úc chưa có kinh nghiệm, buổi sáng khi bà xã đi chợ, tôi thường nhờ mua một gói xôi hay mấy cái bánh giò. Vậy là coi như sáng đó nhịn đói. Tại sao? Vì thường buổi đi chợ kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ. Không ai trên đời này có đủ kiên nhẫn để chờ một bữa ăn sáng như thế. Và hoặc là cái dạ dày sôi lên vì giận, buộc tôi phải xoa dịu nó bằng một tô phở ở đầu hẻm, hoặc là tôi xách xe đi làm với cái bụng rỗng. Hỏi tại sao ”người“ lại đi chợ lâu thế, ”người“ chỉ cười, không đáp. Từ đó tôi tự đi ăn sáng lấy, chấm dứt giai đoạn ”đợi mẹ đi chợ về”. Nhưng câu hỏi vẫn còn nằm chình ình trong đầu. Tại sao bà xã lại đi chợ lâu như thế? Lâu ngày câu hỏi biến thành cái búa gõ vào đầu tôi binh binh, không chịu nổi, tôi xỉ vả: -Lấy một con rùa thật là chán. Ði chợ mất hai tiếng đồng hồ, nấu ăn mất hai tiếng, tổng cộng bốn tiếng đồng hồ cho một bữa ăn, trong khi thì giờ là vàng bạc. Bà xã nói: -Vậy anh thử đi chợ một bữa xem sao. -Ðược, anh sẽ làm mẫu cho em thấy. Có gì đâu mà lâu lắc như vậy? Thịt bò, thịt heo bao nhiêu một ký, lựa thứ ngon nhất trả tiền. Xong. Cá bao nhiêu một ký. Lựa loại tươi nhất trả tiền. Xong, thêm một món rau. OK, xách giỏ đi về. Tốn chừng mười lăm phút. Cơm thì có nồi điện tự động. Thịt và cá, nấu nướng trong vòng hai mươi phút. Cứ cho tổng cộng là một tiếng đồng hồ đi, đã có một bữa ăn ngon lành. Làm gì mà em mất bốn tiếng đồng hồ cho một bữa ăn? Bà xã im lặng, nhét vào tay tôi hai chục ngàn đồng. -Sao ít vậy? -Lâu nay em vẫn chi chừng ấy. -Không hề gì. Ăn thua mình biết tính toán chi tiêu hợp lý. Thế là tôi xách giỏ lên đường. Thời đại văn minh mua đồ không cần trả giá. Mười ngàn thịt, tám ngàn cá và hai ngàn rau. OK, một bữa ăn ngon lành. Trên đời này không có gì dễ bằng đi chợ. Tôi xách giỏ trở về chỉ đồng hồ, bảo vợ: -Mười ba phút. Tiết kiệm được 107 phút. Em thấy không, trong 107 phút, tức 1 giờ 47 phút anh có thể viết xong một bài báo. Bài đó nếu đăng, kiếm được hai trăm ngàn đồng. Bao nhiêu là lợi. Thế mới gọi là tính toán chứ. Bà vẫn im lặng. Tôi lăn vô bếp. Thịt cốc lết tôi chiên. Cá tôi rán. Rau muống thì luộc, lấy nước làm canh. Nhất cử lưỡng tiện. Ðàn ông mà tính toán thì khỏi chê. Cả nhà thích thú quan sát tôi làm bếp với những nụ cười âu yếm. Tôi xếp thức ăn lên đĩa, giải thích cùng vợ con: -Tất cả những đầu bếp giỏi nhất trên thế giới đều là đàn ông. Em xem, các nhà hàng lớn ở thành phố này có chỗ nào dùng đầu bếp là đàn bà đâu. Mọi người ngồi vào bàn. Phải nói đó là bữa ăn ngon miệng nhất trong đời tôi. Mà không phải chỉ mình tôi. Cả vợ và hai con trai kháu khỉnh của tôi đều đớp lia lịa. Ba mươi giây, đĩa bát sạch bách. Cả nước luộc rau chúng cũng bưng uống ừng ực. Cơm cũng sạch trơn, không còn một hột. Tôi vênh váo: -Em thấy chưa. Trước đây có bao giờ mọi người ăn uống ngon lành như bữa nay không? Anh chưa hề học một khóa làm bếp nào, nhưng ăn thua là cái đầu. Người giỏi, làm việc gì cũng giỏi còn người… Rất may tôi kịp nhớ câu ”Bệnh tật từ miệng đi vào, tai họa từ miệng đi ra”. Tuy vậy, bà xã không chịu bỏ qua, hỏi gay: -Ý anh muốn nói còn người ngu thì làm việc gì cũng ngu, và con rùa thì làm việc gì cũng chậm có phải không? -Ðó là em suy luận, anh tuyệt nhiên không dám phạm thượng. Cũng may bà xã cho qua. Còn ”hô khẩu hiệu”: -Chúc mừng bữa cơm thành công rực rỡ. Chiều đó tôi ở sở làm về, trong bụng rất vui. Theo thói quen tôi đi tắm trước khi dùng bữa cơm chiều. Tắm xong đèn trong hẻm bật sáng. -Mời ba đi ăn cơm. Tôi lửng thửng ra phòng ăn. Ba mẹ con đang đợi tôi quanh mâm cơm chỉ có độc một chén nước mắm không có ớt. -Sao kỳ vậy? Tôi hỏi. -Có gì mà kỳ. Người ta luôn luôn đi chợ cho hai bữa ăn, chỉ có anh là không biết điều đó. Tôi toát mồ hôi. Quả thực mình đã không nghĩ tới điều đó. Nhưng vẫn chống chế: -Em đưa có hai chục ngàn, làm sao đi chợ cho hai bữa được? -Lâu nay em đi chợ hai chục ngàn mà vẫn đảm bảo hai bữa cơm. Tôi nhức xương quá bèn xua tay: -Thôi, anh hiểu rồi. -Nhưng em thấy cần phải nói thêm cho anh hiểu rằng đi chợ như anh, ai đi cũng được. Cứ coi món nào ngon nhất thì mua, không cần trả giá. Ði chợ mười lăm phút là phải rồi. Còn em, mỗi lần đi chợ, cầm hai chục ngàn trong tay phải đi lui, đi tới từ đầu chợ đến cuối chợ để ”nắm tình hình”, sau đó mới quyết là sẽ mua cái gì. Khi mua phải trả giá năm lần bảy lượt, lựa hàng nào vừa rẻ vừa ngon thì mới mua. Về nhà còn phải chế biến như thế nào để có thể ăn đủ hai bữa cơm. Ðối với những viên chức nghèo như mình cầm trong tay có hai chục ngàn mà phải lo hai bữa ăn cho gia đình thì cũng đau cái đầu lắm anh yêu ạ.