Thú vui lớn nhất của tôi ngoài việc văn chương là sưu tầm sách cũ. Mỗi tuần vào những ngày thứ năm và chủ nhật, tôi đều ghé phố sách cũ ở góc đường Huỳnh Mẫn Đạt – Trần Phú truy tìm những tác phẩm yêu thích. Cả phố sách cũ đều nhẵn mặt. Tôi mua rất nhiều sách, hầu như tiền kiếm được từ việc viết lách tôi đều đổ vào đó cả. Có một nhà thơ đã từng so sánh sách với các cô gái đẹp. Và tôi thì luôn say mê cái đẹp, vì thế tôi phải yêu cả hai. Căn gác gỗ lung lay như hàm răng bà lão đã phải gồng lưng gánh cả núi sách. Trên giá không còn chỗ chứa, tôi nhét xuống gầm bàn, gầm tủ, kệ tivi..Bây giờ thì cũng chẳng còn chỗ để nhét nữa. Mẹ tôi liên tục ca thán, ngoài ba mươi tuổi đầu mà vẫn cứ lông bông hết sách lại vỡ, trong khi bạn bè cùng trang lứa đã có con bế bồng. Hôn nhân là chuyện một đời chứ không phải một ngày một buổi, chẳng qua tôi chưa tìm được một nửa còn lại của mình. Mẹ nhìn thôi rồi chép miệng thở dài, dễ chừng nhà này không có người nối dõi. ° Sục sạo cả núi sách, cuối cùng, tôi tìm được báu vật mà bấy lâu tôi cất công tìm kiếm. Nó đây rồi! Tôi reo lên khe khẽ, rồi đưa tay vuốt ve lớp nhựa bọc bên ngoài quyển “ Tội ác và trừng phạt “ của đại văn hào Dotstoievski. Bộ trường thiên tiểu thuyết này, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần, thậm chí, tôi còn học thuộc vài chương. Mỗi lần đọc, tôi lại khám phá thêm những thông điệp lớn lao mà đại văn hào người Nga muốn gửi gắm. Trên giá sách nhà tôi đã có sẵn một bộ, tuy nhiên, tôi vẫn thích thú với quyển sách cũ này, bởi nó được dịch từ bản Pháp ngữ chứ không phải từ nguyên bản tiếng Slavơ. Và do nhà xuất bản Lá Bối phát hành năm 1973 chứ không phải của nhà xuất bản Văn Học phát hành vào những năm sau giải phóng. Việc đọc hai bản dịch của hai thế hệ, từ hai ngôn ngữ khác nhau sẽ giúp tôi hiểu thêm về Đốt, cũng như cái tài, cái tâm của người dịch. Tôi nhanh chóng thanh toán tiền rồi gửi sách cho bà chủ quán luôn mồm phì phà thuốc lá đen để tiếp tục công việc đãi cát tìm vàng. Trong khi, tôi đang cân nhắc túi tiền với quyển “ Zarathustra đã nói như thế “ của ông tổ chủ nghĩa hiện sinh vô thần Friedrich Nietzsche, bỗng nghe những lời trao đổi giữa bà chủ quán sách với một cô gái trẻ. - Bác bán cho tôi quyển này đi, tôi năn nỉ bác đấy. - Đã nói là không được mà lại. - Tôi sẵn sàng trả giá cao gấp đôi! - Gấp mười cũng không, bởi nó đã có chủ. – Đoạn bà hất hàm về phía tôi, nói:- Của chàng thanh niên đó, cô thử thương lượng với anh ta xem sao. Tôi giả bộ tảng lờ, chúi mũi vào mớ tạp chí Mode cũ. Cô gái nhẹ nhàng bước đến bên tôi. Nói vừa đủ nghe: - Xin lỗi, anh có thể nhường lại quyển sách đó cho tôi? Tôi lắc đầu, nói: - Cô thông cảm, tôi đã mất nhiều công sức và thời gian để có nó. Cô có thể tìm mua ở các nhà sách rải rác trong thành phố, tất nhiên không phải là quyển này. Dù sao nhà xuất bản Văn Học là địa chỉ đáng tin cậy. - Tôi chỉ thích đọc qua bản dịch từ Pháp ngữ. Bản tiếng Nga tôi đã có rồi. Thì ra, nàng cũng cùng sở thích như mình đây, - tôi nghĩ thầm. Đoạn ngước lên nhìn cô gái. Cô cũng bạo dạn nhìn tôi. - Cô cũng say mê và am tường Đốt nhỉ? Nàng khẽ gật đầu. Giọng nói trở nên sôi nổi pha chút tự hào: - Tôi yêu Đốt. Tất cả sáng tác của ông, tôi đã đọc. Và càng đọc, tôi càng say mê Đốt. Anh đã xem “ Anh em nhà Kamarazốp “ chưa? - Đã, đấy là tác phẩm vĩ đại. So sánh giữa “ Chiến tranh và hòa bình “ của Lev Tostoi với “Anh em nhà Kamarazốp “ tôi thích Đốt hơn. Nàng gật đầu cùng chia sẻ quan điểm với tôi: - Tôi cũng có suy nghĩ như anh. Giữa triết học và lịch sử, tôi chọn triết. Tôi nheo mắt nhìn nàng và không dấu vẻ ngạc nhiên. Nàng quá trẻ ( chỉ trên dưới hai mươi ), trang phục và dáng vẻ bên ngoài theo mốt thời thượng; đầu tóc uốn quăn, áo pull hiệu Cá sấu của Thái Lan bó sát thân hình cân đối, chân đi giày thể thao trắng hiệu Nike. Một cô gái trẻ đẹp với cách phục sức tân thời chỉ thích hợp với những bộ tiểu thuyết diễm tình lãng mạn của Quỳnh Dao, nghe nhạc pop rock, uống rượu Tây nhảy disco cuồng loạn ở vũ trường hơn là giành thời gian nghiền ngẫm những giá trị tinh thần hóc xương, bởi văn của Đốt không phải ai cũng có thể cảm thụ. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, nàng nói: - Em bắt đầu làm quen với Đốt năm mười tám tuổi, – nàng thay đổi cách xưng hô, có lẽ, vì thấy tôi lớn hơn nàng nhiều tuổi:- với tiểu thuyết “ Những kẻ tủi nhục “. Văn của ông sâu xa, thâm trầm và đa nghĩa, em cứ ngơ ngác như người lần đầu đi rừng đánh rơi mất la bàn. Sau nhờ thầy giáo tận tình hướng dẫn cách đọc, phân tích những giá trị nhân văn lớn lao..em mới hiểu được phần nào. Và khi đã tỏ ngộ chân lý thì đâm ra nghiện không sao rứt ra được. Rồi nàng tự giới thiệu về mình: - Em tên Nguyệt Hà. Mẹ em sinh em trên một con đò vào một đêm trăng sáng, nên bà đặt tên em là Nguyệt Hà để ghi nhớ một kỷ niệm. - Cái tên thật đẹp và rất ấn tượng. Nguyệt Hà cười chúm chím: - Em cũng rất hãnh diện về cái tên của mình. Sông trăng nghe cũng lãng mạn, anh nhỉ! Cha em là chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố. Đức Tân, chắc anh đã từng nghe qua? Tôi lập tức có ngay ấn tượng tốt với nàng. Đức Tân là doanh nghiệp tư nhân không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang ăn nên làm ra, mà còn là nhà hoạt động từ thiện rất tích cực. Tôi biết ông, bởi ông chứ không ai khác đã hỗ trợ học bổng cho tôi suốt bốn năm trên ghế giảng đường đại học để ngày hôm nay tôi trở thành nhà văn chuyên viết truyện trinh thám. - Tôi tặng cô quyển sách này. Gương mặt nàng bừng sáng, cặp môi mỏng cong lên trông rất giống trẻ con. Đoạn nàng lắc đầu từ chối: - Em không dám nhận. Em sẽ gửi lại tiền cho anh. - Không. Tôi tặng cô. Nếu cô không nhận, tôi cũng không bán. Nàng nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: - Vậy, em không có lý do gì từ chối. Cám ơn anh nhiều lắm. Em mời anh một cốc cà phê đáp lễ nhé? Chúng tôi vào quán cà phê nằm đâu lưng với Công ty Thuốc lá. Nguyệt Hà là cô gái dễ gần, rất đáng yêu, tính cách có phần phức tạp, có lúc nàng trở nên điềm đạm chín chắn như người từng trải, lại có lúc hồn nhiên nghịch ngợm như như cô học trò nhí nhảnh cấp hai. Nguyệt Hà nói: - Tất cả đều do cha em đấy, anh ạ. – Nàng ngưng nói, gương mặt đầy vẻ biểu cảm:-Sinh em được vài tháng thì mẹ em đột ngột qua đời do bệnh. Cha em quyết ở vậy nuôi con. Ông muốn biến em thành con trai, nên suốt một thời gian dài ông dạy dỗ em theo kiểu nhà binh. Ông buộc em cắt tóc ngắn, mặc y phục nam giới. Dạy em cưỡi mô tô, thậm chí còn ra sức cổ vũ những lúc em phóng xe bạt mạng trên đường phố..Nhưng tất cả mọi nỗ lực của ông đều bất thành. Bây giờ em đã trở lại con người chính mình. - Một cô gái đẹp như em mà phải làm nam giới thật uổng. Dù sao, đó cũng là một quyết định sai lầm. Nguyệt Hà thoáng đỏ mặt. Đầu cúi thấp. Mùi nước hoa xộc vào mũi gây cho tôi cảm giác dễ chịu. Nàng nói: - Cám ơn anh đã có lời khen. Nhưng em không thích những lời tán dương thái quá, sai sự thật đâu nhé! Tôi phì cười: - Tôi nói thật mà. Cô rất đẹp. Những lúc cười trông cô càng đẹp hơn. Nàng nói: - Như thế, em sẽ cười suốt anh nhỉ. Những câu bông phèng đưa qua đẩy lại giúp chúng tôi gần nhau hơn. Chúng tôi nói chuyện rất thoải mái cứ như là đôi bạn thân từ muôn kiếp trước. - Anh có thuốc lá cho em một điếu. Tôi lấy thuốc mời nàng, rồi giúp nàng mồi thuốc. - Cô thường hút thuốc sao? Nàng lắc đầu: - Không. Em chỉ hút khi có tâm trạng. Nicotin không có lợi cho sức khỏe, điều đó ai cũng biết nhưng nó lại giúp ta rất nhiều về mặt tinh thần chả thế mà tín đồ đạo thuốc lá cứ tăng lên vùn vụt. Tôi gật đầu: - Tôi thường hút nhiều những lúc tìm cảm hứng sáng tác, có khi tôi đốt cả bao chỉ trong buổi sáng. Mẹ tôi cứ ca cẩm mãi. Tôi đã cai thuốc vài lần và bao giờ cũng thất bại. Nàng ngước mắt nhìn tôi, nói như reo: - Anh là nhà văn? Tôi cười ngượng: - Tôi chuyên viết truyện trinh thám. - Mê Đốt mà viết trinh thám? Anh đã thử sức những thể loại khác chưa? - Đã, và không mấy thành công. Giới văn nghệ xem những người như tôi là nhà văn hạng bét. - Đấy là những định kiến sai lầm! – Nàng tỏ vẻ phẫn nộ:- Muốn thành công ở thể loại này, người viết phải có tư duy logich, óc quan sát và tinh thần sáng tạo bền bỉ. – Đoạn nàng cười khẽ:- Em cũng đã từng tập tành văn chương. Đã có vài bài in trên Cầu Vồng. Và cuối cùng, em nhận ra mình chỉ có thể thụ hưởng chứ không thể là người sáng tạo. - Cô đang theo đuổi công việc gì? Nàng thở dài chán nản: - Tốt nghiệp khoa ngữ văn, em muốn làm một công việc có dính dáng đến văn chương, biên tập viên chẳng hạn nhưng cha em không đồng ý. Ông muốn em về làm việc tại công ty. Cha em đã già, trong khi em hoàn toàn không có chút khái niệm về quản lý, sản xuất, kinh doanh, ký hợp đồng rối rắm như đám rừng nguyên sinh. Tôi nói: - Ước muốn cha cô là hợp lý. Chẳng ai muốn tài sản tích cóp cả đời rơi vào tay người lạ. Cô nên thông cảm cho cha mình. - Em cũng biết vậy – Giọng nàng buồn bã:- Nhưng mọi việc với em khó quá. – Nàng cầm chiếc thìa ngoáy ngoáy cốc chanh dây:- Tại sao con người không thể được sống theo ý muốn của mình? - Bởi vì chúng ta còn bị ràng buộc nhiều mối quan hệ khác. Đó chính là dãy núi đè nặng phận người. Dù muốn dù không, ta phải chấp nhận nó. - Thật buồn! – Nàng ngao ngán:- Cả tuần nay em không đến công ty. Cha em giận lắm. Thậm chí, ông còn dọa sẽ đăng báo từ con nữa đấy. Em phải làm gì đây, anh? ° Tôi cứ nghĩ, đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, bởi chúng tôi không có lý do gì để gặp nhau nữa, không ngờ, đúng sáu giờ chiều hôm sau, tôi nhận được điện thoại của nàng: - Chào anh, em, Nguyệt Hà đây. Xin lỗi vì đã làm phiền. Anh đang sáng tác? Tôi nói: - Chào cô. Không, tôi đang đọc sách. Làm sao cô biết số phone của tôi? Nàng cười rúc rích trong ống nghe: - Em liên hệ với nhà xuất bản, họ cho em card visit của anh. Làm người nổi tiếng cũng thích anh nhỉ! Đoạn nàng nói nghiêm chỉnh: - Em tìm thấy bức thư kẹp trong “ Tội ác và trừng phạt “, có phải là của anh? Tôi ngạc nhiên: - Không, không phải thư tôi. Có lẽ, chủ nhân quyển sách đã để quên trong ấy trước khi đem đi thanh lý cho quầy sách cũ. Tôi chỉ liên lạc bằng thư điện tử. Chữ tôi xấu lắm. - Em đang ở gần nơi anh ở. Chúng ta có thể gặp nhau, uống cốc cà phê, tán gẫn đỡ buồn được không anh? Tôi trả lời vui vẻ: - Tất nhiên rồi, tôi sẽ ra ngay. Cô đang ở đâu? Khoảng mười lăm phút sau, chúng tôi đã ngồi trong quán cà phê sân vườn. Trời trong gió mát, âm nhạc du dương, phong cảnh thật nên thơ hữu tình. - Cô với cha cô đã ký hiệp ước hòa bình, chấm dứt chiến tranh chưa? - Chưa, - nàng lắc đầu,:- mỗi bên đều khăng khăng bảo vệ lẽ phải của mình. Xem ra cuộc chiến còn lâu mới kết thúc. - Có lẽ, cô nên chịu lùi một bước sẽ tốt hơn. - Nhưng, em không thể sống khác với bản thân mình. Em cũng không chịu nổi sự áp đặt máy móc. Tối qua, giữa em và cha đã xảy ra cuộc đối đáp hết sức căng thẳng. Buồn quá, anh à. Nguyệt Hà có tính cách khá dữ dội. Nàng đã quyết liệt với cha để đòi lại giới tính của mình. Và bây giờ nàng đang đấu tranh đòi quyền sống và làm việc theo sở thích riêng. Tôi thật sự tôn trọng và thích được làm quen với những người mạnh mẻ, nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ chọn họ làm người bạn đời trăm năm. Nàng ngồi lắc lư trên ghế. Đôi chân mang giày Nike liên tục cử động theo giai điệu âm nhạc. - Em đã thẳng thừng với cha, nếu cha cứ ép em làm côc mà mình không ưa thích, em chẳng thiết sống làm gì nữa. - Đấy là những lời nói thiếu chín chắn trong lúc nóng giận. Theo tôi, cô nên biết kiềm chế đúng lúc. Dù sao cũng là cha của mình. Rồi cha cô đã phản ứng ra sao? - Chẳng làm sao cả. Cha chỉ im lặng. Gương mặt tái xanh. Chúng tôi chuyển sang đề tài âm nhạc, văn học. Chín giờ tối. Trước khi chia tay, nàng chìa ra hai chiếc vé. Nói: - Chẳng biết anh có hứng thú với nhạc giao hưởng không. Bảy giờ tối mai, tại nhà hát Lớn thành phố có buổi trình diễn của giàn nhạc giao hưởng Đức... - Rất hân hạnh. Cô khiến tôi ngại quá. Lẽ ra tôi phải là người mời. - Em không thích kiểu cách đâu. Cặp vé này, em không phải mất tiền mua, một người bạn thân của cha tẵng em đấy. Đồng ý rồi nhé. Em sẽ chờ anh trước cổng nhà hát. Đừng đến muộn nghen. Tôi gật đầu. Nàng chìa tay ra cho tôi bắt. Bàn tay nàng mềm và ấm. Tôi có cảm giác máu nóng từ người nàng truyền sang tôi. Ánh mắt nàng nhìn tôi vừa bạo dạn, vừa đăm đắm thiết tha. Tôi khẽ rùng mình, vội day mặt sang nơi khác. - Chào tạm biệt. Tôi xoay người dợm bước đi, nàng bỗng lao đến, vòng tay choàng qua vai tôi và đặt lên môi nụ hôn bỏng cháy. Trong khi tôi còn đang ngơ ngác, nàng đã chạy vượt lên phía trước. Cánh tay vẫy vẫy: - Mai gặp lại nhá! ° Nụ hôn đầu đời khiến tôi thao thức cả đêm. Mãi gần bốn giờ sáng mới chợp mắt được. Tôi thức dậy cũng là lúc mẹ tôi đang chuẩn bị bữa cơm trưa. - Sao hôm nay dậy muộn vậy, con? Tôi đành nói dối: - Tối qua con lên mạng tải một số dữ liệu. Ban ngày liên tục bị rớt mạng nên phải tranh thủ vào ban đêm. Người ta có mang báo sáng đến không, mẹ? - Có, - mẹ tôi đặt cái chảo lên bếp rồi đổ vào ít dầu ăn:- Mẹ để chúng trên kệ tủ phòng khách. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, tôi vào phòng khách tranh thủ lướt mắt qua mấy trang báo. Vì công việc, tôi đặt mua rất nhiều báo. Sau khi đọc xong mục giải trí & thể thao, tôi gấp tờ Sài Gòn lại, ném lên mặt bàn. Mục Cảm Tạ đập vào mắt, khiến tôi cầm trở lên. Gia đình chúng tôi và công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Tân, vô cùng cảm tạ các vị cán bộ lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận cùng thân bằng quyến thuộc.. đã tiễn đưa con gái tôi là Lê Thị Nguyệt Hà về đến nơi yên nghỉ cuối cùng...Tôi rùng mình như có luồng điện cực mạnh chạy dọc xương sống. Sao có chuyện lạ thế nhỉ, tôi nói làu bàu, chẳng phải Nguyệt Hà và tôi đã gặp nhau rất vui vẻ vào tối hôm qua đó sao. Vô lý! Nhất định ở đây có sự nhầm lẫn. Làm gì có chuyện một người đã qua đời trước đó lại có thể sống lại rũ tôi uống cà phê vào những ngày sau? Nghĩ vậy, tôi liền mở máy vi tính, kết nối internet. Tôi vào trang google.com.vn và gõ địa chỉ vào mục tìm kiếm. Trang web công ty Đức Tân kích hoạt. Và hiện ra mẫu thông tin như sau: Tin buồn, gia đình và công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Tân vô cùng thương tiếc thông báo con gái của tôi là Lê Thị Nguyệt Hà đã đột ngột từ trần vào lúc 16 giờ 30 phút, ngày 22, tháng 10, năm 2006. Hưởng dương 24 tuổi. Linh cửu quàn tại tư gia số.. Lễ động quan tiến hành vào lúc 7 giờ sáng ngày 24 tháng 6, tại nghĩa trang Đa Phước...Cạnh đó là bức chân dung bán thân của người chết. Chính là cô ấy! Nếu chấp nhận những thông tin trên, như vậy, Nguyệt Hà đã tử vong trước khi chúng tôi gặp nhau đúng mười hôm. Mình có hoa mắt không nhỉ. Quái lạ! Để kiểm tra tính chính xác, tôi bèn bấm số điện thoại đến công ty Đức Tân. Trực máy là một cô gái có giọng nói ngọt và êm: - Xin lỗi, tôi có thể giúp gì cho quý khách? Tôi nói: - Tôi là bạn học của Nguyệt Hà. Tôi.. - Chị Nguyệt Hà đã chết hơn mười ngày nay rồi. Sao đến bây giờ anh mới biết? - Tôi biết được thông tin này qua báo chí và mạng internet. Bởi từ lâu chúng tôi không liên lạc với nhau. Cô làm ơn nói rõ hơn được không. - Chị Nguyệt Hà mất đúng mười một ngày rồi, anh ạ, nguyên do là tai nạn giao thông. – Đoạn cô xuống giọng:- Thật ra, đấy không thể gọi là tại nạn, bởi chính chị ấy tự lao mô tô vào xe tải chở bia. Bên công an kết luận; chị Nguyệt Hà tự tử. - Tại sao Nguyệt Hà lại chọn cái chết? Cô ấy rất sôi nổi và yêu đời cơ mà. Tiếng thở dài của cô trực điện thoại: - Chẳng qua, đó là đóng kịch thôi. Chị Nguyệt Hà không chịu vào làm việc tại công ty của bố. Hai cha con đã vài lần xảy ra to tiếng. Và sau đó..thì anh biết rồi đấy, tôi chẳng cần nói thêm. - Nhưng, có người bảo đã nhìn thấy cô ấy vào tối hôm qua tại quán cà phê Vọng Các! – Tôi tiếp tục đóng kịch để khai thác tin tức. Cô trực máy bỗng cười lên một tràng dài: - Nếu vậy, cho tôi gửi đến người đó lời khuyên; nên đến trung tâm mắt kiểm tra lại thị lực. Rõ ràng mắt của anh ta có vấn đề rất nghiêm trọng. - Ông Đức Tân có tất cả mấy người con? Giọng cô gái có vẻ bực mình: - Ô hay, là bạn thân mà anh không biết, chị Nguyệt Hà là con duy nhất à? Bạn thân gì kỳ thế? Thôi, tôi cúp máy đây. Tôi gác máy. Và ngơ ngác như người mộng du. Chẳng lẽ những gì đã xảy ra với tôi trong mấy ngày qua chỉ là giấc mộng? Không! Tất cả đều là sự thật, một sự thật hiển nhiên trước mắt không thể phủ định hay chối cãi cho được. Thậm chí nụ hôn của nàng tối qua còn phảng phất quanh đây. Suy nghĩ một lúc, tôi bèn nổ máy xe hướng thẳng đến nghĩa trang. Từ chỗ tôi ở đến nghĩa trang Đa Phước mất khoảng bốn mươi phút. Quản trang là một người đàn ông đứng tuổi, gân guốc và có giọng nói lào phào rất khó nghe. Tôi giúi cho bác một ít tiền và đề nghị người quản trang đưa tôi đến mộ của nàng để thắp mấy nén hương. Vòng vèo một lúc, bác quản trang đưa tôi đến mộ phần của Nguyệt Hà. Vừa nhìn thấy chân dung người chết in trên đá hoa cương, tôi lập tức nhận ra là nàng. Phía dưới chân dung bán thân có ghi mấy dòng: Lê Thị Nguyệt Hà, sinh ngày 13, tháng 9, năm Quý hợi. Mất ngày 22, tháng 10, năm Bính tuất. Hưởng dương 24 tuổi. Người quản trang vừa cầm chổi khua khua đám lá cây, vừa nói chuyện: - Kim tỉnh mới xây xong ngày hôm qua, hơn chục triệu đấy. Ông giám đốc gì gì đó giàu quá cỡ thợ mộc, tiêu tiền như nước! Rời khỏi nghĩa trang, tôi phóng ngược về lối cũ. Những ý nghĩ mơ hồ hư hư thực thực chiếm hữu toàn phần tâm trí, tôi bị lạc tay lái đâm sầm vào trụ điện cao thế, cũng may, người và xe chỉ bị xây xát nhẹ. Chuyện gì đã xảy ra với tôi trong mấy ngày qua? Tôi đã gặp phải một hồn ma bóng quế hay bị chứng tâm thần phân liệt ám ảnh? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh suốt bữa cơm. Và rốt cuộc, tôi đành thở dài bất lực. Cơm nước xong, tôi bèn xách xe đến hiệu sách cũ. Cũng may bà chủ quầy nghiện thuốc lá đen hãy còn ở đấy ( thường bà chỉ bán vào buổi sáng. Còn buổi chiều cháu gái bà ra thay ). Vừa thấy tôi, bà ném mẫu thuốc lá xuống đất rồi toét miệng cười phô cả lợi: - Chú không đi với cô gái hôm nọ sao? Tôi làm bộ ngơ ngác: - Cô gái nào ạ? - Thôi, đừng có giả mù sa mưa nữa. Cô gái mang giày thể thao trắng nằn nì chú để lại quyển sách gì gì, để tôi nhớ lại xem..a ̀” Tội ác và trừng phạt “ đó. Sau đó hai cô cậu vào quán nước bên kia đường coi bộ tình tứ lắm. - À, - tôi giả vờ reo lên:- Chuyện xảy ra lâu rồi, tôi không nhớ. Gần nửa tháng rồi bác nhỉ? Bà chủ quầy sách kéo trễ đôi mục kỉnh nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: - Cái gì nữa tháng? Chú có lộn hồn không vậy? Hôm đó là thứ hai. Bữa nay mới thứ tư. Ba ngày chớ mấy. Những kẻ đang yêu thường chỉ biết có mỗi người mình yêu, còn mọi chuyện thì quên sạch. Này, tôi có bộ Thủy Hử chú có lấy không? Mọi việc thế là đã rõ. Không phải chỉ mỗi mình tôi mà bà chủ tiệm sách cũ cũng tạn mắt nhìn thấy. Như vậy, chẳng phải tôi đã tiếp xúc với hồn ma đó sao? Không thể như thế. Rõ ràng tôi đã tiếp xúc với một người bằng xương bằng thịt. Bàn tay nàng ấm áp. Nụ hôn nóng bỏng trên môi. Và những lời tâm tình rất đời, rất người. Nếu thật sự có tồn tại thế giới thứ ba, nhất định chúng phải mang gương mặt khác, một tâm tính khác. Sự việc càng trở nên rắc rối, càng phức tạp và vô cùng khó hiểu. Tôi trở về nhà và ở lì trong phòng riêng. Đến bữa cơm tối, mẹ tôi gọi cửa, giục tôi ra ăn cơm. Nhưng lúc này đây, tôi chẳng còn bụng dạ nào nghỉ đến chuyện ăn uống nữa, hình ảnh cô gái mang giày thể thao trắng giàu cá tính và chịu nhiều bất hạnh cứ ám ảnh tâm trí tôi không sao rứt ra được. Trời tối rất nhanh. Tôi chẳng buồn bật đèn. Tôi nằm thẳng người trên giường, mắt hướng lên trần nhà. Tự nhiên tôi cảm thấy rã rời tứ chi. Đầu nặng như đeo đá. Tôi bỗng thấy nhớ Nguyệt Hà khủng khiếp. Phải chăng tôi đã yêu một hồn ma bóng quế? Kim đồng hồ treo tường thong thả gõ bảy nhịp. Tôi thấy khát nhưng không muốn uống. Bầy muỗi đói nhân bóng đêm tàn tạ lao vào người tôi thay nhau chè chén. Kệ! Hôm nay tao khao chúng mày một bữa no say. Chợt tiếng chuông điện thoại cầm tay reo lên. Tôi uể oải ngồi dậy. Lại là tay giám đốc nhà xuất bản gọi đến hối thúc giao bản thảo đây mà. Đã bảo thứ sáu mới xong. Vậy mà lão cứ gọi điện liên tục. Tôi xẵng giọng - A lô! Tôi nghe đây. Bên kia đầu dây vang lên giọng nữ quen, giọng của Nguyệt Hà! - Ô, anh đã hứa, sẽ có mặt tại nhà hát Lớn trước bảy giờ tối, bây giờ đã trễ gần mười phút. Anh đang ở đâu vậy? Đến nhanh lên kẻo trễ. Quy định của nhà hát muộn quá mười lăm phút, nhân viên soát vé sẽ không cho vào cổng đấy. A lô! Tôi lập tức gác ống nghe. Lao nhanh ra cửa.