Tôi lên đường đi Huế hôm nay, 2-4-1958, là lần thứ nhì, vì tháng 3 năm 1955, tôi đã ra đó một lần rồi. Buổi sáng 2-4, tôi vô sở là Viện bảo tàng, lóng nhóng chờ lãnh lương. Được 7.790 đồng, để lại nhà 2.790 đồng, bụng bảo dạ khi trở về sẽ châm vô cho đủ 3.000 xài trọn tháng tiền chợ. Nay đem theo 5.000 bỏ túi, ân hận thấy ít, vì không mấy thuở được công du ra đất đế đô, cũng, nên thừa dịp mua sắm vài món Nội phủ sở thích, máy bay khứ hồi, đã có chánh phủ cho không, lại nữa cơm nước và chỗ trọ, đã có ông Viện trưởng viện Đại học ngoài ấy bao bọc.Theo lời dặn thì 14 giờ khởi hành, còn lâu hoắc. Đợi mãn giờ làm, đạp xe về nhà ăn qua loa ba chén dằn bụng, nằm nghỉ lưng được một chút, kế soạn kỹ hành lý đem theo cho vào túi xách, pha một bình trà ngon ngồi nốc cạn bình, xong đâu đó rồi, lật đật lên xe xích lô mượn đưa lên địa chỉ 294 Phan Thanh Giản. Nơi đây phái đoàn tề tựu gần đủ mặt, chỉ còn chờ ông và bà trưởng đoàn đến là khởi hành. Trong lúc chờ, tôi ngồi đếm, về nữ sinh có năm sáu cô, về nam sinh có trên mươi người, nay cũng không nhớ tên, duy nhớ một anh Doãn Quốc Sỹ. Đây là các cô cử cậu cử tân khoa vừa thi đậu, được chánh phủ biệt đãi cho đi “bêu ngựa” Huế đô, ngắm gái đẹp trai xinh và phong cảnh đất Thần kinh và bổ túc sự nghe sự thấy. Ông Trương Bửu Lâm, giám đốc viện khảo cổ, làm trưởng đoàn. Nếu có nên cám ơn, thì cám ơn ông có lòng tốt để cho tháp tùng đi chơi không tốn tiền, chớ lão Nguyễn Khắc Hoạch và Nghiêm Thẩm, đều là bọn “đi cọp” như mình, không nói hai linh mục dòng Tên, Larre và Gélinas, và một sư huynh đồng hành thì cũng là “cọp”. Còn nói gì bà T.B.L., vốn là Bạch Nga xuất ngoại, theo chồng cho biết Huế, thì cũng là “cọp” cần gì cám ơn. “Phi thuyền” nầy là một chiếc máy bay quân sự, của lính dù dùng ra trận mạc, tiện nghi không có, từ trước tàu ra sau có hai hàng ghế băng dài bằng gỗ ngồi “u mê” thấy mẹ, khách ngồi đâu mặt nhau, có mấy sợi dây treo lòng thòng, phải nắm cho chắc, kẻo máy bay đảo thì té lăn cù, bà lật bùn rền, hai ông cha văng kiếng, văng nón, lối tóc hớt trọc có chừa một lỏm tròn giữa óc o. Ngồi một chỗ cả giờ, ngó mặt nhau mãi chán quá. Không biết bụng ai thế nào, chớ bụng tôi được đi cọp, vẫn suy nghĩ lung tung, tự hỏi thầm: chớ chi bà L, mập thêm một chút, dễ coi hơn, chớ ốm và giẹp như khô mực, thì bên Việt Nam phụ nữ đẹp hơn nhiều; còn tại sao cha L., tu hành giống gì mà béo trục béo tròn, trái lại cũng thì tu mà cha G, lại ốm tong teo, nội cái mặt chỉ thấy sống mũi cao và cúp vọp, hay lão ta dòng Do Thái? Một cô cử gốc gác miền Nam, mới gần nửa giờ đã tâm sự và thổ lộ can tràng: “Gái đời nay, không tiền không sắc như tôi, nên phải đi học làm vốn. Bọn có chút sắc, nhất là có tiền, trai nó cưới từ hồi mười bảy”.Mảng nghe đến đó, máy bay đáp xuống sân Phú Bài mà không hay. Khởi hành 14 giờ, đến Huế 16g30, cũng mau khá đến. Có xe camiông nhà binh đến rước đưa đến toà viện trưởng, chào linh mục Cao Văn Luận, để ông dạy cho biết ăn đâu ở đâu. Các cô có nhà cha mẹ tại đây thì cứ về nhà, mấy cô khác gởi vô nhà kín ở tạm chớ không phải đi tu mà sợ. Mấy anh sinh viên trai ở chung một chỗ với nhau càng được thêm vui. Ông và bà L., biệt đãi, ở một phòng riêng, còn cha L, cha G, chực về tạm nơi tu viện ở đây, duy ba đứa tôi, Hoạch, Thẩm, và tôi, một già hai trẻ, được cắt cho một phòng rộng trên lầu thư viện Đại học, trước đây là trụ sở Ngân hàng Đông Dương, một toà nhà đồ sộ ngó ra mặt sông Hương.Sấp xếp hành lý xong mà giờ cơm chưa đến, phái đoàn rủ nhau qua sông ra phố, thả xích phê dọc đường ngấm sơ cách bán buôn sinh hoạt Huế đô. Vả chăng tôi biết Huế từ 1955, năm nay 1958, tôi thấy Huế đã tiến bộ nhiều. Năm trước dạo phố thấy trong một hiệu bán kiếng đeo mắt, có một cái máy nhỏ dùng mài cạnh kiếng, thế mà cũng có kèm một mảnh giấy trắng viết đại tự quốc ngữ: “máy mài kính” dán lên trên, tôi nghĩ thầm xứ nầy là xứ văn chương, ông chủ nhà nầy quả là xứng đáng con cháu quan viên xưa, thích đề thi viết liễn và mỗi mỗi đều trông có dịp khoe chữ tốt văn kêu. Năm nay trở lại chỗ cũ không thấy cái máy ấy nữa, hiệu buôn kính đã biến thành một quán buôn sách, và từ buồng trong, nghe lảnh lót vọng ra, tiếng trong trẻo, có lẽ là của tiểu thơ con gái ông chủ nhà, nếu cô bán hàng làm công không lý tự do đến thế, hay đây là một Ngọc Cẩm, một Thanh Thuý tương lai Bà Lâm thấy gánh chè đậu ngự, gọi lại và đãi hết phái đoàn. Mụ bán chè còn mặc chiếc áo dài vá quàng, thân trên mới tinh, nửa thân dưới, vạt trước vạt sau là vạt áo cũ nhục nhục phai màu. Chiếc áo nên thơ, cần gì phải nón bài thơ, đây bắt nhớ lại câu hát cũ: “Áo vá vai, vợ ai không biết? Áo vá quàng chí quyết vợ đây!” đây hay là tôi, cũng vậy). Và một câu nữa: “thương em thuở áo mới may, Bây giờ áo đã thay tay vá quàng”? Vá quàng là áo vá nửa thân, trên mới dưới cũ, cũng là một cách tiết kiệm mót máy lớp trước, dè đâu phong trào tân tiến xằng theo Mỹ Thiệu, trước kia là Diệm Nhu, đã đánh chết khỏi từ đây, và đây là lần chót tôi còn thấy chiếc áo vá quàng nầy, và những lần sau ra Huế chỉ gặp bùn rền váy đầm, áo tân thời eo thắt ngang lưng, hoặc áo thun bó sát thân ngực chớ áo vá quàng hoàn toàn không thấy nữa. Ăn một chén chè khỏi trả tiền, mà nghĩ bao nhiêu chuyện. Đường Chi Lăng, phố Gia Hội, hai bên bờ con kinh đào từ đời vua Minh Mạng, gọi là phố Hàng Bè, trừ những nhà xây cất theo lối cổ nay không thể sửa đổi canh tân được, còn sót nhiều ngôi nhà đã có từ đời Thiệu Trị, Tự Đức, những nhà nầy để y như xưa, luôn cả táng đá đã lỳ mòn, có táng kiểu trái bí, có táng kiểu cánh sen lật úp, rất ngộ nghĩnh, thấy một nhà đang phá ra cất lại mới, bỏ cù bơ cù bất những tảng đá Thanh kiểu cái trống, giá thử không nặng lắm và nếu cho mình, mình sẽ rinh về làm kỷ niệm thì hay ho quá! Đâu là nhà Trần Tiễn Thành, thuở bị ám sát? Và Chợ Dinh ở đâu, có phải là khu khi xưa có dinh quan Thượng, Phụ Chánh nầy không? Có một mớ nhà khác đã thay kiểu mới, có kê thêm lầu lẹt đẹt, rộng rãi hơn thì có, nhưng kể về tồn cổ thì hỏng rồi. Những dãy khang trang tân thời, chiều chiều ngợp khách du, là dãy Trần Hưng Đạo dọc bờ sông Hương, tấp nập trai thanh gái lịch. Dầu sao và đi đến đâu, thành phố Huế còn lưu lại nét cổ kính và nhà nào ít nữa cũng còn sót một vài cổ vật: chiếc lư đồng cổ, cái khán thờ cũ, bộ chén trà xưa hay đôi chậu kiểng đời trước, còn luôn cả chưn chậu gọi là đôn, làm bằng đá Thanh đã meo mốc lang thương nhiều thế hệ. Đi ngang nhà cụ Nguyễn Đình Hòe, thấy trong thiên tỉnh có mấy chậu lan và một bể cạn có kiểu xinh xinh cổ kính.Ngày 3 tháng 4 - Sáng điểm tâm rồi dắt nhau dạo xem trong Đại Nội. Nơi góc hướng nam, chỗ trước đây bà Từ Cung ngự, vẫn còn xưa sao nay vậy. Đồ sứ Pháp, đồ sành do Tây cống sứ và chế tạo tại các lò Sèvres, Limoges, còn giữ được rất nhiều, mỗi chưa cột đều có chưng một chiếc lục bình cao hơn thước, cái vẽ màu xanh đỏ, cái phết men thiên thanh, sau đây thấy bày trong vài phòng triển lãm Sài Gòn, khen cho vật không chân mà biết chạy, hay là vì túi tham không đáy, bất kể vật cổ tích quốc gia? Và nhám tay, ăn cắp là tội nặng.Trước mặt tiền nam cung, có một sân rộng tường bao chung quanh, giữa sân có hai cây vải (lệ chi) do bàn tay ai trồng, lá xanh om, tàn tròn vịn, gốc lớn một người ôm không giáp: đang trưa đứng bóng, tuy nghe tiếng chim trong lá kêu lảnh lót mà gió lặng yên lá không lay động, khách như tôi đứng tần ngần lòng xúc cảm vô hạn, tưởng tượng chốn nầy ngày xưa náo nhiệt oai nghiêm bao nhiêu mà ngày nay thê lương, lạnh lùng bấy nhiêu nhưng xưa nay gì cảnh vẫn kín cổng cao tường và vẫn chứa ẩn ruột bí sử khó tả.Buổi chiều đến cung chiêm lăng Vua Minh Mạng và chuyến về còn dư giờ ghé triện lại xem vị trí Hòn Chén và điện thờ bà Thánh mẫu Thiên Y A Na linh thính. Trong các lăng tẩm những vua nhà Nguyễn, không kể lăng đức Thiệu Trị bị hư hại vì bão lụt nhiều lần chưa tu bổ, so sánh lại, lăng Gia Long hùng tráng đơn sơ ẩn tàng nét hùng của một người dám chỉ ngay chỗ nằm, ngoài ra lăng Minh Mạng, quả là lăng tẩm một ông vua hưởng lâu cảnh thái bình và ăn ở theo sách, mỗi mỗi đều đối chiếu, đình tạ nguy nga, phảng phất một nét buồn rất nên thơ, xứng với một ông vua kiêm thi sĩ, một môn đệ trung thành với triết lý Khổng Mạnh. Tương truyền miếng thịt phải xắt thật tròn thật vuông, ngài mới bằng lòng.Bữa cơm tối xong, chia tay ra về. Ba chúng tôi, Hoạch, Thẩm, và kẻ nầy, rủ nhau ra ngồi lan can cầu Trường Tiền xem kẻ qua người lại và xem cảnh sông Hương và thành phố Huế dưới ánh đèn. Lúc ấy chưa có lệ đuổi không cho dụm ba dụm bảy trên cầu.Ngày 4 tháng 4 Hôm nay xem lăng Khải Định và lăng Tự Đức, có ông Bửu Kế, giám đốc thư viện hướng dẫn. Lăng vua Tự Đức rộng lớn và còn kiên cố nguyên vẹn. Nhìn kỹ lại đây quả là một “tiểu giang san” dành cho một ông vua đã quá mệt mỏi vì việc nước quá rối ren và đã có ý định rút lui về đây đóng vai thái thượng hoàng. Ai trách ông bao nhiêu, tôi lại thương và kính ông bấy nhiêu.Tôi kính ông là người con chí hiếu, tôi thương ông là người chung quanh bị bao vây bởi một bầy tôi bất tài, buổi tàn niên của ông còn thêm một số ăn hại, phá nát cơ nghiệp, chuyên ám sát người ngay, và ép vua nhỏ tuổi chạy theo dài dài.Ở tôn lăng nầy mỗi đình mỗi tạ, mỗi cây cầu, đều có đặt chữ “khiêm” đứng trước. Đức Dực Tôn rất biết xét mình và trên các tờ “châu bản” để lại chữ son vua phê có khi còn dài hơn, nhứt là lời ngự phê còn văn chương lưu loát hơn văn các đài quan cử nghiệp Tôi đã nói ông vua nầy rất hiếu với mẹ, nay đọc lại bài Ngẫu cảm của ông (xem Nam thi hợp tuvển quyển 1 Nguyễn Văn Ngọc, bản năm 1927, trương 248): Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê!Sống gởi, rồi ra lại thác về.Khôn dại cùng chung ba thước đất.Giàu sang chưa chín một nồi kê.Tranh giành trước mắt mây tan tác,Đày đoạ sau thân núi nặng nề.Muốn để hỏi tiên, tiên chằng bảo,Gượng làm chút nữa đế mà nghe!Ông biết như vậy mà cũng không tránh được lời gièm pha của hậu thế, nào bất tài, nào để cho mất nước. Trách vua Tự Đức rồi thì còn lời nào để trách cứ cha ông vua vừa bị truất phế gần đây?Nội cái việc truất phế, chung quy chúng ta vẫn lầm mưu một bọn ỷ đông làm cái việc thường thấy giữa đám dân làm ruộng trong Nam: một ông chủ điền vì ham mê bài bạc tửu sắc, bỏ ruộng lên chợ, giao sở đất cho tên “tằng khạo” coi sóc, rồi tên tằng khạo gian hùng ấy lập mưu hất cẳng, đoạt mất sở ruộng của ông ta; kế đó, trời bất dung gian, tằng khạo hưởng chưa được mấy năm, bỗng bị người khác hù làm cho hết hồn, chạy mất dạng rồi về chầu âm phủ luôn, thật là đúng như câu 3 bài nầy: khôn dại cùng chung ba thước đất.Xem hai lăng về, cùng phái đoàn dùng cơm chung của ông viện trường đãi. Mãn tiệc. Thẩm, lui về phòng nghỉ ngơi, tôi rủ giáo sư Hoạch cùng đi với tôi ra bến xe, ngồi ô-tô buýt qua Kim Long, mò đường lần đến nhà ông Nguyễn Hứa Huệ, định đến đây tìm mua đồ cồ ngoạn. Ông Huệ là một y tá từng đi chích thuốc và trồng trái dạo khắp đó đây và châu lưu khắp các nơi hiểm hóc miền Trung, cho nên khi về hưu, ông góp nhóp đầy nhà những đủ thứ đồ cổ từ cái hũ đời Đường, Tống, qua cái chén sứ đời chúa Trịnh đến cái tô đá đời Tây Sơn. Một kỳ trước ông đề nghị bán trọn nhà cho tôi với một giá rất hời, nhưng tôi đã bỏ ra dịp tốt vì lúc ấy tôi quyết dành tiền cất nhà để ở, hơn sắm đồ cổ mà tôi đã có nhiều. Kỳ nầy tôi lại thì ông đã bán tất cả cho ông Hoàng Nai, những món còn lại đều xoàng xĩnh, tôi mượn của Hoạch một ngàn bạc để mua một chậu sành, gọi quán tẩy, nhưng khi về đến Sài Gòn tôi bán lại cho ông Nai, lỗ mất mấy trăm bạc, vì xem kỹ, cái quán tẩy tầm thường quá tôi đã mua lầm. Và tánh tôi không thích giữ gì trong lòng đã hết ưa. Sở dĩ tôi rủ được lão Hoạch đến Kìm Long, vì tôi khoe nhà ông Huệ, kiến trúc lạ lắm: Và nhà nầy quả rất đáng bỏ giấc nghỉ trưa để lặn lội đi tìm. Tôi chỉ cho Hoạch những nét đặc sắc của ngôi nhà lợp tranh nầy. Bề ngoài, nhà xem rất đơn sơ tầm thường, nhưng khi bước vào trong rồi, mới thấy cái vẻ đẹp khó kiếm của nó. Nhà chạm trổ thật khéo, dẫu nhà lợp ngói cũng không khéo bằng. Mấy hàng cột đều nhỏ chột thôi, độ một tấc ngoài trực kính, nhưng trơn láng bóng thấy mặt, nhẵn nhụi như có đánh một lớp sơn, sau rõ lại đây là loại cây lọ nghe, một loại gỗ mun là giống gỗ rất hiếm, và ít khi được ngay ngắn suôn đuột hầu làm cột nhà. Đặc điểm của ngôi nhà nhỏ bé nầy là có chưng mấy tấm “liên ba ngứa” tức những phiến gỗ chạm hoa sen (liên hoa, đọc trại “ba” vì cữ tên một bà hậu đời Nguyễn). Mấy tấm liên ba ngửa nầy chạm trổ rất công phu, có dây, có lá, có hoa sen đại hoá, có ngó sen bỏ vòi tinh xảo như một bức tranh thêu và vì lâu đời quá nên đã lên nước đen thui bóng ngời. Theo tôi, đây là một lối làm thêm đẹp một ngôi nhà tranh, tức chạm những phiến gỗ nầy đúng ni tấc lòng căn rồi đóng đinh bắt ốc miếng chạm lên mái để che bớt lá tranh lợp không đều; tôi chưa thấy một kiểu nhà nào như vầy và chưa vội kết luận nhà ngói nơi địa phương khác có nên dùng liên ba ngửa nầy không. Dầu sao, nhà tranh Kim Long của ông Nguyễn Hứa Huê có qua khỏi nạn hoả tai năm Mậu Thân chăng? Ở Sóc Trăng, năm xưa tôi có gặp nơi làng Thạnh Thới An, một nhà lá cột tre, mà tôi xin đổi với một vuông nhà ba căn vách gạch lợp ngói, nhưng ông chú nhà lá không khứng đổi. Về sau nhà này gặp nạn thổ đốt và đã không còn, thật đáng tiếc. Theo tôi, trường kiến trúc nếu biết lo xa, nên tìm những kiểu nhà nầy lấy kiểu để dạy hoặc mua về dựng lại cho trẻ đàn em học thêm thì hay biết mấy.Ngày 4 tháng 4 là ngày lễ đạo kỷ niệm ngày Chúa thăng thiên, nên phái đoàn không dẫn dắt sinh viên đi dạo, Hoạch, Thẩm, và tôi, nhảy rào, không đến quán ăn chung với phái đoàn. Chẳng những vậy, thay vì thăng thiên, chúng tôi kiếm chỗ nhậu và ác ôn thay quán nhậu bán thức ăn rất ngon lại có tên rất chướng: “Quán cơm âm Phủ”!Ngày 5 tháng 4 - Ngày nay là 17 tháng hai âm lịch, đúng ngày giỗ mẹ, thế mà mảng ham rong chơi ngoài nầy khiến lỗi đạo làm con. Tuy có nhớ ngày và căn dặn ở nhà phải nấu mâm cơm đạm bạc miễn thật lòng thành, dầu vậy cũng không khỏi thắc thỏm chốn tha phương. Sáng hôm sau, còn nằm trên giường nghe bầy sẻ trên ngay cửa sổ kêu rân, khiến nhớ nhà ghê. Chim sẻ bất cứ ở đâu cũng chót chét một giọng, không giọng Huế giọng Sài Gòn gì cả. Ngày thường không để ý. Nay vừa xa nhà mấy hôm đã khắc hoải và phân biệt nọ kia. Đi ra ngoài lạ mắt lạ tai, vui lên nên quên hết. Nay giựt mình không có mặt ở nhà để dâng nén hương trên bàn thờ mẹ, tui hỏi tủi, buôn huyền buồn. Người sao quá giàu nghị lực, lưu vong bình bồng đâu cũng là nhà, như vậy mới làm quốc sự và làm chuyện lớn được. Tâm trí như mình, không hơn đàn bà. Theo chương trình, hôm nay phải dậy thật sớm để đi lên lăng Thiên Thọ là lăng đức Gia Long. Đường vẫn xa hơn các lãng khác, lại rất vắng vẻ; biết đâu không gặp người lạ mặt làm khó dễ lại cũng phải đề phòng rủi ro việc khác. May sao, nhờ tàu máy và xe đưa mau lẹ, nên tiết kiệm được thì giờ quý báu. Lên đến chốn lại bất được một tin mừng khác là sẽ mục kiến tại chỗ một buổi lễ tế chư vị tiên đế, vì bữa nay đúng là ngày thanh minh. Lễ do chánh phủ ra lịnh tổ chức và do phủ Tôn nhơn cử hành. Đây là một dịp hiếm có, mừng thầm để xem ngoài này tế lễ ra thế nào, chắc là trịnh trọng lắm; ngờ đâu xem được rồi lại càng thất vọng, buồn tủi cho các liệt thánh, các vua cũ nhà Nguyễn.Theo tôi, thà chánh phủ nhà Ngô nên bỏ qua đừng nhắc đến, còn hơn là sai làm lấy có. Khéo bày đặt một lễ tạm bợ, thiếu nhiệt tâm nhiệt thành. Đám cúng giỗ các vua trước, từ Gia Long đến Tự Đức, thế mà lộn xộn còn thua đám ma nhà héo trong Nam. Chúng tôi đang đi và nói cười dưới núi, vừa bước chân lên vòng lăng. Tôi đang đứng than thở trước cảnh voi đá gãy vòi, ngựa đá sứt tai, con nầy mất đầu, ngựa kia gãy đuôi, và hình đá các công thần, ông mất gươm, ông khác đầu lìa khỏi cổ lăn nằm dưới chân bên đôi hia gãy mũi, có vài ông còn nguyên vẹn thì chạm trổ không cân xứng, phần nhiều thân hình nhỏ bé, còn đầu thì quá to, tỏ ra nghệ thuật đời Cao hoàng kém thua nghệ thuật Chiêm Thành và Cao Miên, duy không hiểu có phải vì ẩn ý tạc tượng nhỏ để ngụ ý chỉ có ông vua nằm đó là lớn? Vì câu nệ nghi thức cổ hủ, nên mỹ thuật đi đời nhà ma, thuở nay mả vôi hạng nhà giàu trong Nam đến thằng lùn chun qua không lọt cái cửa thấp lè tè, cũng là vì bởi!Nếu có được một chút đắc thể là trải bao tuế nguyệt nay tượng đã rêu phong meo mốc và tuy bằng đá nhưng vẻ mặt ông nào cũng có dáng tiều tuỵ rầu rầu phải chăng đá cũng biết buồn cho cuộc phế hưng thời đại. Đang đứng nghĩ ngợi, bỗng nghe tiếng chuông tiếng trống đánh dồn: tiếng kèn, tiếng thanh la inh ỏi tôi lật đật bước săn lên chánh điện để kịp xem hành lễ cúng Thanh Minh. Từ dưới dốc leo lên, ngước mặt thấy trước tiên bốn cái lọng vàng gió đưa và cờ xí tung bay phấp phới, lòng tôi rộn rực và khiếp phục, nhưng khi đến gần thì đây là một cảnh xốn mắt làm sao. Thuở nay lư hương thờ các tiên đế, lại lấy tô rồng năng móng cắm nhang vào, thôi cũng châm chế được đi. Nhưng tại sao nơi bàn hương án, tấm quân bàn và tấm lá chấn thêu vẫn không có và thay vào đó, là mấy tấm vải Tây đỏ tạm bợ, “chửi” mấy tô Nội Phủ lư nhang, và cảnh xem tang thương não lòng làm sao.Tội nghiệp hơn nữa, là năm ấy vừa xảy ra một trận bão lụt lớn, và để tránh ngập nước, các chưa bàn đều kê gạch vụn, vừa xấu xí, vừa không xứng nghi thức tế thờ vua chúa chút nào.Nghĩ cho các vua là vua mất nước, đây là lễ của người ta gắng gượng “thí” cho, nên có khác. Nhưng vong hồn các vua hưởng sao vô? Chủ đứng tế, là tộc trưởng trong tôn nhơn phủ. Như vậy cách lựa người đã xứng đáng lắm. Ngặt thay người ấy lại là người theo Jésus. Vì đã theo đạo Gia-tô, nên ông nầy, tuy cháu mấy đổi của đức cao hoàng, lại từ chối không chịu lạy trước bàn thờ tổ tiên theo lễ Khổng Mạnh dạy. Người ta đón tiếp phái đoàn văn khoa Sài Gòn, niềm nở đưa chúng tôi vào chỗ tế, rồi nghĩ sao ông dạy qua nói tiếng bơ với cha L, và G. “Lát nữa hai cha xem, tôi không lạy đâu! Lạy người chết trái với đạo của mình mà!”.Tội nghiệp hai ông linh mục L, và G, khuyên giải cách mấy ông cũng nằng nặc không nghe, bởi ông là người triệt để theo thiên chúa giáo.Hôm ấy tôi lại thấy trên bàn lễ có để thờ nhiều bài vị, thảy đều sơn son mạ vàng. Đây là ông tộc trưởng nghĩ ra cách dồn các vong linh các tiên đế vào một chỗ để tế cho gọn, quên rằng xưa kia, thể thống nhà vua, không khi nào ngồi ăn chung với một ai. Trong gia đình nghèo cũng vậy, bao giờ cháu con ngồi ăn chung với ông bà? Vả chăng mỗi vua có mỗi lăng, và mỗi chỗ nên có một cuộc tế khác biệt, nay tế một chỗ, các hồn vua cháu vua con nào dám cùng mâm đối toạ với vua tổ vua cha, rắc rối vậy thay, và các vong tiên đế phải một bữa nghẹn ngào tụ hội hưởng nhậm ăn nuốt sao vô? Nghĩ mà xót xa giùm. Tội lắm, ngheo ông tộc trưởng Tôn nhơn phủ?Tôi thấy có tất cả ba bàn thờ, trên mỗi bàn cồ đặt nhiều bài vị. Ông tộc trưởng đã không khứng ra đứng lạy hành lễ, các chi nhánh khác vẫn luân phiên thay nhau ra quỳ lạy đúng phép. Nhưng các người ấy, khi thì rất đông, đến trên chục người xúm xít đứng chật một chiếu lễ, khi thì lải rải chỉ có năm ba ngoe, lạy lưa thưa trên một chiếc chiếu trải bên tả hoặc bên hữu chiếu giữa. Tôi không hiểu rành, nên hỏi nhờ một cụ Ưng..., đứng bên cạnh tôi (cụ làm việc nơi viện Văn hoá Huế). Cụ dạy nhỏ: “Đông người hay ít là tuỳ theo dòng lớn nhỏ, tuỳ thế hệ, tỷ dụ thế hệ “Ưng” nay đã ít ỏi nên lưa thưa, thế hệ “Bửu” còn trẻ tuổi nên nhiều và đông hơn. Vả lại khi tốp nầy lạy bên tả, tốp khác lạy bên hữu, là tuỳ theo chi nhánh, lạy ông bà của dòng mình, còn ông bà dòng khác thì đã có dòng khác lạy”.Đến lượt một nhóm ra đứng hành lễ, thấy có một vị chít khăn chữ “Nhứt”, mặc áo dài rộng kết nút ngà, xem phải thế lắm, nhưng nhìn kỹ thấy ông vận quần “bi-ra-ma” (pyjama) sọc dưa lằn xanh lằn trắng là thứ y phục vận khi ngủ khi ở tư thất của Tây u, tôi không nhịn được, day qua hỏi cụ Ưng, cụ lấy cùi chỏ thúc tôi và đáp giọng bực tức: “Hỏi làm chi? Cái quần cúng lễ, nó đã bán ăn rồi!”.Nhờ dự lễ nầy, lần thứ nhứt trong đời tôi, tôi có dịp hớp một chung trà “ngự tứ ướp sen”, nhưng vua chúa đâu còn? Hương trà vẫn thơm hơn các thứ trà đã nếm, nhưng hưởng chốn nầy, khi ngôi vua đã sụp đổ từ lâu, dẫu thơm cách mấy, hương trà không còn ngon như chầu trước. Dòm lại mình, thấy ăn vận lủn củn trong bộ áo ngắn cụt tay, lại tự hổ thầm, ngày xưa được uống trà vua, phải quỳ lạ y và áo khăn chỉnh tề đâu có như vầy? Và sự đổi đời, giá trị chữ Tự do, là như thế hay sao? Được cái nầy mất cái kia là vậy.Nghe nói giống sen nầy lấy giống tự bên Trung Quốc, và khi xưa, hột sen hái nơi hồ lăng Thiên Thọ, luôn luôn phải dành cung tiến nội cung. Bông sen cũng lớn đoá và hương thơm hơn các giống sen khác. Và cũng nhờ có mặt hôm nay tại buổi lễ nầy mà tôi hiểu lễ xưa nhà vua “ban thịt tợ” ra sao. Nhơn buổi lễ tế, tôi để ý nơi gian nhà sau chỗ tế, thấy đang đứng ngồi lóng nhóng từ buổi sáng sớm một nhóm rất đông, có người sồn sồn, có kẻ đã già sụm, nhưng toàn nhẵn nhụi ông nào như ông nấy cằm mép không một sợi râu, và thảy đều mắc áo dài rộng màu lam dợt, da trời. Đó là mấy quan thị xưa, các vị thái giám, nội giám của triều đại cũ nay còn sống sót. Một lát nữa, khi lễ tất, các vị nầy sẽ khiêng ba con tam sênh (tam sanh) vào đây, rồi sả nó ra từng miếng lớn miếng nhỏ và tuỳ phẩm trật, tuỳ địa vị, sẽ phân phát chia sớt, trước cho các ông các cụ dòng hoàng tộc, sau cho các ông giám nầy cùng hưởng “Miếng thịt làng hơn sàng thịt chợ”. Không chi đó cũng là bổng lộc hoàng ân, và ban thịt tợ chầu xưa làm tạm ắt như thế nầy. Đây là thịt kiếng các tiên đế trước. Nhưng nói ra thì thẹn, và xin nói nhỏ đủ nghe:- Con heo quay, đã nhỏ vóc lại ốm tong, da lợt lạt vàng mét, thật không bằng con heo hàng, con heo quay treo nơi sạp một anh Chệc Chợ Cũ Sài Gòn.- Con dê luộc, da tải mét, có chỗ cạo chưa sạch lông, không ngon mắt chút nào!- Con bê thui, vì làm hối hả, từ lúc nào, để đến hôm nay, đã có mùi. Bê thui trở mùi, ăn nín thở, thì ăn sao vô?Ngó kỹ ba bàn thờ, thì than ôi ông trưởng tộc Tôn Nhơn Phủ đã quên mất bổn phận. Bổn phận của ông, do chánh phủ cắt sai, là đến đây hành lễ dâng hương cúng ông bà ông vải của ông, và cúng theo đạo Nho do ông bà để lại. Như ông muốn giữ chính đạo Giatô và vì ông là công giáo, thì ông nên từ khước. Bằng ông đã đại diện chánh phủ, thì đến đây lễ buộc ông phải khấn vái và lạy theo cổ tục ông đã không làm như vậy, tức ông mang tội với vong linh người chết và cũng mang tội với người sống. Nếu ông a dua tân trào, ông hành lễ miễn cương, gắng gượng, không ai khen ông đâu, lương tâm ông sẽ xét xử và sau nầy lịch sử sẽ phê phán ông.Vua khi xưa, ăn mâm lớn cỗ đầy và ăn một mình một mâm. Không ăn thì hồn có đói chăng? Chớ ăn như vậy thì tủi. Người sống thấy còn khó chịu thay. Tôi không trả lời được. Ông sẽ đọc mấy hàng nầy không? Ông là dòng dõi vua, cháu chắt đức Gia Long, không thì cũng xa gần cháu con các vua khác. Nay ông dồn bài vị các vua cũ làm một chỗ, ông không lạy, theo tôi, ông có lỗi lớn với tổ tiên ông.Ngó lại các hoàng hàng phái có mặt tại buổi lễ. Nhớ lại, vị nào có danh phận lớn, địa vị cao, bề thế rộng, hoặc có tiền trong túi, thì đã cao chạy xa bay, hoặc ở Paris, hay nơi ngoại quốc khác, không nữa cũng đã vào Sài Gòn. Còn lại ở Huế đô, người có máu mặt thì viện cớ nầy cớ khác, ở lại nhà hành lễ tại gia. Những người hiện diện hôm nay ở đây, hoặc vì phận sự bắt buộc, hoặc vì không nỡ bỏ ông bà nên phải đến dự, kỳ dư, như tôi thấy, bây giờ tôi mới hiểu vì sao các ông hoàng có mặt, không ông nào giống ông nào, như đã nói nơi đoạn trước.Ở lăng Gia Long về, nhờ xuôi con nước nên tàu chạy mau, tới viện Đại Học, trời còn sớm chán. Ngó đồng hồ thấy điểm mười lăm giờ. Tôi lật đật gọi xích lô nhờ đạp lên hồ ông Hoàng Mười, đường Võ Tánh, tìm thăm Cụ ấm Tư Lưu Đình Tiễn. Để tỏ tình sơ giao. Cụ ấm biếu tôi một ấm Mạnh Thần, nhỏ và đẹp như loại ấm Cổ Nguyệt Hiên. Từ chối cách nào cũng không được. Té ra lòng tốt của tôi, đổ đường thăm bạn cố tri, lại hoá ra vì bụng tham vì ích kỷ. Đến để xin ấm trà, một ấm trà quý không dễ gì tìm! Lòng tham chỉ biết nhận, mới là xấu hổ hơn nữa?