ột chiếc xe gắn máy dù cũ tới đâu vẫn tiện lợi hơn một trăm lần đi bộ, nhất là đi bán báo. Ngày trước Hữu bán báo bằng xe mô-bi-lét, giờ đây, với đôi chân không lấy gì làm vạm vỡ, đôi chân khô đét sau gần năm năm ngấm đòn dùi cui ma-trắc, báng súng roi mây, Hữu thấy khó mà lấy lại phong độ cũ. Ngày trước, ngoài một trăm mấy chục “mối” báo tháng, mỗi chiều Hữu còn có thể bán thêm mấy chục tờ khác, nhưng giờ đây anh chỉ có thể ôm trong tay hơn ba chục tờ. Ba chục tờ vừa đi vừa rao, bán cho hết không phải là khó. Cái khó là làm thế nào biết được hiện nay các đồng chí cũ còn lại ở đâu? Bảy Trung ở đâu? Suốt hai tuần nay Hữu ôm chồng báo đi nát cả cái khu Bàn Cờ, nơi Bảy Trung ở năm năm về trước. Anh đi ngang ngôi nhà ấy, ngôi nhà sau một cái chùa lụp xụp. Cây hoa giấy vẫn ra hoa đỏ tía, cái cổng sắt sơn xanh tróc sơn và căn gác gỗ tối om vì tàng hoa giấy che bên ngoài. Chính nơi đó, đồng chí Bảy Trung đã kết nạp anh vào Đảng. Chừng ấy năm đã đi qua nhưng căn gác nhỏ bé ấy vẫn không có gì thay đổi. Bao lần ôm chồng báo đi qua đây. Hữu đã dừng lại nhìn ngắm nó với tâm tình của một đứa con trước chiếc nôi xinh ngày xưa người mẹ thường ru mình vào giấc ngủ. Rồi lặng lẽ bước đi. Tiếng rao chợt bật lên lạc lõng, vô thức: -Báo đây! Báo đây! Hữu đi khắp nơi tìm các đồng chí cũ. Người chủ nhà già nua của căn nhà Bảy Trung đã không cho biết một điều gì về tông tích của anh cả. Ngày trước Hữu có đến đây mấy lần nhưng lão già quá, thời gian đã làm lão quên đi hết chăng? Lão cũng chẳng nhận ra Hữu nữa. -Tôi không rõ, lão nói, cậu Trung dọn đi từ năm bảy mươi. Bây giờ căn gác, con cháu tôi dưới Sóc Trăng lên ở nẳm nay. Hữu kín đáo trở lại trường, trường vẫn đông đảo, chen chúc như cái rạp hát. Những phòng học, những giảng đường mới đang xây lở dở, xây tới đâu học tới đó. Ngày trước nhà trệt lợp ngói thấp lè tè với hai chục ngàn sinh viên thay nhau lui tới, ngày nay thêm mấy từng lầu nữa, sĩ số đã tăng lên bao nhiêu rồi mà ồn ào náo nhiệt, mà xanh đỏ tím vàng rằn ri đủ thứ, mà tóc tai, môi má vẽ vời, mà nước hoa trộn với mồ hôi ngai ngái… Nhưng lạ thay, những lúc đặt chân vào khuôn viên, Hữu vẫn thấy lòng xao xuyến như gặp lại một người thân. Tại sao? Mình yêu mến cái gì ở nơi chốn xô bồ rỗng tuếch này? Nhiều lần anh đã phẫn nộ trước muôn vàn nhởn nhơ ngu ngốc. Thế mà giờ đây, thăm lại trường, vẫn thấy có điều gì rất yêu dấu. Có phải đó là những dáng dấp tận tụy quen thân của những người đồng chí cũ? Có phải những vừng trán đẫm mồ hôi một đêm nào đốt đuốc giữa khuôn viên? Có phải những vệt máu hồng đã loang lổ trên những tà áo trắng? Và có phải không, nơi cái bực cấp đi lên này, đồng chí Mười Thanh đã bị hai tên an ninh chìm đánh gục trên vũng máu? Những đồng chí ấy, những người bạn năm trước bây giờ không còn ai nữa nhưng trường vẫn giữ nguyên mối tình với Hữu. Quanh đây toàn là những kẻ xa lạ, những sinh viên trẻ trung hào nhoáng nhưng Hữu biết giữa cái bề ngoài ấy, cách mạng vẫn có mặt, vẫn lớn lên như một nụ mầm. Nhưng giờ đây, còn ai biết anh là người đồng chí? Hữu chợt nghĩ đến Hạnh. Khi còn ở tù dường như có lần anh nghe đồn Hạnh được trả tự do nhờ sự “đút lót” của một người chú ruột làm đại tá trong quân đội Sài Gòn. Buổi chiều anh đi ngang đường Ngô Thời Nhiệm. Toàn biệt thự. Ngôi nhà của Hạnh ngày xưa vẫn không có dấu hiệu gì là đã đổi chủ. Hữu định nếu đi ngang cổng mà thấy Hạnh là tìm cách gặp nhưng lần nào nhìn vô trong anh cũng chỉ thấy những gốc cây sứ chạy cong cong theo một lối đi trải sỏi trắng. Sáng hôm sau Hữu quyết định vào nhà hỏi thăm. Anh bấm chuông. Một người đàn bà trạc bốn mươi tuổi tiến ra cổng. -Cậu hỏi ai? -Thưa bà, tôi xin phép gặp chị Hạnh. Người đàn bà nhìn Hữu giây lâu, dò hỏi, e dè, lưỡng lự. -Xin lỗi, cậu tìm có việc gì? -Dạ, tôi là bạn học cũ, lâu ngày ghé thăm. Người đàn bà đặt tay lên cánh cửa cổng, nụ cười gượng gạo với những nếp nhăn của thời gian. -Cô ấy không còn ở đây nữa. Cổ đi theo chồng rồi. Hữu chào người đàn bà. Suốt quãng đời hoạt động trong các phong trào sinh viên học sinh ngày trước anh đã gặp gỡ Hạnh nhiều lần, đã từng giữ chung một đầu biểu ngữ, từng sống những ngày vui lao động trong các chuyến công tác xa, những đợt cứu trợ đồng bào chiến nạn và từng chứng kiến những cảnh tù đày tra tấn dã man sau đêm hát tại trường Văn khoa chống vụ tàn sát ở Mỹ Lai và đòi hòa bình độc lập. Anh đã sống bao nhiêu kỷ niệm với người con gái ấy nhưng chưa lần nào anh nghĩ đến một mối tình, thế mà câu nói giản đơn của người đàn bà lúc nãy chợt làm anh xao xuyến. Cô ấy không còn ở đây nữa, cổ đi theo chồng rồi. Chồng của Hạnh là một người như thế nào? Đang lúc bị giam. Hạnh được thả ra, điều ấy có liên quan gì đến cuộc hôn nhân sau đó? Hữu đi bộ một mình dọc theo đường Công Lý. Mùa thu hoa me rụng vàng trên vỉa phố. Lá trên cao vẫn xanh, vẫn kết dày đặc thành mái vòm nhưng hoa vàng cứ bay nghiêng nghiêng theo cơn gió đi qua, nhìn từ xa thấy nhỏ li ti và mịn như phấn thông… Hoa bay lạc trong không gian lấp lánh, vàng như hạt nắng sớm của một ngày nào đó cách đây năm năm trên vùng rừng chồi thấp tại làng cô nhi Long Thành. Hạnh đã đứng im trên vùng đất hoang đó nhìn ra phía xa. Chiếc áo bà ba trắng in rõ trên một nền xám xịt và nâu sẫm, chỗ chân trời tiếp giáp với rừng cây. Mấy người bạn trong đoàn công tác xã hội đã thức dậy ca hát và chơi đàn quanh lều. Hạnh nói: -Trông anh mặc áo rét tôi cũng thấy lạnh. Chị làm bộ rùng mình, hai tay đan vào nhau, thu lại phía trước. Sương sớm tan dần trên các chòm cây. Trời hửng sáng. Các em cô nhi đi từng hàng dài từ các dãy nhà ngủ đến phòng ăn, tất cả đều mặc áo vàng đầu cạo trọc, các em đi thật yên lặng, chậm rãi, đầu hơi cúi xuống, thỉnh thoảng lại chắp tay cúi chào các ni sư hay mấy anh sinh viên đang đi về trại. Hạnh vác cuốc và xách cái xô không đi bên Hữu. Hai người nhập vô đoàn sinh viên vừa đi qua. Họ bắt đầu khai mương quanh các trại cô nhi. Đất thì xốp nhưng cây rừng nhiều quá thành thử anh chị em phải vất vả lắm mới cắt đứt được hết những cái rễ chằng chịt bên dưới. Họ làm việc trong tiếng hát của các em cô nhi vang lên trong trại. Đến trưa mưa bỗng trút xuống ào ào, các rãnh mới đào đã có nước chảy. Các em rất thích nhìn những mương nước mới đào này, các em đứng phía trong, cười nói tíu tít. Tiếng hát của anh em sinh viên lúc ấy to hơn tiếng mưa xối xả. Hạnh mặc áo mưa vàng chói trông lạ hẳn đi. Tóc vẫn khô nhưng nước mưa cứ theo mũ áo chảy ròng ròng hai bên má. Hữu nói đùa: -Trông chị bây giờ giống bà Trưng Trắc hơn ngày hôm qua nhiều. Hạnh vừa cuốc đất vừa cười, hỏi vặn lại: -Anh đã gặp bà Trưng Trắc bao giờ chưa mà biết giống? -Dĩ nhiên là chưa, nhưng mỗi khi muốn đóng vai bà Trưng Trắc thì người ta thường chọn những cô gái đẹp. Những kỷ niệm ấy giờ đã qua đi mất. Dừng lại trong cơn gió đầy hoa me vàng. Hữu chỉ còn thấy rõ nhất đôi mắt sáng và nụ cười mỉm, kín đáo.