Côdét và Mariuytx mỗi người một nơi, lòng chưa tỏ lòng, nhưng cả hai đều sẵn sàng bắt lửa. Cả hai người đều chất chứa những luồng điện của tình si mang đầy bão táp và uể oải vì nó. Cả hai tâm hồn đều chất chứa ái tình cũng như hai đám mây chất chứa sấm sét. Hai tâm hồn ấy nhất định phải gần nhau lại, phải trộn lẫn vào nhau trong một cái nhìn cũng như hai đám mây phải chạm nhau trong một tia chớp. Vận mệnh, với sự kiêu hãnh huyền bí và chắc chắn đang dần nhích họ lại gần nhau. Các tiểu thuyết tình đã lạm dụng cái nhìn nhiều quá đến nỗi nó bị người ta coi thường. Bây giờ thì ít ai còn dám nói hai người đã yêu nhau vì họ đã nhìn nhau. Ấy vậy mà chính người ta yêu nhau là vì như thế đó, và chỉ có như thế đó thôi. Còn cái gì nữa thì đó là cái phụ, nó đến sau. Chẳng có gì thật hơn những cái chuyển động sâu xa ấy mà hai tâm hồn truyền cho nhau khi trao đổi với nhau tia lửa trong ánh mắt. Giây phút mà Côdét không ngờ là mình có cái nhìn làm Mariuytx xao xuyến, thì Mariuytx cũng chẳng biết rằng mình cũng có cái nhìn làm cho Côdét phải nao nao. Cái nhìn ấy đối với nàng cũng có tác dụng xấu và tác dụng tốt hệt như thế. Đã từ lâu nàng thấy chàng và nhìn chàng như kiểu các cô gái thấy và nhìn thanh niên, nghĩa là cứ làm ra vẻ như là ngó vào đâu đâu. Mariuytx đang còn thấy Côdét xấu thì Côdét đã thấy Mariuytx đẹp rồi, nhưng vì chàng không để ý gì đến nàng, nên nàng cũng coi chàng như không. Tuy vậy nàng không thể nào không tự bảo mình là chàng có mái tóc đẹp, cặp mắt xinh, hàm răng đều, giọng nói thanh tao khi nàng nghe chàng chuyện trò với bạn bè; chàng đi, dáng có thể nói không oai cũng được, nhưng vẫn có cái duyên riêng, chàng chẳng lù đù tí nào, cả người chàng đều thanh cao, dịu dàng, giản dị và kiêu hãnh; và cuối cùng chàng có vẻ nghèo, nhưng vẫn lịch sử, không đến nỗi nào. Cái ngày mà bốn mắt nhìn nhau và bỗng dưng ấp úng trao đổi với nhau những điều lờ mờ khó tả đầu tiên bằng cái nhìn, thì thoạt tiên Côdét không hiểu. nàng sinh ra suy nghĩ trong khi trở về nhà ở phố Uét nơi Giăng VanGiăng, theo thói quen, đến ở sáu tuần. Hôm sau ngủ dậy, nàng nghĩ đến anh chàng thanh niên lạ mặt ấy; anh chàng lâu nay lạnh lùng, không để ý gì đến nàng, nay hình như lại để mắt đến nàng và tuồng như sự chú ý ấy chẳng làm cho nàng vui thích chút nào. Nàng hơi căm giận cái anh chàng đẹp trai làm cao ấy. Một thứ bản năng hiếu chiến nổi dậy trong người nàng. Bàng có cảm tưởng như nàng sắp được trả thù và cảm tưởng ấy làm nàng thấy một nỗi vui sướng thật trẻ con. Biết mình đẹp, nàng có cảm giác là mình có một thứ vũ khí, mặc dù đó là một cảm giác mơ hồ. Phụ nữ họ chơi với sắc đẹp của họ như trẻ con nghịch dao. Họ sẽ bị thương. Bạn đọc còn nhớ những nỗi ngập ngững, hồi hộp, lo sợ của Mariuytx. Chàng cứ ngồi ở cái ghế dài và không dám đến gần. Điều ấy làm cho Côdét bực mình. Một hôm nàng nói với Giăng VanGiăng: - Bố ơi, chúng ta đi về phía kia chơi một tí đi. Mariuytx không đến với nàng thì nàng đến với chàng vậy. Trong trường hợp như vậy, người phụ nữ nào cũng giống Mahômê cả. Triệu chứng đầu tiên của tình yêu chân thật ở người con trai là sự rụt rè, còn người con gái lại là sự táo bạo. Kể cũng kỳ dị thật. Người ta ngạc nhiên nhưng quả không có gì đơn giản bằng. Đó là hai giống khác nhau muốn đến gần nhau và giống này đã mượn tính chất của giống kia. Hôm ấy, cái nhìn của Côdét khiến cho Mariuytx như ngây như dại, cái nhìn của Mariuytx làm cho Côdét bối rối run rẩy. Ra về Mariuytx tin tưởng, Côdét lo lắng. Từ đó, hai người yêu nhau. Thoạt tiên, Côdét cảm thấy một nỗi buồn mơ hồ nhưng sâu xa. Nàng thấy hình như chỉ một hôm mà tâm hồn nàng đã trở nên u tối, nàng không còn nhận ra nữa. Tâm hồn các cô thiếu nữ lạnh lùng và tươi vui, cái trong trắng của nó cũng như cái trong trắng của tuyết, gặp ái tình là mặt trời thì trong trắng cũng tan. Côdét không hiểu ái tình là gì cả. Chưa bao giờ, nàng được nghe đọc đến tiếng ấy với cái nghĩa trầ gian của nó. Trong các sách nhạc ngoại đạo đem vào tu viện, ái tình đều được thay bằng tang tình hay quái tinh (Nguyên văn: amour thay bằng tambour, pandour). Thành ra có những câu bí hiểm khêu gợi trí tưởng tượng của các cô lớn tuổi như là: Chao ôi! Tang tình sao mà êm ái thế! Hoặc: thương hại không phải là quái tinh! Nhưng Côdét ra khỏi nhà tu lúc còn nhỏ quá nên chẳng phải bận tâm nhiều vì “cái tang tình” ấy. Bởi thế nàng không biết tên gì để gọi điều mà nàng cảm thấy trong lúc này. Nhưng người ta có vì không biết tên bệnh mà ít đau hơn không? Nàng yêu mà không biết mình yêu, nên tình yêu lại càng đắm đuối. Nàng không hiểu cái đó tốt hay xấu, có ích hay nguy hiểm, cần thiết hay có hại đến tính mạng, vĩnh viễn hay thoáng qua, được phép hay bị cấm; nàng chỉ biết có yêu. Người ta sẽ làm nàng ngạc nhiên hết sức nếu người ta nói với nàng: cô không ngủ à? Không được đấy nhé! Cô không ăn uống gì cả à? Bậy lắm! Cô thấy khó thở, tim cô hồi hộp à? Có ai như thế đâu! Có bóng người nào bận đồ đen hiện ra ở cuối lối cây xanh thì má cô ửng hồng hay tái mét chứ gì? Thật là tầy trời! Nàng sẽ không hiểu gì và nàng sẽ trả lời: làm thế nào mà lỗi ở tôi được? Việc ấy tôi chẳng biết làm thế nào được, mà tôi cũng có hiểu gì đâu! Hóa ra thứ tình yêu vừa đến với nàng lại chính là thứ tình yêu thích hợp nhất với tâm trạng nàng bấy giờ. Đó là một thứ sùng bái từ xa, một sự chiêm ngưỡng thầm lặng, đó là sự thần thánh hóa của một con người mình không quen biết. Đó là tuổi trẻ ra mắt với tuổi trẻ, đó là giấc mơ ban đêm trở thành tiểu thuyết nhưng vẫn còn là mơ, đó là bóng ma hằng mơ ước nay đã thành sự thực và hiện thành người bằng xương bằng thịt, nhưng vẫn chưa có tên, chưa có lỗi gì, chưa có tì tích gì, chưa đòi hỏi gì, chưa có khuyết điểm gì; tóm lại, là người yêu xa vời đang còn trong lý tưởng, chẳng khác gì một con người tưởng tượng mà đã có hình dáng rõ rồi. Mọi cuộc gặp gỡ gần gũi hơn, hiển nhiên hơn, trong buổi đầu này, chắc sẽ làm Côdét khó chịu, vì nàng hầu như vẫn còn chìm ngập trong sương mù của nhà tu, nó thường phóng đại mọi sự vật. Trẻ con sợ gì, nàng cũng sợ, mà những nữ tu sĩ sợ gì nàng cũng sợ, hai thứ trộn lẫn với nhau. Cái tinh thần của tu viện thâm nhiễm vào Côdét trong suốt năm năm, ngày nay hãy còn chầm chậm thoát ra từ con người nàng và bay lên, làm cho mọi vật chung quanh nàng rung động. Trong tình trạng ấy, điều nàng cần không phải là một người tình nhân, cũng không phải là một anh chàng si tình mà là một hình ảnh. Nàng đem lòng thờ phụng Mariuytx như một cái gì xinh đẹp, ngời sáng và cao xa, với không tới. Sự ngây thơ tột bậc cũng có vẻ như sự lơi lả tột bậc. Nàng mỉm cười với cahngf, ngay thật, không chút e lệ. Ngày nào nàng cũng nóng ruột chờ cho đến giờ đi chơi. Đi chơi, nàng được gặp mặt Mariuytx và cảm thấy trong lòng sung sướng một cách khó tả. Nàng nói với Giăng VanGiăng: - Cái vườn Luychxămbua này thật là dễ ưa bố nhỉ! Nàng tin rằng như thế là mình đã thành thật nói hết ý nghĩ của mình! Mariuytx và Côdét, người này đối với người kia như đang ở trong bóng tối. Họ không nói năng với nhau, họ không chào hỏi nhau, họ không biết nhau. Họ vẫn thấy nhau. Và tựa như những vì sao trên trời cách nhau hàng thiên vạn dặm, họ sống bằng cách nhìn nhau. Cứ như thế, với ý thức mình đẹp và không biết mình yêu, Côdét dần dần phát triển thành một người đàn bà, xinh đẹp, khát khao tình yêu. Lại làm duyên làm dáng một cách ngây thơ.VII KẺ BUỒN NGƯỜI LẠI Ủ Ê Ở vào một hoàn cảnh nào người ta cũng được linh cảm mách bảo. Chính thứ linh cảm tự nhiên, lâu đời và muốn năm ấy đã ngầm báo tin cho Giăng VanGiăng sự có mặt của Mariuytx. Trong thâm tâm ông giật mình. Giăng VanGiăng không nhìn thấy gì cả, không hay biết gì cả, nhưng lại nhìn chăm chú và dai dẳng vào bóng tối đang bao trùm ông, chẳng khác gì ông đang cảm thấy ở một bên mình thì có cái gì đang xây dựng còn bên kia thì có cái gì đang sụp đổ. Về phần Mariuytx, theo quy luật thâm thúy của trời đấy, chàng cũng linh cảm Giăng VanGiăng đã biết chuyện mình và tìm hết cách để tránh mặt “ông bố” của người đẹp. Tuy vậy, có lúc Giăng VanGiăng cũng nhìn thấy chàng. Cử chỉ của Mariuytx không còn tự nhiên nữa. Khi thì chàng cẩn thận một cách khả nghi, khi thì chàng lại bạo dạn một cách vụng về. Chàng không đến sát sạt như trước nữa, chàng dừng ở xa và ngồi im, say sưa; chàng cầm một quyển sách, giả vờ đọc vờ với ai nhỉ? Trước kia chàng đến đây với bộ quần áo cũ, bây giờ ngày nào chàng cũng đánh quần áo mới; không biết đích xác là chàng có uốn tóc hay không, nhưng cặp mắt chàng trông buồn cười lắm, tay lại có cả tất nữa; tóm lại, đối với chàng thanh niên này, Giăng VanGiăng thấy thù ghét tận đáy lòng. Côdét không để bố đoán được điều gì cả. Nàng không biết rõ nàng đang có cái gì trong lòng, nên nàng có cảm giác đó là một cái gì quan trọng phải giấu kỹ. Giữa cái ham thích làm dáng mà Côdét mới có đây, với cái thói quen diện quần áo mới vừa hiện ra ở người lạ mặt ấy, có cái gì như là một sự sóng đôi với nhau, khiến Giăng VanGiăng lấy làm khó chịu. Ngẫu nhiên chăng. Có lẽ thế, chắc là thế, nhất định là thế, nhưng là một ngẫu nhiên đáng sợ. Giăng VanGiăng không hề mở miệng nói với Côdét một lời về người lạ mặt ấy. Tuy vậy, một hôm, cầm lòng không được, ông làm như người thất vọng bỗng dưng muốn dò thử nỗi khốn khổ của mình, ông hỏi Côdét: - Cái anh chàng kia sao mà rởm thế! Giá là năm trước đây, Côdét còn bé dại và vô tư thì nàng đã trả lời: - Đâu phải, anh chàng xinh trai đấy chứ. Hay là mười năm nữa, tỏng lòng nặng tình với Mariuytx, nàng đã đáp “Rởm thật và trông khó ngửi lắm! Bố nói rất phải!” Nhưng với tâm trạng của nàng trong giây phút bấy giờ, nàng chỉ biết đáp lại một cách rất bình tĩnh: - Anh thanh niên ấy. Ra vẻ như nàng mới nhìn thấy anh chàng ấy lần đầu tiên trong đời mình. - Rõ ta mới ngốc làm sao! Giăng VanGiăng nghĩ bụng. Con bé có để ý đến thằng ấy đâu. Mình lại đi chỉ cho nó mới khổ chứ. Ôi! Chất phác thay người già! Và sâu sắc thay là trẻ con! Đây cũng là một quy luật cảu tuổi trẻ tươi mắt nhưng cũng nhiều đau đớn và lo âu, một quy luật trong sự đấu tranh gay gắt của mối tình đầu chống những trở ngại ban đầu. Người con gái chẳng sa vào cạm bẫy nào, người con trai mắc tất cả cạm bẫy. Giăng VanGiăng đã bắt đầu tiến hành đối với Mariuytx một cuộc chiến tranh ngầm, mà anh chàng ngờ nghệch một cách siêu việt với tầm tình si và lứa tuổi non trẻ của mình có hay biết gì đâu. Giăng VanGiăng đặt bao nhiêu là bẫy để bẫy chàng; ông đổi giờ đi chơi, ông đổi chỗ ngồi, ông bỏ quên khăn tay, ông đến vườn Luychxămbua một mình; Mariuytxcứ đâm đầu vào tròng hết lần này đến lần khác; và đối với tất cả các dấu hỏi mà Giăng VanGiăng cắm trên đường chàng, chàng đều ngây thơ trả lời là có. Nhưng Côdét thì khéo ẩn núp dưới bề ngoài vô tư và dáng bộ bình tĩnh không thay đổi, làm cho Giăng VanGiăng đến phải kết luận: cái thằng ngốc ấy nó chết mê chết mệt con bé, chứ con bé có thèm biết thằng ngốc ấy là ai đâu. Nói như thế nhưng ông không khỏi thấy lòng run run, đau đớn. Cái ngày mà Côdét biết yêu cũng chỉ là nay mai thôi. Mọi sự chẳng bắt đầu bằng dửng dưng là gì? Chỉ một lần Côdét hớ một tí mà làm ông đến hoảng hốt. Ngồi chơi đã được ba giờ trọn, ông đứng dậy đi, thì Côdét buột mồm nói: - Đi rồi à! Nhanh thế! Giăng VanGiăng không ngắt quãng những cuộc đi chơi ở vườn Luychxămbua, vì ông không muốn làm điều gì trái với lệ thường và nhất là vì ông không muốn làm cho Côdét chú ý. Nhưng trong những giờ phút êm dịu cho cả hai tấm lòng si tình ấy, khi Côdét mỉm cười với anh chàng Mariuytx đang say mê đến nỗi chỉ thấy có nụ cười ấy, chỉ thấy trong trời đất có mỗi gương mặt rạng rỡ đáng yêu ấy, chứ ngoài ra không thấy gì khác nữa, thì Giăng VanGiăng lại chăm chăm nhìn Mariuytx với cặp mắt nẩy lửa, đáng sợ. Ông đã đến chỗ tin rằng mình không còn có thể có một ý nghĩ xấu đối với kẻ khác, thế mà có lúc, khi Mariuytx đang ở trước mặt, ông tưởng mình như trở lại dã man, hung tợn và ông có cảm giác dường như trong tâm hồn mình, những chỗ sâu kín ngày xưa chứa đựng bao nhiêu là căm hờn lại đang hé mở trở ra và đang nhằm chống lại chàng thanh niên ấy. Ông tưởng chừng trong người ông như có nhiều ngọn núi lửa bất ngờ đang hình thành. Thế nào? Cái thằng ấy hắn ở đâu rồi! Hắn đến đây để làm gì? Để xoay quanh, để đánh hơi, dò xét, ướm thử! Để nói: sao? Sao lại không? Để rình mò quanh cuộc đời ông, rình mò ông! Rình mò quanh hạnh phúc của ông, chực cướp lấy mà mang đi! Giăng VanGiăng thêm: - Phải, đúng thế! Hắn đến để tìm cái gì? Một trò đùa! Ý hắn muốn gì? Một mối tình chim chuột! Chim với chuột! Còn ta! Trước hết ta sẽ là người khốn nạn nhất, rồi là người đau khổ nhất trong đời; ta đã chịu đựng tất cả mọi đau khổ mà loài người có thể chịu đựng; ta đã già rồi mặc dù ta chưa hề trẻ; ta đã sống không gia đình, không cha mẹ, không bạn bè, không vợ không con; ta đã để máu trên tất cả những cụm đá, những lùm gai, những trụ mốc, những tường thành; ta đã dịu hiền mặc dù người ta vẫn nhẫn tâm đối với ta, mặc dù người ta vẫn hung ác; bất chấp tất cả ta đã trở thành người lương thiện, ta đã ăn năn những điều ta mắc phải, ta đã tha thứ những điều đau khổ người khác gây cho ta. Thế mà đến lúc ta được ban thưởng, đến lúc mọi sự đau khổ chấm dứt, đến lúc ta sắp đến đích, đến lúc ta nắm được trong tay điều ra mong muốn, rõ ràng là cái ta đã mua được, chinh phục được, thì tất cả sắp bay đi, sắp tiêu tan, ta sẽ mất Côdét, ta sẽ mất đời ta, mất niềm vui của ta, mất linh hồn của ta, chỉ vì lẽ có một thằng ngu ngốc cao hứng đến đi dông đi dài ở vườn Luychxămbua! Nghĩ đến đó, hai mắt ông long lên một ánh sáng dị kỳ và sâu thẳm. Không còn là một cặp mắt của một con người nhìn một con người, cũng không phải là một kẻ thù nhìn một kẻ thù. Đó là một con chó dữ nhìn một tên ăn trộm. Việc xảy ra như thế nào, người ta đã biết. Mariuytx vẫn vô tâm ngờ nghệch. Một hôm chàng theo gót Côdét đến phố Uét. Bữa khác, chàng nói chuyện với người gác coonge. Người gác cổng cũng thóc mách với Giăng VanGiăng: - Thưa ông, việc gì lại một anh thanh niên tò mò đến hỏi ông nhỉ? Hôm sau. Giăng VanGiăng nhìn Mariuytx với vẻ nhìn mà Mariuytx cuối cùng phải nhận ra. Tám hôm sau Giăng VanGiăng đổi chỗ ở. Ông thề không bao giờ để chân đến vườn Luychxămbua nữa, cả đến phố Uét cũng vậy. Ông trở về phố Pơluymê. Côdét không phàn nàn, nàng không nói gì, không hỏi gì, nàng không tìm hiểu một nguyên do nào cả; nàng đã đến thời kỳ sợ người khác đoán được lòng mình và sợ để lộ chuyện riêng. Giăng VanGiăng không hề có kinh nghiệm nào về loại đau khổ ấy, loại đau khổ duy nhất đáng yêu, loại đau khổ duy nhất mà ông chưa hề biết tới; do đó mà ông không sao hiểu được cái ý nghĩa nghiêm trọng trong sự im lặng của Côdét. Ông chỉ nhận thấy nàng buồn và ông cũng âu sầu theo. Đây là sự đương đầu của hai người không từng trải. Một lần, ông muốn dò xét, hỏi Côdét: - Con có muốn đi chơi vườn Luychxămbua không? Một tia sáng làm rạng nét mặt nhợt nhạt của Côdét. Nàng trả lời: - Vâng. Hai bố con cùng đi. Đã ba tháng, hôm ấy họ mới trở lại. Mariuytx không còn đến đấy nữa, nên không thấy bóng dáng chàng. Hôm sau Giăng VanGiăng hỏi lại Côdét: - Con đi vườn Luychxămbua không? Nàng trả lời, buồn rầu và dịu dàng: - Không. Vẻ buồn rầu ấy làm ông khó chịu và giọng dịu dàng kia khiến ông não nề trong lòng. Cái gì đã xảy ra trong khối óc non dại như thế mà đã khó hiểu đến thế? Cái gì đang hình thành ngấm ngầm trong ấy? Cái gì đã xảy đến với tâm hồn cô bé kia? Có khi ông không ngủ, cứ ngồi bên cái giường khổ, hai tay ôm đầu, thức suốt đêm với câu hỏi: Côdét đang nghĩ gì? Và lại miên man tìm hiểu mọi thứ Côdét có thể nghĩ đến. Chao ôi, những lúc ấy, cặp mắt của ông nhìn về hướng nhà tu mới đau khổ làm sao! Nhà tu, cái đỉnh của sự trong sạch, thế giới của thiên thần, cái chóp núi băng cao vút của đạo đức. Ông ngắm nhìn một cách tuyệt vọng nhưng say sưa làm sao cái vườn của nhà tu, ở đấy bao nhiêu hoa không người biết tới, ở đấy bao nhiêu trinh nữ cấm cung, ở đấy mọi hương thơm và mọi linh hồn đều lên thẳng tới thiên đường! Ông quí mến làm sao cái cảnh bồng lai mà ông đã tự nguyện từ bỏ ra đi một cách cuồng dại. Cảnh bồng lai ấy bây giờ đối với ông đã cửa đóng then cài vĩnh viễn rồi! Sao mà ông hối tiếc việc ông đã vô tư và điên cuồng đưa Côdét trở lại xã hội như thế này! Ông, người anh hùng đáng thương của sự hy sinh, ông vừa bị quật ngã chính vì lòng hy sinh của mình! Ông xuýt xoa tự bảo: ta đã làm cái gì thế? Tuy vậy, mọi sự suy nghĩ này, Côdét không hề hay biết gì hết. Ông không gắt gỏng, cau có bao giờ. Luôn luôn gương mặt ông sáng và hiền hậu. Cử chỉ của ông lại có cái dịu dàng của người làm cha hơn bao giờ hết. Chỉ một điều có thể làm cho Côdét đoán ông ít vui là ông càng độ lượng hơn trước. Phần Côdét, nàng mỗi ngày một u sầu. Nàng buồn rầu vì vắng bóng Mariuytx, cũng chẳng khác gì trước kia nàng sung sướng được thấy chàng, buồn rầu và sung sướng một cách khác thường, đến nàng cũng không hiểu rõ. Khi Giăng VanGiăng thôi không đưa nàng đi chơi như thường lệ nữa, thì trong thâm tâm nàng hình như mơ hồ có thứ linh tính đàn bà bảo nhỏ nàng không nên làm ra vẻ bận tâm về cái vườn Luychxămbua và nếu nàng tỏ ra vẻ thờ ơ thì bố nàng sẽ dắt nàng trở lại đấy. Nhưng ngày qua rồi lại tháng qua, Giăng VanGiăng mặc nhiên chấp nhận sự thuận tình âm thầm của Côdét. Nàng hối tiếc, nhưng chậm mất rồi. Hôm nàng trở lại, chàng đã mất tăm, thế là hết, biết làm thế nào? Chẳng bao giờ nàng còn gặp lại chàng nữa hay sao? Nàng thấy lòng đau như thắt và mỗi ngày mỗi xót xa thêm. Nàng không còn biết là đang mùa đông hay đã sang mùa hạ, trời nắng hay trời đang mưa; nàng không nghe tiếng chim ca, không biết đang mùa thược dược hay bạch cúc, vườn Luychxămbua có đẹp hơn lâu đài Tuylơri không; quần áo thợ vừa đem đến hồ có vừa hay không, bà Tútxanh đi chợ mua sắm có đúng mức không, nàng cũng không hề biết. Và nàng khổ sở, đăm chiêu, chỉ chăm chăm theo đuổi một ý nghĩ trong óc, cặp mắt mơ màng, nhìn thẳng như ban đêm người ta nhìn vào chỗ đen sâu thẳm, theo vết cái bóng ma vừa biến đi. Tuy vậy, nàng cũng không để cho Giăng VanGiăng thấy gì khác ngoài vẻ tái nhợt trên mặt mình. Nàng vẫn giữ vẻ mặt dịu dàng như trước đối với “bố”. Gương mặt nhợt nhạt ấy đủ làm cho ông lo lắng quá đi rồi. Đôi lúc ông hỏi: - Con sao vậy? Nàng đáp: - Không sao cả ạ. Và sau một phút lặng thinh, đoán biết oogn cũng buồn, nàng tiếp: - Còn bố, bố có sao không ạ? - Bố à? Chẳng sao cả, ông trả lời. Thế là hai con người ấy, trước họ chỉ biết có nhau, họ chỉ biết có thương yêu nhau, họ đã sống rất lâu người kia trong người nọ, ngày nay họ vẫn ở bên cạnh nhau nhưng mỗi người ôm một nỗi đau đớn riêng biệt, người này đau vì người kia, nhưng vẫn không nói ra với nhau, vẫn không giận hờn gì nhau và vẫn tươi cười với nhau.