gười Việt Nam chúng ta mang một cá tính đặc biệt đó là sự hợp quần. Trong một cộng đồng, chúng ta biết người nọ người kia; gia đình này thế nào, gia đình kia ra sao. Đại khái chúng ta xét toàn bộ một gia đình, có thể từ gốc gác, từ đời ông nội hay ông cố nội và rộng lớn hơn anh em họ hàng, dây mơ rễ má liên hệ trong cuộc sống hiện tại. Đồng thời chúng ta cũng đặt vấn đề gia đình đó cuộc sống ra sao nếu so sánh với những tập tục sẵn có nơi cộng đồng để chiêm ngưỡng và khen ngợi hay chê bai một người hoặc một gia đình tùy thuộc sự đối xử của những thành viên trong gia đình với cộng đồng nói chung và với những người chung quanh, họ hàng, anh chị em, láng giềng nói riêng. Lẽ thường, gia đình nào dối xử tốt lành với mọi người, khi có công chuyện, họ hàng, xóm giềng thân quen qua lại giúp đỡ nhiều hơn là sống cô lập. Bởi đó, khi một gia đình có công chuyện, chúng ta có thể chỉ cần nhìn vào số người đến tham dự mà nhận ra giá trị của gia đình đó hay lối sống của họ thế nào đối với cộng đồng. Xét cho cùng, giá trị của một gia đình hay một cá nhân tùy thuộc vào lối sống của họ thể hiện được giá trị của những phong tục tập quán cao đẹp của dân tộc Việt.Nếu nhìn phong tục tập quán được áp dụng nơi cuộc sống con người theo khía cạnh này, những gì hay nơi phong tục người Việt mà chúng ta chưa biết hay chưa áp dụng trong cuộc sống, chúng ta nên theo; đồng thời, những gì lạm dụng phong tục sẽ bị trở thành hủ tục. Điều tất nhiên, mọi người chúng ta đều chê bai những ai lạm dụng phong tục, dám muối mặt, cả gan vì lợi ích riêng tư hay vì ý đồ hạn hẹp bôi nhọ những tính chất cao đẹp của người Việt. Vì thế, trong mọi cộng đồng người Việt, một số người hay gia đình đã và đang được đề cao bởi họ biết kính trên nhường dưới, biết tôn trọng lẽ phải, biết lễ độ với những người chung quanh. Nói chung là sống biết điều. Đồng thời cũng có một số người hoặc gia đình trong một cộng đồng bị mọi người khinh khi dầu người ta không nói cho biết hay không muốn nhắc tới. Thực tế cho thấy, người nào hay gia đình nào đã sống chẳng ra gì để những người trong cộng đồng khinh khi, chỉ còn cách dời đi nơi khác. Ai cũng biết rằng, sống mà bị mọi người khinh khi, phỉ nhổ, còn khốn khổ hơn là chết bờ chết bụi. Hơn nữa, vết nhơ này muôn đời không xóa được. Đó cũng là lý do tại sao người Việt Nam trọng danh dự và cố tránh những điều vô liêm xỉ. Cuộc sống của chúng ta thể hiện qua phong tục tập quán đang nói lên phẩm giá con người chính mình.Lẽ tự nhiên, phong tục và tập quán tự bản chất không tốt cũng không xấu. Chính sự áp dụng của phong tục và tập quán tùy nơi và tùy thời, hòa hợp với quan niệm của cộng đồng hay không, nâng cao hoặc làm giảm giá trị danh dự của người thực hành những tập tục. Con người tự mang giá trị làm người của chính mình. Phong tục tập quán chỉ một phần nào diễn tả tâm hồn của người thực hành chúng. Nào ai lạ gì: "Nhập gia tùy tục" hay "Ăn trông nồi ngồi trông hướng."Phong tục, tập quán được sinh ra bởi mối liên hệ của con người. Sự đối xử và cách thức đối xử giữa con người với nhau lâu dần trở thành thói quen, rồi thành tập quán. Những điều hay lẽ tốt được mọi người đề cao và thực hành trải qua các thế hệ và giá trị của những điều cao đẹp này ảnh hưởng tới con người nên biến thành phong tục. Chẳng hạn nghi thức trọng kính tổ tiên, đình đám, sự đối xử giữa cha con, chồng vợ.Người Việt Nam nói riêng hoặc dân chúng Á Đông nói chung là những người tình cảm. Người tình cảm sống tùy theo tâm tình của mình hơn là lý luận. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy đôi khi thật sự không muốn làm một việc gì nhưng mình vẫn làm. Mình làm việc đó chỉ vì mọi người chung quanh đã và đang chấp nhận như thế; chẳng hạn như ăn giỗ hay ăn tết. Nếu mình không theo, anh em họ hàng hoặc những người chung quanh coi mình không ra gì.Chính bởi sống theo tâm tình, người Việt Nam có khuynh hướng hợp quần, sống gần nhau, thích làm việc chung cho cộng đồng. Lối sống tâm tình này, tạo cho người Việt dễ dàng chia sẻ tâm tư, thăm hỏi, và đôi khi sự chia sẻ tâm tình trở nên một nhu cầu. Do đó người Việt lại có thêm đặc tính khác là hiếu khách. Hiếu khách bởi được người khác tới thăm là điều đáng hãnh diện; mình có sống thế nào người ta mới trọng mình mà tới thăm. Khách vô nhà sẽ được biệt đãi, trọng vọng. Bạn có thể đến thăm bất cứ gia đình quen biết nào của bạn mà không cần thông báo trước. Nếu có người ở nhà, bạn sẽ được họ niềm nở tiếp đón.Lối sống hợp quần giúp cho người Việt biết và hiểu nhau nhiều hơn. Mối dây ràng buộc tinh thần giữa cá nhân và cộng đồng liên kết chặt chẽ hơn, và cá nhân cũng được bảo vệ nhiều hơn. Nếu chẳng may nhà ai có chuyện hệ trọng gì, tin tức được loan truyền nhanh hơn; do đó sự giúp đỡ của những người sống trong cộng đồng (nếu cần thiết) đến với gia đình không may kịp thời.Do sự liên hệ giữa cá nhân với cộng đồng và lối sống tâm tình, khi một người có chuyện gì khó khăn mà chưa biết cách giải quyết ra sao chỉ cần hỏi hoặc nói với những người quen, họ sẽ được đề nghị nhiều ý kiến. Dĩ nhiên, kẻ có ý kiến nọ, người có ý kiến kia; người trong chuyện chỉ cần cân nhắc và suy nghĩ thêm để chọn lựa ý kiến đề nghị hợp với công việc của mình mà giải quyết. Một điểm đặc biệt nơi tâm tình người Việt là sự sẵn lòng giúp đỡ người khác khi được nhờ đến. Bởi thế, người gặp chuyện khó khăn nếu nhờ người khác, họ sẽ được giúp đỡ tận tình, và thường thì những sự giúp đỡ này vượt quá điều mong ước của chủ nhân. Chính lối sống tâm tình và cộng đồng khuyến khích mối dây liên hệ giữa người Việt thêm bền chặt. Đồng thời, vì được những người chung quanh tận tình góp tay giải quyết vấn đề trong những khi gặp chuyện khó khăn, mình nhận ra lòng quảng đại và sẵn sàng giúp đỡ của người khác. Từ đó, với tấm lòng biết ơn, mình tự nguyện mở rộng tâm hồn để giúp đỡ người khác khi họ gặp chuyện không may. Qua sự liên hệ này, tâm tình rộng lượng thương người ăn sâu vào tâm tính người Việt và trở thành cá tính. Hiểu như vậy, khi nghe ai nhắc đến một trong những đặc tính người Việt là bao dung, hay giúp đỡ, không ai trong chúng ta không cảm nhận được. Tuy nhiên, hỏi tại sao bao dung, rộng lượng, thật khó diễn tả.