thùng nho vừa chất xuống là in như rằng vợ con người canh gác kẻ khiêng hùng hục, mỗi người một chùm nho đen nhấm nháp ăn chơi và ông chủ gia đình có quyền khoanh tay dựa lưng vào đống thùng nhìn vợ con làm việc. Dĩ nhiên mấy anh hàng xóm nhà nghèo lại được dịp bu quanh trầm trồ khen nho tốt và bốc mùa này rượu ông chủ nhất định phải ngon. Chắc chắn sẽ có mục liếm mép thèm thuồng, tưởng tượng ra từng vò rượu chát đồ sộ đang xếp hàng nằm chờ trong nhà hầm.
Nhà thằng Gino sức mấy cất nổi rượu? Do đó có xe nho là phải có mặt nó đứng xớ rớ cạnh mấy thùng nho nhìn đỡ thèm. Nó đứng xem nho của nhà thằng Bianco nhưng cha con thằng này bần tiện nổi tiếng có mời ai ăn được trái nho bao giờ? Cha nó có bao giờ móc ra được một chùm nho để mời hàng xóm "ăn chơi". Ngay họ hàng bạn bè cũng khỏi!
Nhưng lão chủ lò bánh thì khác. Lão mập thù lù, đầu đội cái mũ thợ bánh màu trắng cao nghêu bước ra nhận ba chồng thùng nho thật cao, chất ngay trước cửa tiệm. Lão hô con nít tới, mở một lúc hai thùng, mỗi thùng lấy ra một mớ phân phát cho con nít mỗi đứa một chùm. Thằng Gino xông vào lĩnh phần gấp. Sau đó lão bảo: "Bây giờ khuân vào nhà hầm nghe? Đứa nào làm giùm tao xong suôn sẻ sẽ có xăng uých ăn chơi!".
Bọn con nít bèn ào ào xông vào như kiến tranh nhau thanh toán công tác nên chỉ loáng một cái đã không còn một thùng nào ngoài đường. Ba chồng cao như núi mà thằng Gino không lĩnh được tới một thùng!
Lão chủ lò nhìn Gino hỏi móc:
- À, cậu Gino đấy à? Mạnh giỏi chứ? Vẫn không khoái làm việc, ở không chơi cho sướng hả? Vậy ngon... nhưng cậu chịu phiền đi chỗ khác chơi chứ? Có làm mới có ăn là lẽ tự nhiên.
Gino uất ức nhìn lão. Đã định quay vào nhưng chợt thấy nó nhìn gườm gườm không hiểu sao lão ngừng lại nói:
- Ủa, hay mày cũng muốn làm mà chậm chân không tranh lại với tụi nó? Mày nói thật không? Nếu còn một thùng thì mày xông vào khiêng giùm tao? Nếu vậy thì cho mày vào đi...
Gino vào liền. Chừng đám khiêng đồ rầm rập trở lên cửa tiệm để lĩnh phần xăng uých của ông chủ phát thì thằng Gino đã lững thững đi ra tay cầm bánh ăn ngon lành. Vừa ăn nho ngọt lịm xong đớp mấy miếng pizza này sốt cà chua vừa ngọt vừa cay vừa thơm ngon hết sẩy!
Lúc trời tối sầm là bọn con nít ở trong lò bánh ùa ra và lâu lâu được đớp thả giàn thì hứng thú để đâu cho hết? Chúng bèn chạy nhảy phá phách loạn cả đường phố, mồm đứa nào cũng đỏ ngòm những sốt cà chua xem như bầy quỷ một lượt. Thấy xe lửa chạy tới chúng ào ào tranh nhau chạy lên cầu nổi chui vào đám hơi nước giỡn chơi. Chừng thấy mặt chúng ló ra là chen chúc cùng với đám tàn than đỏ bay mù mịt. Chúng la hét cho tới khuya chưa đã. Đường phố tối thui thì chúng nổi lửa đốt. Biết bao nhiêu ván gỗ khui thùng nho liệng đầy cống rãnh, chúng chỉ việc nhặt chất chồng đống. Một vài thằng lớn đầu bật quẹt là cả xóm đại lộ số 10 bừng lên năm bảy đống "lửa trại" để bọn con nít tha hồ chạy tới vòng vòng, reo hò ầm ầm đến quá nửa khuya, thây kệ những bà mẹ ở trên lầu thò cổ ra ngoài cửa sổ réo gọi tên con ơi ới. Hai bên đường những tiếng kêu ơi ới đua nhau vang vọng lên nghe như chạy dài giữa khe núi hẹp.
Một mình chống tay lên bực cửa sổ, lấy chiếc gối trần kê đàng hoàng, Lucia Santa đứng nhìn xuống từ tầng bốn căn nhà số 358. Những gì phía dưới thoát sao khỏi cặp mắt mụ? Lucia thấy từng đứa con mình cũng như đám con hàng xóm. Chúng xách từng chùm nho ăn, chúng giỡn chơi trên cầu, chúng nổi lửa trại, mụ thấy hết. Bóng tối nó chập chùng ẩn hiện trong gió lạnh căm căm. Năm nay lạnh hơi sớm. Mùa hè ấm áp, mùa lý tưởng của dân nghèo thành phố đã thực sự qua rồi.
Mùa đông đến là bao nhiêu lo nghĩ. Tựu trường là phải lo quần áo đàng hoàng, khâu vá lại tề chỉnh cho đám con có đồ sạch sẽ, ấm áp để học. Phải có giày da cho chúng đi chứ thứ giày vải rách đã có băng keo dán đỡ làm sao chịu nổi. Đến tiền cắt tóc cũng phải lo, rồi áo lạnh, rồi mũ và găng tay dĩ nhiên lại phải mua mới hết. Chúng đâu biết giữ những đôi cũ năm ngoái?
Cái lò sưởi chạy dầu là phải xách từ hàng ba vào đặt trong nhà, khoảng giữa phòng khách và nhà bếp. Phải xem lại có hư là sửa, ngoài mớ dầu hôi phải mua trữ, còn tiền đau tiền ốm nữa, không có sẵn đâu được?
Làm sao kiếm cho ra tiền xài ngần ấy khoản? Đầu óc mụ quay cuồng suy nghĩ và một ý tưởng chợt lóe lên? Hay là hàng ngày bắt thằng Sal theo bọn chúng nó vô nhà ga "nhảy dù" than? Đỡ lắm chứ? Nhưng kẹt thằng khốn nhút nhát quá, nó không chịu "làm"... như thằng Gino. Thằng anh bây giờ không "làm" được nữa rồi. Trông Gino đã lớn bộn, lớ quớ để chúng bắt được là lãnh đủ chứ không phải... con nít làm bậy nữa rồi! Nghèo phải tính toán khôn vậy chứ?
Mụ chăm chú nhìn một đống lửa. Có một thằng từ vỉa hè phăng phăng chạy xuống đường, lấy đà nhảy vọt qua đống lửa như chơi. Thằng Gino nhà này chứ ai? Chết thực, còn gì là quần áo! Một thằng nhỏ hơn cũng bắt chước nhảy và hụt đà, rớt xuống ngay cạnh đống lửa, tàn than đỏ vung lên. Thằng Gino lại lấy đà trổ tài cú nữa.
Lucia Santa rủa "Đồ súc sinh" rồi mụ chạy vào bếp xách cây tackeril vung vẩy chạy xuống. Đang đọc sách Octavia ngửng lên nhìn.
Lúc mụ ra tới cửa thì bắt gặp Gino đang biểu diễn cú thứ ba. Đúng là quả tang. Nó đang lơ lửng giữa đống lửa, chợt thấy bóng mẹ là vừa đặt chân xuống vội chuồn gấp. Mụ vung cây roi. Gino bị một cú tackeril ngay lưng đánh đẹt, không đau lắm nó cũng ranh mãnh rú lên làm bộ đau đớn cho mẹ hả dạ rồi chạy vụt lên tầng.
Đến lượt thằng Sal. Nó cũng nhảy lửa và thấy bóng mẹ cũng lo chạy trốn. Chạy ngang mặt mụ, rõ ràng Lucia ngửi mùi vải cháy khét. Quất cho một roi mụ cố tình chậm tay một chút nhưng nó đâu lẹ làng bằng thằng anh nên vẫn lãnh đủ một roi la chói lói.
Chừng mụ hì hục leo hết bốn cầu thang lên đến nhà thì cả hai thằng đã cởi quần áo xong và chui gầm giường trốn kỹ. Ít ra tụi nó cũng chẳng dám hó hé cỡ nửa giờ. Cho nó xong một ngày, ít ra cũng qua được một ngày vô sự.
Mụ bảo Octavia "Thôi nghỉ đọc sách đi. Mi lo cho bọn nhỏ giùm tao cái!". Octavia gật đầu làm liền. Xưa nay nàng vẫn mau mắn giúp đỡ mẹ, nhất là vào những tối chủ nhật. Một tối thiêng liêng trong tuần, một tối nghỉ ngơi thoải mái.
Nàng vào phòng tắm dọn dẹp mấy cái quần áo khô cất đi, cọ bồn đàng hoàng, mở nước nóng xong xả mới cúi xuống gầm giường kêu hai thằng nhỏ ra. Chúng lóp ngóp bò ra, thằng Sal vội nhớn nhác hỏi: "Mẹ còn la không?" Octavia bèn nồ trước:
- Hiện giờ thì hết... nhưng tụi bây mà lộn xộn là bảo đảm còn tackeril nữa kìa! Bây giờ hai thằng lo đi tắm ngay, phá phách nhau là chết đòn!
Lucia Santa lo làm cơm tối dưới bếp. Có thằng Vincenzo xem hát bóng về dọn bàn ăn phụ. Nó sẽ tắm sau. Tối nay phải lo xong quần áo mùa lạnh cho con nít. Lúc ở phòng tắm ra Gino và Sal xúng xính áo thun dài tay quần dài. Mấy cái cặp táp cũ năm ngoái cũng được moi ra sửa sang lại.
Tối nay cả nhà ăn xăng uých với thịt viên đánh sốt cà chua. Lucia Santa đã có lệ có sốt cà chua là bổ béo rồi, khỏi phải uống sữa. Uống nước ngọt đủ rồi!
Sau khi cơm nước xong, Octavia lãnh nhiệm vụ "huấn thị" bọn con nít trước khi chúng tựu trường. Cái vụ nghe giảng này Vincenzo, Gino và Sal vẫn bị hoài!
- Tụi bây nghe tao nói đây. Niên học tới là không thể lạng quạng được. Tụi bây phải có điểm cao mà hạnh kiểm cũng phải khá nữa. Vincenzo năm vừa rồi cũng đỡ... nhưng năm nay lên năm thứ hai rồi. Muốn bò được lên đại học nhà nước khỏi tốn tiền là phải ráng ngay từ bây giờ.
Điều đó Vincenzo biết lắm. Lên đại học mà phải chi tiền thì sức mấy nó được học tiếp? Tiền đâu ra? Chỉ sợ vừa xong trung học phổ thông đã phải bỏ học đi kiếm ăn rồi. Tuy nhiên nó đâu biết chị Octavia đã tính xong vụ này kể cả tiền bạc cũng không ngại lắm. Thằng Vincenzo thế nào cũng được lên đại học. Bằng không nàng đâu chịu từ bỏ giấc mộng trở thành cô giáo?
Quay qua Gino nàng nồ mạnh hơn:
- Thằng Gino mà điểm hạnh kiểm bết như năm rồi là tao đánh nhừ đòn mà còn tống vào nhà thương điên đấy! Học hành cũng phải chăm chỉ hơn bằng không thế nào trước sau mày cũng đến vào trại Giáo Hóa để mang tai tiếng cho cả nhà.
Octavia nồ hơi quá đáng. Thực ra hạnh kiểm thằng Gino đâu đã đến nỗi tệ vậy và làm gì đến phải vô trại Giáo Hóa? Mà học hành nó cũng đã lọt xuống hạng "ngu dốt" bao giờ?
Tuy nhiên mấy đứa nhỏ vẫn chăm chú nghe. Em bé Lena đang nằm trong nôi cũng bò dậy đòi ra ghế ngồi và được chị bế vào lòng để tiếp tục dạy dỗ thằng út.
- Thằng Sal năm rồi học không tệ... nhưng năm nay lớp khó hơn nhiều nghe. Bài vở về nhà đã có tao giảng lại, chỉ cần mày chăm chỉ chứ tao dạy đâu có thua mấy cô giáo mày đằng trường? Đừng lo!
Có điều này tụi bây phải nhớ kỹ: Tao đi làm về là phải thấy tụi bây ở nhà chứ không có lệ lêu lổng chơi ngoài đường đến tối nghe. Cỡ sáu giờ chiều mà tụi mày còn la cà đi chơi là chết đòn. Không chơi bài và đùa giỡn trước khi học bài xong và trả bài cho tao kiểm soát lại nghe. Ba thằng phải chia nhau việc rửa chén giúp mẹ, mỗi đứa một ngày.
Nếu Octavia tự đề cao "không thua gì mấy cô giáo" quả có tự phụ hơi con nít một chút thì trái lại lời cảnh cáo của nàng không phải giỡn chơi hoặc lớn lối chút nào. Nàng quắc mắt nạt thẳng cánh, rõ ràng là "dám làm" chứ chẳng nói suông. Ngay bé Lena cũng nhột nhạt kia mà?
- Thằng nào không lên lớp, ở lại một năm đừng có trách tao ác. Tao giết. Đừng để cả nhà mang xấu vì một đứa, nhớ đấy. Tụi mày được cho ăn học là để mai sau nên người đàng hoàng chứ không phải mạt đời ngu dốt ở cái xóm tồi bại này nghe chưa?
Thấy Octavia nói quá hăng, nhất là câu cuối cùng nghe không lọt tai chút nào mụ Lucia phải lên tiếng:
- Thôi, mi nói vậy quá đáng. Đủ rồi! Mi làm như tụi nó sắp sửa lên đường ra mặt trận không bằng.
Sau đó chính mụ "giảng bài" tiếp:
- Còn mấy thằng lêu lổng ma-cà-bông nghe đây. Chính con mẹ chúng mày đâu có được diễm phúc cắp sách đi học? Tao dám bỏ hết mọi thứ nếu hồi đó được đi học sơ sơ, đọc thông viết thạo thôi! Phải con nhà giàu mới đi học nổi, bên xứ sở mình vậy đó. Bằng tuổi tụi mày tao đã phải đi chăn dê, đi đào khoai, hốt phân. Ở nhà thì làm bếp, giặt giũ, lau nhà chứ có bao giờ dám mơ tưởng đến chuyện đi học? Còn thằng cha tụi bây nếu hồi đó được đi học thì đâu đến nỗi chịu ngu dốt làm cu ly và biết đâu chừng không đến nỗi cuồng trí? Vậy tụi mày giờ được đi học phải tự hiểu là có phúc lắm. Bằng không hiểu là tao sẽ dạy cho hiểu bằng roi. Có tackeril đây.
Thằng Sal giương mắt nhìn mẹ. Gino và Vincenzo cũng hơi ngán, và thấm thía phần nào chứ? Tự nhiên thằng Sal đâm hoảng, nhìn ngớ ngẩn hỏi một câu, xem bộ nó sợ sệt nên cả Lucia Santa và Octavia cùng phát bật cười.
- Mẹ à... lỡ con không học nổi thì sao? Nếu con không đủ sức, học không vào chẳng hạn? Đâu phải lỗi ở con?
- Mày yên chí đừng lo! Nhà này không đứa nào đến nỗi ngu dốt vậy đâu. Miễn mày ráng sức là đủ. Tao sẽ chỉ bảo thêm cho. Hồi học trung học phổ thông tao học thông minh nhất lớp chứ bộ?
Hai thằng Vincenzo, Gino thấy chị xem bộ muốn giỡn bèn cười ha hả. Cặp mắt Octavia đã muốn quắc lên nhưng nàng mỉm cười viện chứng cớ "Có phải vậy không mẹ?"
Đối với mấy đứa nhỏ học dốt này có dọa dẫm bao nhiêu cũng chẳng bằng nêu một tấm gương học bảnh của chính người trong nhà. Nhưng có một lời đe dọa ghê gớm mà chúng nó ngán rõ: "Đứa nào bị ở lại đừng trách tao áo. Tao giết". Tụi nó dư biết Octavia không nói chơi.
Lucia Santa nhìn con gái. Mụ đâu đã quên Octavia vốn ham học lắm và xem việc học vô cùng quan trọng. Phải nói là nhờ vậy cô gái cưng có Mỹ hóa mụ cũng bỏ qua. Xưa nay mụ kỵ thói trèo đèo, mơ mộng quá cao xa, xét vì từng thấy trước mắt thiếu gì cảnh "trèo cao ngã đau". Thà là thấp thỏi một chút mà an toàn còn hơn ham lên cao cho lắm chừng thất bại là thất bại quá nặng, hết đường gỡ. Có điều trường hợp Octavia khác, mụ thấy cần phải xác nhận giùm nó mới hợp lý. Mụ bảo mấy đứa nhỏ:
- Đúng, Octavia học rất bảnh. Nó dư sức làm cô giáo nếu thằng cha chúng mày như người ta...
Thằng Gino chợt ngước mắt nhìn sững nên mụ nhìn nó như có ý nói cho một mình nó nghe:
- Phải chi cha chúng mày cũng đi làm ăn như người ta nuôi nổi gia đình thì con Octavia còn được đi học nữa chứ. Nhưng chính hắn có nghĩ đến ai đâu? Còn mày, thằng mất dạy kia, mày cứ bắt chước thằng cha mày đi. Mày phá hại không! Như lúc nãy mày xớn xác nhảy đống lửa biểu diễn, mày có thương tiếc gì áo quần? Mày còn bày điều cho thằng Sal... và lại đến tao phải may quần mới cho nó. Thấy chưa quân súc vật? Mày có nghĩ gì đến ai đâu? Tao cho mày hay...
Lần này Octavia cắt ngang lời mụ:
- Thôi, mẹ nói với tụi nó điều đó làm gì? Chỉ cần cho tụi nó biết trước việc học hành quan trọng cho tương lai thế nào. Tụi mày lo học bây giờ thì mai sau nên ông nên thầy. Bằng không lại đến phu khuân vác bến tàu... hay dân hỏa xa hạng bét như thằng Larry. Cho tụi mày hay...

*

Đám con nít đi ngủ hết, Lucia Santa mới lo đi ủi bằng hết đống đồ để còn khâu vá nhiều thứ. Nhìn chồng áo quần cao ngất thấy sợ luôn! Octavia đặt cuốn sách trên bàn để dựa vào hũ đường ngồi đọc chăm chú.
Đêm về yên tĩnh quá. Lâu lâu mới nghe tiếng bọn con nít trở mình cọt kẹt ở giường ngoài. Cả hai mẹ con cùng cảm thấy hài lòng vì đám con nít nhà này còn dạy bảo được. Ít ra cũng phải vậy! Hai mẹ con phải dựa lưng vào nhau để nuôi nấng, gánh vác cả gia đình. Octavia là đứa con ngoan biết đặt gia đình trên hết song nó đâu có thiếu cứng rắn? Nó lại biết chỉ huy và trợ giúp đắc lực cho mẹ nên có nể vì nó cũng phải, dù ở nhà này dĩ nhiên chẳng ai bằng mẹ!
Dù không ai nói ra, nhưng hồi này cả hai mẹ con cùng đỡ khổ, đỡ thắc mắc sau ngày ông cha ghẻ phải vào nhà thương. Hắn đi như thế còn là may, để hai người đàn bà rảnh trí lo lắng cho cả một gia đình ngần này người.
Lucia Santa đứng dậy đi pha cà phê lấy. Mụ biết Octavia mà đã chúi mũi vào cuốn sách thì chẳng thiết đến cái gì! Mụ lấy làm lạ không hiểu trong mấy cuốn sách chứa đựng những gì, nói những điều gì mà con nhỏ ham xem đến thế! Mụ chịu không hiểu nữa và phải chi còn ít tuổi thì không ganh tức với nó cũng tiếc rẻ mình không biết chữ mà đọc.
Bề nào cũng lớn đầu rồi, tối ngày làm quần quật không hở tay lại toàn những việc không làm không xong thì mụ còn lòng dạ nào để bực bội tiếc rẻ chữ nghĩa là những thứ mụ chưa biết mùi vị nó ra thế nào. Có những thú vị mụ từng được nếm mùi rồi, mất mát hết có tiếc rẻ cũng chẳng được nào! Chịu, chẳng thể làm gì được kia mà! Lucia tự nhiên nhăn mặt vì ý tưởng đó mà cũng vì hơi nước sôi bốc phì phì.
Mụ mò ra đầu hàng ba mở tủ lạnh lấy chai sữa tươi và một miếng dăm bông rắc nhiều tiêu từ Ý nhập cảng mà Octavia rất khoái xưa nay. Xem nó có ăn không chứ hồi này gầy đi trông thấy.
Đúng lúc ấy rõ ràng tai Lucia Santa nghe có tiếng chân ai bước lên thang gác. Để ý vậy chứ thôi chứ có ai lọt nổi vô nhà này, ở tuốt tận tầng tư? Cùng lắm chỉ có thể lên tới tầng dưới... vì lên đây có mở được cửa thì không lẽ thoát ra được nóc nhà? Dù cửa có mở hứng chút gió để ủi đồ cho đỡ nóng thì cũng chẳng ai dám. Hai mẹ con cứ việc ngồi thản nhiên ăn bánh mì dăm bông uống cà phê.
Nhưng tiếng bước chân mỗi lúc một gần rồi cái đầu sói của mụ Louche chầm chậm thò lên đầu cầu thang. Mụ Louche bước chân vào, miệng lèm bèm chửi thề bằng tiếng Ý.
Chỗ thân tình quá rồi, giữa Lucia Santa và bạn già Louche miễn cái vụ chào hỏi xã giao. Mụ Lucia lấy thêm ly tách ra rót cà phê, thêm bánh mời khách... dù biết Louche xưa nay quen lệ ăn uống cu ky, chẳng dùng bữa với ai bao giờ. Mụ cất tiếng hỏi đùa: "Thế nào, mạnh giỏi chứ?"
Mụ Louche vùng vằng khoát tay, mặt nặng ra vì câu hỏi xỏ cái điệu "mày biết tao sắp chết đến nơi còn mạnh giỏi cái nỗi gì?". Cả ba người nín thinh. Rút cuộc Lucia Santa lại phải mở lời:
- Chao ôi, đến sợ cái ngày tựu trường! Bày đặt làm chi không biết? Con cái thì ăn mặc cứ như Tổng thống còn mẹ thì quần quật giặt ủi như một con mọi thế này!
Mụ Louche lại ậm ừ xua tay như không muốn cho lại gần mấy người sống buông thả chỉ biết ham vui. Mụ từ tốn cởi chiếc áo ngoài, cởi luôn chiếc áo len dài có hàng nút chạy xuống tới đầu gối.
Có mặt bà già khó tính này, Octavia đành bỏ dở trang sách, sợ mụ bắt lỗi con nhà vô phép. Nàng đứng dậy lo ủi đồ giùm mẹ, ủi chầm chậm cho có lệ thôi. Cuốn sách để ngửa trên bàn mụ Lucia còn phải gấp ngay lại sợ con nhỏ đang mê xem dám vừa ủi đồ vừa liếc chừng lắm.
Thấy điệu bộ mụ, Octavia biết ngay dì Louche sắp có chuyện nói với mình. Chắc phải chuyện trò với con nít? Quả nhiên mụ hỏi bằng giọng kẻ cả:
- Này nhỏ, trọn ngày hôm nay mi có thấy bóng dáng thằng em bô trai của mi mò về nhà không?
- Thưa dì không.
Octavia trả lời ngoan ngoãn dù xưa nay nàng kỵ lối hỏi trịch thượng này lắm. Nếu người hỏi không phải dì Louche, bồ ruột của mẹ nàng mà cũng là người thân nhất của gia đình nàng thì chắc chắn Octavia đã cho một bãi nước bọt vào mặt. Nhất là mấy mụ xồn xồn vô duyên xóm này động nói với mấy đứa lớp tuổi nàng là ưa lên mặt người lớn, ra điều "Mấy con nhỏ này chưa biết cái mùi đời nó ra thế nào" thì kể như vẫn con nít vậy!
- Còn Lucia thế nào, có thấy không?
Bà mẹ Octavia lắc đầu là mụ Louche dồn một hơi, giọng đanh đá gay gắt làm người nghe phải e ngại không biết chuyện gì đã xảy ra.
- Cũng không biết? Vậy có nghĩa là cái thằng ranh mười bảy tuổi đó ở xứ sở này tha hồ tự do... nó làm gì khỏi cần biết! Mà chị cũng chẳng cần lo cho nó nữa.
- Có chuyện gì đấy? Cái thằng đốn mạt đó có đêm thứ bảy nào chịu ngủ nhà đâu?
Mụ Louche cười hăng hắc:
- Có chuyện gì hả? Phải nói cả một vở kịch mới đúng và cũng theo lối Mỹ... bà mẹ bao giờ cũng biết sau hết mọi người. Đừng lo, con chị không sao đâu! Vẫn khỏe mạnh như thường và chàng hiệp sĩ đẹp trai của chị còn gặp một nàng tiên trong mộng còn đẹp hơn nữa. Xin ngỏ lời mừng chị sắp có một cô con dâu hách. Hách như đám cưới lối Mỹ vậy!
Quái, mụ nói xa xôi văn vẻ... chẳng hiểu gì! Hai mẹ con Lucia Santa ngơ ngẩn nhìn nhau. Vì Louche mới đầu nói nghe ghê lắm, làm như mụ sắp nổi giận tới nơi. Vậy mà càng có vẻ giễu cợt, như muốn chọc cười vậy. Chính mụ lại cười trước hết, cười rung cả người, cười gập đôi người lại.
- Xin lỗi phải nói dài dòng... chỗ chị em với nhau Lucia chẳng lạ gì tôi với chị cũng như một. Có điều lần này thằng Lorenzo nhà chị quá quắt. Nó quá quắt... quá lắm!
Louche khựng lại vì Lucia Santa mặt lạnh như tiền, cặp môi mỏng mím chặt lại. Giận dữ đến thế là cùng nhưng mụ cố nén xuống làm bà bạn già hết dám cười mà phải vội vàng nghiêm nét mặt. Cười sao được nữa khi chỉ vì mình mà có một người mẹ đâm lo lắng?
- Có một thằng con được đàn bà con gái mê lên mê xuống như thằng Larry không lẽ chị bắt nó chết hay để chúng giết? Nó đâu phải thằng hư hỏng? Nó là thằng ngon lành chứ bộ? Bằng không nó sức mấy mang lại hạnh phúc cho cả hai vợ chồng nhà Cinglata? Mụ Cinglata hai chục năm nay đâu có chửa đẻ... còn thằng chồng thì hai đời vợ, bốn mươi năm làm chồng cả thảy mà đâu có được làm cha bao giờ? Bây giờ bỗng mụ vợ có bầu thì không phải là phúc đức quá sao? Cái đó là phải cảm ơn trời đất.
Nói đến trời đất, Louche tự nhiên phải khẽ cúi đầu nhưng mụ chỉ làm bộ vậy để cười ha hả:
- Nhưng kẹt ở chỗ thằng chồng không chịu tin trời ban ơn mà nhất định phải là người. Một người có dịp gần gũi mụ vợ nên lão Cinglata tính tạ ơn bằng một mũi dao! Trong khi đó mụ vợ lại mê thằng Larry quá, dám nghĩ tới việc vợ chồng đàng hoàng, chính thức ăn đời ở kiếp với nhau thì... chị nghĩ xem có tởm không? Đàn bà con gái nước Ý mình có bao giờ dám vậy? Sang đất nước này mới đổ đốn.
"À, con mụ Cinglata khốn nạn thật! Rồi mày sẽ biết tay tao". Lucia Santa rủa ngầm, xích gần tới để bà chị Louche kể tiếp:
- Người kẹt trong vụ này lại là thằng Larry nhà chị mới khổ, chị nghĩ xem... con khốn chỉ rỉ tai chồng một câu thôi là chết thằng bé! Trường hợp nó không chịu là chắc chắn vậy. Nếu có chịu thì con đàn bà điếm đàng đó sẽ cho thằng chồng già một liều thuốc độc cấp kỳ. Rồi hai đứa sẽ dắt tay nhau lên ghế điện chứ thoát sao nổi?
Chị thấy chưa, Lucia? Nguy hiểm cho thằng Larry chưa? Nào ngờ thằng con chị khôn quá đi! Xưa nay nguyên tắc của nó là không làm mất lòng ai, không từ chối ai bèn có ngay một giải pháp tuyệt vời. Nó lấy vợ! Hay tuyệt!
- Thằng Lorenzo nhà tôi lấy vợ? Nó lấy ai?
- Khoan đã... Nó cấp tốc lên xã Tây làm hôn thú, nó lấy một con nhỏ cũng người xứ sở mình, từ hồi còn kẹp tóc ở trong nhà nhìn ra thấy anh Larry cưỡi ngựa đêm đêm đã phải lòng rồi! Lạ lùng ở chỗ hai đứa chưa chuyện trò, hẹn hò đi chơi bao giờ... có ai biết chúng quen nhau đâu? Con nhà Maronozzi bên đường số 31 chứ ai? Nhà nghèo nhất nhưng đàng hoàng thì chẳng ai bằng. Thấy thằng con chị ghê gớm chưa? Nó làm một tu sĩ cũng còn được!
- Nhưng con nhỏ tính nết thế nào? Có ngoan thật không?
Louche cười hề hề:
- Cái đó theo tôi khỏi hỏi! Một thằng như Larry chừng lấy vợ có bao giờ chịu chọn thứ gái mất nết? Chỉ những thằng như nó, những thằng con trai gái chạy theo lu bù mới biết chọn vợ ngoan. Nó đã chịu là yên trí, khỏi có vụ lấy vợ thừa!
Nghe chuyện vợ con của thằng Larry, Octavia sùng quá. Nó ẩu tả đến thế là cùng! Chơi bời bừa bãi thấy ghê... mà lấy vợ sao nó dám tính liều, muốn lấy là lấy dễ dàng được như vậy kìa? Đâu phải nhà nghèo mà tồi bại vậy?
Octavia không hiểu sao bà mẹ tính nết khó khăn là thế mà nghe vụ Larry cưới bừa con vợ lại không nói năng gì? Kể như vô hại mà xem bộ còn vui vẻ mới lạ! Nàng đâu đã đủ tư cách, đâu đã hiểu chuyện đời để chấp nhận cái "tin mừng" bất thình lình của Larry? Dù có đột ngột bừa bãi và chẳng ai chờ đợi thật nhưng cũng vẫn là một tin mừng chứ? Chẳng hơn là lâu nay Lucia Santa vẫn nơm nớp chờ đợi một tin buồn rụng rời vì thằng con đàng điếm có thể chuốc bất cứ một bất hạnh nào sao? Nó dám bị đâm chém tù tội, đầu độc hay tai nạn như không! Dám ghế điện nữa kìa... Cái gì cũng có thể lắm, dễ lắm...
Octavia đâu biết những nỗi lo sợ của bà mẹ lỡ có thằng con lớn "lả lướt". Với Lucia Santa thì thà nó làm bậy! Thằng Lorenzo dám lấy vợ người ta, dám cưới một con Ái Nhĩ Lan mà nó cũng dám rước một con điếm về làm vợ lắm chứ? Thiếu gì đám cưới nhà nghèo đã được tổ chức hối hả vào giờ chót cho xong? Nếu có mất mặt thì đàng nhà gái lãnh đủ chứ nhà trai có sao đâu! Đúng thế, nhưng nhà trai hay nhà gái Larry làm cú này cũng bậy! Octavia phải hậm hực kết luận: "Thằng mất dạy!".
Xem, Lucia Santa phát cười ha hả. Cứ nghĩ đến cả hai vợ chồng Cinglata cùng bị nó cho de là mụ chịu rồi! Mụ vui vẻ hỏi Louche:
- Bây giờ chị có biết thằng con bô trai của tôi nó ở đâu không?
Bà bạn già cười tinh quái:
- Khoan, nghe tôi kể đã nào. Biết sao không... bây giờ thằng cha Cinglata lại tin cái bầu là của nó! Dễ hiểu quá mà? Một thằng đàn ông mà vui lòng để cho con vợ nắm đầu thì nó muốn xách tai bắt đi đâu không được? Nhưng vụ đó kể bỏ. Vấn đề đáng ngại là bên nhà gái kìa. Họ nghèo thật nhưng họ đâu có hèn? Gả con mà chịu tai tiếng là "gỡ thế bí" giùm thằng con chị thì ai người ta chịu, nhất là bà sui gái? Giấu giếm sự thực với mụ là không xong rồi...
Lucia Santa gạt đi ngay:
- Cái đó dễ. Bọn nhà nghèo mình hiểu nhau. Tôi cũng nghèo và cũng chẳng chịu hèn, chẳng chịu mang tai tiếng mà? Do đó tôi nói được chắc. Có điều phải biết thằng Lorenzo với con vợ nó hiện giờ ở đâu chứ?
Mụ Louche chẳng để chờ lâu mà đứng phắt dậy, tất tả đi ra thò đầu xuống thang lầu la lớn:
- Lorenzo, Lousia đâu? Tụi bây lên đi...
Vậy là tụi nó đã chuẩn bị để xuất hiện rồi. Trong khi chờ đợi thì mỗi người mỗi ý nghĩ. Mẹ con Octavia chỉ nghĩ đến khía cạnh tài chính của vấn đề. Nghĩa là tiền!
Đầu óc Lucia Santa làm việc nhanh lắm. Chưa lấy vợ nó đưa về đủ lương... nhưng từ bây giờ thì sức mấy? Hụt tiền nhiều quá! Nhưng thằng Lorenzo phải hiểu hoàn cảnh nhà đông em nhỏ chứ? Lấy vợ thì được nhưng chưa có con bắt buộc nó phải chia lương để giúp mẹ nuôi em chứ?
Nó mà không chịu đóng góp thì mụ làm liền! À còn chỗ ở thì tầng hai này sắp trống một căn. Hai vợ chồng nó dọn tới thì tiện quá. Dễ kiểm soát nàng dâu mới chạy qua chạy lại thật là gần mà trông nom cho chúng luôn thể càng hay. Nhấp nháy là chúng có tí nhau và phen này lên chức bà nội nhanh chẳng trật đi đâu nổi.
Vả lại Lucia Santa cũng nôn nóng muốn thấy mặt nàng dâu, muốn biết người ngợm nó như thế nào mà có thể khiến "cá mắc câu". Thằng Lorenzo đâu phải tay vừa?
Dĩ nhiên Octavia cũng suy tính như mẹ. Nàng thấy thằng em mất dạy quá. Nhè đúng lúc nhà đang cần tiền nhất thì nó hối hả tách ra ở riêng. Vậy là trốn nợ, trốn trách nhiệm còn gì? Xét ra dám có quyết định lấy vợ chỉ vì bà mẹ độc tài quá. Larry vừa bị hạn chế tự do mà lương lãnh bao nhiêu phải "đóng" cho mẹ gần hết. Nên nó muốn thoát ly... chứ ở lại chỉ thêm khổ! Nếu vậy lát nữa gặp mặt nó phải bảo thẳng cho nó biết. Nó đi thì còn ai gánh chịu cả cái gia đình này, ngoài nàng?
Louche cũng có ý chờ chứ? Có bao giờ mụ có ý xấu với gia đình này đâu? Nhưng một vở kịch bi hài đặc biệt như thế này thì mụ khoái chứng kiến bằng thích. Để chờ xem sao...
Đầu thằng Larry với mái tóc đen đen thò lên trước. Con vợ nó chắc đi sau, nhưng bị che khuất hết. Thấy mặt thằng Larry là thấy nụ cười. Nó ưa cười một cách rất tự tin nhưng tối nay rõ ràng ngập ngừng, e ngại. Bà mẹ đang chờ đợi bèn đứng lên nở nụ cười khoan dung, tha thứ.
Larry vội nhanh nhảu giới thiệu, đưa con nhỏ đứng nép sau lưng ra:
- Mẹ, chị... bữa nay con đưa vợ con về. Còn Lou, đây là mẹ anh và đây là chị Octavia.
Mụ Lucia Santa đứng lên đón con dâu, ôm hôn thân mật và kéo ép ngồi xuống ghế. Octavia nhìn con nhỏ và tự nhiên thấy thương hại nó quá: khuôn mặt trắng xanh xinh xẻo, đôi mắt to đen mở lớn và khổ người nhỏ nhắn trông rõ ra con nít, chưa lớn hẳn. Như vậy đó mà nhè làm vợ thằng Larry thì chết rồi! Làm sao nắm nổi thằng chồng khi chính cuộc đời mai sau cũng chưa biết ra làm sao?
Thằng Larry đứng lên xem đồ sộ hẳn, người chắc nịch, mái tóc xanh đen. Nhưng tình cảnh nó cũng đáng thương lắm chứ? Thích tự do mơ mộng mà nhè "cột cuộc đời" vào một con vợ là thôi hết bay nhảy. Cuộc đời kể như bế mạc từ đây.
Octavia làm sao quên nổi hình ảnh thằng Larry đêm đêm cưỡi con ngựa ô dọc theo đại lộ số 10, móng ngựa gõ chan chát trên đường đá lâu lâu đụng đường sắt tóe lửa. Nó nghênh nganh chỉ mơ tưởng mai sau giàu lớn! Bản chất tốt thấy nhà nghèo là tự động lo bỏ học sớm để đi kiếm tiền phụ với mẹ nuôi các em. Chỉ vì vậy mà đời nó sau này hẳn chịu thiệt thòi, không đủ vốn để tranh sống với thiên hạ. Giờ đây có vợ là sẽ có con, đời nó sẽ vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ, trung niên rồi già lão mấy hồi? Không biết còn giữ nổi đầu óc mơ mộng nữa không?
Hồi còn nhỏ Octavia cũng thương Larry thật tình chứ? Bây giờ thấy con vợ còn con nít của nó, nàng cũng đâm thương hại. Nàng hôn thằng chồng thân mật vào hai bên má và khi ôm hôn con vợ nàng thấy con nhỏ hoảng sợ tới cứng cả người.
Tiện bữa cơm vợ chồng Larry ngồi ăn luôn. Cả nhà tính toán lo sắp xếp chỗ ăn chỗ nằm cho vợ chồng son trước khi mướn được căn nhà ở tầng hai. Thấy cả nhà vui vẻ, Larry đâm hứng chí cười nói luôn miệng xem như không hề có chuyện gì xảy ra. Giữa lúc đó thì Lousia tự nhiên ôm mặt khóc nức nở. Nó bảo phải về nhà hỏi mẹ, không dám ở lại.
Thương tình Lucia Santa an ủi:
- Con đừng lo... Để mẹ cùng đi về. Đằng nào thì mẹ cũng phải tới thăm mẹ con. Sui gia mà?
- Mẹ à... con phải đi làm khuya. Mẹ đi với nhà con, sáng mai thế nào con cũng tới mà?
Lousia nhìn Larry sững sờ, ngạc nhiên không hiểu tại sao thì Octavia gắt lên:
- Sao lại sáng mai? Mày kỳ quá, Larry. Lấy vợ mà không nghỉ nổi một ngày sao? Mày phải đi với mẹ đưa Lousia về nhà nó rồi chồng đâu vợ đấy chứ?
Con nhỏ ngại ngùng mở lớn mắt nhìn chị Octavia. Thằng Larry cười cười: "Làm gì mà ghê thế chị! Em muốn anh cùng về không, Lou?". Con vợ gật đầu gấp. Nó ôm vai vợ như sẵn sàng che chở nó: "Được, về thì về..."
Lousia đáp: "Cảm ơn anh" làm Octavia cười ồ lên. Bà mẹ đưa mắt nạt làm nàng càng thấy vô lý. Đáng lẽ bà ấy phải giục Larry chứ đâu đến nàng? Nàng hiểu tại sao khi bà mẹ từ tốn bảo nó: "Lorenzo... con nên đi cùng một thể thì hơn".
Có bao giờ Lucia Santa nói với thằng con trai khách sáo, mềm mỏng như vậy! Điệu này là bà ấy từ nay trở đi không muốn xem Larry như trước mà đặt nó ra ngoài vòng kiểm tỏa của gia đình. Không phải giận dữ, ghét bỏ mà thằng Larry đã bị mẹ gạt ra, xem như một gánh nặng không mang nổi nữa còn phải để sức lo những gánh nặng khác.
Lúc họ đi hết, Octavia tự nhiên thấy chán nản quá! Chán đến hết muốn đọc sách, bao nhiêu đồ ủi lấy ra ủi bằng hết.
oOo
Sáng hôm sau thức dậy thấy giường anh Larry bỗng có cô nào ngủ chung, mái tóc đen dài xõa ra, Gino chỉ đứng nhìn, không ngạc nhiên mấy. Đời này thiếu gì cái lạ lùng hơn!
Nó thấy anh Larry khác hẳn và cô kia cũng có vẻ lạ quá. Hai cái mặt ló ra trời lạnh thế này xem trắng bệch thấy sợ như thây ma, chắc vì ngủ mê mệt quá khỏi biết trời đất gì. Hai mái tóc cùng rậm đen rối nùi và quyện vào nhau quấn quýt chẳng biết của ai vào với ai.
Bỗng đâu anh Larry cựa quậy, lúc bấy giờ sinh khí mới chuyển động từ từ và khuôn mặt tái nhạt bắt đầu hồng hồng màu máu. Hai gò má bây giờ mới thấy đo đỏ, cặp lông mày đen sẫm đụng đậy, con mắt chớp chớp mở và lòng đen sáng quắc. Anh Larry nghiêng đầu cho hai mái tóc hết quấn quýt vào nhau và thấy thằng Gino đang đứng nhìn đăm đăm bèn nhe răng cười.
Vincenzo dậy sớm hơn và nãy giờ đã thưởng thức chai sữa tươi mà chỉ thằng nào chịu dậy sớm mới được hưởng: trời lạnh là thế nào chất kem bổ béo chẳng đóng váng đầy đến hai ba phân ở cổ chai sữa? Thằng Gino vớ chai sữa nguyên lui cui tính khui bỗng rụt tay lại vì bị mẹ đập cho một lưỡi dao đau điếng.
Lúc Gino trở lại phòng ngủ để mặc nốt quần áo đã thấy anh Larry lưng dựa thành giường phì phà điếu thuốc lá. Cái lưng nho nhỏ dáng nằm khom khom. Có sợi dây nịt trắng lấp ló, đeo xung quanh chỗ xương vai gầy gầy chìa ra xem cứ như cánh gà vậy! Thấy bóng Gino anh Larry vội kéo chăn lên che cho cô vợ nhưng phía bên mép chăn lại tụt xuống để hở bộ ngực trần lông lá thấy ghê.

*

Đối với Gino năm anh Larry lấy vợ là một năm không bao giờ quên.
Một hôm tan học ra đi ngang hãng kẹo Runkel nó thấy bồ Bianco ngồi xệp xuống nền xi măng, sách vở liệng bừa bãi. Thằng Bianco lại khóc, xem bộ uất ức quá. Gino vội hỏi bồ:
- Ủa, sao mày ngồi đó khóc? Bộ có chuyện gì ở đằng nhà mày? Hay ba mẹ mày làm sao?
Bianco lắc đầu. Nó vẫn khóc sụt sịt làm Gino phải bá vai kéo nó lên ngồi trên thềm gạ chuyện:
- Làm vài ván bài cào chơi mày? Tao có mười sáu xu đây.
- Tao hết tiền...
Gino nhìn sững. Thằng này mà hết tiền được? Bianco bật khóc nức nở:
- Mày ơi tao hết tiền, hết sạch tiền thật. Bố tao bảo bao nhiêu tiền phải gửi hết vào nhà băng mà bây giờ nhà băng quỵt hết, quỵt cái một. Khốn nạn không? Bố tao còn cười ầm lên nữa. Bọn nhà băng bảo gửi tiền chừng lớn hãy lấy ra làm vốn. Bây giờ vốn mất tiêu luôn mà chúng còn cười vào mặt chắc!
Mặt Bianco rầu rĩ. Nó khóc hu hu và chửi thề tùm lum. Bây giờ Gino hiểu ngay tại sao thằng bồ ruột đau khổ vậy. Nó biết tính thằng Bianco hơn ai hết. Thằng này chỉ tiền, chỉ lo dành dụm từng xu để bỏ băng!
Xem, có hai xu một cây càrem mà Bianco có bao giờ dám mua ăn? Bao nhiêu lần Gino phải bỏ tiền ra mua càrem và cho nó mút nhờ mấy cái! Chiều chủ nhật nào nó cũng ở nhà, để tiền mua giấy xem hát bóng gửi băng. Thiếu gì dịp đi ngang xe bánh mì xăng uých che chiếc dù sọc vàng thằng Bianco đã làm lơ quay mặt đi, tay thủ chặt đồng năm xu trong túi? Gino là khỏi được, chịu không nổi! Nó khoái đớp lớp bánh xăng uých thơm mềm, nhân thịt bò băm ớt đo đỏ, ngon ngọt biết mấy, lớp sốt trắng tươi béo bổ và còn thêm chút mù tạt vàng cay cay nữa. Chao ôi, ngần ấy mùi vị trộn vào nhau khoái khẩu biết mấy?
Vậy mà bây giờ bao nhiêu tiền mất sạch thì Bianco chịu sao nổi? Không phải tiền nó mà Gino còn tiếc quá xá mà? Lũ chúng bạn thấy Bianco ráng nhịn thèm thằng nào cũng chửi bần tiện, riêng một mình nó phục lăn. Có miếng bánh mì thịt, cặp xăng uých hay cây càrem là Gino luôn luôn chia cho Bianco một vài miếng ăn đỡ, cho khỏi thèm thuồng. Ngay đến ngày lễ Phục Sinh đứa nào ở xóm này chẳng có nổi một cắc mua mấy chiếc hột gà màu trắng, màu hồng để thưởng thức món quà đặc biệt truyền thống một năm mới có một lần mà Bianco có chịu bỏ tiền ra mua bao giờ?
Gino thán phục Bianco lắm và lấy làm vinh dự có thằng bồ bịch giàu lớn. Có lẽ dám giàu nhất cả khu Chelses luôn chứ xóm đại lộ số 10 này thì dĩ nhiên nhất nó rồi? Nó ghé tai bồ Bianco khẽ hỏi:
- Mày mất tất cả bao nhiêu?
- Hai trăm mười ba đôla cả thảy...
Nó nói con số một cách trang trọng nhưng giọng chán nản, đau khổ quá. "Hai trăm mười ba đôla đâu phải là ít?". Hai thằng buồn bã nhìn nhau. Còn biết nói gì bây giờ? Gino không ngờ thằng Bianco có vốn lớn đến thế... và mất luôn cú một. Vì vậy nó ai oán than trời cũng phải. Gino phải rủ nó:
- Bây giờ tụi mình phải lo về chứ mày? Nhặt sách vở lên xem.
Thằng Bianco đứng bật dậy, lấy chân chà đạp đống sách văng tuốt luốt ra ngoài cổng rớt ra tới ngoài đường. Nó hét lên: "ĐM sách... ĐM trường. Tao sẽ chơi chúng nó phen này. Tao khỏi về nhà, tao đi luôn".
Chửi thề một hơi là Bianco vùn vụt chạy về ngã đại lộ số 9. Bóng nó mất hút dưới dạ cầu nổi.
Gino bèn lượm sách vở giùm nó vậy. Xem, cuốn nào cũng rách tung beng, dơ dáy và dính cả phân ngựa nữa. Đành chùi sơ, chùi đại vào quần để cắp về nhà, mang qua trả cho nó.
Nhà thằng Bianco ở số 356 trên tầng ba. Chừng gõ cửa rồi Gino mới nghe trong nhà có tiếng đàn bà khóc lóc. Nó định bỏ chạy luôn thì cánh cửa mở bật. Mẹ thằng Bianco người nhỏ thó bận đồ đen vẫy nó vào luôn.
Lạ quá, giờ này mà bố Bianco cũng đã về nhà sao? Ông ta ngồi lù lù sau bàn ăn dưới bếp. Bố nó xem cũng nhỏ người, lưng hơi gù và đặc biệt là để một hàng ria chổi xể rất đậm. Gặp ông ta ở ngoài phố là tứ thời độc chiếc mũ nỉ xám cũ mèm. Không hiểu sao bữa nay ngồi bàn ăn mà bố nó vẫn chưa chịu bỏ mũ kìa? Trước mặt ông ta có nguyên vò rượu chát bự và ly rượu uống dở.
Gino chào hỏi:
- Thưa bác cháu mang giùm Bianco mấy cuốn sách về. Cô giáo nhờ nó làm chút việc, nó phải ở lại về sau.
Nó đặt chồng sách lên bàn. Bố Bianco nhìn nó cất tiếng nhừa nhựa:
- A, thằng nhỏ mày là con Lucia Santa, mày là bồ bịch thằng Bianco nhà tao? Mày khá. Mày bướng, mày đếch chịu nghe ai... cứ ý mình làm, phải không? Hay lắm, con trai vậy mới ngon. Làm với tao tí rượu chát đi? Cứ kể ra không cha như mày lại hên.
- Cảm ơn bác... cháu không uống rượu!
Gino không chịu cái vụ ông Pasqual xem việc mất tiền của thằng Bianco như không có gì. Bà vợ ngồi một bên bèn nhìn.
Chừng ông Pasqual giục "Uống, uống đi mà!" thì bà vợ lấy ra một chiếc ly nhỏ. Ông ta rót đầy rượu cho Gino rồi cất cao ly của mình la lớn:
- Nào tụi mình nâng ly chúc mừng Mỹ quốc. Mừng cho mấy thằng chủ nhà băng mai mốt có quyền moi ruột mẹ chúng ra nhậu.
- Thôi đừng nói lớn chứ?
Bà Pasqual chỉ dám nói có bấy nhiêu. Gino hồi nhớ lại nó gặp bố Bianco gần như mỗi ngày và ông ta xem bộ "lên" đều làm ăn khá lắm.
Hồi đầu xem ông ta vất vả quá, thân hình khẳng khiu bước thấp bước cao từ nhà ga đi ra, chạy quạy bước theo đường ray.
Những lúc ấy xem ông ta mệt quá, người lem luốc mồ hôi, bụi đất bám mấy tầng, các lỗ chân lông dám bít luôn quá! Chiếc mũ nỉ xám vành đen đã cũ mèm lại dơ dáy quá. Chắc chỉ để che đầu đỡ nắng. Ông ta còn đeo cái giỏ đựng thức ăn trưa ở ngang hông. Cái giỏ đong đưa lúc ông ta hì hục leo từng bậc thang gác tối om...
Bao giờ đi làm về, ông Pasqual chẳng tụt bộ đồ ra, tắm qua loa nước nóng xà bông rồi bà vợ lấy khăn lông lau khô người giùm để ông chồng khoác vội chiếc sơ mi xanh, mau mắn vớ lấy hũ rượu ly rượu xách ra bàn.
Có cả thằng Gino ngồi đó mà mắt ông ta gườm gườm nhìn như giận dữ, nhưng rồi lắc đầu như có ý bỏ qua. Làm một hơi rượu chát và nghe chừng giãn cả xương cốt, khỏe mạnh như thường. Bà vợ bưng ra một đĩa đậu và "nui" lớn tướng đánh sốt ngon lành, còn nóng hổi bay thơm phưng phức mùi tỏi. Ông Pasqual lấy cái muỗng lớn xúc một muỗng đầy như xà beng xúc cát, mặt cúi xuống và "hụp" một phát đúng điệu nông dân thuần túy là trọn muỗng thức ăn chạy tuốt vào trong cái miệng có hàng ria rậm che gần bít.
Sau khi làm một hơi ba muỗng đầy, ông ta bỏ muỗng xuống vớ lấy khúc bánh mì lớn. Rồi tay muỗng tay bánh "thanh toán" bữa cơm ào ào, làm như ăn thêm một miếng ông ta khỏe thêm được một chút. Nét mặt đâm hồng hào, bộ răng trắng bóng và nhờ bộ ria dính nước sốt nằm ép xuống mới thấp thoáng cặp môi đỏ sậm! Xem, vỏ bánh mì nâu, ròn ông ta nhai rôm rốp và cái muỗng cầm tay khua lên hoa cả mắt. Ly rượu cạn rất lẹ. Phải nói là chất nông dân của bố thằng Bianco đã bộc lộ đầy đủ trên bàn ăn nên nhìn ông ta ăn dễ dàng tưởng tượng mùi bột mì, mùi nho, mùi đậu tươi xanh phảng phất đâu đây.
Xong bữa bà vợ đưa cho ông ta con dao và đẩy đĩa pho mát tới.Ông Pasqual xắt một miếng pho mát lốm đốm và chìa ra đưa cao lên cho mọi người cùng thưởng thức mùi thơm. Tay kia ông quơ lát bánh mì ăn còn dư trên bàn rồi lấy điệu bộ chững chạc, oai vệ vừa cười vừa hỏi mọi người: "Xem đây có thằng nào bảnh bằng tao không?"
Bà vợ "ê à..." một tiếng xác nhận, đúng điệu: "Còn phải hỏi! Ông không tin tôi cũng tin đúng như vậy. Nhất ông!". Bọn con nít dĩ nhiên chẳng hiểu gì chỉ biết giương mắt nhìn.
Này bánh, này rượu, này thức ăn... cái gì cũng ngon ngọt, béo bổ, có giá trị nuôi sống con người, bồi bổ cơ thể mà điển hình là người chủ gia đình tối nay. Bao nhiêu mệt mỏi xương thịt, bao nhiêu rã rượi tinh thần đều biến mất sau một bữa ăn ngon.
Ăn xong bữa ăn ngon lành, ông Pasqual vươn vai khoái trá. Hết mệt nhọc, hết buồn phiền, đời sống đâu đến nỗi gì? Nếu nói đến sung sướng thì còn ai sung sướng được như thế này nào?
Ngồi bàn ăn thấy bố thằng Bianco có vẻ dễ chịu rồi Gino mới dám có ý kiến:
- Thưa bác... tiền mất Bianco có thể kiếm lại được mà? Nó lấy than ở nhà ga ra cháu có thể bán phụ. Mùa hè tới hai đứa lại "làm" nước đá. Dần dà cũng kiếm lại được vậy!
Rõ ràng Gino thấy hàng ria chổi xể của ông Pasqual rung rung. Ông ta cười khành khạch nhăn cả mặt mũi:
- Thằng nhỏ, sao mày lo cho thằng Bianco nhà tao thế? Ôi chao, nó mất bấy nhiêu đã ăn nhằm gì! Nó đâu biết, mày đâu biết... tụi mày đâu biết tao mất đến bao nhiêu? Hà hà... năm ngàn đôla. Năm ngàn đôla thôi... nhưng cả một công trình hai mươi năm làm ăn ròng rã chắt bóp. Nóng lạnh, mưa nắng chịu đủ. Chủ chửi vào mặt cũng phải câm, tên cha mẹ đặt và họ là họ tổ tiên cả ngàn năm nay mà cũng phải đổi đi chỉ để kiếm ăn! Ôi chao, dòng họ Baccalona bao nhiêu đời lập nghiệp đất Salermo. Vậy mà tao phải thay họ đổi tên, phải bỏ đi hết. Thằng con tao mất có bấy nhiêu đã khóc hu hu ngoài đường!
Ông Pasqual vớ ly rượu làm ừng ực một hơi cạn. Không biết bao nhiêu ly rồi?
- Trời ơi, năm ngàn đôla! Năm ngàn đôla của tôi. Tôi làm quần quật và dành dụm đúng hai mươi năm trời, xương cốt muốn rã rời mới có nổi. Vậy mà Chúa ơi... chúng cướp giựt cái một, không gươm, không súng và giữa ban ngày ban mặt. Sao chuyện đời lại ghê gớm thế?
Lúc bấy giờ bà vợ phải khuyên can:
- Mình... mình đừng nhậu nữa! Mai còn phải đi làm mà ngày hôm nay đã ở nhà chơi rồi! Hồi này kinh tế khủng hoảng, kiếm việc làm đâu phải dễ? Bao nhiêu người bị đuổi sở, thấy không? Thôi mình lo ăn thêm chút nữa rồi đi ngủ cho khỏe. Mai đi làm.
Ông Pasqual từ tốn đáp:
- Đừng lo! Mai đi làm là tôi đi làm liền. Thấy không hồi có con nhỏ tôi cũng đi làm mà? Bao nhiêu lần mình đi sinh tôi có bỏ việc ngày nào? Mình ốm, con ốm cũng đâu dám nghỉ bao giờ? Vậy đừng sợ, mai tôi sẽ đi làm. Phải công nhận là tôi thua mình. Tối mịt hết thấy đường mới dám bật đèn để hà tiện được đúng một xu tiền điện. Một xu! Thịt không dám ăn, chỉ rau không! Trời lạnh quá xá, mình ở nhà cứ xù xụ áo len cả ngày để khỏi phải đốt lò, tốn tiền than. Vậy mà mình vẫn chịu đựng như không, tôi nói đâu có sai? Người mình vậy là sắt, là thép còn gì! Chao ôi, đến sợ mấy người đàn bà. Gino, mày phải sợ họ nghe?
Ông Pasqual nâng ly rượu đầy làm một cái cạn đáy. Buông ly là nằm kềnh ra, té lăn trên sàn nhà!
Bà vợ lúc bấy giờ mới la trời than khổ. Ông chồng say bổ ngửa còn biết trời đất gì đâu? Bà mẹ Bianco tha hồ khóc loc'', rên rỉ và nhờ Gino phụ lực lôi chồng vào buồng ngủ. Hai người hì hục khiêng ông ta đặt lên giường đàng hoàng, cởi quần áo tử tế mà ông Pasqual vẫn cứ ngáy vo vo trông bộ ria tức cuời hết sức.
Bà Pasqual bảo Gino ra bếp ngồi để hỏi chuyện thằng Bianco. Nó đi đâu? Thằng Gino thuật chuyện để nghe bà ta kể lể. Bà ta than van, thương hại ông chồng đau khổ. Ông ấy là trụ côt, là niềm hy vọng của cả nhà này. Bây giờ quá tiếc của mà lăn đùng ra thì chết hết. Mất hết tiền thì cực kỳ đau khổ đấy nhưng đâu đã chết? Còn người còn của.
Chao ôi, đất tiền đất bạc là thế này đây. Bao nhiêu người từng đặt hy vọng sang đây làm ăn cho sung sướng tấm thân. Hạnh phúc thật... nhưng hạnh phúc phải có giá chứ? Nó đâu có tới khơi khơi, nó đắt giá lắm chứ? Nhưng dù sao thì ở đất này vẫn có quyền hy vọng, ở bên Ý khỏi!
Thôi thì lại bắt đầu lại từ đầu. Ông Pasqual năm nay mới bốn tám tuổi, còn khỏe mạnh chán... còn làm được ít nhất hai mươi năm nữa. Còn người là còn làm ra tiền, còn cả một kho tiền để cung ứng cả tiền ăn tiền ở lẫn tiền khóc tiền cười.
Gino không khỏi bật cười khi tưởng tượng "cái kho tiền" gầy gò, có hàng ria chổi xể, mặc bộ đồ lót sọc vàng đang ngáy khò khò. "Kho tiền" của bà mẹ Bianco đấy. Một người hà tiện tiền như bà ta... mà tiền mất hết không tiếc, chỉ lo mất chồng.
Ngồi nghe chuyện một lát sau Gino mới chạy về nhà. Nó về trễ. Cả nhà đã ngồi vào bàn ăn, nhà bếp ấm áp quá và chao ôi mùi tỏi phi trong chảo dầu ô-liu, mùi sốt cà chua mới quyến rũ, sung sướng làm sao! Giữa bàn ăn là một đĩa mì xào tổ bố đầy có ngọn. Bữa nay thứ năm lấy đâu ra thịt băm viên? Chỉ có một khúc thịt bò nạm nhưng nhờ hầm thật nhừ nên lấy nĩa xắn cũng tơi tả ngay. Đang ăn thì vợ chồng Larry từ nhà dưới lên nhập cuộc.
Thấy mặt Larry là cả nhà vui, nhất là bọn con nít chịu lắm lắm. Vì anh Larry có tài kể chuyện hay tuyệt vời, chuyện gì kể cũng hấp dẫn hết! Mấy chuyện vừa xảy ra trong nhà ga và đặc biệt là dân xóm này bất cứ nhà nào vừa xảy ra chuyện gì là anh Larry cũng biết liền. Chuyện của nó vui đến đỗi bà mẹ và chị Octavia nghe còn khoái, con nít ồn ào không buồn la kia mà?
Gino liếc nhìn và thấy chị dâu Lousia hồi này xem mập ra nhưng khuôn mặt sao lại choắt đi kìa? Dĩ nhiên đề tài của Larry tối nay phải là chuyện nhà băng vỡ nợ, dân xóm này nhiều kẻ mất tiền toi.
- A, mấy ngày nay dân xóm này có nhiều thằng thất nghiệp! Nhiều lắm. Lão mập chủ lò bánh nghe nói nguyên tiền mua chứng khoán cổ phần cũng đi đứt mười ngàn đôla. Còn mất một mớ gửi băng nữa chứ? Cũng đỡ khổ vì cửa tiệm còn nguyên. Mẹ à, kể ra nhà mình không có tiền cũng hên đấy chứ!
À, cái vụ này Larry khỏi biết! Hai mẹ con Octavia nhìn nhau. Tiền nhà này mất sao nổi? Gửi trương mục tiết kiệm Bưu điện, nghĩa là gửi nhà nước mà!
Lucia Santa quay sang bảo con dâu: "Ăn đi con, con phải ráng ăn cho lại sức". Mụ nhìn sang đĩa của Larry mà xúc một miếng thịt bò lớn đặt vào đĩa của Lousia. Mụ la: "Thằng chó này, người mày thế kia đâu cần ăn thịt? Mày ăn mì không đi, để thịt cho vợ mày!".
Hình như Lousia có ý khoái thì phải. Tính nó nói ít, ít quá nhưng cũng lí nhí "con cảm ơn mẹ". Hai anh em Vincenzo và Gino lặng lẽ nhìn nhau. Cả hai đứa cùng thấy kỳ cục. Tính nết mẹ chúng thì chúng còn lạ gì? Chúng biết hết. Mẹ chúng đâu có thương gì Lousia... chỉ làm bộ vậy ra điều chiều chuộng con dâu. Vậy mà cũng "con cám ơn mẹ" được!
Larry nhoẻn miệng cười, nháy nhó hai đứa. Nó lấy muỗng múc một muỗng nước sốt đầy rồi "bổn cũ soạn lại" cứ y như thực.
"Xem, mấy con gián làm cái điệu gì kỳ cục". Cái trò gián nhảy, gián đánh bóng để hốt trộm khoai tây chiên bữa tối thứ bảy này đâu có xài được với bọn nhỏ nữa. Vincenzo và Gino cứ lờ tuốt... nhưng Lousia tưởng thật quay lại nhìn, nhớn nhác đưa mắt tìm. Lập tức miếng thịt bò của nó bị Larry câu sang đĩa mình, xắt một miếng lớn và trả về chỗ cũ nhanh như chớp. Bọn con nít cười ầm lên. Lousia biết bị mắc lừa bỗng bật khóc. Nó khóc thật làm cả nhà ngạc nhiên.
Larry cười nói:
- Ô hay, có gì mà khóc? Đùa tí chơi mà? Nhà này giỡn hoài vậy mà?
Mụ Lucia và Octavia can thiệp ngay. Chị thì la: "Larry... lần sau đừng chọc nó nghe mày? Nó khóc tội nghiệp". Bà mẹ còn nồ dữ: "Con à... thằng chồng con có lối đùa súc vật vậy đó. Nó tưởng hay lắm đấy. Để lần sau mẹ cho nó cái đĩa vào mặt...".
Được mẹ bênh, chị bênh thế đó nhưng Lousia vẫn đứng dậy chạy tuốt xuống dưới nhà, vừa chạy vừa khóc nức nở.
Lucia Santa bảo con: "Nó chưa ăn xong đâu. Mày phải mang xuống cho con vợ mày đi" thì thằng Larry điềm nhiên khoanh tay đáp: "Khỏi. Thây kệ nó!".
Nói xong nó lại tiếp tục xúc mì ăn. Cả nhà nín thinh, chẳng ai nói câu gì. Lát sau thằng Gino kể:
- Mẹ biết không... thằng Bianco mất hết hai trăm mười ba đôla, còn ông già nó bị tới năm ngàn đôla lận!
Mẹ nó không nói gì nhưng rõ ràng ánh mắt sáng lên khoan khoái, in hệt lúc nãy nghe tin ông chủ lò bánh bị nhà băng giật tiền vậy. Tuy nhiên nghe Gino kể tiếp Pasqual nhậu say tới té lăn thì mụ rầu rĩ lắc đầu:
- Đời này là vậy đó! Khôn ngoan đến mấy cũng cứ bị...
Mụ nhìn Octavia. Hai mẹ con cùng hể hả. Đúng là khôn ngoan cho lắm chừng bị vẫn cứ lãnh đủ như thường! Mẹ con mụ đâu có biết gì? Cũng may là dành dụm được bao nhiêu tiền là gửi quỹ tiết kiệm Bưu điện. Hồi đó mà gửi nhà băng thì... Chẳng qua là cả hai mẹ con cũng muốn vào nhà băng gửi và đã đi ngang rồi. Trời thương là nhìn vào thấy hàng cột vĩ đại quá, mặt tiền lộng lẫy quá mà số tiền gửi lại nhỏ nhoi quá nên khớp luôn, đâu dám bước chân vào?
Nhờ vậy còn tiền... nhưng thấy bà con lối xóm bị mất đau xót quá Lucia Santa cũng rầu rĩ chứ và còn đôi chút ngượng ngùng. Mụ bảo các con:
- Kể ra vợ chồng nhà Bianco cũng tội nghiệp chứ? Lúc lấy nhau mụ vợ nghèo mạt rệp và ra làm ăn lão chồng chỉ biết có tiền. Vậy mà lại có hạnh phúc chứ? Thế mà bây giờ cũng chẳng khỏi!
Mấy đứa con cứ để kệ cho mẹ nói vì chúng dư biết tính mụ đầu óc lúc nào cũng bi quan, mở miệng ra là kêu khổ. Nhưng sự thực thì mụ tin tưởng ở vận mạng hơn ai hết, nuôi rất nhiều hy vọng từ giấc ngủ tỉnh dậy đến miếng bánh ăn vào miệng đều nuôi dưỡng một niềm tin. Đúng là liều thuốc bổ thêm sức cho tình mẹ thương con cương quyết đối phó với đời để cố nuôi chúng nên người.
Bọn con Lucia Santa dư biết một người như mẹ chúng đâu có biết sợ là gì. Có mẹ là vững lòng rồi, cứ việc ăn.
Cơm nước xong Larry đốt thuốc hút ngồi nghe mẹ và chị Octavia ôn lại những vụ mèo mỡ của nó hồi trước. Trong khi đó, Vincenzo lấy đĩa mì của chị Lousia lúc nãy, bỏ vào miếng thịt bò và đổ nước sốt nóng lên trên. Nó lấy chiếc đĩa khác úp lại cho nóng.
Lucia Santa khen: "Đúng đấy, vậy mới ngoan chứ? Mang xuống dưới nhà cho chị đi con".
Vincenzo bưng đĩa mì xuống, xách theo chai nước ngọt. Mấy phút sau nó trở lên tay không ngồi vào bàn. Larry nhìn nó một chút mới hỏi: "Thế nào, không sao cả chứ?". Thằng Vincenzo gật đầu là nó lại tiếp tục kể chuyện như không có chuyện gì.