Cho đến lúc đại chiến lan tràn khắp thế giới thì đám dân Ý chạy sang miền đất tiền đất bạc quả thực là thỏa ước nguyền: những bàn tay cứng tha hồ quơ bạc! Phải nói là tiền chảy vào nhà như nước. Ngay dân Hỏa xa còn làm đúp, làm gấp hai chứ chẳng giờ phụ trội gì nữa. Kẻ nào có con tử trận hay bị thương còn lo làm hăng hơn nữa. Có tiền thì bao nhiêu đau khổ cũng phải hết, xưa nay chỉ những thằng nghèo đau khổ lâu hơn cả. Gia đình Lucia Santa quả sống thời vàng son. Chiến tranh tàn hại nhiều người... nhưng nhà này thì tậu nhà bên Long Island bằng tiền mặt! Lucia Santa quyết định mua hai căn liền kề để mẹ con gần nhau: Larry và Lousia ở căn bên để có gì bà nội còn ngó chừng bầy cháu. Nhà rộng thì mỗi người có quyền có phòng riêng đàng hoàng. Còn có một phòng để chờ thằng Gino mãn lính về ở. Ngày cuối cùng dọn dẹp bên nhà cũ, Lucia Santa đâu còn lòng dạ nào thu xếp đồ cùng đám con? Đêm chót nằm một mình trên giường mụ không ngủ nổi. Mụ nằm lắng nghe từng đợt gió tạt vào cửa sổ, những chỗ khe nứt vẫn phải lấy "băng keo" dán lên. Trên vách có những ô vuông màu sáng hơn một chút, những chỗ treo khung hình vừa gỡ ra. Lắng nghe chỗ nào cũng có tiếng lịch kịch, những tủ, những ngăn kẽo kẹt như những hồn ma vừa được thả ra sau bốn mươi năm chung sống trong căn nhà này. Cứ nhìn ngược lên trần nhà mãi phát buồn ngủ. Tay mụ tự nhiên đưa ra ôm đứa con nhỏ, tai làm như nghe thấy cả tiếng thằng Vincenzo, thằng Gino đi chơi đêm mò về, có cả tiếng bước chân Frank Corbo nữa. Xem giờ này Lorenzo còn mò đi đâu kìa? Rồi mụ quay sang bảo Octavia "Mày yên trí đi... còn tao thì không ai làm gì được đám con tao hết". Ô hay, sao mụ thấy cả ông bố hồi ở quê nhà, mụ đến tuổi đi lấy chồng chỉ xin bộ quần áo mới mà không được. Không cho, không an ủi thì sao không khóc được kìa? Lucia Santa cô độc quá. Mụ có muốn di dân đâu, vượt cả một đại dương hãi hùng quá mà? Lucia Santa giật mình tỉnh dậy. Căn phòng lạnh quá. Mụ vùng dậy mặc quần áo, lấy cái gối mang ra cửa sổ tựa bực cửa nhìn ra như mọi lần. Mụ ngó xuống đại lộ số 10 mong cho trời chóng sáng và bao nhiêu năm nay lần đầu tiên mới lắng nghe những đầu máy dồn toa xe rầm rầm bên trong khu nhà ga. Tàn lửa đỏ bay tứ tung. Tiếng bánh xe nghiến ken két trên đường ray sắt. Xa xa bờ biển Jersey đen ngòm. Thời buổi chiến tranh đèn đuốc tắt hết, chỉ có những vì sao chiếu long lanh. Sáng ra phải đợi xe dọn nhà lâu quá. Bà con hàng xóm vài người chạy tới từ biệt và chúc mừng. Có điều bạn bè cũ đâu còn ai? Họ dọn đi hết. Từ ngày Guido mang thương tích nặng trở về không làm gì được thì lão chủ lò bánh đã dọn sang Long Island, chọn một nơi vắng vẻ nhất. Dù sao cũng còn một ông bạn hàng xóm dọn theo về gần bên: gã chủ tiệm hớt tóc cũng đưa bầy con gái sang lập nghiệp bên Long Island. Ở lại làm ăn sao nổi. Thời buổi chiến tranh đàn ông con trai đi lính hết thì lấy đầu đâu ra mà hớt? Mấy người khác cũng dọn đi mỗi người một nơi lo làm ăn. Ai mà ngờ được ông bác sĩ Barbato cũng xung phong đầu quân, sang đánh tuốt bên Bắc Phi và trở thành anh hùng mặt trận đàng hoàng. Các báo đua nhau đăng hình "chiến sĩ kiểu mẫu" Barbato kèm theo nhiều bài ca tụng chiến công động trời làm ông bố xem báo té ra chết giấc, không ngờ thằng con điên khùng láo lếu vậy. Tội nghiệp mụ Teresina! Suốt ngày không dám ra đường vì mắc ở nhà coi chừng đống dầu ôliu, mỡ, chỉ sợ đứa nào vào lấy mất thì sau này lấy gì để chuộc mạng ba đứa con trai? Còn Bianco, thằng bạn nhỏ láu cá của Gino ngày nào, không hiểu sao đã không phải đi lính mà lại còn bốc lớn, mua được cả cơ nghiệp đồ sộ bên New Jersey mời cha mẹ qua ở. Vậy thì láng giềng cũ còn ai đâu mà gia đình Lucia Santa không dọn khỏi đại lộ 10 cho rồi?
*
Tưởng xe chở đồ của ai... hóa ra của ông chủ Piero Santini! Hồi này khan xe quá, phải bà con quý hóa lắm Piero mới chịu cho xe đến chở giùm, gọi là chút tình người cùng làng cùng nước với nhau. Vả lại dọn nhà đi một chỗ khá hơn thì Piero còn muốn giúp cho mau mau nữa. Bà chủ nhà Lucia Santa rót ly cà phê mời ông khách quý và hai người cùng đứng cửa sổ nhìn xuống đại lộ 10 trong khi đó ba chị em Octavia lo phụ giúp khiêng những thùng đồ nhè nhẹ. Những món nặng đã có hai gã phu khuân vác người Ý khỏe như trâu, một tấm lưng trần dư sức gánh một cái giường hay một bàn buyarô khổng lồ. Sau một hồi thu dọn rút cục cả nhà trống trơn chỉ còn trần một chiếc ghế đẩu trong bếp. Không lẽ dọn sang nhà mới lịch sự sang trọng quá mà nhè xách theo món đồ rẻ tiền này cho bẩn? Để hối thúc mẹ đi mau mau, Lousia dắt cả ba đứa con mò lên. Ba đứa nhỏ thừa dịp nhà dọn đồ đạc đi hết rộng thênh thang tha hồ chạy nhảy, đùa giỡn phá phách những món đồ lặt vặt vô giá trị bỏ lại. Có chiếc xe nhà thật sang ngừng trước cửa. Trước kia là xe của ông chủ Di Lucca nhưng nay Larry đã mua lại. Nó đã đánh xe chờ sẵn thì không chần chừ được nữa. Octavia và Lousia phải đuổi từng đứa nhỏ xuống chúng mới chịu xuống cho. Sau cùng cô con gái lớn đến bên mẹ hối thúc: "Thôi mẹ... Đi đi chứ? Đi khỏi cái ổ chuột này cho rồi". Cả nhà ai chẳng nghĩ có tiền tậu nhà lớn chừng dọn đi là Lucia Santa phải hân hoan? Trái lại tự nhiên mụ ngơ ngẩn như người mất hồn. Làm như mụ không bao giờ tin có ngày phải rời bỏ căn nhà này vậy. Mấy đứa con lớn hối thúc, thây kệ. Mụ không đi ra mà trở vào nhà bếp, ngồi sụp trên chiếc ghế đẩu ôm mặt khóc. Octavia phải bảo Lousia dắt díu mấy đứa nhỏ xuống trước đi. Một mình nàng ở lại dỗ dành mẹ nhưng giọng Octavia vẫn có gì ấm ức: - Xem có gì đâu mà khóc? Tụi nó đợi mẹ nãy giờ rồi. Đi thôi chứ? Mẹ ngồi xe khóc cũng được mà? Lucia Santa vẫn ôm mặt không đáp! Nước mắt ở đâu cứ trào, ngăn không nổi. Mụ không muốn nhìn. Bỗng đâu có tiếng con Lena gắt gỏng: "Đừng giục chứ? Để mẹ yên đi". Thằng Sal có bao giờ hé miệng nói chơi đâu? Hôm nay nó cũng bảo Octavia: "Chị xuống trước đi... Để tụi tôi xuống với mẹ". Octavia lật đật xuống thang thì Lucia Santa mới mở hé mắt. Hai đứa con út lẳng lặng mỗi đứa đứng một bên mẹ. Chao ôi, mới đây mà chúng lớn mau thế này. Con Lena hết còn nhỏ nữa rồi! Nó đẹp quá, đẹp lộng lẫy, nước da nâu, tóc đen lánh. Đôi mắt, chao ôi đôi mắt xanh ngăn ngắt đúng mắt thằng bố mà khuôn mặt nó in hệt thằng anh Gino. Thằng Sal đặt tay lên vai mẹ. Cặp mắt nó người lớn quá, điềm tĩnh quá. Nó nhìn mẹ làm Lucia Santa sực nhớ lâu nay hai đứa này vẫn lầm lì ngồi một xó nhà, chúng đã nhìn thấy hết và biết hết. Chúng biết suy xét quá mà? Mụ đâu biết đối với hai đứa nhỏ, mẹ chúng lâu nay phải sắm vai trò chính trong vở kịch đời gay cấn quá. Chúng thấy mẹ nghiến răng gánh chịu những cay đắng của số mệnh... nào hốt hoảng những lúc cha chúng lên cơn... nào lo lắng đủ điều cho hai anh Lorenzo, Gino... nào đau khổ rụng rời vì cái chết thương tâm của anh Vincenzo. Chúng biết chứ? Giờ này hai đứa còn đứng đây đợi mẹ, nắm tay mẹ ắt hẳn là chúng đã hiểu cho nỗi lòng một người mẹ thương con, không tội tình gì hết. Vậy mà mẹ chúng vẫn cứ ôm mặt khóc trước khi từ giã ngôi nhà cũ! Lucia Santa đâu có thua kém gì ai? Mụ dư biết cuộc sống nay mai bên Long Island tràn trề hạnh phúc "nhà cao cửa rộng, đầy đàn con cháu". Sal và Lena sắp bác sĩ và giáo sư đến nơi. Octavia một mình trông nom, đứng đầu cả một nhà may lớn. Lorenzo nghiễm nhiên chủ tịch Nghiệp đoàn, rất là hào hiệp, phân phát công việc cho đám đàn em. Thằng Gino còn đi chiến đấu thật nhưng cả triệu người chết nó vẫn sống nhăn. Mụ hoàn toàn khỏi bận tâm đến tiền bạc cơm nước và với đàn con cháu như thế thì còn mong gì hơn? Về già Lucia Santa còn thua kém ai? Chao ôi, 40 năm về trước ở quê nhà Lucia Santa đâu có dám mong ước được đến thế này? Bên tai mụ tự nhiên vang vang cả triệu tiếng ai mơ hồ, văng vẳng: "Lucia Santa, Lucia Santa... nơi đất tiền, đất bạc... vậy là mi đã được hậu đãi quá rồi!". Ngồi trên ghế đẩu ôm mặt khóc ròng, mụ muốn cất cao cổ cãi lại. Mụ muốn nói rằng: - Đúng... đúng thế là quá rồi thật! Nhưng tôi, tôi muốn được đủ bấy nhiêu mà không phải trả giá đau khổ kia. Được hết mà không phải chôn hai đời chồng, một thằng con yêu dấu kìa. Không phải chịu đựng một thằng con hận đời, không tim. Tôi muốn được hậu đãi mà không phải gánh chịu tội lỗi, phiền muộn, sợ chết, run rẩy đợi ngày tận thế. Tôi muốn được hưởng tử tế kìa! Mỹ quốc... miền đất tiền đất bạc... xứ sở của những giấc mộng đại thành... cho nhiều đến thế sao không cho luôn, cho hết? Chao ôi, Lucia Santa khóc vì những tội lỗi vụn vặt đối với những người thân. Hồi trẻ thơ cũng từng mơ mộng, mơ mộng nhiều lắm nhưng vĩ đại nhất là chỉ mong sao khỏi đói khát, bệnh hoạn tai ương. Miễn sống được là mừng, đâu dám mơ mộng xa vời? Sang đây, lập nghiệp miền đất tiền đất bạc này đời sống hứa hẹn ấm no nhưng ấm và no đâu có đủ. Nhiều mơ mộng bỗng nảy sinh thêm. Nhìn lại đám con mụ. Octavia thường mơ mộng làm cô giáo, chắc vậy rồi. Thằng Vincenzo mơ mộng những gì? Cả một sự khó hiểu không hiểu nổi. Còn thằng Gino? À, thằng này dám mơ mộng nhiều thứ, có lẽ toàn những giấc mơ ngỗ ngược không! Mụ đã khóc nhiều vì nó, lo sợ cho nó, giận hờn nó chồng chất quá thể... nhưng rõ ràng thằng này chỉ ham vui, chỉ mong sung sướng lấy mình. Thằng con mụ, chao ôi, nó muốn làm công tử con nhà giàu dù chính con mẹ nó ngày nào từng làm buồn ông ngoại, đứa con gái cưng từng làm cha đau khổ vì đi lấy chồng dám đòi quần áo mới, tấm khăn trải giường mới. Mà không được mới đau! Đúng thế, mụ biết chắc rằng thằng Gino sẽ không trở vềnhà nữa, dù hết chiến tranh. Nó hận mẹ như mẹ nó từng hận ông ngoại ngày nào. Rồi đây chính Gino sẽ thoát ly để tìm về những miền đất tiền đất bạc, trong tâm tưởng nó. Tự nhiên Lucia Santa cảm thấy cần cầu nguyện, cần cầu xin Thượng đế gia ơn. Lần đầu tiên trong đời mụ, Lucia Santa lẩm nhẩm: Xin Thượng đế dẫn dắt nó trở về, để con nghe tiếng bước chân nó ngoài bậc cửa. Con vui lòng, con nguyện sẵn sàng sống lại 40 năm đau khổ. Con sẽ bắt đấng sinh thành ra con khóc đau đớn và sẽ bỏ quê hương vượt biển ngàn trùng. Con sẽ để mặc cho chồng chết. Con sẽ ôm thằng bé Vincenzo đứng ngoài đường chửi tàn nhẫn con mụ Filomena như ở New Jersey ngày ấy cũng như ôm quan tài nó mà khóc. Con bằng lòng làm lại hết. Ôi, cầu xin vậy là quá nhiều! Lucia Santa thoắt ngửng lên: hai đứa con đứng hai bên nhìn mẹ e ngại quá. Chúng lo sợ làm mụ phải mỉm cười. Thấy chúng nó là mụ khỏe hẳn, hai đứa con nhỏ nhất cũng dễ thương quá đi. Dĩ nhiên cả hai đứa cùng Mỹ rặt... nhưng Lucia Santa lấy làm khoái chí. Thà vậy cho chúng khác mụ, không giống ai trong nhà này. Thằng Sal hai tay nâng chiếc áo. Mụ chỉ việc xỏ tay vào quá dễ dàng. Giọng con Lena thủ thỉ: "Mẹ à... về nhà mới việc đầu tiên con phải làm là viết thư ngay cho anh Gino". Mụ nhìn nó cái điệu "nhớ nghe... mình con nhà tử tế... con gái không có nói lớn đấy". Ôi chao, mụ suýt bậc khóc! Sao con nhỏ giống thằng Gino thế này? Thế là Lucia Santa lật đật nhìn quanh, đưa mắt ba bề bốn bên trước khi rời căn nhà 40 năm kỷ niệm. Ngoài đường có ba mụ đàn bà bận đồ đen đứng chờ mụ xuống, hai tay khoanh trước ngực. Chỗ quen thuộc quá mà? Một mụ giơ tay gầy guộc lên chào, nói lớn "Lucia Santa... chúc may mắn nghe!". Chúc may mắn! Một lời chúc tử tế, tuyệt không ác ý nhưng bên trong cái giọng cao lanh lảnh ngầm chứa một lời dặn: "Xem chừng nghe? Đời còn nhiều... không phải bấy nhiêu đó mà đã xong... " Biết chứ? Lucia Santa cúi đầu cảm ơn. Cả nhà lần lượt chui vào chiếc xe sang trọng mà Larry còn nôn nóng đưa tay đập đập vô lăng hoài. Nó cho xe chầm chậm để hai chiếc xe chở đồ dọn nhà còn biết đường theo nhằm phía cầu treo Queensberough. Mới đầu thấy mẹ sụt sịt khóc... có đứa nào hó hé? Ngồi xe chật chội, mấy đứa con Larry va chạm nhau là đứa nọ đánh đứa kia mách. Mẹ chúng phải quát tháo, đét đít mấy phát mới tạm yên. Cũng nhờ tụi nó mà không khí đỡ nặng hẳn. Cả nhà quay ra bàn tán về ngôi nhà mới. Larry bảo phải ít nhất một giờ nữa mới tới nhà... nhưng nhiều lắm là hai phút thế nào cũng có đứa hỏi "Tới nhà chưa chú? Tới Long Island chưa cô?" Cô Lena và chú Sal chỉ trả lời "Chưa tới... còn lâu" cũng phát mệt. Ngồi băng dưới, Lucia Santa quay kính lên cho mát. Mụ bồng một đứa cháu lên lòng. Larry tươi cười nói ngay: "Cả nhà quây quần một nơi mới vui chứ, phải không mẹ?" Mụ nhoẻn cười nhìn Lena. Con nhỏ còn khờ quá - cũng như thằng Gino nó ẩu vậy - nó đâu biết mẹ cười gì? Chỉ có Octavia hiểu, nàng mỉm cười với mẹ. Hai mẹ con lạ gì đầu óc thằng Larry? Dọn nhà sang đây có mẹ ở chung là Larry chịu quá. Ở xa xôi, mình Lousia giữ bầy con thì yên trí thế nào được? Ở chung thì nhất. Nó sẽ tha hồ thừa thì giờ tán gái, thời buổi chiến tranh mà? Xe vọt lên dốc cầu treo Queensberough, chạy vùn vụt giữa cả rừng dây cáp hai bên. Bọn con nít hối hả tranh nhau đứng dậy nghển cổ nhìn làn nước sông xám xịt phía dưới. Chẳng được bao lâu đã hết cầu, Larry cho xe chạy vùn vụt trên mặt đại lộ rộng thênh thang. Bọn con nít khoái chí lại ó ré om sòm. Không đợi chúng hỏi, bà nội Lucia Santa cất tiếng: "Từ đây trở đi là địa giới Long Island rồi nghe".Hết