Dịch giả: Thanh Vân
Phần kết
Cầu nối giữa Wladyslaw Szpilman và Wilm Hosenfeld (Wolf Biermann)

Wolf Biermann là người viết thơ, các ca từ và nhà văn tiểu luận nổi tiếng nhất của Đức. Ông sinh năm 1936 ở Hamburg, là con trai của một gia đình đảng viên đảng cộng sản. Cha ông là một công nhân trong xưởng đóng tàu Do Thái và là chiến sĩ kháng chiến, đã bị giết hại ở Auschwitz năm 1943. Từ khi còn niên thiếu, Bermann đã chuyển đến miền Đông, đi ngược với dòng người di cư sang Tây Đức. Ông hiện đang sống ở Hamburg.
 
Cuốn sách này không cần đến lời tựa cũng như lời bạt, và thật sự chẳng cần đến bất cứ lời bình luận nào. Song tác giả Wladyslaw Szpilman đã yêu cầu tôi chú thích vài lời với độc giả của ông, vì đã nửa thế kỷ sau những sự kiện đã được mô tả.
Ông viết truyện về mình và đã được in ở Warsaw ngay sau chiến tranh, trong thời khắc nóng bỏng, hoặc nói đúng hơn là trong sự xúc động sâu sắc. Có nhiều cuốn sách, trong đó người ta ghi lại những hồi ức của họ về Shoah. Phần lớn kể về sự sống sót, song không viết đến những năm năm hoặc các thập kỷ sau các sự kiện họ mô tả. Tôi cho rằng có một vài lý do rất rõ ràng sẽ xuất hiện trong lòng.
Bạn đọc lưu ý rằng cuốn sách này được viết giữa đống tro tàn vẫn còn âm ỉ của thế chiến thứ hai, ngôn ngữ của nó bình tĩnh đến lạ lùng. Wladyslaw Szpilman miêu tả những nỗi đau khổ mới nhất của ông với sự suy xét gần như sầu muộn. Với tôi, dường như ông không trở về với những xúc cảm của mình sau một chuyến đi xuyên suốt nhiều vòng những cảnh địa ngục trần gian, mà như ông viết về một người khác, một người mà ông đã trở thành sau khi Đức xâm chiếm Ba lan.
Cuốn sách của ông xuất bản lần đầu ở Ba Lan năm 1946, dưới tiêu đề của một chương trong sách, “Sự kết liễu của một thành phố”. Sau khi ra đời, cuốn sách không được tái bản từ hồi ấy, ở Ba Lan cũng như ở nước ngoài. Vì nó chứa đựng nhiều sự thật đau đớn về sự hợp tác của người Nga, Ba Lan, Ukraina, Lithuania, Latvia và người Do Thái bại trận với bọn Nazi của Đức.
Ngay ở Israel, người ta không muốn nghe về những sự thật như thế này. Nghe có vẻ kỳ cục nhưng cũng dễ hiểu: đề tài này thật hóc búa với những kẻ quan tâm, kể cả nạn nhân lẫn thủ phạm, dù rõ ràng là vì những lý do trái ngược nhau.
 
Anh đếm những giờ khắc của chúng ta
Đếm mãi
Anh đếm để làm gì vậy, hãy kể cho tôi biết?
Anh đếm và cứ đếm…
(Paul Celan)
 Những đoàn người. Ngày càng nhiều hơn. Tất cả là ba triệu rưỡi người Do Thái đã một thời sống ở Ba Lan, mà chỉ còn hai trăm bốn mươi ngàn người sống sót qua thời Nazi. Chủ nghĩa bài Do Thái phát triển từ lâu, trước khi quân Đức xâm chiếm. Có khoảng ba đến bốn trăm ngàn người Ba Lan liều mạng cứu người Do Thái. Trong mười sáu ngàn người Aryan được ghi nhớ ở Yad Vashem, quảng trường trung tâm kỷ niệm người Do Thái ở Jerusalem, có một phần ba là người Ba Lan. Vì sao nó được tính toán chính xác đến thế? Vì ai cũng biết chủ nghĩa bài Do Thái khủng khiếp trong “người Ba Lan”, nhưng ít người biết rằng cũng trong thời gian đó, chưa một dân tộc nào che giấu người Do Thái thoát khỏi ách Nazi nhiều đến thế. Nếu bạn che giấu một người Do Thái ở Pháp, hình phạt chỉ là đi tù hoặc trại tập trung, ở Đức là mạng sống của bạn, còn ở Ba Lan là mạng sống của cả gia đình bạn.
Một điều làm tôi sửng sốt: những ghi nhận đầy xúc động của Szpilman dường như không có sự khao khát trả thù. Đã có lần chúng tôi nói chuyện ở Warsaw, ông là nghệ sĩ dương cầm lưu diễn vòng quanh thế giới và lúc này ông ngồi mệt mỏi, bên cây đại dương cầm cũ của ông đang cần lên dây. Ông có một nhận xét như trẻ thơ, nửa mỉa mai, nhưng một nửa lại hết sức chân thành:
Hồi trẻ tôi đã học nhạc hai năm ở Berlin. Tôi chỉ không hiểu tại sao người Đức lại…họ là những người thưởng thức âm nhạc tuyệt vời đến thế kia mà!
Cuốn sách này vẽ nên một bức tranh sinh hoạt của ghetto Warsaw trên nền vải rộng. Wladyslaw Szpilman miêu tả nó theo kiểu làm cho chúng ta hiểu sâu sắc thứ vẫn còn hoài nghi: các nhà giam, ghetto và trại tập trung, với các ngôi nhà gỗ, tháp canh và phòng hơi ngạt, không có ý định tả một nhân vật cao thượng. Sự thèm khát không tô vẽ ánh huy hoàng của nội tâm. Nó được nói thẳng thừng: tên vô lại vẫn là tên vô lại sau hàng rào thép gai. Nhưng kiểu tiếp cận như thế không phải khi nào cũng thích hợp. Trong ghetto hoặc trong trại tập trung, khi nào cũng có những tên lừa đảo bậc thấp, và những thằng đểu nào đó được công nhận đã cư xử dũng cảm hơn và có ích hơn nhiều người được ăn học tử tế, được kính trọng thuộc tầng lớp thượng lưu.
Nhiều lần Wladyslaw Szpilman miêu tả Shoah bằng lối văn xuôi giản dị, cô đọng như một bài thơ. Tôi nghĩ đến quang cảnh ở Urmschlagplatz, lúc Szpilman bị đọa đày đến tàn tạ, bị chọn đưa đến một tương lai bất định mà ai cũng cho là một cái chết chắc chắn. Tác giả, cha mẹ và các anh chị của ông chia nhau một cái kẹo caramel cắt làm sáu, bữa cuối cùng họ ăn với nhau. Tôi nhớ lại sự sốt ruột của viên nha sĩ lúc họ đợi đoàn tàu tử thần:
Thật nhục nhã cho tất cả chúng ta! Chúng ta để họ đưa chúng ta đến chỗ chết như lùa một đàn cừu đến lò mổ! Nếu chúng ta, nửa triệu người chúng ta tấn công bọn Đức, chúng ta có thể phá vỡ ghetto, hoặc ít ra cũng chết một cách vinh dự, chứ không phải là một vết nhơ trên bộ mặt lịch sử!
Và phản ứng của ông bố Szpilman:
Này, chúng ta đâu phải là anh hùng! Chúng ta là những người hoàn toàn bình thường, chính vì thế chúng ta thích liều hy vọng vào mười phần trăm cơ may được sống hơn.
Đúng như trong một bi kịch thật sự, cả ông bố Szpilman lẫn viên nha sĩ đều đúng. Người Do Thái đã tranh cãi câu hỏi không trả lời được này về việc kháng chiến hàng ngàn lần, hết lần này đến lần khác, và họ sẽ tiếp tục làm như thế trong các thế hệ sau. Một suy xét thực tế đến với tôi: làm sao mà tất cả những người này, tất cả đều là thường dân, cả ông già, bà cả và trẻ con, bị Chúa và cuộc đời ruồng bỏ, làm sao những con người đói khát, ốm yếu này có thể tự vệ chống lại bộ máy huỷ diệt hoàn hảo kia?
Kháng cự là điều không thể, nhưng dù sao cũng có cuộc kháng chiến của người Do Thái. Cuộc chiến đấu có vũ trang trong ghetto Warsaw và hàng ngàn hành động dũng cảm của du kích Do Thái chứng tỏ đây là cuộc nổi dậy rất có tiềm năng. Có những cuộc nổi dậy ở Sobibór, ngay cả ở Treblinka. Tôi nghĩ đến Lydia Vago và Sarah Ehrenhalt ở Isarel, sống như nô lệ trong Liên hiệp các nhà máy quân trang quân dụng ở Auschwitz, nơi khởi xướng một trong những lò thiêu người.
Câu chuyện của Wladyslaw Szpilman chứng tỏ ông đóng một vai trò trực tiếp trong cuộc kháng chiến dũng cảm. Ông ở trong số những người hàng ngày đi lao động ở khu Aryan của thành phố, đã lén đưa không chỉ bánh mì, khoai tây mà cả đạn dược về ghetto. Ông chỉ nhắc sơ qua hành động dũng cảm ấy một cách khiêm tốn.
Phụ lục xuất bản lần đầu tiên là nhật ký của Wilm Hosenfeld, viên sĩ quan Đức mà nếu không có ông ta thì Szpilman là người Do Thái Ba Lan hầu như sẽ không sống sót nổi. Hosenfeld là giáo viên, trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã là trung uý, có lẽ vì thế bị coi là quá già không thích hợp ra chiến tuyến từ đầu thế chiến thứ hai. Chắc đấy là lý do vì sao ông lại là sĩ quan phụ trách các dụng cụ thể thao ở Warsaw để binh lính Đức ở Ba Lan có thể giữ được thể lực cường tráng bằng những cuộc thi đấu và điền kinh. Đại uý Hosenfeld đã bị quân đội Xô viết cầm tù trong những ngày sau cuộc chiến, và chết sau bảy năm bị giam giữ.
Ngay từ đầu của câu chuyện kể lan man của Szpilman, một trong những cảnh sát căm thù Do Thái đã cứu ông. Cuối chuyện, sĩ quan Hosenfeld đã tìm thấy nhà nghệ sĩ dương cầm dở sống dở chết trong thành phố Warsaw đổ nát, lúc này đã vắng hết dân cư, và đã không giết ông. Thậm chí Hosenfeld còn mang đồ ăn, chăn lông vịt và áo khóac đến nơi ân náu của người Do Thái. Giống như một chuyện hoang đường nào đó của Hollywood, nhưng lại làsự thực: một người thuộc chủng tộc bá chủ đầy lòng căm hờn đóng vai thiên thần hộ mệnh trong câu chuyện khủng khiếp này. Vì rõ ràng nước Đức của Hitler nhất định sẽ thua trận, người lẩn trốn đã lo xa dặn người giúp đỡ nặc danh của mình một mẩu thông tin hữu ích “Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, nếu tôi có thể giúp được anh bằng cách nào đấy, hãy nhớ lấy tên tôi, tôi là Szpilman, đài phát thanh Ba Lan”. Qua Szpilman, tôi biết ông bắt đầu tìm kiếm người cứu mình từ những năm 1945 nhưng không có kết quả. Khi ông đến nơi người bạn nghệ sĩ vĩ cầm đã gặp người đó, trại tù binh đã chuyển đi rồi.
Cuối cùng Hosenfeld chết như một tù binh chiến tranh ở Stalingrad, một năm trước khi Stalin qua đời. Trong thời gian bị giam giữ, ông đã bị mấy cơn đột quỵ não. Cuối cùng ông rơi vào tâm trí hoàn toàn ngẩn ngơ, như một đứa trẻ bị đánh mà không hiểu các ngón đòn. Ông chết vì tinh thần hoàn toàn suy sụp.
Hosenfeld đã tìm cách gởi được cuốn nhật ký của ông về Đức. Ngôi nhà cuối cùng mà ông rời khỏi ở Whitsun năm 1944, có một bức ảnh hấp dẫn của một viên sĩ quan từ cuộc chiến bẩn thỉu ấy trở về nhà, ông mặc bộ quân phục màu trắng, vợ và những đứa con yêu quý vây chung quanh. Trông giống như một cảnh thanh bình vĩnh viễn ở điền viên. Gia đình Hosenfeld đã giữ gìn hai cuốn nhật ký ghi dày đặc của ông. Đoạn cuối cùng đề ngày 11 tháng Tám năm 1944, có nghĩa là Hosenfeld đã gởi những lời bình luận đột phá nhất theo đường bưu điện quân sự thông thường. Giả sử cuốn sổ ấy rơi vào tay các quý ông đầy khiếp sợ mặc áo khoác da thì…hầu như không thể tưởng tượng nổi. Chắc bọn chúng sẽ chặt ông ra từng mảnh.
Con trai của Hosenfeld đã giải thích với tôi, cung cấp một bức tranh sinh động về cái chết của cha anh:
Cha tôi là một giáo viên nhiệt tình và từ tâm. Trong giai đoạn sau thế chiến thứ nhất, khi việc đánh học sinh vẫn được coi là biện pháp kỷ luật thông thường trong trường học, sự ân cần của cha tôi đối với học sinh được coi là độc đáo. Ông thường để học sinh lớp bé nhất của trường làng Spessart lên đầu gối nếu các em đánh vần khó khăn. Lúc nào ông cũng có hai chiếc khăn mùi xoa trong túi quần, một cho ông và một cho các học sinh bé nhất thò lò mũi. Đơn vị của cha tôi rời đi Ba lan vào mùa thu 1939, và từ mùa đông 1939 đến năm 1940 đóng ở thành phố nhỏ Wegrow, phía Đông Warsaw. Cục quân nhu Đức đã sớm chiếm các kho cỏ của quân Ba Lan. Một ngày mùa đông giá lạnh, cha tôi tình cờ bắt gặp một tên SS bắt một cậu học sinh. Cậu bé bị bắt gặp đang lấy trộm cỏ đã bị trưng dụng trong kho, chắc chỉ là một ôm. Hiển nhiên là cậu bé sắp bị bắn để trừng phạt tội vi phạm và để răn đe người khác. Cha tôi kể ông đã lao vào tên SS và la lên “Đừng giết cậu bé này!” Tên SS rút súng ra, chĩa vào cha tôi và nói đe doạ “Nếu không lùi ra, tao sẽ giết nốt cả mày!” Chuyện đó làm cha tôi mất bình tĩnh trong suốt một thời gian dài, Ông chỉ kể có một lần, hai hoặc ba năm sau khi ông được nghỉ phép. Tôi là người duy nhất trong gia đình được nghe chuyện này.
 
Wladyslaw Szpilman lại bắt đầu làm nghệ sĩ dương cầm cho đài phát thanh Warsaw ngay. Sau chiến tranh, ông tổ chức biểu diễn truyền thanh đúng bản nhạc của Chopin mà ông đang chơi trên radio ngày cuối cùng, giữa trận mưa đạn pháo và bom. Có thể nói rằng khúc Đô thăng thứ của Chopin chỉ bị cắt ngang, trong khoảng sáu năm cho Hitler có thể đóng vai của hắn trên sân khấu thế giới.
Wladyslaw Szpilman không biết tin gì về người cứu mình cho đến năm 1949. Một người Do Thái Ba lan tên là Leon Warm di tản khỏi Ba lan và trên đường đã ghé thăm gia đình Hosenfeld ở Tây Đức. Một trong các con trai của Wilm Hosenfeld đã viết về Leon Warm
“Trong mấy năm đầu sau chiến tranh, mẹ tôi sống cùng em trai và em gái tôi ở cư xá cũ của chúng tôi tại trường học Thalau, một ngôi làng nhỏ vùng Rhone. Ngày 14 tháng Mười năm 1950, một thanh niên Ba Lan dễ thương xuất hiện và hỏi thăm về cha tôi. Là người anh ta đã gặp trong thời gian chiến tranh ở Warsaw.
Trên đường đến trại huỷ diệt ở Treblinka, người thanh niên này đã cố mở được cái cửa sập bị bít dây thép gai trong toa chở súc vật, nơi anh và các người bạn bất hạnh của anh bị nhốt. Rồi anh nhảy khỏi đoàn tàu đang chạy. Anh gặp cha tôi ở một gia đình quen biết ở Warsaw, ông đã cho anh giấy thông hành mang tên giả và đưa anh vào làm công nhân cho một trung tâm thể thao. Từ đó anh là người bán dược phẩm ở Ba lan, hiện nay anh có ý định lập công ty cho riêng mình ở Australia.”
Nhờ chuyến đến thăm gia đình Hosenfeld, chàng thanh niên Leon Warm biết tin chồng bà hãy còn sống. Bà đã nhận được mấy cái thư và bưu ảnh của chồng. Bà Hosenfeld còn cho anh xem một bản danh sách những người Do Thái và Ba lan đã được chồng bà cứu thoát, trên một tấm bưu thiếp đề ngày 15 tháng Bảy năm 1946. Ông bảo vợ đến gặp những người này xin giúp đỡ. Số 4 trong danh sách này viết rất khó xem là “Wladislaus Szpilman, nghệ sĩ dương cầm ở đài phát thanh Warsaw”.
Ba người trong một gia đình tên là Cieciora đã kể về Hosenfeld. Trong những ngày đầu tiên khi quân Đức tấn công ồ ạt, đã diễn ra một cảnh sau: vợ một người Ba lan tên là Stanislaw Cieciora đi đến trại tù nhân chiến tranh ở Pabianice, người ta bảo chồng chị bị thương và là lính của đội quân thât trận đang bị giam giữ ở đấy, anh sợ bị những những người chiến thắng giết chết. Trên đường đi, chị gặp một sĩ quan Đức đang phóng xe đạp. Ông ta hỏi chị đi đâu. Đờ người vì sợ, chị lắp bắp kể chuyện thật “Chồng tôi là lính, anh ấy bị đau ốm trong trại đàng kia, tôi sắp có con và tôi lo cho anh ấy lắm”. người Đức ghi tên chồng chi, bảo chị quay về nhà và hứa với chị “Ba ngày nữa anh ấy sẽ về nhà”, quả thật ba ngày sau anh ta về.
Sau đó thỉnh thoảng Hosenfeld đến thăm gia đình Cieciora và họ trở thành bạn bè. Người Đức khác thường này bắt đầu học tiếng Ba Lan. Là người Công giáo nhiệt thành, thỉnh thoảng Hosenfeld đến nhà thờ với những người bạn mới, ông mặc quân phục Đức và dự các buổi lễ thông thường Ba Lan. Một bức tranh: một người Đức rất chỉnh tề trong “áo khoác của những kẻ giết người” quỳ gối trước một cha xứ Ba Lan, trong lúc “phó thường dân Slav” đặt miếng bánh thánh mỏng tang tượng trưng mình Thánh lên lưỡi người Đức.
Sự việc này dẫn đến sự việc khác: gia đình Cieciora lo lắng vì anh chồng, một vị linh mục mà bọn Đức muốn bắt hoạt động ngầm về chính trị. Hosenfeld cũng cứu cả ông ta. Lần thứ ba Hosenfeld cứu một người họ hàng của Cieciora bằng cách giải thoát anh ta ra khỏi chiếc xe quân sự. Tôi phát hiện ra hai lần giải cứu này của Hosenfeld qua lời kể của con gái ông:
“Mùa xuân năm 1973, Maciej Cieciora ở Posen đến thăm chúng tôi. Bác cô là linh mục công giáo đã được cứu thoát khỏi tay Gestapo sau khi Đức xâm chiếm vào mùa thu năm 1939. Khi đó cha tôi là sĩ quan phụ trách dụng cụ thể thao của thành phố Warsaw đã bị Đức chiếm đóng, đã bảo vệ ông bằng cách đưa ông vào làm văn phòng của cha tôi dưới cái tên giả là Chicoki. Thông qua Đức cha Cieciora mà ông sớm trở thành thân thiết, cha tôi đã gặp người em rể của linh mục là Koschel.
Maciej đã kể cho chúng tôi nghe rằng vào năm 1943, một số chiến sĩ đấu tranh cho tự do của Ba Lan bị quân Đức bắn chết trong một khu vực của Warsaw, nơi gia đình Koschel sống. Ngay sau đó một tốp SS đóng trong khu vực này đã bắt một số nam giới, kể cả ông Koschel, và tống họ lên một chiếc xe tải. Những người này ngay lập tức bị đưa đi hành hình ở ngoại ô  Warsaw để trả thù.
Tình cờ cha tôi gặp chiếc xe này ở chỗ giao nhau, lúc đi qua trung tâm thành phố. Ông Koschel nhận ra viên sĩ quan quen biết trên vỉa hè và vẫy tay rối rít, vẻ thất vọng. Cha tôi hiểu tình hình ngay tức khắc, ông quả quyết ra giữa đường ra hiệu cho người lái xe dừng lại. Người lái xe dừng lại. “Tôi cần một người!”, cha tôi nói với giọng mệnh lệnh với viên SS trưởng nhóm. Ông đến bên chiếc xe tải, kiểm tra những người ở trong và chọn Koschel như là hú hoạ. Chúng để ông ra và thế là ông được cứu sống.
Thế giới này thật nhỏ bé, giờ đây tám năm sau khi Đông Đức sụp đổ, con trai của Satanislaw Cieciora là lãnhsự Ba Lan ở Hamburg. Anh kể với tôi một câu chuyện nhỏ rất cảm động, cha mẹ anh rất cảm kích, đã gởi từ Samter-Karolin cho gia đình Holsenfled đang thiếu vắng người cha những gói đồ ăn gồm xúc xích và bơ từ nước Ba Lan đang chết đói đến nước Đức của Hitler ngay cả trong lúc đang còn chiến tranh. Thế giới này thật kỳ lạ.
 
Leon Warm nhờ đài phát thanh Ba Lan liên hệ với Szpilman ở Warsaw, chuyển cho ông tên của những người được Hosenfeld cứu và lời yêu cầu khẩn thiết của ông xin họ giúp đỡ.
Năm 1957, Szpilman đi lưu diễn ở Tây Đức cùng nghệ sĩ vĩ cầm tài danh Gimpel. Hai nghệ sĩ đã đến Thalau thăm gia đình Hosenfeld, vợ ông là Anne Marie, hai người con trai là Helmut và Detlef. Người mẹ đã tặng các vị khách bức ảnh của chồng bà. Bức ảnh ấy được in trong cuốn sách này. Hè năm ngoái, khi cuốn sách gần bị lãng quên này được quyết định tái xuất bản ở Đức, tôi đã hỏi Wladyslaw về tình trạng không tên tuổi trong câu chuyện của Hosenfeld.
Anh hiểu không, tôi không muốn nói đến chuyện đó nữa. Tôi chưa bao giờ bàn bạc với bất cứ ai, kể cả với vợ và hai đứa con trai tôi. Anh hỏi vì sao ư? Vì tôi xấu hổ. Cuối năm 1950, rốt cuộc tôi đã tìm ra tên của viên sĩ quan Đức, tôi đã phải đấu tranh với nỗi sợ hãi và khắc phục sự ghê tởm, để như một người xin xỏ quỵ luỵ, đến gặp một người chẳng tử tế gì ở Ba Lan: Jakub Berman. Berman là người có thế lực nhất ở Ba Lan, đứng đầu uỷ ban an ninh quốc gia và là một thằng khốn. Berman có ảnh hưởng mạnh hơn cả bộ trưởng bộ nội vụ. Nhưng tôi đã quyết tâm nên đến gặp Berman và kể hết mọi chuyện, và nói thêm tôi không phải là người duy nhất được Hosenfeld cứu thoát, ông ấy đã cứu sống nhiều trẻ em Do Thái, đã mua giày cho trẻ em Ba Lan ngay từ đầu cuộc chiến và cho chúng lương thực. Tôi cũng kể cho Berman nghe về Leon Warm và gia đình Cieciora, nhấn mạnh sự thật là rất nhiều người đang nợ người Đức này mạng sống. Berman tỏ ra thân thiện và hứa sẽ làm gì đó. Vài ngày sau, Berman còn đích thân gọi điện đến nhà chúng tôi: Berman lấy làm tiếc nhưng không làm được gì. “Nếu người Đức ấy đang còn ở Ba Lan, chúng tôi có thể đưa được anh ta ra” – Berman nói – “Nhưng các đồng chí của chúng ta ở Liên xô không cho anh ra ra. Họ nói viên sĩ quan của các anh thuộc đơn vị biệt kích, dính dáng đến gián điệp, vì thế là người Ba Lan, chúng ta không thể làm gì được, và tôi bất lực” Berman kết luận. Và thế là tôi đã tiếp cận với một thằng đểu khốn nạn nhất trong số những thằng đểu. Và việc đó chẳng hay ho gì.
 
Ở Yad Vashem có đại lộ Công lý trồng nhiều cây non, mỗi cây tượng trưng cho một Gentile (người không phải là Do Thái) đã cứu người Do Thái ra khỏi Holocaust. Những tấm bảng nhỏ gắn trên thân những cây non đang lớn lên trong nền đất rắn như đá, mang tên những con người dũng cảm này. Bất cứ ai đi đến Bảo tàng lớn, đều đi qua hàng ngàn cái cây như thế. Tôi tin rằng rồi đây sẽ có một cây được trồng để tưởng niệm Đại uý Wilm Hosenfeld ở Đại lộ công lý, được tưới tắm bằng nước sông Jordan. Vậy ai sẽ trồng cây này, còn ai ngoài Wladylslaw Szpilman với sự trợ giúp của Andrzej, con trai ông?
 
HẾT 

Xem Tiếp: ----