Phần 27
TÌM KIẾM - VI

Đạo diễn ở Hô-li-út là I-út-gin Cu-dan-ni đã làm quen với Xtê-pa-nốp ba năm về trước trong kì đại hội điện ảnh Xanh Xê-bát-chiên(1). I-ut-gin mang đến dự thi cuốn phim tài liệu của mình về Nam Việt Nam, còn Xtê-pa-nốp cũng mới từ chỗ các chiến sĩ du kích Lào và Việt Nam trở về, được mời làm thành viên của Ban giám khảo.
Bộ phim của I-út-gin làm Xtê-pa-nốp thích thú. Anh chàng người Mỹ này quay chính xác và điềm tĩnh, không dùng các xảo thuật (kĩ xảo). Anh ta đã tập hợp vào phim những thứ trái ngược nhau tưởng không thể đứng cùng nhau được: cơn đau đẻ dưới bom đạn các “Con ma” và buổi học nhảy điệu “rốc” ở trường trung học, cái chết của một thanh niên Việt Nam bên cạnh bài giảng về các chỗ hổng trong vũ trụ của một giáo sư tóc dài, có cặp mắt ngây thơ như trẻ con; rồi buổi ca nhạc không chuyên của các chiến sĩ du kích bên cạnh buổi ca nhạc của các tay nghiền ma tuý theo triết học Bớc-cơ-ly.
Lần ấy trong quán “I-bê-ri-a”, - nơi tụ tập các khán giả xem phim cũng như những kẻ chuyên ngáp vặt, đến đó để xem mặt những diễn viên nổi tiếng, - có (thêm chữ này vào cho có nghĩa) người đã giới thiệu Xtê-pa-nốp với Cu-dan-ni.
- Thật bực mình, không phải vì họ sẽ đánh trượt tôi, - Cu-dan-ni nói, - cái đó tôi không nghi ngờ gì cả, mà tôi bực mình hơn vì người ta sẽ tặng cho Ơ-xê-bi-ô phần thưởng cao nhất, trong khi hắn là một tên phát-xít, đồ súc sinh!
- Ông muốn nói cuốn phim về Xan-chi-a-gô đê Com-pa-xtê-la? - Xtê-pa-nốp hỏi.
- Vâng. Một bộ phim cũng khá đấy, nhưng bực một nỗi là nó do một thằng mất dạy làm ra, tên này trước nó đã cầm đầu “sư đoàn xanh” của phát-xít.
- Phim cũng chưa hay đến mức xứng đáng giải nhất - Xtê-pa-nốp nói.
I-út-gin phá lên cười:
- Đó là quan điểm cá nhân ông? Hay là với tư cách một thành viên Ban giám khảo?
- Tuỳ ông nghĩ - Xtê-pa-nốp lẩm bẩm.
Ngày hôm sau, khi gặp các đồng nghiệp ở hành lang, Xtê-pa-nốp quả nhiên đã thấy I-út-gin nói đúng. Ban tổ chức đại hội đã chơi trò tâm lí chiến với các thành viên Ban giám khảo và nêu tên Ơ-xê-bi-ô như lăng-xê một người đáng trúng giải, trên báo chí ngày nào cũng xuất hiện các bài phỏng vấn hắn ta, bọn phê bình bồi bút viết những bài phê bình ca tụng hắn nức nở.
Nhưng Tây Ban Nha là một đất nước đặc biệt; Xtê-pa-nốp đã có lần nói đùa ở Tbi-li-xi(2): “Các anh thật đúng là anh em với Bát-xcơ, mà nói chung là với cả Tây Ban Nha. Bên nước họ cũng như ở đây, lời nâng cốc ở bên bàn tiệc đủ quyết định mọi vấn để!”.
Xtê-pa-nốp đã tập hợp số người làm báo quen biết lại.
- Các bạn ạ, tôi chăm lo không phải cho một người Nga, mà là cho một người Mỹ. Anh chàng Mỹ này nghèo túng, anh ta mới làm được bộ phim đầu tiên, anh ta cũng không phải đảng viên cộng sản, chỉ là một chàng trai chính trực, thế thôi. Tôi muốn các bạn hãy xem cuốn phim của anh ta và viết lên sự thật về nó.
Rồi anh gặp gỡ chủ tịch cuộc Đại hội liên hoan vào buổi chiều, trong căn hộ của mình (người Tây Ban Nha trọng uy tín hơn hết, nếu anh là thành viên Ban giám khảo, anh phải được thuê cho cả một căn hộ để ở, chứ không chỉ ở có một buồng, còn trong tủ lạnh không chất đầy các hộp bia, mà phải là “uýt-xky”, “gin” và các chai “rô-xa-đô” chính cống, sản xuất từ Na-va-ra - cho hợp sở thích người ngoại quốc, bởi vì Hê-minh-uê đã từng ca tụng. Khi đã tạo nên vẻ uy nghi đáng trọng vọng như thế rồi, chính người Tây Ban Nha lại rơi vào sự mê hoặc của cái uy tín giả tạo ấy. Tức cười, nhưng mà thật thế). Khi đã làm một ngụm rượu vang lấy trong tủ ra mời - mà dân Tây Ban Nha là dân ít nghiện rượu nhất thế giới - Xtê-pa-nốp nói:
- Ông bạn thân mến, cuộc nói chuyện hôm nay có tính chất hết sức tin cậy.
- Tôi biết - Ông chủ tịch liên hoan phim đáp - ông muốn cho giải Cu-dan-ni, tôi cũng có người ở các báo, nên tin tức đến tai tôi ngay lập tức. Ông không giành được phần thắng đâu Xê-nho(3) Xtê-pa-nốp ạ, vì Xanh Xê-bát-chiên còn muốn sùng đạo hơn cả giáo hoàng La Mã. Chúng tôi không dám liều tặng thưởng cho một bộ phim, tuy là phim Mỹ, nhưng đứng trên quan điểm chống Mỹ.
- Ông không hoàn toàn chính xác đâu. - Khi ấy Xtê-pa-nốp lên tiếng - Cu-dan-ni đứng trên quan điểm chính cống của người Mỹ. Ông hãy tin lời tôi, chỉ sau một năm rưỡi nữa là cùng, anh ta sẽ được giải thưởng cỡ quốc gia của Mỹ.
- Ở Mỹ không có giải quốc gia cho các phim thời sự, tài liệu, còn giải Ô-xca, người ta chỉ dành cho phim truyện… Với lại, tôi không tin rằng một, hai năm nữa, chiến tranh ở Việt Nam sẽ kết thúc.
- Nó sẽ còn kết thúc sớm hơn ấy chứ!
- Tôi coi trọng ý kiến của ông, tôi muốn kết bạn với ông - tôi muốn nói, ông với tư cách đại diện của một nước, chứ không chỉ là Xê-nho Xtê-pa-nốp - tuy nhiên, ông đừng đặt tôi vào tư thế khó xử. Tôi không thể ủng hộ ông được, có quá nhiều người đã bị cuốn vào việc này. Ơ-xê-bi-ô sẽ được huy chương vàng, nhưng nếu Ban giám khảo bị chia rẽ thì điều đó thật không hay.
- Tôi sẽ kho mà chuẩn bị dư luận ở Mát-xcơ-va, - Xtê-pa-nốp vừa hút thuốc vừa nói, - trong kì Đại hội liên hoan phim sắp tới của chúng tôi, khi các ông đem phim của các ông đến. Một người Tây Ban Nha nhận được giải thưởng ở ngay Xanh Xê-bát-chiên là một chuyện, còn anh ta được Đại hội Mát-xcơ-va đánh giá thế nào, lại là một chuyện khác.
- Dù sao thì Mát-xcơ-va cũng sẽ không thể cho Ơ-xê-bi-ô ăn giải gì cả, vì anh ta đã quay phim về các cựu chiến binh của “sư đoàn xanh”.
- Béc-lan-ga cũng đã tham gia chiến tranh, anh ta cũng từng là lính của “sư đoàn xanh” vậy mà chúng tôi lại đã ca ngợi phim “Tên đao phủ” của anh ta đấy thôi.
Ông chủ tịch liên hoan phim thở dài.
- Xê-nho Xtê-pa-nốp ạ, tham gia chiến tranh là một chuyện, còn ca ngợi nó bằng các phương tiện nghệ thuật lại là chuyện khác. Được rồi, nếu tôi đem ba cuốn phim của các nhà làm phim tài liệu trẻ tuổi đến, ông sẽ đảm bảo cho tôi giải vàng chứ? Hay ít ra là hai huy chương bạc?
Xtê-pa-nốp lắc đầu:
- Cho dù bên chúng tôi cũng lắm điều kì quặc, nhưng dẫu sao giải vàng ở Đại hội liên hoan chúng tôi vẫn cho phim nước ngoài, có điều, tôi chưa thể bảo đảm được.
Ông chủ tịch xích lại gần Xtê-pa-nốp, kéo anh sát lại và ghé vào tai:
- Tôi không tin ông.
Và ông ta đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng, ra ngoài cửa căn hộ mà ban phụ trách đã thuê cho Xtê-pa-nốp, nhìn vào phòng tắm hỏi giá thuê. Rồi cũng chính ông tự trả lời là không dưới 50 đô-la một ngày, cuối cùng ông quay về chỗ ngồi và nói:
- Va-mô-xơ a-ve-rơ(4). Tôi đảm bảo cho anh chàng Mỹ kia được giải báo chí đấy.
- Ít quá.
- Ông mất trí à! Tôi có thể phải trả bằng máu đấy! Ông tưởng rằng khuyên nhủ bọn quan liêu ở Bộ thông tin và du lịch, cái bọn quyết định mọi thứ ấy, là dễ lắm à?
- Đáng lẽ phải cho I-út-gin giải vàng, nhưng vì sợ phản ứng của Oa-sinh-tơn thì ông phải dành cho giải bạc - và mọi người sẽ hiểu là ông không thể hành động thật công bằng được. Còn nếu ông cho anh ta giải báo chí thì sau đó - tất nhiên không phải ở Tây Ban Nha - sẽ nổi lên tiếng đàm tiếu ồn ào: giải này bị áp lực của chính quyền Phran-cô…
- Suỵt! - Ông chủ tịch lại chồm lên khỏi ghế. - Xê-nho Xtê-pa-nốp, sao ông lại… Thống chế là người cha của mọi người dân Tây Ban Nha, và ở nước tôi không hề có sự lộng hành của kiểm duyệt.
- Vâng, tôi hiểu, - Xtê-pa-nốp đồng ý, - tôi đã nói là làng báo nước ngoài người ta sẽ viết, chứ không phải nước tôi. Người Pháp sẽ bắt đầu trước tiên cho mà xem…
Rút cục, I-út-gin được giải thưởng đồng, và điều đó đã mở đường cho anh bước vào ngưỡng cửa lớn của điện ảnh. Người Mỹ cũng trọng uy tín như người Tây Ban Nha, và đối với họ, cái căn bản nhất là sự thừa nhận ở nước ngoài. Dân tộc Mỹ cũng như bất kì một dân tộc trẻ nào, có phần kém tinh tường trong việc nhìn nhận các nhà tiên tri ở ngay tổ quốc của mình.
Từ đó, mỗi khi Xtê-pa-nốp có dịp sang Mỹ, I-út-gin lại bỏ dở công việc và phóng lên Oa-sinh-tơn để giúp Xtê-pa-nốp kiếm được thị thực (thường anh không được phép đi thăm miền bờ biển phía Tây và miền Nam nước Mỹ). I-út-gin cũng hay đi du lịch với Xtê-pa-nốp, nhường cả ô tô của mình và chìa khoá căn hộ độc thân ở Grin-uýt Vi-li-giơ cho anh.
I-út-gin hai lần vào Đảng Cộng sản rồi lại xin ra, có hồi anh ta tích cực ủng hộ Ken-nơ-đi; có những vấn đề, hai người loại ra khỏi phạm vi tranh cãi - bởi vì tranh cãi cũng vô nghĩa, không ai thuyết phục được ai. Nhưng họ tin chắc rằng có thể hoàn toàn tin cậy nhau, nhất là trong những việc liên quan đến sự nghiệp làm hai dân tộc xích gần lại nhau.
Và thế là Xtê-pa-nốp đã đánh điện từ Na-gô-ni-a cho chính anh ta: I-út-gin Cu-dan-ni…
°

*

- Bà Glép, bác sĩ đã cho phép tôi được nói chuyện với bà nửa giờ, - Cu-dan-ni nói.
- Ồ! Bệnh tôi đã giảm nhiều thế cơ à? Tôi vẫn tưởng mình hoàn toàn bất bình thường, bây giờ thế là ổn cả, chắc hẳn sắp tới người ta sẽ cho tôi được về nhà. - Người phụ nữ phá lên cười với vẻ lạ lùng.
- Bà Glép, tôi muốn nói chuyện với bà về Giôn.
- À, chính là lão Giôn đã tống tôi vào đây để tôi không còn dịp nói hở gì ra với bọn mật vụ ở FBI! Lão ta trả rất nhiều tiền cho bác sĩ để bọn họ nói với mọi người, rằng tôi là kẻ mắc bệnh tâm thần, không cho các tay FBI động đến tôi - Người đàn bà cúi gập người về phía I-út-gin. - Tôi van ông, xin ông cho tôi làm một hơi, được chứ?
- Bà hút hê-rô-in à?
- Khẽ chứ… Cái gì cũng được. Lúc nào tôi cũng mơ ước được làm một hơi. Một hơi dài, khô giòn, cho đã! Ông cứu tôi với nào.
- Tôi không có… Tôi không đem gì theo, bà ạ… chưa có lúc này đâu, bà hiểu chứ?... Nếu bà kể cho tôi nghe điều tôi muốn biết, thì tôi cũng sẽ cố gắng giúp bà.
- Ông lại phỉnh tôi… Người ta không cho ông vào đây nữa đâu. Mỗi năm, tôi chỉ được phép ba hoa một lần thôi, lão Giôn nó muốn biết xem tôi còn nhớ những gì… Cũng đã có một thằng cha mật vụ FBI đến đây và để lại một véo thuốc, rồi sau đó cả năm, tôi không còn được phép gặp ai nữa.
- Thằng cha ấy tên là gì?
- Thế còn ông tên gì?
- Tôi là I-út-gin Cu-dan-ni, đạo diễn điện ảnh.
Người đàn bà lại bật lên cười, cái cười khô khốc không thành tiếng của mình:
- Nếu thế tôi phải là Grê-ta Ga-bô(5). Ồ mà không, cô ta đã yên giấc dưới suối vàng rồi, hãy coi tôi là Mê-ri-lin Môn-rô(6), thế thì chính xác hơn.
- Bằng lái xe của tôi đây, thưa bà Glép.
- Hà! Thằng cha kia cũng chìa cho tôi một cái bằng như thế! Ông tưởng là tôi tin hắn à?
- Hắn có nói với bà là hắn từ đâu đến không?
- Không. Chỉ nói tên là Rô-bớt So. Thì tôi đã nói với ông, là từ FBI đến mà! Hình như hắn có nói thì phải. Ừ không, hắn quả có nói thật. Rô-bớt So, từ FBI đến.
- Hắn hỏi bà về vụ bê bối ở Hồng Kông?
- Không. Hắn hỏi chuyện về Pi-la, ả đã bay đi Bắc Kinh ra sao và ả lấy đâu ra hộ chiếu ngoại giao. Bọn họ không dám chọc vào các vị ngoại giao, cái bọn mật vụ khốn khổ ấy, lần mò theo dấu vết rồi cuối cùng chạm trán phải cái thẻ xanh: thẻ nhà ngoại giao… Rồi hắn hỏi Giôn đã đưa ả ta từ Hồng Kông đi đâu?
- Pi-la là ai vậy?
- Một con đĩ ấy mà. Đồ đĩ rạc bẩn thỉu.
- Ả ta sống ở đâu?
- Còn ở đâu nữa? Lão Giôn ở đâu thì nó ở đấy. Lão kéo ả theo khắp mọi nơi. Lão lấy ả làm cái nệm, rồi sau lại kì cọ cho sạch trong buồng tắm. Lão còn dùng ả để lót cho mấy gã khốn kiếp ở Béc-lin, khi lão cho bọn kia tiền, thông qua Pi-la. Còn ả thì lại làm ra bộ nữ chiến sĩ cách mạng theo Mao. Ả huấn thị cho bọn trẻ ranh ở Béc-lin kia biết phải nhắm bắn vào ai. Chính lão Giôn đã vạch mặt chỉ tên những bạn bè cũ của lão ra cho ả khử… Đúng hơn, là bạn bè của bố tôi… Bố tôi cần khử kẻ nào đó trong số lũ kẻ cướp cũ, thì Giôn làm liền… Mà tôi nói ông cũng đừng có tin, đừng trố mắt lên như thế, tôi điên đấy… Điên thì nói gì chả được. Ông có thực mang ít bột thuốc đến không đấy? Pi-la thường hay cho tôi hút lắm, nói chung, ả cũng tốt.
- Ả là kẻ đầu tiên cho bà hút hê-rô-in?
- Không. Đầu tiên là lão Giôn. Lão không biết chất lượng hàng hoá ra sao, thế là lão muốn lấy tôi để thử. Kẻ khác thì đã nện vào mồm tôi, còn lão thì lão cứ nhìn trân trân vào mắt tôi, khi tôi rướn người lên sát vào mặt lão… Giống như ông anh tôi vẫn nhìn vào mắt các chú thỏ bị cưa cẳng làm thí nghiệm ấy mà. - Bằng một cái cưa tay ấy… Ông có biết lũ thỏ nó rít lên thế nào không? Ồ, phải nghe lũ thỏ mắt đỏ ấy nó rít lên thì mới hiểu được… Bố tôi thì bảo tôi, đừng có làm phiền anh Dép, bố tôi bảo, đường vào khoa học phải đi qua sự tàn nhẫn… Còn anh Dép, cuối cùng nhổ bọt vào khoa học để trở thành một chính khách cỡ bự, lẽ nào, chính trị lại là một khoa học? Cái đó cũng giống như khi ông anh tôi cưa chân thỏ mà không gây tê.
- Thế ông anh bà hiện giờ đâu rồi?
- Giôn giúp cho anh Dép trở thành bí thư của “Đảng nước Đức mới”, bây giờ, Dép đang bảo vệ cho cái lợi ích ấy của người Đức. Tôi cũng là người Đức đây, phải, tất cả nhà tôi, cả Glép cũng một nửa là người Đức. Có điều lão không thích người ta nhắc đến điều ấy, vi có một người bà con của lão đã làm việc ở Ngân hàng đế chế cho Hít-le, một người rất là trí thức, rất là kín đáo, thầm lặng, lão ấy chỉ biết đến số răng vàng nhổ được ở trại tập trung Au-sơ-vít, số nhẫn cướp được ở trại tập trung Đa-khao… - Người đàn bà lại cười - Nếu ông muốn nạt Glép, thì cứ gặp lão mà hỏi thăm sức khoẻ bác Dích-phrít. Hãy bảo lão rằng ông đang muốn kiện Dích-phrít San-xơ về việc bà con của ông bị thiêu ở cái lò thiêu người. Có điều là sau đó, ông phải lo mà giữ lấy cái mạng - Giôn không tha thứ cho ai về những câu hỏi kiểu ấy đâu. Đến tôi, lão cũng không tha thứ vì kiểu hỏi như vậy, cho nên tôi mới phải vào đây.
- Và bà cũng đã kể hết cho Rô-bớt So?
- Hắn ta là một thằng ngốc, cái gã So ấy mà! Hắn y như cái máy chữ ấy, lạch cạch, lạch cạch, lúc nào cũng muốn làm rối trí tôi lên… - Hình như hắn ta chẳng thèm biết rằng ở trên đời này có một nước gọi là nước Đức, nơi có những người Đức đang sống nữa. Khi tôi tìm thấy trong đống giấy tờ của cha tôi những bức thư của Giôn và vỡ lẽ ra rằng tôi với lão ta cùng một ổ, khi ấy mọi chuyện giữa tôi và lão ta mới bắt đầu - Trước đó, tôi là một con người khác. Tôi đang hoạt động. Tôi đã từng biết công việc xoay xoả ra sao, cho ai và khối lượng bao nhiêu, tôi đã từng biết người ta khử ai, ở đâu và khi nào, tôi đã là một yếu nhân, Đê-vít Hiu là người giúp việc cho Giôn, sau này bị đuổi đi, đã bảo là tôi sẽ trở thành một Ma-ta Ha-ri mới(7).
- Thế Hiu bây giờ ở đâu?
- Không rõ, có lẽ ở Muy-ních. Cần quái gì đến hắn nữa.
- Này thôi, ông có thể cởi quần áo ra được chứ? Người ta cho ông vào gặp tôi trong bao lâu? Tôi rất thích được yêu…
Người đàn bà đứng dậy, bỏ áo ngoài ra, I-út-gin trông thấy những vết thâm trên vai, và nước da vàng ợt, nhăn nheo. “Ngốc thật - Anh nghĩ bụng - lẽ ra phải mang máy ghi âm theo. Chao, giá chụp được cảnh này nhỉ?”.
- Bây giờ thì không nên, anh nói, người ta có thể vào đây, còn ít thời gian lắm. Mai tôi sẽ đến, được không? Tôi sẽ đến với bà hai giờ đồng hồ liền.
- Người ta không cho ông vào gặp nữa đâu. Không ai vào gặp tôi đến lần thứ hai cả…
- Thôi được, bà hãy khoác áo vào, ta nói chuyện lát nữa, rồi chuyển sang khoản tình yêu cũng chưa muộn…
“Ý chí cô ta bị tê liệt - I-út-gin nghĩ, khi thấy Em-ma ngoan ngoãn cầm áo lại và choàng lên đôi vai vàng khè, xương xẩu. - Bao giờ cũng vậy đấy, thoạt đầu là hê-rô-in, sau đó thì khủng khiếp thế này đây. Mà Xtê-pa-nốp cần những chuyện này làm gì nhỉ? Chẳng ai tin được cô ta đâu!”.
- Thế hiện nay bác Dích-phrít ở đâu?
- Tôi đang cầu Chúa cho lão chết đi, khi ấy tôi mới không phải sống hổ thẹn dường này… - Bà ta lại bật cười - Sống… Tôi vẫn sống đấy chứ, phải không? Tôi đang sống đây, - bà ta nhắc lại rất tự tin, - bởi vì tôi đang thở, tôi ăn và thải bã ra ngoài. Đúng hơn là tôi đang tồn tại. Chứ cũng không phải sống. Sống phải khác kia. Tôi đã từng sống khi có Giôn. Khi lão bỏ tôi rồi, tôi còn ít thuốc bột và rồi thuốc hút cũng hết, lúc ấy tôi mới chỉ ăn, uống và thải bã một cách chán ngán thế này.
- Anh Dép của bà hiện ở đâu nhỉ, - I-út-gin tiếp tục, trong thâm tâm cảm thấy những câu hỏi đơn điệu của anh làm người đàn bà khó chịu. Anh biết nên nói với Em-ma thế nào, vì không thể nào đoán định được trước câu trả lời của bà ta - Dép cũng chết rồi à?
- Ồ, không! Dép đang phái những người Đức chính trực sang châu Phi để bảo vệ tự do; anh ấy hoạt động ở biên giới, tập hợp bè bạn ở Muy-ních. Chả lẽ ông không biết Dép San-xơ sao?
- Ông ấy đúng là sống ở Muy-ních à?
- Ông nghĩ là tôi bịa phỏng! Ông cũng là So! Ông là đồ chó săn, mật vụ! Hắn cũng không tin tôi như ông! Mà tôi thì nói thật!
Người đàn bà kêu la mỗi lúc một to. Cửa mở ra, hai người mặc áo choàng đi vào, nhìn I-út-gin vẻ trách móc, rồi đưa Em-ma đang la hét đi, trong khi tiếng kêu tuyệt vọng của bà ta còn vọng lại bên tai anh: “Ô hay, ông cho tôi là điên phỏng?”.
… Xtê-pa-nốp gọi điện cho anh em làng báo ở Muy-ních, người ta cho anh địa chỉ của “Đảng nước Đức mới” của Dép San-xơ ngay, không cần phải tra cứu…
(1) San Sebastian: thành phố biển ở Tây Ban Nha, đa số là dân Bat-xcơ ở, một trong các địa điểm tổ chức Đại hội điện ảnh quốc tế thường kì.
(2) Tbi-li-xi: thủ đô nước cộng hoà Gru-di-a, miền Nam Liên Xô (cũ)
(3) Ông, ngài (tiếng Tây Ban Nha)
(4) Nào ta tiếp tục (tiếng Tây Ban Nha)
(5) (6) Tên các nữ diễn viên Mỹ, các ngôi sao điện ảnh Mỹ hiện đại
(7) Nữ điệp viên rất lừng lẫy trong lịch sử tình báo