gày nay, cống ngầm sạch, rộng, lạnh, ngay ngắn, khả quan. Nó thực hiện hầu như ở mức cao nhất, cái ý niệm mà người Anh gọi là “khả kính”. Trông nó khá lắm; xám xám, ngang bằng thẳng lối theo dây mực: sạch sẽ, đàng hoàng. Giống một chủ thầu trở thành cố vấn chính phủ. Trông vào thấy gần như sáng sủa. Bùn lầy ở đây xử sự phải chăng. Thoạt nhìn người ta tưởng là một hành lang địa đạo rất thuận lợi cho vua chúa chạy trốn ở cái thời xa xưa tốt đẹp mà “dân chúng yêu vì vua chúa của họ”. Cống ngầm ngày nay là một cống đẹp; phong cách thuần túy ngự trị ở đó. Câu thơ mười hai âm tiết cổ điển ngay ngắn bị trục xuất khỏi thơ ca, có vẻ như đã trốn vào kiến trúc và hòa vào từng phiến đá trong cái hầm cuốn trắng trắng và tăm tối này. Mỗi miệng đều xây cánh cung. Người ta lấy phố Rivôli mẫu mực ngay cả đến trong vũng bùn. Cũng phải nói rằng nếu có nơi nào mà đường nét hình học thích hợp thì chắc chắn đó là ở một hầm phân thành phố lớn. Ở đấy, cái gì cũng phải lệ thuộc nguyên tắc con đường ngắn nhất. Ngày nay cống ngầm có một cái gì quan dạng. Những báo cáo cảnh sát một đôi khi nói đến nó cũng không bất kính như trước. Chữ nghĩa dùng về nó trong văn chương hành chánh đều thanh nhã và trang trọng. Cái ngày trước gọi là đường hầm, ngày nay gọi là địa đạo, ngày trước gọi là lỗ, ngày nay gọi là cửa khẩu. Vinlông chắc là sẽ không nhận ra cái nơi tạm trú của mình ngày xưa. Hệ thống cống ngầm ấy có đám cư dân ngày xưa, cái tộc họ gậm nhấm lúc nhúc, đông hơn bao giờ hết; thỉnh thoảng một bác chuột cống già thò đầu ra của cống quan sát người qua đường; nhưng loài trùng này cũng đã thuần hóa, chúng lấy làm vừa lòng cái lâu đài dưới đất của chúng. Vũng bùn lầy không còn cái dáng dữ ác ngày xưa chút nào. Ngày trước mưa làm bẩn cống, ngày nay mưa giội rửa cống. Nhưng chớ cả tin: xú khí hãy còn trong ấy. Nó giả dối khéo che đậy, chứ chưa phải hoàn thiện. Sở cảnh sát thành phố và hội đồng vệ sinh đã mất công vô ích. Họ dùng hết cách khai quang tẩy uế, mà cỗng vẫn bốc lên một mùi tanh tanh khả nghi, cũng như tên Táctuyphơ sau khi xưng tội. Phải nhận rằng dù sao, cống ngầm cũng mang ơn văn minh về công việc nạo quét. Và theo quan điểm đó, lương tâm của Táctuyphơ đã là một sự tiến bộ so với cái chuồng bò của Ôgiát[1], cũng như rõ ràng là cống ngầm Pari đã tốt hơn trước. Còn hơn một tiến bộ; đây là một sự cải tạo. Giữa cống ngày xưa và cống ngày nay, có một cuộc cách mạng. Ai đã làm cuộc cách mạng đó? Người mà mọi người đều quên và chúng tôi đã nói đến: Bruynơdô. VI TIẾN BỘ TƯƠNG LAI Đào cống ngầm Pari không phải là một công việc nhỏ. Mười thế kỷ gần đây đã tham gia công trình đó mà chưa thể hoàn thành, cũng như đã không hoàn thành Pari. Quả vậy, cống ngầm chịu mọi hậu quả mà sự bành trướng của Pari dội đến. Đó là một thứ san hô tăm tối có hàng nghìn ăng ten, nằm trong lòng đất và lớn lên ở dưới đó cũng như thành phố lớn lên ở trên này. Mỗi khi thành phố mở thêm một đường thì cống mọc thêm một cánh tay. Thời quân chủ cũ chỉ xây dựng được hai mươi ba nghìn ba trăm mét cống ngầm; Pari đang ở mức đó ngày 1 tháng giêng năm 1806. Bắt đầu từ thời đó- mà lát nữa chúng tôi sẽ nhắc lại- công trình đã được mở lại và tiếp tục một cách mạnh mẽ và có hiệu lực. Napôlêông đã xây bốn nghìn tám trăm bốn mét; những con số này khá là kỳ lạ; Luy XVIII xây năm nghìn bảy trăm chín; Sắclơ X, mười nghìn tám trăm ba mươi sáu; Luy Philíp, tám mươi chín nghìn hai mươi; chế độ cộng hòa 1848, hai mươi ba nghìn ba trăm tám mươi mốt; chế độ hiện nay, bảy mươi nghìn năm trăm; tổng cộng hiện nay là hai trăm hai mươi sáu nghìn sáu trăm mười mét, hoặc là sáu mươi dặm cống ngầm: một bộ đại tiểu trường vĩ đại của thành phố Pari! Ngành nhánh âm u luôn luôn nứt mọc; công trình xây dựng bao la mà không được biết đến. Như người ta thấy, cái mê hồn trận ngầm đó ngày nay rộng lớn gấp mười hồi đầu thế kỷ. Khó mà hình dung cho được sự kiên tâm và tận lực cần thiết để đưa vũng bùn nhơ ấy đến mức tương đối hoàn chỉnh ngày nay. Phải khó nhọc lắm, cái chính quyền thành phố thời quân chủ và, trong quãng mười năm cuối thế kỷ XVIII, cái chính quyền cách mạng mới xoi thông được đoạn cống năm dặm đã có sẵn trước năm 1806. Công cuộc đó gặp đủ thứ trở ngại, có những trỏ ngại do chất đất, có những trở ngại gắn liền với chính những thành kiến của nhân dân lao động Pari. Thành phố xây trên một nền khó cuốc xới, khó đào bới một cách kỳ lạ lùng. Không gì khó chọc thủng và chui sâu bằng cái cơ cấu địa chất đó, lại có cấu tạo lịch sử kỳ diệu là Pari chồng lên trên, Khi dưới hình thái này hay hình thái khác, việc làm của con người khuấy động và lần mò vào bãi phù sa ấy, thì vô khối trở ngại trong lòng đất tức khắc nổi lên. Đó là những vạt đất sét lỏng, những suối nước chảy, những mô đá cứng rồi những đám bùn lầy sâu thẳm mà ngành chuyên khoa gọi là bột mu tác. Lưỡi cuốc chim cần cù khoét vào những lớp phiến nham gồm những lá mỏng khảm những vỏ sò của các đại dương thời tiền Ađam. Có khi một suối nước chọc thủng vòm cuốn đang xây và tưới ngập các người thợ; hoặc là một dòng đất vôi được khui ra, đổ xuống hùng hổ như một thác nước và làm gãy vỡ những đòn chống to nhất dễ như thủy tinh. Vừa mới đây, ở khu Viletơ, khi cần phải xoi cống cái, xuyên qua dưới đáy sông đào mà không hút cạn sông, không gián đoạn sự đi lại của tàu thuyền, thì một kẽ nứt đã hiện ra ở lòng sông: nước chảy xối xuống công trường ngầm, các bơm thoát nước không làm sao hút cho lại. Phải cho một người thợ lặn mò tìm cái kẽ nứt ở ngay cửa bể chứa lớn, và phải khó khăn lắm mới bít được kẽ hở đó. Ở các nơi khác, gần sông Xen, có khi ở khá xa sông, chẳng hạn như ở Benlơvin, Grăngđơ Ruy và đoạn Luymie, người ta gặp những bãi cát lầy không đáy và chết ngạt vì xú khí, cảnh chôn lùi vì xụt lở, sụp đổ đột ngột. Lại còn bệnh dịch thấm dần vào máu thịt của công nhân. Thời ta, sau khi đào hành lang Clisy, có bể đệ đặt một cống lớn dẫn nước sông Uốc, công việc này phải làm trong một hầm sâu mười mét; sau những lần sụt lở, phải chống nống và đào bới đôi khi rất hôi thối, xây được vòm cuốn sông Bievrơ chạy từ đại lộ Hôpitan đến sông Xen; sau khi xây hệ thống đường cống từ cửa ô Blăngsơ đến trường Ôbecvilie trong bốn tháng trời không kể ngày đêm ở độ sâu mười một mét với mục đích giải thoát Pari khỏi ách nước lũ chảy từ đồi Môngmáctơrơ xuống và thoát nước cho cái đầm sông chín hecta tù đọng gần cửa ô Máechia; sau khi làm một việc chưa từng thấy là đào một cái cống trong lòng đất không cần xẻ hàm, cống phố Barơđuy Béc, ở cách mặt đất sáu mét, người chỉ huy là Monnô chết. Còn kỹ sư Đuylô, đã xây cuốn cho ba nghìn mét cống ở khắp nơi trong thành phố, từ phố Xanh Ăngtoan đến phố Luốcxin: đã xây cống nhánh Acbalét để tránh cho ngã tư Xăngxiê Mufơta khỏi bị tràn ngập nước mưa, đã xây cống ngầm Xanh Gioócgiơ bằng móng ngập và bêtông trong cát lỏng; đã điều khiển cái công cuộc ghê gớm là hạ bệ của nhánh cống nhà thờ Đức bà Nadarét; sau khi làm những công việc đó, kỹ sư Đuylô chết. Không có tờ thông báo nào đối với những hành động dũng cảm loại đó, những hành động có ích hơn sự tàn sát ngu muội trên các chiến trường. Năm 1832, hệ thống cống ngầm Pari có đâu được như bây giờ. Bruynơdô đã mở đầu, nhưng phải đợi dịch thổ tả quyết định công cuộc tái kiến thiết rộng lớn về sau. Chẳng hạn người ta sẽ lấy làm lạ khi nghe nói rằng năm 1821, một đoạn cống bọc vành, cũng gọi là Sông đào Lớn, cứ phơi toan toác giữa trời, ở phố Guốcđơ, cũng như ở Vơnidơ vậy. Đến năm 1823, thành phố Pari mới tìm thấy trong hầu bao số tiền hai trăm sáu mươi sáu nghìn tám mươi phơrăng sáu xu cần thiết để che đậy cái xấu hổ đó. Ba giếng hút ở Côngba, Cunét, những giếng chứa, những chi nhánh ngầm Pari đã được cải tạo và, như chúng tôi đã nói, phát triển lên gấp mười lần từ một phần tư thế kỷ sau. Ba mươi năm trước đây, lúc xảy ra cuộc khởi nghĩa ngày 5 và 6, cống ngầm đó ở nhiều đoạn, vẫn còn như xua. Một số lớn đường phố ngày nay khum lên, ngày ấy là những nền lõm. Mặt đường và ngã tư thoai thoải. Nhiều khi ở chỗ thấp nhất hiện ra những cửa sắt vuông vức với những song to sáng ngời do bước chân khách qua đường mài mòn, những cửa đó nguy hiểm vì khiến cho xe trượt, ngựa ngã. Ngôn ngữ chánh thức ngành cầu đường gọi những điểm thấp và những song sắt đó là những cát xi[2], danh từ rất có ý nghĩa: Năm 1832, trong rất nhiều đường phố như phố Êtoalơ, phố Xanh Luy, phố Tăngplơ, phố Tăngplơ cũ, phố Đức bà Nadarét, phố Phôli Mêricua, bờ Flơ, phố Pơti Muytxtơ, phố Normăngđi, phố Pôngtô Bissơ, phố Mare, ngoại ô Xanh Mactanh, phố Đức bà Chiến thắng ngoại ô Môngmáctơrơ, phố Giănggiơ, Batơlie, quảng trường săng Elidê, phố Giacốp, phố Tuốcnông, cái vũng bùn trung cổ vẫn trâng tráo há hốc mồm. Đó là những khoảng trống giữa đá, đôi khi có trụ đá vây bọc, phơi bày ngạo nghễ như một kiến trúc lớn lao. Pari năm 1806 hầu như vẫn có con số cống ngầm tra xét hồi tháng năm năm 1663 chứ không hơn, nghĩa là mười nghìn bốn trăm mét. Sau Bruynơdô, ngày một tháng giêng năm 1802, cống ngầm dài bốn mươi nghìn ba trăm mét. Từ 1906 đến 1831 người ta xây dựng mỗi năm trung bình bảy trăm năm mươi mét; từ đó trở đi, mỗi năm người ta làm tám nghìn, hay hơn thế, mười nghìn mét cống, bằng vôi vữa là vật liệu nhỏ trên móng bêtông. Cứ mỗi mét xây mất hai trăm phơrăng thì hệ cống sáu mươi dặm của Pari ngày nay giá bốn mươi tám triệu. Ngoài vấn đề kinh tế mà chúng tôi đã nêu ra lúc đầu, nhiều vấn đề vấn đề quan trọng thuộc về sự nghiệp vệ sinh nhân dân gắn liền với vấn đề rất lớn, đó là cống ngầm Pari. Pari nằm giữa hai tầng lớp, một tầng lớp nước và một tầng lớp không khí. Tầng lớp nước nằm ở một độ khá sâu, nhưng đã được khoan dò hai lần: nước đó xuất phát từ lớp sa thạch xanh nằm giữa tầng phấn vôi và phần đá vôi thời Giuyra. Lớp xa thạch này có thể hình dung bằng một cái đĩa bán kính hai mươi lăm dặm; vô số sông, suối rỉ vào đó; uống một cốc nước giếng Grơnen là uống sông Xen, sông Mácnơ, sông Yon, sông Oadơ, sông En, sông Se, sông Viên và sông Loa lẫn lộn. Tầng lớp nước trong lành vì nó từ trời mà xuống trước, từ đất mà ra sau. Tầng lớp không khí ô uế vì từ cống rãnh xông lên. Tất cả xú khí của vũng lầy cống ngầm hòa vào hơi thở của thành phố, do đó mà có cái hơi thối mà chúng ta thấy. Người ta xét nghiệm thấy không khí lấy ở trên một đống phân trong lành hơn lấy ở thành phố Pari. Đến một lúc nào đó, nhờ tiến bộ, có máy móc hoàn bị và con người thông hiểu thấy sáng vấn đề, người ta sẽ dùng tầng lớp nước để gạn lọc không khí. Nghĩa là để súc rửa cống ngầm. Bạn đọc hẳn biết rằng khi tôi nói súc rửa cống ngầm là nói việc mang phân bùn trả lại cho đất cát, phân bón gửi đến cho đồng ruộng. Việc làm đơn giản đó sẽ làm tăng sức khỏe và giảm đói nghèo cho cộng đồng xã hội. Thời đại chúng ta, bệnh hoạn của Pari tỏa ra trên đường bán kính năm mươi dặm quanh điện Lơ Luvrơ, coi như trục của bánh xe ôn dịch đó. Có thể nói từ mười thế kỷ nay, bùn cống là cái bệnh của Pari. Cống ngầm là độc tố trong máu của thành phố. Bản năng nhân dân không lầm. Nghề thợ cống ngày xưa nguy hiểm và kinh tởm không kém gì nghề giết bò từ lâu bị coi tởm và bỏ mặc cho bọn đao phủ làm. Phải trả công rất hậu mới khiến cho một anh thợ nề chịu chui vào cái hầm thối tha đó; cái thang của bác thợ giếng ngậm ngừng không muốn lao xuống nơi đó; người ta có ngạn ngữ: xuống cống ngầm là tâm hầm mộ. Và vô số truyền thuyết, như chúng ta đã nói bủa vây cái chậu khổng lồ bằng một bầu không khí kinh sợ. Một hố rác ghê sợ mang dấu vết những cuộc chấn động của quả đất và những cuộc cách mạng của loài người, trong đó còn thấy di tích tất cả những tai biến lớn, từ cái vỏ sò trong thời hồng thủy đến tấm tả của Mara.
[1] Vua trong truyền thuyết, có nuôi 3.000 con bò cái trong một cái chuồng ba mươi năm không quét dọn [2] Tiếng nghề nghiệp chỉ cái rãnh thoát nước ở trên đường phố. Danh từ đó có ý nghĩa vì gần đồng âm với casser (Cátxê) nghĩa là làm vỡ, bẻ gẫy.
[1] Vua trong truyền thuyết, có nuôi 3.000 con bò cái trong một cái chuồng ba mươi năm không quét dọn [2] Tiếng nghề nghiệp chỉ cái rãnh thoát nước ở trên đường phố. Danh từ đó có ý nghĩa vì gần đồng âm với casser (Cátxê) nghĩa là làm vỡ, bẻ gẫy.