Bài 22
HậU CHÂN DUNG VÀ ĐốI THOạI TạI HảI NGOạI TRÊN CÁNH ÉN KÌ 2

Thưa bạn đọc xa gần,
Người Tràng An tôi lại xin góp lời, trên khoang đất Câu chuyện làng văn mà bổn báo dành cho. Để làm gì? Để làm một việc vừa rõ ràng, vừa không rõ ràng: đưa đẩy một cuộc mang cái tên khá dài là Giới thiệu - Bàn thảo -Tranh luận - Phê bình - Phê phán v.v.. và v.v... - những gì liên quan đến cuốn sách Chân dung và đối thoại của nhà thơ Trần Đăng Khoa, như đã thưa trong Kì 1- Cánh Én số 92, tháng 7-1999.

*

Chân dung và đối thoại đáng được coi là chuyện làng văn chăng? Hơn thế nữa, đáng được coi là sự kiện văn học không? Hải ngoại có cần bàn đến hay là thôi, khi mà trong nước đã bàn gần như hết nước cạn cái rồi? Tại sao lại có các chuyện đến như thế đối với cuốn sách này ở trong nước? - Đó là các câu-hỏi-của-câu-hỏi mà bạn hữu bốn phương trời mười đất phương hỏi lại Người Tràng An khi họ nhận được lời mời vào cuộc chơi văn chương này.
Ngoài các câu hỏi của câu hỏi như thế, Người Tràng An còn được nhận về những câu-hỏi-của-câu-trả-lời.
Nhất là về bài Tâm sự người đi hội thảo (Văn Thanh, Cánh Én số 92), thì có khá là nhiều ý kiến khác nhau. Hai bạn đọc (ở Pháp và Đức) cho là: Nếu tác giả Văn Thanh muốn đánh Trần Độ thì cứ nói thẳng ra, cớ gì phải mượn Trần Đăng Khoa theo lối vòng vo như vậy?, hay Rất ngạc nhiên về bài đó. Tại sao trong lúc này Văn Thanh lại đưa chuyện Trần Độ nhân nói về Trần Đăng Khoa? Nghĩ, nhưng không có lời giải đáp?
Về Trần Độ, ý kiến sau giải thích: Hồi "cởi trói", bung ra" thì sự việc không giống như tác giả Văn Thanh mô tả trong bài. Anh em viết văn ở Việt Nam không nhìn Trần Độ như vậy. Họ thấy Trần Độ là người đã "khôn khéo mở đường cho văn nghệ" trong tình hình cả nền văn nghệ bị khóa chặt. Nếu không có Trần Độ, chắc chắn Dương Thu Hương không thể ngoi lên được. Chính vậy Dương Thu Hương lúc nào cũng kính trọng người đàn anh đã đứng ra lo việc "cởi trói" cho anh em. Với Đảng CS thì bao giờ cũng là "nối dài dây xích" mà thôi. Vả lại, cái quan trọng là kết quả công việc. Không cứ Trần Độ mà người nào khác cũng phải nói theo lập trường khi đứng ở cương vị đó. Còn về kết quả thì như ta đã thấy: Phùng Gia Lộc, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, v.v.. đã được có mặt trên các các quầy sách. Nhờ Trần Độ đấy! Tôi vẫn trọng tác giả Văn Thanh nhờ các bài anh ấy đã viết. Nhưng, anh ấy nghĩ rằng mình muốn làm người công bằng khi mà không nhìn thấy cốt lõi của vấn đề. Người đọc không phải ai cũng nhận thức hết được, mà cứ giấy trắng mực đen là tin, nên một bài như vậy không đem lại bao nhiêu lợi ích; ngược lại, nó làm cho người ta nhận diện lầm Trần Độ.
Và, ý kiến khác (từ Canada) cho là Văn Thanh chắc muốn đào bới lại vấn đề thảo luận nói chung trong tình hình văn nghệ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, từ vụ Trần Độ cho đến vụ Trần Đăng Khoa. Tác giả đánh Trần Độ hay không thì tôi chưa rõ, nhưng cái tôi thấy tác giả nhắm đánh - đó là chủ trương chung của nền văn học quan huyện mà đến cả như anh Linh, anh Lành cũng chỉ là các nạn nhân theo kiểu lý trưởng-trương tuần! Vấn đề Trần Độ có sắc thái chính trị phức tạp, bài của tác giả Văn Thanh nêu các vấn nạn ngổn ngang mà có thể chính tác giả cũng chưa bao được hết. Đâu chỉ riêng chuyện Trần Độ? Với các vấn đề của trong nước thì hải ngoại rất khó đề cập. Hi vọng là báo chí của Người Việt Đông Âu phần nào - phần nào thôi - khơi được thực chất của các hiện tượng. Nhưng chính báo chí của Người Việt Đông Âu lại bị một khó khăn khác so với báo chí của người Việt ở Tây Âu, ở Bắc Mỹ: vì đã hiểu vấn đề và lại hiểu mình không tìm ra cách giải quyết vấn đề, nên họ ít khi có các trao đổi đến cùng. Bài của Văn Thanh là một ví dụ.
Một bạn báo bạn văn của Người Tràng An đã góp ý như thế này: Cơ bản, tôi đồng ý là Khoa vẽ được chân dung khôi hài của một số vị quan văn hóa như Tố Hữu, Vũ Tú Nam, Hữu Thọ. Có hai bài hay nhất đã được báo chí hải ngoại đăng lại rồi (bài Xuân Diệu, Phù Thăng); với các bài khác thì không phải bài nào cũng đáng chú ý và bình luận lại (ví dụ như bài về Lê Lựu). Thành ra, làm một chủ đề chính để bàn luận từ nhiều khía cạnh thì cũng tốt, chứ không nên chỉ có ca ngợi hay phê phán. Mới đây, tôi lật lại tuyển tập thơ Chế Lan Viên và những bài thơ Di cảo của ông ấy. Tôi thấy ông ấy là một trong những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam, không kém gì Tố Hữu. Thời đó, tôi không thích con người Chế Lan Viên, vì ông ấy nói theo Nhà nước; Tôi từng tự hào là đã dám từ chối buổi gặp với ông ấy. (Bây giờ nghĩ lại cũng có tiếc!) Dạo đó có lẽ chưa hiểu hết nỗi đau của kẻ sĩ Việt Nam. Ở nhiều bài Di cảo của ông có các chiều sâu khác, chân thật hơn những bài chính thức. Ở đó đã tâm sự rằng con ngưòi sống trong xã hội Việt Nam phải mang nhiều mặt nạ. Bây giờ hiểu điều đó, tôi thấy phải khoan dung hơn khi xét đoán các chuyện ở Việt Nam.
Thêm một phát biểu nữa, từ Pháp: Thấy người ta ở nhà làm ồn lên về cuốn sách Chân Dung Và Đối Thoại mà buồn cho nền văn học bị bưng bít. Người ta thèm sự thật, dù là sự thật thập thò đấy, những người làm báo ở hải ngoại ơi? Dù sao mặc lòng tôi không nghĩ là ta có thể nhân cuốn sách của Trần Đăng Khoa để đề cập nhiều vấn đề khác của văn học Việt Nam hiện đại.
Trong một tháng qua, trên một số mặt báo chí hải ngoại, và nhất là trên Internet, vấn đề Chân Dung Và Đối Thoại đã được bàn kỹ hơn trước nhiều. Trước đó, trên các tờ Văn Học (Mỹ), Diễn Đàn (Pháp), v.v.. có đăng trích Chân Dung Và Đối Thoại; tháng này trên Đi Tới (Canada), Thế Kỷ 21 (Mỹ) đã có những bài viết bàn luận chi tiết... Ở tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Internet có bài thường xuyên về cuốn sách mà Cánh Én đang xoay vần quanh nó hàng tháng.
Được biết bổn báo trong số 93 - tháng 8-1999 này có các bài sau đây vào cuộc:
° Lê Lựu (Trần Đăng Khoa, Chân Dung Và Đối Thoại);
° Lê Lựu đại náo Huê Kỳ(Nguyễn Quốc Trụ - Canada; bài gửi cho Cánh Én);
° Người trong cuộc bàn luận về tác phẩm Chân dung và đối thoại (Nguyễn Như Phong; trích phần về Lê Lựu- báo An ninh thế giới số 116);
° Tôi thích những con chữ ám ảnh(Vi Thùy Linh, Phỏng vấn Trần Đăng Khoa, báo Tuổi trẻ Chủ nhật, cuối tháng 7-99);
° Tọa đàm về cuốn Chân dung và đối thoại (Thu Hồng, báo Thanh Niên số 43);
° Có một nhận xét là có quá nhiều nhận xét..(Nguyễn Hoài Phương - Đức, bài gửi cho Cánh Én);
° Nguồn gốc thần đồng của Trần Đăng Khoa (Nguyễn Quốc Trụ - Canada, bài gửi cho Cánh Én)
° Chân dung ông Tố Hữu (Thanh Phong - Nga, bài gửi cho CE).
Như thế, thưa các bạn, khung bài của Hậu Chân dung và đối thoại tại hải ngoại Kì 2 trên Cánh Én, đại để, theo 2 nội dung: về Lê Lựu và về các chuyện khác xung quanh cuốn sách; và theo nguồn thì là 3 nơi:
a- Luộc lại bài đã có của sách-báo trong nước (1 bài từ Chân dung và đối thoại, vài bài phê bình về cuốn sách);
b- Bài phê bình của người viết ở hải ngoại (về riêng bài từ cuốn sách, về cả cuốn sách);
c- Trao đổi, nhận xét, tranh luận... của bàn dân thiên hạ về tất cả những gì xoay quanh vụ này.

*

Xin gọi lại một ý cốt yếu đã nêu trong mục này kì trước: Bản thân một cuốn sách Chân dung và đối thoại của ông nhà thơ Trần Đăng Khoa, dù hay dẫu dở, là không hệ trọng. Chúng ta dùng nó như một nguyên cớ tốt! Đó sẽ là nơi nương theo đó chúng ta treo lên các bức tranh điển hình của một nền văn học mang tên Văn học Hiện thực Cách mạng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chân dung và đối thoại có thể được coi như... cái thớt, cái mâm trên đó người Việt hải ngoại mổ xẻ, bày biện những nội dung, những sinh hoạt đặc trưng và hiển hiện của dòng văn nghệ của miền Bắc hiện đại trước 1975 và của cả nước sau 1975.
Nói cho ngay, một câu long trọng, thì là: Đây có lẽ là một dịp lạ đầu tiên, từ những câu chuyện văn chương, những chân dung tác giả, tác phẩm trong làng văn Việt Nam đương đại - với Chân dung và đối thoại - người Việt hải ngoại có thể nhận chân được các đặc thù của một thể chế (mà phần lớn trong số họ, vô tình hay hữu ý, đang quay lưng lại nó) qua cái văn hóa, cái chính trị của nó - tức là qua cái văn hóa chính trị và cái chính trị văn hóa của thể chế đó.
Vì sao? Vì, hơn 24 năm nay, từ khi có khu vực địa lý ngoài Việt Nam là Việt-Nam-hải-ngoại-về-chính-trị, người Việt ngoài Việt Nam mà nhất là người Việt hải ngoại thường chỉ được dịp đánh giá văn nghệ trong nước qua luồng văn nghệ phản kháng. Trong khi đó, gần như 100%: tất cả các bài viết (23 bài), tất cả các nhân vật văn nghệ (ước tính hơn 90 nhân vật), tất cả các tác phẩm văn học (có dễ phải tới hàng trăm?) cùng tất cả các đề tài văn nghệ được tác giả kể đến trong Chân dung và đối thoại đều là - và muốn chỉ là - những gì thuộc về dòng văn học chính thống của miền Bắc sau 1954 và của cả Việt Nam sau 1975.
Như vậy, sẽ là mang một nội-dung-mới trong cuộc bàn thảo ở ngoài Việt Nam về văn học cùng những gì liên hệ đến văn học Việt Nam đương đại, qua cuốn sách loại bình luận văn chương mang tên Chân dung và đối thoại của tác giả Trần Đăng Khoa mà nó đã, đang và sẽ còn được xuất bản nhiều lần, nhiều tập ở trong nước. Song le, liệu chúng ta có thể xử lý nội dung mới đó theo một hình-thức-mới hay không? Đây lại là một thách đố mới, cho chính chúng ta - những người đã lên ngựa: người Việt hải ngoại sẽ đi lên hay thụt lùi khi nhìn nhận các thông tin mới và lạ từ trong nước, qua cuốn sách khổ nhỏ với 375 trang ấy?

*

Lại hẹn nhau ở mục Câu chuyện làng văn này, kỳ sau! Mời các bạn đi tiếp cuộc thảo luận dài Hậu Chân dung và đối thoại tại hải ngoại, trên Cánh Én, trong các trang bài kế tiếp...
Cám ơn nhiều nhiều và chờ các hồi âm mới...
Người Tràng An