hư đã nói trên, hai năm nay Pari đã chứng kiến nhiều cuộc khởi nghĩa. Trừ những khu phố khởi nghĩa ra thì khu vực còn lại của Pari thường xuyên yên tĩnh một cách kỳ quái. Pari làm quen rất nhanh với mọi thứ, mà đây chỉ là một cuộc bạo khởi. Pari bận nhiều việc quá, hơi đâu mà lo đến nó. Chỉ những thành phố đồ sộ như Pari mới có những quang cảnh như thế. Phải có dãy thành trì mênh mông kia mới có thể chứa đựng đồng thời với cuộc nội chiến, cả một sự bình tĩnh lạ kỳ làm sao, thường thường, khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu, khi tiếng trống tiếng kèn gọi lính, tiếng hiệu báo động vang lên, người chủ hiệu đủng đỉnh nói: - Phố Xanh Mácthanh ( Saint Martin) lại cãi nhau rồi! Hay: - Ngoại ô Faubourg Saint Antoine Nhiều khi anh ta nói thêm một cách thản nhiên: - Cũng ở đâu đấy thôi. Về sau, khi đã nghe rõ tiếng nổ xé tai và ghê rợn của súng trường bắn lẻ và bắn hàng loạt, anh ta nói: - đang nóng, chà bắt đầu nóng lắm Lát sau, nếu bạo khởi đến gần và lan rộng, anh ta đóng vội cửa hàng, mặc nhanh bộ binh phục, nghĩa là anh ta lo bảo toàn hàng hóa, còn tính mệnh thì bỏ vào cuộc rủi may. Người ta bắn nhau ở ngã tư, ở các ngõ hẻm, ở các ngõ cụt, người ta giành đi cướp lại các chiến lũy, máu đổ, đạn bắn vào các mặt trước nhà như mưa. Ở trong buồn ngủ có người trúng đạn chết. Xác người ngổn ngang ngoài đường. Nhưng cách vài phố, trong các tiệm cà phê những bàn bi-a vẫn chạm nhau lóc cóc. Những kẻ hiếu kỳ cười cười, nói nói chỉ cách các phố đang đánh nhau có vài bước. Rạp hát vẫn mở cửa diễn những vở kịch vui. Xe ngựa vẫn cứ qua lại, người ta vẫn cứ ra phố ăn hiệu. Đôi khi ngay cả trong phố đang đánh nhau. Năm 1831, hai bên ngừng bắn để cho một đám cưới đi qua. Trong cuộc khởi nghĩa ngày 12 tháng 5 năm 1839, ở phố Xanh Máctanh có một cụ già tàn tật kéo một cái xe bò, trên cắm cái cờ tam tài như cái giẻ rách, trong xe có mấy bình nước gì đấy. Cụ cứ đi đi lại lại từ chiến lũy đến quân đội rồi từ quân đội đến chiến lũy, hết mời quân chính phủ rồi lại mời những người bạo động. Thật là kỳ lạ hết chỗ nói: đó chính là đặc tính của các cuộc bạo động ở Pari, khác hẳn mọi thủ đô. Muốn được thế phải có hai điều: cái vĩ đại của Pari và tính vui nhộn của nó. Phải là thành phố của Vônte và của Napôlêông mới thế. Thế mà lần này, trong cuộc nổi loạn ngày 5 tháng 6 năm 1832, thành phố vĩ đại này cảm thấy có một cái gì đó có vẻ khỏe hơn nó. Nó đâm sợ. Khắp nơi, cả trong những khu phố xa nhất và ít liên quan nhất, cửa sổ, cửa lớn, cửa chớp giữa ban ngày cũng đóng kín mít. Người can đảm cầm khí giới, kẻ nhát gan chạy trốn. Loại khách qua đường vô tư và bận rộn biến đâu mất. Nhiều phố vắng tanh như vào lúc bốn giờ sáng. Tin tức hung dữ lan ra, những chi tiết dễ sợ truyền đi: nào họ đã chiếm được nhà ngân hàng, nào chỉ riêng trong tu viện Xanh Meri, họ đã đông đến sáu trăm, mai phục ở đấy, lấy nhà thờ làm pháo đài để bắn ra, nào quân chính qui không đáng tin cậy, nào Acmăng Caren ( Armand Carrel [1] đã gặp thống chế Cơlôđen và thống chế đã nói: ông hãy có một trung đoàn đã! Nào Laphayet ốm nhưng đã tuyên bố với họ: tôi tán thành các bạn. Tôi sẽ theo các bạn bất kỳ ở nơi đâu miễn là chỗ đó có đủ chỗ để đặt một cái ghế, nào phải đề phòng cẩn thận chứ đêm nay sẽ có bạn vào cướp những ngôi nhà ở nơi hẻo lánh của Pari (quả cảnh sát thực giàu óc tưởng tượng, đúng là một Annơ Radelaiphơ (Anne Radcliffe ) [2] ở trong bộ máy nhà nước), nào một đội pháo đã bố trí ở phố Ôbuylơ Busê, nào Lôbô và Bugiô đang bàn tính và nửa đêm nay hay chậm lắm là tảng sáng bốn cánh quân sẽ đi từ bốn ngã ập vào trung tâm của quân bạo động, cánh quân thứ nhất từ ngục Bátxti, cánh quân thứ hai từ cửa ô Xanh Máctanh, cánh quân thứ ba từ Grevơ, cánh quân thứ tư xóm Chợ, nào là chuyến này chưa biết sẽ ra sao nhưng chắc chắn là nghiêm trọng. Người ta thấy thống chế Xun do dự nên đâm lo. Tại sao ông ta không tấn công ngay? Rõ ràng ông ta đang suy nghĩ nhiều. Con sư tử già hình như đang đánh hơi thấy trong bóng tối này có một con quái vật chưa hề gặp. Đêm đến, rạp hát không mở cửa, những đội tuần tiểu đi đi lại lại có vẻ tức bực, người ta khám xét những người qua lại, ai có vẻ tình nghi là bị bắt ngay. Đến chín giờ, đã có hơn tám trăm người bị bắt. Trụ sở cảnh sát chật ních cả người, ngục Côngxiegiơri chật ních, ngục La Foxơ chật ních. Đặc biệt ở ngục Côngxiegiơri, dưới cái hầm ngầm gọi là phố Pari, rơm trải ngổn ngang, tù nằm lên nhau. Lagơrăng, con người thành Liông, dũng cảm hô hào họ. Rơm rạ bị chân người đạp nghe rào rào như mưa giông. Ở chỗ khác, tù nhân nằm cả ngoài trời, ngoài nhà chơi, chồng chất lên nhau. Đâu đâu cũng thấy lo ngại, có phần run sợ, khác thường đối với Paris. Nhà cửa đóng, chặn kín, đàn bà và các bà mẹ lo lắng. Chỉ nghe những câu: Trời ơi! Sao anh ấy vẫn chưa về. Xa xa nghe tiếng xe cộ chạy thưa thớt. Người ta đứng ở bậc cửa lắng nghe tiếng rầm rầm, tiếng kêu, tiếng hò hét, những tiếng ầm ĩ ở đâu xa và người ta đoán: kỵ binh đấy! hay: xe chở đạn đang chạy! Người ta nghe tiếng kèn, tiếng trống tiếng súng, đặc biệt tiếng chuông báo động thảm hại của nhà thờ Xanh Mari. Người ta chờ đợi phát đại bác đầu tiên. Nhiều người cầm khí giới nhô ra đầu phố kêu to: vào nhà đi! Và biến mất. Thế là ai nấy vội vàng đóng chốt cửa lại. Người ta nói: rồi ra làm sao đây? Trời cứ tối dần. Từng lúc, Pari có vẻ nhuộm thêm màu lửa chiến ảm đạm và dữ dội của bạo khởi. Chú thích: [1] nhà báo và là chiến sĩ cách mạng chống nền quân chủ tháng bảy [2] nữ văn sĩ Anh, viết tiểu thuyết, giàu óc tưởng tượng