Dịch giả: Ngọc Thứ Lang
Chương 3

Octavia sáng nào cũng dậy sớm, dậy đúng vào lúc mặt trời lên vừa làm ấm hơi sương. Xuống rửa mặt ở lavabô dưới nhà bếp xong đi dọc hành lang trở về phòng nàng không thấy mặt ông cha ghẻ đâu hết. Xưa nay hắn có lệ ít ngủ mà lại dậy sớm nhất nhà nên cũng chẳng lạ mấy nhưng phòng bên thì trống trơn. Đúng là tối qua thằng Larry đi hoang, khỏi có ngủ ở nhà.
Ba đứa nhỏ vẫn ôm nhau nằm ngủ chình ình giữa nhà, quần lót sệ xuống hở cả dái nên Octavia mau mau kéo mền đắp đỡ cho chúng.
Mỗi lần sáng ra mặc quần áo sửa soạn đi làm Octavia lại cảm thấy chán chường, vô vọng. Mới hửng sáng ra đã thấy người hầm hập khó thở, chắc tại hơi người quá nhiều. Ánh nắng chiếu hắt vào, soi rõ những bàn ghế rẻ tiền, lớp giấy hoa sặc sỡ dán lên trên vách nay đã phai màu hết. Có cái gì không phai nhạt, không hư hỏng đâu?
Chán chường nhất đối với Octavia là viễn ảnh thế nào cũng phải tái diễn cuộc đời tôi mọi của mẹ. Ôi, còn gì thê thảm cho bằng sáng mở mắt dậy chồng con đâu không thấy chỉ thấy phải chứng kiến bầy con nhỏ lúc nhúc đầy một giường, nằm chình ình ra giữa phòng khách. Còn phải chăm sóc, nấu ăn, giặt giũ, hầu hạ chúng suốt một ngày trời. Đau khổ quá, rốt cuộc có còn gì đâu? Thơ mộng đến mấy cũng chỉ đến cái giường là hết!
Vừa hận đời, vừa thương thân lại run sợ gặp phải một cái gương như thế đó, Octavia cảm thấy mình quá nhỏ nhoi, quá mỏng manh... không sao tránh thoát. Còn biết đi đâu, còn biết làm cái gì bây giờ?

*

Mớ tóc đen nhánh gỡ chải đàng hoàng, Octavia lo mặc đồ đi làm, rất giản dị váy xanh sơ mi trắng. Nàng chầm chậm đi trên lề đại lộ số 10 lát đá xanh lúc bấy giờ nóng bỏng. Tiệm may Octavia làm nằm giữa đại lộ số 9 và đường 36 nên không thể không đi ngang "quán" mụ Cinglata. Biết đâu đi ngang lại không gặp thằng Larry?
Người thứ nhì ở trong nhà thức giấc liền sau đó là mụ Lucia Santa. Cảm nhận đầu tiên của mụ là ông chồng đi đâu mất biệt, chắc chắn đêm qua không về. Mụ vùng đứng dậy, thử mở tủ quần áo xem. Đôi giày hai mươi đô la của hắn còn nằm y chỗ nghĩa là có đi đâu hắn cũng còn phải về nhà chắc.
Yên trí rồi mụ đi xuống bếp. A, vậy là nó bảnh quá rồi! Thằng Lorenzo đêm qua đâu có về? Mặt mụ xụ xuống. Lucia Santa đi pha cà phê ngồi nhâm nhi suy tính phải làm gì ngày hôm nay.
Thằng Vincenzo bắt đầu đi làm công cho tiệm bánh. Vậy được. Thằng Gino còn nhỏ... nhưng phụ giúp mẹ trông nom quét dọn cái cư xá này không được sao? Cũng tạm được. Ai bảo ông già chúng không lo sắp đặt cuộc sống cho đàng hoàng thì con cái phải khổ là dĩ nhiên!
Lucia Santa ra xách mấy chai sữa tươi vào, vác theo ổ bánh mì tổ bố. Lấy dao xắt một khoanh dầy, mụ trét bơ lên ăn lót lòng cái đã. Mấy đứa nhỏ cứ để cho nó ngủ.
Ngoài những buổi tối họp mặt lối xóm, Lucia Santa chỉ khoái khoảng thời gian sớm sủa này. Trời mát, con nít chưa dậy và người lớn thì ai vào việc nấy. Riêng mụ thì khỏe khoắn, sẵn sàng gánh vác gia đình.

*

Con nít nhà này có lệ cứ nghe tiếng lão già rao hàng dưới đường vọng lên "Rau tốt quá này... Ra mua mau đi" là chúng bảo nhau nhỏm dậy hết. Cả ba thằng cùng nhảy khỏi giường một lượt. Gino ra cửa sổ nhìn lão hàng rau đang đứng trên nệm xe mỗi tay cầm một cây xà lách xanh ngắt giơ cao lên như muốn khoe với bà con trên gác. Miệng lão tía lia: "Rau tốt quá này..."
Cứ mỗi lần cho chiếc xe ngựa dừng lại cách vài ba căn trên đại lộ số 10 là lão lại đứng lên phô trương mớ "rau tốt". Lão làm như khoái khoe hàng hơn là mời bà con mua rau. Chiếc xe ngựa xếp đầy những thùng, những củ hành tây trắng bóc, những củ khoai tây bự bên cạnh những thùng táo đầy có ngọn, những bó rau cần tây, tỏi tây, hành ngò đủ thứ...
Mụ Lucia Santa lựa đúng lúc ăn sáng để ra lệnh:
- Tụi bây nghe đây... Cha tụi bây bỏ nhà đi chơi một thời gian. Không có hắn thì tụi bây phải làm ăn kiếm sống phụ tao chứ? Thằng Vincenzo qua bên tiệm bánh làm. Thằng Gino phải lo phụ với tao chứ chơi đùa dông dài là không được. Tao lau chùi cầu thang thì mi lo xách nước, lo vắt nùi giẻ, lo quét dọn không được sao? Thằng Sal (gọi tắt chữ Salvatore) quét bụi cũng được vậy... còn con Lena nữa...
Mụ nhìn hai đứa con nhỏ cười cười, ra điều đùa chơi cho vui. Vincenzo buồn thiu, cúi mặt nhưng Gino nhìn mẹ... nũng nịu phản đối:
- Không được đâu mẹ! Bữa nay con mắc bận.
Mụ Lucia Santa làm bộ cúi đầu lễ phép:
- Dạ, cậu mắc bận? Còn tôi, tôi ngồi chơi chắc?
Thấy mẹ cà giỡn, Gino làm tới. Nó lý sự rằng:
- Con mắc bận thật mà. Con với thằng Joey Bianco đã ngoéo tay nhau, bữa nay thế nào cũng phải vào nhà ga lấy nước đá bằng được. Tụi con sẽ đem bán nhưng thế nào cũng mang về cho mẹ một mớ, mẹ tin đi. Con sẽ biếu dì Louche nữa.
Cái thằng láu cá như vậy đó! Mụ Lucia nhìn nó cười và cưng nó thấy rõ làm Vincenzo ganh tức. Mụ dọa trước:
- A, nếu vậy được! Nhưng cái tủ nước đá của tao phải đầy, đầy trước đã. Rồi mi muốn biếu ai tùy ý...
Thằng Vincenzo đang cầm miếng bánh mì ăn hậm hực buông xuống. Mụ quắc mắt nhìn nó và quay sang phía Gino:
- Đi đâu thì đi, chiều mi phải về. Gặp việc là phải làm. Bằng không tao sẵn cây roi kia.
Sự thực mụ chỉ muốn nạt thằng nhỏ cho nó ngán thôi. Vả lại ép dần nó vào công việc cũng là vừa...
Nó nói vào nhà ga lấy nước đá nhưng đâu phải chỉ có bấy nhiêu thôi? Với một thằng lên mười như Gino Corbo mà được thả lỏng khỏi nhà thì thiếu gì trò cực kỳ thú vị!
Gino ra cửa sổ đằng trước nhìn sang sân nhà ga đầy những toa xe lửa chở hàng và xa hơn nữa là dòng Hudson xanh ngắt. Chao ôi, trời bữa nay sao trong sáng vậy này! Nó cứ thế cắm cúi chạy ra đường.
Đế giày vải mỏng nên Gino cảm thấy vỉa hè nóng hực. Nó mặc chiếc quần Jean xanh bạc phếch và áo nó là áo pôlô bằng sợi nilông đan kẻ sọc mỏng dính nên lúc bay lất phất lúc dính chặt vào người. Nó đưa mắt nhìn quanh, tìm bồ ruột Bianco.
Thằng Bianco mới mười hai tuổi nhưng người thấp hơn Gino. Trong đám con nít đại lộ 10 nó là đứa ngon nhất, dám có trên hai trăm đô la gửi nhà băng kia mà. Đó toàn là tiền tự tay kiếm ra, mùa đông bán than, mùa hè bán nước đá... toàn đồ không mất vốn vì lẻn vào "đỡ nhẹ" ở các toa chở hàng trong vòng thành ga. Nó còn một mánh lới kiếm tiền là đứng lề đường chợ Thóc bên đại lộ số 9 bán mấy túi bao giấy.
Thằng Bianco mới tới đằng xa xa Gino đã thấy rồi. Nó đang kéo chiếc xe "cút kít" tự đóng bằng thùng cây, chiếc xe "làm ăn" của nó bảnh nhất phố, chiếc duy nhất có sáu bánh dư sức chở nước đá đi bán một đô la hay ba thằng bạn ngồi trên kéo đi như chơi. Cả sáu bánh xe cùng bọc vỏ cao su đặc, hai bánh xe trước có cần lái đàng hoàng, dây kéo xe cũng là thứ chế tạo ngon lành.
Trước khi lên đường "làm ăn" hai thằng đi đớp một chầu càrem chanh cái đã. Chính lão tiệm bánh xúc càrem và nghe chừng khoái "đầu óc kinh doanh" của chúng nên đặc biệt tặng cho mỗi thằng thêm một muỗng đầy.
Có thằng Gino đi cùng thằng Bianco chịu lắm... vì có thằng nhảy lên các toa xe "ăn hàng". Nó cũng khoái ăn hàng lắm... nhưng là "chủ nhân" nên đâu dám rời chiếc xe kiếm ăn. Vả lại phận sự nó còn phải thu tiền, đếm tiền mà.
Gino hối bồ ruột "Mày lên đi. Cho mày ngồi xe. Để tao đẩy cho". Thằng Bianco nhảy ngay lên ngồi bảnh chọe và dĩ nhiên nó phải nắm cần lái để Gino đẩy xe phía sau cho xe chạy băng ngang đại lộ, phóng qua căn nhà của lão bẻ ghi, cho xe len lỏi giữa khoảng đường đá sỏi nằm giữa khúc đường lầy. Tụi nó lẹ làng dừng xe vào giữa rừng toa xe chở hàng, chọn chỗ khuất nhất khỏi sợ ai trông thấy. Thằng Bianco nhìn quanh, kiếm một toa xe mà cửa chất hàng trên nóc quên đóng và rút mấy cái móc "đồ nghề" ra.
Gino cầm chiếc móc sắt, chạy tới toa xe hàng và thoăn thoắt leo thang sắt phóng lên nóc. Nó đứng sững trên nóc toa xe nhìn xuống nhìn quanh. Khoái chí, tự do thật! Kìa là dãy gác nhà nó, tầng trên cùng chỗ cửa sổ kia chính là nhà nó. Phía dưới là phố xa ''. Cửa tiệm biết bao nhiêu người đi lại, xe ngựa, xe hơi, thấy đủ hết.
Quanh đó là cả rừng toa xe hàng màu nâu, màu vàng, màu đen mang bản ghi danh hiệu cổ lỗ kỳ cục. Gino có cảm giác nó cưỡi sóng giữa một hạm đội toa xe. Xem, mấy cái toa xe trống trơn hở hang kia chắc chở súc vật chắc? Rõ ràng có mùi phân bò. Nó quay lại nhìn phía sau. Đứng đây nhìn ra thấy rõ tới bờ biển Jersey lận. Giữa rừng toa xe bất động cả mấy trăm chiếc thỉnh thoảng có vài chiếc đầu máy đen xì chạy tới chạy lui. Dĩ nhiên chúng không kéo còi nhưng cái mùi khói trắng khen khét sáng ra ngửi dễ chịu lạ...
Tiếng thằng Bianco hét lớn "Gino... liệng xuống đi mày. Thằng trâu nước đến là hư hết!".
Lập tức thằng Gino phóng móc sắt xuống và câu lên một cây nước đá. Một cây nữa, rồi cây nữa. Nước đá chất đầy tới nóc móc khẽ cũng kéo lên dễ dàng. Nó thoăn thoắt đẩy cây đá trên nóc toa cho rớt xuống đất. Bất quá chỉ mấy miếng nho nhỏ ở ngoài, những viên nước đá nhỏ sắc cạnh sáng lóng lánh.
Được cây nào Bianco ném ngay lên xe nên loáng cái đã đầy ắp, Gino bèn tụt thang xuống ra đẩy sau xe, thằng kia khoác dây kéo cho xe chạy nhanh.
Làm gì thằng Gino không nhớ mẹ hăm những gì, nhưng mới "làm" được xe đầu tiên chạy ra phố đã bị lão chủ tiệm bánh chạy ra kéo lại mua một đô la nguyên xe. Chuyến thì nhì lại có lão chủ tiệm chạp phô bao, dĩ nhiên cũng một đô la một xe nhưng hai thằng có quyền đớp xăng uých uống nước ngọt khỏi trả tiền.
Làm ăn ngon, hàng bán chạy cỡ đó, được giá như vậy thì được xe nào ra cứ bán đã. Mang về nhà trước sau cũng thế chứ gì?
Chuyến thứ ba bà con tầng một chung đậu nhau mua. Chúng làm ăn lẹ làng lắm nhưng cũng phải gần hết buổi sáng. Chừng làm chuyến thứ tư thì "lâm nạn".
Sếp cảnh sát khu đất trống nhà ga thấy tụi nó làm ăn nãy giờ. Hai đứa lo mê mải ăn hàng, hết toa này sang toa kia, cứ lo nhào vào sâu dần trong sân ga để tìm món bở hơn làm như thú đói "say mồi" chỉ nhằm chỗ tốt để ăn cho đã! Vì vậy mới bị người nhà nước chặn đầu đột ngột... nghĩa là chừng biết có biến thì hết lối chạy.
Thằng Bianco đứng dưới đất nhưng nhìn thấy sếp Trâu Nước trước. Nó vừa kịp la lên phi báo thì từ nóc toa xe Gino nhìn xuống đã thấy bồ ruột bị nắm đầu, hết cục cựa. Sếp cảnh sát bận đồ rộng thùng thình xem như hề Charlot ngước nhìn lên nạt: "Nhãi con, biết điều xuống ngay. Đợi tao lên là bể đít!".
Gino đứng sững, mặt nhăn nhó nhìn làm bộ suy tính. Giữa trưa nắng máu nó như sôi lên được. Điều này kẹt nhưng nó thì khỏi sợ. Làm gì nổi mà lo? Nó còn đứng trên này là vững quá, bất quá chỉ một mình thằng Bianco và cái xe "bị"! Mà chỉ đến phá "đồ nghề", đá đít ra khỏi khu nhà ga là tối đa. Nhưng vấn đề là vẫn phải lo... cứu bồ chứ. Nó phải nhử sếp lính, phải chọc giận cho sếp chịu không nổi, buông Bianco ra rượt theo nó là thế nào cũng thoát cả người lẫn xe. Phải làm liều...
Nó bèn chường mặt ra nhìn sếp cười hề hề: "Ủa Charlot hả? Dám lên rượt thật hả?"
Nhanh như cắt Gino chạy qua phía bên kia, dợm leo thang xuống nhưng lại cố tình ló đầu lên ngay lập tức: "Ê, đây mà bồ?"
Ức quá, sếp cảnh sát bèn nạt Bianco "khôn hồn đừng chạy" rồi chui dưới toa xe tính chặn đầu Gino nhưng nó lại thoăn thoắt leo trở lên như không! Sếp Trâu Nước lại bỏ trở về nắm cứng Bianco, nhưng thằng Gino cứ chạy tới chạy lui trên nóc toa xe cố tình chọc giận: "Leo lên đi, lên là bắt được liền!". Hắn cau mặt quát lớn:
- Tao nói lần chót... mày không xuống ngay là chết cha với tao!
Nghe sếp nạt nộ, thằng Gino đã không ngán lại đưa tay ngoáy lỗ mũi, chân chạy thoăn thoắt trên nóc toa. Vụt một cái nó đã nhảy sang toa kế và dừng lại nhìn. Dưới đất Trâu Nước trừng mắt nhìn dọa dẫm làm Bianco chưa dám liều lĩnh vùng chạy. Khoảng cách quá gần, cả đoàn xe không hơn mười toa thì nó rượt dễ quá mà.
Nhưng thằng Gino ma lanh, nhảy cỡ vài toa lại giả vờ tụt thang khiến sếp Trâu Nước uất quá, chui đại qua gầm xe, thây kệ cho Bianco chạy để vồ bằng được thằng con nít dám giỡn mặt nãy giờ. Quả nhiên trò cút bắt của Gino đã "giải phóng" được Bianco! Nó hân hoan nhìn bồ kéo chiếc xe "làm ăn" chạy vọt ra ngoài vòng thành nhà ga.
Phía dưới sếp Trâu Nước đã tính rút súng ra dọa. Chỉ sợ mấy người lớn nãy giờ đứng đâu đó nhìn thấy người nhà nước móc súng uy hiếp một thằng nhỏ thì kỳ quá! Vì vậy chỉ vẩy cây dùi cui nồ Gino: "Xuống đi, mày bắt tao phải rượt nãy giờ thì thế nào tao cũng cho mày ăn dùi cui".
Thằng nhỏ kéo xe nước đá đã ra thoát đến đại lộ nên Trâu Nước nạt lớn: "Xuống tức khắc. Tao đập thật thì mày chắc chết!".
Phía trên nóc toa thằng Gino lững thững bước tới. Sếp tưởng đâu nó đã biết ngán nên chuẩn bị nạp mình. Nào ngờ cái mặt nó ló ra thấy ghét, nhe răng cười nham nhở lại còn chửi thề một câu thật mất dạy! Tiếp theo đó là cả một cục nước đá bay vụt qua đầu và thằng quỷ nhỏ chạy vùn vụt trên nóc toa, chạy ngược vào phía trong sân ga.
"Chết cha mày, dáng đi của tao đã lật đật mà mày nhè giễu tao Charlot thì mày khó sống". Yên trí nó chẳng còn lối nào ra thoát, Trâu Nước bình tĩnh bám theo. Có điều một chạy trên nóc toa biểu diễn trêu gan, một rượt dưới đất vướng víu quá, cứ vấp đường ray hoài. Vừa thấy nó ló ra đã biến đâu mất... còn nhìn dáo dác tìm thì thằng ranh con đã chạy ngược trở lại từ lúc nào, bay xớt ngang chỗ sếp Trâu Nước đứng hờm sẵn mà cặp giò nó nhảy cứ như cheo! Chừng quay trở lại được thì đã thấy bóng nó phi ra gần tới vòng thành và loáng một cái đã vọt hẳn ra ngoài đại lộ. Có chạy theo cũng đến hòa vì đấy là giang sơn của nó rồi.
Có lẽ cũng biết vậy nên thoát Gino không những ngừng chân mà còn đứng hẳn lại mua ly càrem ăn chơi và đưa mắt nhìn dáo dác tìm bồ ruột Bianco. Không hiểu nó biến đâu?
Đứng lớ ngớ trong sân ga sếp cảnh sát Trâu Nước tuy uất lắm lắm nhưng đành phá lên cười cho hả giận vậy. Có hai thằng ranh con vào xớt đồ ban ngày, nắm chắc được một thằng rồi mà hơ hỏng thua trí nó để vuột mất cả hai! Vừa mất thời giờ, vừa mất mặt và rượt nãy giờ lại quá mệt càng chịu không nổi danh từ "hề Charlot". Sếp nghiến răng chửi thầm:
- Tụi bây còn vào là còn dính! Tao sẽ cho tụi bây khóc... khóc cho xứng với trận cười bữa nay...
Gino vừa ăn càrem vừa đảo mắt nhìn Bianco. Còn tiền "làm ăn" bữa nay đã chia chác đâu, phải kiếm nó gấp. Chợt nghe mẹ nó réo lên từ cửa sổ gác tư: "Gino thằng súc vật! Nước đá của tao đâu? Không lo về ăn cơm còn đứng đó làm gì đấy?"
Nó nhìn lên hét lớn: "Hai phút nữa về" rồi co giò chạy miết và quẹo cua sang đường số 30. Nó đã nhìn thấy bồ ruột Bianco đang ngồi ôm đầu trên trụ đá, chiếc xe cút kít cột đàng hoàng vào lan can sắt, chỗ đi xuống nhà hầm.
Lúc bấy giờ Bianco đang ngồi vò đầu khổ sở, muốn khóc quá. Nhưng vừa thấy mặt Gino nó mừng nhảy dựng lên. "Mày ra được đấy hả? May quá! Tao đã tính lên nói cho mẹ mày hay".
Giữa trưa nắng, bụi bay mù đường 30. Lần này thằng Gino có quyền thót lên xe để bồ Bianco đẩy. Tới đại lộ số 9, tụi nó sẽ vào mua hẳn mấy chiếc xăng uých xúc xích và mấy chai Pepsi. Hai thằng có sẵn chỗ tụ họp bên đường 31. Đó là bờ tường nhà máy làm kẹo sôcôla, tha hồ râm mát.
Chúng ngồi dựa lưng vào vách thưởng thức xăng uých một cách trang trọng và ngon lành, thoải mái. Làm mệt thì phải ăn ngon mới bõ công làm chứ? Lại pha chút phiêu lưu mạo hiểm thì mỗi miếng bánh đều ngọt lịm chắc!
Làm sao Gino không sung sướng phổng mũi cho được khi bồ ruột Bianco ngỏ lời cảm tạ: "Không có mày tao chết. Mày hay quá, Gino! Mày chơi được cả thằng Trâu Nước". Gino cứ lặng thinh nghe. Có gì đâu... không lẽ nó lại thú nhận rằng cái trò chơi "cút bắt" để giải thoát cho bồ không phải nó nghĩ ra mà tình cờ đọc được ở một cuốn sách hình nói về một loại chim nào đó?
Ngày hè qua nhanh lắm. Mới đó mà chỉ một vài cụm mây đen giăng ngang và che lấp hết cả là cơn mưa ào ào đổ xuống sấm chớp rền trời. Bao nhiêu những nóng nực, oi ả của vỉa hè đổ lửa, của nhựa đường nóng chảy khét lẹt bỗng được một cơn mưa đổ xuống là tan biến hết. Mưa xuống là ngửi thấy ngay mùi ngai ngái của đường phố bốc lên.
Lúc mới đổ mưa hai đứa đã lo kiếm mái hiên núp. Nhưng cơn mưa lớn quá, một phần mái hiên nứt lủng, phần nước mưa tạt vào nên chúng giơ mặt ra hứng mưa cho mát.
Một lát sau mưa còn dai dẳng Gino và Bianco xoay ra đánh bài cho đỡ buồn. Trời âm u thật nhưng để đánh bài thì vẫn dư thừa ánh sáng. Thấy Bianco móc túi quần lấy cỗ bài nhớp nhúa của nó ra là Gino ngán quá! Thằng ranh đánh bài cao lắm, nó chơi đâu lại và cứ đánh là thua. Nhưng mắc cơn mưa ngồi buồn quá biết làm gì bây giờ? Đành phải chơi mấy ván bài cào vậy và chưa gì Gino đã mất tiêu năm mươi xu, tính ngay vào số tiền bán nước đá vừa "làm" được. Vậy mà trời vẫn cứ mưa nặng hạt.
Tuy nhiên không ngờ bữa nay Bianco lại tử tế. Ăn 50 xu rồi nó thản nhiên trả lại đủ 50 xu cho Gino và giải thích rằng: "Bữa nay mày cứu tao thoát khỏi tay Trâu Nước, bấy nhiêu đó không đáng 50 xu sao? Mày cầm lấy đi!".
Xem, đi "làm ăn" chung với nhau... gặp nạn là phải cứu nhau chứ lĩnh tiền "đền ơn" của nó sao được. Gino nghĩ vậy và làm bộ bực tức thì thằng Bianco xoay qua ngã khác: "Đồng ý, anh em chơi với nhau mà nói chuyện đền ơn bằng tiền xem kỳ thật. Nhưng còn cái xe... không có mày là mất xe rồi! Bộ nó không đáng 50 xu và tao không có quyền ép mày phải nhận sao?".
Đồng ý là bữa nay Gino không cần tiền. Nhưng bồ ruột mà nó đã nói đến như thế không cầm lấy đâu được. Nhất là nó nói gần như khóc nữa nên đành phải chìa tay ra vậy.
Trời vẫn còn mưa. Sau khi đưa cho bồ 50 xu, thằng Bianco cứ cầm bộ bài xạc mãi. Hai thằng cùng ngồi yên, buồn tay Gino búng đồng năm cắc cho quay chơi trên nền gạch làm Bianco nhìn sững. Nó bèn đút túi ngay khiến bồ ruột phải nhóng thử: "Bài cào nữa không mày? Làm vài ván thôi?"
Gino lắc đầu quầy quậy.
Lát sau mưa mãi cũng phải tạnh. Mặt trời hiện ra le lói thì chúng cũng bước ra khỏi hàng hiên. Bề nào cũng chiều rồi mặt trời đã chuẩn bị hạ xuống mé sông Hudson, Bianco lên tiếng: "Xem bộ chiều rồi. Tao về nhà đây. Về không Gino?"
Gino lắc đầu "Mày về đi! Tao ở lại chút". Nó đứng nhìn bạn lững thững kéo chiếc xe về ngã đại lộ số 10.
Đám thợ làm hãng kẹo tan tầm chót. Bọn họ đi về, đi ngang Gino đánh hơi rõ mùi vị ngòn ngọt nồng nàn mùi sôcôla. Mùi thơm như hương hoa vậy, có lẽ vì trời mưa xong chắc?
Tạnh mưa hẳn Gino cũng chưa buồn về. Nó ngồi ngây người nhìn và thấy cái gì cũng đẹp cả. Ngay mái ngói cũng tươi hơn, đám trẻ con lại ào ra chơi đùa ngoài phố, mấy chiếc xe ngựa lại đủng đỉnh chạy và có chiếc còn để lại phía sau một dọc dài phân ngựa. Ở mấy cánh cửa sổ trên gác đã thấy những khuôn mặt đàn bà thập thò và sau đó là gối là chăn đem ra phơi nắng.
Ngắm cảnh mãi cũng chán, Gino để ý thấy nước cống đang cuồn cuộn chảy về mạn dưới. Nước chảy rất mạnh khiến tự nhiên nó nảy ra một trò chơi. Nó đi kiếm một thanh gỗ mỏng, đặt đồng năm cắc lên trên cho nằm ngay ngắn, cân bằng mới buông tay ra để nhìn chiếc bè tre trôi nhanh, lao vút. Gino bèn chạy theo, chạy gần đến đại lộ số 9 mới dừng bè lại, nhặt tiền đút túi.
Trên đường về đi ngang dãy nhà bỏ hoang Gino để ý thấy một đám thanh niên đứa nào cũng cỡ Larry sấp lên chơi trò "đu dây tử thần". Sợi dây buông từ ba, bốn tầng gác xuống và nắm dây vùn vụt đâu có dễ dàng gì? Nó ngây người khâm phục các đàn anh đu dây biểu diễn in như Tarzan và mê lắm nhưng nó còn quá nhỏ có muốn chơi cũng chẳng được tụi nó cho phép vào!
Lại có thằng đang bám dây đu ngang đường nhè hụt tay đã thấy rớt nhưng nó vội nhỏm người bám ngay được cửa sổ đánh đu lên xem còn điệu nghệ nữa. Nhìn thấy Gino càng ham!
Tới ngã tư đại lộ số 9 và đường số 31 nhìn xuống rãnh vẫn thấy nước chảy xiết như thác, khoái quá Gino lại hí hửng chơi tiếp tục trò thả bè và khoan khoái nhìn nó trôi vùn vụt, len lỏi quăng quăng giữa đám rác rều tạp nhạp đủ thứ. Nó chăm chú dõi theo nhưng vẫn có ý liếc ngang bên đường vì đây còn là "đất địch". Nó phải để ý xem mấy đứa rượt nó tối qua có xuất hiện không. Nhờ đám mưa lớn nước mưa bây giờ mới tuôn ở các rãnh nhỏ ra, đổ ào ào vào cống cái như thác nước cuốn theo đủ thứ rác rưởi, bao giấy, ống bơ... Tốc lực nước khiến gặp biết bao chướng ngại vật mà bè cứ tiếp tục trôi phăng, khỏi sợ lật.
Nhưng gần đến cây cầu đại lộ 10 rồi. Gino mau mau dừng bè lại thu hồi đồng năm cắc bằng không là có chầu xuống cống cái mất tiêu.
Nó mau mắn rẽ qua đại lộ số 10 và đang cắm cúi bước bỗng đụng thằng Sal từ đầu kia hối hả chạy tới. Đám nó đang chơi tạt lon nhưng lỡ húc đầu vào bụng anh bèn nổ trước: "Xem, mẹ kiếm anh nãy giờ đó! Nhà ăn cơm rồi, lát nữa về mẹ đập chết luôn!".
Gino đang hứng chơi. Nó đâu ngán? Nó cắm đầu đi miết trở về chỗ đánh đu đưa lúc nãy. Mấy thằng lớn đi đâu hết nhưng sợi dây dài đu đưa vô cùng hấp dẫn vẫn còn đó. Nhưng nó thấp quá phải leo lên gác mới nắm tới sợi dây. Vào nhà hoang dễ sợ thật nhưng với Gino thì khỏi!
Không ngần ngại Gino chạy vào, men theo bậc thang đi lên. Đâu phải dễ dàng? Bậc thang thì cái còn cái mất và vì là nhà hoang nên cô bác đã tự động gỡ bằng hết ống nước, dây điện... Cửa lớn cửa nhỏ chỉ còn trơ khung. Sàn nhà lồi lõm, bừa bãi những vôi vữa thấy ghê nhưng Gino cũng nhất quyết mò ra ban công ló đầu ra nhìn và đưa tay quơ sợi dây.
Nó nắm chắc sợi dây, nhún nhẩy lấy đà rồi đu một phát bay bổng qua bên kia đường và oai hùng "hạ cánh" xuống khung cửa sổ trên gác tòa chung cư trước mặt. Ôi! Bay bổng khoái làm sao? Gino nắm cứng sợi dây, đu qua đu lại mấy lần, chân đạp vung mạnh cho giống Tarzan đu bay.
Nó đu dây hăng đến nỗi hai cánh tay mỏi nhừ hết nắm nổi mà bàn tay thì bỏng rát nếu không "kinh nghiệm hạ cánh" dám buông tay rớt luôn. Cũng may mà Gino tính toán đáp đại thế nào lại buông người đứng sững trên vỉa hè, chẳng sao cả!
Nhưng bữa nay sao mau tối thế này trời? Điệu này là nguy hiểm về nhà là ăn đòn chắc. Nó cố lấy vẻ ngạc nhiên chạy về tới cư xá vẫn chưa thấy người nhà xuống ngồi trước cửa, kể cả thằng Sal. Gino bèn bay bốn thang gác lên trên nhà.
Mới tới tầng ba đã nghe rõ ràng tiếng mẹ nó và chị Octavia gây gổ. Gino bèn dừng lại nghe ngóng. Vào trong nhà thấy hai người còn ngồi đối diện hầm hè nhau, người nào cũng đằng đằng sát khí, mà thấy nó cả hai cùng nhìn, chưa nói gì nhưng dễ sợ lạ! Tuy nhiên mắt Gino vẫn dán chặt vào thằng anh Vincenzo đang ngồi một đầu bàn, mặt mũi quần áo trắng những bột mì. Xem cặp mắt nó sao lờ đờ, mệt mỏi đến thế kia?
Đúng lúc đó mẹ nó nạt "A, cậu Gino đi chơi đã về đấy! Giỏi thật!" Cặp mắt Octavia cũng nhìn nó kiểu quan tòa nhìn tội nhân nên Gino đâm hoảng vội sáp vào bàn ăn ngồi, không đợi giục. Vả lại đói nãy giờ rồi!
Bỗng đâu một cái bạt tai trời giáng hạ xuống ngang tai Gino làm nó thấy cả trăm ông sao muốn ngất ngư và ù tai lên. Nó nghe tiếng mẹ la sao dữ quá!
- Đồ con nhà trời đánh! Mày đi đâu mất biệt nguyên ngày? Mày đi chơi hoang, tới bữa mò về ăn ngon quá ta? Lại không thèm rửa cái tay nữa! Đi đi, quân mèo đàng chó điếm, quân thú vật! Còn Vincenzo nữa, đi rửa mặt mũi chân tay chút cho khỏe.
Hai thằng lẳng lặng đứng dậy, ra vục đầu vào lavabô rửa ráy một lát mới trở lại bàn ăn.
Mắt Gino đỏ au, chỉ muốn khóc. Không phải vì bị mẹ tát tai đau, mà vì trọn ngày đi chơi rong làm người hùng quá thú vị nhè chiều tối vừa về nhà bị một cú như vậy thì cuộc đời hết đẹp! Mẹ nó, chị nó sao ghét nó quá vậy! Gino cúi mặt, không muốn nhìn lên, không thấy đói nữa. Nếu mẹ nó không đẩy tới đĩa xúc xích nó cũng chẳng hỏi.
Chị Octavia quắc mắt nhìn nó, lên tiếng trách mẹ:
- Thằng này cũng phải học làm ăn... Chứ bắt một mình thằng Vincenzo đâu được? Ông già nó cũng đâu thèm ăn làm gì? Không bắt nó làm được thì Vincenzo cũng nghỉ đằng tiệm bánh luôn. Nghỉ hè không học thì đi chơi. Khỏi làm.
Không hề ganh tức, Gino len lén nhìn thằng anh Vincenzo nãy giờ mệt mỏi, cắm cúi ăn. Hình như cả nhà bữa nay đều thương xót nó, nhất là chị Octavia nước mắt chảy quanh. Vincenzo còn được mẹ, được chị chiều chuộng như người lớn vậy.
Nghĩ thế Gino bèn cho tay vào túi móc ra đồng năm cắc đưa cho mẹ:
- Con cũng kiếm tiền được chứ bộ. Đấy là tiền bán nước đá bữa nay. Mỗi ngày dư sức năm cắc mà.
- Kiếm tiền gì? Mẹ phải cấm nó vào nhà ga ăn cắp chứ?
Nghe Octavia hầm hè vậy, mụ Lucia gạt đi:
- Vẽ chuyện! Cả một sở Hỏa xa mà ba đứa con nít mỗi ngày lén vào lấy có chút xíu nước đá thì ăn nhằm gì? Tiền của mày chứ chủ nhật này dắt thằng Sal đi xem hát bóng với nghe!
Không hiểu mụ nghĩ gì nhưng ánh mắt nhìn thằng Gino dịu hẳn. Lại còn lấy cho nó một lát bánh mì, trét thật nhiều bơ! Nãy giờ mắt Vincenzo vẫn trắng bệch, dù đã lau rửa hết lớp bột mì. Nhìn nó mệt mỏi đau khổ quá... đau khổ phát thương hại nên Octavia không thể không biểu lộ tình cảm. Nàng xích tới, vòng tay qua cổ nó âu yếm hỏi:
- Bữa nay họ bắt mày làm những gì? Bộ mệt lắm hả?
Thằng Vincenzo hờ hững nhún vai:
- Không mệt lắm... nhưng lò bánh mì nóng thấy mồ! Mà tụi nó bảo... tụi nó bắt tôi vác bao bột từ nhà hầm lên... dơ dáy quá!
- Đồ khốn nạn! Tụi nó bắt thằng nhỏ...
Octavia thương xót thằng em quá nên không ngần ngại xài danh từ thật độc ngay cả với bà mẹ:
- Đấy mẹ thấy không? Cái thằng già chủ tiệm bánh khốn nạn nhà quê đó... người cùng xứ sở đếch gì mà thằng con nít cỡ này nó nỡ bắt con người ta vác bao bột? Được rồi, tôi đợi chừng nào con thằng cha già đó mời tôi đi chơi là tôi nhổ nước bọt vào mặt. Nhổ một bãi ngay ngoài đường cho nó mát mặt!
Thấy chị bênh sốt sắng như vậy, Vincenzo lấy làm hả hê. Octavia mà can thiệp mạnh chút nữa là nó dám được thôi việc lắm chứ? Cũng tại mẹ nó quá ham tiền. Nó thấy nhục thật.
Quả nhiên mụ Lucia Santa lên tiếng ngay:
- Có vậy một tuần lễ mới có năm đô la... và ngày ngày có bánh mì ăn cả nhà, khỏi tốn tiền! Chừng gặp ca thằng Vincenzo đứng bán hàng mình còn có thể có càrem ăn chơi. Đỡ đồng nào hay đồng ấy... nhất là có thằng bố thì khi không đi biệt dạng.
Ấy đấy, hắn bỏ đi mà mẹ nàng chỉ dám nói có vậy nên Octavia đâm nổi sùng. Nàng bèn sổ một tràng danh từ chẳng sạch sẽ chút nào làm hai thằng con ngửng lên ngó sững! Chị Octavia mà có thể ăn nói tục tĩu vậy sao?
Thấy nét mặt ngẩn ngơ của hai đứa, Octavia lấy làm đắc ý lắm. Nhưng liếc nhìn thấy mặt bà mẹ xù xụ xuống, nàng không muốn văng tục nữa mà chỉ bình tĩnh ngỏ lời tiếp:
- Không còn gì vô lý bằng... người lớn ở nhà chơi cũng được mà bỏ đi cũng được! Thằng bé chút xíu thì nghỉ hè cũng phải đi làm!
Mụ Lucia Santa nhột nhạt quá bèn giở tiếng Ý xài xể liền:
- Mày ăn nói vậy mà nghe được? Vậy mà đòi làm cô giáo! Cô giáo mà trước mặt mẹ ăn nói hỗn láo vậy đó? Cho mày hay là mày muốn chỉ huy, sai phái thì cứ việc kiếm một thằng chồng, đẻ ít đứa con... Chừng đó mày sẽ biết! Chừng đó mày toàn quyền mắng chửi, đánh đập hay bắt đứa nào làm, đứa nào chơi hoặc làm cái giống gì tha hồ... Nhưng bây giờ thì mày chưa có quyền đó. Mày câm đi.
Mụ nạt một hơi làm cho Octavia nín khe. Mặt mụ hầm hầm nhìn xem dễ sợ quá, làm như kẻ thù không bằng.
Nhưng may quá mụ đã quay sang chửi thằng nhỏ:
- Còn thằng Gino khốn kiếp nghe tao nói đây. Bữa nay mày đi biệt nguyên ngày. Từ sáng tới tối không thấy mặt mày không bị xe cán hay người ta bắt đi? Đó là một. Hai là thằng bố mày bây giờ cũng đi... vậy thì cả nhà cùng phải làm giúp tao chứ? Mai mà mày đi nữa thì tao sẽ có cái này...
Mụ đứng dậy tới tủ kính lấy cây tackeril. À lãnh mấy cây này thì đau phải biết... dù nó chỉ là một thanh gỗ mỏng dài bình thường chỉ dùng vào việc cán bột để làm mì nấu ravioli. Mụ Lucia Santa vung vẩy cái roi, dằn giọng nạt:
- Gino... mày xem đây, thấy chưa? Mà mày còn đi chơi là tackeril tao sẽ đập mày lằn nào đáng lằn nấy. Đập cho toàn thân mày tím bầm, tím đen mà cho dù mày có là ông thánh cũng chạy lên trời không khỏi. Tao dặn trước rồi nghe bây giờ thì cơm đấy, ăn đi! Ăn xong bổn phận mày phải dọn dẹp chén bát, rửa sạch sẽ đàng hoàng. Rồi quét nhà, lau nhà... Cấm ló mặt xuống dưới đường tối nay nghe Gino? Tao mà thấy là chết đòn!
Sự dọa nạt của Lucia Santa xem bộ có hiệu quả. Thằng Gino ngồi im thin thít. Chưa chắc tackeril đã ngán lắm nhưng chưa bao giờ nó thấy mẹ giận dữ kinh khủng vậy. Nghe la lối ngán quá, phải chi có vụ gì khiến bà bỏ ngang. Đợi không thấy gì hết.
Nhưng sau cùng cả hai người lớn đều đi xuống dưới nhà. Đỡ quá, Gino yên trí ngồi ăn, nghe chất thịt xúc xích ngọt lịm, chất dầu béo bổ và hạt tiêu thơm nồng trộn đều ngấy ngậy trong miệng.
Càng đói bụng ăn càng ngon miệng. Gino chịu quá đi! Dông tố vậy là qua rồi, khỏi sợ khỏi buồn. Mai này nó sẽ đi làm, nó sẽ đỡ đần cho mẹ. Thấy thằng anh Vincenzo ngồi lặng thinh nhìn đĩa không buồn ăn, Gino bèn vỗ về:
- Này, bộ lão chủ khốn nạn bắt anh làm dữ, phải không? Tôi thấy anh vác cái thùng gì lớn quá. Mang đi đâu vậy?
- Đâu có gì. Thì mang ra cửa tiệm của họ ở đại lộ số 9 vậy mà. Còn không... thì phải vác bao bột từ nhà hầm lên.
Nó nói vậy nhưng Gino hiểu phải có gì bên trong. Có điều chính thằng Vincenzo cũng còn con nít. Có thức ăn ngon miệng để trước mặt là mau quên lắm. Nó hối hả ăn. Mà nó đâu biết chính nó vừa trải qua một giai đoạn đau khổ trong đời? Đang ăn chơi, phá phách ở nhà bỗng chốc phải bỏ hết... để chạy tới hầu hạ đồng tiền, nghĩa là vác xác lại cho thiên hạ sai phái, hành hạ. Nó cũng từng làm công việc nhà chứ đâu phải chơi không? Nào đỡ tay đỡ chân cho mẹ, nào lâu lâu đánh giùm cho anh Larry đôi giày và cũng được anh quăng cho một cắc. Nhưng đi làm cho người ta lại là chuyện khác.
Tuy nhiên Vincenzo cũng hiểu đi làm đây chỉ là làm tạm mấy ngày nghỉ hè rồi tựu trường lại cắp sách đi học. Chắc chắn lúc ấy nó sẽ quên phắt những ngày mẹ bắt bỏ việc nhà, bỏ chơi để đi làm cho người ngoài. Chỉ vì đồng tiền.
Chỉ tiếc mấy ngày nghỉ hè như thế này mà sáng sáng không phải đi học mà không được đi đánh bóng, đi tụ họp chúng bạn thả rểu chơi hay ngồi dựa lưng vách nhà máy kẹo bên đường 31 tán gẫu hoặc nằm lơ mơ mút càrem... vậy là buồn, thế cũng đã buồn rồi chứ còn con nít Vincenzo đâu đã hiểu nỗi đau khổ của người lớn về kiếp nhân sinh cực nhọc?
Y lệnh mẹ, Gino lo dọn dẹp chén đĩa và lúi húi rửa bát. Thằng anh phụ nó một tay lau chén bát cho khô. Gino khoái trá kể lại vụ "chiến thắng" gã Trâu Nước. Vụ đu dây làm Tarzan, vụ đánh bài với Bianco. Nó dấu biệt vụ thả bè trôi ở cống rồi chạy theo dài dài nhìn chơi. Xét ra trò chơi này con nít quá, đâu phải của một thằng mười tuổi cỡ nó? Thấy một cái xoong cáu mỡ dơ dáy quá, Gino bèn giấu luôn vào trong lò.
Làm xong nhiệm vụ hai anh em rủ nhau ra cửa sổ nhìn xuống đường chơi. Mỗi đứa chiếm một khung cửa ngồi vắt vẻo không còn gì lo nghĩ.
Lúc bấy giờ Gino mới nêu thắc mắc:
- Xem, tôi mới lỡ quên... đi chơi có ngày hôm nay mà xem bộ mẹ và chị Octavia làm dữ quá? Tôi không hiểu sao... Mai muốn làm gì tôi cũng làm hết!
- Tại mẹ giận vụ bố khi không bỏ nhà đi đấy mà! Lại không biết người đi đâu... chừng nào người về nên càng giận nữa. Bộ người cũng "trốn" nhà chắc?
Vincenzo cười diễu. Hai đứa cùng dư hiểu người lớn có khi nào lại... bỏ nhà ra đi. Cái vụ đó là của con nít.
Xa xa, đầu đại lộ số 10 tụi chúng thấy ánh đèn đỏ của một gã "cao bồi" vung vẩy mở đường. Ngay phía sau là vòng tròn ánh sáng dập dờn của pha đèn chiếc đầu máy chạy sau. Ngay những người đứng ngồi phía dưới cũng chỉ là những cái bóng cử động dưới ánh đèn đường vàng vọt. Lại có những bóng xanh... vì những bóng đèn màu ở cửa tiệm bánh hắt ra và ánh đèn ở các tủ kính cửa hàng chiếu ra cũng sáng hẳn, khác hẳn.
Quen ngồi vắt vẻo khung cửa sổ từ lâu rồi, cả hai anh em nhắm mắt ngủ rồi lơ mơ. Lưng tựa cửa, hai khuôn mặt mệt mỏi đón gió sông Hudson thổi lên ve vuốt. Luồng gió mát rượi, tưởng chừng như có mang theo cả nước sông... Lại thoang thoảng mùi cỏ, mùi cây ngai ngái, mùi cả vô vàn thứ trong thiên nhiên mà ngọn gió quê mang vào thành thị.