Dịch giả: Ngọc Thứ Lang
Chương 4

Từ tháng tám trở đi thì dân xóm đại lộ 10 mệt mỏi hết, trừ đám con nít. Suốt ngày hơi nóng bốc lên hừng hực, chịu hết nổi mùi nhựa đường, hơi xăng và cả mùi xú uế của phân ngựa bốc lên. Nhất là khu nhà ga, nơi gia đình Angeluzzi Corbo sinh sống thì ngoài hơi nóng của trời đất còn thêm hơi nước, hơi khói từ các đầu máy suốt ngày nhả ra. Không gian như nóng quá đứng sững luôn. Lại còn cái nạn tàn than bay mù mịt. Chiều chủ nhật là cái gì cũng nằm hết, những toa xe hàng phế thải màu vàng, màu nâu cũng như những đầu máy đen xì đều nằm trơ ra ăn vạ như những khối bất động giữa nắng vàng chói chang gay gắt và cả một biển sắt thép gạch đá. Đến những đường ray cũng sáng chói cả mắt.
Đại lộ số 10 chạy thẳng ra mé sông đụng đại lộ 12 đã không cây cối lại ít dãy nhà cao che bớt nắng nên càng nóng càng âm ỉ. Cứ đến trưa chẳng thấy ai ngoài phố. Bữa ăn trưa chủ nhật tha hồ mà kéo dài, tới bốn giờ chiều còn được. Có rượu chát, có đồ nhậu lai rai thì thiếu gì chuyện kể lể, tâm tình.
Dân xóm có lệ chiều chủ nhật là bỏ đi chơi, đi thăm viếng mấy bà con gặp may ăn nên làm ra giờ này đã tậu nhà tậu cửa bên Long Island hay bên Jersey. Hoặc dự lễ cưới xin, ma chay hay lễ rửa tội cũng được. Có bà con đau nằm bệnh viện Bellevue lại càng mau đi thăm hỏi, biếu xén nữa.
Những gia đình Mỹ hóa hơn một chút có thể đưa cả nhà đi chơi mát Coney Island nhưng một năm một lần thôi, xét vì chơi xa là tốn tiền, đủ mọi thứ tiền... dù thức ăn đồ uống có thể ở nhà xách theo.
Thật ra mấy tay đàn ông không khoái đi. Cả tuần làm quần quật ở Hỏa xa chịu nắng đã đời... Sức mấy có vụ vô lý ngày nghỉ đi "tắm nắng" thêm! Họ chui vào nhà, vào vườn tránh nắng, giết thì giờ và tiêu khiển bằng một bộ bài vài chai rượu hay ngồi trơ ra nhìn mấy bà vợ tụ họp "tranh luận". Đưa gia đình đi Coney Island chơi thì thà đi làm còn sướng hơn.
Chiều chủ nhật xét ra chỉ khoái ở chỗ có quyền xả hơi, khỏi phải làm gì. Đuổi mấy đứa con nít đi xem hát hết là bố mẹ có quyền nằm hú hí cho tiêu bữa cơm trưa, ăn nằm với nhau tự do, thoải mái.
Không lẽ làm hùng hục suốt tuần mà không được nghỉ ngơi lấy nửa ngày... nên chiều chủ nhật quý lắm! Ít ra dân lao động cũng nhờ nó lấy lại sức, có dịp thuận tiện để vợ chồng "thông cảm", đó là thời gian thú vị mà Chúa đã ban cho loài người chứ phải chơi sao.
Buổi trưa chủ nhật các con đường đổ về đại lộ số 10 vắng hết người nên nhìn thẳng băng, gọn ghẽ. Dân xóm hồi đó đâu đã có tiền sắm xe hơi nên chẳng có chiếc nào đậu chắn lối hay lác đác dọc đường do đó phân biệt rõ ràng: trên lề xi măng, dưới đường là đá đan đổ nhựa. Nhìn chỗ nào cũng nắng chói mắt, từ nhựa trải đường đến hàng rào sắt, bực thềm nhà đá ong. Tất cả họp thành một khối chói chang, đứng sững bất động trong ngày chủ nhật.
Vậy mà Lucia Santa đã cố tình canh đúng cái ngày ngưng hoạt động đó để "chơi" bằng được vợ chồng nhà Cinglata, "chơi" cho trở tay không kịp. Mụ đợi cho con chị Octavia dẫn hai em nhỏ Sal và Lena đi chơi chiều chủ nhật như thường lệ, hai thằng Gino và Vincenzo đi xem hát bóng đá.
Phải cho thằng Lorenzo này một trận. Nó là con trai lớn nhất nhà, cha thì chết... chỉ trông vào mình nó là trụ cột gia đình. Vậy mà nó bê bối, nó dám xem thường cả mẹ đẻ. Bữa cơm trưa chủ nhật nó đâu thèm về nhà ăn? Mà hai đêm liền không ngủ nhà, sáng ra mới bò về nói phải làm đêm và ở lại ngủ kế chuồng ngựa. Làm sao qua mắt nổi. Mụ Lucia Santa mở tủ xét thấy ngay nó đã mang đi bộ đồ chiến nhất, một trong hai chiếc sơ mi trắng và cả chiếc va li nhỏ. Vậy là quá rồi! Sau khi rủa "đồ chó chết" là mụ quyết định làm liền.
Thế này là nó xem rẻ con mẹ nó quá. Chưa đủ mười tám tuổi chưa có vợ và còn ở nhà với mẹ và còn mẹ... ai cho phép nó tự ý đi hoang? Người ta cười vào mặt cả nhà và lối xóm còn xem con mẹ nó ra gì? Dầu sao thì mụ cũng là mẹ nó, mụ có quyền. Nó không có phép làm ngang.
Ở nhà đi, Lucia Santa ăn bận đồ đen chỉnh tề, có mũ có khăn choàng che và xách ví đàng hoàng. Đi giày là phải có tất, dù chân mụ ngắn và dây nịt giữ đôi tất xiết lẳn vào đùi. Dù trời nắng mụ cũng đi bộ từ nhà lên đường 36, vừa đi vừa bực bội, suy tính sửa lưng cho con mụ Cinglata một trận rõ đau.
Hồi nhớ cảnh tượng hai mươi năm về trước mụ lại nổi sùng dữ. Con ranh con hồi đó khóc sướt mướt ngay buổi lễ cưới nhà thờ, ra điều phải lấy một thằng chồng chưa hề biết mặt. Điệu bộ thế đó mà bây giờ, trời ơi, nó dám làm vậy...
Mụ nhếch mép cười chua chát. Đến ghét những quân khoác vỏ đạo đức, làm bộ làm cao. Thứ đàn bà như nó làm điếm mới đúng! Người đàng hoàng lấy chồng phải có hôn thơ hôn thú, phải giữ tư cách để dám nhìn thẳng tận mặt thiên hạ, giàu nghèo thây kệ họ. Đó là điều quan trọng, chẳng ai dám xem rẻ. Và nếu bị hạ nhục còn có thể rửa nhục bằng máu mà không e ngại... Mụ hăng tiết lên nghĩ vậy nhưng đành dẹp qua một bên. Vì... đây đâu phải như quê hương mình?
Phải rồi đây là đất Mỹ! Ai muốn làm gì thì làm mà. Nó đâu phải con nít, nó đâu còn bố còn mẹ? Bây giờ con Cinglata là bà rồi! Một bà ra dáng lắm... nhưng bản chất vẫn là quân hà tiện.
Nhưng còn thằng Lorenzo? Ở Mỹ hay không ở Mỹ, vị thành niên hay thành niên, đã đi làm ra tiền hay còn phải nuôi báo cô thì con vẫn phải là con. Nói không nghe là vả vỡ miệng! Nếu thằng cha nó còn sống thì ăn đòn nát xương chắc... có điều nếu vậy nó đã chẳng dám đi ngủ hoang!
Dãy nhà mụ Cinglata đây, tới nơi thấy mát mẻ hẳn. Mụ Lucia Santa quyết định đứng ở hành lang nhà dưới nghỉ một lát sau vẫn cứ thấy cái mùi hang chuột vừa lấy sức lên thang gác và còn phải cho chúng một trận chứ? Trong giây lát Lucia Santa cảm thấy cả một nỗi chán chường cho cái thân phận chẳng ra gì ở cõi đời này. Đám con lớn lên chẳng còn là con cái mình, mở miệng ra xài rặt tiếng Mỹ... Còn thằng chồng thì tính nết dấm dớ, tranh đua không lại với thiên hạ.
Ô hay, cứ lẩn quẩn những ý nghĩ chán chường ấy đâu được? Vậy là hỏng! Mụ bước lên thang. Con cái tao nhất định không lộn giống ăn cướp, không có thứ đĩ đực sống bám rút rỉa mấy con mụ già! Mệt quá, cầu thang trôn ốc lên chóng cả mặt tự nhiên đầu óc mụ lởn vởn hình ảnh cái ghế điện, hình ảnh thằng con trai đầu lòng người đầm đìa những máu vì ăn dao của thằng cha già gốc Sicily hay của thằng chồng mọc sừng.
Cánh cửa nhà Cinglata mở bật ra là "chiến đấu tính" trong con người mụ Lucia Santa nổi dậy đùng đùng... để rồi hạ xuống liền khi thấy thằng chồng đứng lù lù.
Ô hay, sao lại thế này? Rõ ràng thằng cha Cinglata ria mép rậm, sơ mi trắng, quần mang dây nịt treo đàng hoàng... mà mặt mũi chẳng xanh xao như vừa ở tù ra chút nào. Ủa, thằng chồng vừa ở tù về và hiện có mặt ở nhà thì thằng khốn Lorenzo cũng ở đây sao được? Nó ở đây làm gì... hay tất cả chỉ là chuyện thiên hạ đồn nhảm?
Mụ Lucia đã muốn khựng lại nhưng ánh mắt vừa chạm con mẹ Cinglata đứng bên cạnh bàn là chắc chắn chẳng "thiên hạ đồn" chút nào! "Phải có một cái gì thì nó mới nhìn mình cái lối thù địch, ganh tức thế kia chứ? Nó còn vênh mặt kên kên mà?"
Nó cũng mặc đồ đen như Lucia, cũng cỡ tuổi mụ nhưng không mập bằng nên dĩ nhiên nhìn trẻ trung hơn. Dù sao nó cũng một cỡ với mụ... nghĩa là bằng tuổi mẹ thằng Lorenzo. Sao nó dám quyến rũ một thằng cỡ tuổi con nó và còn làm mặt tự nhiên, ngây thơ thế kia được?
Thằng cha Cinglata lớn tiếng chào "Tưởng ai hóa ra chị Lucia. Mời chị vào chơi, uống với tụi tôi một ly rượu". Nó đưa mụ tới một chiếc bàn mặt lót thiếc trắng, tự tay bưng vò rượu đặc biệt rót mời một ly, miệng nói tía lia mắt nháy nhó:
- Xin tiết lộ là năm ngoái bên mình được mùa nho. Rượu chát năm nay thơm lắm, rõ ràng mùi quê hương xứ sở. Dĩ nhiên đây chẳng phải thứ nhà bán thường ngày, chỉ đãi quý khách mới mang ra...
Mụ vợ bưng ra nguyên một đĩa bánh cay tarella nóng giòn và điểm ớt lấm tấm đỏ. Mụ đặt lên bàn mời khách rồi ngồi khoanh tay... vì mụ đâu biết uống rượu. Thằng chồng tự rót ly rượu, nâng lên mời rất lịch sự, quý trọng làm Lucia Santa có muốn nổi nóng tức khắc cũng cứ phải nhịn chút xem sao cái đã.
Lucia Santa bưng ly rượu lên uống. Giây lát sau mụ mới mở lời, giọng ngọt ngào chứ không cay đắng, gay gắt như đã dự tính từ nhà. Mụ nhóng hỏi:
- Tôi mấy bữa nay có nghe người ta nói thằng nhỏ nhà tôi ở bên đây... giúp đỡ chị tiếp khách. Hôm nay nhân thể rổi rãnh ghé qua xem thằng Lorenzo đi đâu mà hai đêm rồi không về nhà ngủ? Chắc chủ nhật nhà đông khách lắm mới phải nhờ tới nó, phải không?
Thằng cha Cinglata cười hề hề:
- Đâu có? Chiều chủ nhật là tụi tôi nghỉ chứ? Có bán cũng là bán tối thôi. Bà con mình mà... đâu phải dân Do Thái?
- Tôi thấy phải xin phép nói ra điều này, mong anh hiểu cho nỗi lòng người mẹ. Thằng Lorenzo nhà tôi còn con nít, nó đâu đã đủ khôn ngoan để dính vào những vụ này? Nó đâu đã biết suy nghĩ chín chắn... bằng không đâu dám đụng đến một ông già cỡ tuổi cha nó? Ấy là tôi nghe nói vậy. Mà nó nhè đụng thứ dân Sicily dữ dằn, lúc nào cũng có thể giết nó như giết ruồi! Vụ này chắc anh phải biết chứ?
- Đúng thế! Dĩ nhiên tôi phải biết. Thằng Lorenzo nhà chị vậy mà được. Nó ngoan đấy. Nó đã được chị nuôi dưỡng dạy dỗ đúng nếp sống xứ sở mình... nghĩa là biết kính trọng người già cả và gặp việc là mau mau giúp đỡ. Nghe nói lương nó lĩnh ra bao nhiêu đưa về cho chị đủ mà? Con nít mới lớn lên mà được như vậy là nhất đấy! Bởi vậy tôi mới thương nó, tôi hoàn toàn tin tưởng nơi nó nên xưa nay tôi ít chịu tin ai... mà nhà tôi chỉ riêng mình nó ra vào tha hồ, lúc nào cũng được. Tôi mà chịu nó thì thằng nhỏ phải có gì hơn người.
Nó nói dông dài nghe sốt ruột quá. Mụ Lucia buộc lòng phải cắt ngang:
- Cảm ơn anh khen cháu... Nhưng ngoan ngoãn hay "được" đến mấy thì còn con nít nó cũng phải vâng lời... và trước hết phải vâng lời, kính trọng con mẹ nó là tôi đây này! Tôi nói vậy có gì sai quấy không? Tôi thấy nó đi biệt hai đêm, xách theo cả quần áo... nên mới sang hỏi anh xem nó có ở lại đây đêm nào không?
Khi không con mẹ Cinglata chen lời và ngay Lucia Santa cũng phải phục nó ở chỗ dám nói thẳng băng, trắng trợn bênh thằng Lorenzo chằm chặp. Nó bảo rằng:
- Ồ, tưởng gì... chứ thằng Lorenzo nhà chị xem vậy cũng lớn rồi chứ bộ con nít sao? Nó đã biết đi kiếm tiền thiên hạ nuôi thân và còn giúp đỡ mẹ nuôi mấy đứa em nhỏ phần nào phải không? Mình đang ở Mỹ chứ có phải ở bên Ý đâu... nên theo tôi "cai trị" có hơi khắc nghiệt đấy!
Lucia Santa cười nhạt "Mày nói vậy là mày hố với tao rồi! Mày dám đụng chạm, phê phán đến quyền hạn của một người mẹ sao? Mày dám chê tao khắc nghiệt?". Mụ nghĩ thế và cho là có quyền nổi nóng... nhưng cố nhũn nhặn lịch sự xem thử:
- À, bây giờ đến lượt chị cho là tôi khắc nghiệt? Cũng may là chị không có đứa con nào... chứ gặp hoàn cảnh tôi thì... Vả lại chị đâu biết bọn con nít bây giờ tồi tệ quá? Nên chị đỡ được hẳn những mối ưu tư, lo rầu của một người mẹ. Chẳng hạn như vụ thằng Lorenzo nhà tôi đi ngủ lang. Tôi là mẹ nó, tôi phải lo. Mỹ thì Mỹ... chứ ở Phi châu hay ở Ănglê đi nữa thì vấn đề vẫn vậy. Còn ở trong gia đình con cái đâu có quyền đi ngủ bậy? Nó có nhà thì phải về nhà chứ? Tôi là mẹ tôi không lo ngại sao được, khi không nghe thiên hạ đồn rùm là thằng Lorenzo nhà tôi đi ăn nhậu hay có chuyện đập lộn với dân ăn nhậu? Lỡ ra một cái nó tù tội, nó lên ghế điện thì sao?
Nghe Lucia Santa dồn một hồi, mụ Cinglata đâm nổi nóng và nạt lại:
- Xem, chị nói gì kỳ vậy? Chị nói vậy, khác nào bảo thẳng vào mặt tụi tôi làm ăn bần tiện, bệ rạc và thằng Lorenzo không đáng ra vào nơi này? Oai quá ta! Nhưng xin hỏi... chị là ai mới được chứ, gốc gác chị cỡ nào mà cao sang thế? Hồi còn ở bên nhà tôi có nghe nói dòng dõi quý tộc nào mang danh hiệu Angeluzzi hay Corbo quái đâu! Tôi xin lỗi phải nói vậy vì bề nào thằng chồng tôi cũng đã từng làm ăn chung và là bạn thân thiết của bố thằng Lorenzo hồi đó. Gọi Bố già cũng không quá đáng mà. Vậy mà theo ý chị thì thằng Lorenzo không đáng đặt chân ra vào nơi đây, phải vậy không?
Mụ Lucia Santa nghĩ thầm: ra con này lì lợm thật. Mụ muốn nói đốp vào mặt "Tao cấm con tao là vì không muốn cho nó gần mày... chứ như chồng tao thì có bao giờ có chuyện?". Nói vậy thì nó hết đường cãi song Lucia Santa không dám. Lỡ ra thằng chồng nổi giận "thịt" luôn cả con vợ ngoại tình lẫn thằng ranh đi ngủ bậy thì sao? Cái đó nguy hiểm. Mụ đành giữ thế thủ trước:
- Tôi nói rõ lại nghe. Tôi đâu cấm thằng Lorenzo đi lại, đặt chân vào nơi đây! Nhưng nó làm, nó đụng chạm với dân nhậu thì không được. Và ngủ lại qua đêm cũng không được.
Câu sau cùng mụ Lucia cố ý dằn giọng mà con mẹ Cinglata vẫn cứ cười:
- Cho chị hay là thằng Lorenzo ở lại đây chồng tôi biết, chồng tôi đồng ý mà? Chồng tôi hiểu biết chứ đâu phải hạng người chỉ nghe "thiên hạ đồn" mà tin ngay được... là vợ nhà "ngoại tình", thất tiết với một thằng bé con? Dĩ nhiên là chồng tôi chịu nó là chịu ở chỗ nó dám bênh vực trong lúc mình vắng mặt. Nên mới thưởng cho nó hai chục đô la chứ? Chị thấy chưa... hay chị cứ nhất quyết tin rằng thằng Lorenzo hư hỏng, nhân danh là mẹ nó?
Bắt gặp ánh mắt thằng chồng gườm gườm nhìn ngay cổ họng con vợ, mụ Lucia cuống quít đáp:
- Tôi ấy à? Người ta nói thì mặc người ta... nhưng tôi, tôi biết chứ. Anh ấy đâu phải người khờ khạo tin nhảm.
Miệng nói đẹp vậy, nhưng bên trong mụ muốn chửi ầm lên! "Thằng ngu... thằng mọc sừng". Còn nghĩ xấu cho chính thằng con lớn ư? Còn ai đủ thẩm quyền bằng mẹ, người đẻ ra nó?
Nhằm đúng boong lúc đó thằng Lorenzo ở đâu thò đầu vào. Nó vào tự nhiên... như nhà nó vậy, đâu thèm gõ cửa? Nội cái vẻ sững sờ, nhột nhạt của nó cũng đủ để Lucia rũ sạch mọi nghi ngờ. Đừng hòng giấu giếm che đậy!
Nhìn thấy mặt mẹ nó ở đây mà thằng Lorenzo còn nhe răng cười được. Nó nhoẻn miệng cười với con vợ ngoại tình với cả thằng chồng mọc sừng. Và vợ chồng Cinglata còn cười đáp lễ mới lạ.
Chỉ bấy nhiêu thôi song con mắt sành sỏi của bà mẹ khôn ngoan đã phân tích rành rẽ: Thằng chồng cười là cười giả, cười gượng. Nụ cười của một thằng không mất mát cái gì! Còn con vợ thì cùng chung lứa tuổi với mụ mà nó cười được vậy quả là dễ sợ. Nó cười bằng mắt với thằng bé. Cặp mặt ướt long lanh đa tình và môi con mẹ dâm thấy ghê!
Mụ Lucia lẳng lặng nhìn thằng con lớn. Mày bô trai đấy nhưng mày không tim, Lorenzo! Xem, khổ người nó vạm vỡ lực lưỡng, mặt mũi đều đặn, mái tóc xanh đen và da thì rõ ràng là da con trai mới lớn... hừng hực những nam tính. Cái thằng dối láo quen, thấy mẹ ngồi đó làm bộ ngạc nhiên khéo lạ! Chiếc va li nhỏ nó đang cầm nơi tay được đặt xuống và nói:
- Ủa, mẹ đi đâu vậy? Mẹ có chuyện gì thế? Hai bữa không về nhà nhớ mẹ ghê đi!
"Quân giả dối... thứ một mặt hai lòng". Nhớ mẹ ghê đi! Mấy hôm nay mụ chỉ rình rình gặp mặt nó là cho một trận. Chắc nó vừa giờ núp đâu đó thấy mẹ đi là vọt về nhà thay đồ rồi xách va li vọt thẳng lại đây. Nó không ngờ là mụ dám tới nơi, tận ổ? Giận con quá lắm mụ Lucia vẫn cố nén xuống để hỏi móc họng:
- À, cậu con tôi! Cậu xách đồ đi dọn nhà hả? Chắc cậu tới xin làm con nuôi ông bà Cinglata đây chắc? Hoan nghênh. Tại tôi nấu ăn hầu cậu quá dở... hay có đứa em nào dám hỗn láo cho nên cậu giận cậu bỏ đi đến nhà mới, phải không?
Cái thằng quá khôn đi! Biết mẹ giận dỗi mới "chơi chữ", nó nhe răng cười phá lên. Nó dư biết mụ tới làm gì mà.
- Thôi, cho con xin đi mẹ! Mẹ cứ tưởng tượng vậy chứ con đã nói rõ là ít hôm con sẽ lại đây giúp việc ít ngày kiếm thêm ít tiền... bao nhiêu đưa về mẹ hết mà! Mẹ phải biết dượng Cinglata ngoài vụ tòa án ra còn phải đi đây đi đó, đi nhiều nơi mua nho chứ bộ.
Mụ nhìn Lorenzo mỉm cười "cảm ơn" cậu. Hai vợ chồng thằng Cinglata cũng cười. Cái gì chứ ở đây, lúc này mà thản nhiên xài chữ dượng được thì nó quả có điếm! Không lẽ thằng chồng mù tịt... bằng không sao nó tỉnh bơ tiếp lời:
- Này chị, xin nói rõ là tụi tôi chịu thằng này và xem nó như con đẻ. Tụi tôi bất hạnh không con... mà tôi thì cứ vắng nhà hoài. Có ai khả dĩ tin được và bênh vực nhà tôi trong vụ làm ăn buôn bán đâu? Cái nghề này đàn bà khỏi làm được, nếu không có đàn ông con trai trong nhà. Có thằng Lorenzo thì tôi yên trí quá đi.
Chị nghe xem, Lucia... công việc ở Hỏa xa nó cứ làm đúng y giờ giấc. Xong việc là tới phụ giúp nhà tôi bán buổi sáng. Đêm làm thì ngày phải nghỉ ngơi mà đằng nhà chị đông trẻ chạy ra chạy vào la hét tối ngày. Đằng này vắng vẻ yên tĩnh thì làm sao không tới cho khỏe nhỉ? Bà con mình với nhau tôi không tin nó còn tin ai? Hơi đâu bận tâm chuyện thiên hạ đồn! Tôi là thằng đàn ông biết đi kiếm tiền và kiếm ra tiền... hà tất tôi phải để vào tai những lời nói nhảm của mấy ông bà hàng xóm.
Nghe thằng chồng nói thẳng thừng như vậy, Lucia Santa hiểu rồi. Hiểu hết. Ra tụi nó ghê gớm thật. Thằng chồng thì hùng hục chạy theo tiền, thây kệ cho con vợ ngủ bậy. Con vợ chẳng lạ gì nết yêu tiền của chồng - lòng dạ con vợ hay danh giá gia đình, tiếng xấu đồn đại... với nó tất cả đều thua tiền. Đến tởm cho cái giống tham tiền!
Cứ giả thử không có chuyện "bậy bạ"... nhưng sống chung đụng với hạng người này thằng Lorenzo làm sao khá nổi? Để nó ở lại đây, do đó không thể được. Tuy nhiên, Lucia Santa vẫn ngọt ngào bảo con trước đã:
- Thôi, Lorenzo nghe tao nói. Mày con tao thì mày phải ở nhà tao. Mày lấy đồ đi về nhà ngay. Mày không về thì tao cũng ở lại đây luôn.
Lorenzo bây giờ mới cười gượng gạo:
- Mẹ... mẹ làm kỳ quá! Con đi làm năm năm rồi, lương con là mẹ lĩnh. Con đâu phải con nít mà mẹ giữ.
Mụ Lucia Santa đứng phắt dậy, nghiêm nghị nạt:
- Xem, tao là mẹ... tao đẻ ra mày phải không? Có mặt người ngoài mà mày dám cưỡng lời tao, phải không Lorenzo?
Con mẹ Cinglata chen vào bảo thằng nhỏ:
- Thôi về nhà đi cậu bé! Về nhà cho mẹ yên trí. Mẹ kêu là con phải về gấp chứ?
Khuôn mặt rám nắng của thằng Lorenzo bỗng đỏ ửng. Nó mắc cỡ và cũng giận dữ nữa chứ. Mắt nó đổ lửa in hệt thằng cha nó ngày trước. Nó hùng hổ: "Về nhà hả? Khỏi!".
Uất quá mụ Lucia Santa chồm tới, vả vào miệng Lorenzo một phát cái bốp. Nó vùng đẩy mẹ ra, làm mụ chới với nếu lưng không dựa vào thành bàn dám ngã lắm. Vợ chồng Cinglata sững sờ: mẹ con mà phải dùng đến chân tay với nhau là dễ có chuyện lớn đến nơi. Hai người chạy tới chen vào giữa can. Tưởng sao, Lucia Santa rít lên khoái trá:
- À, thằng này bây giờ bảnh quá ta? Con mà dám đánh cả mẹ thì trời đất ơi... đồ súc vật, đồ súc sinh, đồ con nhà đàng điếm! Ôi, cũng may mà cha mày chết rồi, khỏi phải chứng kiến cái cảnh con đánh mẹ, chỉ vì người ngoài.
Một bên mặt Larry còn in hằn năm vệt đỏ của cái bạt tai nhưng nó xẹp ngay, hết dám giận dữ. Vì mắt mẹ nó đỏ hoe, nước mắt chảy dài trên má. Con mà làm mẹ khóc, trước mặt người xa lạ thì tội quá! No bèn xuống nước nhỏ giọng vỗ về:
- Trời, mẹ nói vậy chứ con đâu dám? Con lỡ tay gạt ra...
Bây giờ Lucia Santa thấy chẳng còn gì để nói với nó. Mụ quay sang vợ chồng Cinglata:
- Vậy cho mấy người hài lòng! Thôi được, thằng con tôi muốn ở lại đây cứ việc ở. Nhưng xin cho hay tôi bảo nó phải về nhà tối nay. Bằng không sáng sớm mai tôi sẽ ra Cục Cảnh sát. Nó còn vị thành niên thì tôi gửi vào Trại giáo hóa, còn mấy người có vào khám ráng chịu! Mấy người nấu rượu lậu được... nhưng quyến rũ trẻ vị thành niên thì tù chắc! Luật pháp nước Mỹ này như vậy. Chị nói đúng, mình đâu phải ở Ý.
Vậy là quá rõ. Mụ bảo thằng con trai:
- Còn mày... mày cứ việc ở lại với mấy người thân của mày! Tao đi về, nhưng tao không muốn cùng đi chung với mày. Mày cứ ở lại cho thỏa chí đi... nhưng khuya nay mà không thấy mặt mày ở nhà thì đừng oán trách tao. Mày sẽ được gửi vào Trại giáo hóa.
Dứt lời mụ Lucia Santa quầy quả bỏ đi, mặt ngửng lên kiêu hãnh. Trên đường về mụ không khỏi suy nghĩ: "Thế mới biết đời có những đứa chỉ biết có tiền. Tiền trên hết, chúng đểu thật, thú vật thật! Nhưng có đồng tiền trong tay thì chúng vẫn dám hất mặt lên như thường"...
Ngay tối hôm đó chờ cho bọn trẻ ngủ hết, mẹ con Lucia Santa và Octavia mới ngồi bàn tính bên tách cà phê, ở dưới bếp. Vẫn chưa thấy mặt thằng Lorenzo nên Octavia chỉ sợ mẹ làm dữ, sáng mai tống nó vào Trại Giáo hóa thật. Nếu vậy phải bỏ một buổi làm, phải đi theo mẹ tới Cục cảnh sát đưa đơn. Không ngờ mẹ cả quyết tới mức đó! Vậy ác quá...
Có tiếng gõ cửa làm hai mẹ con giật mình. Octavia mau mắn chạy ra mở cửa, đụng đầu một gã cao lớn, bô trai, ăn diện chững chạc như kép xinê. Hắn mỉm cười và cất tiếng hỏi bằng tiếng Ý đàng hoàng, đúng văn phạm:
- Thưa đây có phải là nhà bà Corbo không? Tôi là luật sư được thân chủ Cinglata nhờ tới thưa chuyện...
Luật sư thì cũng là khách mà khách tới nhà thì phải mời ngồi, mời uống tách cà phê. Ông luật sư ngỏ lời:
- Thưa bà Corbo... theo tôi nghĩ thì bà giận dữ Lorenzo có hơi quá. Nói thực là... về vấn đề rượu lậu. Còn dùng thì vẫn cứ dùng, kể cả Tổng thống của chúng ta... và cả chính bà nữa.
- Thưa luật sư... Ông muốn nói sao thì nói...
Lucia Santa khi không cắt ngang nhưng ông luật sư vẫn bình tĩnh ngồi nghe và nhìn mụ đăm đăm.
-... Còn nó là con tôi thì nó phải ở nhà, đêm đến phải ngủ nhà với chị nó, các em nó. Chưa có vợ là chưa có quyền ở riêng nhưng nếu nó muốn thì tôi sẽ mời nó vào Trại giáo hóa ở chơi. Ở đến năm chẵn mười tám tuổi nó có quyền ra và dĩ nhiên tôi mới hết là mẹ nó. Còn bây giờ chưa đến tuổi thì nó không được tự quyền. Tôi là mẹ nó và tôi không muốn con cái tôi lớn lên làm ma cô, làm... đực... hay làm kẻ cướp!
Ông luật sư vẫn thản nhiên nhìn mụ trừng trừng để rồi ngỏ lời thật vắn tắt:
- Bà nói đúng, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng chỉ xin bà nghe tôi nói đây. Tội vạ gì đi trình cảnh sát? Tôi cam kết với bà là nội nhật ngày mai Lorenzo sẽ trở về nhà này và từ giờ trở đi sẽ chấm dứt mọi chuyện lộn xộn. Như vậy được không?
- Không được! Ngay tối nay...
- Xin lỗi bà... tôi thấy bà bắt buộc vậy không được! Thằng con bà ngày giờ này nó đâu còn con nít? Nó có tự ái của nó. Bà là mẹ nó và kinh nghiệm sống có thừa... chắc hẳn bà phải biết điều đó hơn ai hết. Ép nó quá mất mặt đời nào nó chịu?
Đó là sự thực phải công nhận. Vả lại tự ái của mụ cũng đã được vuốt ve nên Lucia Santa hể hả gật đầu.
- Bà thông cảm vậy là tốt... Xin tạm biệt.
Ông luật sư đứng dậy cúi đầu chào cáo lui. Còn hai mẹ con, Lucia Santa bảo Octavia: "Mày thấy chưa, đối với Lorenzo thì phải làm dữ vậy đó!". Nàng còn ngẩn ngơ chưa hiểu mẹ muốn nói gì thì Lucia cười phá lên:
- Luật sư? Luật sư chó gì thằng vừa rồi? Nó làm ăn với Mafia, nó lĩnh lương Bàn tay đen. Chỉ liếc xem bản mặt nó là tao biết liền!
Octavia cũng cười hả hê: "Mẹ làm con thấy ghê quá". Nó nhìn bà mẹ, phục mẹ sát đất. Xem vậy mà mẹ đối chọi ngon lành, biết thằng cha luật sư có liên hệ ăn cướp mà vẫn tỉnh táo, ung dung. Khỏi khớp, khỏi ngán nó... dù chỉ là một mụ đàn bà nhà quê thất học. Trái lại... lúc đầu nàng còn có cảm giác là mẹ sắp sửa lấy cây tackeril ra, phết cho ông luật sư mấy roi!
- Vậy là mai con cứ đi làm như thường chứ?
Mụ Lucia Santa đáp thản nhiên:
- Còn hỏi? Phải đi làm chứ bộ, bỏ một ngày lương sao. Mình đâu đã đủ tư cách. Người như mình có bao giờ giàu nổi!