Bước sang gữa năm 1964, tình hình cách mạng nói chung trên toàn miền phát triển chưa từng thấy. tại Sài Gòn, bọn trùm sỏ vẫn liên tục lật đổ nhau. Ở các vùng chiến thuật, các tướng lĩnh cũng hầm hè giữ miếng để mặc cho quân lính rệu rã từng mảng. tại địa phương, bọn tiểu khu, chi khu lo làm áp phe, lo buôn lậu, lo chứa gái hơn là lo đánh “Việt cộng”. Các đơn vị chủ lực của ta ra đời hàng loạt. Cùng với những trận thắng của các binh đoàn chủ lực, các đơn vị địa phương cũng bắt đầu một thời kỳ làm ăn mở mày mở mặt. Đất giải phóng mở rộng như mơ, nối liền hết giải rừng này đến giải rừng khác. Cả một tiểu đoàn súng ống đầy đủ có thể ngụy trang hành quân vượt trảng, vượt lộ giữa nắng gió. Ban ngày dân có thể mang đồ ăn vào rừng thăm bộ đội mà không sợ chỉ điểm tố giác. Và ban đêm, bộ đội, du kích có thể thay nhau vào ấp thăm dân, chơi với trẻ con mà chẳng lo vướng mìn bỏ xác. Khung cảnh gần như thời bình. Lần đầu tiên anh bộ đội giải phóng ra trận được bà con đưa tiễn, lúc trở về được các má, các cô mang xôi, gà, chuối, dừa… ra đón tận cửa rừng. Thời kỳ này đánh giặc vui như tết. Nhưng đó là khung cảnh của vùng mới giải phóng, của nơi có những binh đoàn chủ lực lên xuống nườm nượp. Còn riêng huyện tôi và các huyện ven đô khác, tình hình vẫn còn ngột ngạt lắm. Tuy vậy, do ảnh hưởng của tình hình chung, địa bàn hoạt động cũng như lực lượng của chúng tôi ít nhiều cũng được tăng cường, nới rộng hơn. Huyện bây giờ đã có một tiểu đoàn và ba đại đội trực thuộc. Quân số và vũ khí trang bị xấp xỉ như đội quân chủ lực. Tiểu đoàn của huyện lúc này do Tiến làm chính trị viên và một đồng chí ở trung đoàn chủ lực sang làm tiểu đoàn trưởng. Tên anh là Huy, tính tình hồn hậu và đánh giặc rất có bài bản. Tiến và Huy rất ăn ý với nhau, Tiến thâm trầm và Huy thì mang cái dáng dấp của Thành năm xưa. Và có một lý do chung họ đều hiểu nhưng đều không nói ra. Đó là cả hai người đều có chung một kỷ niệm với Nghĩa. Cô em chồng của tôi, cách đây hai tháng, qua một bà má cơ sở chuyên móc ráp đường dài, Tiến đã tìm được ở tận vùng Long Đất. Nghĩa ở với bà chị họ xa, lo chăm nom vườn chôm chôm hơn một trăm gốc. Cô chưa lấy chồng và cũng chẳng yêu ai. Cái thai của thằng quận trưởng để lại không may bị sẩy trong thời gian Nghĩa rời đơn vị. Gặp Tiến, cô mừng đến rơi nước mắt nhưng nhất định không chịu theo Tiến trở lại rừng. Thậm chí khi nghe tên quận trưởng đã bán thân bất toại, cô cũng chỉ dửng dưng. Lần đi ấy trở về, Tiến cả ngày ngẩn ngơ, cuối cùng mới nói với tôi: “Thôi, chị ạ! Cứ để Nghĩa ngoài đó, hợp với cô ấy hơn. Chiến tranh có những yêu cầu riêng của nó, người nào chịu được sẽ tốt lên, người nào không chịu được thì sẽ thành tàn tật. Em… Em sẽ đánh giặc thay phần của Nghĩa”. Tiến nói thêm: “Lúc em đi, Nghãi chạy vào trong nhà, có bao nhiêu tiền vét ra bằng hết đưa em, bảo đem về cho mọi người trong đơn vị. Nghĩa nhắc hoài đến chị, nói thương chị lắm, mong chị tha lỗi. Cô ấy không có một tiếng nhắc đến người anh trai…”. Còn Lê, Thu… Hai người này đã tách khỏi đơn vị. Lê lên huyện phục trách bộ phận công tác dân quân. Thu được cử về “Rờ” học lớp y sĩ. Như tôi đã nói với anh lúc này tình hình diễn ra theo tỷ lệ nghịch. Phía trên càng thoáng, càng rộng dài thì phía dưới càng nặng nề, eo hẹp lại. Chúng tôi phải đánh đấm liên miên và cũng chuyển dời căn cứ liên miên. Mấy xã dưới sâu, nhất là xã của anh Tám có khi hàng mấy tuần không liên lạc được. Các đồng chí ở dưới chủ yếu báo cáo công việc lên huyện qua giao liên và trên huyện cũng chỉ thị, góp ý trở lại qua đường dây này. Riêng anh Tám, từ buổi anh đi đến giờ, tôi chưa được gặp lại anh lần nào. Đường bị địch phong tỏa, công việc lại quá bận rộn, tôi chưa có dịp xuống chỗ anh, và anh, không rõ vì lý do gì cũng chưa thấy lên huyện. Tuy vậy qua những tin tức lộ mật; qua những báo cáo ngắn gọn, sáng sủa của anh, tôi biết tình hình dưới đó vẫn phát triển tốt về mọi mặt; trong đó chiếc chìa khóa để mở ra mọi triển vọng và việc anh đưa chi bộ xuống sát dân, nằm ngay trong lòng dân để hoạt động, để chỉ đạo. Đối với một địa bàn mỏng manh như thế, một bí thư chi bộ tồn tại và trụ lại được tới ba tháng mà không xây xát gì, bản thân điều đó đã là kỷ lục. Mỗi lần nhận được báo cáo với những dòng chữ cứng cáp của anh gửi lên, tôi và chị Ba lại nhìn nhau thở ra nhẹ nhõm. Như vậy là anh vẫn còn sống. Không rõ ngoài tình đồng chí cùng lo toan công việc chung, tôi còn có điều gì đó hồi hộp tương tự như chị Ba nữa không? Có lẽ có mà cũng có thể không, nhưng thời gian càng trôi đi, tôi càng hay thỉnh thoảng nghĩ đến anh, càng cồn cào lo cho anh. Tất nhiên cái nghĩ, cái lo đó vẫn không vượt ra ngoài những điều thông thường nhưng đêm về đặt lưng xuống võng, dõi theo lên khoảng không qua kẽ lá nghe kỹ lòng mình, tôi vẫn thấy lẩn khuất một cái gì không bình thường. Giây phút chộn rộn đó cũng qua nhanh thôi, công việc không cho tôi đủ thời gian để mày mò lục tìm ẩn số trong lòng mình lâu hơn. Ba tháng rồi, kể từ ngày lên tỉnh, chồng tôi chưa về thăm tôi lấy một lần và cũng chưa gửi cho tôi lấy vài chữ trừ mấy bận nhân tiện có người xuống, tôi nhận được của anh lúc thì chai mật ong rừng, khi thì gói thuốc bổ… Thế thôi, tịnh không có một lời nhắn nhe thăm hỏi gọi là. Cầm mấy thứ anh gửi, tôi tê dại cả người. Thà không có lại hơn, đỡ tủi, đỡ chạnh lòng. Không thể ngờ con người đã có một thời tôi cho là mẫu mực về mọi điều tốt đẹp, một thời tôi tự hào, một thời tôi đắm say và là lý do sâu xa vẫy gọi tôi trở thành người cách mạng; con người đó hôm nay lại lạnh lẽo, lại tủn mủn cố chấp như vậy. Gần đây tôi loáng thoáng nghe người ta nói thỉnh thoảng bắt gặp anh ra gò ngồi trò chuyện cả buổi với hai mẹ con một ngươi đàn bà nào đó. Đứa bé giống anh Nhân lắm!... Trời! Chả lẽ người đàn bà đó lại là Sang? Sang đã nói, đã thề thốt với tôi kia mà?.... Nhưng sự đời biết đâu mà dò được. Nay thế này mai thế khác cũng là chuyện thường. Có điều tại sao anh lại giấu tôi? Nếu muốn quan hệ lại với người đàn bà đó thì ít nhất cũng phải thông báo cho tôi một lời chớ. Tôi có ngăn cản đâu? Buồn tủi và ghen tuông dày vò tôi đến mất ngủ. Sáng dậy ngẩn ngơ như vừa đánh mất một cái gì vô cùng quý giá. Không! Tôi không thể mất được! Sao lại mất khi anh vẫn còn sống, tôi vẫn còn sống, mà chỉ ở cách nhau một ngày đường. Anh Tám nói đúng, tôi sẽ dịu mềm trở lại, sẽ tạo một cái thung lũng nhiều trái ngọt, nước xanh để vẫy gọi anh về, sẽ cải hóa anh bằng tình yêu chưa mất hết của tôi, nếu còn cải hóa được. Tôi sẽ đi tìm anh, đến với anh ngay ngày mai ngày mốt nếu tạm thời rảnh việc. Nhân danh tình yêu và nhân danh những kỷ niệm sâu nặng, nhân danh cả linh hồn đứa con bé bỏng và tuổi trẻ sắp qua đi của cha mẹ nó, tôi sẽ mở rộng lòng ấp ủ anh, bỏ qua cho anh, đại lượng và bao dung như người vợ, người em gái trước anh. Tôi sẽ làm hết cách, làm mọi cách để giữ lấy tình yêu, hạnh phúc, tình nghĩa chồng vợ của mình. Ngày mai hay ngày mốt, tôi sẽ đi. Tôi sẽ nói với chị Ba ởlại trên đó một đêm, hai đêm. Và… tôi thoáng nôn nao nghĩ đến một ngày nào đó, vợ chồng tôi lại có một đứa con, vẫn là con trai, vẫn đặt tên là cu Đức. Có con, anh ấy chắc sẽ trở lại tốt bụng, thông minh, duyên dáng và tràn ngập yêu thương… Chao ôi! Đã lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp ngắm kỹ lại đôi mắt ấy, dôi mắt của chồng tôi, đôi mắt mà mỗi khi nhìn vào, tôi cứ thấy xao xuyến cả người. Đôi mắt… nằm giữa rừng đêm thanh vắng, nghe vợ chồng đôi chim từ quy kêu buồn nẫu ruột, đã lao lần tôi ao ước có đôi mắt ấy nhìn nghiêng xuống mặt mình cùng với những cái hôn cuống quít, ướt đẫm sương đêm… Người có đôi mắt như thế quyết không thể là người xấu, là người ăn ở bạc ác hai lòng. Còn nếu… thực sự anh đã cảm thấy ngán tôi, không thể chung sống nổi với tôi và nguồn an ủi của anh chỉ có thể trông cậy vào mẹ con người đàn bà Bến Cát ấy thì tôi… cũng đành lòng. Mất mát nào không đứt ruột, nhưng mất tình yêu sẽ là điều ghê gớm nhất. Thà mất như vậy còn hơn. Không còn gì cả vẫn dễ chịu hơn là sống trong trạng thái mập mờ, vừa còn vừa mất. Dường như ở nơi xa, anh đã nghe thấu được tâm sự của tôi. Mười ngày sau, tôi vẫn chưa tìm được dịp lên thăm anh thì bất ngờ, chính anh lại xuống tìm tôi. Tìm tôi trong một tình huống khá căng thẳng. Tiểu đoàn của Tiến vừa làm được một trận lớn diệt gọn cả đại đội bảo an ác ôn trong vùng Hố Đá Tân Phước Khánh. Bị quá đau, hôm sau chúng huy động hầu như toàn bộ lực lượng của tiểu khu bung ra truy quét. Ban ngày chúng chia thành nhiều mũi sục vào tất cả các ngóc ngách đáng nghi ngờ. Ban đêm chúng dàn ra án ngữ ở khắp nơi. Chúng tôi bị khép trong vòng vây ngày càng thít chặt, nhưng vẫn chủ trương án binh bất động để bảo toàn lực lượng. Chúng chạm vào bộ phận nào thì bộ phận đó được nổ súng, không thì thôi. Tương quan lực lượng quá chênh lệch không cho phép chúng tôi được làm cách khác. Cả cụm rừng Vĩnh Trường mấy ngày đó không lúc nào ngớt tiếng súng đạn, tiếng máy bay trực thăng chiến đấu lên xuống. Tôi và chị Ba cùng các đồng chí chủ chốt trong huyện chạy đôn đáo khắp nơi; tối về mới gặp nhau, tranh thủ ăn chén cơm, hội ý đôi chút rồi sớm mai, lúc trời chưa tan sương lại mỗi người một hướng. Thú thực, phải lâm vào những tình cảnh hiểm nghèo như thế này mới thấy hết được năng lực của chị Ba. Chị điềm tĩnh đến kỳ lạ và đưa ra những nhận định về thủ đoạn hoạt động của địch tường tận hệt như một chiến sĩ tình báo đang nằm trong ruột chúng và chị cũng phác ra những phương thức tác chiến nhạy bén đến nỗi có lúc nhìn chị, tôi tiếc tại sao chị lại nằm ở địa phương trong khi chị có đủ tầm vóc để chỉ huy một đơn vị chính quy. Nói chung trong chiến tranh, một bí thư cấp ủy thường đồng nghĩa với một chỉ huy chiến đấu. Một bí thư cấp ủy đòi hỏi hết sức rành rẽ về quân sự, dường như năng lực ấy sẽ làm nên uy tín chủ yếu cho anh. Một cán bộ Đảng chỉ gỏi giấy tờ, hội họp, báo cáo thì có nghĩa anh tự đào thải mình. Chiến tranh không chấp nhận những nhà lãnh đạo chỉ chuyên trách ngồi thảo ra nghị quyết. Chị Ba không phải là người như thế. Trong tác phong làm việc và suy nghĩ của chị, có cái gì đó mà tôi thầm nhận xét rằng sao hao hao giống anh Tám. Từ ngày anh Tám đi, chị sống đằm hơn, ít nói hơn nhưng cũng vì thế mà sâu hơn, nhiều nhân hậu, yêu thương hơn. Lúc này tôi ít nghe thấy chị nhắc đến tên người đàn ông ấy. Phải chăng do công việc bộn bề, do nghị lực bản thân, chị đã tự dẹp được nỗi niềm riêng tư đau đáu. Chỉ những lần một ai đấy, hay một bản báo cáo nào đấy động nhắc đến tên anh, đến việc làm của anh, nhìn mắt chị tôi mới hợt hiểu rằng, anh ấy vẫn đang còn nằm ở một nơi nào đó rất sâu kín, rất sâu trong lòng chị. Cuộc chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù đang hết sức cam go, chưa rõ kết cục sẽ diễn biến ra sao thì chồng tôi bất ngờ về. Thoạt đầu tôi tưởng trên cử anh xuống với tư cách là một cán bộ an ninh có kinh nghiệm để bổ sung cho cuộc chiến đấu dưới này. Nhưng sau đấy thấy anh im lặng, tôi mới ngờ ngợ… Lạ thật! Ở trên đó dù sao cũng đỡ căng thẳng, vất vả hơn nhưng mới cách nhau có vài tháng mà trông anh khác hẳn đi: già hơn, gầy hơn và hai đuôi mắt đã bắt đầu xuất hiện đôi ba nếp nhăn không dài nhưng đậm. Cái cười của anh cũng không còn duyên như trước. Đành rằng tôi biết anh khá bận. Đồng chí trưởng ban an ninh đi tập huấn vắng, ở nhà mọi công việc đều đổ dồn vào mình anh. Ở dưới này thỉnh thoảng tôi cũng được nghe người ta kể về anh. Nói chung là họ ca ngợi. Anh không những chỉ có năng lực chỉ đạo mà ngay năng lực hành động anh cũng tỏ ra là người xông xáo tận tụy. Nhiều lần anh đã bị chết hụt, nhiều lần anh đã bị kẹt lại trong ấp do mải đột vào sâu quá, không ra được, nhưng rồi lần nào cũng thế, bằng sự không ngoan, linh lợi của mình, anh đã thoát. Tóm lại, người ta đánh giá khá cao vai trò và sự tháo vát dũng cảm của anh. Nghe được những tin ấy, tôi cũng thấy vui vui. Dù sao con người ấy, bằng hoạt động của mình cũng gợi lên trong tôi một chút tự hào. Tự hào pha trộn cay đắng! Nhưng chỉ có vậy thì làm gì đến nõi anh ấy tiều tụy đi nhanh đến thế? Chắc trong anh còn phải có một cái gì nữa. Người lao lực, dù lao lực đến kiệt sức đi nữa cũng không có con mắt nhìn u uẩn như vậy. Cái nhìn của anh vừa xa lạ vừa gần gũi, vừa dịu dàng vừa khắt khe ấy khiến tôi lạnh người. Tôi hỏi bàng hoàng: - Anh… anh mới tới? Anh không trả lời, vẫn chỉ nhìn. Rừng đã về chiều. Một vài tiếng nổ lẻ loi vang lên ở đâu đó dưới Hốc Bà Tó rồi lặng hẳn. Bóng tối đang chậm từ ngoài trảng lan vào. Anh vẫn nhìn tôi. Hun hút và thẫn thờ. Cái nhìn sâu thẳm trong con mắt u uẩn của anh dần dần hút chặt lấy ánh mắt tôi. Tôi cũng nhìn anh. Gò má xanh xao của anh động đậy. Cặp môi anh hơi run run. Cái gì nghèn nghẹn đang từ từ dâng lên cổ tôi. Hai ánh mắt vẫn dồn tụ vào nhau, sóng sánh, dâng đầy… Tôi bắt đầu cay cay sống mũi. Nếu còn tiếp tục nhìn vào mắt anh thêm chút nữa, tôi sẽ òa lên khóc mất. Bởi vì, trong ánh sáng chập choạng của chiều, tôi đã tìm lại được trọn vẹn tình yêu mãnh liệt và đau khổ trong mắt chồng tôi. Anh từ từ đi lại phía tôi, ánh mắt vẫn ngờm ngợp. Cách tôi một bước chân, đột nhiên anh quỳ thụp xuống, gục đầu vào lòng tôi, bất động… Giây phút đó, tôi rùng mình một cái rồi thân thể đờ ra trong cảm giác mình đang chìm xuống… chìm xuống rất sâu. Bỗng chân tôi chạm đáy. Tôi tỉnh lại. Tôi muốn đẩy anh ra. Tôi muốn kêu lên một câu gì đó thật lạnh lùng. Nhưng… rồi tôi lại chìm nữa. Chìm mãi. Tôi vẫn đứng dậy, đưa tay ôm chặt đầu anh vào lòng và ngửa mặt lên trời, dòng nước mắt yêu thương, buồn tủi, giận hờn cứ từng đợt, từng đợt trào ra… Lâu lắm rồi tôi mới lại khóc, mới lại được khóc sung sướng đến như thế này. Tiếng nói rất đỗi quen thuộc của anh vang lên, vấp váp, dồn dập và nóng bỏng: - Thanh… Anh yêu em… Những ngày vừa qua, anh khổ quá! Lúc nào, đi đâu, làm gì, anh đều nhớ đến em. Những đêm dài dằng dặc. Không ngủ được, anh úp mặt vào võng và thầm vuốt ve khuôn mặt gầy gầy của em trong đó… thầm nói chuyện với em. Thanh… Nếu em biết rằng em là tất cả của anh: là niềm vui và nỗi buồn, là hạnh phúc và khổ đau của anh. Những ngày qua anh như không sống nữa. Anh lao vào làm việc, lao vào nguy hiểm để quên em nhưng không quên được… Thanh ơi! Những ngày vừa rồi chính anh đã tự bắn tên vào ngực mình rồi cứ thế mà giữ chặt mũi tên để bàn tay nhòe máu… Anh sẵn sàng chết vì mũi tên tự bắn ấy mà không thể cầu xin, không thể kêu gọi lòng thương hại của em. Em coi thường, em xúc phạm anh nặng nề quá! Con người em không chứa nổi tình yêu của anh. Em đã coi tình yêu của anh không dài hơn cây súng, không nặng hơn giá trị một chiến công. Em không yêu anh! Nhưng kiệt sức rồi, nếu phải kéo dài nữa, anh điên đầu mất. Hôm nay anh đến với em, em có khinh anh không? Em có yêu anh không? Trả lời đi! Một lời thôi. Nếu không, anh sẽ đi ngay khỏi nơi này. Tôi nâng đầu anh lên, cuống quít hôn vào khắp mặt anh, vào mắt anh, lắp bắp: - Không.... Em yêu! Em yêu anh! Em không bao giờ coi thường anh, em không xúc phạm anh. Em yêu... Anh xiết chặt tôi vào lòng, xiết đến nghẹn thở. Tôi muốn cứ vậy mà chết nghẹt trong tay anh. Anh lau nước mắt cho tôi và hình như trong mắt anh cũng rơm rớm nước: - Cám ơn em! Thế là đủ. Chỉ cần được ôm em, được nghe em nói một câu như thế là anh có thể sẵn sàng chết được rồi. Thanh ơi – anh hôn mê mải vào cổ, vào vai tôi – Em cứ ốm mãi thế này sao? Thương em nhiều quá! Giá mà gánh đỡ cho em được ít nhiều công việc... Anh nói, nhiều lắm. Tôi như bơi trong dòng ngôn ngữ yêu thương đó. Cólúc toi chìm nghỉm xuống vực, có lúc tôi lại trồi lên, rực nắng. Có lẽ tôi chưa bao giờ yêu anh nhiều đến thế, đắm đuối đến thế. Đàn bà ít nói, đàn bà không thể có cách bộc lộ tình yêu ồn ào, thác lũ như đàn ông nhưng chỉ biết rằng nếu lúc ấy anh bảo tôi cùng với anh nhảy vào lửa tôi cũng nhảy. Anh bảo tôi ra rừng tự trói mình hỏa thiêu để thành đôi hài cốt ôm nhau tôi cũng làm.... Thuở mơi yêu anh kể, ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau do bọn nhà giàu ngăn cản. Hai người bèn đưa nhau vào rừng, dứt một sợi dây giang tự trói mình vào gốc cây đại thụ rồi châm lửa dưới chân... Đến khi dân bản đốt đuốc tìm được thì họ chỉ còn là hai bộ xương cháy đen ôm cứng lấy nhau, gỡ thế nào cũng không ra... Câu chuyện ấy ngày xưa nghe tôi chỉ cười, bây giờ nhớ lại sao thấy thấm thế? Tôi thở dài một tiếng và lả người trong tay anh... Nỗi giằng xé mà cả hai người đều nén chịu đã quá lâu, chỉ cần một phút gặp nhau, nhìn thẳng vào mắt nhau là đủ nổ bùng thành dữ dội không kìm được. Đêm đó chúng tôi là của nhau, cho nhau, sống với nhau hết lòng bằng cả những năm tháng trước kia cộng lại. Tôi tha thứ cho anh hết, bỏ qua cho anh hết, không gợi nhắc bất cứ một chuyện gì có thể làm cho cả anh lẫn tôi sựng lại. Tôi không hỏi anh cớ sao anh lại làm thế, lại đối xử với tôi, với anh Tám như thế; cũng chẳng hỏi anh về người phụ nữ Bến Cát nhiều lần thiên hạ nhìn thấy nói chuyện với anh trên gò kia có đúng như vậy không? Những cái đó bây giờ chỉ là tiểu tiết, là vô nghĩa mà tôi thực lòng không muốn nhắc đến. Giờ đây, có anh bên cạnh tôi bằng xương bằng thịt là đủ lắm rồi. Tôi đâu có phải là người đàn bà khắt khe đòi hỏi ở anh hơn nữa. Và anh, với sự trung thựcvốn có của mình cũng dần dà thú nhận với tôi hết mọi chuyện. Anh nói anh hổ thẹn với tôi, hổ thẹn trong việc làm cạn tình cạn nghĩa đối với anh Tám; anh bảo những cái tất đó cũng vì đau, vì yêu, vì tức tối sợ mất tôi. Anh không dám nghĩ rằng anh còn được tôi tha thứ, tôi yêu anh như thế này. Trong chuyện Nghĩa, anh chỉ thở dài. Tôi không hỏi thêm bởi vì ngay cái thở dài đó cũng biểu hiện sự ân hận day dứt trong anh quá rõ ràng rồi. Cuối cùng anh dụi mặt vào ngực tôi nói: - Thế là anh sống lại rồi! Có em và có được tình yêu của em, anh sẽ không sợ gì nữa. Nhưng tính khí anh kỳ cục lắm! Hay tự ái, hay chấp nê và nhiều khi nóng lên là bất cần tất cả. Em hãy giúp anh vượt qua được điều này. Em hãy dịu dàng, bao dung cho anh. Chiến tranh căng thẳng quá, thần kinh bị quá tải, nhiều khi không bình thường, em đừng làm nó quá tải thêm nữa nghen! Tôi chợt nhớ đến lời của anh Tám: “Thanh hãy là cái thung lũng xanh tươi cho...”. Nghĩ đến anh Tám, lòng tôi chợt se lại. Ở dưới đó, nếu biết lúc này tôi và anh ấy đã hòa thuận, anh có vui không hay... “Người đàn bà mà tôi yêu ghê gớm đã vĩnh viễn chết rồi...” câu nói gần như trối trăng đó xen vào lòng tôi đau nhói. Một chút hoảng sợ mơ hồ khiến tôi đột ngột ghì sát người vào chồng, nói một câu vội vã và trống rỗng: - Em yêu anh... Anh đừng đi! Anh ở lại... Nhưng chồng tôi không ở lại được. Ngày hôm sau anh tham gia chiến đấu với chúng tôi suốt từ sáng đến tối, miệng luôn cười và khi ngừng tiếng súng, anh nói anh phải trở lại tỉnh gấp. Nhiều công việc trên đó đang chờ anh. Anh hứa sẽ quay xuống trong một ngày gần đây và có thể nằm lại ít bữa để triển khai một số công việc. - Khi đó vợ chồng sẽ có dịp gần nhau hơn – Anh hôn nhẹ vào tóc tôi – Thanh ơi! Chúng mình sẽ lại có một đứa con, cũng con trai phải không? Lần này nhất định không đem gửi cho ai nữa. Hai vợ chồng sẽ thay nhau mà nuôi. Khổ thế nào cũng nuôi. - Anh.... Tôi cắn mạnh vào vai anh, mặt thoáng nóng từng. Vợ chồng dù có giận nhau, dù đôi khi nói với nhau những câu thậm tệ, thậm chí nóng lên có thể tát vào mặt nhau nhưng nếu còn yêu thì còn có dịp làm lành và mỗi lần làm lại càng yêu nhau hơn, sôi nổi hơn cả cái thuở ban đầu, bởi lẽ yêu lúc này có cộng thêm cả cái tưởng sẽ vĩnh viễn mất đi. Còn nếu trái tim đã lạnh rồi thì không có một sự hàn gắn nào nhóm lại tình yêu được nữa. Và chỉ cần một va chạm nhỏ cũng đủ để thành cái cớ mãi mãi xa nhau. Vợ chồng tôi may mắn nằm trong trường hợp thứ nhất. °