“Gởi Trung tâm
- Người bán hàng của đại lý hãng “Cúc và các con” ở Rô-ma nhận rằng đôi hoa tai, mà tôi đã đưa ảnh cho xem, đã được ông ta bán cho một người ngoại quốc vào mùa hè năm ngoái, người này nói tiếng Tây Ban Nha khá giỏi, mặc dù nghe giọng thì biết tiếng mẹ đẻ của người đó là tiếng Anh
Ru-bin”
“Gởi Xla-vin
Xác định gấp cho, Đu-bốp đã bay về Liên Xô bằng chuyến máy bay nào?
Trung tâm”
“Gởi Trung Tâm
Đu-bốp trở về Liên Xô sau cuộc đi công tác nước ngoài, trong thời gian ấy anh ta sống ở ngôi nhà dành cho các chuyên gia Liên Xô, và đi qua Rô-ma vào tháng Bảy 1977. Anh ta ở lại Rô-ma ba ngày, sau khi nhận được thị thực chuyển tiếp ở sân bay là 72 tiếng đồng hồ.
Qua chuyện trò với Glép, tôi có cảm tưởng rằng hắn ta hết sức quan tâm tới việc Dô-tốp bị tấn công và việc Dô-tốp bị bắt giữ. Sự quan tâm của hắn ta có phần tỏ ra hơi quá lộ liễu
Xla-vin “
Côn-xtan-ti-nốp so sánh các tài liệu, rồi trao nhiệm vụ cho Ni-kô-đi-mốp tiến hành “gặp gỡ” với Đu-bốp. Ông rất quý đồng chí đại uý ba mươi tuổi này, trong anh có một cái lõi đặc biệt quý đối với một nhân viên phản gián: Anh không sợ phủ nhận mình, anh có thể tự phân tích để rút bỏ các lý lẽ của mình, mà trước đó tưởng như không thể chối cãi được. Có người bảo anh là người hấp tấp, nhưng Côn-xtan-ti-nốp, ngược lại, đặc biệt quý tính cách ấy - đó là một con người biết suy nghĩ, luôn luôn biết tự hồ nghi, chứ không còn gì buồn tẻ hơn là một con người lúc nào cũng tin tưởng tuyệt đối vào sự đúng đắn của mình.
Đại uý Ni-kô-đi-mốp lại là một người bạn tốt của I-go Ku-xen-kô cùng làm việc ở một chỗ với Đu-bốp. Do Ku-xen-kô cho biết, đại uý Ni-kô-đi-mốp biết rằng Đu-bốp vừa bay về đêm hôm trước, và sáng hôm sau, theo lệ thường của các ngày thứ bảy sẽ đi Xan-đu-na.
Côn-xtan-ti-nốp nói:
- Chúng ta có quyền, trên cơ sở khởi tố một vụ án hình sự, bắt tay vào việc tra xét, vì thời gian đã gấp lắm rồi.
°
*
- Xê-ri-ô-gia, đây là bạn của mình, bạn học ngồi cùng bạn với nhau hồi phổ thông đấy, làm quen nhau đi!
- Tôi là Ni-kô-đi-mốp.
- Tôi là Đu-bốp.
- Anh có thích tắm hơi ở đây không? - Ni-kô-đi-mốp hỏi - Có phải tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ không?
- Tôi thì không thật sự chịu nghe bác sĩ lắm đâu. Tôi rất liều, tuỳ may rủi: sinh ra thế nào thì cứ sống thế.
Ku-xen-kô cười:
- Đấy là đầu hàng rồi, Xéc-gây ạ!
- Anh biết không, cứ chịu khó mà nghe bác sĩ đi, ấy thế rồi lại vào áo quan vì một ông lái xe nào say rượu cũng nên! Biết thế nào được? - Đu-bốp quay lại nhìn Ni-kô-đi-mốp - Xin lỗi, tên tục của anh là gì nhỉ?
- An-tôn
- Thế còn phụ danh?
- Pê-tơ-rô-vích.
- Suýt nữa thì là Páp-lô-vích rồi đấy! (1) Anh làm ở đâu?
- Ở Uỷ ban An ninh. Thế còn anh?
- Tôi rất kính trọng cơ quan của các anh. Ở đấy tôi cũng có khá nhiều bạn. Thiếu ta Grô-mốp chẳng hạn, anh biết không?
- Câu ấy ở phòng nào nhỉ?
- Tôi chẳng bao giờ tò mò đến những việc riêng của người ta hết - Đu-bốp vội trả lời - kẻo nhỡ người ta lại bảo “sợ địch nghe được”
Ni-kô-đi-mốp mĩm cười:
- Chỉ có một chỗ yên tĩnh, đó là nhà tắm, có thể vào đó cho thư thái tâm hồn. Ai không thích uống bia Tiệp Khắc, giơ tay nào?
- Dù phải đau lòng mà giơ tay, nhưng tôi không làm sao khác được - Đu-bốp nói - Ngày hôm nay là ngày tôi ăn kiêng, một tuần một lần, như những tín đồ đạo I-ô-ga vậy.
- Anh có thực cảm thấy người dễ chịu không? - Ni-kô-đi-mốp hỏi
- Thấy chứ! I-ô-ga đúng là một phát kiến quý báu của thế kỷ chúng ta. An-tôn Pê-tơ-rô-vích-tơ ạ. Anh đã được đi công tác ra nước ngoài chưa?
- Chưa.
- Nếu anh được đi, nhớ mua về các sách dạy I-ô-ga, tôi thành thật khuyên anh như vậy. Anh có muốn tôi biểu diễn I-ô-ga cho anh xem không?
- Có chứ, tôi rất thích được xem.
Đu-bốp hít một hơi thuốc lá mạnh cho đỏ lên, rồi dí nó vào chỗ khuỷu tay, nhìn Ni-kô-đi-mốp và Ku-xen-kô với đôi mắt nhanh nhẹn, thậm chí còn vui vẻ nữa, như Ni-kô-đi-mốp cảm thấy.
- Các anh thấy chưa? Tôi không có phản ứng trước nỗi đau nữa. I-ô-ga cho phép loại trừ được một số cảm xúc mà không hại gì đến tâm lý chung. Anh hỏi là tôi làm việc ở đâu à. Tôi và I-go cùng làm một chỗ với nhau đấy. Thế I-go chưa nói với anh à?
- Xéc-gây ạ, anh ấy chưa kịp hỏi tôi.
- Thế hệ mới của chúng ta - Đu-bốp cười, gỡ các khăn trải gường ra - được cái là tin nhau và dễ thuyết phục nhau. Ta đi tắm hơi chứ?
Anh ta để Ku-xen-kô và Ni-kô-đi-mốp đi trước, đuổi theo họ tới gần sát cửa nhà tắm, rồi thình lình quay lại.
- Các anh cứ vào trước, tôi sẽ đuổi kịp
Ku-xen-kô muốn dừng lại đợi, nhưng Ni-kô-đi-mốp đẩy anh ta đi:
- Ta cứ vào đi rồi anh ấy sẽ đuổi kịp sau, ai có việc nấy mà.
Các trinh sát viên theo dõi Đu-bốp, thấy anh ta quay lại, rót đầy bia vào cốc của Ni-kô-đi-mốp, ngửa cổ uống ực một hơi cạn, rồi mới chạy vào nhà tắm.
Đu-bốp tắm hơi rất kỹ, như làm một việc gì rất quan tâm, tắm xong, người anh ta đỏ lên, có chỗ hơi phớt xanh, anh ta thở phì phì, nhắc đi nhắc lại:
- Gớm, sung sướng thật! Sung sướng quá!
(Ni-kô-đi-mốp mỉm cười với anh ta, nhưng trước mắt anh lại hiện ra cái thân thể trương phồng của…Ôn-ga Vin-te, khi người ta mở quan tài ra, đưa thây chị ta về thẳng bệnh viện Mát-vê-ép để mổ khám nghiệm. Không được đưa về bất cứ một bệnh viện thông thường nào ở Mát-xcơ-va vì lý do giữ bí mật: chỉ cần một lời hở ra với ông già Vin-te là Đu-bốp sẽ biết ngay, mà nếu như Đu-bốp đúng là người của CIA thì sao? Lúc đấy Prô-xcu-rin đang ở trong phòng mổ của nhà xác, đã hỏi Côn-xtan-ti-nốp:
- Thế đồng chí vẫn còn nghi ngờ, không thật tin chắc rằng Đu-bốp chính là “anh bạn quý” ấy chứ?
- Chỉ khi nào tôi tóm được đầy đủ tang chứng, tôi mới tin)
Sau khi tắm hơi đợt đầu xong, Đu-bốp khoác vào người hai tấm vải trải gường, và đi kỳ cọ chân tay, ra chỗ cắt móng chân móng tay.
Chính vào lúc ấy, Ni-kô-đi-mốp cho đưa tất cả quần áo đi là.
Đu-bốp bị lỡ vì đã quá lượt - tính theo số tích-kê đã phát - anh ta không nằn nì gì, chỉ tự an ủi rằng đến lần thứ hai thì phải nhớ ra cho đúng số xếp hàng, và quay lại chỗ ngồi. Ni-kô-đi-mốp vẫn tiếp tục mua bia đãi Ku-xen-kô, tưởng như túi tiền của anh ta không đáy.
- Quần áo của tôi đâu rồi? - Đu-bốp hỏi, cũng không nhìn lên giá áo nữa, hình như chỉ thoáng qua là anh ta đã đủ nhận xét thấy tất cả những gì diễn ra xung quanh.
- Tôi đưa đi là, cả của I-go, của tôi và của anh.
- Giá đừng đưa thì phải, An-tôn Pê-tơ-rô-vích, tôi không bao giờ là quần áo ở nhà tắm, tôi thích tự là lấy. Nhưng thôi, đành vậy… Tắm hơi tuyệt chứ!
- Tuyệt - Ni-kô-đi-mốp tán thưởng - Nhưng lần sau nhớ mang muối theo nữa.
- Muối làm gì - Ku-xen-kô ngạc nhiên.
- Thế mà các anh cũng đòi đi tắm hơi - Ni-kô-đi-mốp mỉm cười - Thời cổ, người ta bôi mật lên người rồi tắm, còn bây giờ thì xoa muối - nó sẽ kích thích ra mồ hôi nhiều, đỡ béo phì, phương pháp lại giản dị tự mình làm lấy được, thế mới kỳ diệu chứ!
- Lại thêm một hiểu biết mới nữa! - Đu-bốp nói và nhắm mắt lại một cách sung sướng, ngả lưng xuống đi-văng.
Khi người phục vụ nhà tắm mang đồ đã là phẳng phiu đến, Đu-bốp làm như vô tình, sờ vào túi xem chìa khoá phòng mình còn ở đấy không, khi thấy còn nguyên vẹn, mới hoàn toàn yên tâm.
°
*
Trung tá về hưu Xi-đô-ren-kô mở bao kính lấy cái kính cổ lỗ có giọng mạ, đeo lên chiếc mũi dày, nhìn Côn-xtan-ti-nốp một cách chăm chú và hỏi:
- Chúng ta không rơi vào tình trạng có quá nhiều hội chứng nghi ngờ xâu chuỗi nhau, thưa đồng chí thiếu tướng?
- Không phải như thế đâu, thưa đồng chí Xi-đô-ren-kô ạ.
- Bản thân đồng chí có tin chắc như vậy không?
- Tôi chưa thể tiết lộ các sự kiện, tôi chỉ có thể chia sẻ với đồng chí những gì mà làm tôi thấy khả nghi…
- Xin mời đồng chí.
- Đồng chí thử hình dung, một người được vinh dự mời viết luận án tiến sĩ, nhưng lại từ chối.
- À nếu đồng chí định nói về Xéc-gây Đu-bốp, thì vấn đề là ở chỗ anh ta vừa viết luận án tiến sĩ, vừa kết hợp với công việc, chứ không chịu nghỉ việc, thế thôi.
- Tôi cũng muốn tin như vậy… Thế đồng chí lại hình dung tiếp, rằng một người được đề nghị làm việc ở một cơ quan có lương cao hơn hẳn và chức vụ cũng cao hơn hẳn…
- Lại vẫn chuyện của Đu-bốp chứ gì, anh ta là người không hám lợi lắm đâu, anh ta sống thật sự khiêm tốn…
- Nhưng đồng chí cứ suy nghĩ tiếp hộ nhé. Khi một người từ chối tất cả những đề nghị đó, lại tìm hết cách để lọt cho được vào một phòng làm việc toàn tài liệu mật, nơi bọn gián điệp nước ngoài cứ như dán mắt vào ấy, thì sao?
- Đấy lại cũng là căn bệnh cũ của chúng ta tái phát. Căn bệnh từ năm ba mười bảy ấy (2), thưa đồng chí thiếu tướng - Xi-đô-ren-kô lại khẳng định - Cứ kiểu ấy thì có thể buộc tội bất cứ ai cũng là gián điệp.
- Rất phải. Tôi thậm chí còn rất vui vì thấy đồng chí bảo vệ anh ta. Nhưng tôi xin lưu ý đồng chí, rằng chúng tôi mời đồng chí đến đây để nhờ đồng chí giúp đỡ, và cụ thể, việc giúp đỡ ấy là: mời đồng chí đi an dưỡng, và cho chúng tôi mượn chìa khoá phòng đồng chí một thời gian. Chúng tôi không có quyền gì ra lệnh cho đồng chí, tất nhiên thế, đây chỉ là việc yêu cầu, và đồng chí có thể từ chối lời đề nghị của chúng tôi. Chỉ có một điều cấm kỵ: đồng chí đừng nói hở điều gì về cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta với người hàng xóm của đồng chí.
- Cái đó thì tôi xin hứa.
- Đồng chí nghĩ gì về Ôn-ga Vin-te?
- Cô ta là một con người tuyệt diệu. Đúng là tuyệt diệu.
- Đu-bốp yêu cô ta chứ?
- Anh ta có quan hệ tốt với cô ta.
- Anh ta thường có quan hệ với nhiều phụ nữ khác không?
- Chúng tôi sống ở một thời đại, đã có một cách nhìn khác đối với các chuyện ấy rồi. Và nói chung, tôi không tán thành cái kiểu, chỉ do một quan hệ nào đấy, một quan hệ ngẫu nhiên, đã buộc ngay người ta vào bẩy tội chết.
- Đồng chí hãy tin tôi, tôi cũng tán thành quan điểm ấy của đồng chí. Vấn đề ở đây, chỉ là tôi muốn biết, đơn thuần là trên tình cảm con người, về ý kiến của đồng chí: Anh ta có thực yêu cô ta hay không thôi!
- Theo tôi thì có đấy. Anh ta là một người mạnh mẽ, có nghị lực, anh ta đặt cho mình nhiệm vụ phải đạt được một địa vị cao trong công tác, có lẽ vì thế, mà thỉnh thoảng cũng có làm mặt giận với cô ấy, lầm lầm, lỳ lỳ. Nhưng tôi nghĩ, đó không phải là do cô ấy trở nên nặng nề đối với anh ta. Rồi sau đó, cô ta rất … biết nói sao cho đúng nhỉ… rất dân chủ với anh ta, có lẽ thế chăng. Rất tinh tế. Và hiểu biết…
- Và cô ta cũng yêu anh ta chứ?
- Rất yêu… Vì thế mà tiếp nhận anh ta hoàn toàn.
- Có thực hoàn toàn không?
- Đó là điều không phải bàn cãi nữa.
- Đu-bốp có nói với đồng chí, rằng Ôn-ga Vin-te bị chết vì phù phổi chứ?
- Đồng chí thiếu tướng ạ, thì chính mắt tôi trông thấy mà.
- Nếu vậy, xin mời đồng chí đọc giùm kết luận của các bác sĩ giám định đây.
… Xi-đô-ren-kô đã từng được thưởng ba huân chương cờ đỏ, vợ ông là I-ra, một cô y tá rất tốt bụng, mười chín tuổi, đã hy sinh ở Brét-xlau vì một viên đạn của bọn phản bội Vlát-xốp, ngay khi vừa có mang được ba tháng. Ông sống độc thân - ông thề quyết trung thành với vợ một cách cao thượng - và suốt ba mươi năm sau chiến tranh, Xi-đô-ren-kô không hề lẩn tránh nguy hiểm: Ông làm ở phòng điều tra tội phạm, phòng đấu tranh chống tệ nạn trộm cướp, đã từng bò dưới làn đạn réo, nhưng chưa hề bị sướt da đến một lần! Khi dẹp hết nạn trộm cướp ông lên Bắc cực, là người đầu tiên đặt chân lên vùng đất Tai-ga hẻo lánh, đóng cọc dựng lều; đến khi được tặng “Huy chương Danh dự” của những người xây dựng, bị bệnh nhồi máu, rồi về hưu. Trả lời câu hỏi: tại sao không vào Đảng, ông đã trả lời, thoạt nghe có vẻ kỳ cục “Vì tôi đã không bảo vệ được cho vợ và con nhỏ, họ đã nhận viên đạn ấy thay cho tôi”
- Đống chí giả định rằng, chính Đu-bốp đã đầu độc Ôn-ga à? - Xi-đô-ren-kô hỏi, sau một lát im lặng.
- Đồng chí hãy tin rằng, tôi muốn là tôi đã giả thuyết sai. Để làm sáng tỏ việc đó, tôi cần có sự đồng ý của đồng chí, để đồng chí đi nghỉ an dưỡng một thời gian với các bạn cộng sự của tôi. Các đồng chí sẽ ngồi lại với nhau, và cố gắng khắc hoạ lại cuộc sống của Đu-bốp ngày này sang ngày khác. Kể từ lúc anh ta ở nước ngoài về.
°
*
Phòng Đu-bốp đã bí mật được mở, do chiếc chìa khoá Ni-kô-đi-mốp làm giả. Phòng của Đu-bốp hết sức ngăn nắp, đến mức độ như ở trong một phòng của tu viện: Một bàn viết, trên đó có để chiếc máy thu thanh “Pa-na-xô-níc” cực mạnh; một chiếc đèn to bằng đồng và ngà, và hoàn toàn không ăn nhập gì với hai đồ vật trên là một chiếc đèn pin Trung Quốc to, dài tới ba tấc hai, thường thấy bán ở cửa hàng trang thiết bị cho bộ đội, rất thuận tiện để đi săn hoặc đi câu cá.
Sách trên giá đều đã được đọc đến sờn mòn cả gáy và bìa, đa số là tác phẩm cổ điển, được chọn lọc kỹ, xếp theo khổ sách và màu bìa. Cặp trong một cặp tiểu thuyết của Đích-ken, có ba nghìn rúp mới cứng, mà Đrô-nốp đã phát hiện ra.
(Đrô-nốp, đã có lần gặp người cháu gọi Đu-bốp bằng chú, cậu ta kể rằng “Chú Xê-ri-ô-gia rất chí thú, trong vấn đề tiền nong”. Chú ấy vay của cháu một trăm rúp để đi nghỉ, lúc nào chú ấy cũng kêu túng, và chú ấy đã trả trong vòng ba tháng - cứ mỗi kỳ lương trả khoảng trên ba mươi rúp, vào một thời hạn rất chính xác).
Trên bàn cũng một trật tự chỉnh tề ấy: những tờ hoá đơn trả tiền điện và tiền hơi đốt được ghim thành chồng, ngoài ra không có thư từ, địa chỉ, số điện thoại nào hết. Dường như con người sống ở đây biết rằng thế nào cũng sẽ có người đến tìm kiếm nên đã chuẩn bị trước cả: “Đấy các vị nhìn xem, mọi thứ đều công khai, rõ ràng, như tôi đứng trước các vị đây, có thể soi rõ suốt từ đầu đến chân!”. Không có một móc xích nào chứ đừng nói đến chuyện tang chứng, đấy chỉ là một nét sai biệt rất nhỏ.
°
*
“Nhóm quan sát cho biết, sau khi trở về, Gác Rừng lắp thêm vào cửa phòng mình một ổ khoá thứ hai, mua được trên đường từ nhà tắm về. Sau đó anh ta xuống sân mở máy xe “Von-ga” số hiệu 27-21, và lái ra phố Xa-đô-vai-a. Gần ga xe điện ngầm “Công viên Văn hoá”, anh ta vòng lại, đỗ xe ở gần Học viện Quan hệ quốc tế, khoá cửa lại, bỏ xe ở đó, xuống tàu điện ngầm, đi tới ga “Thư viện Lê-nin”, ra khỏi ga tàu điện ngầm, lên đại lộ Ka-li-nin, không tiếp xúc với ai, anh ta đi một mạch tới cửa hàng “Me-lô-đi-a”, và dừng lại ở đó, nhìn đồng hồ đúng 17 giờ 20 phút. Một cô gái tầm vóc nhỏ nhắn, mắt đen, tóc cũng đen, mặc bộ quần áo gin màu xanh lơ đến gặp, rồi cùng Gác Rừng xuống tàu điện ngầm, đi tới ga “Ác-bát” thì lên, lại trở lại chiếc ô-tô vào lúc 17 giờ 59 phút. Cùng với cô da ngăm này, Gác Rừng tới tiệm ăn “Nước Nga”, ở đó anh ta đã đặt sẵn bữa ăn chiều. bốn đĩa trứng cá hạt, xà-lách tươi, bơ, bánh mì đen rán, món phi-lê nấu với nấm có rưới rượu vang đỏ, cà-phê và kem. Về rượu nhắm, Gác Rừng chỉ lấy một trăm gam cô-nhắc nhãn “KV” để mời cô da ngăm, còn bản thân anh ta không uống gì hết. Vào 21 giờ 45, Gác Rừng trở về nhà cùng với cô gái, và họ ngủ tại đấy”
°
*
“Gởi Trung tâm
Một lần nữa yêu cầu cho tôi gặp và tổ chức trò chuyện với Glép. Có thể ép anh ta về vụ bê bối ở Hồng Kông và về những tư liệu đã thu nhập được về anh ta. Tin rằng sau chiến dịch kết thúc ở Mát-xcơ-va, có thể buộc Glép tác động đến việc trả lại tự do ngay cho Dô-tốp
Xla-vin”
Gửi Xla-vin
Đồng ý để tổ chứ một cuộc chuyện trò nữa với Glép, nhưng phải tạo nên được một ấn tượng, là hình như chúng ta tin rằng chính Dô-tốp là nhân viên của Lô-ren-xơ
Trung tâm”
(1) An-tôn Páp-lô-vích là tên của văn hào A. P. Sê-khốp (ND) (2) Thời kỳ 1937 có những cuộc thanh trừng nội bộ căng thẳng ở Liên Xô, một số cán bộ bị bắt oan, mãi về sau mới được phục hồi.