TÂM TÌNH BIẾT ƠN

     rong cuốn Việt Nam Quê Hương Tôi, linh mục Domici Đỗ Minh Trí, S. J. viết: "Tất cả những người ngoại quốc đã từng sống ở Việt Nam đều nhận thấy nơi con người Việt Nam có một cái gì lôi cuốn họ. Tốt bụng, lịch thiệp, nhã nhặn, lễ phép, dễ thương..." (trang 16). Ngài còn lặp lại lời nói của linh mục Cristoforo Borri đã công bố tại La Mã vào năm 1631: "Phát xuất từ bản tính tự nhiên của mình, người Việt Nam rất lịch thiệp và nhã nhặn trong cách cư xử với người Tây Phương, mặc dù họ có một quan điểm khá cao về giá trị cá nhân của họ" (trang 17). Nếu tự mình nói lên tính chất người Việt như thế, sẽ có người cho rằng "Mèo khen mèo dài đuôi." Lẽ đương nhiên, vì mèo có cái đuôi dài. Sự tốt bụng, lịch thiệp, nhã nhặn, dễ thương trong cách cư xử dầu có "quan điểm khá cao về giá trị cá nhân" biểu lộ cá tính đặc biệt nơi tâm tình người Việt. Chỉ những ai nhận chân giá trị con người của mình mới có thể có được tư cách lịch thiệp, nhã nhặn tự nhiên vì người chưa nhận ra giá trị của họ thường hay có những kiểu cách giả tạo. Tốt bụng, lịch thiệp, nhã nhặn bắt nguồn từ tâm tình ý thức liên đới giữa người với người, giữa cuộc đời mình với thế hệ đã qua và thế hệ mai sau; bởi biết mình thọ ơn tổ tiên nếu xét về truyền thống, mang ơn những người cùng thời theo nghĩa sống liên đới nên thái độ mình trở nên nhã nhặn. Không lạ gì, người được nuôi dưỡng trong môi trường nào, tâm hồn sẽ có chiều hướng gìn giữ tâm tình được tạo dựng nơi môi trường ấy. Ai dám ăn nói hỗn hào hoặc có thái độ kiêu căng với người mình mang ơn hay sẽ mang ơn? Hơn nữa chính nhận thức được thái độ bây giờ ảnh hưởng đến tương lai mai hậu, bổ túc cho lối cư xử của một người giúp họ trở nên nhã nhặn hơn.
Tâm tình biết ơn bắt nguồn từ ý thức nhận chân giá trị cá nhân; biết mình thế nào, khả năng ra sao, làm được gì, mình thiếu sót những chi và cần học hỏi, cần được giúp đỡ trong trường hợp hoàn cảnh hay điều kiện chi phối nào trong cuộc sống. Người không nhận chân giá trị mình sẽ có thái độ vô ơn, bởi nghĩ rằng cuộc đời, mọi người chung quanh có bổn phận phải phục vụ họ; cuộc đời mang nợ họ chứ không phải họ nên làm gì cho cuộc đời, hoặc đời tạo ra họ nên phải giúp họ sống. Tâm tình biết ơn một cách nào đó biểu lộ sự công bằng mà chỉ những người được huấn luyện, sinh trưởng trong nền luân lý cộng đồng mới có thể có được. Do ảnh hưởng liên đới của cuộc sống, cá nhân nhận ra sự liên hệ cần thiết giữa những người đồng thời, nơi gia đình, họ hàng. Sự thừa hưởng gia tài văn hóa luân lý ông cha để lại cùng với ý thức trách nhiệm và bổn phận cá nhân đối với gia đình, cộng đồng cũng như quốc gia, dân tộc, giúp cá nhân nhận biết vị thế mình, những gì mình cần được đào luyện, học hỏi. Nếu đem so sánh sự hiểu biết của mình với gia sản tinh thần ông cha để lại, cá nhân nhận ra mình đã được thừa hưởng quá nhiều, có thể nói đang ngụp lặn trong giòng suối truyền thống tiền nhân để lại. Hơn nữa, nếu so sánh cuộc đời mình với những người cùng thời, cá nhân cũng nhận ra mình được chia sẻ những sự tốt lành của người khác quá nhiều, cho dù dùng cả cuộc đời mình cũng không trả hết món nợ tự nhiên được thừa hưởng nơi cuộc đời. Chính sự nhận thức này khuyến khích một người đặt vấn đề sống sao cho phải lẽ, công bằng với những gì mình đã và đang được hưởng trong cuộc sống. Thực ra mà nói, dầu mình có muốn "Ân đền oán trả" cho sòng phẳng cũng không thể nào làm nổi do đó tâm tình biết ơn phát xuất. Những gì mình có thể vay trả theo lẽ công bằng, mình không cần mang ơn vì đó là sự trao đổi qua lại. Những gì mình không thể trả nổi, tạo cho mình tâm tình biết ơn.
Đối với người Việt, tâm tình biết ơn bàng bạc hiện diện trong mọi hoàn cảnh, mọi tư thái của một con người. Khi có những chuyện cần phải ăn nói, mình muốn tránh mất lòng bất cứ ai. Không muốn mất lòng người khác không chỉ có nghĩa mình tránh làm phiền lòng họ mà còn mang thêm ý không muốn vì vô tình ăn nói đụng chạm đến những người mình mang ơn. Mới chỉ trong vấn đề bình thường như ăn nói, tâm tình biết ơn còn ảnh hưởng như thế phương chi lối sống trong cuộc đời một người. Tâm tình biết ơn có thể là nguyên nhân gây nên lòng tôn trọng, kính nể ông bà. Chúng ta có lễ nghi trọng kính tổ tiên được gọi đạo thờ ông bà (lễ gia tiên). "Uống nước nhớ nguồn;" vì "Cây có cội, nước có nguồn,"  cũng như "Con người có tổ có tông,"  là những câu luân lý nhắc nhở người Việt nhớ đến công ơn tổ tiên. Nói cách khác, những câu luân lý này nhắc chúng ta biết ơn tổ tiên. Chúng ta có thể hỏi một số người nói rằng theo đạo Phật sống chung quanh; đa số họ theo đạo thờ ông bà mà thôi. Đây chính là những người thờ tổ tiên, nhớ ơn các ngài đã đi trước, tạo dựng gia sản tinh thần, dân tộc và truyền lại sự sống cho chúng ta.
Những ngày giỗ kỵ cũng là những tập tục nói lên tâm tình biết ơn đối với ông bà cha mẹ đã gây dựng nên mình. Mục đích của giỗ kỵ nói lên lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân và đồng thời mang theo ý "bất vong bản" (Phan Kế Bính; Việt Nam Phong Tục; Sống Mới, tr. 53). Những ngày lễ tết, trước khi con cháu tham gia ăn chơi cũng cúng ông bà để tỏ lòng biết ơn. Những thói quen tốt lành như biếu xén cha mẹ, ông bà, thầy giáo chứng tỏ tâm tình biết ơn của một người đối với ông bà cha mẹ và những người có công dạy dỗ đào luyện mình "nên người." Thực ra đồ biếu được coi như vật tượng trưng cho tấm lòng thành. Mặc dầu chỉ sự hiện diện của mình và thái độ cũng như lời ăn tiếng nói khi tới thăm hỏi đủ chứng tỏ lòng biết ơn của mình đối với người khác; đồ biếu hỗ trợ tâm tình một phần nào đó, gây ảnh hưởng khiến tâm tình mình được coi như có thể phơi bày cho người khác nhận thấy. Hơn nữa, đồ biếu còn là biểu hiệu nhắc nhở cho ông bà cha mẹ hay thày cô lòng thành của mình khi đã ra về. Lẽ đương nhiên cứ mỗi lần nhìn thấy đồ biếu, dầu năm hay mười năm sau, người nhận vẫn còn nhớ người nào đã trao tặng.
Tâm tình biết ơn còn được chứng tỏ bởi lối chào hỏi lễ phép, kính trọng. Người học trò, dù sau này có học cao đến đâu, giữ địa vị quan trọng cách mấy, nhưng đối với các thày giáo cũ cũng vẫn tỏ ra kính trọng khi chào hỏi các ngài. Và cũng chính sự chào hỏi lễ phép của người học trò cũ, dầu rằng bây giờ trò giỏi hơn thày, có địa vị cao hơn trong xã hội, làm cho thày cảm thấy hãnh diện, mát lòng. Sự biểu lộ tâm tình biết ơn do đó đem lại cho người khác niềm vui sống, yêu đời và cảm thấy giá trị cuộc sống hơn. Điều dĩ nhiên, những người vô ơn hoặc có thái độ vô ơn đều bị khinh khi. Hơn nữa, tâm tình biết ơn thường đi kèm theo với tấm lòng hiếu thảo. Nếu ai đã vô ơn lẽ đương nhiên là người bất hiếu đối với cha mẹ.
Người Việt Nam rất coi trọng sự biết ơn và đồng thời cũng rất tự lập. Có lẽ vì thế ít ai muốn chịu ơn, nhờ vả người khác ngoại trừ trường hợp bất đắc dĩ bởi "Ơn ai một chút khó quên, phiền ai một chút để bên dạ này." Có những bậc cha mẹ đã trối lại cho các con sống xứng đáng và biết điều đối với những người đã làm ơn cho gia đình mà chưa trả được. Tâm tình biết ơn giúp con người sống thân thiện, hòa nhã với những người chung quanh, nhìn những người khác như là hồng ân Trời ban cho mình. Tâm tình biết ơn còn giúp một người sống dễ dãi với mọi người chung quanh, khuyến khích tâm tình thương mến và hay giúp đỡ. Sự giúp đỡ những người mình không mang ơn cũng một phần nào biểu lộ tâm tình biết ơn vì cuộc đời mỗi người tự nó đã mang nợ đồng lần. Mình chịu ơn những người không thể trả được nên trả ơn bằng cách giúp những người khác khi có chuyện cần nhờ vả đến mình. Tuy nhiên, người nào càng mang nặng tâm tình biết ơn bao nhiêu có thể càng giận dai bấy nhiêu; có thể tôi sai nhưng âu đó cũng là sự thường tình nơi con người.

SỐNG HÒA HỢP

Có người cho rằng Trời bắt tội dân Việt chịu cực khổ lầm than để đền bù lại những lỗi lầm mà ông cha ta ngày xưa đã vấp phải. Chẳng hạn dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Chúa Trịnh phò vua Lê ở miền Bắc, Nguyễn Hoàng di dân mở rộng bờ cõi về phía Nam; cả một dân tộc Chàm với một lịch sử đấu tranh oai hùng thuở trước (thời Chế Bồng Nga) gần như đã bị dân Việt diệt chủng. Và rồi đất miền Nam, từ Sài Gòn đổ tới mũi Cà Mau xưa kia là Thủy Chân Lạp thuộc Cam Bốt, dân Việt cũng chiếm luôn làm đất đai nhà mình. Dân ta có những thời hơn 700 năm, thường được gọi 1000 năm bị Trung Hoa cai trị và hơn 80 năm, nói cho chẵn 100 năm thực dân Pháp đô hộ; dân Việt vẫn còn là dân Việt. Ngược lại, khi dân Việt thôn tính Chàm và Cao Miên (Cam Bốt), đất họ trở thành đất mình và dân tộc họ hầu như bị diệt chủng (dân Chàm, tính tới năm 1972 chỉ còn cỡ 100 ngàn), nếu không bị diệt chủng vì còn nơi ẩn náu thì cũng bỏ đất mà chạy như dân Cao Miên.
Nếu so sánh dân Việt với dân những nước lân cận như Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Mã Lai, người Việt sắc sảo hơn nhiều. Đa số dân Việt qua các nước lân cận trên lập nghiệp, dù chỉ là những người bình thường, khó tranh sống tại quê hương, đã trở thành những ông chủ nơi các nước láng giềng. Cũng khoảng năm 1972, một giáo sư người Đức qua thăm đại học Huế phát biểu rằng sinh viên Việt Nam thông minh nhất nhì thế giới. Từ 1975 đến nay, dân ta một số vượt biên phân tán tới mọi nước trên thế giới. Dù cho điều kiện, phong thổ nơi được định cư có thế nào chăng nữa, dân Việt, tự bản chất, đã đang sống vươn lên và phát triển. Tiềm lực khiến dân Việt có được khả năng sống hòa hợp với điều kiện hoàn cảnh mới được cấu tạo từ nhiều nguyên nhân phát sinh bởi môi trường và điều kiện sinh sống. Có thể nói những nguyên nhân này đã tạo cho người Việt có dân tộc tính đặc biệt về năng lực sinh tồn, được thể hiện qua khả năng sống hòa hợp.
Khả năng sống hòa hợp bắt nguồn từ khả năng sáng tạo, dùng những phương tiện sẵn có, chế biến hoặc ráp nối để giải quyết những nhu cầu cần thiết một cách đơn giản, tiện lợi, và thỏa đáng hơn. Nhìn lại dân Việt, cho tới ngày nay, 1993, gia đình là điểm tựa đầu tiên cũng như cuối cùng của một người; ngoài ra, không có một cơ quan bảo hiểm hoặc tổ chức nào để khi một người trong trường hợp lỡ sa cơ thất thế có thể nương tựa. Chính vì nhận thức được sự "không thể hy vọng" nhờ cậy đến ai ngoài khả năng sẵn có nơi mình, người Việt phải tự đặt vấn đề tự bảo vệ cho hiện tại cũng như tương lai. Nào những suy nghĩ sao cho có được nghề nghiệp vững chắc, tính kế lâu dài để tránh những lúc khốn cùng không ai giúp đỡ. Tự mình tính toán lo cho mình; đó là tinh thần tự lập. Người có tinh thần tự lập sẽ không là gánh nặng cho bất cứ ai. Ngoài ra, tinh thần tự lập khuyến khích con người tránh được những sự nhờ vả ươn hèn, sống lệ thuộc vào người khác đồng thời lại giúp người ta có thêm niềm tự tin cũng như sự hãnh diện về khả năng tháo vát của mình.
Hơn nữa, sống trong một nước nghèo khổ chậm tiến lại triền miên phải tranh đấu chống chọi với ngoại xâm, thực dân, hoặc nội chiến, đời sống luôn luôn bị đe dọa, người Việt phải đương đầu với những thực tại khó khăn. Chính những điều kiện khó khăn trong cuộc sống tạo cho người Việt óc tháo vát, xoay xở cùng tìm tòi mọi phương tiện cũng như cơ hội để sinh tồn. Do đó cuộc sống một người được đơn giản hóa đến mức tối đa hầu tránh những nhu cầu không thể thỏa mãn.
Năng lực bổ túc cho dân Việt kiên trì đương đầu với thực tại khó khăn là tinh thần tự lập. Dĩ nhiên, cuộc đời cực khổ tạo nên ý chí phấn đấu giành sống, tinh thần tự lập bổ xung để quân bình tâm thần khi phải đối diện với những trắc trở quá mức chịu đựng bình thường của một người. Xét như trên, cuộc đời khổ ải cơ cực có thể coi là bất hạnh trong phương diện vật chất lại trở thành hồng ân đào tạo người Việt về phương diện tinh thần cũng như năng lực phấn đấu giành sống.
Có được sự sống và có được năng lực phấn đấu để sinh tồn là khả năng mà bất cứ dân tộc nào hoặc sinh động vật cần phải có dầu mạnh hay yếu, ươn hèn hay oai hùng. Vấn đề cách sống thế nào hoặc tinh thần sống ra sao lại rất quan trọng vì chính nó nói lên giá trị của sự sống, của cuộc đời con người. Chẳng hạn chúng ta khinh những người có thể đi làm được, có khả năng kiếm kế sinh nhai nhưng lạm dụng hoặc vì tham lam bâu bứu vào sự trợ cấp an sinh xã hội. Chúng ta lại cảm thấy thán phục những người xét ra họ đáng được hưởng trợ cấp an sinh nhưng vì tinh thần tự trọng không muốn có cuộc sống tầm gửi, nên đã cố gắng tự lập xây dựng cho cuộc sống gia đình mình dù bằng cách ăn tiêu tần tiệm, cắt giảm tới mức tối đa những may sắm hoặc thú tiêu khiển hoang phí. Hai thái cực cùng trong một cuộc sống nói lên hai giá trị tinh thần. Lẽ đương nhiên, mọi người khinh chê "kẻ giầu" vì ăn bám, nhưng lại tự thâm tâm nghiêng mình chiêm ngưỡng "ông, bà nghèo" bởi cái cao ngạo tự lập dầu cho đôi khi thấy "người nghèo" ăn mặc có phần thua kém những người chung quanh. Cái khí phách hào hùng, niềm hãnh diện tinh thần, tự chủ cuộc đời bắt người khác tự tâm nể phục; ngược lại sự tầm gửi hoặc tinh thần ỷ lại ăn bám chẳng những tạo nơi con người niềm tự ty mặc cảm không dám ăn nói tự nhiên - có chăng chỉ cố gắng giả tạo khoe khoang để che lấp nhận thức thực trạng thấp hèn nơi tâm hồn mình - khiến loại người này tự khinh chính họ; còn những người chung quanh, coi thường là lẽ đương nhiên. Đâu phải vô lý mà dân tộc Việt hãnh diện vì qua hơn 700 năm cai trị của Tàu, dân ta đã không chịu cúi đầu lệ thuộc dẫu rằng nếu chấp nhận lệ thuộc, sát nhập vào Trung Hoa, tiền nhân ta sẽ không phải đổ máu, không phải trốn chạy cực khổ để mưu đồ dành tự chủ. Ai không khinh những tay sai cho Pháp, dù làm lớn và giỏi như Phạm Quỳnh, Phan Văn Trị... trong tay đầy quyền uy nhất thời, vật chất dư giả "Sáng rượu Sâm Banh, tối sữa bò" (Trần Tế Xương). Những tên ươn hèn lạm dụng như những cây tầm gửi sống bám uy quyền thực dân, đàn áp, và có thể nói theo cách khác: "Hút máu mủ đồng bào," chẳng những chính họ mà còn anh em họ hàng con cháu họ đều bị dân Việt khinh khi. Dân ta chỉ ca tụng những người có tinh thần bất khuất, hiệp khí ngất trời, và những con cháu những người này mới hãnh diện dám nói lên mình có liên hệ họ hàng hoặc bạn bè quen biết cũng mới hãnh diện vì được diễm phúc gặp gỡ các bậc anh hào ấy. Còn những con cháu của những tên tay sai báo hại dân tộc, đâu ai dám nhắc nhở đến chúng! Niềm cao ngạo của tinh thần sống tự lập tạo nơi tâm hồn dân Việt một sức sống vượt thắng tất cả những trở ngại trong cuộc đời. Những khó khăn nơi cuộc sống, những trở ngại do thiên thiên bắt con người phải chiến đấu vượt qua để giành sống tạo dựng nơi tâm hồn dân Việt tinh thần tự lập và cao ngạo làm người.
Niềm cao ngạo và tinh thần tự lập này được bổ túc bởi cơ cấu và nề nếp giáo dục gia đình cũng như xã hội; đó là khả năng sống hoà hợp theo thứ bậc; sống có thứ tự lớp lang; ông sao cho ra ông, cha sao cho ra cha, chồng ra chồng, vợ ra vợ và con ra con... Thứ bậc nào sống đúng với vai trò đó. Có người cho rằng dân Việt bị ảnh hưởng thuyết Chính Danh của Hán Nho về thứ tự lớp lang trong cuộc sống qua đạo Quân Thần: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ. Tôi không cần biết dân Việt bị ảnh hưởng bởi quan niệm Hán Nho về đạo Quân Thần hay không; có một điều tôi nghiệm chứng rõ là dân Việt có một đặc tính tôi tạm gọi là "chuyển hóa" (không hiểu các nhà chuyên môn nghiên cứu dùng danh từ gì?) Dân ta hội nhập những điều hay, lẽ nên của các dân tộc khác, chuyển hóa đoạn đồng hóa chúng sao cho hợp với tâm tình và lề lối sống của mình rồi áp dụng trong cuộc sống một cách thích nghi, không cố chấp cũng chẳng coi khinh mà tòng quyền tùy theo hoàn cảnh hay trường hợp. Xét ra, đạo Quân Thần của Hán Nho quá cứng ngắc và coi người khác tệ hại hơn nô lệ, thiếu sự tôn trọng con người: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử tử, tử bất tử bất hiếu;" trong khi dân Việt sống hòa hợp thứ bậc nhưng lại rất dân chủ. Cho nên, dù bị ảnh hưởng của tư tưởng Hán Nho, dân Việt đã tự nhiên dùng nó như một bàn đạp kiến tạo riêng cho mình một phong thái riêng. Dân ta đã đồng hóa cả một dân tộc, xá chi một quan niệm, tư tưởng, hay lối sống.
Lối sống hòa hợp theo thứ bậc trong gia đình và nơi xã hội của dân Việt giúp con người ý thức được vai trò và sự liên hệ của mình đối với những người chung quanh. Có thể nói đó là kỷ cương đặc biệt của dân Việt nói riêng, nhìn rộng hơn, của các dân tộc Á Châu nói chung. Lối sống này có thể coi là khuôn mẫu giúp cá nhân áp dụng tinh thần tự lập, cá tính tự chủ, óc sáng kiến, ý thức tự do v.v... vào trong bất cứ trường hợp nào liên hệ nơi cuộc sống. Nó tạo cho người Việt khả năng uyển chuyển để hội nhập vào xã hội chung quanh, đặc biệt khi mới gia nhập một xã hội mới. Nếu có thể so sánh, khả năng uyển chuyển trong lối sống hòa hợp của người Việt được ví như nước, giúp con người dễ dàng sống phù hợp với bất cứ điều kiện, môi trường xã hội nào; đó cũng là lý do tại sao dân Việt có thể trường kỳ kháng chiến nếu thời cuộc đòi hỏi để bảo vệ sự sống còn của dân tộc. Đồng thời khả năng sống hòa hợp giúp người Việt hội nhập mau lẹ vào những xã hội mới đã và đang được chứng minh bằng những gia đình Việt Nam định cư tại các nước trên thế giới sau năm 1975.