Chương 22

    
ôi quyết định xa xứ.
Hay chính tấm tình và đôi mắt của thằng Thư đã cho tôi quyết định xa xứ. Chỉ có đi xa, đi thật xa, đi ra khỏi hẳn cái vùng bán sơn địa dằng dặc núi non, dằng dặc nỗi buồn này, thậm chí đi cả sang bên kia biên giới thì mới mong làm lại cuộc đời. Tôi muốn thật sự tự tẩy trắng tôi.
Nhưng tẩy trắng cả cuộc đời một con người với chỉ bằng một triệu hai thì ít quá! Phải một trăm, một ngàn lần hơn hoạ hoằn mới may ra. Mà lại không thể dấn sâu vào chuyện trấn cướp được nữa. Dấn thử thế là đủ rồi, thừa thãi rồi, ê chề nhục nhã quá xá rồi. Dấn thêm chỉ có nhúng đầu vào cõi tăm tối không cùng. Vậy chỉ còn cách dựa vào hảo tâm, nếu cuộc đời này vẫn còn có sự hảo tâm của bạn bè, những thằng bạn đã cùng chui nhủi vào lòng đất nhão nhợt, chết chóc trên bãi vàng Na Rì ngày nào.
Đường quá xấu, đoạn đường tám chục cây số xe khách phải chạy hết ba tiếng đồng hồ long xòng xọc mới đến nơi. Một giọng nói đàn bà không hiểu cất lên từ hàng ghế nào:
Mọi người nên cẩn thận! Đoạn đường này hỗn hào lắm, coi chừng có bọn xấu trà trộn vào cũng nên.
Đúng đấy! - Một giọng đàn ông - Thời buổi bây giờ trộm cướp như rươi. Thì đó, mới đêm qua công an người ta suýt bắt được một tên đang rình mò trước một căn biệt thự giàu có chứ nếu không, chưa chừng đã xảy ra án mạng.
Bất giác tôi cúi gằm mặt xuống vờ như đang say ngủ để tránh những ánh mắt soi mói, hãi sợ nhìn qua nhìn lại như đang sục tìm một tên cướp nào đó đang có mặt trên xe thật. Khi tiếng bàn tán dứt, sự chua chát trong tôi mới ựa lên. Thế là xong. Thế là chính thức đặt một chân ra khỏi
xã hội người. Khốn kiếp chửa! Chỉ trong vòng nửa tháng mà đã hai lần lên mặt báo, lần sau nặng nề hơn lần trước, hệt một tên cướp man rợ mang trong người những hành vi bí ẩn kinh hoàng. Chạnh nhớ ngày nào cũng nhảy lên ngồi xổm ở báo nhưng là ngổi một cách đường hoàng, kiêu hãnh với tư cách một chiến sĩ can tràng, một đảng viên ưu tú trong công cuộc bảo vệ biên cương, cõi bờ.
Xuống xe, tôi tìm đến một cái quán ăn lụp xụp kiếm đồ lót dạ. Những lời bàn tán vô tình hay độc địa trên xe khiến bụng dạ tôi no ngang rồi mặc dù tôi là một thằng rất háu đói. Vào quán là cốt để ẩn mình, để quan sát, để nghe động tĩnh, để thử nhân tình thế thái ra sao. Ai dè lại chính là bà chủ quán nhận ra tôi trước. Bà dừng sững lại với bát bún ngan bốc khói thơm ngậy trên tay:
Trời đất cha mẹ ơi! Chú Hùng! Hùng Ka Rô! Chú đi đâu biệt tăm biệt tích bây giờ mới trở lại thế này. Mà độ này nhìn chú gầy và già quá! Có bệnh tật gì không?
Câu nói nổ như một tràng liên thanh quét thẳng ấy đã đánh động tất cả các quán xá xung quanh. Phút chốc người kéo đến đông nghẹt. Nhìn lên thấy có cả khuôn mặt quen, hao hao quen và không hề quen. Những khuôn mặt đại diện cho sự vận hành lên xuống, qua lại của bãi vàng. Như vậy là cuộc sống nơi đây vẫn tồn tại. Họ bảo ngồi đây làm gì, lên bãi kiếm rượu thịt nhậu một chập để đón hung thần, lãnh chúa trở về. Tôi đi theo họ và họ, bằng đủ các loại phương tiện to nhỏ, xấu tốt áp tải tôi lên bãi như nghinh tiếp một vị vương triều lãnh chúa thật.
Đến khu hang cổ, nơi tôi bắt đầu đến và từ đây tôi đã ra đi, thật bất ngờ khi gặp lại hai thằng đàn em Hoà lợn và Phong mắm. Hai thằng tạo nên hai chiều nghịch đảo đến là vui mắt, thằng Hoà lợn đã có chiều đỡ lợn hơn, gọn gàng thon thả đáo để, còn thằng Phong khó có thể gọi nó là Phong mắm được nữa, đã có đùi có ngực hẳn hoi. Vậy là cuộc sống nơi đây cũng ổn đấy chứ. Gặp tôi cả hai đứa đều tỏ ra mừng rỡ lắm. Chúng nó bảo sau khi đến Võ Nhai, ăn chực nằm chờ cả nửa tháng không thấy tôi và thằng Thư đến, cũng không nghe tin tức gì, cả hai lại lộn trở lại đây, dầu sao cũng đã quen đất quen người, có khó thế nào chắc cũng không đến nỗi chết đói.
Bữa nhậu với các chiến hữu trên đỉnh bãi vàng mênh mang gió hú đêm ấy thật cảm động. Không cảm động vì rượu thịt ê hề, vì có cả gái non hầu rượu bên cạnh mà vì cái tình cái nghĩa những con người dưới đáy, những con người tận cùng khốn khổ đối xử với nhau. Uống hết, nói hết, cười khóc, hát hò thoả thuê không giữ lại cái gì trong người, như một bầy trẻ thơ lại như một đoàn binh vừa đi qua cái chết hội tụ lại. Họ nói họ biết ơn tôi, kính trọng tôi, rằng nhờ có bàn tay thép của tôi ngày ấy mà trật tư bãi vàng cho đến hôm nay đã trở nên hoà dịu, rằng nhờ có mối quan hệ tốt của tôi với chính quyền với cánh công an nên dân bãi được đối xử tốt hơn, có đường nước, có bảo hộ, có an ninh nên ba cái vu trấn cướp, thanh toán giết chóc gần như không còn nữa. Dòng rượu biến thành dòng bả chuột cháy trong cổ họng tôi. Chao ôi, thói đời đểu thật, nơi đây giờ không còn nạn trấn cướp nữa, thì cứ tạm coi là thế đi nhưng tôi, cái thằng đang được tôn vinh là người hùng, là cứu tinh trước mặt họ lại hiện thân thành một tên cướp chuyên nghiệp có vũ trang.
Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới có một bữa rượu, một trạng thái thoải mái, hưng phấn như thế này, hưng phấn đến nỗi tôi đã nghĩ đến chuyện hay là mình không cần phải thất thểu đi đâu nữa, cứ dừng chân mẹ nó ở lại đây, giữa những con người trần trụi, hoang dã nhưng chân tình này để bắt đầu một trang khác của cuộc đời. Và ý nghĩ này rất có thể sẽ thành hiện thực nếu như lúc ấy, giữa lúc tâm trạng đang vui nhất thì có một ai đó bước vào, nhìn tôi, nhìn mọi người rồi lại nhìn tôi, sau đó cúi xuống nói cái gì với người ngồi ngoài cùng, người này nói với người kế tiếp, người kế tiếp thì thào vào tai người kế tiếp nữa... Tất cả mọi sự thì thào đó đều được lồng vào những ánh mắt nhìn chéo về phía tôi. Thoáng chốc bữa rượu bỗng chùng xuống, nguội ngoặm.
Cái gì thế nhỉ? Báo động có kẻ cướp hang à? Hay có hầm sập? Hoặc có sắc lệnh mới của công an, chính quyền? Đang chưa hiểu gì, qua men rượu rung rinh, nhìn qua nhìn lại tôi bắt đầu thoáng thấy có người len lén đứng dậy bỏ đi, bỏ đi nữa, nhìn qua nhìn lại chỉ còn dăm người rồi cái dăm người đó cũng dần dần biến mất. Cuối cùng trước mặt tôi chỉ còn hai người, thằng Hoà và thằng Phong! Hai thằng hai hình dáng nhưng lại chung một ánh nhìn lên tôi, cái thứ nhìn áy náy, khổ tâm và chấp chới. Mang máng đoán biết ra chuyện gì, tôi nặng giọng:
Cái gì? Cái gì vừa xảy ra đây?
Thằng Hoà nhìn thằng Phong, thằng Phong lại nhìn lại thằng Hoà, cuối cùng chính thằng Hoà lên tiếng:
Anh Hùng... Anh đang bị truy nã cấp độ một vì tội cướp có vũ trang phải không?
Tôi lặng lẽ gật đầu và chợt hiểu. Rốt cuộc dù giang hồ cở nào, dù con người tôi có ăn sâu vào tâm khảm họ cỡ nào thì tôi vẫn là một tên tội phạm và họ, họ chỉ muốn yên thân làm ăn. Cám ơn, cám ơn tất cả, kiếp sinh tồn nghiệt ngã này không có chỗ chứa cho lòng hào hiệp, đức hy sinh, chắc cả hai thằng đàn em kia cũng thế. Tôi đứng dậy.
Anh định đi đâu bây giờ? - Thằng Phong mắm hỏi.
Đi đến cái chỗ cần phải đi. Chào!
Thì anh cứ để đến sáng đã - Thằng Hoà ái ngại.
Rất có thể bọn cớm nghe tin bò lên đây bây giờ. Chỉ nhờ các cậu một việc, thỉnh thoảng dò hỏi xem thằng Thư hiện sống thế nào, đang trôi dạt về đâu, nếu có gì cần giúp thì cố mà giúp nó. Nó là thằng tốt nhưng yếu đuối, chỉ sợ không chịu nổi áp lực cuộc sống, nó nghĩ dại làm liều. Giữ gìn nhé!
Chờ tụi em một tý!
Gần như cả hai thằng cùng đồng thanh rồi cùng bước nhanh vào trong lán. Lát sau chúng quay ra, trên tay mỗi đứa là một cốc vàng cốm li ti lấp lánh. Thằng Hoà mở miệng:
Chúng em chỉ dành dụm được từng này, anh cầm đi mà lo liệu dọc đường.
Tôi lặng nhìn cốc vàng. Mỗi cốc ước chừng ba chục chỉ, mỗi chỉ thời giá lúc này là 200 ngàn, ba nhân với hai, vị chi cũng được sáu triệu, sáu cộng với triệu hai tiền bán xe là hơn bảy triệu... Cứ tạm thế đã.
Tao chỉ lấy một nửa, mà vay thôi, sau này kiếm được sẽ trả cả gốc lẫn lãi. Nào chia tay!
Tôi ôm chặt từng đứa, đấm mạnh vào vai, đúng theo kiểu chia tay của phường rừng xanh thảo khấu rồi lao mình vào bóng đêm đen kịt vi vút gió.
Hú vía! Men theo bóng tối xuống được một đoạn thì tôi suýt đụng phải hai vệt đèn pha xe máy hồng hộc trườn lên nếu không kịp nhanh chân tránh vào bụi. Đó là hai vệt đèn xe công an.